Thursday, December 12, 2024

3664. HUY VIỄN Trương Hồng Sơn, Ngựa Hồng Chưa Mỏi Vó

Nhà văn/Họa sĩ Trương Vũ - Ảnh: PCH (Woodbridge, 2019)

        

Trương Hồng Sơn là một người hiếm hoi thành đạt ở cả hai lĩnh vực khoa học và nghệ thuật. Sau khi lấy bằng Tiến Sĩ tại Mỹ, ông làm chuyên viên nghiên cứu cho cơ quan hàng không và vũ trụ NASA đến ngày về hưu. Suốt thời gian đó, ông cộng tác với nhiều tạp chí văn nghệ và từng làm chủ bút cho một vài tập san văn học ở hải ngoại (bút hiệu Trương Vũ). Trương Vũ còn là một hoạ sĩ nổi tiếng đã tham gia nhiều cuộc triển lãm tại Hoa Kỳ. Những bức tranh của ông, nếu được gom lại để xuất bản, sẽ là một vựng tập ấn tượng, dù nhiều người vẫn nghĩ ông, với một công việc toàn thời gian tại NASA, có thể chỉ là một artiste du Dimanche - hoạ sĩ tài tử. Trên các trang web đó đây, nhiều bạn văn của ông đã soi rọi thêm những góc suy tưởng còn ẩn khuất của con người tài hoa này. Nhiều người cũng biết ông từng là nhà giáo trước đây khi còn ở Việt Nam nhưng ít ai hình dung hết những dấu ấn của người thầy này đối với thế hệ sinh viên của một ngôi trường đại học yểu mệnh hơn 50 năm trước.

Once a teacher, forever a teacher

Mùa thu 1973, tôi và nhiều bạn trẻ mười tám đôi mươi thi vào Đại Học Cộng Đồng Duyên Hải Nha Trang. Ngôi trường mới được thành lập vào một năm trước đó với một khoá tuyển sinh duy nhất. Giai đoạn này, cuộc chiến trở nên khốc liệt hơn sau lệnh đôn quân vào mùa hè 1972. Chọn lựa ngôi trường này để theo học với nhiều người có thể là một quyết định an toàn trước thời thế. Sau hai năm theo học, sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc cho ngành điện tử đang phát triển hoặc ngành ngư nghiệp đặc thù của địa phương. Đông đảo nhất là ngành sư phạm với chừng 200 sinh viên mỗi khoá, những người sẽ trở thành giáo viên đệ nhất cấp ở nhiều bộ môn cho những trường học  ở miền Trung.

Hai năm ở Đại Học Duyên Hải lẽ ra cũng sẽ lững lờ trôi qua một cách tẻ nhạt nếu Trương Hồng Sơn không xuất hiện. Chính ông là người đã khuấy động, đã thổi hồn vào những năm học cuối của đời học trò của chúng tôi một cách ý vị. Thầy Trương Hông Sơn được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Sinh Viên Vụ, phụ trách những sinh hoạt ngoại khoá của sinh viên. Khuôn mặt sáng, đôi mắt tinh anh và nụ cười thân thiện của người thầy dạy Toán mới ngoài ba mươi này - một người thầy khác hẳn với hình ảnh đạo mạo sáo mòn thường thấy - đã nhanh chóng thu phục cảm tình của nam nữ sinh viên ngày ấy. Thầy Sơn sớm đặt niềm tin vào thế hệ trẻ và biết cách khơi gợi những năng lực của học trò mình và như William Arthur Ward (nhà văn Mỹ, 1921 – 1994) từng nói: "Người thầy trung bình chỉ kể, người thầy giỏi giải thích, người thầy xuất sắc minh họa, và người thầy vĩ đại truyền cảm hứng." (The mediocre teacher tells, the good teacher explains, the superior teacher demonstrates, and the great teacher inspires). Điều thú vị là nhiều cựu sinh viên Đại Học Duyên Hải giờ đây vẫn kính trọng và trìu mến gọi ông bằng thầy nhưng ít ai được ngồi trong lớp toán của ông, hướng về phía ông đang thao giảng trên bục giảng.

Vừa bắt tay vào việc, ông lập tức mời nhóm văn nghệ sĩ bằng hữu thời đó như Bửu Ý, Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Lê Thành Nhơn, Trùng Dương, Huy Tưởng ... vào sinh hoạt cùng sinh viên. Không chỉ giới sinh viên mà cả những người yêu nghệ thuật của thành phố biển cũng bắt đầu chộn rộn vì sự xuất hiện của những khuôn mặt văn nghệ đình đám này.

Trước năm 1975, những sự kiện văn học nghệ thuật hầu như chỉ diễn ra ở hai thành phố lớn là Sài Gòn và Huế. Cũng như nhiều thành phố khác ở miền Nam, hoạ hoằn Nha Trang mới tổ chức được một sinh hoạt nghệ thuật nào đó, có chăng chỉ là một vài đêm đại nhạc hội thu hẹp ở các rạp hát. Nhưng từ 1973, thành phố biển đã khởi sắc hơn nhờ những hoạt động của "nhóm Trương Hồng Sơn". Khởi đầu là những cuộc triển lãm tranh của Đinh Cường, những buổi toạ đàm về văn nghệ và thi ca của kịch tác gia Bửu Ý, điêu khắc gia Lê Thành Nhơn và nhà thơ Huy Tưởng nhưng độc đáo nhất vẫn là những đêm lửa trại tại đèo Rù Rì với tiếng đàn của Trịnh Công Sơn trong ánh lửa trại bập bùng những đêm không ngủ. Thầy Sơn vẫn quan niệm rằng hồn cốt của một dân tộc là tôn giáo, giáo dục và văn học nghệ thuật. Nếu tôn giáo là niềm tin cá nhân thì giáo dục và văn nghệ là hai lãnh vực mà đại học cần thúc đẩy.

Bình sinh Trương Hồng Sơn là một người hào sảng.Ông có thể đưa hàng chục sinh viên về nhà của ông ở đường Nguyễn Trãi, Nha Trang, đài thọ mọi thứ để họ tập nốt một bài hát hay một vở kịch. Ông cũng vận động để nhà trường tổ chức hàng loạt sự kiện với nhiều chi phí mà sinh viên không phải đóng góp một đồng nào. Cũng phải kể đến những buổi thù tạc liên tiếp với nhiều văn nghệ sĩ thân hữu ghé đến Nha Trang theo lời mời của ông. Sau này, trên đất Mỹ, ông không nói ra nhưng bạn bè ông cho biết chàng Trương thậm chí còn móc hầu bao để tài trợ cho việc in ấn tác phẩm của các văn hữu thân thiết nữa.

Sinh viên thời đó yêu mến ông vì sự xả thân và hết lòng của ông cho những hoạt động nghệ thuật nhưng tôi đồ rằng bên trong con người mực thước ấy là một tình yêu có phần lãng mạn với cuộc sống và nghệ thuật để ông dám "đẩy cho tới cùng những điều người khác mới dám làm một nửa" (Dostoevsky).

Biến cố 1975 đã đẩy ông đi một nơi quá xa, xa cách gia đình và ngôi trường với những ước vọng dang dở. Ông từng tâm sự nhiều khi vẫn tự hỏi phải chăng ra đi là một quyết định đúng đắn. Nhưng những năm tháng tiếp đó là câu trả lời cho băn khoăn này. Tôi vẫn tin rằng chính chất lãng mạn cố hữu đã khiến ông dám theo đuổi những giấc mơ không tưởng cho sự nghiệp của mình ở tuổi ngoài ba mươi khi đặt chân lên đất Mỹ. Mãi mười năm sau ông mới đoàn tụ được với vợ con. Và ngay sau khi gia đình đã an cư, ông lập tức trở lại với những đam mê thời trai trẻ của minh là viết và vẽ.

Thật khó hiểu là ông lấy đâu ra thời gian để làm việc, sinh tồn, sống với những đam mê tao nhã của mình và thi thoảng lại còn chén thù chén tạc với bạn bè văn hữu. Lũ môn sinh chúng tôi có thể ngồi nghe hằng giờ một người thầy lão làng kể về những câu chuyện rất đời và rất người của giới văn nghệ trong và ngoài nước. Nếu không từng là thầy giáo và " ác " hơn, ông có thể cho ra đời một "Nhà văn, tác phẩm cuộc đời" khác, chắc sẽ ly kỳ hơn cuốn sách của Thế Phong mấy mươi năm trước.

Như nhiều trí thức thời đó, ông thừa nhận mình có phần chịu ảnh hưởng văn hoá Pháp nhưng vẫn một lòng ủng hộ đường lối giành độc lập của chí sĩ Phan Chu Trinh. Với nhiều người "yêu nước là một từ sang trọng khiến adrenaline chảy cuồn cuộn khắp cơ thể và khiến chúng ta khoan khoái" như Anthony Burgess châm biếm. Cơn thống khoái nhân danh lòng yêu nước đã khiến nhiều người xổ toẹt mọi thành tựu và giá trị cũ, kể cả văn hoá Pháp. Là một hoạ sĩ, ông chọn cách nhìn thế sự như chiêm ngưỡng một bức tranh - không quá gần và không quá xa - để biết "gạn đục khơi trong", và để có những nhận định đúng đắn về thế cuộc.

Tính cách quảng giao của ông đã thu hút nhiều thân hữu văn nghệ và thật đáng khâm phục cách chịu đựng bạn bè của ông, nhất là những nghệ sĩ vẫn xem gàn dở là một biểu hiện của tài năng. Máu "chiêu hiền đãi sĩ" đã biến căn nhà của ông tại Mỹ trở thành nơi gặp mặt của nhiều cây bút ở cả hai phía. Nguyên Ngọc, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Lê Minh Khuê, Hoàng Ngọc Hiến, Trần Văn Thủy… đã từng đến nhà của ông - nhà của một người từng ở bên kia chiến tuyến - để tìm hiểu, trao đổi, thậm chí còn cãi nhau chan chát. Ông không ngại những tranh luận và khi gặp lại Bảo Ninh và Phạm Xuân Nguyên mới đây, ông vẫn nêu một câu hỏi nhói lòng: “Các bạn nghĩ thế nào nếu trước đây ba anh em chúng ta phải cầm súng nhắm vào nhau?”  

Phải chăng những tiếp xúc với trí thức của miền Nam như Trương Hồng Sơn đã khiến nhiều người từng ở bên kia chiến tuyến của ông hiểu rõ hơn những người từng là "kẻ thù" của họ, khiến những vết chém trên thân cổ thụ của Rừng Xà Nu đã bắt đầu tứa nhựa, đã nẩy thêm mầm nhân ái và chấp nhận những cái nhìn công bằng hơn về cuộc chiến? Nguyên Ngọc từng viết một bài rất dài về Trương Hồng Sơn trên báo Xuân Sài Gòn Tiếp Thị, thể hiện lòng kính trọng đối với gia đình Trương Hồng Sơn và những giá trị của những trí thức miền Nam. Tôi vẫn nhớ một buổi sáng năm 2006, Nguyên Ngọc chờ Trương Hồng Sơn vừa về Việt Nam mấy ngày tại một quán ăn trên đường Nguyễn Thị Diệu quận 3, đón ông về Quảng Nam để mục sở thị dự án thành lập đại học Phan Chu Trinh, nơi ông muốn Trương Hồng Sơn gánh vác một vai trò quan trọng. Thầy Sơn cũng theo chân ông ra tận Quảng Nam để tìm hiểu tình hình nhưng cuối cùng nhận ra rằng mình phải bỏ cuộc.

Nhà văn Nguyễn Hưng Quốc từng chia sẻ một trong những bi kịch lớn nhất thời hậu chiến chính là nỗi đau tha hương của vài triệu người Việt trên khắp thế giới. Tình yêu của họ chỉ còn thể hiện qua nghĩa vụ với thân nhân và những ấp ủ về chuyến trở về sau những tháng năm "cử đầu vọng minh nguyệt, đê đầu tư cố hương” (*) và Trương Hồng Sơn không phải là ngoại lệ. Như nhiều trí thức  khác, ông cũng mong muốn được thể hiện lòng yêu nước theo lương tri của mình...

Phải mất 25 năm ông mới trở về được nơi ông sinh ra và lớn lên. Tôi là người đi đón vợ chồng ông đêm ấy. Chúng tôi về khách sạn rất khuya, lúc một giờ sáng. Hành lý vừa được đẩy vào phòng, ông liền xua tay bảo vợ: "Thôi để mọi thứ mai tính, lên sân thượng uống bia đã!"  Niềm vui và nỗi phấn khích khi trở lại mảnh đất quê hương dường như khiến ông muốn sống trọn vẹn với cảm xúc của mình trước đã.

Thật lạ là mãi 25 năm mới gặp lại nhau nhưng chúng tôi không nói được gì nhiều. Tôi biết khi nhìn xuống Sài Gòn về khuya, người con tha hương này không khỏi xao lòng vì những ký ức thời trai trẻ, không phải ùa về, mà là va đập dữ dội vào tâm tưởng của ông đêm ấy.

Những ngày tiếp đó là những cuộc gặp gỡ bạn bè từ nhiều nơi, là đến thắp nhang cho người bạn Trịnh Công Sơn mà ông vẫn còn nhiều điều hối tiếc, là đến những nơi mà thời trai trẻ chưa từng được đến, gặp gỡ những người bạn từ lâu biệt tích và những người học trò cũ đã trôi dạt nhiều nơi. Thời gian không bao giờ đủ và ông hẹn lòng một chuyến trở về gần hơn sau đó. Nhưng rồi phải mất 5 năm và gần 10 năm sau ông và vợ mình mới tiếp tục những chuyến trở về kế tiếp, cũng chỉ vì những mối ràng buộc lẽ ra đã lơi dần vào tuổi đó vì con cái họ đều đã yên bề gia thất tại Mỹ.

Có lẽ đầu năm 2023 là lần trở lại cố hương được ông chờ đợi nhất vì đó là năm kỷ niệm 50 năm thành lập Đại Học Duyên Hải. Có nơi nào trên thế giới thầy trò của một ngôi trường đã bị khai tử 50 năm trước lại có thể cùng hội ngộ với nhau như ở Đại Học Duyên Hải lần này không? Trương Hồng Sơn chính là chất men làm dậy mối tình thầy trò sau 50 năm này. Rất tiếc là vợ thầy Sơn không cùng về được vì vấn đề sức khoẻ nhưng bù lại cựu sinh viên Đại Học Duyên Hải được gặp lại vợ chồng thầy Viện trưởng ngày xưa của họ: Thầy cô Trần Ngọc Lợi.

Thầy Lợi cũng nguyên là Viện trưởng Hải Học Viện Nha Trang, một trung tâm nghiên cứu sinh vật biển uy tín thời đó. Tại buổi họp mặt với hàng trăm sinh viên từ 50 năm trước về dự, thật khó tin là một ông lão 90 tuổi, với phần lớn cuộc đời sinh sống ở nước ngoài, vẫn có thể mở đầu cuộc hội ngộ bằng một bài diễn văn xúc động và lưu loát mà không cần một mảnh giấy nào trên tay nhắc nhở. Thầy Lợi tuy lớn tuổi hơn nhưng là cháu rể của thầy Sơn và mối liên hệ này giúp họ phối hợp tốt hơn trong sứ vụ của mình một cách hoàn toàn vô vụ lợi. Sau này, nhân một cuộc gặp gỡ tại căn hộ của thầy Sơn ở tạm tại Sài Gòn, có cả Tiến Sĩ Lê Hữu Phúc, cựu Trưởng Khoa Chuyên Nghiệp của Đại Học Duyên Hải ngày trước, chúng tôi được hầu chuyện với các vị thầy khả kính của mình và nghe họ nhắc lại những dự phóng của ngôi trường nhỏ bé 50 năm trước. Họ luôn là những tấm gương mẫu mực, là hiện thân cho những giá trị của một nền giáo dục đã quá vãng. Từng là một nhà giáo, thầy Sơn băn khoăn nhiều nhất về thực trạng của giáo dục. Đó cũng là điều hối tiếc nhất của nhà thơ Đỗ Trung Quân và của cả bà Bùi Trân Phượng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại Học Hoa Sen, một người tự nhận đã từng chống đối chình quyền miền Nam trước năm 1975.

Tôi không biết với những cái "nghiệp" mà ông đã mang vào thân thì vai trò nào được ông trân trọng nhất nhưng nhà giáo hẳn là một danh phận không thua kém nhà khoa học và nghệ sĩ. Kiến thức của người thầy giáo dạy Toán Lý cộng với tư chất và nỗ lực là nhịp cầu để ông bước vào NASA, cơ quan hàng không hàng đầu thế giới. Phẩm chất của nhà giáo đã giúp ông, dù là một nghệ sĩ phóng khoáng, vẫn là một người chồng, người cha hoàn hảo. Là người thầy, ông có thể ngồi lại với những học trò từ nửa thế kỷ trước để thấy mình trẻ lại, được tôn kính, tiếp tục truyền đạt những bài học về nhân sinh và vui buồn với những thăng trầm thế sự. Các môn sinh Đại Học Duyên Hải và những bạn trẻ sau nầy rất kinh ngạc trước kiến văn uyên bác của ông về nhiều lãnh vực nhưng đáng khâm phục nhất vẫn là những hành xử khí khái của một người thầy ngoài 80 vẫn "vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa". Với riêng tôi, trên bước đường chìm nổi của đời dạy học, thái độ sông của thầy Trương Hồng Sơn vẫn luôn là những chuẩn mực để chúng tôi "làm câu trau mình".

Từ đầu năm 2024, thầy Sơn và vợ trở về Việt Nam. Ông muốn vợ mình được vui hưởng tuổi già và chăm sóc sức khoẻ một cách tốt nhất. Ông thường nhắc đến nhà văn Trần Hoài Thư như là một gương mẫu về tấm lòng của người chồng đối với vợ mình. Tên ông, với tôi, thường gợi nhớ hình ảnh của một nhà thơ được Phạm Công Thiện vẽ ra về Nguyễn Du, về người cha tóc trắng, "ngồi im lặng trên mây núi hồng, già với gió thu…" Thầy Sơn đã bước vào mùa đông của cuộc phù sinh lạnh lùng mà ông vẫn gọi là tàn bạo. Nhưng dù tuổi đã ngoài 80, ông vẫn say mê viết và vẽ, vẫn miệt mài làm việc như người thầy cũ Cung Giũ Nguyên ông hằng nể phục, vẫn hăng say luận bàn thế sự với bạn bè và cả với lũ hậu sinh chúng tôi, và vẫn "khóc cười theo mệnh nước nổi trôi..." (Phạm Duy). Một mệnh nước, với nhiều kẻ sĩ thời đại như ông, suốt chiều dài lịch sử vẫn luôn là một con thuyền chòng chành giữa trùng dương dậy sóng.   


HUY VIỄN

Tháng 11/2024    


(*) Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

     Cúi đầu nhớ cố hương

     (Thơ Lý Bạch)                                                                                                


CHÂN DUNG TRƯƠNG HỒNG SƠN
Tranh Trương Thị Thịnh
Oil on canvas, 24" x 30" (1995)