Tuesday, October 1, 2024

3590. TRƯƠNG VŨ 9 bức tranh chân dung.

TRƯƠNG THANH TUYỀN
sơn dầu trên bố, 24" x 30"
thực hiện năm 2011

TRẦN NHẬT TIẾN
sơn dầu trên bố, 24" x 30"
thực hiện năm 2011

TRƯƠNG BẢO TRÂM
sơn dầu trên bố, 24" x 30"
thực hiện năm 2013

TRƯƠNG LINH VŨ
sơn dầu trên bố, 24" x 30"
thực hiện năm 2007

DYLAN NGUYỄN
sơn dầu trên bố, 24" x 30"
thực hiện năm 2007

TRISTIN NGUYỄN
sơn dầu trên bố, 24" x 30"
thực hiện năm 2013

SALLY TRẦN VÀ CON
sơn dầu trên bố, 24" x 30"
thực hiện năm 2017

ISABELLE TRƯƠNG
pastel trên giấy Canson, 30" x 24"
thực hiện năm 2005

ASHLEY TRẦN
sơn dầu trên bố, 24" x 30"
thực hiện năm 2019

3589. CHUYỆN KỂ VỀ MỘT CON CHÓ Truyện ngắn MARK TWAIN (1835 – 1910) THÂN TRỌNG SƠN dịch và giới thiệu

Nhà văn Mark Twain (1835-1910)


“Good friends, good books, and a sleepy conscience: this is the ideal life.”

    “ Những người bạn tốt, những cuốn sách hay và một lương tâm đang ngủ yên: đây chính là cuộc sống lý tưởng.”

Samuel Langhorne Clemens (được biết đến với bút hiệu Mark Twain ) là nhà văn và là nhà diễn thuyết nổi tiếng của Mỹ . Ông sinh ra vào chính ngày sao chổi Halley  xuất hiện năm1835 và mất đúng vào lần sao chổi xuất hiện lần sau, năm 1910.

Cha của Sam là ông John Marshall Clemens là một luật sư đã rời khỏi tiểu bang Virginia để sang định cư tại  Missouri, còn bà mẹ Jane Lampton Clemens là người từ bang Kentucky.  Đây là một gia đình không giàu có nhưng cho các con được sống tự do, thoải mái. Vào thời kỳ đó, cả hai tiểu bang Missouri và  Kentucky đều là tiểu bang duy trì chế độ nô lệ Năm 1821 , Missouri  được nhận vào  Liên bang Hoa Kỳ.

Năm 1847, người cha qua đời khi ông 11 tuổi, Sam Clemens tới học nghề với người anh tên là Orion, người này có một nhà in và một tờ báo. Vào thời bấy giờ, thợ in không phải là một nghề kiếm nhiều tiền, Sam đã từng đi làm công tại nhiều thành phố như Keokuk hay New York đã mơ tới xứ Nam Mỹ để đi tìm vàng, mơ tới các cách làm giàu nhanh chóng.

Sam Clemens tới học nghề lái tàu với ông Horace Bixby vào năm 1857 và đã ưa thích nghề mới này hơn tất cả các nghề khác đã từng làm trước kia. Các kinh nghiệm và kỷ niệm của quãng đời học nghề lái tàu này đã được tác giả Mark Twain mô tả trong cuốn truyện Đời sống trên dòng sông Mississippi (Life on the Mississippi). Sam Clemens lấy được bằng lái tàu trên sông vào năm 1859 nhưng rồi  Nội chiến Hoa Kỳ  đã xảy ra, khiến cho việc lưu thông trên sông Mississippi  bị chấm dứt.

Trong thời Nội chiến, Sam Clemens đã tham gia vào Lực lượng Quân sự Miền Nam nhưng sau ba tuần lễ, đã đào ngũ, trốn đi theo nghề đào mỏ bạc tại tiểu bang   Nebraska rồi lang thang từ thị xã này qua thành phố kia và cuối cùng tới tiểu bang  Nebraska định cư tại thị xã Virginia Sam Clemens bắt đầu viết bài cho tờ báo Territorial Enterprise của thị xã này.

Vào năm 1863, Sam Clemens dùng bút hiệu "Mark Twain", có nghĩa là "sâu 2 tầm", do từ các kỷ niệm lái tàu trên dòng sông Mississippi. Sau lần cãi nhau với chủ bút tờ báo, Mark Twain rời Nebraska và dọn qua tiểu bang California vào mùa xuân năm 1864.Từ năm 1865, danh tiếng đã tới với Mark Twain sau khi ông cho xuất bản cuốn truyện "Con ếch hay nhảy của quận hạt Calaveras" (the Jumping Frog of Calaveras County). Mark Twain đã viết một loạt bài châm chọc các du khách. Ông đã đưa lối văn đàm thoại (colloquial speech) vào cách hành văn Mỹ và nhờ các truyện ngắn, ông đã nổi danh là một nhà viết văn khôi hài (humorist), chuyên chế giễu các phong tục, tập quán và các định chế của xã hội đương thời. Tác giả Mark Twain cũng viết khôi hài về các cảnh nhìn thấy, về các tập quán  nghịch lý của các đã đi qua và so sánh Hoa Kỳ là một đất nước sống động, đang phát triển, trái ngược với châu Âu  là một miền đất đang thoái hóa, suy tàn. Tác phẩm của ông đã khiến ông nổi tiếng và được nhiều người tôn trọng, đồng thời các nhà văn  miền Tây Hoa Kỳ  không còn bị coi thường như trước kia.

Các tác phẩm cuối đời của ông gồm Người Mỹ đòi quyền lợi (The American Claimant, 1892 ) Dean Howells vào năm 1883. Một tiểu thuyết trinh thám khác có tên là Bi kịch của Pudd'nhead Wilson (The Tragedy of Pudd'nhead Wilson,1894 ). Nhớ về Joan of Arc (Personal Recollections of Joan of Arc, 1896 ) là một cuốn tiểu sử (biography) dựa vào các tài liệu lịch sử. Mark Twain cũng kể lại những kinh nghiệm trong các chuyến đi diễn thuyết tại nước ngoài vào năm 1895, 1896 qua cuốn tiểu thuyết Theo đường xích đạo (Following the Equator, 1897 )trong khi cuốn truyện ngắn Kẻ tham nhũng tại Hadleburg (The Man that Corrupted Hadleburg, 1899) đã chế giễu các nhà lãnh đạo tự phụ của một thành phố Các tác phẩm của Mark Twain càng về sau, càng mất dần tính khôi hài của thời tuổi trẻ và bộc lộ cách nhìn bi quan hơn do tác giả nghi ngờ các loại tôn giáo, do tác giả nhận ra các động lực chính của con người là lòng ích kỷ.

Trong 20 năm trường sống tại thành phố Hartford hay tại Quarry Farm gần thành phố Elmira, New York, Mark Twain đã viết rất nhiều và các bài viết được phổ biến qua các tạp chí văn học xuất bản tại hai thành phố Boston và  Kayem. Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer  (The Adventures of Tom Sawyer, 1876 ) được coi là hồi ký của Mark Twain và tác giả mô tả Tom Sawyer, anh bạn Huck Finn và tên gian ác Injun Joe cũng như làng St. Peterburg nhờ các kỷ niệm sống tại Hannibal khi trước.

Các cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn (The Adventures of Huckleberry Finn) được coi là tác phẩm danh tiếng nhất của Mark Twain, được xuất bản tại Anh vào năm  1884 và Hoa Kỳ vào năm 1885 và là phần tiếp của cuốn Tom Sawyer. Cuốn truyện này mô tả các cuộc phiêu lưu của hai đứa trẻ trốn nhà, là Huck Finn và một em nô lệ da đen tên là Jim. Tom Sawyer cũng xuất hiện lại trong một số chương với trò khôi hài cố hữu.

Với những tiểu thuyết  đặc sắc và những nhân vật sống động cống hiến cho nền văn học Mỹ   Mark Twain xứng đáng là ngôi sao của nền văn học hiện đại nước này.

Nói về truyện  A Dog’s Tale giới thiệu dưới đây, Mark Twain đã phát biểu:

 “ If you pick up a starving dog and make him prosperous, he will not bite you. This is the principal difference between a dog and a man. The dog is a gentleman; I hope to go to his heaven, not man’s.”

 “ Nếu bạn nhặt một con chó đói và làm cho nó thịnh vượng, nó sẽ không cắn bạn. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa chó và người. Con chó là một quý ông; Tôi hy vọng được lên thiên đường của anh ấy chứ không phải của con người. “

Truyện được viết năm 1903, thời kỳ Hoa Kỳ đang trải qua những biến chuyển xã hội và chính trị quan trọng với những phong trào cải cách nhằm tìm những lối thoát cho xã hội như tình trạng nghèo túng, đòi quyền bầu cử cho xã hội. Đây cũng là thời kỳ Hoa Kỳ đạt được nhiều tiến bộ về khoa học kỹ thuật. Xe hơi được sử dụng phổ biến hơn và anh em nhà Wright thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên.

Trong bối cảnh đó, Mark Twain, tuy viết về loài vật nhưng vẫn trung thành với chủ đề quen thuộc là chống bất công. Truyện phản ảnh tính ích kỷ và độc ác của loài người đối với đồng loại và thú vật, đồng thời nói lên sự trung thành của loài vật đối với chủ, trong khi chủ thì độc ác, ích kỷ, chỉ sử dụng loài vật cho lợi ích của mình. Truyện là một ẩn dụ nói lên thái độ bất công của loài người tự cho mình là văn minh, có giáo dục và khôn ngoan trong hành xử nhưng lại bất chấp cảm xúc của người khác khi có tranh chấp về quyền lợi. Trong truyện, ông chủ đem về giống chó tai cụp để con gái được vui. Chính con chó đã cứu mạng đứa bé, chó đã nghe theo lời mẹ : “. Để tưởng nhớ mẹ, mỗi khi người khác  gặp nguy hiểm, con đừng nên nghĩ về chính mình.”

Người đọc tự rút ra nhiều bài học khi đọc truyện này. 

Điều này vượt xa bản năng. Đấy là sự tư duy, mà nhiều con người được may mắn sinh ra trên thế gian này lại thiếu thốn”

 

Chương 1

Cha tôi thuộc giống St Bernard, còn mẹ tôi thuộc loài Collie, nhưng tôi thì lại là một chú Presbyterian. Đấy là điều mẹ tôi nói , chứ tôi chẳng phân biệt được những sự khác biệt tinh tế như thế. Với tôi thì đấy chỉ là một mớ những từ ngữ to tát vô nghĩa mà thôi. Mẹ tôi thì lại thích những từ ngữ ấy lắm; mẹ tôi thích sủa những từ ấy để thấy những con chó khác kinh ngạc vì ghen tỵ khi chúng phải ngạc nhiên rằng sao mẹ tôi lại biết nhiều đến thế. Nhưng thật ra thì đấy nào có phải là sự học hành nghiêm chỉnh gì đâu; đấy chỉ là sự khuếch trương mà thôi: mẹ tôi thường nghe lỏm được những từ này từ các phòng đọc sách hay từ phòng ăn khi mọi người tụ họp, hoặc cũng có khi là những dịp mẹ tôi được đi theo lũ trẻ con đến lớp học ngày Chủ Nhật; và mỗi khi mẹ tôi nghe được một từ thật to tát thì mẹ tôi cứ lặp đi lặp lại thật nhiều lần để chờ đến dịp có những cuộc tụ họp của lũ chó con trong làng thì mẹ tha hồ đem ra khoe, làm cho cả lũ chúng phải kinh ngạc, kể từ chú chó bông nhỏ cho đến những con chó Mastiff oai vệ, và điều ấy như là phần thưởng cho mọi lo lắng của mẹ tôi . Nếu tình cờ khi ấy có một con chó lạ ở gần thì thể nào cậu ta cũng sẽ nghi ngờ, và nếu cậu ta có đủ dũng cảm thì chắc chắn cậu ta sẽ hỏi mẹ xem những từ ngữ ấy có nghĩa thế nào. Và khi nào mẹ cũng trả lời cho cậu . Những chàng này thường không bao giờ chuẩn bị cho sự thể như thế mà luôn chắc mẩm sẽ bắt nọn được mẹ tôi, thế nên khi bị mẹ tôi dạy cho một bài thì các cậu chàng luôn bị tẽn tò, thay vì kẻ  đó phải là mẹ tôi. Những con chó khác thì chỉ chờ có vậy, và chúng vui mừng khi sự việc diễn ra đúng như mong đợi, và chúng lấy làm tự hào vì mẹ tôi lắm. Chúng đã được chứng kiến nhiều lần những cảnh tương tự. Mỗi khi mẹ tôi dạy cho chúng một từ mới thật to tát thì chúng thường bị choáng ngợp vì sự khâm phục đến nỗi chúng chả bao giờ ngờ vực mảy may những gì được học; kể ra cũng rất dễ hiểu thôi, vì lẽ mẹ tôi bao giờ cũng trả lời chúng một cách thật là trôi chảy, cứ như thế đọc tự điển đang nói vậy, hơn nữa chúng đâu có cách nào để kiểm tra xem những điều mẹ tôi nói có đúng hay không.  Vì chỉ có một mình mẹ tôi là có học. Dần dần khi tôi đã lớn hơn, mẹ tôi mang về nhà một từ mới học được, đó là từ “phi-tri thức” (unintellectual), và mẹ tôi đọc đi đọc lại từ ấy trong tất cả những cuộc họp mặt của chúng tôi, gây ra bao nhiêu sự bực bội và tuyệt vọng; cũng vào lúc ấy tôi thấy trong tám lần họp mặt khác nhau của chúng tôi, thì mỗi lần mẹ lại đưa ra một lời giải thích mới mẻ cho cụm từ ấy, chứng tỏ cho tôi thấy mẹ tôi có nhiều chữ nghĩa hơn là văn hoá, nhưng tất nhiên là tôi chẳng nói gì. Mẹ tôi có một chữ luôn thủ sẵn sàng trong tay như một thứ bảo bối để cứu nguy khi cần thiết, đấy là chữ “từ đồng nghĩa ” (synonymous). Chẳng hạn như khi mẹ tôi buột miệng lỡ lời để nhắc đến một chữ mà mẹ đã bỏ quên nhiều ngày trước mặt một kẻ lạ mặt thì mẹ có thể làm cho anh ta choáng váng một vài phút; và khi anh ta có đủ can đảm ngắt lời mẹ tôi, yêu cầu mẹ tôi giải thích chữ ấy, thì tôi (kẻ duy nhất trong cuộc) có thể nhìn thấy ngực mẹ tôi run run – nhưng chỉ là một chút thoảng qua thôi nhé – rồi nó lại ưỡn ra ngay lập tức đầy kiêu hãnh và mẹ tôi sẽ bình tĩnh như vậy  mà trả lời “à, chữ ấy đồng nghĩa với chữ “nghĩa vụ”, hay đại loại một từ dài rắm rối như mạng nhện nào khác, rồi thản nhiên chuyển đề tài sang chuyện khác khiến cho kẻ lạ mặt kia phải vô cùng xấu hổ và nhục nhã, thế là cùng một lúc hàng trăm cái đuôi đồng loạt quẫy mạnh xuống sàn trong khi những khuôn mặt bừng sáng sung sướng.

 Và sự thể cũng tương tự như với những câu văn vậy thôi. Mẹ tôi có thể vác về nhà một câu văn hào nhoáng nào đó nếu nó có một âm thanh thật vang dội, và sẵn sàng nhai đi nhai lại hàng đêm, cũng như mỗi lần mẹ lại giải thích nó khác đi một chút – ví đó là cách duy nhất mẹ có thể làm, vì thực ra mẹ tôi chỉ quan tâm đến tiếng kêu loảng xoảng của nó mà thôi, mẹ tôi chả mấy quan tâm đến thực chất ý nghĩa của chữ đó là gì, và mẹ tôi cũng thừa biết rằng lũ chó còn lại không thể đủ tài để bắt bẻ mẹ tôi. Vâng, mẹ tôi quả là rất đặc biệt! Mẹ tôi chả biết sợ cái gì, và mẹ tôi có một niềm tự tin vững vàng cũng chính nhờ sự dốt nát của mình. Mẹ tôi thậm chí còn nghe lỏm cả những chuyện tiếu lâm mà gia đình ông chủ và đám khách khứa tào lao trong phòng khách; và thông thường, mẹ tôi lẫn lộn điểm cao trào của một chuyên tiếu lâm này sang một chuyện khác, và đương nhiên là nó chẳng ăn nhập gì cả; rồi khi mẹ tôi kể chuyện ấy ra thì mẹ tôi ngã lăn ra cười và sủa ầm ĩ rất vô nghĩa, trong khi tôi nhận ra là mẹ tôi đang tự hỏi không hiểu vì sao mà chuyện mẹ kể lại không còn chi  hài hước như khi mẹ tôi mới nghe nó lần đầu nữa. Nhưng cũng chẳng thiệt hại gì cả; những chú chó khác cũng bò lăn  lộn ra mà sủa vang, vì trong lòng chúng thầm cảm thấy xấu hổ vì không hiểu được điểm hài hước của câu chuyện, chúng chẳng hề nghi ngờ rằng thực ra lỗi lầm không thuộc về chúng, và chả có lỗi nào để chúng moi móc ra cả.

Lúc này chắc hẳn bạn đọc phải cho rằng mẹ tôi là một kẻ ngông cuồng và điên khùng; ấy thế nhưng mẹ tôi vẫn có rất nhiều ưu điểm quí giá, mà tôi cho là đủ để bù trừ cho những nhược điểm kia. Mẹ tôi có một trái tim thật nhân hậu, và chả bao giờ biết oán giận. Mẹ quên đi thật dễ dàng những điều đã làm mẹ tổn thương; và mẹ cũng dậy cho lũ con của mẹ cũng biết sống nhân hậu như thế. Cũng từ mẹ mà chúng tôi học được lòng dũng cảm, sẵn sàng đối mặt với thử thách chứ không bao giờ chịu bỏ chạy. Mẹ dạy cho chúng tôi biết đối mặt với sự nguy hiểm đang đe doạ dù là bạn bè chúng tôi, hay là người xa lạ, dạy cho chúng tôi bằng giá nào cũng phải giúp đỡ nhưng kẻ khốn khó hết lòng. Hơn nữa, mẹ không chỉ dạy lũ chúng tôi bằng lời nói mà bằng cả hành động. Và đó chính là cách dạy dỗ hiệu quả nhất mà chúng tôi chẳng thể nào quên. Vâng, sao mà quên được kia chứ, những hành động dũng cảm của mẹ tôi, mẹ tôi là một chiến sỹ thật sự đấy nhé, và mẹ thật khiêm nhường về tất cả những điều ấy. Chúng tôi không thể nào không khâm phục và không bắt chước như mẹ, ngay cả một chú chó tai cụp King Charles  cũng vẫn đáng khinh trong xã hội của mẹ . Bạn thấy đấy, ngoại trừ vấn đề chữ nghĩa bằng cấp thì mẹ tôi có điều gì đó đáng quí trọng hơn rất nhiều.

 

Chương 2

Khi tôi lớn lên thì người ta đem bán tôi và tôi chẳng bao giờ được gặp lại mẹ.  Mẹ tôi đau đớn lắm, và cả tôi nữa, hai mẹ con cùng khóc; nhưng mẹ đã hết sức dỗ dành an ủi tôi và bảo tôi rằng chúng tôi được sinh ra đời vì một lẽ tốt đẹp và khôn ngoan và rằng chúng tôi phải biết tuân thủ thực hiện những nghĩa vụ của mình mà không kêu ca phàn nàn, chấp nhận cuộc sống mình được ban cho, sống hết mình cho kẻ khác và đừng bao giờ  để ý đến kết quả những việc mình làm, vì điều đó không phải là phần việc của chúng tôi. Mẹ dạy tôi rằng những người nào biết sống theo cách đó sẽ được ban thưởng tốt đẹp cho đời sống ở một thế giới khác, và dù cho loài vật chúng tôi sẽ chẳng được theo con người sang thế giới bên ấy, nếu chúng tôi biết sống cho xứng đáng thì đời sống ngắn ngủi của chúng tôi ở thế giới này cũng đã rất có ý nghĩa, chỉ riêng điều ấy thôi cũng đem lại ý nghĩa cho đời sống ngắn ngủi của chúng tôi và đó chính là phần thưởng rồi. Đấy là những điều mẹ tôi thu lượm được khi mẹ đi theo lũ trẻ con đến dự lớp ngày Chủ Nhật, và những điều này thì mẹ tôi ráng sức để ghi nhớ nhiều hơn là những bài học khác; và thực là mẹ đã học kỹ càng bài ấy, cho chính bản thân mẹ và cho chúng tôi, những đứa con của mẹ. Và điều này chứng tỏ mẹ tôi thật khôn ngoan và sâu sắc, mặc dù có những lúc mẹ tôi bốc đồng và hơi khoác lác.

Và thế là chúng tôi phải nói lời chia tay. Mẹ và tôi nhìn nhau qua hàng nước mắt; lời sau cùng mẹ nói với tôi – mẹ cố để dành đến lúc sau cùng mới nói để mong tôi ghi nhớ, tôi nghĩ vậy – “Vì tình yêu mẹ, mỗi khi con nhìn thấy một kẻ khác gặp sự khốn cùng, con đừng nghĩ đến bẩn thân mình mà hãy nhớ đến mẹ. Hãy hành động như mẹ từng làm”. Ôi, bạn có nghĩ rằng tôi có thể quên được lời mẹ dặn ư? Không đời nào!


Chương 3

A, đó là một căn nhà tuyệt đẹp! – căn nhà mới của tôi ấy mà; một căn nhà tuyệt vời, đầy tranh ảnh và những trang trí sang trọng, đồ đạc đắt tiền, và không có nơi nào tối tăm cả. Mọi nơi đều tràn ngập ánh sáng với màu sắc dịu dàng, ngoài sân rộng thênh thang và khu vườn thì tuyệt diệu – hãy nhìn xem bãi cỏ xanh rờn, cây cối xum xuê và hoa lá sặc sỡ, không lời nào tả xiết. Mọi người đều coi tôi như người trong nhà, âu yếm tôi, không đặt tên mới  cho tôi mà vẫn gọi tôi bằng tên cũ là cái tên tôi yêu quí vô cùng vì đó là tên mẹ tôi đặt cho tôi – Aileen Mavourneen. Mẹ tôi nghe được tên này từ một bài hát; và gia chủ tôi là ông bà Grays biết bài hát ấy, nên họ cũng cho rằng đó là một cái tên thật đẹp.

Bà Grays trạc ba mươi tuổi, thật là duyên dáng, dễ thương, bạn không thể hình dung được hết. Sadie lên mười tuổi, và cũng xinh đẹp giống mẹ cô bé, chỉ là bé hơn nhiều mà thôi. Cô bé có mái tóc hung đỏ tết chặt tới lưng và luôn mang một chiếc váy xoè ngắn; còn có một em bé mới lên một tuổi, mũm mĩm với má lúm đồng tiền. Em bé cũng thích tôi, và suốt ngày theo túm đuôi tôi, rồi lại ôm lấy tôi cười dòn tan một cách thật ngây thơ; Ông Grays khoảng ba mươi tám tuổi, người cao dong dỏng trông rất đẹp tuy hơi hói một chút trước trán, luôn luôn tinh nhanh, rất quyết đoán. Ông có vẻ là một người không bao giờ bị chi phối vì tình cảm, và khuôn mặt cứng cỏi, rắn rỏi như thể được mài bằng dũa sắt của ông dường như phát ra những tia sáng trí tuệ lạnh như thép vậy! Ông Grays là một khoa học gia rất nổi tiếng. Tôi không hiểu nhà khoa học nghĩa là gì, nhưng tôi nhớ mẹ tôi biết cách gây ấn tượng như thế nào với chữ ấy. Mẹ tôi biết cách làm cho một chú chó săn nhỏ phải bực bội vì chữ ấy, và làm cho một con chó đua xe xấu hổ vì chả biết chữ ấy là gì. Nhưng đấy chưa phải là chữ hay nhất mẹ tôi biết; chữ hay nhất phải kể la chữ Laboratory (phòng thí nghiệm). Bằng chữ ấy thì mẹ tôi có thể làm cho cả một bầy chó phải phát rồ vì không hiểu được. Phòng thí nghiệm không phải là một quyển sách, hay một bức tranh, hay là một chỗ để rửa tay. À, một chú chó reo lên, chỗ để rửa tay gọi là Lavatory (bồn rửa mặt) kia! Không, phòng thí nghiệm không phải là cái bồn rửa mặt; phòng thì nghiệm rất khác thường; nó chứa đầy các chai lọ, có điện và những máy móc kỳ lạ; và mỗi tuần những nhà khoa học lại tụ họp ở đấy, sử dụng những thứ máy móc ấy, bàn bạc và thực hiện cái họ gọi là “cuộc thí nghiệm và phát minh”; và tôi cũng thường mon men đến đấy, quanh quẩn bên họ, nghe lỏm đôi chút để cố gắng học, ví tình yêu mẹ mà theo gương của mẹ tôi. Mặc dù đôi khi tôi thấy thật đau lòng khi nghĩ rằng mẹ tôi đang dần lìa xa thế giới này, còn tôi thì chẳng thu lượm được điều gì hữu ích cả; vì dù có cố gắng đến đâu chăng nữa, tôi cũng chả bao giờ hiểu được điều gì.

Những lần khác, tôi nằm ngủ trong phòng bà chủ tôi, và bà ấy gác chân một cách thật nhẹ nhàng lên tôi, biết là tôi thích như vậy lắm vì đối với tôi đấy là một cử chỉ âu yếm. Đôi khi thì tôi lại lang thang cả tiếng đồng hồ trong vườn ươm cây, lăn lộn khắp nơi cảm thấy vô cùng sung sướng. Rồi cũng có khi tôi canh chừng bên nôi em bé, trông cho em ngủ để cô bảo mẫu đi ra ngoài lo những việc khác cho bé. Tôi cũng thường chạy vòng quanh sân và khu vườn cùng Sadie cho đến khi cả hai chúng tôi cùng mệt nhoài ; sau đó tôi thường lăn ra ngủ dưới bóng cây trong khi Sadie ngồi đọc sách; cũng có lần tôi được đi thăm những con chó bên hàng xóm; không xa lắm đâu, bên hàng xóm có một con chó tóc xoăn giống Ailen rất xinh đẹp lịch lãm tên là Robin Adair, và nó cũng là giống Prebysterian như tôi, còn ông chủ bên ấy là người Scotland.

Đám người làm của ông chủ tôi đều yêu quí tôi lắm, nên bạn thấy đấy, cuộc đời quả là rất dễ chịu đối với tôi lúc bấy giờ. Chẳng có chú chó nào hạnh phúc may mắn và đầy lòng biết ơn hơn tôi đâu. Tôi nói điều này thật sự chân thành, vì nó chỉ là sự thật: tôi luôn luôn hết sức cố gắng để sống cho xứng đáng, để vinh danh cho mẹ tôi cùng những lời dạy bảo của mẹ cũng như để xứng đáng với tất cả những điều may mắn số phận dành cho tôi.

 

Chương 4

Rồi tôi cũng có một em bé, và cuộc sống của tôi trở nên hoàn hảo, hạnh phúc của tôi trở nên trọn vẹn. Con chó con của tôi thật là xinh xắn với mớ lông mịn màng như nhung, bộ móng xinh xắn bé tý xíu vụng về, nó khôn ngoan ngộ nghĩnh làm sao. Đôi mắt nó ngây thơ đầy sự âu yếm và khuôn mặt trẻ thơ của nó thật là trong trắng; lòng tôi tràn ngập niềm tự hào khi quan sát đám trẻ con trong nhà và cả mẹ chúng xúm xít quanh con tôi, vuốt ve say sưa và luôn miệng reo lên mỗi khi con tôi làm được điều gì đó thú vị. Cuộc đời dường như tốt đẹp đến không thể nào dám tin.

Thế rồi tiết trời chuyển sang Đông. Một ngày kia tôi phải trông em bé trong phòng. Nghĩa là tôi ngủ ở trong ấy ấy mà. Em bé thì ngủ trong nôi được kê bên cạnh giường chính phía gần lò sưởi. Nôi em bé là loại có màn phủ bên trên, và bạn có thể nhìn xuyên qua màn được. Cô bảo mẫu đã ra ngoài chỉ còn hai chúng tôi say sưa ngủ. Bỗng dưng một thanh củi nổ đánh tách một cái từ trong lò sưởi và một tàn lửa văng lên từ trong lò sưởi bắn lên màn em bé rồi bắt đầu cháy to hơn. Tôi áng chừng là một khoảng thời gian im lặng ngắn trôi qua , rồi tiếng khóc thét của em bé làm tôi giật mình thức dậy. Và trời ơi, màn của em bé đã bắt cháy lên đến tận trần nhà! Trước khi tôi kịp nhận ra phải làm gì, thì tôi nhẩy xổ lên để chạy ra khỏi phòng; nhưng chỉ một chớp nhoáng sau đó, lời mẹ dặn tôi đã văng vẳng bên tai tôi, thế là tôi quay trở lại ngay lập tức bên giường em bé. Tôi ráng sức thò mõm vào qua làn lửa, ngoạm ngang lưng em bé để lôi được em bé ra ngoài và cả hai chúng tôi lê lết ra khỏi phòng ngủ của em, rồi cả hai chúng tôi cùng ngã lăn ra trong làn khói đặc kịt như mây; tôi lấy hết sức ngoạm lấy em bé lần nữa và lôi ra khỏi cửa phòng cái sinh vật bé nhỏ đang gào thét ràn rụa trong nước mắt, và lết ra được đến cửa phòng khách trong lòng tràn ngập niềm tự hào, thì bỗng nghe thấy tiếng thất thanh của ông chủ tôi “Cút đi, con chó khốn nạn”, và tôi bỏ rơi em bé để vội vã vùng chạy thoát thân. Nhưng ông nhanh hơn tôi nhiều, ông đã kịp túm lấy tôi, vụt tôi tới tấp bằng chiếc roi mây. Tôi tìm mọi cách chui hết xó này đến xó kia để trốn những đòn roi, nhưng trong lúc chẳng may thì một đòn trời giáng vụt vào chân trước tôi và tôi ngã khuỵu xuống. Cái roi đã giơ lên lần nữa nhưng chưa kịp đổ xuống thì tiếng thất thanh của cô bảo mẫu kêu xé lên “Buồng em bé cháy rồi!!!” và ông chủ tôi vội vàng chạy lại phía đó, tha cho cái chân còn lại của tôi chưa bị đánh!

Chân tôi thật đau đớn nhưng tôi chẳng có thời gian trì hoãn được; ông chủ có thể quay lại bất cứ lúc nào, nên tôi bằng mọi cách lết đi với ba cái chân còn lại về phía cuối phòng, nơi có một cái cầu thang nhỏ bắc bên trên một cái kho để lỉnh kỉnh những hộp cũ ít ai để ý. Một cách nào đó tôi chui được vào kho đồ, và trốn tiệt ở trong một nơi tôi cho là kín đáo nhất. Thật vớ vẩn khi mà ở trong đó rồi tôi vẫn sợ hãi đến mức run lên bần bật, đến nỗi tôi im thít không dám kêu lên tiếng nào. Mặc dù nếu kêu lên được một chút thì tôi sẽ đỡ đau hơn đấy. Nhưng tôi đành chấp nhận chỉ ngồi liếm  cái chân bị đau và làm thế thì cơn đau cũng dịu đi phần nào. Khoảng suốt nửa giờ đồng hồ, trên cầu thang thình thịch tiếng chân chạy lên chạy xuống nhốn nháo, rồi tiếng la ó ầm ĩ xong lại im ắng. Sự tĩnh lặng ấy thật là an ủi cho tâm hồn xáo động của tôi, làm tôi bớt sợ hãi đôi chút; và bạn biết đấy, sự sợ hãi còn ghê gớm hơn nỗi đau đớn thể xác nhiều lần. Thế rồi một tiếng kêu làm tôi rụng rời cả chân tay – họ đang gọi tên tôi, tìm tôi! Tiếng gọi từ xa vọng lại, nhưng chẳng vì thế mà bớt đáng sợ đi phần nào, và ôi, đó là âm thanh khủng khiếp nhất mà tôi được nghe thấy lần đầu tiên trong đời. Người ta kêu tên tôi khắp nơi, trên gác, dưới nhà, ngoài vườn. Người ta chui cả vào hầm rượu và đi xa lắm rồi lại vòng trở về nhà, và tôi có cảm giác như mọi người dứt khoát không từ bỏ ý định tìm tôi cho bằng được. Rồi sau cùng cuộc tìm kiếm cũng ngưng lại khi chẳng còn tia sáng nào lọt qua cửa sổ nữa.

Và khi ấy, trong sự tĩnh lặng thánh thần này,  nỗi khiếp sợ của tôi cảm thấy nguôi ngoai phần nào và tôi thiếp ngủ đi. Giấc ngủ đã đem lại cho tôi sự nghỉ ngơi cần thiết, nhưng tôi cũng lại thức giấc trước bình minh. Tôi cảm thấy phần nào thoải mái hơn và bắt đầu suy tính cho một kế hoạch. Tôi nghĩ ra một kế hoạch khôn khéo, đấy là tôi sẽ nhẹ nhàng bò xuống trốn sau cánh cửa hầm rượu và sẽ tranh thủ lúc anh người nhà đến mở cửa hầm rượu khi đem rượu đi ướp lạnh thì thì tôi sẽ chạy vọt để đi trốn. Rồi tôi sẽ trốn ở bên ngoài suốt cả ngày, và sẽ bắt đầu cuộc hành trình của tôi khi trời tối. Còn việc bỏ đi đâu ư? Bất cứ đâu cũng được miễn là người ta không nhận ra tôi và mang trả tôi trở lại cho ông chủ. Tôi gần như cảm thấy vui trở lại; thế nhưng tôi vụt nhớ ra, sao nhỉ? Cuộc sống sẽ ra sao khi không có con tôi?

Ôi, thế là tuyệt vọng ; Tôi nhận ngay ra rằng sẽ chẳng thể nào có một kế hoạch gì cho tôi. Tôi sẽ phải ở lại nơi này, phải ở lại, chờ đợi và chấp nhận bất cứ điều gì có thể xảy ra – vì đó không phải là phần quyết định của tôi – mẹ tôi đã dạy như thế. Và đang trong lúc tôi mung lung suy nghĩ  như vậy thì tiếng người gọi tôi lại vang lên từ khắp các xó xỉnh. Tất cả nỗi đau đớn của tôi vụt trở lại, ông chủ sẽ không bao giờ tha thứ cho tôi đâu, mặc dầu tôi nào có hiểu vì lẽ gì ông tức giận và nghiêm khắc với tôi đến thế, nhưng thôi, tôi chỉ chấp nhận rằng đấy hẳn là một điều mà một con chó như tôi không bao giờ hiểu được, nhưng hẳn phải là điều kinh khủng với con người.

Người ta gọi, gọi mãi, tưởng như suốt mấy ngày đêm. Lâu đến nỗi tôi đói và khát đến phát điên, rồi tôi nhận ra tôi càng lúc càng yếu đuối đi . Bạn biết đấy, những lúc thế này người ta thường ngủ rất nhiều và tôi cũng vậy. Một lúc tôi giật mình tỉnh dậy vì sợ hãi thì tiếng gọi như ở ngay cạnh tôi vậy. Và đúng như thế, đấy là tiếng gọi của em Sadie, và em ấy đang khóc. Tên tôi tuôn ra từ miệng cô bé, lộn xộn, vỡ vụn ra, và cô bé mới tội nghiệp làm sao. Rồi tôi quá đỗi sung sướng đến nỗi không còn tin được vào tai mình khi nghe cô bé kêu lên “Ôi, hãy về đi chó cưng, về với chúng tôi đi và tha thứ cho chúng tôi, ôi buồn biết bao vì không có …”. Thế là tôi vui mừng quá với một tiếng kêu tràn ngập lòng biết ơn, và chỉ trong nháy mắt Sadie đã vọt qua những hộp gỗ liểng xiểng tối tăm trong kho để chạy đến bên tôi kêu toáng lên sung sướng “Tìm thấy rồi! Đã tìm thấy rồi!”

 

Chương 5

Những ngày sau đó thì thật quá đỗi tuyệt vời. Bà chủ, Sadie và cả những người giúp việc – họ gần như thờ phụng tôi vậy. Họ hầu như chẳng thấy có chiếc giường nào cho đủ êm ái với tôi; còn đồ ăn thức uống thì hầu như họ chẳng nề hà món gì dù có trái mùa đi chăng nữa; và ngày nào cũng có khách khứa, hàng xóm kéo đến để nghe chuyện kể về hành động dũng cảm của tôi, à, đấy cũng là chữ mẹ tôi gọi là “nông nghiệp”  (agriculture). Tôi nhớ có lần mẹ tôi đã  nhắc đến chữ ấy, nhưng không giải thích cho tôi “nông nghiệp” nghĩa là gì, mà chỉ nói rằng chữ ấy đồng nghĩa với chữ  “ sự nóng sáng xuyên tường ” ; và có tới hàng chục lần bà chủ tôi cùng Sadie kể lại cho người khách về sự tích tôi đã vượt qua nguy hiểm để cứu em bé như thế nào. Và bằng chứng là cả hai chúng tôi đều có những vết bỏng trên người. Thế là đám khách khứa xúm lại quanh tôi vỗ về và trầm trồ, và bạn có thể nhìn thấy dễ dàng những ánh mắt đầy tự hào của bà chủ tôi cùng em Sadie. Khi những người khách hỏi vì sao tôi lại đi khập khiễng, thì bà chủ có vẻ xấu hổ và vội vàng tránh sang chuyện khác. Và khi người ta săn hỏi quá đáng về điều ấy thì tôi thấy bà chủ và Sadie dường như sắp khóc.

Như thế cũng chưa đủ đâu; còn có cả bạn bè của ông chủ nữa, có tới khoảng hai mươi người danh tiếng, đến thăm và đưa tôi vào phòng thí nghiệm, bàn luận về tôi như thể bàn luận về một phát minh vậy. Một người trong số họ tuyên bố rằng đấy thật là một điều kỳ diệu ở một giống vật vô tri, rằng đây là biểu hiện hoàn hảo nhất của bản năng, nhưng ông chủ tôi cực lực phản đối: “Điều này vượt xa bản năng. Đấy là sự tư duy, mà nhiều con người được may mắn sinh ra trên thế gian này lại thiếu thốn” rồi ông cười lớn nói thêm “Cứ như tôi đây, tôi thật là đồ bỏ đi, và tất cả trí thông minh siêu phàm trời ban cho con người, tôi lại chỉ luận ra được một điều duy nhất là con vật đã mất trí và sẽ làm hại con tôi, nhưng trong khi đó thì sao, con vật đã biết tư duy, vì nếu không có nó hẳn con tôi chết mất rồi”. Người ta cứ tranh cái bàn luận mãi và tôi trở thành trung tâm của những cuộc tranh luận ấy; Ước gì mẹ tôi biết được tôi đã vinh dự đến nhường nào. Hẳn mẹ tôi sẽ tự hào lắm.

Rồi thì họ chuyển sang bàn luận chuyện nhãn khoa, nghe họ gọi như vậy ,  họ tranh luận với nhau về việc liệu có một vết thương nào ở não bộ có khả năng gây mù cho người ta được hay không,  và không sao thống nhất được, nên sau cùng họ cho là phải giải quyết cuộc tranh luận bằng một cuộc thí nghiệm; sau đó họ chuyển sang nói về việc trồng cây mà chuyện này thì tôi rất quan tâm. Lý do là vì vào mùa hè tôi và Sadie đã cùng nhau gieo một vài hạt xuống đất. Tôi giúp Sadie đào những cái hố ấy mà, và ngày tháng qua đi thì ở đó mọc ra một bụi cây, và sau đó lại trổ cả hoa nữa. Thật là kỳ diệu phải không bạn? Mặc dù tôi không sao có thể biết được làm cách nào điều đó xẩy ra nữa kia. Thế nhưng điều kỳ diệu đã xẩy ra, và tôi ước sao mình có thể biết nói, để tôi có thể chỉ cho mọi người điều kỳ diệu mà tôi biết và tôi cũng sẽ tranh luận hăng say nhiệt tình như mọi người. Nhưng những chuyện bàn bạc về nhãn khoa thì quả là nhạt nhẽo quá, vì thế nên khi mọi người quay trở lại đề tài đó thì tôi đã ngủ thiếp đi rồi.

Chẳng mấy chốc thì mùa Xuân tới, tiết trời tuyệt đẹp và bà chủ dễ thương cùng lũ trẻ con đến chia tay với tôi để đi chơi tới một người bà con ở xa. Ông chủ thì chẳng bao giờ thật sự làm bạn với chúng tôi, nhưng tuy nhiên thỉnh thoảng chúng tôi cũng đùa giỡn với nhau, và thời gian cũng dễ chịu trôi qua. Những người giúp việc thì thật tử tế nên chúng tôi sống bên nhau rất dễ chịu, và cùng nhau mong ngóng ngày trở về của bà chủ.

Một bữa kia, những người bạn khoa học của ông chủ lại tới, và họ nói “Bây giờ là lúc làm thí nghiệm đây” và họ mang con tôi vào phòng thí nghiệm. Thế là tôi cũng lết theo với ba cái chân còn lại của mình, và trong lòng cảm thấy tự hào vì mối quan tâm dành cho con tôi. Họ bàn luận rất lâu và lúi húi thí nghiệm, rồi đột nhiên con chó con của tôi kêu thét lên, thế rồi họ bỏ nó xuống sàn nhà và tôi thấy nó loạng choạng bước đi, với cái đầu be bét máu. Thế rồi ông chủ tôi vỗ tay đánh đét kêu lên “Đó, tôi đã thắng rồi, nó mù hoàn toàn rồi!” . Những người bạn của ông đáp lại “Đúng vậy! Ông đã chứng minh được lý thuyết của ông, và nhân loại đau khổ sẽ phải chịu ơn ông từ đây”. Thế rồi họ vây quanh ông, bắt tay ông thật nhiệt thành và hết lời ca ngợi ông.

Nhưng tôi chẳng còn nghe và thấy gì sau đó nữa vì tôi đã chạy ngay lập tức tới con tôi, ôm lấy nó, liếm cho nó hết máu, và ấp đầu nó vào lòng tôi mà rên lên, bởi tôi biết rằng trong cơn đau nó sẽ tìm được sự an ủi khi cảm nhận được sự ấp ủ của mẹ nó, mặc dù lúc này nó đâu còn nhìn thấy tôi nữa. Thế rồi nó ngã đổ xụp xuống, cái mũi tím bầm của nó chúc xuống sàn nhà và nó cứng đơ không còn động đậy nữa.

Khi ấy ông chủ ngưng cuộc bàn luận, ông rung chuông gọi người giúp việc và sai “Mang nó đi chôn ở cuối vườn”, rồi sau ông trở lại cuộc tranh luận. Thế là tôi bám gót người giúp việc ra vườn, trong lòng cảm thấy nhẹ nhõm vì tôi biết con tôi không còn đau đớn nữa, chắc là nó đã ngủ rồi. Chúng tôi đi về phía thật xa cuối vườn, nơi chúng tôi thường nô rỡn với lũ trẻ con, chị bảo mẫu và cùng với cả con tôi nữa, dưới bóng mát của cây sồi. Ở đấy người giúp việc đào một hố sâu, và tôi nghĩ ông ấy sẽ trồng con tôi xuống đó. Như thế chắc sẽ mọc lên từ đó nhiều con chó con đẹp đẽ khác, và bà chủ cùng lũ trẻ con chắc sẽ ngạc nhiên thích thú lắm. Thế nên tôi tìm cách giúp người giúp việc, nhưng cái chân què của tôi không làm được nhiều nữa rồi. Khi người giúp việc làm xong công việc, ông xoa đầu tôi nói qua hàng nước mắt “Ôi, con chó tội nghiệp, con đã cứu sống con của ông ấy đấy”.

Tôi đã canh chừng cái hố suốt hai tuần lễ mà chẳng có chú chó con nào mọc ra cả. Đến giờ tôi cảm thấy sợ hãi. Tôi cảm thấy có điều gì thật khủng khiếp. Tôi không biết đó là cái gì, nhưng sự sợ hãi làm tôi cảm thấy ốm trong người và không thể ăn được, mặc dù những người làm luôn nấu cho tôi những món ăn thật ngon. Họ luôn luôn âu yếm vỗ về tôi. Có người còn đến thăm tôi vào buổi tối, vừa khóc vừa dỗ dành “Ôi, con chó tội nghiệp, đừng buồn nữa và trở về nhà với chúng tôi đi, đừng làm chúng tôi đau khổ nữa”. Như thế tôi càng cảm thấy sợ hãi hơn nữa vì tôi càng chắc chắn hơn nữa rằng điều gì đó thật kinh khủng sắp xẩy ra. Và càng lúc tôi càng yếu, đến mức đứng cũng chẳng vững nữa. Lúc ấy, những người làm đứng ngó mặt trời khi chiều lạnh xuống dần và nói nhiều điều tôi không hiểu hết nhưng nó làm trái tim tôi lạnh giá. “Tội nghiệp lũ nhỏ, chúng chả biết gì. Ngày mai chúng về, điều đầu tiên chúng hỏi sẽ là con chó đã cứu em bé của chúng đâu rồi. Ai trong số bọn mình sẽ có đủ cam đảm để bảo chúng rằng con chó ấy sắp chết rồi”.

THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu
Tháng 8 / 2024.
Nguồn:
https://americanliterature.com/author/mark-twain/short-story/a-dogs-tale/

Monday, September 30, 2024

3588. SONG THAO Đom đóm.

Nguồn ảnh: Pinterest

Nhà thơ Trần Mộng Tú gửi tới tôi bài “Mùa Hạ Đom Đóm và Dế Mèng” khi tôi muốn cùng các ông bạn đồng lứa tuổi trở về những ngày xưa thật xưa. Chị Tú hình như cũng cùng tâm trạng với các bạn không còn trẻ của tôi: “Tháng sáu, tôi đến chơi với anh tôi ở Virginia. Cái nóng rịn mồ hôi trên thái dương, và khó ngủ lắm, buổi tối, tôi với anh ra ngồi ở bực thềm, nói chuyện. Tôi bỗng thấy thỉnh thoảng có những chớp nho nhỏ như lân tinh sáng lóe lên rồi lại biến mất trong bụi cây thấp trước mặt, hỏi anh tôi, cái gì thế? “Đom Đóm” Tôi lặng người đi một lúc như nghe thấy ai nhắc tên một người bạn thân cũ, nó làm tôi xúc động. Xúc động một cách rất mơ hồ, chẳng có nguyên nhân gì cả, chỉ là cái tên của một loại côn trùng bé tí được gọi lên. Cái tên nhắc nhở một quê hương xa lắc, một dĩ vãng nằm dưới tấm chăn phủ dầy lớp bụi thời gian. Trong bóng tối, tôi ngắm những cái chấm lửa nhỏ nhoi, lóe lên rồi tắt ngóm với trái tim nôn nao trong ngực. Có đến cả hơn bốn mươi năm tôi không được nhìn thấy những đốm lửa thân yêu này”.

Tôi cũng may mắn có bảy năm đầu đời được sống trong  ngôi nhà nửa quê nửa tỉnh ngay sát vùng Khâm Thiên, Hà Nội. Nhà có vườn có ao. Chính tại bờ ao này chúng tôi bắt đom đóm vào những đêm hạ, nhốt vào những cái chai nho nhỏ làm đèn rước đi chơi. Những con đom đóm của chị Tú ở tuốt tận Thái Bình, Nam Định khi gia đình chị tản cư và được nhốt vào những cái vỏ trứng làm thành “một cái đèn kỳ diệu, không có món đồ chơi nào có thể đẹp hơn”. Tuổi thơ của thế hệ chúng tôi giản dị nhưng khó quên như thế. Một món đồ chơi lập lòe ánh sáng, còn chi thú vị bằng.

Ánh sáng của đom đóm phát ra từ một vài đốt cuối bụng. Ban ngày các đốt này chỉ có màu trắng xám, về đêm mới phát ra ánh sáng huyền ảo qua lớp da trong suốt. Bên trong lớp da bụng là dãy các tế bào phát quang, trong cùng là lớp tế bào phản quang có nhiệm vụ như một mặt gương giúp phản chiếu ánh sáng ra ngoài. Nhìn đom đóm bay nhập nhoằng bên bờ ao, ai cũng tưởng đom đóm là loài có cánh nhưng chúng có hai nhóm: nhóm có cánh biết bay là những con đực và nhóm trụi lủi chẳng có tí cánh nào, chỉ bò dưới đất, là những con cái. Cả hai nhóm đều phát ra ánh sáng lạnh, không tỏa nhiệt như ánh sáng nhân tạo. Ánh sáng phát ra không liên tục nhưng nhấp nháy chớp tắt vì các tế bào phát quang có chứa hai chất luciferinluciferaza. Khi tách rời nhau hai chất này chỉ là những hóa chất bình thường, không có khả năng phát sáng. Nhưng khi ở cạnh nhau, men luciferaza sẽ xúc tác, thúc đẩy quá trình oxy hóa luciferin và tạo ra ánh sáng. Ánh sáng của đom đóm phát ra không liên tục bởi vì chúng tự khống chế việc cung cấp oxy để việc phát sáng được lâu dài. Đom đóm đực bay là là trên không và đom đóm cái nằm dưới đất đều phát sáng để tìm nhau. Con cái sẽ tìm cách leo lên các điểm cao để dễ bắt bồ. Đom đóm nào có khả năng phát sáng lâu hơn sẽ dễ kiếm bồ hơn. Khi đã tìm được “ý trung nhân”, con cái sẽ phát ra một ánh sáng tương tự với con đực để dụ tù ti. Xong việc, đom đóm cái tìm nơi đẻ trứng.

Ánh sáng của đèn đom đóm bằng vỏ trứng đã đi vào truyền thuyết  của các vị tiến sĩ đất Việt thuở xưa. Các cụ Nguyễn Hiền, Bùi Xương Trạch, Nguyễn Huy Tốn, Mạc Đĩnh Chi nhà nghèo đều nhờ vào ánh sáng của cái đèn đom đóm mà trau dồi kinh sử nên danh nên phận. Trong một câu chuyện về việc đi sứ của cụ Mạc được Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép lại thì khi đó mắt cụ rất kém, nhìn chim trong tranh mà cứ tưởng chim thật ngoài đời. Người ta cho nguyên nhân là do cụ học bằng đèn đom đóm. Tác giả Trần Văn phân tích vụ đèn đom đóm này như sau: Đầu tiên, để mắt người có thể đọc được, tối thiểu cần độ sáng 450 lumens (lumen là đơn vị đo độ sáng). Thứ hai, độ sáng của một con đom đóm khoảng 0.0006 lumens (E.Newton Harvey và Kenneth P. Stevens thí nghiệm năm 1928). Với đèn sợi đốt như thế kỷ 19 mà Thomas Edison dùng thì mỗi Watt đem lại độ sáng 11.25 lumens. Như vậy để có độ sáng như bóng đèn sợi đốt 40W (450 lumens) sẽ cần là: (40 x 11.25)/0.0006 = 750,000 con đom đóm. Những năm tăm tối của thế kỷ 13, cứ cho đom đóm bu đầy trong bụi, cụ vợt phát được trăm con và có thể kiếm được cả nghìn con đom đóm nhét vô vỏ trứng đà điểu (hoặc cụ nhặt được vỏ trứng khủng long) thì mọi người cũng có thể hình dung là nó cũng chưa bằng một cái đèn sợi đốt với công suất 1W (11.25/0.0006 = 18,750 con đom đóm). Lờ mờ hơn cả trăng đêm rằm. Thứ ba, ai cũng thấy về mặt sinh học thì con đom đóm lập lòe. Chính xác là đom đóm sẽ tắt 4 giây và sáng nửa giây, không sáng liên tục. Do ánh sáng không đồng nhất thành một dải mà thay đổi theo tần suất lập lòe của đom đóm). Do đó, cái đèn học của cụ sẽ có tần suất nhấp nháy rất lớn, dẫn đến mắt rất nhanh xuống cấp. Thứ tư, để xử lý vấn đề tần suất nhấp nháy rất lớn đó, ta cần phải có 8 lần số đom đóm thay phiên nhau nháy để duy trì 450 lumens liên tục. 750,000 x 8 = 6,000,000 con đom đóm. Xin nhắc lại là 6 triệu con đom đóm. Nếu bắt đủ, không biết cụ sẽ để số đom đóm đó vào đâu?”.

Muốn “chế” một cái đèn đom đóm để đọc được là chuyện…truyền thuyết. nhưng tới ngày nay, báo chí ở Việt Nam đã tiết lộ là các ông Vương Đình Huệ, nguyên Chủ Tịch Quốc Hội và Trần Đại Quang, nguyên Chủ Tịch Nước cũng nhà nghèo nhưng chăm học, có lúc đèn hết dầu cũng “thông minh” bắt chước người xưa, bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng hay siêu hơn như ông Vương Đình Huệ bỏ vào quả cà rỗng để học. Tới nay, đất nước ta vẫn còn truyền thuyết!

Đom đóm bay phát sáng là một cảnh đẹp trong đêm hè. Tuổi thơ của thế hệ tôi đã say mê với những cụm ánh sáng bên bờ ao. Đó là thú vui hiếm có của dân sống nơi miền quê. Thú vui đó ngày nay đã được thương mại hóa. Hầu như tại các nước vùng ôn đới tới nay vẫn còn bóng đom dóm chớp tắt trong  những đêm hè đều có những tour du lịch đi coi đom đóm.  Núi Tử Kim tại thành phố Nam Kinh bên Trung Quốc, Maniwa và Okayama ở Nhật, vườn quốc gia Great Smoky tại tiểu bang Tennessee ở Mỹ, thị trấn Amphawa ở Thái Lan, Palawan ở Phi Luật Tân, Selangor ở Malaysia, hang đom đóm Waitomo ở Tân Tây Lan, rừng Cúc Phương ở Việt Nam và nhiều nơi khác đều đang tận tình khai thác đom đóm làm du lịch, kiếm tí tiền của du khách.

Kể cũng tội cho những chú lập lòe bay đêm này. Để có thể chớp tắt trong những đêm hè, mỗi con đom đóm đều phải trải qua một đoạn thời gian khá gian nan. Trứng đom đóm thường được đẻ lên cơ thể của các loài sinh vật khác như ốc sên, giun đất hay vào ngay đất. Tỷ lệ trứng nở khi được sanh trực tiếp vào đất rất thấp. Ấu trủng thường bị chết khi mới nở ra vì không có nguồn cung cấp dinh dưỡng. Trứng nở trên cơ thể các sinh vật mà chúng sống ký sinh trên đó, sử dụng nguồn dinh dưỡng từ chính các sinh vật này. Thời gian ấu trùng của đom đóm rất dài, có thể dài tới một hoặc hai năm trước khi chuyển sang thành nhộng. Nhộng được vũ hóa vào thời điểm nhiệt độ và độ ẩm môi trường cao. Theo Giáo sư Sara Lewis của Đại học Tufts ở Boston, Mỹ, thì sau giai đoạn ấu trùng và nhộng, đom đóm bay lên khỏi mặt đất và chỉ sống khoảng hai tuần lễ. Suốt hai tuần ngắn ngủi này, chúng chỉ tán tỉnh nhau, truyền giống rồi chết lả đi vì đói.

Không biết có phải vì sở hữu ánh sáng linh động hay không mà đom đóm bay tá lả trong nhạc, trong thơ. Nhạc sĩ Nguyễn văn Đông, dưới tên Phượng Linh, có bài “Đom Đóm”: “Đom đóm đâu ra chiều hôm thật nhiều / Tiền đồn ven biên, anh vừa lên phiên đổi gác / Từng bày đom đóm, như thắp sáng kỷ niệm của chúng ta / Ngày xa xưa chơi trò đi trốn nhau / Cho em đi tìm gọi anh Đom Đóm ơi”.

Thơ đom đóm thì nhiều vô kể. Đom đóm trước hết là của trẻ em. Của chị Trần Mộng Tú và tôi và tuổi thơ của mọi người chúng ta. Thơ đom đóm dành cho lứa tuổi đẹp nhất đời chiếm nhiều nhất, tôi lựa ra một bài không rõ tên tác giả:

Đom đóm, đom đóm
Bụng sáng lập lòe
Cứ đêm mùa hè
Đóm ra nhiều lắm
Từ trong bụi rậm
Bay ra bờ ao
Lượn trên cành cao
Xuống chơi bãi cỏ
Như chiếc đèn nhỏ
Chập chờn bay chơi
Bay khắp mọi nơi
Là con đom đóm.

Nhưng các nhà thơ lớn cũng ké phần vào những đốm lửa tung tăng bay lượn. Xa xưa có nhà thơ Đỗ Phủ bên Tàu với bài “Huỳnh Hỏa”: “Hạnh nhân hủ thảo xuất / Cảm cận thái dương phi / Vị túc lâm thư quyển / Thì năng điểm khách y / Tuỳ phong cách mạn tiểu / Đới vũ bạng lâm vi / Thập nguyệt thanh sương trọng / Phiêu linh hà xứ quy?”. Có nhiều bản dịch bài thơ này. Tôi chọn bản của Nhượng Tống:

Ra từng vùng cỏ mục
Bay tránh sáng ban ngày
Áo khách đôi khi vướng
Đèn khuya chửa dễ thay
Cách màn, theo gió nhỏ
Bên miễu, ánh mưa gầy
Xiêu dạt về đâu nhỉ?
Tháng mười sương trĩu cây

Cùng thời với chúng ta, nhà thơ Phạm Thiên Thư có bài “Đom Đóm”:

Ta vượt nghìn năm tới thế gian
Làm con đóm biếc đậu trên bàn
Soi dòng thơ tìm câu thi ngộ
Gặp lại hồn xưa đã quá quan

Đom đóm của tuổi thơ chúng ta đang bị con người vô tình xua đuổi. Trên tạp chí BioScience, các nhà khoa học tại Đại học Tuffts, Massachusetts cho biết trên thế giới có khoảng 2 ngàn loài đom đóm chiếu sáng ở các vùng đầm lầy, đồng cỏ, rừng và công viên đô thị. Chúng đang bên bờ tuyệt chủng do “dấu chân sinh thái” không ngừng mở rộng của con người. Có tới cả chục nguyên nhân có thể dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng của loài đom đóm.  Mất môi trường sống là nguy cơ hàng đầu đưa tới tuyệt chủng của đom đóm. Ánh sáng của đèn điện đã phá vỡ nhịp sinh học tự nhiên của đom đóm, gây rối loạn cách thức giao phối của chúng, đom đóm phụ thuộc vào khả năng phát sáng để thu hút bạn tình. Nguyên nhân chính thứ hai là thuốc trừ sâu tiêu diệt các ấu trùng đom đóm. Nước biển dâng cao và hạn hán cũng có khả năng đẩy nhanh tiến trình diệt chủng của đom đóm.

Những con đom đóm tuổi thơ của chúng tôi, tuổi thơ của thế hệ tiếp nối khó lòng có được. Nhà thơ Trần Mộng Tú tiếc nuối: Tôi đã không còn có được trong tay những con đom đóm và cái đèn kì diệu trong đời mình. Thay vào đó các con của tôi, lúc còn nhỏ bắt đầu biết chơi với những chiếc đèn pin. Chúng thích trùm chăn kín mít rồi bật đèn pin lên soi vào người nhau. Hoặc là buổi tối, chúng tắt đèn trong buồng ngủ, chơi đi trốn, rồi cầm đèn pin rọi vào tủ áo, vào gầm giường cũng lấy làm sung sướng lắm rồi. Những lúc nhìn thấy thế, tôi lại ước ao, chúng được sống ở một vùng có đom đóm bay trong đêm ở những lùm cây như tôi được hưởng thời thơ ấu. Làm sao tìm được đom đóm ở Seattle bây giờ!”

Từ khi chiến tranh đuổi chúng tôi rời nhà đi tản cư, đom đóm đã mất dấu trong tôi. Khi hồi cư, gia đình tôi về sống tại Hà Nội, những ánh sáng chớp tắt đã lịm đi. Ngày đó, tôi chưa biết tiếc nuối những kỷ niệm thời nhỏ dại. Bây giờ, trên nửa thế kỷ sau, ngồi nhớ lại mới thấy hụt hẫng. Những con đom đóm lập lòe của tuổi thơ tôi đã tuyệt chủng ngay từ những ngày xa xưa đó. 

SONG THAO
Tháng 9/2024

3587. Tranh NGUYỄN SÔNG BA Chân dung Trương Vũ (2)



Chân dung Trương Vũ (2)
Tranh Nguyễn Sông Ba, sơn dầu, 60cm x 90cm

Tháng 9.2024   

Saturday, September 28, 2024

3586. NGUYỄN VY KHANH Nghĩ về Truyện và Bút ký Nguyễn Minh Nữu.

Nhà văn Nguyễn Minh Nữu - Ảnh Phạm Cao Hoàng

Nguyễn Minh Nữu là tên thật, sinh ngày 6-1-1950 tại Hà Nội. Di cư vào Nam năm 1954, nhập ngũ năm 1968 giải ngũ năm 1975. Làm thơ viết văn từ 1970, truyện đầu tiên Một Thoáng Mây Phiêu Bạc đăng trên Giai phẩm Văn số mùa Xuân 1971. Định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1995 và hiện sống tại Virginia. Sáng lập và thư ký tòa soạn tạp-chí Văn Phong (Washington DC, 1999-2001) và chủ nhiệm tuần báo Văn Nghệ (Washington DC, 1997-2014).

Tác-phẩm văn học đã xuất bản: Lời Ghi Trên Đá (thơ; NXB Văn Nghệ Việt-Nam, 2006); Thương Quá Saigon Ngày trở lại (bút ký và truyện; Văn Nghệ, 2017), Thuồng Luồng Mắt Biếc (truyện và ký; Nhân Ảnh, 2021); Đất Nhớ Người Thương (bút ký; Nhân Ảnh, 2022).

*

Qua LVS người bạn chung của thời đi học và thơ thẩn ở Sài-Gòn, tôi “tái ngộ” Nguyễn Minh Nữu ở xứ người qua tờ nguyệt san Văn Phong, tạp-chí văn-học nghệ-thuật vùng Washington D.C., khoảng năm 1999, nơi tôi được đăng một số truyện ngắn và cũng nơi đây tôi “gặp lại” bạn Đoàn Văn Khánh – được đọc thơ của Khánh thì đúng hơn – cho đến năm 2014 gặp lại trong buổi ra mắt Quán Văn 26 về Hoài Khanh. Trước biến cố năm 1975, tôi “kiến kỳ văn” Nguyễn Minh Nữu qua tập truyện anh in ronéo từ Ban-Mê-Thuột năm 1972 - văn chương máu lửa của một thời đảo điên. Phải đến năm 2019 ngay trước khi vi-khuẩn Vũ Hán hoành hành cả thế giới, chúng tôi mới chính thức tay-bắt-mặt-mừng và liên lạc văn nghệ thường xuyên hơn. Thời tôi thường đến Washington D.C., anh chưa sang Mỹ và thời anh sinh hoạt văn nghệ mạnh nhất thì tôi đã dần rút về “tháp ngà” cố tránh vòng cương tỏa cộng đồng. Nói thế để khi đọc những bút ký Thương Quá Saigon Ngày Trở Lại, Số 19 Kỳ Đồng, Thu Ơi Là Thu, Bên Bờ Kênh Tẻ, Khu Nancy Ở Sài Gòn, Nhớ Về Long Kiểng, Khu Phố Ngày Xưa, Làm Báo ở Washington DC, Bên Dòng Potomac, … mới thấy rõ chân dung con người cực lực văn nghệ Nguyễn Minh Nữu và nhờ vậy được biết những sinh hoạt mình không thấy và biết nhiều.

Nguyễn Minh Nữu nhập làng văn từ đầu thập niên 1970 ở Sài-Gòn, cho đến nay lượng tác phẩm không thật nhiều nhưng tôi đã nhận ra chúng song hành với con đường của văn học Việt trong tình cảnh phân ly Nam-Bắc và trong-ngoài. Hai truyện ngắn của một thời chiến tranh - Một Thoáng Mây Phiêu Bạc và Dòng Nước Mắt Xanh, ghi nhận những tâm tình khá nhân bản của người trẻ làm lính trận, cũng là người con của gia đình đáng ra phải xum vầy, hạnh phúc, và của người thanh niên với tình yêu đầu đời (tôi từng có tập Hát Ngợi Ca Tình Nhân thơ NMN và ĐVK, nhạc Nguyễn Quyết Thắng, cũng do CSVN Con Người in năm 1973).

Cũng phải hơn hai thập niên sau, ngòi bút văn chương của Nguyễn Minh Nữu mới có dịp trở lại – với người đọc như tôi? Trở lại nhưng chín mùi và sâu sắc hơn.

 

Trước hết, bút ký Thương Quá Sài Gòn Ngày Trở Lại với tôi là một bất ngờ thích thú và đặc sắc, về một Sài-Gòn hôm nay lồng trong những mảnh vỡ của ký ức, của tình bạn và thế giới văn chương trước sau năm 1975, đã là những nhìn thấy tận mắt, những thấu tâm can qua quan sát và ký ức của người viết. Nguyễn Minh Nữu sử-dụng thể-loại bút-ký, ở đây đồng thời cũng là tự truyện khi tác-giả viết về mình cũng như bạn hữu và các sinh hoạt văn-nghệ. Tâm sự của anh tức tâm tình, nhung nhớ, lại vừa mang tính sử ký về một thời và những con người thật có tên, có chân dung, từng ở đó, đang còn ở đó hoặc đã rời bỏ cũng như đã mất với những nét đơn sơ mà cụ thể, hữu hình, trung thực, những nét rất riêng, và là gốc gác, xuất xứ những văn bản thơ, văn và nhạc, kèm theo văn bản, cả “tình sử” làm nền, bạn văn,... Thành công làm sống lại được như vậy, anh phải thân thiết lắm, phải sống-chết-với lắm, dĩ nhiên với tài quan sát, với tình thân thương chân thật, với một trung thành vô vị lợi,... Anh cảm tình thắm thiết với Nguyên Minh người chủ biên tập san Quán Văn cùng những văn hữu biên tập, cộng tác. Trong hoàn cảnh không dễ, họ kiên trì và gây sống cho đặc san như thế nào, sinh hoạt và chia xẻ kinh nghiệm làm văn-chương và làm báo, làm sống lại không khí sinh hoạt văn nghệ một thời trong hy vọng chuyển lửa cho người trẻ hơn. Thiển nghĩ Thương Quá Sài Gòn Ngày Trở Lại đã như một “tổng quan” về văn học miền Nam của thế hệ trẻ những năm 1970 và sau đó, một “biên khảo” nhẹ nhàng và lôi cuốn người đọc. Khi viết về văn chương lưu đày, chúng tôi đã từng ghi nhận rằng quê nhà đã trở nên điểm tựa, cho những tham khảo đã mất! Nhưng với thời gian, nỗi nhớ cũng trở nên khô cằn, già cỗi, một cách bi thảm, khó khăn. Nỗi nhớ trong cô đơn, giữa những thê thảm của cảnh vật xa lạ, "của người" thường trực chung quanh,... đã là những yếu tố làm suy bại kẻ lưu đày! Quá khứ quấy rầy đến làm hỏng cuộc sống hiện tại; đã dứt bỏ quá khứ nhưng không dễ, lắm khi bị thương tổn. Thương Quá Sài Gòn Ngày Trở Lại đã thoát ra khỏi phạm trù đó, vì ở đây cái bất hạnh nếu có cũng chỉ do bất lực bình thường, của con người, của cuộc đời, của hoàn cảnh; ảo tưởng do đó không có chỗ trong hiện tại và cả tương lai!

Ngoài bút ký, Nguyễn Minh Nữu làm thơ và viết truyện. Một số truyện ngắn có thể xem là tiêu biểu của anh, tiêu biểu về thể-loại và một nội-dung thường huyền-hoặc, tuy giả tưởng nhưng mang những nét thật, thật như từng xảy ra, thật như không thể khác (biết đâu!), có-không, không-có, như cõi đời vô thường mà chất đầy biến cố, sự việc,… Hiện thực nhưng không hẳn thực hữu, cũng có thể được hư cấu, vì sự hiện hữu hoặc cái hiện tại đó từng hoặc phải có tố chất của văn hóa, có liên quan đến lịch sử, thiên nhiên. Cái “tôi” khi có đó khi khác lại không, có khi là những tin tưởng của tác giả.

Thuồng Luồng Mắt Biếc xảy ra ở trên phần đất ở ngoài nước mà căn rễ dây dưa với quá-khứ và tín ngưỡng của phương Đông huyền bí. Chuyện khởi từ một thời có thể xa xưa để kết thúc ở duyên số của Lân và Kim: “Kim nhắm mắt lại, gật đầu và ngả hẳn đầu mình vào vai Lân. Cặp mắt màu xanh biếc của nước biển khép nhẹ trên vai chàng trai mang dấu ấn ký thác của Thuồng Luồng. Lân gọi Kim là "Thuồng Luồng Mắt Biếc của riêng anh"” (TLMB, tr. 113).

Con Trai Của Thủy Thần và Hảo Hán Cuối Cùng như những chân dung của con người và không gian từng hiện hữu mà tác-giả như tiếc nuối và thấy hãy còn sống động hoặc muốn như vậy.

Hảo Hán Cuối Cùng gợi không khí những anh hùng Lương Sơn Bạc, với hai anh em kết nghĩa Lê Tùng, Phạm Tuấn cả đời tung hoành cho lý tưởng nhưng cuối cùng đi đến thực tế nhận chân cái khả thi của việc “giương cao ngọn cờ chính nghĩa vì dân trừ bạo không phải là việc một người, một nhóm người, hay một thời, một đời bất ngờ sáng tạo rồi làm nên được” mà “nó âm ỉ khai sinh từ nhiều con người, từ nhiều thế hệ, nó được thêm bớt bằng máu xương nhiều đời để thích nghi và đáp thỏa yêu cầu chính đáng của tất cả. Lúc đó, mọi thế lực dù hung bạo và gian ác cỡ nào nhưng đi ngược với lòng dân thì cũng tự diệt”. Sáng tác các truyện ngắn này, tác-giả như để đề cao những nét nhân-bản và tình nghĩa á-đông đáng trân trọng, duy trì,... (TLMB, tr. 90).

Sư Ông Chùa Núi “khu vực núi đồi, giáp ranh giữa ba tiểu bang Virginia, Maryland và West Virginia là nơi đầu nguồn của dòng sông Potomac, là vách núi dựng đứng, soi mình xuống dòng nước cạn lô nhô đá núi chảy miên man về phía đông tìm đường ra biển...” với Chơn Nhã nghiệm ra sau những cuộc đổi đời và phiêu bạc: “Thần thông là có thật, Nhân quả là có thật, Duyên nghiệp là có thật”. Buồn, mất hướng vì chuyện cách ly thời Covid-19, nhân vật Thành gặp Chơn Nhã và nghiệm ra “những điều khai thị giữa mùa dịch bệnh” được an tâm hơn, “Chấp nhận nghịch cảnh, dưỡng tâm an lạc và quán Thân bất tịnh, quán Thọ thị khổ, quán Tâm vô thường, quán Pháp vô ngã(TLMB, tr. 25, 38).

Có thể nói quá khứ luôn theo đuổi bước đường đời của Nguyễn Minh Nữu. Hà Nội Thứ Tư về một Hà Nội tiềm tàng vì đã thành nề nếp, kinh lịch của một thời xa vắng mà ta có thể tìm thấy, như một tấm lòng. Cuối Năm Nhớ Mẹ giải bày hiếu đạo với người mẹ luôn theo dõi đời con:

“Nâng tách chè thơm buổi sớm mai
         Dáng người như một vệt sương phai
         Lẫn vào hương thoảng trầm hương cũ
         Lẫn cả hương đêm lúc rạng ngày.
         Là lúc thời gian đọng giữa chừng
         Không gian dường cũng rất mông lung
         Mẹ nối bây giờ cùng quá khứ
         Và gửi tương lai một tấc lòng (…)
         Đời con rồi ghé vào hưng phế
         Đã biết bao nhiêu cuộc đổi dời
         Tĩnh tâm chỉ có khi ngồi lại
         Sớm mai nhớ Mẹ, tách chè thôi.
         Sớm mai bên Mẹ tách chè thôi
         Tâm nhẹ nhàng theo dáng mẹ ngồi” (TLMB, tr. 169, 170).

Văng Vẳng Bên Trời Tiếng Hạc Qua là ký ức về Phó Bảng Nguyễn Can Mộng, thân sinh của nhà văn, từ trần khi anh mới 4 tuổi: “Bảng Mộng là lớp nhà nho cuối cùng của truyền thống Hán Học ở Việt Nam, sinh ra trong một gia đình chống Pháp, cha và chú bị giặc bắt và hành hình. Nhưng từ ngàn năm lịch sử, con đường tiến thân duy nhất của khách nam nhi là học hành, thi đỗ để làm quan, con đường đó phù hợp với chí khí kẻ làm trai, lại vừa là những khát vọng bình thường của xã hội. Nhưng lúc đó lại là cuối con đường, triều đình vua quan không còn là nơi nương tựa, chữ nghĩa thánh hiền không phải là cái tự tin.  Phải sống thế nào và phải làm gì để không ngược lại với cả một quá trình gian khổ tập luyện đã thành một nề nếp một đời, vừa đem được cái kiến thức thực học ra giúp đời sau”. Thời bình-sinh làm quan, dạy học và làm văn nay được anh “Ghi lại những ký ức của gia đình như một ký dấu cho con cháu đời sau, mà lòng hoài niệm vẫn mang mang: “Văng vẳng bên trời tiếng hạc qua”” (TLMB, tr. 175, 187).

Thi Thánh: Sinh được Thi Thánh truyền cho cảm nhận về tinh túy thâm sâu mà đa dạng của thi ca, đã vứt bỏ những bài thơ định sẽ gửi đăng báo như là những “Bài Thơ Cuối Cùng cho một thời ảo vọng, viết xuống không bằng cảm xúc mà viết như một kỹ năng, viết xuống không phải bằng niềm khao khát thiết tha nào mà chỉ là ham muốn đập cái tên của mình vào mắt mọi người, những cái trưng bày gần như trơ trẽn(TLMB, tr. 43).

*

Đọc những nhà văn lớn, đã nổi tiếng, hình như độc giả không thiết yếu phải hồi hộp, cứ thả mình nhẹ nhàng đi vào nội dung. Chính khi đến với các tác giả mới, người đọc sẽ có những bất ngờ có thể ít nhiều mong tìm hoặc không chờ đợi. Với tôi, văn xuôi của Nguyễn Minh Nữu ở vào trường hợp sau này. Truyện và bút ký cùa anh mang ký vãng và người xưa trở về như tất yếu, như nền móng của cuộc đời nắng mưa của con người Việt Nam ở hậu bán thế kỷ XX nhiều đa đoan, chìm nổi. Con chữ ở đây không để than mây khóc gió hoặc tham vọng để lưu dấu văn chương cho đời. Nguyễn Minh Nữu nếu có buồn, than là vì cuộc đời nhiều đày đọa đắng cay, vì phần số không thoát được kiếp làm người ở đất Việt thời nhiễu nhương tàn bạo. Ở Nguyễn Minh Nữu không có nhiều dấu vết “lưu vong” và “hội nhập” như những tác giả ở ngoài sau năm 1975, nhưng nhiều hoài niệm mang âm hưởng tâm linh và huyền hoặc. Thiển nghĩ chính những nội dung vừa kể và cách nghĩ và viết mang tính hậu hiện đại đã làm nên văn chương Nguyễn Minh Nữu, độc đáo khác người giữa nền văn học hải ngoại.


NGUYỄN VY KHANH