Ngày 20/9/2024
vừa qua, Apple tung ra chiếc iPhone 16, dân chúng náo động lên. Dân chúng tôi
nói đây là con em của chúng tôi. Chúng chờ và đổi iPhone mỗi khi Apple có động
tĩnh. Apple đã gây ra một chứng nghiện mà tuổi trẻ năng nổ tham gia, nếu không
thì thua em kém chị. Nói theo ngôn ngữ thời đại, đây là một loại “cuồng”. Người
có lợi không phải là người bỏ tiền ra chạy theo con số của từng đợt iPhone mà
là những bậc cha mẹ như chúng tôi. Cứ vớt vát phôn cũ do chúng thải
ra cũng là niềm vui. Niềm vui không tốn xu teng nào.
Facebook hay
YouTube là chốn “khoe” iPhone. Người ta thi nhau “đập hộp” chiếc iPhone mới.
Cũng lạ, có nhiều nhà sản xuất điện thoại di động, bám sát theo Apple như Samsung chẳng hạn. Chiếc phôn
tay của Samsung cũng xịn xò không kém. Chú em và con trai tôi khá rành về điện
tử nhất định không bao giờ xài iPhone. Vừa mắc vừa rắc rối điều hành hơn. Vậy
sao chẳng thấy ai “đập hộp” phôn Samsung cả. Có lẽ Samsung không có hộp!
iPhone là ma mới
trong ngành phôn tay. Chiếc iPhone đầu tiên trình làng vào tháng 6/2007 nhưng
đã được cha đẻ của nó là Steve Jobs quảng cáo từ tháng giêng cùng năm. Ông biết
cách nắn gân thị trường khiến iPhone được người ta chú ý tới. Chuyện này khỏi
phải ngôn. Ông đã từ tay trắng vươn lên. Năm 1976, Steve Jobs mới 21 tuổi, đã
bán chiếc xe van cũ Volkeswagen với giá 1.300 đô và bạn ông, Steve Wozniak, bán
chiếc laptop Hewlett-Packard được 500 đô. Đó là vốn ban đầu để lập nên Apple. Họ
dùng nhà để xe của bố ông Steeve Jobs làm văn phòng công ty. Chỉ bốn năm sau,
năm 1980, Apple đã được đưa lên thị trường chứng khoán với giá trị thị trường
lên tới 1,2 tỷ đô. Chỉ trong một ngày, giá trị vọt lên 1,8 tỷ đô. Sau khi tung
ra thị trường chiếc iPhone 4S, Steve Jobs lìa đời vào ngày 5/10/2011. Thế giới
điện tử xôn xao với cái chết vào năm 56 tuổi của bậc kỳ tài trong ngành. Người
ta nghĩ khi qua thế giới bên kia, Steve Jobs vẫn sẽ là một kỳ tài bằng nhiều
câu chuyện. Chẳng hạn như Steve sẽ giúp thánh Peter trong việc lập sổ sách trên
thiên đàng. Thánh Peter không còn luộm thuộm với từng chồng giấy tờ mà hồ sơ
tiên quốc sẽ được Steve giúp cho vào computer
hết. Chẳng hạn như các nhà chế đồ hàng mã tung ra hàng mới là chiếc iPhone để đốt
xuống âm phủ cho người thân quá cố vì dưới đó đã có Steve Jobs set up và sửa chữa!
Một tay tổ khác
đã để nhiều dấu ấn cho iPhone tại Apple là ông Gerard Richard Williams. Cái tên
này nghe quen quen. Đó là ông tỷ phú, chồng của cô ca sĩ Bích Tuyền bị Đàm Vĩnh
Hưng kiện đang gây xôn xao dư luận. Ông làm việc cho Apple trong gần chục năm,
từ năm 2010, đứng đầu bộ phận thiết kế con chip
Apple A7 cho iPhone bắt đầu từ iPhone 5S. Con chip nhỏ này khi xuất hiện đã làm kinh ngạc giới chuyên môn và đưa
iPhone lên hàng bá chủ của điện thoại di động. Sau khi rời Apple, ông thành lập
công ty Nuvia, chuyên chế tạo các con chip
được dùng trong các điện thoại không
phải là iPhone. Không lâu sau khi thành lập, Nuvia đã được
hãng chế tạo chip lớn nhất thế giới
Qualcomm mua với giá 1,4 tỷ. Ông Gerard Williams leo vào hàng ngũ các tỷ phú. Một
ông tỷ phú rất văn nghệ, từng nhiều lần xuất hiện trên sân khấu với áo dài, hát
nhạc Việt rất tới.
iPhone mới chỉ
có từ năm 2007 nhưng chiếc điện thoại di động đã có từ trước đó khá lâu. Ngày
3/4/1973, Martin Cooper đứng trước
khách sạn Hilton trên Đại lộ số 6 ở Manhattan,
thành phố New York, tay ôm một “cục gạch” nặng hơn 1 ký. Ông bấm số và gọi cho
ông Joel Engel đang ở Murray Hill, tiểu bang New Jersey, cách đó khoảng 30 dặm.
Ông Martin Cooper còn nhớ như in giây phút lịch sử đó: “Tôi bấm vào số máy bàn
của Joel Engel rồi nói: ‘Chào Joe, Marty
Cooper đây’. Bên kia chào lại: ‘Chào Marty’. Tôi bèn nói ngay: ‘Tôi đang gọi
cho anh bằng chiếc điện thoại di động, di động thực sự, điện thoại di động cầm
tay’. Đầu dây bên kia im lặng hồi lâu. Tôi đoán là cậu ta tức điên lên. Nhưng rồi
cậu ta cũng tỏ ra nhã nhặn và chúng tôi kết thúc cuộc gọi”. Cuộc gọi chỉ giản dị
có vậy nhưng đó là cuộc gọi điện thoại di động đầu tiên trên thế giới. Tại sao
bên nghe lại tức tối? Vì họ là đối thủ cạnh tranh nhau. Ông Martin Cooper lúc
đó đang làm cho Motorola, một công ty nhỏ và Joel Engel làm cho Bell Labs, một
công ty lớn. Hai bên ganh đua nghiên cứu về điện thoại di động. Martin Cooper
đã về tới đích trước. Cú khoe cuộc gọi di động đầu tiên là cú chọc quê của anh
chàng tý hon gửi cho anh chàng khổng lồ. Ông hớn hở cho biết: “Họ là công ty lớn
nhất thế giới, còn chúng tôi là một doanh nghiệp nhỏ ở Chicago. Họ không nghĩ
chúng tôi đã hoàn tất được một thứ rất quan trọng như vậy”. “Cục gạch” biết nghe biết nói đầu tiên mà Martin
Cooper sử dụng là chiếc điện thoại ban sơ Motorola DynaTAC 800X, nặng tới 1 ký,
dài tới 25,4 phân. Mỗi lần sạc pin phải mất 10 tiếng và chỉ sử dụng được có 35
phút. Khi thực hiện cuộc gọi đầu tiên này, Motorola đã phải thiết lập một trạm
thu phát đặt trên nóc tòa cao ốc Burlington Consolidated, nay là tòa nhà
Alliance Capitol Building.
Dân chúng tuy háo hức với cái máy alô
tiện dụng này nhưng phải dài cổ chờ cho tới 11 năm sau, năm 1984, Ủy Ban Truyền
Thông Liên Bang Hoa Kỳ (Federal
Communications Commission) mới cấp phép cho công ty DynaTAC bán ra thị trường
chiếc điện thoại đầu tiên. “Cục gạch” này đã được làm nhẹ từ 1 ký xuống còn 794
gram, dài 25,4 phân. Mỗi lần sạc đầy pin chỉ sử dụng được 60 phút. Vài năm sau
tôi đã được thấy tận mắt chiếc điện thoại này do một tên bạn đồng nghiệp da màu
sử dụng. Hắn giắt bên người như cảnh sát giắt bao súng, kềnh càng vẹo một bên
sườn khi đi đứng. Mỗi lần phôn phải kéo cần antenne
dài thòng ra. Thấy chúng tôi cười, hắn sừng sộ cho biết phải bỏ ra bạc ngàn mới
mua được. Nay dò giá mới biết cục gạch này có giá 3.900 đô Mỹ. So với thời giá
ngày nay khoảng 12 ngàn đô! Bèn phục ông bạn chịu chơi. Hãng Motorola đã bán được
8 triệu chiếc DynaTAC này.
Chiếc phôn tay đầu tiên này chỉ làm được
một nhiệm vụ duy nhất là alô. Nhưng như thế cũng là phúc đức rồi. Từ nay
cái phôn không còn dính vào bàn nữa mà
tung tăng khắp chốn. Chỉ phải cái vác nặng. Nhưng ông bạn tôi dân da màu, đô
con, chuyện vác cái phôn nặng 794 gram là chuyện nhỏ. Không biết ông có dùng nó
tới một thập niên không vì chiếc phôn sau này ngon lành hơn nhiều.
Đó là phôn Simon của IBM được trình
làng vào năm 1993. Đây là chiếc
smartphone, phôn thông minh hẳn hoi. Máy có màn hình cảm ứng LCD rộng 4,5 inch nhưng chưa có màu. Chỉ black & white. Ngoài chuyện alô, máy
Simon có thể gửi hay nhận mail và có
kèm theo cây viết stylus. Giá bán 899
đô.
Chuyện các anh chị đang yêu đương rất
hay bấm trên điện thoại thông minh là tin nhắn SMS (Short Message Service). Đánh tin nhắn, gửi đi, người yêu ở xa nhận
được liền, cứ như bá vai bá cổ nhau nhắn nhủ. Bản tin nhắn đầu tiên trên điện
thoại do kỹ sư người Anh Neil Papworth gửi cho bạn là Richard Javis, nội dung
chỉ vỏn vẹn có hai chữ: “Merry Chritmas”.
Khi đó mới là ngày 3/12/1992. Còn 3 tuần nữa mới tới Giáng Sinh. Chắc ông này
nôn nóng gửi tin khi mới tìm ra “trò” mới. Tin nhắn thường gọn gàng, đủ để chuyên chở lời nhắn, không phải là
thư, càng không phải là thư tình. Sợ các cô các cậu lòng thòng tâm sự nên phải
đặt ra giới hạn. Sau nhiều lần thử nghiệm bằng nhiều nội dung tin nhắn khác
nhau, kỹ sư người Đức Friedhelm Hillebrand giới hạn chỉ 160 chữ.
Smartphone có thêm tính năng chụp hình vào năm
1997. Đây là công trình của kỹ sư người Pháp Philippe Kahn. Ông đã chụp bức
hình đầu tiên trên điện thoại vào ngày 11/6/1997. Đó là bức hình cô con gái sơ
sanh của ông tên Sophie. Phải 3 năm sau, các cô các cậu mới được hưởng tính
năng thú vị này khi chiếc smartphone
có ống kính chụp hình tên J-SH04 ra đời.
Điện thoại cầm tay thông minh ngày càng
được cải tiến, hình hài được thu nhỏ lại, tính năng được thêm vào. Ngày nay hầu
như không người nào, kể cả các nông dân trong các nước đang phát triển, không
ra đường với chiếc điện thoại kè kè bên mình. Họ chọc chọc bấm bấm bất cứ nơi
nào: trong nhà hàng, khi ngồi chờ trong các phòng mạch, trong trạm metro hay xe buýt, trên tàu trên xe. Kể
ra không hết. Hình như khi còn thở là ngón tay còn hoạt động. Họ mằn mằn nối cuộc
sống với cả thế giới. Chong mắt đọc thư, coi tin nhắn, coi hình, hỏi anh Google
mọi chuyện đông tây kim cổ, rà Facebook, coi YouTube. Cả thế giới thu nhỏ trong
màn hình càng ngày cũng càng nhỏ. Chiếc điện thoại nhẹ nhàng, xinh xắn có thể nằm
gọn trong túi theo người dùng đi ta bà thế giới. Nó là người tình bé bỏng không
rời của già trẻ lớn bé. Theo báo cáo của Liên Minh Viễn Thông Quốc Tế (International Telecommunication Union),
một tổ chức của Liên Hiệp Quốc, vào năm 2022, 72% dân số thế giới từ 10 tuổi trở
lên sở hữu ít nhất một chiếc điện thoại thông minh. Tại các nước giầu, dân có
thu nhập cao, tỷ lệ này là 95%. Tại các nước dân có thu nhập thấp, tỷ lệ là
49%.
Với tỷ lệ dân số thế giới sử dụng điện
thoại cao như hiện nay, người ta thấy cần phải tri ân người sáng chế ra điện
thoại cầm tay: kỹ sư Martin Cooper. Ông sanh ngày 26/12/1928 tại Chicago, tiểu
bang Illinois, dòng dõi Do Thái tỵ nạn từ Ukraine. Ông tốt nghiệp kỹ sư điện tại Illinois Institute of Technology (IIT)
năm 1950. Ông gia nhập Hải quân và tham chiến tại Cao Ly. Sau khi giải ngũ vào
năm 1954, ông làm cho Motorola. Năm 1957, ông tốt nghiệp cao học tại cùng trường
IIT. Năm 2004, khi đã 76 tuổi ông mới nhận bằng Tiến Sĩ danh dự. Trả lời phỏng
vấn của trang mạng Motherboard, ông khẳng định là từ nhỏ ông đã biết mình sẽ làm
nghề kỹ sư điện vì tính ưa tò mò, cái chi cũng mày mò tháo ráp. Năm nay đã 95
tuổi, ông vẫn theo dõi sự tiến triển của điện thoại cầm tay thông minh.
Nói về điện thoại ngày nay, ông Martin
Cooper cho rằng nhiều kỹ sư đang bị cuốn vào cái mà họ gọi là kỹ nghệ tiện ích,
phần cứng, mà quên đi mục đích của kỹ nghệ là làm cho cưộc sống tốt hơn. Ông
nói với AFP: “Mọi người quên điều đó, và tôi phải liên tục nhắc nhở họ. Chúng
tôi đang cố gắng cải thiện trải nghiệm của con người. Đó là tất cả những gì kỹ
nghệ hướng tới. Điện thoại bây giờ đã trở thành một phần mở rộng của con người…Mỗi
thế hệ smartphone sẽ trở nên thông
minh hơn. Con người cũng sẽ học cách sử dụng chúng một cách thông minh hơn”. Vẫn
theo ông Martin Cooper, điện thoại cầm tay sẽ cách mạng hóa giáo dục và y tế. Một
ngày nào đó, điện thoại sẽ được kết nối với một loạt cảm biến cơ thể, có khả
năng phát hiện bệnh tật trước khi bệnh phát triển. Mới đây, tại Hội Nghị Di Động
Quốc Tế (Mobile World Congress) họp tại
Barcelona, Tây Ban Nha, ông nhìn về tương lai: “Thế hệ tương lai sẽ có điện thoại
cấy dưới da tai của họ”. Điện thoại tương lai không cần phải sạc điện vì chúng
sẽ lấy một số năng lượng nhỏ từ chính cơ thể con người. Cơ thể con người là bộ
sạc hoàn hảo nhất vì nó có thể tạo ra năng lượng khi chúng ta ăn. Tầm nhìn của
ông không viển vông vì trong thực tế, một số công ty trong đó có Neuralink đã
thử nghiệm giao điện não – máy tính.
Hầu như không ai sống trên trái đất này
mà không kè kè chiếc điện thoại di động bên người. Cha đẻ của chúng nói với Đài
CNN: “Chúng tôi từng tưởng tượng một ngày nào đó, khi sanh ra bạn sẽ được chỉ định
một số điện thoại. Nếu không tương tác với điện thoại bạn sẽ chết!”.
Cạnh những điểm cộng như trên, điện thoại
di động cũng có những điểm trừ. Điểm trừ không phải do chính chiếc điện thoại
ngày càng gọn gàng, xinh xắn, đẹp như một thứ trang sức mà ở cách con người
dùng điện thoại. Có một thời, người ta phô trương điện thoại quá đáng. Vào tiệm
ăn uống, điều đầu tiên là thả chiếc điện thoại trên bàn để…khẳng định. Điện thoại
càng xịn, độ vênh của khuôn mặt càng lớn. Ngày nay trò này coi bộ xẹp dần. Có
thể vì bệnh nghiện điện thoại đang tràn lan. Từ nhỏ tới lớn. Mấy đứa cháu tôi,
chỉ vài tuổi quèn, vừa bỏ quấn tã, đã lướt điện thoại như máy. Bệnh nghiện điện
thoại khiến cho người phát minh ra điện thoại di động phải lo lắng. Theo ông,
con người đang trong giai đoạn “nhìn chằm chằm một cách vô thức vào điện thoại”.
Có những người băng qua đường, mà vẫn chăm chú nghe điện thoại, bất kể nguy hiểm. Theo một khảo sát trên ScienceDirect
vào năm 2022, 14,4% bộ hành không chú ý tới giao thông khi băng qua đường. Nhóm
nghiên cứu gọi hiện tượng này là “vấn đề an toàn giao thông mới nổi”. Mới nhưng
chúng ta gặp hàng ngày. Sáng nay, khi lái xe trên khu Côte des Neiges, mấy chàng
và nàng đi bộ băng ngang đường, mặc cho đoàn xe sốt ruột chờ hết người để di chuyển,
tỉnh bơ khệnh khạng vừa băng qua đường vừa mằn mằn điện thoại.
Trong một lần xuất hiện trên chương trình
“BBC Breakfast”, ông Cooper ngẩn người
khi cô xướng ngôn viên dẫn chương trình cho biết cô đã dành khoảng 5 tiếng mỗi
ngày trên điện thoại. Ông hỏi lại: “Thật hả? Cô thực sự dành 5 giờ mỗi ngày
dùng điện thoại? Hãy sống cho đàng hoàng đi!”. Sau đó ông tiết lộ ông chỉ dành
khoảng 5% thời gian trong ngày cho điện thoại di động.
Cha đẻ cell phone là người…lạc hậu. Theo một khảo
sát của Statista vào năm 2021, 46% người Mỹ dành từ 5 tới 6 tiếng mỗi ngày cho
điện thoại di động, 11% sử dụng điện thoại 7 tiếng mỗi ngày hoặc lâu hơn.
Bạn đừng hỏi
tôi dành bao nhiêu giờ mỗi ngày cho smartphone,
đó là một câu hỏi thiếu tế nhị!