Friday, October 18, 2024

3606. NGUYỄN MINH NỮU Bài thơ và một đời thơ.

Nhà thơ Lê Thị Ý - Ảnh PCH, Virginia, 15.8.2015


Bài thơ Thương Ca số 10 của Lê Thị Ý xuất hiện năm 1970, là lúc cuộc chiến tranh Việt Nam đang rộng khắp miền Nam, nhất là sau trận Mậu Thân 1968. Chiến tranh, tang tóc, thương đau  là những điều mà ai cũng nhìn thấy mỗi ngày.  Thời điểm đó Phạm Duy vừa phổ biến bài Kỷ Vật Cho Em, thơ của Linh Phương và   bài Tưởng Như Còn Người Yêu phổ từ bài thơ Thương Ca 10 của Lê Thị Ý. Cả hai bài  nhanh chóng được mọi người đón nhận với cảm xúc chia sẻ nỗi đau thương không viết hết bằng lời cái tâm trạng buồn đau của sự chia lìa, mất mát bởi chiến tranh:

Mùi hương cứ tưởng hơi chồng

Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu.


Lúc đó , và nhiều năm sau nữa, ca khúc này ai đó chỉ nghe một lần là đã nhớ, có thể không phải trọn bài, nhưng vài ba câu thì ai cũng nhớ. Đi thẳng vào trái tim người nghe không chỉ bởi âm giai buồn hiu hắt mà còn từ lời thơ đầy cảm xúc khi bắt ngờ gặp đâu đó một lễ tang tử sĩ rất đỗi buồn.

Bài thơ đó của Lê Thị Ý, một tác giả rất mới, ít xuất hiện trên văn đàn và khá kín tiếng; từ đó, có ba điều mọi người hiểu sai về bà.

-   Đây là một góa phụ trong chiến tranh.

-   Đây là bài thơ duy nhất của bà.

-   Và thứ ba, có lẽ tác giả là một phụ nữ tâm tư sầu hận, u buồn như một tưởng tượng theo lời nhạc “… tôi nay khép kín trong tà áo đen... chao ơi thèm nụ hôn quen...”

Tôi gặp chị Lê Thị Ý lần đầu khoảng năm 1998 ở Virginia. Lúc đó chị đang là một thành viên của Câu lạc bộ Văn Học Nghệ Thuật vùng Hoa Thịnh Đốn.

Cảm giác đầu tiên nhận được là một phụ nữ đoan trang hiền dịu nhưng rất cá tính.  Nói chuyện thẳng thắn bộc trực và rất dễ gần.  Khi đó, tôi đang có dự tính thực hiện một tờ tạp chí văn học ở miền Đông Hoa Kỳ.  Chị Ý hỏi ngay, “Em định lấy tên là gì?” – “Tạp chí Văn Phong, chị tham gia vào Ban Biên Tập với em không?”.  Chị Ý thoải mái gật đầu. Lê Thị Ý là một trong 28 người cầm bút ở vùng Hoa Thịnh Đốn đã trở thành cổ đông và Ban Biên Tập của Tạp Chí Văn Phong suốt 17 số báo ra mỗi tháng. Chị Lê Thị Ý là một thành viên tích cực đóng góp bài đều đặn cho mỗi số báo, ngoài ra, mỗi lần họp mặt, chị  đóng góp ý kiến xây dựng, cổ vũ và vun đắp tình thân giữa những người cầm bút trong vùng.

Sau này Văn Phong đình bản nhưng chúng tôi  vẫn có những buổi hẹn nhau cà phê ăn trưa kể chuyện ngày xưa…

Xuất thân từ một gia đình có truyền thống văn hóa, Lê Thị Ý gọi học giả Phạm Quỳnh là Bác, vì phu nhân học giả Phạm Quỳnh là chị ruột của Mẹ Lê Thị Ý.

Gia đình đông con trong đó có tới 4 người cầm bút.  Trên Lê Thị Ý là nhà thơ Phượng Kiều, rồi tới nhà thơ Vương Đức Lệ và em Lê Thị Ý là nhà văn Lê Thị Nhị.  Vương Đức Lệ tên thật là Lê Đức Vượng, đoạt giải thưởng văn học toàn quốc về Thơ năm 1970 với tập thơ in chung với Mai Trung Tĩnh.

 Lê Thị Ý từ nhỏ bị bệnh lao phổi, ốm yếu và bác sĩ cho rằng sẽ không sống được quá sáu tháng, cho nên gia đình để ở nhà chăm lo và không được đi học như những trẻ em khác. Sau này khi thế giới tìm ra loại thuốc chữa trị, chị là một trong những bệnh nhân chấp nhận thí nghiệm chữa trị bằng loại thuốc này. May mắn Lê Thị Ý lành bệnh và bắt đầu đi hoc.

Lê Thị Ý kể lại, “Vào lớp học, thấy bạn chung lớp toàn nhỏ hơn mình cả năm bảy tuổi. Vui lắm!”.

Vương Đức Lệ là nhà thơ nổi tiếng và có mối giao du rất rộng rãi với văn thi hữu khắp nơi,  Lê Thị Ý thường theo anh mình tham dự các sinh hoạt văn nghệ.  Những giao tình đó nửa phần giống như bạn hữu, nửa phần giống như anh em.

Lê thị Ý xác nhận chị có những giao tình dường như trên mức tình bạn một chút với nhà thơ Mai Trung Tĩnh và nhà văn Huy Trâm (Người cũng đoạt giải thưởng văn học cùng năm với Vương Đức Lệ về biên khảo) nhưng chưa phải tình yêu mà chắc chỉ là tri âm tri kỷ.

Bài thơ Thương Ca số 10 được viết vào khoáng cuối thập niên 1960. Khi đó Lê Thị Ý đang sống ở Pleku, nhà nằm cạnh phi trường quân sự Pleiku.  Ở đó thường ngày, những chuyến bay quân sự lên xuống  có cả các chuyến bay tản thương binh từ chiến trường về, và cả những chuyến bay đón thân nhân tử sĩ lên nhận xác thân nhân. Chứng kiến những thảm cảnh não lòng đầy xúc động, có khi Mẹ già lên nhận xác con, vợ trẻ lên nhận xác chồng đã thành những dòng nước mắt viết xuống thành thơ.  Bài thơ đưa cho Vương Đức Lệ đăng trên một tờ báo do anh và nhóm bạn chủ trương. Bài thơ tìm được sự đồng cảm của những người chủ trương nên chuyền tay tới nhạc sĩ Phạm Duy.  Có thể lúc đó Phạm Duy vừa phổ bài Kỷ Vật Cho Em của Linh Phương, nên dòng cảm xúc liên đới ngay tới bài thơ bi thiết này và bản nhạc ra đời. Năm đó, Lê Thị Ý ba mươi tuổi, chưa lập gia đình và cũng chưa có người yêu.

Trọn vẹn bài thơ như thế này:

Ngày mai đi nhận xác chồng

Say đi để thấy mình không là mình

Say đi cho rõ người tình

Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ,

 

Cao Nguyên hoang lạnh ơ hờ

Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son

Tình ta không thể vuông tròn

Say đi  mà tưởng như còn người yêu

Phi cơ đáp xuống một chiều

Khuôn mây bàng bạc mang nhiều xót xa

Dài hơi hát khúc thương ca

Thân côi khép kín trong tà áo đen

Chao ơi thèm nụ hôn quen

Đêm đêm hẹn sẽ chong đèn chờ nhau.

Bây giờ anh phủ cờ mầu

Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng.

Em không nhận được xác chàng

Anh thêm lon giữa hai hàng nến trong

Mùi hương cứ tưởng hơi chồng

Nghĩa trang mà tưởng như phòng riêng ai…

(Bản gốc bài thơ do tác giả gửi)


Bài thơ khi phổ nhạc và phổ biến rộng rãi mà tác giả Lê Thị Ý vẫn không ai biết thân thế ra sao nên mới có những đồn đoán như đã ghi ở đầu bài.  Thì nay trong bài viết ngắn này xin xác thực ba điều.

Thứ nhất, bài thơ được viết xuống như dòng lệ xót đau thân phận phụ nữ thời chiến chinh.  Như người vợ của nhà thơ Hữu Loan chết khi chồng đang ở chiến trường xa,  Như người chiến binh sau chiến tranh trở về trên chiếc xe lăn hay trở về bằng hòm gỗ cài hoa như trong thơ Linh Phương. Nhưng đó là tâm sự người lính chiến khi ra đi đã chấp nhận “Hàng hàng lớp lớp chưa về hàng hàng tiếp nối câu thề gìn giữ quê hương”  như nhạc Nguyễn Văn Đông. 

Còn đây là tâm sự u uất của một phụ nữ,  xót xa, đắng cay và bão giông cho đến cuối đời.  Bài thơ được viết từ một người nữ chưa lập gia đình, chưa từng lập gia đình cho tới bây giờ.

Thứ hai, đây không phải bài thơ duy nhất của Lê Thị Ý. Bởi vì ngay tên bài thơ là bài Thương Ca số 10 chúng ta đã đoán được ít nhất đây cũng là một trong 10 bài Thương Ca. Dù chỉ in một tập thơ duy nhất nhưng  Lê Thị Ý vẫn âm thầm làm thơ, ít phổ biến khi còn trong nước và xin giới thiệu nơi đây một bài thơ của chị : Lá Xanh Thay Màu đăng trên tạp chí Văn Phong số 4, xuất bản tháng 11 năm 1999:

Mười lăm mười tám yêu nhau

Trời xanh xanh ngắt một màu mộng mơ.

Sáng mong chiều đợi đêm chờ

Áo dài hoa tím gió lùa tóc mây

Xuân thu nắng phủ vai gầy

Say men tình ái, tháng ngày thênh thang.

Em là điểm tụ hào quang

Dấu chân em nở hoa vàng chiều xưa

Những ngày phố nhỏ giăng mưa

Đôi môi đọng nụ hôn vừa chớm yêu.

Người đi mắt biếc trông theo

Quãng đời thơ mộng đã vèo bay qua...


Và thứ ba , là một mẫu người phụ nữ cứng rắn, nhiều cá tính, không hề ủy mị nhìn đời bi thảm. Lê Thị Ý sống mẫu mực và tự lập. Trước 1975 là một người kinh doanh thành đạt từng có xe hơi riêng, và bây giờ ở tuổi 85 vẫn nhẹ nhàng di chuyển và chuyện trò minh mẫn. Hiện nay, Chị đang trong Ban Chấp Hành Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại và liên tục tham dự các sinh hoạt văn chương tại vùng Hoa Thịnh Đốn.

Thơ Lê Thị Ý không cường điệu mà tràn đầy cảm xúc rất thật, rất người, cho nên bài thơ  ngay lập tức làm động tâm người thưởng ngoạn . Do đó bài thơ sống đời. Nếu gọi là cùng tâm trạng có lẽ chúng ta sẽ nhớ hai câu thơ của thi Sĩ Đông Hồ, trong bài giảng tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Khi mô tả tâm trạng của Trưng Vương sau khi trả được thù nhà, lên ngôi ở Mê Linh đã than thở:

 “Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá,

 một bóng trăng tàn, thiếp lẻ loi”


 Hai câu thơ đọc trong nước mắt và nhà thơ đã đột quỵ ngay tại giảng đường cùng nỗi bi thương cảm xúc quá đầy.

NGUYỄN MINH NỮU
Tháng 10/2024

Bấm vào đường dẫn dưới đây
để nghe Khánh Ly trình bày ca khúc
TƯỞNG NHƯ CÒN NGƯỜI YÊU
Thơ Lê Thị Ý - Nhạc Phạm Duy.