Ảnh minh họa - Nguồn: wikimedia commons
Giữa tháng 4 năm 2019, trên tạp chí Da Màu, nhà văn Trần Vũ, nhân đọc lại một chuyên đề trên một tuần san văn học cũ ở Pháp, mới đặt ra một câu hỏi và mời gọi các nhà văn Việt Nam trã lời. Có khoảng hơn 20 nhà văn Việt Nam trong và ngoài nước đáp ứng. Câu hỏi lý thú. Tôi xin chụp và cho in lại phần trình bày và đặt câu hỏi của nhà văn Trần Vũ. Tiếp theo đó là phần trả lời của tôi. Bạn đọc có thể vào tạp chí mạng Da Màu để đọc phần trả lời của các nhà văn khác.
TRẦN VŨ
Chợ Sách Cũ
Tuần san Télérama hiện diện trong đời sống dân Pháp từ 1947. Chuyên mục Thư viện Tuyệt hảo (Bibliothèque Idéale) trong số báo ra ngày 18 tháng 3 năm 2009, đặt câu hỏi: "Mười quyển sách si mê nhất?” Và trả lời: "Tiết lộ của một trăm nhà văn Pháp ngữ."
Dẫn nhập của Télérama vắn tắt: "Không nhằm đưa ra một danh sách các kiệt tác không thể chối cãi, nhưng giúp bạn đọc biết đến, bằng lối đi riêng, vào tủ sách thân mật kín đáo của các nhà văn, với những tác phẩm được lưu trữ, gìn giữ, đã truyền cảm hứng làm nên văn nghiệp."
Lướt qua các trang kế tiếp, ghi nhận đầu tiên là các văn gia Pháp chuộng các tác giả xưa: Molière, Shakespeare, Cervantès, Diderot, Mme de La Fayette, Balzac... rồi đến các đền đài Dostoïevski, Proust, Beckett, Kafka, Borgès, James Joyce... đến các thành trì Stendhal, Flaubert, Faulkner, Camus, Thomas Mann, Klaus Mann, Céline, Henry Miller, Nabokov, Steinbeck, Salinger... rồi là các quán ăn Charles Dickens, Jean Giono, Jean Genet, Hemingway, Scott Fitzgerald, Musil... Phái nữ, Virginia Woolf chiếm đầu bảng. Tên Woolf lập đi lập lại rồi mới đến Nathalie Sarraute, Marguerite Duras, Carson McCullers… Hiển nhiên, vì văn Woolf đẹp vô ngần mà truyền thống văn chương Pháp trọng cú pháp, phải hành văn trước đã rồi hẳn bàn đến nội dung. Susan Minot, Edgar Allan Poe ít được nhắc đến. Alice Munro không một lần. Ngạc nhiên lớn, là những thánh đường Jean Paul Sartre, St. Exupéry, Alain Robbe-Grillet hay những ngôi đền mang tên Sigmund Freud gần như vắng bóng. Các văn hào trong sách giáo khoa như George Sand, Émile Zola càng bị tẩy chay. Nếu Nietzsche, Pascal với Heiddeger đứng đầu môn triết, Georges Bataille và Roland Barthes ngự trị phê bình. Còn thi sĩ? Các thi tập gối đầu của 100 văn gia Pháp vẫn là Homère, Beaudelaire, Chateaubriand, Rimbaud, Verlaine, Lautréamont, Marina Tsvétaïeva, Stéphane Mallarmé... những giá trị bất biến. (Hoàn toàn không thấy Paul Valéry mà Mai Thảo với Thanh Tâm Tuyền yêu quý, riêng Jacques Prévert chỉ được nhắc 2 lần). Còn Nam Mỹ? Gabriel García Márquez xuất hiện cùng khắp.
Rút ra gì từ "tiết lậu" của những nhà văn Pháp chuyên nghiệp mà trong danh sách có cả Prix Nobel Patrick Modiano?
Cảm thụ của họ rất xưa, gần như chưa bước sang thế kỷ 21. Hay vì tất cả đã theo lời khuyên của André Aciman: "Nên đọc sách xưa, vì chỉ sách xưa mới có văn phong." ?
Thể truyện ngắn với thi ca không phải là sách gối đầu giường, mà hầu hết là truyện dài. Các bậc thầy truyện ngắn Guy de Maupassant, Anton Tchékhov hay Cortázar phải nhường nấc thang yêu mến cho Céline, Claude Simon hoặc Márquez.
Phái Hiện sinh chỉ có Camus lọt vào mắt xanh của các văn gia hôm nay, Les Mots của Sartre xuất hiện đúng 2 lần. Phái Tân Tiểu thuyết có Nathalie Sarraute nhưng tiểu thuyết Ghen của Robbe-Grillet được duy nhất một nhà văn đương đại yêu thích. Viên hạt trai "Hoàng tử bé" của St. Exupéry rơi vào quên lãng. Với tiểu thuyết Nga, không phải Pasternak hay Soljenitsyne, mà Dostoïevski. Tiểu thuyết Tây Ban Nha: Cervantès ngự trị vĩnh cửu. Tiểu thuyết Hoa Kỳ: Faulkner thống lĩnh. Tiểu thuyết Pháp: Vẫn Stendhal và Flaubert với hiện tượng Marcel Proust: trong 100 văn gia Pháp, hết 35 xem Proust là sách gồi đầu giường! Văn học Đức ngữ: Rainer Maria Rilke[ với Thomas Bernhard đẩy lùi Goethe và Brecht vào trong bóng mờ. Á châu thấp thoáng nét bút của Kenzaburo Oé, Nam Phi đậm hơn với Coetzee. Nếu các tên tuổi Kundera, Murakami, Cao Hành Kiện, Mặc Ngôn như thứ trang sức đã hết mùa, thánh tổ nữ quyền Simone de Beauvoir chỉ được nhắc tên vỏn vẹn có 2 lần.
Còn nhà văn Việt? Phạm Thị Hoài viết: "Tôi sẽ không chọn Alice Munro nếu bị lưu đày ra một hòn đảo vắng mà chỉ được đem theo một cuốn sách."
Đến lúc chúng ta cũng cần một "lối đi riêng, vào tủ sách thân mật kín đáo của các nhà văn."
Nếu bị lưu đày ra hoang đảo, và chỉ được đem theo một quyển sách duy nhất, không cho phép đem sách của chính mình và bất kỳ thể loại, ngôn ngữ, kẻ đi đày sẽ đem theo quyển sách nào? Vì sao?
(*) https://www.telerama.fr/livre/100-ecrivains-francais-devoilent-leurs-10-livres-preferes,40786.php
TRẢ LỜI CỦA TRƯƠNG VŨ
Nếu bị đày ra một hoang đảo, ý nghĩ đầu tiên là phải làm cách nào thoát khỏi hoang đảo. Bằng luật pháp? Tôi sẽ mang theo một cuốn sách luật liên quan đến trường hợp lưu đày của tôi để nghiên cứu, để sẽ dùng đến khi có cơ hội. Không tin vào luật pháp? Tôi sẽ mang theo một cuốn chỉ nam về mưu sinh thoát hiểm. Nhưng nếu tự biết mình già quá rồi, yếu lắm rồi, nên đầu hàng số mệnh, tôi mang theo Thánh Kinh nếu tin vào ơn cứu rỗi, hay mang theo cuốn Kinh A Di Đà để trì tụng mỗi ngày nơi hoang đảo, mong một ngày nào đó sẽ được về cõi Tây Phương Tịnh Độ, Tuy nhiên, những cách ứng xử này, dù gần với thực tế, thiếu chất văn chương.
Vậy, tôi sẽ mang theo một tác phẩm văn học. Khổ nỗi, tôi tin rằng tác phẩm văn học, bao gồm triết học, dù giá trị thế mấy nếu cứ đọc đi đọc lại suốt ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, sẽ tới lúc chán ngấy, sẽ quăng nó đi. Nhưng, vì buộc phải chọn một cuốn, tôi chọn: Kim Các Tự (The Temple of the Golden Pavilion) của Yukio Mishima. Có ba lý do chính khiên tôi không ngừng suy ngẫm về tác phẫm này.
Thứ nhất, đây là một tiểu thuyết hay, hư cấu tài tình từ một biến cố thật, đặt trên nền tảng của một thứ tình yêu vừa khốc liệt, tàn bạo, vừa có vẻ như bệnh hoạn, về cái đẹp.
Lý do thứ hai liên quan đến tác giả. Yukio Mishima là một nhà văn lớn của Nhật, tác phẩm văn học của ông lớn, ông lại có một ý nghĩ độc đáo là biến chính cuộc đời mình cũng thành một tác phẩm lớn, cũng với một đam mê khốc liệt và tàn bạo. Nhưng, tác phẩm về cuộc đời ông cùng với cách kết thúc của nó lại rất tệ.
Thứ ba, và đây là lý do chính, tiểu thuyết Kim Các Tự có đề cập đến công án Thiền thứ mười bốn của Vô Môn Quan: Thiền Sư Nam Tuyền giết mèo.
Công án Thiền không thể diễn đạt tận cùng bằng ngôn ngữ bình thường nhưng có thể làm người nghe“bừng tỉnh”. Nói theo Thiền Tông, là đốn ngộ. Tôi không thật sự hiểu vì lý do sâu xa nào, hay chỉ từ tiềm thức, Yukio Mishima đưa công án vào truyện. Nhưng chính sự hiện diện của công án trong Kim Các Tự khiến tôi quyết định mang nó ra hoang đảo.
Tôi sẽ đọc Kim Các Tự thường xuyên, đụng đi đụng lại cái công án này. Và, nếu chẳng được gì cả, tôi cũng sẽ cố gắng thiền định mỗi ngày. Tôi sẽ thiền định dưới bóng mát của cây. Tôi sẽ ngồi trên một tảng đá lớn nào, nhìn ra biển bao la, và… thiền định. Thiền định sẽ trở thành một thứ bất khả ly, kể cả khi đúng khi ngồi, khi ăn, khi uống… Tôi sẽ đưa công án vào Thiền, hay, tống khứ nó ra khỏi Thiền. Có thể, như thế, tôi vẫn không bừng tỉnh được. Nhưng, biết đâu, một lúc nào đó bất chợt, tôi “được”, Chẳng hạn, biết đâu, nơi hoang đảo, vào một lúc nào đó, tôi bị cọp rượt chạy tóe khói. Nếu may mắn, tôi leo kịp lên cây, hú vía, và…tôi “bừng tỉnh”. Cũng có thể, tôi chạy không kịp, bị cọp vồ, và vào đúng cái sát na cuối đời đó, tôi “bừng tỉnh”. Một khi đã “bừng tỉnh”, hay nói cách khác, đã đốn ngộ, thì cái “hoang đảo” có nghĩa gì đâu. Lúc đó, chắc tôi sẽ thật sự cảm nhận, một cách sâu sắc, ý nghĩa hai câu cuối trong bài Lô Sơn của Tô Đông Pha. Ông là một nhà thơ và cũng là một thiền sư đã đốn ngộ. Không đến Lô Sơn hay đến Lô Sơn, không ra hoang đảo hay ra hoang đảo, cũng thế thôi.
Đến rồi về lại không gì lạ
Mù tỏa Lô Sơn sóng Triết Giang
(Đáo đắc bản lai vô biệt sự
Lô Sơn n tỏa Triết Giang triều)
Ghi Chú:
Công án thứ 14 trong Vô Môn Quan, là một trong tập hợp 48 công án Thiền nổi tiếng do Thiền sư Vô Môn Huệ Khai biên soạn, có tên là “Nam Tuyền chém mèo”. Câu chuyện này kể về một sự kiện xảy ra tại chùa Nam Tuyền:
Một ngày nọ, các tăng sĩ ở hai phía Đông và Tây trong chùa ngồi chờ nghe thuyết giảng thì một con mèo chạy ngang qua. Các tăng sĩ tranh nhau rượt bắt con mèo. Thiền sư Nam Tuyền (Nanquan) đến, thấy vậy, liền cầm con mèo lên và nói: “Nếu các ngươi có thể nói một lời đúng, ta sẽ không giết con mèo. Nếu không, ta sẽ chém nó.” Không ai trong số các tăng sĩ có thể trả lời.
Buổi tối, khi đệ tử của Nam Tuyền là Triệu Châu (Zhaozhou) trở về, Nam Tuyền kể lại sự việc và hỏi Triệu Châu sẽ làm gì trong tình huống đó. Triệu Châu liền cởi dép đặt lên đầu và bước ra ngoài. Nam Tuyền nói: “Nếu ngươi ở đó, con mèo đã được cứu.” (Phỏng theo bản dịch của Thư Viện Hoa Sen).