Friday, December 6, 2024

3658. ĐỖ THANH TÙNG Đọc tranh Trương Vũ.

CHÂN DUNG TRƯƠNG VŨ
Duyên vẽ (2017)

Tháng 8 năm 2024, sau gần nửa năm về lại Sài Gòn và “điều chỉnh cuộc sống” anh Trương Vũ “bắt đầu vẽ lại”, anh làm lại phác họa cũ của một “bức tranh chỉ mới phác họa vào 2024 rồi bỏ dở” và cuối cùng “hoàn tất bức tranh” rồi “đặt tên bức tranh là “Thu”.

Bức tranh “Thu” thể hiện khá rõ ràng nét đặc thù của Tranh (và Hội họa) Trương Vũ với cách bố cục hàn lâm, màu sắc chân phương khi anh sử dụng rất nhiều màu chính (vàng xanh đỏ...) ở nguyên trạng (có rất ít pha trộn với đen trắng để phụ thêm chiều sâu hay bóng sáng...), điều đó cũng thật dễ hiểu khi, có lẽ, nó giúp làm nên nét đơn thuần và sự trong sáng của bức tranh hơn (?).

“Thu” với bối cảnh là rừng cây hoa lá và một vạt nước trong xanh thực ‘tĩnh lặng’ kể cả một ‘động vật’ là con vạc (hay hạc, hay cò hay bồ nông...) đứng một chân ở thế bất động, nó có khác với cảnh tĩnh lặng đó ở mùa thu của những bức tranh thủy mặc trong hội họa cổ điển. Tuy bức tranh không có không gian cũng như thời gian nhưng dường như nó thể hiện một cảnh thu nào đó không phải ở Việt Nam, nó dường như là ở một vùng nào đó ở Đông Bắc Hoa Kỳ(?)...

Dù được vẽ theo cách của ‘trường phái’ nào, ‘biểu hiện’ hay ‘ấn tượng’, ‘trừu tượng’, ... bức tranh “Thu” khá giản dị và đẹp để được ‘Xem’. Tuy ngoài cái ‘biểu hiện’ đơn giản đó, vì nó là ‘tranh Trương Vũ vẽ’, nó khiến ta cần muốn ‘Đọc’ để được biết thêm cái ‘ấn tượng’ mà anh Trương muốn gửi gắm và trình bày... Cái ta muốn ‘Đọc’ đó, hình như chất chứa nơi bài viết đi kèm, “Thu năm nào?”, cùng với bức tranh “Thu”.

 Tôi ‘biết’ anh Trương khá lâu, từ trước 1975, khi biết anh cùng là cựu học sinh Võ Tánh và là người Nha Trang như tôi. Nhưng phải đợi đến gần 50 năm sau tôi mới được ‘quen’ anh nhờ vào nhóm ‘bằng hữu văn nghệ’ vùng Đông Bắc Mỹ và các anh Đinh Cường, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Minh Nữu... Sự ‘quen biết’ dù chưa lâu dài nhưng cũng giúp tôi gần gũi anh hơn và được biết thêm nhiều điều về sự nghiệp Văn hóa (Khoa học Kỹ thuật và Văn chương Mỹ thuật...) của anh.

Rời trường Võ Tánh, anh Trương bước vào lãnh vực giáo dục rất sớm để rồi “tự mình” biến thành “mô phạm” trong cái nghĩa “nghiêm túc” và “nghiêm khắc” như anh tự thú nhận. Là một nhà mô phạm ‘dấn thân’, anh Trương từ những năm đầu khi dạy Toán và đặc trách Sinh Viên Vụ tại Đại Học Duyên Hải Nha Trang, muốn dùng “sự giáo dục về văn hóa” để ‘xây dựng mô hình cho “Kẻ Sĩ”, một tầng lớp ‘trí thức mới’, giúp nâng cao và biến đổi xã hội cũng như con người Việt Nam: “Chúng tôi làm việc chung với nhau tại Duyên Hải trong một số chương trình nhân văn, chia sẻ những ước mơ về một tương lai cần có cho những thế hệ tiếp nối đào tạo từ ngôi trường này...”.

Biến cố tháng Tư 1975 anh ‘bị’ (hay ‘chọn’?!) ở lại Việt Nam để thử tiếp tục công việc giáo dục như cũ dưới một thể chế mới, nhưng không lâu sau anh ‘chọn’ (hay ‘bị’) phải bỏ lại gia đình, ra đi tìm tự do. (Mãi đến 10 năm sau anh mới được đoàn tụ cùng gia đình ở Mỹ). Anh Trương là một trong những ‘thuyền nhân’ (boat people) Việt Nam đầu tiên đến được Manila Philippines, khởi đầu cho một chuỗi dài của làn sóng thuyền nhân Việt Nam tị nạn trong lịch sử lưu dân thế giới của nhân loại, mà không ít những người trong số đó không bao giờ đến được bến bờ tự do...

Định cư tại Hoa Kỳ, anh Trương dùng sở trường về Toán học để trau giồi thêm về Khoa học Kỹ thuật và đã rất thành công trong lãnh vực này, anh đã giữ những chức vụ quan trọng cũng như tham dự và phụ trách nhiều công trình nghiên cứu và phát triển về Vật Lý và Kỹ Thuật Không Gian ở đây (Hoa Kỳ).

Nơi anh, có một sự hài hòa giữa Toán học, Khoa học Kỹ thuật, và Văn học, Văn chương Mỹ thuật, như anh có viết: “tinh thần toán học, nhất là thói quen tìm giải đáp cho những nghi vấn, đã giúp tôi đến với văn chương thi vị hơn...” (Mưa Ướt Vị Thanh, Đuổi Bóng Hoàng Hôn). Cho nên gần 50 năm nơi hải ngoại anh Trương đã tạo dựng, bên cạnh đời sống thành danh với Khoa học, một sự nghiệp Văn học, Văn hóa đáng ngưỡng mộ: Kêu gọi và cổ võ cho sự hòa hợp Văn Học cũng như tạo nơi gặp gỡ giữa trong và ngoài nước Việt Nam cho Văn Nghệ Sĩ, các nhà ‘Hoạt Động Văn Hóa... Tiếp tục công tác Giáo dục, khuyến khích tạo dựng một tương lai “Trí Thức Mới” biết nói lên “sự thực” và tôn trọng “sự thực”, tranh đấu “để xã hội  nhân bản hơn, tôn trọng những quyền căn bản của con người hơn, và để cho người dân có tự do, có cơ hội sống một đời sống có phẩm cách, như trong  bao nhiêu quốc gia tiến bộ khác” (Đêm Đại Dương, Đuổi Bóng Hoàng Hôn).

Trong lãnh vực Văn chương, người ta biết nhiều về Trương Vũ (và với những hoạt động về Văn học của anh), đã xếp anh như một nhà văn dù anh Trương không viết nhiều về thể loại sáng tác, mà chuyên về viết biên khảo, tham khảo, tiểu luận, tạp luận, tùy bút, hồi ký... Các bài viết của anh phổ biến khá nhiều trên các tạp chí giấy và mạng hay các diễn đàn internet (gần đây trên cả FaceBook)... Phải chờ đến năm 2019, bè bạn thân hữu đã cổ vũ và góp sức cùng anh ấn hành tập tiểu luận “Đuổi Bóng Hoàng Hôn” cũng là một ấn phẩm duy nhất của anh cho đến nay... Xem vậy ta càng biết rõ thêm một điều, anh Trương dùng Văn chương như một phương thức để trình bày và phát biểu ý tưởng của mình mà (khác với các ‘Tiểu thuyết gia’) không cần phải qua một ‘nhân vật’ nào như trong ‘tiểu thuyết’.

Về Mỹ thuật cũng như Hội họa, anh nhiều lần bộc lộ Hội họa là một niềm đam mê lớn của đời anh. Trong gia đình anh, chị anh, họa sĩ Trương Thị Thịnh là một Họa sĩ tài danh đã tốt nghiệp thủ khoa khóa đầu tiên của trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn, tại Nam Việt Nam. Anh Trương không biết có ‘chịu’ chút nào ảnh hưởng từ chị ở những bức tranh vẽ chân dung mà họa sĩ Trương Thị Thịnh là một bậc thầy lỗi lạc trong lãnh vực đó? Nhưng cho dù không ‘bị’ chút ảnh hưởng nào, anh Trương chắc cũng ít nhiều chia sẻ cùng chị khi sử dụng ‘phong cách ấn tượng, hậu-ấn tượng’ trong lúc vẽ tranh chân dung chăng (!?).

Anh Trương dành khá nhiều thì giờ để ‘vẽ tranh chân dung’ cho bè bạn, thân nhân gia đình và những người anh quý mến... Theo anh Trương, từ nhỏ anh đã “thích vẽ người thật vì cái mê muốn nắm bắt một sự sống nào trong mỗi con người”. “Cái quan trọng khi vẽ chân dung là sự chân thật”, là ‘vẽ truyền thần’, là “tìm từ người mẫu một nét đẹp nào, một niềm vui hay nỗi khổ để đưa lên nét đẹp trong tranh”, là “cần biểu lộ được nhân cách của người mẫu, để tạo được cho người trong tranh một thế giới của riêng họ, để mỗi chân dung biểu hiệu một sắc thái riêng, một thế giới riêng, một nét đẹp riêng...” và cuối cùng là “chú trọng đến sự thể hiện tâm hồn người trong tranh”. Ô! vẽ tâm hồn! Có phải vì vậy mà anh Phạm Cao Hoàng đã gọi và vinh danh công việc ‘vẽ tranh chân dung’ của anh Trương Vũ là “Tôi Đang Vẽ Tâm Hồn Của Bạn” với một bài thơ dài có hai câu kết là:

“để khuôn mặt bạn trên bức chân dung   
sẽ là một khuôn mặt tràn đầy yêu thương và thánh thiện.”
(Phạm Cao Hoàng, Tôi Đang Vẽ Tâm Hồn Của Bạn)

Anh Trương có khá nhiều bạn bè là những Họa sĩ nổi danh trong cũng như ngoài nước. Trong số đó có hai người bạn thâm giao là hai anh Võ Đình và Đinh Cường  (hai anh đều đã qua đời!). Cả ba người tuy có cùng đam mê cho Hội họa nhưng mỗi người lại có và chọn cho mình những phong cách Mỹ thuật và Nghệ thuật khác nhau:

Nếu Đinh Cường (trong một lần triển lãm nào đó) có lời ‘nhắn nhủ’ cho người thưởng ngoạn là ‘... tranh của anh là để ‘cảm’ chứ không phải để ‘hiểu’ (vì xem tranh là một cảm nhận ‘tức khắc’ (instant)). Nó khác với anh Trương, có lẽ khi thưởng ngoạn tranh của anh Trương, bên cạnh ‘Xem’ cái đẹp ta còn cần phải ‘Đọc’ những gì anh muốn trình bày ẩn chứa bên trong(?)...

Riêng về tranh Võ Đình, anh Trương có lần viết là: “... không khí  hội họa luôn luôn bao trùm văn chương Võ Đình...”, nên ta cũng có thể thêm ở đây về tranh của anh Trương là: “Văn chương anh Trương thể hiện đầy trong hội họa, anh viết văn chương bằng màu sắc trong tranh. Và vì vậy Tranh của anh khi đã ‘Xem’ còn cần phải được ‘Đọc’...

Bức tranh “Thu”, cùng bài tùy bút “Thu Năm Nào?” với dấu chấm hỏi (?)  khiến ta băn khoăn đôi chút. Anh Trương viết: “bức tranh này, dù dựa vào cảnh vật, cảm xúc, trí tưởng tượng ở năm nào, ở đâu, nó vẫn chỉ là sản phẩm riêng của người vẽ”. Cho dù là vậy ta cũng ráng tìm hiểu thêm để biết được ra rằng bức tranh đã vẽ về cảnh mùa thu của một năm xa xưa nào đó, và có lè là đã vẽ một cảnh thu ở Mỹ (!).

Sự băn khoăn, làm ta lan man nghĩ tới một chuyện tích thần tiên cũ thời xưa: chuyện Lưu Thần, Nguyễn Triệu đời Hán bên Trung quốc... Lưu, Nguyễn (hay gần gũi hơn, Từ Thức của Việt Nam) lạc đường vào chốn ‘thiên thai’, rồi chỉ sau “nửa năm” vui chơi rộn ràng nơi “tiên cảnh” chợt nhớ quê nhà và đòi về lại chốn cũ “một bước trần ai”. Nhưng ‘trần gian xưa’ đã hoàn toàn thay đổi cả không gian lẫn thời gian nên các cụ giờ lại muốn tìm về lại chốn cũ ‘Đào Nguyên’ đã mất... Sách vở không thấy nói gì về chuyện các cụ có về lại được ‘thiên thai’ nữa hay không? Hay chỉ còn là:

“ Đá mòn, rêu nhạt,
Nước chảy, huê trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ đây xa cách mãi.
Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ,
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi...”
(Tản Đà,Tống Biệt)

Riêng tôi, cái làm tôi không sao không nhớ tới những gì anh Trương đã viết từ Maryland năm 2012 trong tùy bút “Những cơn mưa ngày cũ” trong tập tiểu luận “Đuổi Bóng Hoàng Hôn” của anh. Nó đã tự nói lên trước được tâm trạng của anh lúc này (ở tại Sài Gòn), khi đã từ quê người (Mỹ) về lại quê nhà (Việt Nam). (Và sao nó cũng giống như tâm trạng của không ít những người Việt Nam lưu vong từ sau biến cố 1975 phải luân lạc nơi xứ người !): “Đã sống ở Mỹ nửa đời người rất khó để nói rằng nước Mỹ không phải là một quê hương mới”. Anh đã ‘bị’ yêu cảnh vật, cây cỏ miền Đông Bắc Hoa Kỳ “nhất là màu sắc của cây khi trời bắt đầu vào Thu...”. Anh hay vẽ “cảnh mùa Thu ở đây, cảnh nắng trên đồi, cảnh lá vàng trong rừng, cảnh thung lũng trong mù sương” và nhất là “những thay đổi của lá vào mùa Thu đã đủ ấn tượng để cuốn hút tâm hồn” anh “vào đó”. Anh đã vẽ rất nhiều bức tranh về mùa Thu... Trên Trang VHNT  Phạm Cao Hoàng, phần dành riêng cho Trương Vũ (Tranh Trương Vũ) đã có đến 12 bức tranh ‘Thu’ của anh Trương(!?). Tất cả đều vẽ về mùa Thu ở Mỹ, nơi anh Trương sống.

Đã có biết bao mùa Thu trong đời anh. Mùa Thu nào của kỷ niệm ấu thời. Mùa Thu nào của những năm dài lưu lạc, tha hương. Anh Trương (và không ít những người Việt Nam di tản, tỵ nạn, thuyền nhân, vượt biên, lưu vong... khác), sẽ mãi phải bị phân vân cho tình huống ‘một cảnh hai quê’ của mình, anh sẽ mãi:

“Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ”
 
để rồi:
“Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà?”
(Trịnh Công Sơn, Một Cõi Đi Về)


ĐỖ THANH TÙNG
Tháng 9. 2024                                                                                                                                                                                                                       

CHÚ THÍCH:

Những chữ và câu trong ngoặc kép là nguyên văn của Trương Vũ.

THU, sơn dầu trên bố, 40”x 32”, 
phác hoạ 2023 (Virginia) hoàn tất 2024 (Sài Gòn)