Tôi đã có bài viết về nhạc chế, nay lại nhạc nhái, có
trùng lắp không? Nhạc chế, theo từ điện mở Wikipedia, tiếng Anh là parody music hay musical parody, là việc thay đổi một phần hoặc toàn bộ lời bài hát
so với bản gốc (thường là nổi tiếng), hoặc sao chép phong cách đặc biệt của một
nhà soạn nhạc hoặc nghệ sĩ hoặc thậm chí là một phong cách âm nhạc chung. Nhạc
chế tồn tại trong đời sống xã hội như một dạng văn nghệ dân gian, cũng tương tự
như chuyện tiếu lâm, chủ yếu là truyền khẩu, giúp mọi người giải trí vui vẻ
trong phạm vi từng cộng đồng nhỏ hẹp. Những ca khúc chế lời trên thực tế rất có
sức hút đối với người nghe, nhất là khi nội dung lời ca có tình hài hước, gắn với
một sự kiện nào đó mà dư luận đang rất quan tâm.
Nói cho gọn: nhạc chế là để vui chơi, không tiền bạc
chi, còn nhạc nhái là cố tình cầm nhầm một bài hát hay một phong cách trình diễn
hay một cái tên để diễn trên sân khấu hoặc các phương tiện truyền thông có thu
lợi nhuận. Cái quyết định để phân biệt hai thứ là tiền!
Hình thức thông thường nhất của nhạc nhái là mượn đỡ một
vài câu nhạc của người khác nhét vào nhạc của mình. Dư luận trong nước đã một
thời xôn xao vì bản nhạc “Mãi Tìm Nhau” của nhạc sĩ Hàn Châu, nhái vài câu đầu của
bài nhạc nổi tiếng “Duyên Kiếp” của nhạc sĩ Lam Phương. Bốn câu đầu của bài
Duyên Kiếp, hầu như ai cũng biết: “Em ơi
nếu mộng không thành thì sao / Non cao đất rộng biết đâu mà tìm / Đường dài mịt
mù vạn nẻo về đâu / Mong chờ duyên kiếp đưa lối bắc cầu”. Bốn câu đầu của bản
“Mãi Tìm Nhau” của Hàn Châu như sau: “Em
ơi! Nhớ gì khi mình gặp nhau / Em nâng tà áo bước chân thẹn thùng / Ngập ngừng
anh muốn làm quen / Một lời tha thiết trao em /
Nhưng nói hoài mà chẳng nên lời”. Bản nhạc này được rất nhiều ca sĩ
hát. Tôi thử vào nghe nhạc, thấy mấy câu hát của bài này na ná nhạc của bài
“Duyên Kiếp”.
Trường phái “na ná” hình như khá phổ biến. Cô ca sĩ
đang nổi đình nổi đám Taylor Swift đã bị Sean Hall và Nathan Butler kiện vào
năm 2017 vì tội đạo lời trong bản nhạc “Shake
It Off”. Bản nhạc này có một đoạn lời như sau: “Cause the players gonna play, play, play, play. And the haters gonna
hate…”. Trong bài “Playas Gon ‘Play”
của Sean Hall và Nathan Butler, ra mắt vào năm 2001 có đoạn sau: “Haters gone hate, playas gone play. Watch
out for them fakers, they will fake you everyday”. Na ná chút chút như vậy
mà nên nỗi.
Cô ca sĩ vang danh Adele cũng bi soi vì chuyện na ná.
Trong bài “Hello” rất nổi tiếng của
Adele, đoạn nhạc đầu như sau: “Hello, it's me.
I was wondering if after all these years you'd like to meet. To go over everything. They say that time's supposed to heal ya, but I
ain't done much healing”. Đoạn này được coi là
nhái bài “Martha” của Tom Waits ra đời
từ năm 1973. Đoạn mở đầu của bài “Martha”
như sau: “Hello, hello there, is
this Martha? This is old Tom Frost. And I am calling long distance.
Don't worry 'bout the cost”. Tôi thấy chỉ có chữ “hello” là đáng tội nhưng chúng ta hello hàng ngày có ai nói là “đạo văn”
đâu. Nhưng dân nghe nhạc nói Adele đã mượn ý từ lời của bài “Martha” để viết nên “Hello”. Hai ca khúc có chủ đề khá giống
nhau, nói về chuyện nhắn gửi người xưa đã từng có những kỷ niệm đẹp và đã có thời
gian dài không gặp nhau.
Cô ca sĩ nổi danh Miley
Cyrus, người có cái tật lè lưỡi dài thoòng (dĩ nhiên không phải khi hát) cũng
dính chuyện nhái nhạc. Bản “We Can’t Stop”,
phát hành vào năm 2013, bị nhạc sĩ người Jamaica Michael May kiện bồi thường
300 triệu đô vì giống lời ca khúc “We Run
Things” của ông, được phát hành 25 năm trước. Trong bài “We Run Things” có câu: “We run things / Things no run we”. Cyrus
hát trong “We Can’t Stop”: “We run things
/ Things don’t run we”. Chỉ có vậy mà nên chuyện. Theo tin của hãng Reuter
ngày 4/1/2020 hai bên đã thỏa thuận đền một số tiền bên ngoài tòa án, không rõ
bao nhiêu.
Năm 2022, Bắc Kinh được
giao quyền tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông. Ca khúc “Ice Dancing” được chọn là một trong mười ca khúc quảng bá cho Thế
vận hội. Tác giả bài này là Zhao Zhao, một dương cầm thủ nổi tiếng, tốt nghiệp
trường nhạc danh tiếng nhất Trung quốc. Lập tức cộng đồng mạng tại Trung Quốc
cũng như nhiều quốc gia khác tố cáo bài này nhái bản “Let It Go”, một bản nhạc nổi tiếng của phim hoạt họa Frozen của
công ty Walt Disney. Bản “Let It Go”
quá phổ biến kể từ khi phim Frozen được công chiếu trên khắp thế giới. Ca khúc
này đã được giải Oscar 2015, hạng mục “Nhạc phim hay nhất”. Ký giả Marc
Snetiker của tờ Entertainment Weekly cho đây là “bản thánh ca tuyệt vời của tự
do”. Ký giả Joe Dzienianowicz, trên tờ The New York Daily News nhận xét đây là ca
khúc “tôn vinh nữ quyền và nhu cầu xóa bỏ nỗi sợ hãi và sự xấu hổ”. Nhạc của “Ice Dancing” được người nghe cho là giống
tới 90% bản “Let It Go”. Trên trang mạng
Weibo, một dạng Twitter của Trung quốc, đã có nhiều lời chỉ trích. Một status viết: “Ông không mắc cở sao? Ông
có thể đừng nhái nhạc của người khác được không?”. Một người khác viết: “Ông
làm nhục Trung quốc!”. Trên YouTube, sau khi bản nhạc được post, một người bình luận: “Rõ ràng là nhạc nhái. Đây là một cuộc
tranh tài thể thao thế giới, nếu không tự sáng tác được bài hát, sao không mướn
nhạc sĩ ngoại quốc làm cho?”. Vụ này kết thúc ra sao, tôi không được rõ.
Trong “lịch sử” âm nhạc
Việt có một câu chuyện “đạo nhạc” khá thú vị. Đó là nhạc sĩ Phạm Đình Chương mượn
đỡ hai câu nhạc của nhạc sĩ Cung Tiến vì…bí! Chuyện hơi dài dòng và khá vui.
Khi ông Quốc Phong, Giám Đốc Công ty Liên Ảnh, quay cuốn phim Chân Trời Tím dựa
theo chuyện cùng tên của nhà văn Văn Quang, ông cần một bản nhạc làm nền cho
phim. Khi đó Nhật Trường đã có bản Chân Trời Tím khá hay, làm ngay khi cuốn tiểu
thuyết được xuất bản. Nhưng cuốn phim chỉ được quay ba năm sau khi cuốn tiểu
thuyết ra đời nên bản nhạc của Trần Thiện Thanh đã cũ, Quốc Phong không muốn
dùng lại. Phạm Đình Chương được đặt hàng làm nhạc cho phim. Năm 2017, Văn Quang
kể lại: “Khi thực hiện phim này, anh Quốc
Phong, Chủ Tịch hãng phim Liên Ảnh (do bảy công ty hợp tác lại nên gọi là
Liên Ảnh) và tôi đến phòng trà Đêm Màu Hồng có ban Thăng Long hát hàng đêm ở
đó. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương là bạn tôi nên anh Quốc Phong rủ tôi đi cùng. Khi
xuất bản cuốn Chân Trời Tím, tôi có tặng anh Phạm Đình Chương một bản. Nên khi
chúng tôi đặt vấn đề mời anh Phạm Đình Chương hợp tác soạn một bản nhạc làm nhạc
chính cho phim Chân Trời Tím, anh Chương nhận lời ngay. Sau đó chỉ một tuần anh
Chương đã có bản nhạc “Nửa Hồn Thương Đau” giao cho hãng phim. Cũng cần nói
thêm là bản nhạc đó đã nói lên được tâm sự đau buồn của nhân vật chính trong
phim khi phải chia tay với người yêu sau khi bị thương đã vội trở lại với chiến
trường và đồng đội. Vì thế đã được toàn thể bảy ông chủ hãng phim Liên Ảnh đồng ý chọn làm bản nhạc chính cho phim Chân
Trời Tím. Ở một khía cạnh khác có thể nhận định rằng trong bản nhạc đó nhạc sĩ
Phạm Đình Chương đã gửi cả tâm sự của mình khi cay đắng chia tay vời người vợ
cũ (là ca sĩ Khánh Ngọc). Tâm sự ấy được anh giấu kín nay mới được tiết lộ qua
bản nhạc Nửa Hồn Thương Đau”.
Theo Văn Quang, Phạm Đình Chương giao bản nhạc cho Liên Ảnh chỉ
bảy ngày sau. Nhưng đàng sau chuyện này là một thực tế khác. Trong bài “Phạm Đình Chương”, Du Tử Lê kể lại: “Khi được hỏi tại sao chỉ còn hai câu chót mà
“Nửa Hồn Thương Đau” lại phải mượn nhạc Cung Tiến thì Phạm Đình Chương cho biết:
“Khi tôi nhận lời viết nhạc phim cho phim “Chân Trời Tím” Quốc Phong chi ngay
tiền tác quyền. Trước sự điệu nghệ của bạn, tôi đã bắt tay vào việc sáng tác.
Thời gian tôi dành cho “Nửa Hồn Thương Đau” không nhiều lắm. Nhưng khi tới phần
coda tức là lúc phải đi ra, kết thúc ca khúc, tôi loay hoay không biết phải viết
sao cho hợp với nội dung bản nhạc. Nghĩ thời hạn nộp bài còn xa, tôi cất nó đi.
Bất đồ, một buổi tối Quốc Phong ghé lại Đêm Mầu Hồng đòi nợ! Bảo, mọi chuyện đã
sẵn sàng, ê kíp quay đã bấm máy. Chỉ còn thiếu nhạc phim thôi. Quốc Phong gia hạn
cho tôi, tối đa hai ngày! Ông biết mà, tôi làm gì được với hai ngày phù du đó!
May sao, khi ấy trên nóc chiếc piano của tôi lại có bài “Lệ Đá Xanh” của Cung
Tiến, phổ thơ Thanh Tâm Tuyền. Tôi thấy cái coda bài này có vẻ thích hợp với “Nửa
Hồn Thương Đau”, thêm nữa cả hai đều là bạn rất thân, thế là “a-lê-hấp”, tôi
dùng ngay cái coda đó. Và tôi có ghi rõ là tôi ‘mượn’ của Cung Tiến”. Vậy đúng
là đạo nhạc, rõ ràng như ban ngày, nhưng là một vụ nhạc nhái rất chi văn nghệ.
Trong âm nhạc Việt Nam, nhất là nhạc trẻ, có nhiều bài nhạc ngoại
quốc được chuyển âm sang tiếng Việt. Ông bạn Trường Kỳ của tôi là một trong những
tác giả chuyển lời này. Khi chơi với ông, tôi chẳng bao giờ hỏi ông có xin phép
tác giả khi chuyển lời không nhưng tôi chắc chắn là không. Bằng vào chuyện dịch truyện ngắn ngoại quốc ra Việt ngữ của
tôi thì rõ. Tôi có dịch một số truyện nhưng có biết mặt mũi mấy ông bà tác giả tây
đầm này ra sao. Chúng ta đều tùy tiện như vậy cả. Nhưng dịch hay đặt lời Việt
cho các tác phẩm ngoại quốc mà không xin phép tác giả cũng được coi như đạo văn
đạo nhạc. Mấy ông bà ấy có bao giờ đọc tiếng Việt đâu nên chúng ta cứ thản
nhiên phạm tội. Tội còn nặng hơn nếu dịch không sát với ý tưởng của tác giả. Nếu
vậy người phạm tội nặng nhất là ông Nam Lộc. Bản “Trưng Vương Khung Cửa Mùa
Thu”, lời Việt của bài “Tell Laura I Love
Her”, đích thị là sáng tác dựa dẫm của ông Nam Lộc. Hình như cô Laura chưa
bao giờ là nữ sinh Trưng Vương, nhất là cô nữ sinh được ông Nam Lộc vương vấn!
Nhạc nhái còn có category
nhái cả ban nhạc. Hai ban nhạc đình đám mà người Việt chúng ta say mê là ABBA
và Beatles đã được nhái lại. Kể từ khi ban nhạc The Beatles rã đám vào năm
1974, có nhiều ban nhạc Beatles nhái được thành lập tại nhiều quốc gia. Nổi trội nhất là ban The Beatles của
thành phố Perth, Úc. Họ cũng có bốn thành viên đóng vai các nhạc sĩ chính của
ban nhạc nguyên thủy gồm John Lennon, Paul McCartney, George Harrison và Ringo
Starr. Họ nhái y chang từ trang phục, giọng hát, phong cách đến các nhạc cụ. Họ
mua đấu giá được các nhạc cụ nguyên thủy do ban The Beatles dùng trước đây. Ban
Beatles nhái này được hâm mộ tới nỗi họ đã đi trình diễn khắp thế giới và trên
các du thuyền. Họ cũng đã từng tới biểu diễn tại Việt Nam.
Chúng ta biết ABBA được thành lập vào năm 1972 tại Stockholm, Thụy
Điển đã bán được tới 385 triệu đĩa với các ca khúc mà nhiều người trong chúng ta thuộc nằm lòng: Waterloo; Dancing Queen;
Money, Money, Money;The Winner Takes All và nhiều ca khúc khác. Năm 1999, tại
Anh, ban nhạc nhái mang tên ABBA Mania được thành lập gồm 4 thành viên hóa
trang và trình diễn các bản nhạc giống hệt như ABBA ngày trước. Họ đã đi lưu diễn
tại nhiều nước gồm Venezuela, Mỹ, Mexico, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Hòa Lan, Đan Mạch.
Tôn chỉ hoạt động của họ được ghi trong trang web riêng: “Vinh danh, đưa bạn quay ngược thời gian bằng cách tái
hiện một trong những nhóm nhạc pop xuất
sắc nhất thế giới trong các buổi biểu diễn trực tiếp trên sân khấu”. Vậy là nhái
đứt đuôi rồi nhưng khi công ty Polar Music International AB, đại diện thương mại
cho nhóm ABBA ngay từ khi thành lập, yêu cầu bên công ty giải trí và phát hành
âm nhạc của Anh Handshake Ltd của Manchester và TAL Entertainment Ltd, đại diện
cho ABBA Mania, ngưng sử dụng tên ABBA Mania trên các phương tiện truyền thông,
họ đã phớt lờ lại còn post trên web:
“ABBA Mania hoàn toàn không liên kết hoặc liên quan đến Polar Musa hoặc ABBA”.
Trước sự ngang ngược của nhóm ABBA Mania, Polar Music Entertainment đã kiện.
Nhưng tòa không có dịp xử vì hai bên đã dàn xếp ngoài tòa. Chi tiết vụ dàn xếp
này không được tiết lộ nhưng luật sư của ABBA cho biết nhóm ABBA Mania sẽ không
sử dụng tên ABBA nữa.
Nhiều người nói: chữ chỉ có 24 chữ cái, nhạc cũng chỉ có 7 nốt. Cứ ghép đi ghép lại chúng vào để thành câu cú hoặc nhạc nhiếc, trước sau thế nào cũng bị trùng. Chuyện chúng giống nhau là chuyện chẳng đáng ầm ỹ. Nếu nghĩ như vậy thì trong tự điển làm gì có chữ “nhái”!