Wednesday, October 16, 2024

3604. NGUYỄN THỤY ĐAN Trương Vũ, tác phẩm và con người.

Nhà văn/Họa sĩ Trương Vũ - Photo by Nguyễn Hữu (Tháng 9.2024).

Năm 2021, trong những chuyến đi liên-miên ngang dọc nước Mỹ, tôi tình cờ được nhà văn Nguyễn Minh-Nữu giới-thiệu tập tiểu-luận Đuổi Bóng Hoàng Hôn của Trương Vũ. Phải thú thật, cho dù trước đó cũng đã nghe về tên tuổi Trương Vũ trong những bối-cảnh khác, bấy giờ tôi chưa hề biết gì cụ-thể về trước-tác hay sinh-hoạt văn-nghệ của ông. Nghe tựa cuốn sách, tôi lập-tức nhận ra những câu thơ của Thôi Hiệu qua bản dịch hơi hướm phong-dao của Tản-Đà. Tôi đặt mua liền, rồi đọc nhất-khí từ đầu chí cuối. Bấy giờ, mở những trang sách ấy giữa chiều hôm Bắc Cali, có một cảm-giác quạnh quẽ và sầu-thương khác thường. Văn-chương là một địa-hạt nơi tất cả những cuộc tao-phùng đều mang tính mập mờ, không có mối quan-hệ nào được định-nghĩa hay duy-trì bởi những thói thường ở đời. Đọc Đuổi Bóng Hoàng Hôn, tôi thấy loáng thoáng hình bóng của những tranh cãi, những đổ vỡ, những tiếc nuối nào đó, dù đã quá-vãng hay không, chung-quy không phải của tôi. Tôi có cảm-giác như đột-nhập vào một hý-trường nào đó, khi hồi cuối đã chuẩn bị hạ màn. Đủ sớm để mường tượng ra cốt truyện, thậm-chí để rơi nước mắt, nhưng chưa đủ sự tham-gia từ đầu để phẫn-nộ trong náo-loạn như những người xung quanh.

    

Ngày nay, dường như vấn-đề chính gây nguy-nan cho sự đọc và sự viết không phải là tình-trạng thiếu thốn, nhưng là thảm-hoạ thừa thãi về tác-phẩm. Chúng ta bị đầu-độc bởi những môi-trường tràn ngập những dòng chữ không đầu không đuôi, những thông tin vô-thưởng vô-phạt, những luận-chiến vô-sở-bất-tại. Một phần lớn của trí tưởng-tượng và sức sáng-tạo đáng lẽ phải được dồn vào trước-tác nghiêm-túc, lại yêm-trệ trong những việc tuy giả dạng chữ nghĩa, nhưng lại tổn-hại đến tất cả những gì đáng được gọi là văn-chương. Buồn cười hơn cả, là chính trong nỗ-lực đuổi theo thời-sự để luôn luôn tỏ vẻ kịp thời, giá-trị và sức mạnh của sự viết lại bị hủy ra không. Trong một môi-trường đầy rẫy phù-vân như vậy, viết tiểu-luận không phải là lựa chọn hiển-nhiên nhất. Tiểu-luận là một loại-hình trước-tác buộc tác-giả phải thu-thập và chỉnh-lý suy nghĩ của mình vào một hình-thức cố-định. Đương-nhiên, điều đó có thể nói về bất cứ loại-hình trước-tác nào. Song với tiểu-luận thì sự cố-định-hóa đó mang tính quả-quyết hơn thơ văn. Chúng ta có thể dễ dàng dung-thứ cho một bài thơ hay một truyện ngắn chưa thực sự hay. Tiểu-luận thì khác. Thực-học và thực-tài của người viết được phô bày ra một cách không thương tiếc. Nhìn thoáng qua cách khiển-từ lập-ý của tác-giả, có thể thấy rõ bút-lực. Đọc kỹ hơn một tí, thì kiến-thức và tài-hoa rồi cũng lộ-diện. Xét về phương-diện này, phải công-nhận Đuổi Bóng Hoàng Hôn là một tập tiểu-luận mẫu mực, có thể đặt cạnh những tập kinh-điển của văn-học hải-ngoại như Ly Hương của Võ Phiến và Lê Tất Điều.

 

Bố tôi sinh-trưởng ở Nha-Trang. Trước 1975 học ở trường trung-học Võ Tánh. Nếu lịch-sử đã khác, rất có thể đã là học trò của thầy Trương Hồng-Sơn. Lịch-sử đã không khác. Đến đời tôi, người tôi gặp không còn là thầy Trương Hồng-Sơn năm xưa, nhưng là kỹ-sư hưu-trí, hoạ-sĩ kiêm nhà văn Trương Vũ. Đôi khi, tôi tự suy gẫm, có phải tôi thích-thú Đuổi Bóng Hoàng Hôn chính vì dấu vết của những mối tương-quan đáng lẽ đã có thể kết nối tôi với tác-giả chăng? Song le, con đường quanh co của số-phận đã đưa tôi đến với tác-giả một cách khác. Sự gặp gỡ cũng ngỡ ngàng như khi đọc tập tiểu-luận. Có quá nhiều những câu chuyện, những chuyển-hướng, những chia sẻ và những lặng im. Phàm người trong làng văn-nghệ với nhau, thường thì xưng-hô giản-tiện anh anh em em, vừa phóng-khoáng, vừa thân-tình. Với Trương Vũ, tôi chưa bao giờ yên-tâm để xưng-hô như vậy. Có một điều gì đó trong tác-phong nhã nhặn của ông, trong lối ăn mặc đi đứng vừa sang trọng vừa ôn-hòa, khiến tôi tự thấy mình là kẻ phàm-phu tục-tử chẳng hiểu vì đâu được ngồi cùng chiếu, hầu chuyện bậc danh-môn vọng-tộc. Từng cử-chỉ, từng lời nói, từng khoảng lặng dường như tràn đầy một tinh-thần khoan thai, thong-dong tự-tại nào đó. Gặp Trương Vũ đem lại cho tôi cảm-giác hy-hữu được tiếp-cận một tri-thức, một nghệ-sĩ, một bậc thầy đúng nghĩa.

 

NGUYỄN THỤY-ĐAN

15 tháng 10. 2024


Đuổi Bóng Hoàng Hôn,
tuyển tập tiểu luận của Trương Vũ,
NXB Nhân Ảnh, tháng 5.2019.