TRANG CHỦ

Friday, November 8, 2024

3625. NGUYỄN MINH NỮU Hoàng Xuân Sơn: Một đời chí tình với thơ và bạn.

Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn

Cũng Cần Có Nhau là tác phẩm văn xuôi hiếm hoi của Hoàng Xuân Sơn. Ông dùng chữ Phóng bút để tản mạn về một thời với rất nhiều tên tuổi được nhắc tới, như một kỷ niệm, như một hồi ức tuyệt đẹp về một thời rất rất rực rỡ của thanh niên miền Nam thập niên 1960 ở Sài Gòn.

Sân chơi Quán Văn hình thành ngẫu hứng từ khoảng sân khu vực  Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Từ căn nhà tiền chế ọp ẹp còn lại sau những chuyến công tác xã hội, cứu tế chiến tranh mà Hoàng Xuân Sơn tham dự.  Đầu tiên là cùng vài bằng hữu chí thiết từ thời học sinh, rồi tới với những người bạn từ bốn phương mà in dấu rất sâu trong ký ức như Ngô Vương Toại, Phạm Nhuận, Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Hoàng Ngọc Tuấn, Hoàng Xuân Giang, Nguyễn Minh Diễm, Nguyễn Đức Quang, Ngô Mạnh Thu…

Phải nói ngay, tôi sinh sau anh 7 năm, nghĩa là cái thời mà anh hoạt động năng động nhất (63,64,65,66) tôi đang là một thiếu niên, đã từng ngồi trên bờ cỏ thoai thoải này, đã từng là một tham dự viên các công tác hè 65, đã nồng nhiệt vỗ tay cổ vũ các anh chị trên sân khấu hát hò, nhưng vẫn là người của đám đông, nhìn lên và ngưỡng mộ.

Trong lời mở đầu CCCN, Hoàng Xuân Sơn tâm sự:

“Tôi là một kẻ làm thơ lưng chừng ở sự lười biếng. Lâu lâu có cảm hứng rị mọ một vài câu vần vè vật vạ. Bởi khó khăn thế nên tôi không hề có ý định viết hồi ký cho đến khi dăm ba bằng hữu ngồi tán dóc thuật chuyện đời xửa đời xưa, nghe tôi có dính líu ít nhiều đến sinh hoạt thời sinh viên trai trẻ, thời của Quán Văn có đông đảo anh chị em văn nghệ sĩ, đã khuyến dụ tôi ghi lại quãng đời này qua những sự kiện của một thời đại đáng ghi nhớ…”

Khi tôi lớn lên, những tên tuổi những người HXS nhắc tới đã là những người thành đạt nổi tiếng, như nhạc sĩ, nhà văn, ca sĩ, nhà giáo, nhà thơ tên tuổi lẫy lừng. Đúng như HXS mô tả:

“Khu đất này đã sản sinh ra một đội ngũ văn nghệ đông đảo, thành danh, rất hùng hậu tiêu biểu cho một thời kỳ sinh hoạt thanh niên sinh viên rầm rộ của thập niên 60, có thể nói rộng hơn: Khu đất khám lớn cũ là tụ điểm xuất phát của nhiều tài năng, trong đó có những người đã thành danh, có người mới phất."

Khi tôi lớn lên, những sinh hoạt mà tôi tham dự như Phong Trào Du Ca, Văn Phòng Liên Lạc Sinh Viên Quốc Nội Hải Ngoại,  Chương Trình Phát triển Sinh Hoạt Học Đường (CPS) , Nguồn Sống… hay những quán cà phê thường đến như Cây Tre, Thằng Bờm, Hầm Gió  đều có mặt một, hai hoặc vài người đã từng là những người có mặt với thời của Quán Văn.

Sau Mậu Thân 1968 , các sinh hoạt của Quán Văn lắng dần bởi vì khu đất ngày xưa đó  đã được phân chia thành rất nhiều hội đoàn sinh hoạt, và nhất là những nhân tố chính cũng tản lạc về những nẻo khác của cuộc sống. Cũng có người từ trần, hoặc biến mất trong các sinh hoạt văn chương nghệ thuật, nhưng nhiều người trong nhóm đã tạo dựng các sinh hoạt khác  cũng đình đám và sôi động sau này.

Như Nguyễn Đức Quang cùng với Hoàng Kim Châu, Hoàng Ngọc Tuệ, Ngô Mạnh Thu thành lập Phong Trào Du Ca mà cao điểm có tới hàng trăm Đoàn, Toán Du Ca trải khắp miền Nam, Như Đỗ Ngọc Yến lập Văn Phòng Liên Lạc Sinh Viên nối vòng tay sinh viên Việt Nam trong nước với sinh viên Việt Nam du học nước ngoài lan rộng năm châu. Như Hoàng Ngọc Tuấn trở thành tác giả tên tuổi được coi như tác phẩm ăn khách nhất một thời. Nhiều lắm, không thể nhớ hết.

“Từ cái tổ nhỏ nhoi là Quán Văn, những cánh chim bay đi theo những ngõ đường riêng biệt của mình. Bao nhiêu năm nhìn lại, kẻ còn người mất, kẻ ở bên này , đứa ở bên kia, tất cả cuốn trôi theo con lốc không ngờ tới . Để bây giờ chỉ còn là kỷ niệm và biết đâu sẽ là hành trang của một cuộc ra đi tiếp theo. Cám ơn Hoàng Xuân Sơn với Cũng Cần Có Nhau. Nếu có ai, bây giờ, còn muốn biết và tìm hiểu về tuổi trẻ một thời ngày xưa, hãy tìm đọc để giở những trang sách và chia sẻ với những nỗi niềm có thể là riêng của một số người nhưng cũng có thể là chung của thế hệ đã sống và lớn lên trong oan nghiệt và cay đắng của một cuộc chiến vô lý.” (Nguyễn Mạnh Trinh).

Hoàng Xuân Sơn là một người làm thơ tên tuổi trên các tạp chí văn học thời bấy giờ như Văn, Văn Học, Bách Khoa, Khởi Hành. Lục bát Hoàng Xuân Sơn được nhiều người yêu thích, ngoài ra, tiếng hát và tiếng đàn của Hoàng Xuân Sơn chung thời với em ruột là Hoàng Xuân Giang cùng với hai ca nhạc sĩ Khánh Ly Trịnh Công Sơn xuất hiện đều đặn trong các sinh hoạt thanh niên sinh viên và cả các tụ điểm cà phê ca nhạc thủ đô.

Nhưng cái làm tôi ngưỡng mộ quý yêu Hoàng Xuân Sơn lại là phong cách giao tiếp của anh, mà cụ thể trong chữ nghĩa chính là phóng bút Cũng Cần Có Nhau này.

Tại sao? Vì những điều Hoàng Xuân Sơn viết xuống chẳng những vẫn lồng lộng trong trí nhớ tôi, mà sau 1968, những người trẻ chúng tôi vẫn tiếp nối những sinh hoạt thanh niên đó, trong những cộng đồng khác nhưng vẫn như tiếp nối một dòng chảy sôi động, chí tình với thấp thoáng những hình bóng cũ.

Và hơn thế, trong Cũng Cần Có Nhau, Hoàng Xuân Sơn kể lại rất thần tình cái thời khởi đầu cho các nền tảng sinh hoạt thanh niên miền Nam của Phong trào Du Ca, của Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Học Đường, của ca đoàn Nguồn Sống, của nhiều nữa sinh hoạt Hướng Đạo, Thanh Sinh Công, Gia Đình Phật Tử mà sau này, những ai trai trẻ miền Nam trong các thập niên 1960 - 1970 đều giữ trong lòng mình những kỷ niệm khó phai.

Như Nguyễn Ước ghi lại trong một tùy bút:

“Thuở ấy. Những năm cuối thập niên sáu mươi. Đã là nòi tình thì ưa gặp người đồng điệu. Nhờ cái bút hiệu của mình xuất hiện thấp thoáng đôi ba lần trên những tờ báo vừa kể, bạn và tôi trở thành kẻ tập tểnh bước vào làng văn chương, thành anh em chung một nhà nghệ thuật từ lúc nào mà chỉ có trời cao đất thấp mới biết hoặc những bát tiên thất hiền nào đó mới hay. Chúng tôi hầu hết là dân dạy học hoặc lính tráng cấp bậc tầm tầm, tú tài lỡ vận hoặc đang chờ một kỳ thi tuyển vào đại học chuyên ngành nào đó. Rồi tới một ngày khăn gói lại và gió đưa đi, trong dịp phép thường niên hoặc mấy tháng hè, bạn nổi máu lang thang giang hồ phiêu bạt, hoặc nhân một chuyến coi thi chấm thi trở về, bạn muốn gặp “anh em, kẻ chung nhà, cùng làng.” Hoặc bụi đời đôi ba tháng trước ngày trình diện nhập ngũ hay trước khi đưa đời mình vào ngăn nắp vì không còn chịu nổi tiếng eo sèo của bố mẹ. Thế thì cứ nhắn nhe một câu hoặc chỉ cần ới lên một tiếng là có nhau ngay.”

Trong một lần từ Canada, Hoàng Xuân Sơn đến và  ở lại chơi vùng Hoa Thịnh Đốn Hoa Kỳ. Rất nhiều những gặp gỡ lại bạn ngày xưa như Phạm Nhuận, Ngô Vương Toại, Trương Vũ, Nguyễn Minh Diễm, Nguyễn Văn Tự… Ôm cây đàn guitar và hát, không phải những ca khúc Trịnh Công Sơn nữa mà một bài nhạc mới: Không Cần Biết Em Là Ai của Diệu Hương.

Lân đầu gặp Hoàng Xuân Sơn thật ấn tượng vì trước nhất đó là một người làm thơ tôi mến mộ từ lâu. Hơn thế, là một người đàn anh đi trước ghi dấu ấn đậm sâu bằng những sinh hoạt thanh niên sôi nổi mà tôi từng được tham dự từ tuổi thiếu niên. Bên cạnh anh, và những bằng hữu cũ cùng thời với anh, họ đã trở lại với cái sôi động, phóng đãng nghệ sĩ và rất thanh niên, dù bây giờ, đã vào tuổi lão niên.

“ở đây phố cũng hao mòn / dặm trình khách lữ với con đường gầy / hỏi chiều ngơ ngác bàn tay / khói lam và nỗi khôn khuây nhớ nhà.” (Tin Thơ, Hoàng Xuân Sơn)

Hoàng Xuân Sơn kể lại giai đoạn đầu sau 1975, “Mình ở lại Việt Nam 6 năm. Tháng 12 năm 1981  định cư ở Canada. 1989 mới sang vùng DC, VA giúp Toại Lan điều hành một quán ăn nhỏ (Sài Gòn Deli) chuyên về bún chả, riêu ốc. 1991 thì về lại Canada.”

Hoàng Xuân Sơn tâm sự: “Khi phiêu bạt về tới Washington DC, cộng tác với Ngô Vương Toại làm nhà hàng, tụ tập thường xuyên mỗi ngày cùng với Phạm Nhuận, Nguyễn Văn Tự, Nguyễn Văn Phán và không ngày nào không say mềm trong chí tình bằng hữu. Nếu không có Trương Vũ cảnh tỉnh và nhắc nhở để  nhớ ngoài bằng hữu còn có gia đình, ngoài rượu còn có thơ văn , ngoài vui chơi còn có cuộc sống, thì tôi có lẽ sẽ chết chìm trong nát rượu.”

Bài viết này nói về Hoàng Xuân Sơn với Cũng Cần Có Nhau vì đó là là tác phẩm tôi yêu thích và ngưỡng mộ một thời hào phóng sinh hoạt thanh niên của ông. Nhưng đã nhắc tới Hoàng Xuân Sơn thì không thể không nói về Thơ. Bởi vì ông nổi tiếng về thơ. Như Nguyễn Vy Khanh đã ghi nhận:

“Hoàng Xuân Sơn cũng như mỗi nhà thơ đã đưa cái độc đáo của riêng mình nhập thành cái đa dạng của kho tàng thi ca, đa dạng về ngôn-ngữ, về cách vận dụng con chữ, khiến đa dạng về cách đón nhận tha nhân và thế-giới. Ngôn-ngữ một dân-tộc là kho tín hiệu chung, truyền thừa từ các thế hệ; nhưng các nghệ sĩ, nhất là các nhà thơ, qua vận động trí thức, trực giác, cảm xúc riêng, với những 'thấu thị', 'tột cùng', mà mang đến những cảm thức mới, riêng, qua con chữ, mang đến 'nội-dung' hoặc 'áo khoác' mới cho con chữ.”

Lục bát Hoàng Xuân Sơn với biến tấu xuống hàng bất ngờ tạo nên dấu nhấn trữ tình và thú vị với người thưởng ngoạn. Ông thành công là người mở đầu cho trường phái này và được yêu thích từ những mới lạ trong ngôn từ và ý tưởng. Xin kết thúc bài viết bằng cách giới thiệu nơi đây một bài thơ của ông xuất hiện năm 2004 (cách đây 20 năm) như một tác phẩm tiêu biểu của thơ Hoàng Xuân Sơn:

Thăng khúc ở bốn mươi


Dịu dàng tâm
dịu dàng âm
nghe tơ
rung một phiến cầm thiết tha
buổi mai. cứ thế
như là
chim non dụi mỏ. trời. và sương thanh
dịu dàng em
dịu dàng anh
bốn mươi năm một viễn hành dấu yêu
nồng nàn trưa
lênh láng chiều
và đêm rót xuống rất nhiều mật thơm
dịu dàng ôm
dịu dàng ôm
khe khẽ
khe khẽ vào hồn
nhau
xưa

ngày đầu năm lẻ bốn.


NGUYỄN MINH NỮU
Tháng 10/2024