Tranh Trương Thị
Thịnh,sơn dầu trên bố,
24" x 30", (1986).
Cuối thập niên 70, vào một ngày cuối tuần,
tôi từ Philadelphia về thăm một người bà con xa ở Virginia. Có một sự kiện đã
khiến tôi gắn bó với vùng đất này cho mãi đến hôm nay.
Nhân đọc một tờ báo tiếng Việt ở vùng
DC, tôi để ý đến một bài thơ mang tựa đề Gặp Bạn Bè Ở Franconia của Giang Hữu
Tuyên. Có hai câu tôi không bao giờ quên:
Cuối thập niên 70, vào một ngày cuối tuần,
tôi từ Philadelphia về thăm một người bà con xa ở Virginia. Có một sự kiện đã
khiến tôi gắn bó với vùng đất này cho mãi đến hôm nay.
Nhân đọc một tờ báo tiếng Việt ở vùng
DC, tôi để ý đến một bài thơ mang tựa đề Gặp Bạn Bè Ở Franconia của Giang Hữu
Tuyên. Có hai câu tôi không bao giờ quên:
Không lẽ suốt đời thân vong quốc
Sống như Tây mà thác cũng như Tây?
Bài thơ đó, Giang Hữu Tuyên sáng tác từ
một xúc động mạnh sau khi cùng nhiều bạn bè gặp nhau tại nhà Ngô Vương Toại
trên đường Franconia. Hầu hết là những trí thức trẻ, yêu quê hương nồng nàn. Thời
gian đó, chỉ hơn 4 năm sau biến cố 30 tháng 4, sau cuộc di tản 1975, và những
vượt biển tàn khốc từ 1976 đang tiếp tục. Nhà Ngô Vương Toại là nơi họp mặt thường
xuyên. Tôi có mặt trong buổi kế tiếp.
Ngô Vương Toại (NVT) nhỏ hơn tôi vài tuổi,
tốt nghiệp đại học Văn Khoa Sài Gòn. Toại nổi tiếng do một sự kiện xảy ra khi
làm trong Ban Đại Diện Sinh Viên Văn Khoa. Trong một buổi trình diễn nhạc cho
Trịnh Công Sơn và Khánh Ly do Toại tổ chức, một nhóm người vũ trang lên giật
micro. Toại giành lại và bị bắn vào bụng, mọi người chạy tán loạn. Toại được
đưa vào bệnh viện và được cứu sống. Sau sự kiện đó, Trịnh Công Sơn có làm một bản
nhạc cho Toại. Thỉnh thoảng Toại hát cho bạn bè nghe.
Chính tại những buổi họp mặt tại nhà Toại
mà tôi có nhiều quen biết. Đồng thời, như những người khác, có nhiều tự vấn về
những gì phải làm cho quê hương. Câu trã lời thường khác nhau và những tranh cãi
khá sôi nổi. Tôi có nhiều bạn thân, kể cả những bạn ở xa, thỉnh thoảng về đây
sinh hoạt chung. Nhưng, gần gũi nhất và trở nên thân nhất là Ngô Vương Toại với
Đặng Đình Khiết.
Toại với Khiết rất khác tính nhau. Toại
sôi nổi. Khiết thâm trầm. Toại đã có gia đình, Khiết còn độc thân. Khiết mới về
Virginia, thuê một căn hộ nhỏ, chỉ có hai phòng, nhưng Khiết cho hơn chục người
ở. Đa số là những người tỵ nạn mới đến Mỹ. Trong khi chờ đợi nhận việc làm, tôi
cũng dọn về đó. Chật chội nhưng rất vui và tinh thần thoải mái. Sau này, khi
vào làm việc cho trung tâm Goddard, tôi phải dời về Maryland, nhưng thường mỗi
cuối tuần tôi lái xe về chơi hay sinh hoạt với mọi người ở đây. Lúc đó, cả gia
đình tôi còn ở lại Việt Nam.
Toại là một con người có nhiều khả năng
đặc biệt và rất lý tưởng. Toại thông minh và khi đến Mỹ còn rất trẻ, có thể trở
lại đại học, tạo một tương lai vững vàng cho mình. Nhưng, Toại chọn đi làm
ngay, công việc bình thường, nhưng không phải phụ thuộc vào trợ cấp an sinh của
chính phủ. Hai vợ chồng làm việc cật lực, sớm tạo được ngôi nhà riêng cho họ.
Điều đáng quý là dù cực như vậy, họ luôn hết lòng cho các sinh hoạt chung. Căn
nhà nhỏ của họ luôn là nơi tụ họp của bao nhiêu người. Họ không giàu có nhưng
chiêu đãi bạn bè tận tình. Qua cái cách chiêu đãi, và đồi xử đẹp với bạn bè, ở
gần hay từ xa tới, tôi rất khâm phục vợ chồng Toại, nhất là cô Lan, bà xã Toại.
Khó có ai chịu khó và chìu chồng như cô Lan.
Tuy rất thân tình với nhau, và gần như
có thể chia sẻ với nhau mọi vui buồn, tôi với Toại khác nhau nhiều. Khác nhau
nhất là về cách dồn nổ lực cho những sinh hoạt cộng đồng. Cả cách nhìn về thời
cuộc, về thế sự. Nhưng, tôi rất thương Toại. Toại đa cảm, khi nói về Việt Nam, thường
chảy nước mắt. Có nhiều lần, Toại ôm mặt khóc. Tôi có nhiều kỷ niệm đẹp về những
sinh hoạt ở nhà Toại. Rất nhớ những lúc bạn bè đông đảo ngồi say sưa bàn chuyện
đất nước. Và, những lúc, cãi vã rầm trời, tưởng chừng sẽ không còn gặp mặt nhau
nữa. Thế nhưng, sau đó, tất cả cùng ngồi vào bàn ăn, vui vẻ trò chuyện;
Về phần tôi, sau khi gia đình sang Mỹ
đoàn tụ, vợ chồng Toại ngày càng trở nên thân thiết. Đám cưới của các con tôi
bao giờ cũng có mặt họ trong buổi lễ truyền thống. Trong tiệc cưới, Toại luôn được
mời lên sân khấu nói những lời khuyên đặc biệt cho các cháu.
Những năm về sau, Toại không gặp may mắn.
Toại dấn thân vào nghiệp báo chí ở vùng DC rất sớm. Toại bỏ nhiều tâm sức để điều
hành một tuần báo, mang tên Diễn Đàn Tự Do. Tờ báo mang dấu ấn những ước mơ lớn
của Toại. Tuy nhiên, độc giả Việt Nam của những tờ báo địa phương ngày càng thực
tế hơn, không còn mặn mà với những ước mơ lớn nữa. Đáp ứng của độc giả dành cho
Diễn Đàn Tự Do ngày càng giảm. Toại lại không phải là người giỏi đi lấy quảng
cáo. Bên cạnh đó, công ty mà Toại làm việc đóng cửa. Toại không kiếm được việc
làm mới hợp với chuyên môn. Toại phải làm nhiều việc khác nhau, không mang lại
thu nhập như cũ. Đời sống kinh tế của họ bắt đầu khó khăn. Trong khi đó, vẫn phải
tiếp tục lo cho các con theo học đại học. Các cháu học rất giỏi, nhưng cũng giống
như bố, thích học các ngành về khoa học xã hội, rất khó kiếm việc làm
Những họp mặt bạn bè ở nhà Toại vơi dần.
Với một con người vốn rất năng động như Toại, đây là một nỗi buồn. Thêm vào đó,
Toại bị đột quỵ, đi đứng không còn vững vàng như trước. Vào bệnh viện thường xuyên.
Nói năng rất khó khăn. Cô Lan chăm sóc Toại tận tình, kỹ lưỡng không thua gì những
điều dưỡng chuyên nghiệp. Nhờ đó, Toại vẫn luôn giữ được nét mặt tươi vui khi gặp
bạn bè. Nhưng, Toại rất nhạy cảm và dễ xúc động, dễ nổi giận
Vợ chồng Toại thường đến nhà tôi chơi.
Tôi còn nhớ rất rõ, một buổi tối, nhân dịp Nguyễn Trọng Khôi về chơi vùng này,
tôi rủ vợ chồng Toại, vọ chồng Lê Thiệp, vợ chồng Nguyễn Minh Diễm, và nhiều bạn
khác đến chơi. Hôm đó, Toại ngồi xuống hát, cô Lan đứng cạnh. Nguyễn Trọng Khôi
phụ họa piano. Toại hát hụt hơi, nhưng hát say sưa, một bản nhạc của Trịnh Công
Sơn:
Biển sóng biển sóng đừng xô tôi
Đừng xô tôi ngã dưới chân người
Đầu tháng 4 năm 2014, đang ở Sài Gòn
trong một chuyến về thăm quê hương, tôi nhận được tin Toại đã ra đi. Tôi để nhà
tôi về Nha Trang thăm gia đình cho đến hết chuyến đi, tôi về lại Mỹ. Vợ chồng
con gái tôi, Trương Thanh Tuyền, ra đón tại phi trường Dulles, rồi đưa thẳng đến
nghĩa trang, chỗ đang an táng Toại. Lúc đó, quan tài Toại đang hạ huyệt, vì lý
do kỹ thuật phải ngừng lại vài phút. Tôi kịp đến, vỗ nhẹ tay vào quan tài. Rồi,
bước lui lại. Có người bên cạnh kéo áo tôi. Ngó sang bên, thấy Nguyễn Mình Diễm
đang ngồi trên xe lăn, ngó tôi cười. Vài tháng sau, Nguyễn Minh Diễm ra đi.
Đặng Đình Khiết là một cựu phi công trực
thăng, được huấn luyện ở Hoa Kỳ. Giống như Toại, gia đình Khiết rời Việt Nam
trong chuyến di tản ồ ạt vào tháng 4 năm 1975. Dù ở trong quân ngũ, Khiết tham
dự rất sớm, rất năng động, vào những sinh hoạt xã hội, tôn giáo, và văn nghệ. Là
một trong ít huynh trưởng tầm lãnh đạo của Gia Đình Phật Tử. Sang Mỹ, Khiết
cùng với vài huynh trưởng cao cấp nổ lực xây dựng lại tổ chức này. Do đó, một
trại huấn luyện huynh trưởng đã được tổ chức. Trong hoàn cảnh khó khăn của cộng
đồng Việt Nam vào cuối thập niên 70, đây phải xem là một thành công đáng kể.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân, Khiết được
học bổng theo học thạc sĩ Giáo Dục tại Trinity College. Ra trường, được bổ dụng
dạy học ở Virginia cho đến ngày về hưu. Dù lúc còn đi học hay sau khi đã tốt
nghiệp, Khiết vẫn luôn tham dự tích cực vào các sinh hoạt như trước đây, như
khi còn ở Việt Nam, với một tầm nhìn lớn hơn và những ước mơ cũng lớn hơn. Công
trình quan trọng nhất của Khiết là dựng nên tổ chức Xác Định, tập họp những
sinh viên và thanh niên trí thức có ý thức trách nhiệm với quê hương, có quyết
tâm bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống đẹp của Việt Nam. Ngày nay,
khi gặp lại một số cựu thành viên của Xác Định, tôi vẫn còn nhìn thấy được nơi
họ, dù tóc đã bắt đầu điểm sương, một phong thái như ngày còn sinh hoạt, còn
trong sáng và lý tưởng.
Tôi tham dự, chia sẻ với Khiết trong
nhiều lãnh vực mà Khiết đã lăn mình vào, hợp với lý tưởng và niềm tin của Khiết.
Tuy nhiên, càng ngày tôi càng thấy rõ trong những lãnh vực này tôi không có khả
năng như Khiết. Tôi lười hơn. Tôi cũng không có những liên hệ tốt, liên hệ gần
gũi với những nhân vật nổi tiếng trong tôn giáo và chính trị như Khiết có. Khiết
sống hết lòng với Phật giáo và luôn tin tưởng, gần như tuyệt đối vào vài vị thầy
khả kính, mà Khiết tin tưởng từ những ngày còn rất trẻ. Trong tôn giáo, nói
chung, Khiết cũng có cái nhìn quyết liệt hơn tôi về thương ghét, đúng sai.
Tôi thường tranh cãi với Khiết về nhiều
vấn đề, cũng như đã từng với Toại. Tuy nhiên, với Khiết, khác biệt dù có lớn đến
đâu cũng không hề có những to tiếng trong lúc tranh cãi. Cũng như Toại, Khiết
trở thành một người thân trong gia đình tôi, không phải chỉ thân với vơ chồng
tôi, mà cả với má tôi và các con tôi. Với tôi, đây là một niềm vui lớn.
Những chia sẻ mà tôi nhớ nhất mỗi khi
nghĩ về Khiết không phải là những chuyện lớn lao nào, mà là những chuyện bình
thường của con người. Tôi nhớ, những ngày đầu tiên, khi về vùng DC, ở trong căn
hộ của Khiết. Nhà đông, căn hộ nhỏ, tôi với Khiết được d`ành cho một bunk bed
hai tầng. Khiết nằm tầng trên, tôi tầng dưới. Thỉnh thoảng, một bạn gái của Khiết,
về đây thăm Khiết. Tối, ở với Khiết trên tầng trên của cái bunk bed. Cả hai, thường
quay đầu xuống, nói chuyện với tôi, hỏi han về những chuyện “nhỏ” như công việc
tôi đang làm, rồi nói những chuyện “lớn”, cho đến hơn nửa khuya. Với tôi, hầu
như những người con gái, đàn bà nào đi qua đời của Khiết, tôi đều biêt. Với Khiết,
cũng thế, về tôi. Những người ở một thời gian trong căn hộ đó về sau nhiều người
đà trở thành thân tình không chỉ với tôi, mà cả với gia đình tôi. Chúng tôi rất
quý mến họ.
Bao nhiều năm đã trôi qua rồi. Bao
nhiêu biến đổi đã đến với những người lúc còn rất trẻ ấp ủ bao mộng lớn, tin rằng
bao khó khăn đều sẽ khắc phục. Mỗi lần gặp nhau, đông đảo, nhiệt huyết, trong
sáng. Tôi có yêu cái đời sống có nhiệt huyết và mến những người bạn tốt. Nhưng,
đời sống không phải chỉ có vậy. Thời gian cũng tàn bạo, kèm với những thực tế
nó mang theo. Những cái có được trong đời sống cũ không phải cứ tiếp tục như cũ.
Với tôi, ngoài công việc ở cơ quan,
ngoài những trách nhiệm phải có với gia đình lúc xa cũng như lúc gần, tôi dấn
mình vào những đam mê thật với tôi hơn. Tôi mê văn học và hội họa. Từ cái đam
mê hôi họa đó, tôi đã phác họa chân dung của nhiều người trong căn hộ của Khiết.
Những chân dung hầu hết bằng bút chì thôi. Sau này, tôi có một chân dung bằng
sơn dầu cho Toại, năm 2010. Tháng 5 năm 2018, tôi vẽ chân dung cho Khiết, cũng
bằng sơn dầu.
Hơn 20 năm kể từ ngày đầu tiên đọc mấy
câu thơ của Giang Hữu Tuyên, một buổi tối tháng 11 năm 2004, tôi đến bênh viện
thăm Giang Hữu Tuyên khi được tin Tuyên bị tai biến mạch máu não. Tuyên nằm mê
man. Đó là lần sau cùng tôi gặp Tuyên còn đang thở. Lần kế tiếp, Tuyên nằm
trong áo quan. Tờ Hoa Thịnh Đốn Việt Bào do Tuyên chủ trương được chị Sương,
người bạn đời của Tuyên, tiếp tục điều hành. Bạn bè của một thuở gặp nhau đông
đảo ở Franconia chẳng còn bao nhiêu. Gần gũi lâu nhất, thân nhau nhất ở vùng
DC, chỉ có Toại, Khiết và tôi. Nhưng, ngày nay chỉ còn hai người, và, chúng tôi
ở rất xa nhau.
Ngày nay, dù bao nhiêu năm rồi, dù biết
mình đã “Tây” lắm rồi, nhớ lại hai câu thơ của Giang Hữu Tuyên, cái cảm xúc như
năm nào vẫn vậy.