Chiến tranh thế giới thứ 2 là một nỗi kinh hoàng của toàn nhân loại, là một giai đoạn lịch sử mà có lẽ ai đã từng trải qua đều không thể quên được ký ức ghê rợn. Nhật ký Anne Frank là một quyển sách mà trong đó bao gồm nhưng câu chuyện hoàn toàn có thật, Anne Frank đã kể lại những cảm xúc và suy nghĩ của cô vào những ngày tháng khủng khiếp trong chiến tranh ở quyển nhật ký này. Và sau này quyển Nhật ký Anne Frank đã trở nên nổi tiếng, được lấy cảm hứng để dựng lên bộ phim Nhật Ký Anne Frank.
Món quà đặc biệt của bố và những tâm sự đầu tiên của Anne
Quyển nhật ký được Anne bắt đầu viết vào ngày 13 tháng 6 năm 1942. Cuốn nhật ký là món quà sinh nhật lần thứ 13 mà cô nhận được từ cha của mình. Từ đây cô bắt đầu viết lên những tâm sự của bản thân. Mở đầu của cuốn nhật ký Anne đã kể về sinh nhật của cô vào ngày 12 tháng 6 năm ấy. Khi Anne thức dậy sớm, cô được con mèo Mouschi chào đón ở phòng ăn. Có lẽ, ngày sinh nhật ấy cô đã vô cùng hạnh phúc khi nhận được những món quà của bố mẹ. Anne còn mang bánh đến trường mời những người bạn và họ cùng hát, cùng nhảy múa. Cô xem cuốn nhật ký như một người bạn. Cô giới thiệu về gia đình của mình trong nhật ký. Anne sinh ra trong một gia đình ấm áp tình thương yêu từ bố mẹ. Bố cô là một quản đốc tại một công ty sản xuất các mặt hàng phục vụ cho việc làm mứt. Anne có một người chị 16 tuổi và Anne cũng có khá nhiều bạn bè. Trước đó, cô cùng gia đình từng sống tại thành phố Frankfurt tại Đức, nhưng vì là người Do Thái gia đình cô phải chuyển đến Hà Lan năm 1933. Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, khi Đức chiếm Hà Lan, chúng đã đưa ra rất nhiều luật lệ hà khắc dành cho người Do Thái, như họ phải đeo ngôi sao vàng, chỉ được mua sắm tại những cửa tiệm dành cho người Do Thái, những đứa trẻ phải đến trường học Do Thái,... Cũng như bao nhiêu đứa bé cùng tuổi, Anne cùng bạn bè khi đi học đều có những suy nghĩ về việc ai sẽ lên lớp, ai sẽ ở lại, về kết quả học tập vào cuối năm, và đôi khi có những phút nói chuyện trong giờ học. Anne đã kể về mối tình của bản thân với Hello Sibergerg nhưng bà của anh ấy không thích điều này và bố của Anne cũng rất giận dữ khi cả hai đi dạo đến hơn 8 giờ mới về. Kết quả thi cuối kỳ của cô và chị gái rất xuất sắc, và dĩ nhiên bố mẹ cô đã rất vui vì điều đó. Những ngày tiếp theo gia đình Anne bắt đầu lên kế hoạch dời đến nơi ẩn nấp nhằm thoát khỏi sự truy quét của quân đội Đức với người Do Thái. Miep và chồng của cô là bạn thân của gia đình Anne đã đến giúp họ chuẩn bị đồ đạc để di chuyển đến nơi ẩn nấp. Cả gia đình cô phải mặc rất nhiều quần áo, đi bộ đến nơi ẩn nấp, và phải tạm biệt chú mèo Moontje. May mắn rằng họ đã đến được nơi trú ẩn một cách an toàn.
Những câu chuyện ở nơi trú ẩn
Chỗ ẩn nấp của gia đình họ nằm trong tòa nhà văn phòng của ông Otto Frank - bố của Anne. Trong nhật ký Anne đã miêu tả rất rõ về nơi ở mới này, “Ở tầng trệt là kho hàng và kề bên đó là lối vào văn phòng , văn phòng nằm các tầng trên . Có hai văn phòng - phòng phía trước thì lớn và sáng , phía sau thì nhỏ và tối”, “Bên trên tầng ba là "gian nhà bí mật ". Có vài gác mái để chứa đồ phía bên trái , và phía bên phải là cửa vào nơi chúng tôi ẩn nấp”. Anne và Margot - chị gái cô - sống trong một căn phòng nhỏ, còn phòng ngủ của bố mẹ cô cũng dùng làm phòng khách, gia đình sống ở đây cùng gia đình của những nhân viên khác. Sau khoảng một tháng dọn đến nơi ẩn nấp, chính quyền Đức đã gọi trình diện một số người, tuy nhiên mọi chuyện vẫn ổn, một số người cho rằng gia đình Anne đã chuyển đến Thụy Sĩ, giúp gia đình cô thoát sự truy sát của quân đội Đức. Khi ở nơi trú ẩn, cô và bà Van Daan không thiện cảm với nhau vì bà ấy cho rằng cô nói quá nhiều, còn Anne cho rằng bà ấy không biết tiết kiệm thức ăn. Dù ở nơi trú ẩn, và không được đến trường, Anne vẫn học tiếng Pháp, đọc sách, vẽ cây phả hệ. Có một tình huống đã xảy ra với Anne khi cô đang viết những dòng nhật ký, bà Van Daan đã hỏi mượn nhưng Anne đã từ chối vì những lời cô đã nói về bà ấy trong nhật ký. Cô và mẹ đã xảy ra xích mích, cô đã khóc, không những vậy Anne nghĩ rằng mẹ không hiểu mình. Ở nơi trú ẩn, một vài ngày sau đó, có tiếng chuông reo và cô lo lắng rằng lính Đức đến bắt họ, nhưng không phải vậy và buổi tối Peter - con trai của ông bà Van Daan - “ anh ta mặc bộ quần áo chật cứng của mẹ anh và mình mặc bộ complet của anh” làm cho mọi người cười phá lên vì màn tấu hài. Vào tháng 10 năm 1942, Anne tâm sự một vài tin tồi tệ khi Đức bắt nhiều người Do Thái và giết họ bằng hơi độc. Cuối những năm 1942 khi chiến tranh đang xảy ra rất ác liệt, những người Do Thái luôn trong tình trạng sợ hãi, nguy hiểm có thể ập đến bất kỳ lúc nào. Tại nơi ẩn nấp mọi người lại chào đón thêm ông nha sĩ Alfred Dussel. Anne rất lo lắng khi cô nghe tin rằng những đồng bào Do Thái của mình bị lính Đức bắt, và vào mỗi tối những người Do Thái phải xếp hàng trên đường, đó có thể là khởi đầu cho những chuỗi ngày khủng khiếp sau đó. Anne cho rằng bản thân rất may mắn vì mỗi đêm còn được ngủ trong nệm ấm, còn một số người bạn của cô đã bị lính Đức bắt. Trong căn nhà bí mật ấy đã bắt đầu có hai người bạn trẻ nảy sinh tình cảm vào những ngày chiến tranh khốc liệt. Peter và Anne bắt đầu hẹn hò và họ thường tâm sự với nhau trên gác mái. Đầu những năm 1944, quân đồng minh đã dần chiếm ưu thế trên chiến trường, gia đình Anne và mọi người mong rằng chiến tranh sẽ sớm kết thúc. Cuốn nhật ký kết thúc vào ngày 1 tháng 8 năm 1944, với những suy ngẫm sâu thẳm trong trái tim cô gái trẻ 15 tuổi.
Câu chuyện phía sau Nhật ký Anne Frank
Ba ngày sau
khi cuốn nhật ký này kết thúc, gia đình Anne bị cảnh sát Đức bắt giữ và đưa đến
trại tập trung, phải làm như nô lệ tại đây. Đầu năm 1945, vì dịch sốt phát ban
bùng phát, cô bị lây nhiễm và mất trong trại giam chỉ một vài ngày trước khi
quân đội Anh giải phóng nơi này. Miep và chống của cô đã tìm thấy quyển nhật ký
của Anne, trao trả cho ông Otto Frank khi chiến tranh kết thúc. Ông Otto đã đọc
quyển nhật ký. Ông quyết định giúp cho cô con gái út hoàn thành ước mơ trở thành
nhà văn nên ông đã cho xuất bản quyển nhật ký này.
BẢO NGỌC
*