TRANG CHỦ

Monday, November 18, 2024

3636. NGUYỄN XUÂN THIỆP Đọc Trương Vũ.

Nhà văn / Họa sĩ Trương Vũ - Ảnh Nguyễn Hữu (2024)
 

Trương Vũ là người giàu kiến thức, quê ở Nha Trang, trước 1975 từng là giáo sư dạy toán ở Đại Học Duyên Hải. Trong thời gian này, anh có tham gia một vài hoạt động văn học nghệ thuật, với sự góp mặt của Đinh Cường, Bửu Ý, Huy Tưởng… Anh là người chân tình lại gắn bó với đất nước và bạn bè. Qua Mỹ, sau khi học hành xong, anh làm việc ở Trung Tâm NASA, và đã có nhiều đóng góp vào sinh hoạt văn học ở hải ngoại. Đồng Chủ Biên tuyển tập văn chương chiến tranh The Other Side of Heaven (do Curbstone Press xuất bản năm 1995). Nguyên đồng chủ biên tập san Việt Học The Vietnam Review của Đại học Yale (1996-1998). Nguyên chủ bút tạp chí Đối Thoại, California (1993-1994). Hợp tác, đóng góp bài vở cho một số tạp chí văn chương (giấy và mạng) như Văn Học, Hợp Lưu, Văn, Talawas, Tiền Vệ, Da Màu, Tương Tri, các blog như Phạm Cao Hoàng, Phố Văn, Trần Thị Nguyệt Mai...

Ngoài viết văn và sinh hoạt xã hội, Trương Vũ cũng miệt mài sáng tác hội họa và đã tham dự một số triển lãm tại Hoa Kỳ. Anh cũng đã vẽ nhiều tranh chân dung cho bạn bè trong giới văn nghệ. Bạn bè đều yêu quý anh, thường xuyên lui tới họp mặt khi anh và chị An định cư ở Maryland.

Tác phẩm đã xuất bản: ĐUỔI BÓNG HOÀNG HÔN (Tuyển tập 19 bài tiểu luận - NXB Nhân Ảnh, Hoa Kỳ, 2019).

Với Trương Vũ, tôi có mối giao tình -có thể nói như thế- cũng đã ngoài hai mươi năm. Lần đầu tiên được biết Trương Vũ là qua một bài ký của Hoàng Khởi Phong kể lại chuyện chạy loạn qua Nha Trang khoảng tháng 4.1975, không có phương tiện di chuyển, may được Trương Vũ cho một chiếc xe, nhờ đó thoát nạn. Qua câu chuyện kể của Hoàng Khởi Phong, tôi bắt đầu có cái nhìn thiện cảm với Trương Vũ.

 

Nguyễn Xuân Thiệp và Trương Vũ.
Virginia, 15.8.2015 - Ảnh Phạm Cao Hoàng

Thời gian trôi qua, mấy lần qua chơi Virginia, qua sự giới thiệu của Đinh Cường, tôi được gặp Trương Vũ. Tôi được cùng bè bạn tới chơi nhà anh (ở Maryland?) một vài lần. Anh cũng đã lái xe đón đưa tôi khi sang chơi Virginia. Rồi anh em họp mặt ăn uống ở Sài Gòn Quán. Một cuộc họp mặt cũng ở nhà Trương Vũ (may thay trí nhớ tôi còn ghi lại được): hôm ấy có Hải Phương, Hoàng Xuân Sơn, Đinh Cường… Và có cả hiền nội nữa. Tôi cũng từng có được một vài dịp chuyện trò trao đổi với anh về văn chương, nghệ thuật. Anh luôn chứng tỏ là người có kiến thức rộng, điềm đạm, cởi mở. Một lần thay mặt Báo Trẻ ở đây, tôi mời Trương Vũ qua Dallas triển lãm tranh và tham dự sinh hoạt văn hóa ‘Đọc Thơ và Hát Thơ’. Dịp này có Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn, Phan Xuân Sinh, Hoàng Đình Bình, Tô Thẩm Huy và một số anh em khác tham dự. Và tôi đã chở anh tới cuộc vui ở ngôi nhà nghỉ mát bên bờ hồ Irving của Nguyễn Xuân Phước. Cảm động và đáng ghi nhớ nhất là anh đã vẽ chân dung tôi tại phòng vẽ nhà anh. Thời gian đó, tôi được đọc một số tùy bút và tiểu luận của Trương Vũ đăng rải rác trên báo giấy và các trang mạng. Tôi thật sự yêu quý những bài viết của anh. Một lần ngồi uống với nhau, tôi đề nghị Trương Vũ gom lại và cho in thành sách. Anh nói cũng đang chuẩn bị và đang tìm nhà xuất bản. Ít lâu sau, Đuổi Bóng Hoàng Hôn ra đời.

Trang viết của tôi tiếp theo đây là ghi lại hình và bóng và những bước lãng du cùng cái nhìn của Trương Vũ qua “Đuổi Bóng Hoàng Hôn”.

“Đuổi Bóng Hoàng Hôn” của Trương Vũ, theo tôi, là một tác phẩm giá trị, đáng đọc. Nó vừa là tùy bút vừa là tiểu luận bao quát nhiều vấn đề, từ chính trị, đến văn hóa trong đó giáo dục và nhất là văn học được chú trọng nhiều nhất. Tôi đọc và đặc biệt bị cuốn hút bởi những bài: VỀ LẠI SORRENTO, MƯA ƯỚT VỊ THÀNH, NÓI VỚI CHÀNG SIÊU, NHỮNG CƠN MƯA NGÀY CŨ, ĐÊM ĐẠI DƯƠNG, VỊ TRÍ CỦA SÁNG TẠO TRONG SỰ PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HỌC MIỀN NAM, NHÌN LẠI PHONG TRÀO VĂN NGHỆ PHẢN KHÁNG… Tôi cũng đã có một bài thơ nhân đọc và cảm xúc với Mưa Ướt Vị Thành của Trương Vũ. (*)

Qua “Đuổi Bóng Hoàng Hôn”, tôi nhận ra tài năng của Trương Vũ. Anh là nhà khoa học đi vào cõi văn chương và có một văn phong trong sáng, ngôn từ gọn gàng, sắc nét. Cũng có khi anh hơi miên man nhưng biết dừng lại ở chỗ phải dừng. Với kiến thức sâu rộng, Trương Vũ đưa chúng ta từ Đường Thi đến văn học Tây Phương với Tolstoy, Tchekhov và cả nhạc cổ điển. Trương Vũ còn là người yêu đất nước quê hương. Qua những trang văn của “Đuổi Bóng Hoàng Hôn”, ta nghe được tiếng mưa và cảm nhận được mùi gió biển của Nha Trang. Hãy nghe: “… Nhưng cái gì khiến mỗi lần nghe Come Back to Sorrento tôi thắt ruột và nhớ đến Nha Trang? Hay, có nhiều đêm, chỉ nghe tiếng sóng biển cũng nhớ đến Nha Trang, ngửi hơi gió biển cũng khiến nhớ đến Nha Trang? Có lẽ vì Nha Trang liên hệ chặt chẽ đến một thế giới của tuổi trẻ, trong đó có biển, có phố, có những hàng cây, những con đường… Và, trên hết, ở đó, không phải chỉ có hạnh phúc mà còn có đau buồn, mất mát. Không phải chỉ có niềm vui mà còn có luyến tiếc, ray rứt, nợ nần. Không phải chỉ có thành công mà còn có thất bại. Không phải chỉ có điều tốt mà còn biết bao lỗi lầm… Nhưng đặc biệt, đó là một thế giới mang đầy dấu vết sâu đậm từ những liên hệ con người. Rất đặc thù. Một thế giới riêng cho mỗi người trong chúng ta.” Như vậy đó… Trương Vũ đặc biệt yêu quý trường xưa, thầy cũ, bạn cũ. Thầy Cung Giũ Nguyên đã để lại trong tâm hồn Trương Vũ những ký ức thật đẹp, thật đáng quý. Anh yêu mái trường từng in bóng mình và bạn bè. Đại Học Duyên Hải mãi mãi in sâu trong tâm tưởng của Trương Vũ với những sinh hoạt văn chương nghệ thuật và những hội ngộ đầu tiên trong đời. Cuộc chiến trên đất nước cũng để lại những vết hằn trên ngày tháng và tâm tư người trong cuộc. Trong đời riêng, Trương Vũ từng qua Trường Bộ Binh Thủ Đức, ra trường làm sĩ quan đi trấn đóng ở hải đảo xa: “Ở hải đảo có một thời gian tôi làm sĩ quan tuần tra. Tôi nhớ, một buổi tối, mưa tầm tã, khi hết phiên trực, tôi ghé vào lều của một ông thượng sĩ già, xin cà phê uống. Ở đó, người sĩ quan trực kế tiếp, MDT, cũng đang ngồi uống cà phê. MDT trước khi động viên dạy Pháp văn ở Huế. Trong khi trò chuyện, bỗng nhiên T. nói về những tiểu thuyết Pháp đang ăn khách như Bonjour Tristesse, Un Certain Sourire,… của Françoise Sagan, rồi quay trở lại nói về những tác phẩm học ở thời trung học, những tác phẩm của Alphonse Daudet hay Anatole France, rồi Nguyễn Du của ngày xưa, rồi Bùi Giáng của ngày nay, rồi quay sang nói về Sartre, về Camus, v.v… Chúng tôi nói say sưa, ông thượng sĩ già châm thêm cà phê, lặng lẽ nghe và thỉnh thoảng nở nụ cười độ lượng. Trước khi chia tay và bắt đầu phiên trực của mình, T. nói với tôi: “Tụi mình… à la recherche de la jeunesse perdue!”

Như ta thấy trên, Trương Vũ mặc dù theo ngành toán học, từ thời trẻ đã yêu thích văn học. Trong tác phẩm của mình, anh đã dành một hai chương để luận bàn về những hiện tượng văn học của hai miền Nam Bắc. Ở miền Nam, Trương Vũ ghi nhận: “Tháng 10 năm 1956, tạp chí Sáng Tạo ra đời, đóng góp vào sự phát triển của nền văn học miền Nam vào một giai đoạn đầy biến động của đất nước.”

Không phải chỉ trong đất nước mà những biến động còn diễn ra nhiều nơi trên thế giới. Tâm tư con người thời đại khao khát một bầu trời mới rộng rãi với những ước mơ. Tạp chí Sáng Tạo ra đời đã làm thay đổi bầu không khí văn học nghệ thuật của đất nước. Trương Vũ, trong bài viết về tạp chí Sáng Tạo, đã đặc biệt ghi nhận công lao của Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền và Duy Thanh. Nhìn lại phong trào văn nghệ phản kháng tại Việt Nam từ 1986 đến 1989, Trương Vũ có nhận xét: “Trong một thời gian khá lâu, sau kinh nghiệm tàn bạo của vụ án “Nhân Văn Giai Phẩm” vào 1958, trí thức và văn nghệ sĩ miền Bắc không còn muốn dính dự vào những vấn đề chính trị có tính cách tranh cãi. Tuy nhiên, dầu muốn dầu không, sau 1975, họ phải chạm trán với một thực tế hoàn toàn trái ngược với những điều dự đoán. Những khác biệt quá lớn giữa cái họ thực sự thấy với cái lẽ ra họ nên thấy bắt đầu khiến họ chao đảo.”

Khởi đi từ đó, nhất là sau chủ trương đổi mới của Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh vào đầu năm 1987, một đòi hỏi bức thiết dấy lên, yêu cầu chấm dứt thời của văn học minh họa. Trong những đóng góp đầu tiên phải kể đến công lao của nhà văn Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyên Ngọc. Tiếp theo là sự xuất hiện của một lớp nhà văn mới, tác phẩm của họ theo ghi nhận của Trương Vũ “mang những sắc thái chính sau đây: phản kháng sự áp đặt quyền lãnh đạo của Đảng lên trên quyền sáng tác của nhà văn; phủ nhận “công lao” của chủ nghĩa cộng sản trong hai cuộc chiến; quy kết cho xã hội chủ nghĩa về tình trạng nghèo đói, phân hóa, bất công, và chậm tiến; đòi quyền của cá nhân được lựa chọn cách sống của mình; lên án sự lạm quyền của cán bộ cao cấp đã tàn phá xã hội và con người; công kích sự tôn sùng thần tượng; v.v...” Ở thời kỳ này phải kể đến những tên tuổi như Nguyễn Duy, Trần Vàng Sao, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Trần Mạnh Hảo, Nhật Tuấn, Nguyễn Quang Lập, Bảo Ninh, v.v... Đặc biệt, Trương Vũ đánh giá cao công lao đóng góp của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài.

Một điều nữa cần ghi nhận: Trương Vũ đặc biệt yêu quý bạn bè. Trong “Đuổi Bóng Hoàng Hôn”, Trương Vũ dành nhiều trang cho bằng hữu trong văn chương nghệ thuật. Đó là Đinh Cường, Cao Xuân Huy, Phùng Nguyễn, Phạm Cao Hoàng, Võ Đình, …  Họ là những người Trương Vũ đã gặp trong các sinh hoạt văn học nghệ thuật và đã có mối thân tình sâu đậm qua thời gian. Trương Vũ viết về họ với niềm ưu ái. Hầu hết những bằng hữu thân thương này đã đóng góp hoặc ít hoặc nhiều vào văn học nghệ thuật ở hải ngoại.

Cuốn sách của Trương Vũ quả thật hấp dẫn. Lẽ ra tôi còn nói thêm nhiều điều nữa nhưng thôi tạm dừng ở đây, chờ một dịp khác. Hoàng hôn đang xuống trên đời tôi đời bạn. Ta sẽ làm gì đây? Dang tay đón chào hay đuổi theo cái bóng của nó. Từ giã hoàng hôn trong mắt em / Tôi đi tìm những phía không đèn / Gió mùa thu sớm bao dư vị… (Đinh Hùng). Thôi xin hãy tạm dừng lại bên nhau cùng chia sẻ những vui buồn trước khi thu tàn đông tới.

NGUYỄN XUÂN THIỆP
Texas, tháng 10.2024

MƯA HOÀNG HÔN…*

chiều
trong căn nhà gỗ. xưa
ngồi
nghe mưa rơi
trên những trang văn. đuổi bóng hoàng hôn
ôi. mưa từ nha trang. ngày nọ
mưa tới vị thành
và đâu nữa
qua mưa
những mái nhà
cánh cổng rêu phong
cây bông sứ. đợi người
góc tường
câu thơ. đề tên ai. đã khuất
ngày qua. ngày qua
trương vũ
ngày ấy
trên đường tới đơn vị. leo lên một ngọn đồi
quán nhỏ. tiếng mưa. âm
chung trà. chiều. rơi trên mái
và trong phiên trực đêm
nơi lều cỏ. của người thượng sĩ già
nâng ly cà phê. uống. nhìn mưa
qua khói thuốc
o. ma jeunesse
thời gian. chiến trận. mịt mù
khi về lại
cái chết của galois. màu đỏ

bản sonate cho kreutzer
tolstoi
đã nằm yên. trong ánh tàn dư. chiều muộn
trương vũ ơi. còn tôi và bạn
dắt nhau đi. qua chiếc cầu. trên sông drina
tiếng trẻ gào
mẹ. tóc rũ. mưa
ôi. phùng nguyễn
cao xuân huy. và tờ văn học
đinh cường. trước giá vẽ. rừng natick
tiếng còi tàu. và những cánh dã quỳ. tứa máu
thầy cung giũ nguyên
le boujoum. trang huyền sử của nguyệt thực. và hoàng hôn
ai đi trên đồi sương tím. không về
mai thảo. thanh tâm tuyền
và võ đình
ở đâu. phía bên kia thiên đường
on the other side of heaven
 
chiều nay
hẹn với huy tưởng
come back to sorrento
sẽ không khóc
trương vũ ạ
sóng biển. sóng biển. chiều
con albatross đang bay qua bờ sóng…

Nguyễn Xuân Thiệp

(*) Cảm xúc khi đọc ‘Đuổi Bóng Hoàng Hôn’ của Trương Vũ.


CHÂN DUNG NGUYỄN XUÂN THIỆP
Tranh Trương Vũ,
sơn dầu trên bố, 18” x 24”, (2017).