Xuất thân từ một gia tộc Văn
Chương và Chính Trị, nên Nguyễn Tường Giang đi vào văn học sớm như một định mệnh
khó mà khác được. Trong các truyện kể của ông và các bài viết của nhiều người,
thì ngay từ thơ trẻ , sống với gia đình các bác, chú, ông đã có những đoạn văn,
bài thơ tập tành vào thế giới văn chương. Nhưng có lẽ bước chân đầu tiên lại thiên hướng về chính trị:
“Đó là buổi chiều một ngày trong một tháng gần cuối năm 1965. Tôi vừa ăn
cơm xong thì Thế Uyên tới, dựng chiếc xe gắn máy cũ ở gốc cây sung trước nhà.
Thế Uyên chào mẹ tôi, hỏi thăm sức khoẻ bà. Thế Uyên mặc bộ đồ trận bộ binh đã
bạc mầu, da ngăm đen, gầy và cao.
“Tôi có chuyện cần nói với Giang. “
Tôi hơi ngạc nhiên vì tôi chỉ gặp Thế Uyên vào những dịp giỗ tết. Thế Uyên
hoạt động văn hóa đã lâu, đã có truyện ngắn xuất bản, một số truyện tôi rất
thích. Tôi đang học y khoa, đã có một thời gian hoạt động chống chính quyền,
như biểu tình chống chế độ Ngô Đình Diệm trước 1963, chống Hiến Pháp Vũng Tầu
thời tướng Nguyễn Khánh, tham gia vài cuộc biểu tình chống quân đội đàn áp tôn
giáo mới đây, nhưng chỉ là những hành động bắt nguồn từ tuổi trẻ hăng say,
không xu hướng chính trị. Sau vài lời thăm hỏi và bàn về tình hình chính trị ,
Thế Uyên đề nghị hợp tác trong việc thành lập nhóm văn hóa Thái Độ, với mục
tiêu dùng văn hóa để cải tạo xã hội như thời Tự Lực Văn Đoàn, không Cộng sản và
không Tư bản, lấy tinh thần Quốc gia làm căn bản và Xã hội chủ nghĩa để thực
thi công bằng xã hội, mô hình như các nước xã hội Bắc Âu.”
Nhóm Thái độ hình thành năm 1965, khởi đầu từ những hậu duệ của Tự Lực Văn Đoàn như Thế Uyên, Nguyễn Tường Thạch, Nguyễn Tường Thiết, Nguyễn Tường Đằng, Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Đông Ngạc (em rể Thế Uyên) và vài thân hữu chí cốt, như mục tiêu ban đầu đề ra, xử dụng văn hóa để hoạt động cải tạo xã hội, bước kế tiếp là thực hiện tờ Tạp Chí Thái Độ và mở rộng kết nạp thêm nhiều thành viên mới. Khi càng nhiều người, ý kiến tham dự dù tích cực vẫn không tránh được khác biệt và càng lúc càng khó dung hòa. Vài năm sau, cuộc chiến Mậu Thân nổ ra, Người chủ trương là Thế Uyên tái ngũ, các anh em em khác mỗi người vào một hoàn cảnh riêng, Vẫn còn đấy nhưng sinh hoạt rời rạc và sau cùng giải tán.
Những hoạt động khởi đầu văn học với
chính trị thời sinh viên, coi như chấm dứt với Nguyễn Tường Giang. Nhưng những
kết nối thân thiết với văn chương thì lại kéo dài. Rất dài cho đến về sau.
Nguyễn Tường Giang cùng nhóm bạn hữu thành lập TẬP SAN VĂN CHƯƠNG và sau đó là nhà xuất bản Thạch Ngữ
Chính giai đoạn chuyển biến này đã bật ra ý tưởng tập họp những truyện ngắn của các tác giả đương thời thành một tuyển tập tên là NHỮNG TRUYỆN NGẮN HAY NHẤT TRÊN QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA. Nguyễn Tường Giang gợi ý với Nguyễn Đông Ngạc trong một lần gặp nhau mạn đàm , câu gợi ý là chúng ta làm một cái gì đi chứ. Sáng kiến là gửi tới những tác giả thời danh lời đề nghị góp mặt, nhóm chủ trương đến gặp trực tiếp lấy chân dung hiện thực nhất, bằng hình ảnh với các ghi chú nhân thân tiểu sử, quan niệm sáng tạo, sau đó mỗi tác giả sẽ Tự Chọn một truyện ngắn ưng ý nhất để tham gia tuyển tập.
Ở thời điểm đó, đây là một tuyển tập có kết nối đông đảo nhất (45 Tác giả) Tất
cả đều là những tác giả đã thành danh trong văn học, được ghi nhận lại bằng tiểu
sử chính xác, chân dung hiện thực và tác phẩm tiêu biểu. Khi Tuyển tập xuất bản,
giá trị lâu dài chính là dấu ấn để đời sau có đủ tư liệu về một thời đáng nhớ của
văn học miền nam.
Phạm Cao Hoàng ghi nhận: “ NHỮNG TRUYỆN NGẮN HAY NHẤT TRÊN QUÊ HƯƠNG
CHÚNG TA. Sách do nhà văn Nguyễn Tường Giang và nhà văn Nguyễn Đông Ngạc thực
hiện và do nhà xuất bản Sóng ấn hành ở Sài Gòn vào năm 1973. Đây là một cuốn
sách giá trị, rất cần thiết cho những ai muốn tìm hiểu về truyện ngắn miền nam
trước 1975”
Là một tuyển tập đầu tiên thực hiện hiện công phu và đầy đủ nhất của Việt Nam vào thời điểm đó. Những Truyện Ngắn Hay Nhất Trên Quê Hương Chúng Ta đã là một đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu Văn Học Sử sau này. Khi tiến hành thực hiện, phần lớn là do công sức và tài ngoại giao của nhà văn Nguyễn Đông Ngạc ( chủ trương nhà xuất bản SÓNG đã in cuốn này ), Phạm Hoán vẽ bìa và Phạm Sam ( Phạm Kiều Tùng) lo phần trình bày và dàn trang, hình ảnh của Trần Cao Lĩnh (Nguyễn Tường Giang kể lại)
TẬP SAN VĂN CHƯƠNG xuất bản với nhóm chủ trương lúc khởi đầu gồm có: Joseph
Huỳnh Văn, Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Tử Lộc, Phạm Xuân Đam ( Phạm Kiều Tùng ),
Phạm Hoán, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Nguyễn Đạt, Phạm Thiên Thư.
Với số ra mắt mang tên Nhã Tập (Mùa Cầm Xanh) tháng 8 năm 1972. Do Phạm Kiều
Tùng và và Joseph Huỳnh Văn chủ trương ( không có Nguyễn Tường Giang )
Số 2 – Mỹ Từ Pháp, tháng 5 /1973
Số 3 –Soleils Perdus Soleils
Retrouvés Tháng 8/1973.
Số 4 – Mái Đông, tháng
11/1973
Số 5 –Trung Tân, Tháng 3/1974
TẬP SAN VĂN CHƯƠNG xuất bản
cuốn cuối cùng tên Thạch Ngữ (tháng
11/1974)
Đây là một tập san xuất bản
bất định kỳ, giá trị lớn về văn chương là đổi mới. Khai phá và mới lạ , nhưng
ít phổ biến, vì thời gian xuất bản ngắn và không định kỳ, chưa kịp tạo thành
thói quen tìm kiếm cho độc giả. Với quan niệm xây dựng một nhóm ổn định, mỗi
người trong nhóm chủ trương bắt buộc phải có một bài cho mỗi số báo, Theo ký ức
một thành viên nhóm chủ trương là Nhà văn Nguyễn Quốc Trụ thì :” “Nguyễn Tử
Lộc, đã chết vì bệnh tại Sài-gòn ít lâu sau 75. Không có Phạm Kiều Tùng, tập
san không có một ấn loát tuyệt hảo. Bạn lấy đầu một cây kim chấm một đầu trang.
Dấu chấm đó sẽ xuyên suốt mọi đầu trang thường của cuốn sách. Không có Nguyễn
Tường Giang thì không đào đâu ra tiền và mối thiện cảm, độc giả, thân hữu quảng
cáo dành cho tập san. Những bài khảo luận của Nguyễn Tử Lộc và sở học của anh
chiết ra từ những dòng thác ngầm của nhân loại - dòng văn chương Anglo-Saxon -
làm ngỡ ngàng đám chúng tôi, những đứa chỉ mê đọc sách Tây, một căn bệnh ấu trĩ
nhằm tỏ sự khó chịu vì sự có mặt của những quân nhân Hoa-kỳ tại Miền Nam….
Tạp chí văn học TẬP SAN VĂN
CHƯƠNG' ra mắt độc giả khoảng 1972-74, tại Sài-gòn. Chết trước ngày 30/ 4/ 75.
Hình như là do Nguyễn Tường Giang, bác sĩ kiêm quản lý bất đắc dĩ của tờ báo
chán chuyện đi lấy quảng cáo, mặc dù đi là có; mặc dù tập san có nhà in riêng -
nhà in ABC của thân phụ anh Phạm Kiều Tùng”
Nguyễn
Tường Giang hậu duệ của Tự Lực Văn Đoàn, cũng như một số nhà văn nhà thơ khác
là anh em chú bác cô cậu như Thế Uyên, Duy Lam, Nguyễn Tường Thiết…nên Ông dành
rất nhiều yêu thương với Tiếng Việt , Chữ Việt. Các con của ông dù được lớn lên và đào tạo thành công trên nước
Mỹ, luôn được trau dồi ngôn ngữ Việt với tâm niệm “cháu nội nhà văn Thạch Lam
mà viết câu tiếng Việt không thành thì coi sao được!”
Ảnh hưởng của Tự Lực Văn
Đoàn với ông thực tế là hậu duệ huyết thống chứ không phải hậu duệ văn chương.
Là người kỹ tính cho nên mãi sau này, khi gần về hưu sau rất nhiều năm hành nghề
Bác Sĩ tại Mỹ, Ông mới cho ấn hành tác phẩm đầu tay “Khói Hồ Bay”.
Khói Hồ Bay là tuyển tập thơ văn do Thạch Ngữ xuất bản năm 2012. Sách dày 384 trang, phần đầu là thơ và phần sau là bẩy bài viết.
Trong bẩy bài viết này, Nguyễn Tường Giang dành hai bài về người
cha tài hoa của Mình: Nhà văn Thạch Lam: Thạch Lam, Cha tôi Trong Trí Tưởng,
và Buổi Chiều Đi Chơi Với Thạch Lam. Năm bài còn lại viết về Mẹ, Tình
Yêu và Tình Bạn. Nhưng thấp thoáng trong đó vẫn là những hình bóng thấp thoáng
của Cha. Có những đoạn mô tả tâm trạng dằn vặt rất xót xa như:
“Sự ra đời của tôi, một đứa
con trai, là tai họa cho ông. Một người đoán số tử vi nào đó, năm 1942, khi
mẹ tôi đang mang thai, đã nói nếu sinh con trai người cha sẽ chết. Khi mẹ tôi
đi sinh, cha tôi đang đau nặng.Ông đau bệnh gì: bệnh lao vì làm việc và suy
nghĩ nhiều. Ý chí muốn dứt bỏ cái thú phù dung, hay tại số. Tôi không thể định
rõ được. Lúc người nhà về báo với ông đứa trẻ mới sinh là con trai, ông không
nói gì, lặng lẽ coi tiếp tờ báo đang xem dở. Ba ngày sau, ngày 27 tháng 6,
1942, Thạch Lam mất. Sinh ra đời, buồn thay, nhiều khi đã mang bản án sát nhân
trong tâm hồn.” (“Khói Hồ Bay,” trang 298)
Hay những tưởng tượng trìu mến
của khao khát không bao giờ có được:
“Khi còn nhỏ tôi thường có những giấc mơ. Tôi vẫn có trong
trí tưởng tượng một buổi sáng nào đó, khi cha tôi đã quần áo chỉnh tề, với trên
tường chiếc mũ phớt nhạt mầu, cầm một cuốn sách đang đọc dở hay một tờ báo đầu
ngày để đi tới tòa báo, tôi chạy theo ông. Có thể đó là một ngày ông cảm thấy vui
vẻ, hay cảm thấy không phải với thời
gian ít ỏi dành cho
các con, ông cho tôi đi theo..”
Mồ côi cha từ khi chưa đầy
tháng, nhưng hình ảnh người cha mất sớm vẫn là nỗi buồn bàng bạc trong ông cho
đến suốt đời.
Nói về Thơ của Nguyễn Tường
Giang, là nói tới một tâm trạng buồn, buồn nhưng không nản, kéo dài từ tuổi
thanh niên cho tới khi về hưu. Cái buồn nhẹ nhàng đi qua nhiều góc cạnh của đời
sống cho người đọc hiểu và rung động với những lời chân thực, thiết tha.
Theo Phạm Phú Minh trong
Thay Lời Tựa tuyển tập Khói Hồ Bay: “Tập thơ Khói Hồ Bay là chứng tích của một
người làm thơ từ giữa thập niên của tuổi hai mươi cho đến tuổi bảy mươi – suýt
soát nửa thế kỷ, từ khi tóc còn xanh đến lúc đầu bạc trắng. Không cần biết cuộc
đời, sự nghiệp tác giả, chỉ cần đọc những dòng thơ liên tục từ tuổi thanh niên
đến tuổi lão thành, người ta cũng có được chân dung tinh thần và tình cảm của một
con người, của một đời người. Đó là một lộ trình đáng kể mà không phải ai cũng
có khả năng tạo ra và để lại, như Nguyễn Tường Giang đã thực hiện hầu như suốt
cuộc đời mình”.
Căn nhà mà ông cư trú tại
thành phố FallChurch, nhìn xuống một mặt hồ trong vắt và rộng rãi dưới chân đồi.
Nơi đây, cùng với phu nhân là một Họa Sĩ, chén trà buổi sáng hay ly rượu vang
buổi chiều nhìn mùa thu đi qua :
Trùng trùng điệp điệp cây
trút lá
Quạnh quẽ hoàng hôn chim lạc
bầy
Thời gian có phải trong vô tận
Âm dương tĩnh lặng khói hồ
bay.
Cả một thời thanh niên rực rỡ,
tham gia, và chủ trương một tạp chí văn học. Những bằng hữu cũ, những chàng
trai cùng lứa, cùng đam mê đã chia sẻ cảm
xúc và đồng hành trong khát khao vá biển lấp trời, bây giờ bóng xế , hồi tưởng
lại thao thức nhớ một thời:
Lũ chúng ta tuổi trẻ ngang
tàng
giữa thời tan tác
muốn mài thanh gươm bén
xây dựng cơ đồ
muốn hát khúc hành ca
mơ chuyện binh đao đi dựng
nước
lòng tiêu dao mây nước
chợt thấy nhớ cố hương
mơ bóng Kinh Kha qua đất địch
trên sóng mù sương chẳng hẹn về
lòng cũng muốn đi
đạp đổ bất công nuôi chí lớn
thâu gồm thiên hạ
cờ bay Nguyễn Huệ rợp Hà
thành
Nay còn ngồi đây
tám người tuổi trẻ
Nguyễn Tường Giang bắt đầu
có bài thơ đầu tiên vào giữa thập niên 1960, khi ông là Sinh Viên Y Khoa, bài
thơ dành cho mẹ:
mẹ đã nuôi còn bằng giọt mồ
hôi
những buổi tháng năm trời
trưa nắng gắt
bữa cháo bữa cơm con sống
làm người
bằng sáng tinh mơ mẹ đi gánh
gạo
chợ xa hun hút nát gót chân
thon
cơn gió mùa đông luồn manh
áo rách.
Tập thơ là những lời tâm sự
dấu kín trong suốt thời gian dài. Trong sâu kín con người Nguyễn Tường Giang là
những ước mơ, những khao khát, những nỗi buồn mà người đọc được dẫn đi trên một
đoạn đường rất dài hơn năm mươi năm trải qua:
Có phải ta nằm trong huyệt mộ
nghe tiếng thời gian vọng xuống
mồ
Trong buổi ra mắt sách về Tự
Lực Văn Đoàn ở California. Nguyễn Tường Giang, nói chuyện về nỗi khó khăn khi
thế hệ con cháu Tự Lực Văn Đoàn, khi sáng tác họ luôn bị một sức ảnh hưởng nặng
như đá tảng của tài năng, danh tiếng của cha ông đè trên đầu. Vì nghiệp sáng
tác đòi hỏi phải mới mẻ và không thể chỉ dẫn theo kiểu cha truyền con nối được.
Và trong một truyện ông đã
mô tả: “Đã có rất nhiều lần trong đời, tôi rất bất mãn và ngượng nghịu trong
xã giao đời thường, khi được giới thiệu: “Đây là anh/ông Giang, con út nhà văn
Thạch Lam”. Lời giới thiệu đó đã làm tôi rất khó chịu và rất khó đối xử, vì tôi
bị chụp ngay vào đầu cái vòng kim cang của cha tôi, tôi không còn là tôi nữa,
những ý tưởng của tôi đã bị điều kiện hóa. Tôi không biết phải ứng xử ra sao để
phù hợp với “con út của nhà văn Thạch Lam”. Đôi khi, những người bạn văn nghệ
bàn về cái hay cái đẹp của văn chương Thạch Lam, mặc dù tôi rất thích văn
chương ông, nhưng mặc cảm về liên hệ cha con đã khiến tôi, hoặc im lặng, hoặc lảng
tránh. Tôi, đôi khi chỉ muốn là con của một người bình thường nào đó, không có
tiếng tăm và được yêu mến như Thạch Lam. Bây giờ, đã hơn bẩy mươi tuổi đầu, khi
đọc lại những tác phẩm của Thạch Lam, tôi thưởng thức với cảm xúc khách quan của
một độc giả, tôi rất hãnh diện khi có người nhắc tới tôi là con của nhà văn Thạch
Lam, trong Tự Lực Văn Đoàn, một nhà văn tôi cũng rất yêu quý vì văn tài của
ông. Thực tế, dù chấp nhận hay từ chối, tôi đã là con của Thạch Lam. Cũng chẳng
còn bao lâu nữa, tôi sẽ có dịp gặp lại mẹ tôi và Thạch Lam, lúc đó có thể tôi sẽ
được nắm tay ông và nhìn vào đôi mắt sâu thẳm của ông để gọi hai tiếng: Cha ơi.
Hai tiếng ngắn ngủi đã bao nhiêu năm tôi vẫn hằng mong ước.”
Ngoài đời, Nguyễn Tường
Giang là người hòa nhã, dễ giao tiếp, nhưng hết sức nghiêm túc trong văn học.
Cuốn sách nào đến tay ông, ông đọc kỹ và khi gặp tác giả ông phân tích và hỏi
“Cho ra lẽ” tại sao lại viết như vậy.
Ông đòi hỏi sự chính xác trong các câu chuyện và chuẩn mực của các ấn phẩm.
Không phải là người khó tính, mà là một người rất trân trọng với văn chương.
Nghĩ tới Nguyễn Tường Giang
là nghĩ tới một người cầm bút chí tình với chữ nghĩa. Tôi ghi nhận ba công trình ông đã để lại : Một
là người có công với Văn Học Sử khi chủ trương thực hiện cuốn NHỮNG TRUYỆN NGẮN
HAY NHẤT TRÊN QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA, tập trung được các tác giả tên tuổi nhất với
đầy đủ tư liệu chữ ký, quan niệm sáng tác, hình ảnh và truyện ngắn tiêu biểu, để
làm nến tảng cho các nghiên cứu văn học sau này.
Hai là cùng những người bạn
chung chí hướng thực hiện TẬP SAN VĂN CHƯƠNG vào giai đoan hưng thịnh nhất của
Văn Học Miền Nam. Cái tiếc là thời gian đó quá ngắn, chỉ hai năm trước ngày Miền
Nam sụp đổ. TẬP SAN chưa phổ quát được cho nên chưa định hình được một trào lưu
mà khi đọc được sau này thấy rõ những điều mới lạ, nối văn học Việt Nam với Văn
Học Nước Ngoài. Xây dựng một quan niệm sáng tạo cho văn chương.
Ba là tuyển tập Khói Hồ Bay.
Sưu tập thơ văn một đời với chữ nghĩa văn chương. Ôm trọn trong đó là những ám ảnh
nhân thân, nỗi buồn chiến tranh, thân phận trí thức và nỗi buồn mênh mang thiên
cố.
Gặp gỡ và thân quen với Nguyễn Tường Giang từ mấy chục năm nay, được ông coi như một bằng hữu vai em trong văn chương. Học được từ ông cái chí tình trong giao tiếp và cả những kiến văn và ông sở hữu. Kính trọng ông và tin rằng Khói Hồ Bay chưa phải là tác phẩm sau cùng của ông.