Gần bốn mươi năm
quen, chúng tôi chỉ gặp nhau mấy lần.
Biết anh vẽ tranh,
nhưng tôi chưa được xem; người ở Mỹ, người ở Pháp, chân trời góc biển. Tiểu luận
văn học của anh, tôi có đọc, xuân thu nhị kỳ, anh viết ít và đăng rải rác. Bốn
bài: Lời bạt cho chủ đề yêu của tạp chí Hợp Lưu (2003), Giáo dục Việt Nam những
vấn đề căn bản (2005), Tiếng sóng (2009), Vị trí của Sáng Tạo trong sự phát triển
Văn học miền Nam sau 1954 (2014) là hình ảnh Trương Vũ như tôi đã biết: nhận định
văn học tinh tế; nhà giáo tâm huyết; thiết tha trung thành trong tình bạn; có
cái nhìn tổng thể về Sáng Tạo.
Khi anh bắt đầu vẽ,
tôi không còn trở lại Mỹ như xưa. Rồi những năm sau này đắm chìm trong biên khảo,
không có thì giờ đọc, xem, các sáng tác mới như trước.
Xin thành thật cảm
ơn anh Phạm Cao Hoàng đã gửi cho sưu tập văn, vẽ của Trương Vũ để tôi biết được
những điều bấy lâu nay chưa biết, được làm quen với một Trương Vũ khác, tôi giật
mình: Con đường thiên lý đời anh tôi chưa hay, nhưng nhiệm mầu thay, những kỷ
niệm chung của chúng tôi, dù sống xa nhau vạn dặm, đã được anh hòa tan trong chữ
nghĩa và màu sắc: những cánh hoa, những chiếc lá, những ngọn gió... tản mạn cả
cuộc đời anh, trong có một chút chúng tôi, ẩn hiện đâu đó dưới màu thu huyền ảo,
lung linh ánh sáng, chói lòa mâu thuẫn, rạng rỡ thương yêu, luận tranh hờn giận,
của những cuộc đời xa xứ, của một dân tộc lạ lùng.
Nước Mỹ của người
Việt di tản có hai cực: Miền Tây, Cali, là Quận Cam, thủ đô tỵ nạn, báo chí rầm
rộ... Miền Đông, lãng mạn nên thơ, mang màu sắc lịch sử Hoa Kỳ, tập hợp nhiều
trí thức, nghệ sĩ sống tản mạn, như xa cách với một nhân quần... vội vã, bình
dân.
Văn chương hải ngoại,
dù sinh ở Quận Cam, nhưng được “chính thức” ra đời từ Washington D.C., trong một
buổi “đại hội văn bút”, tôi không nhớ rõ năm nào. Anh Trần Thanh Hiệp, người
anh cả trong làng văn bút ngày xưa, là chủ tịch, tôi được anh dẫn từ Paris qua
kinh đô ánh sáng, như một “mầm non có nhiều triển vọng”. Giáo sư Nguyễn Ngọc
Bích đọc diễn văn khai mạc, nhà văn Mai Thảo từ Cali sang, trịnh trọng tiếp lời,
họa sĩ Võ Đình từ Hyattsville xuống. Anh Võ Đình dồn cho tôi một trận vì bài
phê bình vừa xuất hiện trên Văn Học, dám chê truyện ngắn Xứ sấm sét của anh. Rồi
từ đó chúng tôi thân nhau, một tình bạn khăng khít, anh hay sang Paris, anh gọi
tôi bằng o với giọng Huế đặc, cho tới khi qua đời. Năm đó tôi chưa gặp Trương
Vũ.
Nhưng từ sau, mỗi
lần đến Washington D.C. tôi đều gặp Trương Vũ, có khi chúng tôi ở nhà con gái
anh chị. Lúc đó Trương Vũ - Võ Đình là hai “ngôi sao” ở Virginia: Võ Đình, họa
sĩ kiêm nhà văn có cây cọ tài hoa, có chữ nghĩa phù thủy. Mấy năm sau, Virginia
có thêm Đinh Cường, một cây cổ thụ thơ họa từ Việt Nam sang và năm 2012, một
ông thầy thuốc ở ẩn Nguyễn Tường Giang, con trai Thạch Lam, xuất bút với Khói hồ
bay lãng đãng trên sông Potomac.
Trương Vũ, là Mạnh
Thường Quân chính hiệu, lấy tiền lương của mình đóng góp cho “bọn nó” làm báo.
Văn học hải ngoại tồn tại được, nhờ thế. Nhà anh, văn nghệ sĩ phương xa đến ăn
nhờ ở đậu, anh là ngân hàng thường trực chi tiền cho hai tờ báo Văn Học, Hợp
Lưu, mà tôi cộng tác, chưa kể những tờ báo khác, các quỹ này, quỹ kia, tôi
không biết tên.
Virginia cũng là
nơi đầu tiên cho tôi yêu thu trên đất Mỹ. Bạn đến đúng lúc, thu sẽ vây quanh bạn
trong vườn nhà Trương Vũ, vườn nhà Nguyễn Mạnh Hùng... Lúc đó bạn mới cảm thấy:
Vàng rơi! vàng rơi! thu mênh mông của Bích Khê, người thơ chưa bao giờ nhìn thấy
mùa thu, nhưng đã sống với thu trong tiền kiếp.
Ngồi quán thu trò
truyện với Đinh Cường, Nguyễn Tường Giang... hay ngồi uống trà trong nhà Giáo
sư Nguyễn Mạnh Hùng, là bạn đã tiếp thu được nửa phần tinh hoa của kinh đô ánh
sáng. Nhưng đó là chuyện về sau.
Bây giờ trở lại
ngày ấy, tức là thời kỳ đầu, Nguyễn Mộng Giác ngày ngày lái xe ra chốn vắng viết
Mùa Biển Động, ngàn trang, rung chuyển sự khâm phục trong tôi. Ngày ấy, Võ Đình
tay viết, tay vẽ, tạo một vũ trụ chữ nghĩa và hội họa giao thoa chưa từng thấy.
Ngày ấy, có Đỗ Kh. vung Cây gậy làm mưa đi khắp nơi, giảng truyền thứ kinh
thánh chống kỳ thị: phải biết yêu Liban, yêu người Ả Rập... như yêu chính mình;
đã hơn ba mươi năm qua, Liban vẫn chờ một tình yêu đến muộn. Ngày ấy, Trần Vũ nổi
lên như một khuôn mặt muốn đội đá vá trời, với giọng văn lạ lùng táo bạo, coi
thường cả thượng đế. Ngày ấy, có Hồ Trường An, biệt hiệu bà già trầu, thường gọi
điện thoại kể chuyện thâm cung bí sử trong hậu trường Văn học miền Nam, chuyện
Võ Phiến và hộp thư tình Bách Khoa lãng mạn. Ngày ấy, Mai Thảo say sưa trong những
bữa nhậu, có Vũ Huy Quang, đứa em thủy chung, hầu rượu, nghe chửi. Có Nhật Tiến
nghiêm khắc phản đối lắc đầu. Có Đỗ Ngọc Yến, Phan Tấn Hải đánh xe đến cửa tiệm
ăn, đón ông anh ngất ngưởng về nhà trọ. Còn biết bao nhiêu khuôn mặt nữa mà tôi
không nhớ...
Tất cả chết hết rồi,
chỉ còn lại Trần Vũ, Đỗ Khiêm, Phan Tấn Hải... và tôi, một bà già 80 tuổi mắt mờ
chân chậm, ngày đêm lần mò viết những chương chót của một quyển sách, Alzheimer
đuổi sát sau lưng, trí óc suy tàn, bắt đầu quên tiếng Pháp, rồi sẽ quên cả tiếng
mẹ đẻ, tất sẽ phải dừng.
Trương Vũ, người bạn
mà cho đến bây giờ, tôi vẫn tưởng chỉ có bốn đức: nhà giáo, nhà khoa học, Mạnh
Thường Quân, viết tùy bút tiểu luận - giờ mới biết anh còn cầm cọ giải buồn, là
đức thứ năm. Qua tranh và văn anh, tôi thấy lại cả một dĩ vãng đầy ắp kỷ niệm
vui buồn gần bốn mươi năm “cầm bút vui chơi”, bởi vì chúng tôi không ai là nhà
nghề, tất cả đều tài tử, trừ Nguyễn Mộng Giác đã thành danh ở trong nước. Những
đầu hoa, nhánh cỏ, trong tranh anh, chính là những tuổi trẻ của thời ấy phần lớn
là những “nhà văn nữ” (ngày ấy âm thịnh dương suy) nổi lên trong khu vườn nhiều
xuân sắc mà Trần Vũ, là kẻ làm vườn, nhổ cỏ, có khi còn tự tiện nhổ cả hoa trồng
lại. Tôi không nhớ hết tên những đóa hoa đã nở rực rỡ như những mùa xuân sớm của
một đất nước vừa đã tan tành.
Bây giờ nhẩm lại
con đường cũ từ cuối thập niên 1980... Nguyễn Mộng Giác, là người tiên phong,
thâm trầm, ít nói, đã nổi tiếng ở hải ngoại với những tập Mùa Biển Động, anh điều
hành tờ Văn Học từ số 1 (tháng 2-1986).
Nhưng anh đã bắt
tay vào việc trước đó: anh giúp đỡ nhà văn Võ Phiến làm tờ Văn Học Nghệ Thuật,
số 1, ra tháng 5-1985. Ông Võ Phiến được tiếng thơm, nhưng thực ra công lao thuộc
về Nguyễn Mộng Giác, vừa đi làm, vừa điều hành tất cả: lựa chọn bài vở và đánh
máy (lúc đó chưa có máy tính, mọi người gửi bản thảo đến tòa soạn và anh Giác
đánh máy, lên trang). Ông Võ Phiến làm chủ nhiệm, nhưng không phải làm gì cả.
Nguyễn Mộng Giác gọi ông bằng chú. Hơn nửa năm sau (đầu năm 1986), Văn Học Nghệ
Thuật ra được 6 số, Võ Phiến mệt mỏi, trao cho Nguyễn Mộng Giác thừa kế hoàn
toàn tờ báo này. Anh Giác phải khó khăn lắm mới được phép ông cho đổi tên là
Văn Học, và buộc phải viết lời cam kết, trong lá thư mở đầu của tờ Văn Học số
1, sau lời của Võ Phiến tuyên bố rút ra vì vấn đề sức khỏe, là lời của Nguyễn Mộng
Giác cam kết sẽ theo đúng chỉ thị và con đường Võ Phiến đã đặt ra.
Tuy nhiên trên Văn
Học những số đầu vẫn không thấy ghi tên Nguyễn Mộng Giác làm chủ bút mà ghi một
ban biên tập mới với tên rất nhiều người. Một thời gian sau mới thấy tên Nguyễn
Mộng Giác hiện ra. Khi sang Paris, anh tâm sự với người bạn ở xa, anh bị chú đì
như thế nào. Đối với chúng tôi, Võ Phiến như ông Địa trên bệ thờ, kính cẩn, mỗi
lần sang Cali đều được anh Giác hay thầy Từ Mẫn lái xe từ Quận Cam lên Los
Angeles cúng bái. Nguyễn Mộng Giác mới là người anh cả, khai sinh và dìu dắt
cái mà sau này sẽ được gọi là Văn học hải ngoại.
Nguyễn Mộng Giác
làm việc cật lực, có Cao Xuân Huy giúp sức đánh máy, có anh Nhật Tiến trợ lực
trong ngoài. Hoàng Khởi Phong đứng tên trên giấy là Giám đốc cả hai tờ Văn Học
Nghệ Thuật và Văn Học. Trong ba năm, Nguyễn Mộng Giác đã quy tụ được tất cả “nhân
tài năm châu” thời ấy cho tờ Văn Học, nhờ cách cư xử chân tình và với nhã độ của
anh. Tới khi chị Diệu Chi qua, anh Giác nhất định thôi. Trương Vũ từ Washington
D.C. qua, tôi từ Pháp sang, khuyên can không được. Anh Giác chịu nhận giữ tên
làm vì: Văn Học số 39, tháng 4-1989, chính thức ghi: Chủ nhiệm Nguyễn Vinh Hiển;
chủ bút Nguyễn Mộng Giác, Tổng thư ký tòa soạn Hoàng Khởi Phong, là bút hiệu của
Nguyễn Vinh Hiển. Cao Xuân Huy vẫn trung thành. Có Khánh Trường nhập cuộc. Trần
Vũ xuất hiện với truyện ngắn Ngôi nhà sau lưng văn miếu trên Văn Học số 42
(tháng 7-1989)...
Năm 1991, Khánh
Trường đứng ra thành lập tờ Hợp Lưu với Phan Tấn Hải trợ lực, can đảm chủ
trương “giao lưu” cùng các nhà văn trong nước, một lập trường còn rất kỵ, bị
đánh tơi bời, nếu không có sự che chở của anh Mai Thảo. Mai Thảo vốn ghét cộng
sản, nhưng anh bảo vệ những đứa chủ trương khác với anh, hồi đó tôi phụ trách
chương trình Văn học nghệ thuật ở RFI, cũng bị coi là thân cộng. Hỏi anh, anh bảo:
cô muốn làm gì thì làm. Anh là người đích thực tôn trọng tự do của người khác,
người Việt chúng ta không có nhiều. Anh Phạm Duy chỉ vì về nước hơi sớm, đã bị
tẩy chay cho đến chết.
Ở Cali, ngoài hai
tờ Văn Học và Hợp Lưu, còn có tờ Văn của Mai Thảo và tờ Khởi Hành của Viên
Linh. Văn sống phong lưu nhờ những độc giả trung thành của Mai Thảo ở khắp năm
châu, và Viên Linh là một kiện tướng trong nghề báo, đến Nguyễn Huy Thiệp ở
trong nước ra, cầm tờ Khởi Hành, cũng phải khâm phục. Đó là những tờ báo cột trụ
của Văn học hải ngoại.
Trương Vũ và Nguyễn
Mộng Giác là hai người bạn tôi phục nhất, ngoài chuyện văn chương, cả hai di tản
một mình, chờ vợ hơn mười năm, mang hình ảnh “vọng phụ” trái chiều, và một sự
thủy chung thần thoại trong thời đại chúng tôi. Từ khi chị An và các cháu sang
Mỹ, anh chị Trương Vũ tổ chức họp bạn tưng bừng, mỗi khi có khách quá cảnh.
Trong những bức vẽ chân dung bè bạn và người thân, Trương Vũ lột tả tài tình vẻ
đẹp hiền hậu của người bạn đường, như để tạ ơn đời.
Bẵng đi bao năm,
tôi đã quên hẳn cái “lịch sử” này, cho đến hôm nay khi đọc Đuổi bóng hoàng hôn
và xem tranh Trương Vũ, tôi nhặt ra từng kỷ niệm, tôi đếm ra từng khuôn mặt.
Ở Trương Vũ là
lòng vị tha ít thấy trong lòng người di tản, anh đã sớm bước qua những tương
tàn đổ nát, phân liệt chia lìa để chỉ nhìn thấy tình thương. Từ lâu rồi anh
không còn chia đôi chiến tuyến: chữ anh nhẹ nhàng như những sợi bông gòn mềm mại
đắp lên vết thương cho mau lành. Anh bảo: “Thời gian qua, bao nhiêu thay đổi,
bao nhiêu biến cố dồn dập trên thế giới, và bao nhiêu sự thật phơi bày trên đất
nước, tôi không còn nhìn về ngày 30 tháng 4 như xưa nữa”.
Những kỷ niệm của
anh được che bằng màn sương mờ ảo của yêu thương và tha thứ. Những khuôn mặt
xưa chói rạng hơn bao giờ qua những cỏ hoa muôn màu, anh vẽ trong những ngày
tháng khác nhau, dùng cảnh nói người: những tội ác, phản bội, thù nghịch, căm hờn
được anh hóa thân trong màu đỏ của lửa thành những tàn tro vô hại. Còn quá ít
những tác phẩm giải oan như thế, đất nước này cần nhiều ngòi bút như anh, cần
nhiều bức vẽ như tranh anh.
Đuổi bóng hoàng
hôn khởi hành bằng chuyến vượt biển, vào một đêm đại dương tháng 3 năm 1976, của
một người và bốn bạn đồng hành, không kinh nghiệm hải hành, trên chiếc ghe đánh
cá nhỏ, chèo từ Nha Trang đến Phi Luật Tân. Một đêm, đang chèo, người ấy nhớ
câu thơ Victor Hugo ca tụng những người thủy thủ lao mình vào đại dương, bao
người đi không trở lại. Người ấy và bốn bạn đồng hành đến nơi vô sự, con thuyền
là một trong những chiếc di tản đầu tiên cập bến Manilla. Nhưng những chiếc
sau, không may mắn thế... Từ đó, người ấy xé câu thơ Victor Hugo trong ký ức, bởi
chữ không có nghĩa gì trước một mạng người…
Ba mươi nhăm năm
sau, người ấy nhớ tới Những cơn mưa ngày cũ, ở Nha Trang, ở Sài Gòn, không giống
mưa trên đất Mỹ, hẳn rồi, bởi làm sao Mỹ có được một cậu học trò dám “dạy” thầy
không nên bắt học trò xếp hàng đón một ông lớn tới thăm trường. Một cậu học trò
khác, sau ba mươi tháng tư hỏi thầy: “Tại sao trước đây thầy như vậy mà bây giờ
thầy lại như vậy?” Thầy thần mặt ra. Những giọt mưa ngày cũ tưới lạnh tâm hồn,
khiến thầy giật mình, tỉnh lại. Rồi trong những năm biệt xứ, học trò đến chăm
sóc gia đình thầy, học trò dạy học con thầy.... Quê hương anh và chúng tôi có
những con người như thế...
Rồi anh chị trở về
nước năm 2001, 2006... người học trò năm xưa đến xin lỗi đã “trót dạy” thầy. Trải
những thăng trầm, biến đổi, với những kiên gan, bền chí, học trò anh đã vượt
qua và trở thành những giáo sư đại học như anh ngày trước... Tôi đọc trong anh
niềm tin tưởng ở tương lai. Tuy không chung quá khứ với anh, nhưng có những
kinh nghiệm khác, khiến tôi cũng tin tưởng vô cùng vào tuổi trẻ nước tôi.
Nhưng đoạn gây xúc
động hơn cả, là khi anh đọc bài thơ Độ Tang Càn (Qua sông Tang Càn) của Giả Đảo:
Khách ở Hàm Dương đến trọ Tinh Châu đã được mười năm, ngày đêm tưởng nhớ Hàm
Dương. Một ngày kia khách vượt sông Tang Càn, lại ngoảnh về Tinh Châu mà nhớ. Rồi
anh thả một câu kết mơ hồ loang sóng như nói với chính mình: “... phải có những
hình ảnh, những kỷ niệm, những giây phút bất chợt, những vết son hay những vết
hằn, đã đi theo người khách từ Hàm Dương đến Tinh Châu. Rồi từ Tinh Châu, theo
khách, vượt sông Tang Càn, đã làm cho khách lớn hơn, và ở với khách cho đến
ngày trút hơi thở cuối cùng”.
Anh và tôi đều là
những kẻ đi về Tang Càn nhiều bận và cũng đã nhiều bận hỏi lòng, nhưng dường
như không ai trả lời được dứt khoát. Hơn sáu mươi năm sống ở Pháp, biết bao lần
tôi tự hỏi quê hương là gì? Là món ăn, là giọng ca quan họ, là thể chế, là cảnh
đẹp tuyệt vời, là thành quách lịch sử? Cuối cùng, tôi tự nhủ: quê hương chỉ đơn
thuần là dân tộc và gia đình, nhưng dân tộc tôi ở bên này sông, gia đình con
cháu tôi ở bên kia sông, làm sao tôi chọn?
Nói với chàng
Siêu, là câu chuyện của những người chinh phu hiện đại, trong một đêm liên hoan
chào quân kỳ trên đất Mỹ: “Lúc đó, bạn tôi, cựu tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 Thủy
Quân Lục Chiến bước lên máy vi âm. Có vẻ như anh lấy hết sức bình sinh để hét
lên một tiếng “nghi...ê...ê...m” rung động cả phòng tiệc. Tiếng hô của anh kéo
dài hơn bình thường. Tiếng ồn ào giảm dần. Cuối cùng thì tắt hẳn. Tiếng hô của
anh cũng ngừng lại ở đó. Nhờ vậy quốc kỳ và quân kỳ được tiễn đưa trong trang
nghiêm.
Sau đó, nhạc dạ vũ
trổi lên. Vui nhộn. Một số người tiến ra sàn nhẩy, dẫn đầu là một trung tướng
thuộc quân lực Việt Nam Cộng Hòa”.
Anh liên kết tiếng
hô của vị sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa là bạn anh với tiếng hô của một sĩ quan Nhật
trong phim Những giấc mơ của Kurosawa.
Rồi anh kể người
sĩ quan vừa ra khỏi trại tù, lầm lũi đi vào đường hầm để trở về nhà:
“Ra khỏi đường hầm,
anh khẽ quay đầu nhìn lại và thấy bóng một người đang chạy ra. Một người lính
trang bị súng ống đầy đủ như lúc lâm trận. Anh thốt lên:
“Binh nhì Noguchi?”
Người lính đứng
nghiêm-một người lính rất trẻ -gập người xuống chào một cách kính cẩn rồi nói:
“Thưa đại đội trưởng.
Chính tôi.”
Sau đó người lính
hỏi dồn dập:
“Đại đội trưởng,
ông hãy nói thật với tôi đi. Có phải tôi đã tử trận rồi không?... Tôi nhớ là
tôi đã đi về nhà và đã ăn những cái bánh mẹ tôi làm cho tôi...”
“Noguchi... Em
trúng đạn và ngất xỉu. Rồi em tỉnh dậy. Tôi đỡ em trên tay. Em nói với tôi là
em đã đi về nhà và ăn những cái bánh đặc biệt do mẹ em làm... Khoảng năm, sáu
phút sau em tắt thở. Em chết thật rồi mà.”
Noguchi lảo đảo, rồi
đứng nghiêm và gào lên:
“Vâng...
Nhưng...ba mẹ tôi vẫn tin là tôi còn sống.”
….
“Noguchi thất thểu
đi trở lại rồi biến mất trong đường hầm.
Người sĩ quan sắp
sửa cất bước. Bỗng anh lại nghe từ trong đường hầm tiếng đi rầm rập của một
toán quân... tiến gần đến anh, người dẫn đầu hô to ra lệnh toán quân dừng lại,
ra lệnh bồng súng chào, rồi dõng dạc nói:
“Trình diện đại đội
trưởng. Trung đội 3 đã trở về doanh trại... Hoàn toàn vô sự.”
Người sĩ quan nhìn
chằm chặp vào toán quân. Nửa cười, nửa mếu. Một phút im lặng... anh lấy hết
bình tĩnh, rồi nói:
“Các anh em nghe
đây... Trung đội 3 đã hoàn toàn bị tiêu diệt... anh em đều tử trận... Tôi đã
tung Trung đội 3 vào trận chiến để rồi tất cả đều bị giết. Lỗi tại tôi... Tôi
chỉ mong được chết như các anh em... Hãy về lại nơi nằm nghỉ của mình đi. Hãy
yên giấc với ngàn thu đi.”
Gài lại nút áo cho
nghiêm chỉnh, lấy hết sức bình sinh hô “nghiêm”, hét thật to cho Trung đội quay
lại. Trung đội 3 làm theo lệnh anh, bước răm rắp trở lại đường hầm.”
Akira Kurosawa là
một trong những tượng đài điện ảnh thế giới, ngự trị từ Rashomon, 1950, sáng tạo
cách nhìn đa chiều một sự kiện. Các đạo diễn lừng danh Sergio Leone, George
Lucas, Steven Spielberg... từng nhận ông là thầy. Những giấc mơ (Yume, Dreams,
Rêves) là một trong ba tác phẩm cuối cùng (sau đó còn hai phim nữa). Năm 1990,
Những giấc mơ được trình bày ở liên hoan Cannes. Họ trịnh trọng trao Cành cọ
vàng cho cả sự nghiệp của ông, nhưng hững hờ không chú ý đến Những giấc mơ. Sau
này, người ta cũng không chọn ghi trong danh sách tác phẩm của Kurosawa.
Nhờ Trương Vũ rút
ra đoạn mơ này, tôi mới biết rằng cuối đời Kurosawa đã “liên lạc” được với thế
giới bên kia, ông đã mô tả cảnh đi về giữa hai cõi âm dương qua con đường hầm “có
thật” mà người Âu không thể hiểu. Tả cảnh chiến tranh đến được như thế, thực
ngang ngửa Guernica, tuy không có những nhát giáo gươm, đạn bom xé vụn của
Picasso, nhưng có độ kinh hồn, sâu lắng khác, bởi Kurosawa đi xuyên hết hai
cõi. Tôi suy ra không biết Kurosawa còn bao nhiêu đoạn phim kiệt tác như thế
không được người Âu “công nhận”.
Sự cách biệt không
phải là Âm Dương mà là Á Âu, trường tồn và miên viễn. Năm 1968, Kurosawa được
trân trọng mời làm đạo diễn phần Nhật của phim Tora! Tora! Tora! về trận Pearl Harbor: 20th
Century Fox và Kurosawa Production hợp tác sản xuất. Ít lâu sau Kurosawa bị sa
thải, người ta xì xào vì bệnh “tâm thần”, và ông đã phải khốn đốn trong 10 năm
sau đó. Là người Việt, tôi để ý thấy điều này: trong phim Mỹ về chiến tranh Việt
Nam, người ta thường xóa sổ quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Dù người di tản trên đất
Mỹ có đến hàng triệu, nhưng họ lại mượn người Lào, người Miên, người Mã... đóng
phim, nói một thứ tiếng lạ lùng nào đó, được gọi là tiếng Việt.
Karosawa hình như chưa nghĩ đến tại sao
hai quả bom nguyên tử trên Hiroshima và Nagasaki có thể gợi nhớ đến một thứ được
coi là tội ác chống nhân loại, mà cả thế giới hình như chưa một ai dám nghĩ đến,
dám gọi tên ra? Vậy thì làm sao ông có thể cộng tác với Mỹ để làm một phim chủ
đề Pearl Harbor, với tham vọng ngầm biện hộ cho Nhật Bản. Điên là phải. Ai cho
phép Nhật Bản được độc quyền tội ác?
Nhưng Trương Vũ làm gì trong cái thế giới
tắc nghẽn cảm thông này?
Anh đem tiếng hô nghiêm của vị sĩ quan
Nhật gọi lính quay về nhà mồ, đặt cạnh tiếng hô “nghi...ê...ê...m” của vị sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng
Hòa trước khi người chỉ huy tối cao ra
sàn nhẩy. Một sự sắp đặt tài tình, từ chủ ý lẫn dàn cảnh mà chỉ một người cựu
quân nhân như anh mới đủ thẩm quyền để viết như thế. Hiểu thế nào mặc lòng, và
như thường lệ, đối với những tác phẩm có chiều rất sâu, bạn muốn nghĩ thế nào
cũng được.
Nắng vàng trong rừng thu bắt đầu bằng một
hình ảnh tầm thường mà trĩu nặng: Người đàn bà da trắng ngồi trước thềm nhà, ở
Philadelphia, bà ngồi im lặng, bất động, mắt nhìn xa, đăm chiêu, trông như một
pho tượng Rodin... mỗi khi anh đi qua để đến trường, anh đều thấy bà... Anh tra
vấn, anh phân tích xem bà nghĩ gì, cái đầu ấy chứa bao nhiêu suy tư, bao nhiêu
kỷ niệm, anh tưởng tượng mình sẽ đến gần trò chuyện, hỏi thăm cái dĩ vãng xa
xăm ấy mà anh chưa dám, anh không biết làm cách nào. Rồi anh rời Philadelphia,
khi trở lại, người đàn bà ấy không còn ngồi đấy nữa, nhưng những hình ảnh phụ nữ
bất hạnh của dân tộc anh, tiếp nối luồn vào hồn anh, không ngừng nghỉ trong suốt
cuộc đời còn lại, dù anh không dự vào đời họ, anh chỉ nghe kể lại, anh vẫn bị họ
chi phối, anh vẫn bị họ đánh thức... Đó là kiếp của những người cùng chung nhau
hai chữ đồng bào. Rồi anh vẽ bức tranh Nắng vàng (2010), để đắp lên những đớn
đau của họ bằng màu sắc.
Trong Về lại Sorrento, anh nhớ lại hình
ảnh bà Hai điên, ở gần ngôi nhà cũ của anh trên đường Hàn Thuyên, “… một người đàn bà thường ngồi vắt vẻo
trên bức tường trước nhà, la hét, chỉ chỏ, cười nói, chửi rủa. Năm tôi khoảng
mười tuổi, bà chưa điên. Một buổi chiều gần tối, khi đang chia phe đánh lộn với
lũ bạn trong xóm thì có đứa bé khoảng năm tuổi đến nói với tôi là bà Hai gọi
tôi. Tôi theo nó vào nhà, một căn nhà tăm tối, nhỏ như một cái am, ở sau những
căn nhà cất cho nhân viên quan thuế. Bà Hai muốn tôi viết giùm một bức thư cho
mạ và những bà con của bà ở Huế. Bà đọc cho tôi viết và hứa sau khi viết xong sẽ
cho tôi hai đồng. Đang viết nửa chừng, tôi nhớ đến “trận đánh” ngoài kia nên nói với bà tôi phải chạy
ra chơi sau đó sẽ trở lại viết tiếp. Tôi đã không trở lại viết tiếp. Rồi quên bẵng
đi cho đến khi tôi đã trở thành người lớn, đã lập gia đình và có con, và bà Hai
đã trở thành bà Hai điên...” Cách
đây tám năm [tức là năm 2001] anh trở về Nha Trang, anh có đến thăm lại khu nhà
cũ, bà Hai điên không còn nữa... Anh tự dằn vặt, nếu hồi đó anh không ham “trận đánh”, anh ở lại viết nốt lá thư cho bà, anh
đã... anh đã... cuối cùng anh chỉ có một nguyện ước là làm sao đi ngược thời
gian trở lại đúng ngày giờ hôm ấy, viết nốt lá thư cho bà Hai. Một nguyện vọng
nhỏ nhoi, nhưng anh không làm được. Anh viết cho anh mà cho tất cả mọi người,
chúng ta biết bao nhiêu lần thất hứa, biết bao lần quên, biết bao lần tưởng
mình vô tội... Tôi nghĩ trí tưởng tượng phong phú của anh chừng như đã nghĩ đến
khả năng: nếu anh giúp bà viết thư cho mạ ngày ấy, biết đâu bà sẽ không điên,
biết đâu... biết đâu... Trong hội họa của anh, tôi thấy nhiều lớp chồng chất
lên nhau tương tự như những biết đâu, biết đâu... ngày ấy.
Mưa ướt Vị Thành tập hợp nhiều hồi đoạn
của đời anh, từ lúc còn là giáo sư toán trẻ, bị động viên, ra trường sĩ quan,
được gửi đến một nơi hẻo lánh. Một ngày mưa trên đỉnh đồi hải đảo, anh lính trẻ
ngồi nhớ đến -không phải người yêu mà là- những câu thơ Vương Duy, cả bản chữ
Hán lẫn bản dịch Ngô Tất Tố:
Trời mai mưa ướt Vị Thành
Xanh xanh trước quán mấy nhành liễu non
Khuyên chàng hãy cạn chén son
Dương Quan đến đó không còn ai quen
Ai viết như thế thì tôi không tin,
nhưng Trương Vũ viết tôi tin. Bởi vì bốn câu thơ này chính là chân dung anh, là
bức chân dung còn thiếu trong sưu tập tranh chân dung của họa sĩ Trương Vũ, vì
anh bảo: nhìn gương thấy mặt mình nản quá. Ai lại viết như thế! Người ta thường
thấy mặt mình đẹp quá, nhiều họa sĩ có đến cả chục bức chân dung tự họa kia mà.
Nhưng thôi, xin trở lại với câu thơ
Vương Duy:
“Dương Quan đến đó không còn ai quen”.
Ta chẳng cần biết Vị Thành ở đâu, Dương
Quan ở đâu, bởi vì nhà thơ đã biến đổi nhiệm vụ định danh của những chữ này,
cho chúng trở thành vô danh, bất định:
Trời mai mưa ướt Vị Thành, hay Trời mai
mưa ướt Long Thành, cũng thế.
Dương Quan đến đó không còn ai quen hay
Hàm Dương đến đó không còn ai quen, cũng thế.
Tức là nhà thơ đã làm cho tâm sự của
riêng mình thành tâm sự của trăm mình, vạn mình...
Để mấy trăm năm sau, anh lính mới
Trương Vũ, trên đỉnh đồi hải đảo, đọc thơ Vương Duy thấy đúng tâm trạng mình. Rồi
thơ ám vào anh, nên lúc nào anh cũng thấy đúng, từ Nha Trang sang Manilla, từ
Manilla đến Philadelphia, từ Philadelphia về Washington D.C., rồi từ Washington D.C. trở lại... cố quận: Anh đi đến đó,
không còn ai quen... người đàn bà Rodin, bà Hai điên cũng không còn, chỉ mưa là
còn. Nhưng ngược lại, anh mua được một mảnh trời: trời thơ mà anh yêu quý và
anh đã ở với thơ suốt cuộc đời làm khoa học, anh khuyên mọi người: “Dù có làm thơ, viết văn hay không, hãy
đến với cuộc đời bằng tâm hồn thi sĩ. Bạn sẽ thấy cuộc đời đẹp hơn”. Mấy câu thơ Vương Duy theo anh trong
hội họa, hay anh theo gót Vương Duy, không thể biết được, nhưng chắc chắn đó là
những câu thơ định nghĩa đời Trương Vũ.
Anh vào hội họa như thế nào?
Anh không vào hội họa mà bẩm sinh anh
biết vẽ. Văn có thể học mà viết được. Thơ và họa, nếu không phải trời sinh, thì
chịu. Những ai đến trường học vẽ mà trở thành họa sĩ, là họ đã biết vẽ từ trước
khi đến trường. Nhà Trương Vũ có “mả” vẽ, chị Trương Thị Thịnh là họa sĩ nhà
nghề. Trương Vũ hồi trẻ cũng muốn học vẽ, nhưng cha bắt học toán, “thiên tài” bị bóp chết từ trứng nước. Nhưng rồi
đâu vào đấy, “thiên tài” vẫn trở lại với sở thích ban đầu. Đây
là những hàng anh viết về Đinh Cường, nhưng có rất nhiều anh trong đó:
“Thế giới của tôi khá bình dị, gần với
thực tế, không có những lực đè nén để buộc tôi phải chìm đắm vào những lớp sâu
của tâm hồn. Tôi thích thơ của Đinh Cường, tôi ngưỡng mộ tranh của Đinh Cường.
Tôi cảm được có một giá trị cao nơi tác phẩm của bạn tôi. Bố cục, màu sắc, hình
họa, và tính trừu tượng rất đặc thù. Tôi cũng cảm được rằng ở đây dường như có
một chút phối hợp hài hòa giữa Modigliani với Picasso, và trên hết là của chính
tài năng và tâm hồn của Đinh Cường, rất riêng. Tuy nhiên, dù ngưỡng mộ, tôi vẫn
cảm thấy một chút xa cách. Chẳng hạn, tôi biết được, thấy được những thiếu nữ
trong tranh Đinh Cường đẹp, rất đẹp, nhưng tôi không thấy gần với họ, không có
cảm giác mình đụng được những con người như thế. Cho đến khi tôi bắt đầu vẽ; bắt
đầu xa rời dần cái thực tại bình thường của đời sống hàng ngày để đi vào cái thực
tại của nội tâm. Lúc đó, những thiếu nữ của Đinh Cường cũng bắt đầu rời khỏi những
con đường nhỏ của cố đô Huế năm xưa, hay rời khỏi những nấm mồ hoang sau nhà Bồ
Tùng Linh, để đi vào thế giới riêng của tôi, như những con người rất thật. Cả
cái nhà thờ con gà ở Đà Lạt, những phố xá, núi đồi trong mù sương ở Dran, hay
anh da đen thổi kèn đồng ở Mỹ, v.v…, đều như thế. Tất cả khiến cho cái thế giới
nội tâm của tôi nhộn nhịp lên, làm cho đời sống giàu hơn.(....)
Đam mê càng lớn, ước vọng càng cao,
càng dễ thấy cái giới hạn của sức lực mình. Ráng tạo một tác phẩm như ý rất thường
khi không khác như lao đầu vào một cuộc chiến của nội tâm. Dù xung quanh có bao
người thân yêu, có bao bạn bè tốt, cuối cùng cũng chỉ có một mình mình thôi phải
đương đầu với nó. Nỗi cô đơn rất khó tả.
Thường tình là như vậy, huống chi, khi
biết mình mắc thêm một chứng bệnh trầm kha. Lúc đầu, bạn tôi vẫn giữ nguyên cái
an nhiên tự tại thường tình và tin tưởng nhiều vào khả năng của y học. Vẫn vẽ
nhiều, vẫn viết nhiều, vẫn gặp gỡ bạn bè thường xuyên, như không có gì xảy ra.
Chấp nhận những đớn đau của chemo như điều không thể tránh. Cho đến khi, cơ thể
yếu hẳn dần. Lúc đó, theo dõi những bài thơ trên blog Phạm Cao Hoàng, những bài
thơ được viết ra như viết nhật ký, tôi có cảm tưởng
như nửa khuya nào bạn tôi cũng thức dậy. Ngó qua khung cửa sổ, nhìn bóng đêm,
nhìn vầng trăng. Rồi, nhìn lên kệ sách. Rồi đi tìm những cuốn sách, những bài
thơ của bạn bè. Rồi viết cho người này, người nọ, cho những người còn sống, cho
những người đã chết. Thi thoảng còn từ ký ức phác hoạ vài chân dung của bạn bè.
Tôi cảm phục sức làm việc phi thường, ý chí cống hiến thanh thoát, nhưng đồng
thời, tôi cũng cảm nhận nỗi cô đơn cùng cực của bạn. Nói như Đinh Trường Chinh,
“cô đơn đi vào bóng tối”. (Lá mùa thu)
Bao nhiêu năm trước tôi đã “tiên đoán” Virginia có ba ngôi sao: Võ Đình,
Trương Vũ và Đinh Cường, lúc đó là đoán mò, tôi nhìn Trương Vũ như một nhà Mạnh
Thường Quân thành công trong khoa học, là một vì sao, vì chữ Nasa làm chúng tôi
lác mắt. Bây giờ, không đoán mò nữa, tôi đã có một Trương Vũ văn chương hội họa
như Võ Đình, Đinh Cường, trước mặt, như thể hai anh hiện về. Đó là sự phối hợp
tài tình giữa hồn thơ và tài năng thiên bẩm hội họa.
Tôi yêu lắm những dòng chân dung kép
Trương Vũ viết và vẽ Đinh Cường, đường nét thành thật, rõ ràng vẽ một người mà
thành hai, viết về họa mà thành thơ. Nhờ đó, tôi thấy được bạn tôi, một người
làm khoa học, đã hóa thân trong màu sắc và cây cọ như thế nào, tại sao tranh
anh lại thế. Bởi tranh Trương Vũ dưới cái đẹp hội họa rực rỡ tươi sáng còn giấu
một chiều sâu u uẩn của bi kịch nội tâm đã hòa tan trong màu sắc, trở thành lớp
da thịt thứ nhì. Những bức tranh của anh, dù có đề năm, nhưng tâm sự và kỷ niệm
không có ngày sinh, ngày mất, mà lộn tùng phèo sinh tử, nhưng tôi, kẻ ngắm
tranh, vẫn nhận ra thể xác và hình hài của chúng trong tác phẩm của anh.
Là nhà khoa học, tranh anh luôn luôn có
bố cục chặt chẽ, màu sắc nghiên cứu kỹ càng. Anh học vẽ một mình. Nghệ thuật tạo
hình là một trong những khuôn khổ khắc nghiệt nhất của các kỷ luật, nhưng anh
còn khắc nghiệt hơn với chính mình, tranh anh hầu như bức nào cũng là một công
trình lao động kiệt lực, không có chi tiết nào bị bỏ qua, không có một sơ hở
nào để phê phán: Tôi tưởng tượng anh vẽ tranh như các họa sĩ thời Phục Hưng, dày
đặc chi tiết, chăm chút từng nét, từng vết. Thoạt mới nhìn qua tưởng cứ ném sơn
lên vải bố là xong, không phải vậy, mỗi cánh hoa mà ta tưởng là cánh bướm, cũng
phải chăm sóc bằng kính hiển vi, chưa kể những hình hài li ti khác, âm thầm,
kín đáo có mặt, để tạo hồn tranh, tạo đời sống tâm linh, tạo những lớp đau khổ
khác nhau, mà chỉ những kẻ thật sự yêu tranh mới lột ra được.
Qua những tác phẩm được Phạm Cao Hoàng
giới thiệu trên mạng, tôi chia tranh anh làm hai “trường phái” ấn
tượng và hậu ấn tượng, mặc dù tôi không thích gọi tên trường phái này nọ, tranh chỉ là tranh, không cần nhãn hiệu. Tôi
chia cho dễ nói.
Tôi đoán, lúc đầu anh gắn bó với ấn tượng
ở điểm mấu chốt: Làm nhòe khung cảnh như có một màn sương mỏng buông xuống
không gian. Thay vì nhận diện khung cảnh rạng đông như bức ảnh chụp, Monet cho
ta cái ấn tượng về rạng đông, cái này ông “học” trong thơ, chủ yếu thơ Đường, và muốn
như thế, phải xóa bỏ đường nét rõ ràng, để bức tranh hiện ra mờ ảo, thơ mộng.
Anh dùng nghệ thuật ấn tượng, tức là dùng màu thay nét vẽ (dessin) để tạo không
gian mơ, không gian thơ, mà đóa hoa đôi khi chỉ là một chấm, một nét quệt, một
vết màu, bởi anh đã xóa dessin, tức là xóa biên giới giữa vật và không gian.
Không cần dessin mà dùng trực tiếp màu, chỉ có màu cũng đủ làm nên một đóa hồng,
một nhánh tường vi, và đó chính là nghệ thuật ấn tượng.
Tôi lại đoán, ít lâu sau, anh thấy giới
hạn của ấn tượng trong thơ mộng, nên anh bỏ những quy ước ấy, anh vẽ theo ý
anh, có thể dùng dessin, dùng tất cả, màu sắc và các cách quét sơn, bôi màu, để
diễn tả những thực tế phũ phàng, những đam mê không biên giới... con đường ấy,
được gọi là hậu ấn tượng.
Nhà hoang trong ngày thu (2010), dường
như anh muốn Việt hóa cảnh vườn nhà Monet, với những màu sắc và phong cảnh quê hương anh, trầm
buồn, nên thơ, mơ mộng. Gió thu (2011) và Hồi sinh (2022) là những bức tranh
giao thoa giữa các vùng nghệ thuật. Anh vẫn còn ở trong hiện thực, chưa xóa
dessin cho mờ ảo, nhưng tranh đã có nhiều chất thơ, ít khi anh vẽ rừng cây cao như thế: Hồi
sinh, với tôi, anh vẽ Lưu Trọng Lư trong ký ức. Gió thu, cây cao mà uyển chuyển
như bóng dáng những thiếu nữ đi trong rừng, tôi thấy như anh vẽ Nha Trang trong
hồi tưởng, thời còn những niềm yêu chưa ngỏ, những cô học trò rụt rè, chắc thời
trẻ anh tung hoành lắm, nên bây giờ vẫn còn đọng lại những nét phong vân.
Bức tranh Gokayama trong cách nhìn biến
đổi (2009), ở trong phong cách hậu ấn tượng, đặc biệt quyến rũ, nhưng tôi tự hỏi:
anh có cần ghi mấy chữ trong cách nhìn biến đổi không? Hình như không cần thiết
lắm. Người xem tranh không cần biết Gokayama ở đâu, ảnh thực thế nào, không cần
biết Hàm Dương, Tiêu Tương là đâu, chỉ một bức Gokayama trước mặt là đủ. Tác phẩm
vừa tan tác vừa chặt chẽ (tranh anh bố cục luôn luôn chặt chẽ), màu sắc chói lọi
nhưng mang ám ảnh đen tối tinh vi, anh thể hiện được tinh thần nghệ thuật xuất
chúng của người Nhật Bản mà ít dân tộc nào có được, qua bức tranh này.
Tranh thu của anh, trừ Cơn lũ ngày tàn
thu (2014), thường mang những tên không tiếng động: Vào thu, Như tuổi vào thu,
Màu thu, Sáng mùa thu...
Vào thu (2014), phân bố làm hai cảnh:
phần trời u ám, phần đất dịu dàng. Trong vườn, màu ngả xuống dần dần, những
cánh hoa êm ả sửa soạn rời đài hoa. Một cảnh chia ly nhẹ nhàng đang bước tới
trong tịch lặng và buồn bã. Như tuổi vào thu (2015) là một bức tự họa, anh vẽ
tuổi mình, tuy đã vào thu nhưng vẫn lóe lên những tia sáng rực rỡ, những màu sắc
đam mê, những năng lực khác thường, chen nhau trỗi dậy, không ngừng nghỉ. Là
anh.
Cơn lũ ngày tàn thu (2014) cấu trúc như
một bản nhạc với ba giai điệu: Trên cùng là trời đất giao thoa: trời sập xuống
thấp để được gần đất, mây hoảng loạn tan trong gió. Khúc hai: nước cuốn, hoa
trôi tan tác biết là về đâu. Khúc ba: lau sậy trên bờ đồng tình đổi sang màu
vàng, vươn cao, cưỡng lại nước lũ.
Với bức Tịch lặng trong thu nồng
(2018), anh xa thêm ấn tượng, tức là anh tự do hơn, không còn lệ thuộc vào bất
cứ quy tắc, màu sắc nào, anh có thể dùng tất cả mọi “dụng cụ” mọi phương pháp để vẽ và anh đưa ra một
phong cảnh tuyệt vời với màu đỏ nồng thắm, trong một mùa thu hoàn toàn tưởng tượng,
nhưng uyển chuyển và lả lướt vô cùng
Lửa hồng trong tuyết giá (2015) là một
thành công khác, anh hoàn toàn ra khỏi ấn tượng để đi vào hậu ấn tượng, anh
thành lập cõi hội họa của riêng mình, anh đem Lửa hồng vào trong tuyết giá với
những nét hình họa mạnh mẽ, màu sắc quyết liệt, có ảnh hưởng Van Gogh, Gauguin,
thời hai ông dứt khoát bỏ ấn tượng mà đi, anh diễn tả những xung động nội tâm,
những đam mê, những hỗn độn trong anh, như chưa bao giờ để lộ.
Hồi sinh 2 (2022), anh tiếp tục nét bút
mạnh dạn và quật khởi, tưởng như có hồn hướng dương của Van Gogh nhập vào, đó vẫn
là anh, từ bảy năm trước với Lửa hồng trong tuyết giá (2015), là Trương Vũ của
đam mê trong sáng tạo.
Bức Lối mòn trên đồi hoang (2019) kết tụ
những kinh nghiệm trong đời tranh từ trước đến bấy giờ: một bút lực tự chủ và tự
tại, họa sĩ làm chủ màu sắc, ánh sáng, làm chủ những rối rắm, những tan tác, những
cái nhỏ vô cùng... Tác phẩm phơi bày một sự hoang tàn không thể nói.
Màu thu (2019) diễm lệ đỏ, thu trong tuổi
hoàng hôn, anh tiễn thu bằng những màu sắc đầy hỏa lực, như để thể hiện cuộc
giao hoan cuối cùng giữa màu sắc và ánh sáng.
Sáng mùa thu, không rõ sáng tác năm
nào, đẹp lạ, tên lạ, đáng lẽ phải gọi là chiều thu hay tối thu, bởi dưới chân
hoa là bóng tối, nhưng anh lại gọi là sáng mùa thu. Anh trở lại cấu trúc âm nhạc,
bức tranh như một bản đàn với ba khúc điệu: Ánh sáng rực rỡ trên những thảm màu
nhỏ, được anh bỏ rơi thành những bông hoa trên cành; hay được trải rộng như những
vòng hoa là là trên mặt đất. Những gam màu đen len lỏi trong ánh sáng, như muốn
tìm một chỗ ngồi. Và lửng lơ trên trời là những quầng mây xanh ngả xám... Sáng
mùa thu, một buổi sáng đang chìm dần vào bóng tối, như thể anh đang sống lại những
buổi sáng đớn đau tuyệt đỉnh của Cao Xuân Huy trong Tháng ba gãy súng, những buổi
sáng cuối cùng của Huy cầm cự với ung thư... trong tuyệt vọng vẫn ngoi lên những
tia hy vọng.
Vườn hoang (2011), hiện ra những phiến
băng dài trên hai tay xuôi, những phiến băng hồng em mang trên vai của Trịnh
Công Sơn. Đã bao lần tôi lẩm nhẩm hát, vừa hát vừa thử hình dung xem những phiến
băng ấy như thế nào, mặc dầu vẫn biết đây là một hình ảnh siêu thực, không có nghĩa
trong hiện thực. Nay tôi tìm thấy trong Vườn hoang (2011), Một ngày bình yên trong
chiến tranh (2015), Về nơi thôn dã (2016), Quê hương tàn chinh chiến (2018),
Hoang dã (2019)... của anh, vô vàn những phiến băng ở các vị trí và hình thế
khác nhau, xếp thành thành quách, phiến mộ, mộ xanh, mộ đỏ, ẩn hiện mơ hồ, lửng
lơ, như vô hình, mà có thật, nhờ sự nhiệm mầu của nghệ thuật, hiện ra trước mắt
tôi, mà lại như đã hóa thân trong tim những người đồng điệu, đã sống, đã chết,
đã ngã xuống, trên quê hương, có người chết đến hai lần.
So với tranh thu, anh vẽ ít tranh xuân,
mặc dù xuân Virgina vô cùng quyến rũ, những cây đào Nhật Bản tuyệt đẹp không
khác gì được trồng trên đất Phù Tang.
Khi mùa xuân trở lại (2016) là bức
tranh rất lạ: anh xóa xuân đi bằng những vết cọ quét mạnh, đỏ rực, như để dập
vùi, không muốn nhìn xuân. Nhưng chính những vết quét lạ lùng này làm bức tranh
có gì quyết liệt, đặc thù, và bao giờ cũng vậy, cái lạ làm thành tác phẩm.
Hai năm sau anh vẽ Mừng xuân (2018), bức
tranh xuân đầu tiên làm tôi xao xuyến, ghi vẽ tháng 2-2018, mới gần đây thôi:
hai màu đỏ vàng ngự trị, những cánh bướm và những cánh hoa chen chúc, khó phân
biệt đâu là bướm đâu là hoa, chúng dìu nhau trong vũ điệu, theo chiều gió, từ
tranh ta nghe thấy tâm sự rộn ràng của hoa bướm bên nhau, thì thầm âu yếm như
những tiếng tim, vừa trải qua một mùa đông giá lạnh, gọi nhau tìm đến một mùa
xuân ấm áp.
Bến nước đen (2017) đẹp não nùng, lần đầu
tiên tôi thấy bóng người khá rõ trong tranh: hai phụ nữ chèo thuyền trên con nước
đen, từ vùng tối chèo sang vùng sáng, họ phải vượt qua đám cỏ hoa màu đỏ quyến
rũ và cạm bẫy để tới bên kia, là vùng hoa trắng an bình. Nhưng làm sao vượt được?
Ái ngại cho hoa hay ái ngại cho người. Họ vượt cồn hoa hay họ vượt cồn biển? Phải
vô cùng nhạy cảm mới dám đặt cho mình những câu hỏi như thế!
Sau những gam màu nóng, tới những bức
Hoàng hôn trên bờ sông (2012), Bèo giạt (2014), mọi đam mê như đã trầm xuống,
anh tịch lặng, an nhiên, ở ẩn, không còn gây gổ trong tâm hồn. Nắng chiều trên
sông (2019) bình yên hơn nữa, anh thảo cảnh bồng lai có một gia đình thiên nga
đang trò chuyện, có đám mây trắng Võ Đình, và có tất cả cảnh thanh bình của một
đất nước chỉ quen màu chinh chiến.
Điều kỳ lạ là nhiều bức tranh Trương Vũ
làm tôi nhớ tới văn Võ Đình, hoặc kéo trí tưởng của tôi về với Võ Đình.
Bóng mây lạc lõng (2013) và Vân cẩu
(2016) làm tôi nhớ Người chạy bộ của Võ Đình, anh Đình kể chuyện một người đàn
ông ngày ngày chạy bộ, qua cái park hay một con đường mòn, thấy những thứ rau cỏ
dưới chân, mới đầu ông ta còn ngần ngại, sau ông ta dẫm đại lên, rồi ngó lại
thì thấy sau bước chân ông, bọn cỏ “hèn mọn” này khơi khơi sống lại như không có
chuyện gì xảy ra. Những thứ cỏ rau cứng đầu cứng cổ này là “rau má dại hoa vàng, me đất hoa hồng,
rau trai hoa tím, rau bướm bạc hoa trắng... Những thứ rau cỏ dại hèn mọn, nếu
không chạy máy xén thật sát đất là chúng tưng bừng nở hoa, những nhánh li ti nhỏ
xíu mà màu sắc tươi rói, sáng ngời!” Thấy chúng hỗn hào quá, Võ Đình bèn trị tội bằng
cách nhổ lên ăn thử, không chết, bèn đem nấu canh, xào xáo, và đặt tên nọ tên
kia, rau má, rau me, rau trai... gọi
chung là rau tập tàng, nấu canh tập tàng...
Anh bảo chúng nó từ Việt Nam di cư sang, nên không hợp thủy thổ... nghĩa là anh
viện một trăm lẽ để biện hộ cho chúng cái tội cứng đầu. Nhưng thật ra anh biện
hộ cho anh về căn bệnh ung thư nhớ nước không thể nào chữa khỏi.
Rồi những cây nho biển của Võ Đình “... chen chúc rậm rạp trên bờ biển,
luôn luôn xao xác vì gió thổi ngày đêm. Thân cây mảnh nhưng u nần, quằn quại từ
gốc lên đọt. Lá to bản, tròn trịa, cứng và dày, màu lục xám, gân lá đỏ rực, những
đường son sắc nét” lại
là một cớ khác để anh biện hộ cho cái nhìn méo mó nghề nghiệp của anh, tất tật
cái gì cũng nhìn như họa sĩ, chỉ thấy hình hài và màu sắc! Và chính những cái
nhìn kỳ khôi đó làm nên chữ nghĩa Võ Đình, tinh vi, tế nhị chả kém gì Tchekhov,
thứ chữ rất hiếm của người Việt ta, nhưng nào ai để ý, một trăm triệu người Việt,
có mấy ai đọc Võ Đình.
Buổi mai trên bờ biển Pacific Grove
(2013) của Trương Vũ mang một gam màu khác với bình thường: màu tim tím như màu
Huế tàn phai của Võ Đình đem trồng trên đất Mỹ, nó giống như rau má, như cây
nho biển, như vũng nước đọng trước cửa Thượng Tứ... của Võ Đình, đều sinh ở Việt
Nam. Buổi mai trên bờ biển Pacific Grove,
cũng thế, là bức tranh anh vẽ với màu và sơn Mỹ, nhưng tim và ruột Việt, nó tự
nhiên như hơi thở và đẹp tuyệt vời, như anh trải mình ra vậy.
Những tác phẩm về thời chiến được anh
gói ghém trong phong bao hòa bình nhưng khốc liệt ngầm: Thôn xa (2005) trình
bày một bản xa trong gió lốc, tranh gần như trừu tượng, có một thứ chuyển động
ít thấy trong tranh anh, mà ta có thể coi bản dạo đầu của những vũ điệu tang
thương trên đất nước.
Trong cơn điên thế kỷ (2016) lại càng
cuồng phong vũ bão hơn nữa. Chuyển động tròn cuốn theo màu sắc rực rỡ, như cơn
thịnh nộ của trời đất. Đồng thời cũng diễn tả sự điên cuồng của con người trong
chiến tranh.
Thiên đường của đổ nát (2016) là một vườn
hoa sau cơn gió lũ. Ta có thể hình dung vườn Địa đàng sau trận cuồng phong. Hiếm
có họa sĩ nào trình bày chiến tranh như thế.
Cái còn lại sau điêu tàn (2018) rực rỡ
nổi lên, nét sơn mạnh dạn như anh vẽ bằng dao, trát dày, như dứt khoát muốn dựng
lại quá khứ đổ nát đã tàn phai trên nền đêm đen tối.
Độc thương nhiên (mình ta rơi lệ)
(2018) lạc lõng trong hoang tàn đổ nát, như con chim một mình trong thiên nhiên
vô cảm, nó đứng một mình, trước không có ai, sau không còn ai, chỉ một mình,
trong thanh bình, nhưng chỉ còn mỗi một mình mình.
Hồi tưởng một ngày thanh bình trong đổ
nát (2019) vẫn ở trong dòng hiện thực mạnh mẽ, tranh có nhiều tầng, tầng trên
cùng là thanh bình và ánh sáng, tất cả những cố gắng quật khởi sau chiến tranh
đều đồng thanh với màu sắc để vươn lên trên những đốm đen của tàn phá.
Nghĩ về một linh hồn trên biển (2010)
là bức tranh duy nhất gợi lại chuyện vượt biển trong đêm đại dương, thể hiện bạo
lực kinh hoàng của sóng bão, của những con thuyền lồng lên, oằn oại sắp tan
tành, một chiếc khăn tang thấp thoáng trên hậu trường... Tất cả ẩn trong những
vết sơn dường như quét vội mà vẫn kỳ ảo.