TRANG CHỦ

Tuesday, November 5, 2024

3623. TRƯƠNG VŨ Lê Văn Khoa và những con đường khó đi.

Music background - Source: Pinterest

Những ấn tượng đầu tiên tôi có về nhạc sĩ Lê Văn Khoa khởi nguồn từ lâu lắm, mặc dầu đến mãi sau này, ra hải ngoại, tôi mới có dịp gặp và trò chuyện với ông. Những ấn tượng đầu tiên rất khó quên đó nổi bật trên bối cảnh một đất nước trong chiến tranh mà những câu chuyện hằng ngày trên TV,  trên báo chí, trên đầu môi, thường chỉ là những câu chuyện về chính trường, về các trận đánh, về chết chóc, mất mát và âu lo. Trong một dịp rất tình cờ, tôi bắt gặp hình ảnh ông trên truyền hình Sài Gòn mà cho đến nay, mỗi lần nghĩ đến tôi đều nhớ rất rõ, rồi liên tưởng đến những đam mê và nỗ lực của ông từ những ngày xa xưa đó trên một quê hương đổ nát đến những ngày này, đang sống thanh bình trong tha hương. Lúc đó, khoảng một năm sau biến cố Mậu Thân, cuộc chiến đi vào giai đoạn quyết liệt. Không phải chỉ ở các tỉnh xa mà ngay tại thủ đô, cảnh chiến trường hiện diện ngay trước mắt người dân. Nhiều trẻ thơ Việt Nam khi lọt lòng mẹ đã nghe tiếng súng, tiếng bom trước khi nghe được tiếng mẹ ru. Gia đình, rất nhiều khi không đủ bóng cả mẹ lẫn cha. Học đường, rất nhiều khi không đủ số thầy giáo đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Trong một hoàn cảnh như vậy, trẻ em Việt Nam rất cần có một thế giới dành riêng cho chúng để trưởng thành trong bình thường và lành mạnh trong cả tri thức lẫn tình cảm. Thời gian đó tôi ở trong quân ngũ, một lần về phép tôi ghé Sài Gòn thăm chị tôi trước khi về với gia đình ở Nha Trang. Chính lần đó, mở TV lên tôi bắt gặp hình ảnh Lê Văn Khoa với thế giới trẻ em của ông. Trong chiếc chemise trắng ngắn tay, thắt cà vạt, mang kính trắng, trẻ trung, hiền hòa, bằng những lời mộc mạc ông chuyện trò thân mật, ngọt ngào với các em như một người thầy, một người anh. Tôi biết, lúc đó, có rất nhiều trẻ em Sài Gòn đang chăm chú theo dõi từng cử chỉ, lời nói của ông. Khoảng hai ngày sau đó, đang đi bộ trên một đường phố Dakao, tôi nghe tiếng một đứa trẻ kêu to “Lê Văn Khoa”. Nhìn theo hướng đứa bé, tôi thấy Lê Văn Khoa đang lái Lambretta trên đường, cũng trong áo ngắn tay, cà vạt, kính trắng, nụ cười hiền hòa, đưa tay chào lại đứa bé. Tôi hiểu, qua truyền hình, Lê Văn Khoa đang trở thành một người thân của rất nhiều trẻ em Việt Nam. Lúc đó, Sài Gòn thường xuyên nghe tiếng đại bác, tiếng pháo kích. Khi tiếng pháo kích ngưng hẳn, vào cuối tháng Tư năm 1975, chương trình của ông chấm dứt.

Sau này, tôi được biết Lê Văn Khoa còn là một nhiếp ảnh gia có tài và có công lớn với ngành nhiếp ảnh nghệ thuật. Ông là một trong ít sáng lập viên của Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam và là người điều hành hội trong suốt một thời gian dài từ 1968 cho đến nay, 2010. Ông đã đưa nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam lên một tầm vóc cao từ một bắt đầu gần như không có gì cả của ngành này trong hoàn cảnh mà những thành phần có khả năng và yêu thích nghệ thuật thường phải cầm súng hơn là có cơ hội hay điều kiện cầm máy ảnh. Ông đã tổ chức cuộc triển lãm nhiếp ảnh quốc tế đầu tiên của hội ở Việt Nam với sự tham dự của nhiếp ảnh gia từ nhiều quốc gia khác nhau. Cá nhân ông cũng như hội ảnh của ông đã mang lại cho Việt Nam nhiếu giải thưởng quốc tế giá trị. Ra nước ngoài, ông vẫn tiếp tục đóng góp đáng kể trong lãnh vực này.

Đóng góp quan trọng nhất của ông lại thật sự ở trong một lãnh vực khác mà mãi sau này ra hải ngoại tôi mới biết. Đó là âm nhạc. Thật ra ông đã sáng tác nhạc từ lâu lắm, khoảng thập niên 50. Tuy nhiên, nhạc của ông không dễ hát không dễ nghe nên không phổ biến rộng rãi trong thời gian chiến tranh của trước 75. Ông là một nhà soạn nhạc tài ba, đồng thời là một nhạc trưởng, người soạn hòa âm cho dương cầm, hợp xướng và cho cả giàn giao hưởng. Có vẻ như năng khiếu và đam mê của ông hướng về âm nhạc cổ điển Tây phương, nhưng khi sáng tác ông không rời ra được cái gia tài văn hóa, lịch sử Việt Nam lẫn gánh nặng của quá khứ. Ông có một khả năng làm việc vượt hoàn toàn mức độ bình thường của con người, do đam mê và sức đẩy tự thân về cái hoàn mỹ. Ông là tác giả của hơn 600 bản nhạc và hòa âm. Nhạc của ông là một quyện lẫn tài tình của nét kiêu sa trong cổ điển Tây phương với những tình tự tha thiết, mộc mạc của dân ca Việt Nam, và trong sâu thẳm của từng nốt nhạc, cố chuyên chở những thăng trầm của vận nước mà trong đời sống thật ông đã để mình nổi trôi theo. Đay là một nổ lực, một tham vọng lớn mà tôi không biết ngoài ông ra có bao nhiêu nhạc sĩ nào khác đã hoàn thành tác phẩm trong tinh thần đó, ở mức độ đó.

Tôi nhớ một buổi tối mùa đông, rất lạnh, ở vùng DC, tôi đến nhà một người bạn thăm Lê Văn Khoa và bà xã ông, chị Ngọc Hà, mới từ California lên chơi. Vừa bước vào, tôi nghe tiếng hát của chị. Tôi cảm nhận được một không khí của âm nhạc ở đó, ở trong đời sống riêng của họ. Sau này tôi được biết, không khí âm nhạc đó bao trùm lên cả đời sống các con họ. Lê Văn Khoa sống và làm việc trong một điều kiện đặc thù như vậy. Trong hoạt động truyền hình, trong nhiếp ảnh, trong âm nhạc, ông luôn chọn những con đường khó đi. Riêng về âm nhạc, đời sống gia đình, nỗi đam mê cùng sức làm việc phi thường của ông làm liên tưởng đến câu nói để đời của Friedrich Nietzche, “không có âm nhạc, sống là một sai lầm”.

Tôi ngưỡng mộ một đời sống riêng đầy đam mê như vậy. Tuy nhiên, khi nghĩ đến một nhà văn, một nghệ sĩ, một nhà giáo dục, v.v. tôi vẫn thích nghĩ đến những công trình của họ, và tự hỏi, những công trình đó đã mang lại gì cho cuộc đời?

Thế hệ chúng ta, đặc biệt những người Việt đã trải qua bao biển dâu của đất nước, của gia đình hay bản thân, chúng ta dễ có khuynh hướng đi tìm sự an toàn cho trí óc, một thứ an toàn có khả năng mang đến tính ước lệ trong nghệ thuật, trong văn học, trong nhận thức. Tuy nhiên, chắc hẳn là chúng ta cũng biết ngưỡng mộ những công trình tạo dựng bằng tài năng và nỗ lực của những ai dám thách thức với khó khan, phức tạp, tang thương của cuộc đời để mang lại một chút gì đẹp hơn mà trước đó không có. Nghĩ đến cái Thế Giới Của Trẻ Em của Lê Văn Khoa, xem tác phẩm và theo dõi những đóng góp của ông cho ngành nhiếp ảnh, nghe một bản serenade do ông sáng tác, cảm nhận phần linh hồn Việt Nam từ một bản giao hưởng do ông soạn, hay xem ông điều khiển một đại hòa tấu với những nhạc công điêu luyện, tôi thấy được cái khác, cái vi tế, cái nỗ lực mà trước đó tôi không thấy trong thế giới Viêt Nam nhỏ bé của tôi. Tôi tin rằng thành quả của những nỗ lực như vậy khiến con người bớt dễ tính hơn, một thứ dễ tính rất không nên có trong nghệ thuật, hay nói chung, trong cách làm rung động phần sâu thẳm của tâm hồn.

Lê Văn Khoa dấn thân trên những con đường khó đi, và qua những con đường đó, ông làm đẹp cuộc đời.

TRƯƠNG VŨ


Chân dung nhạc sĩ Lê Văn Khoa
sơn dầu trên bố, 24" x 30", 
thực hiện năm 2011