Nguyễn Minh Nữu là tên thật, sinh ngày 6-1-1950 tại Hà
Nội. Di cư vào Nam năm 1954, nhập ngũ năm 1968 và giải ngũ năm 1975. Làm thơ viết văn từ 1970, truyện đầu
tiên “Một
Thoáng Mây Phiêu Bạc” đăng trên Giai phẩm Văn
số mùa Xuân 1971. Định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1995 và hiện sống tại Virginia. Sáng lập và thư ký tòa soạn
tạp-chí Văn Phong (Washington DC, 1999-2001) và chủ nhiệm tuần báo Văn
Nghệ (Washington DC, 1997-2014).
Tác-phẩm văn học đã xuất bản: Lời
Ghi Trên Đá (thơ; NXB Văn Nghệ Việt-Nam, 2006); Thương Quá Saigon Ngày
trở lại (bút ký và truyện; Văn Nghệ, 2017), Thuồng Luồng Mắt Biếc (truyện và ký; Nhân Ảnh, 2021); Đất Nhớ Người Thương
(bút ký; Nhân Ảnh, 2022).
*
Qua LVS
người bạn chung của thời đi học và thơ thẩn ở Sài-Gòn, tôi “tái ngộ” Nguyễn
Minh Nữu ở xứ người qua tờ nguyệt san Văn Phong, tạp-chí
văn-học nghệ-thuật vùng Washington D.C., khoảng năm 1999, nơi tôi được
đăng một số truyện ngắn và cũng nơi đây tôi “gặp lại” bạn Đoàn Văn Khánh – được
đọc thơ của Khánh thì đúng hơn – cho đến năm 2014 gặp lại trong buổi ra mắt Quán
Văn 26 về Hoài Khanh. Trước biến cố năm 1975, tôi “kiến kỳ văn” Nguyễn Minh Nữu qua tập truyện anh in ronéo
từ Ban-Mê-Thuột năm 1972 - văn chương máu lửa của một thời đảo điên. Phải đến
năm 2019 ngay trước khi vi-khuẩn Vũ Hán hoành hành cả thế giới, chúng tôi mới
chính thức tay-bắt-mặt-mừng và liên lạc văn nghệ thường xuyên hơn. Thời tôi
thường đến Washington D.C., anh chưa sang Mỹ và thời anh sinh hoạt văn nghệ
mạnh nhất thì tôi đã dần rút về “tháp ngà” cố tránh vòng cương tỏa cộng đồng. Nói
thế để khi đọc những bút ký Thương
Quá Saigon Ngày Trở Lại, Số 19 Kỳ Đồng, Thu Ơi Là Thu, Bên Bờ Kênh Tẻ, Khu Nancy Ở Sài Gòn, Nhớ Về Long Kiểng, Khu Phố Ngày
Xưa, Làm Báo ở Washington DC, Bên Dòng Potomac, …
mới thấy rõ chân dung con người cực lực văn nghệ Nguyễn
Minh Nữu và nhờ vậy được biết những sinh hoạt mình không thấy và biết nhiều.
Nguyễn Minh Nữu nhập làng văn từ đầu
thập niên 1970 ở Sài-Gòn, cho đến nay lượng tác phẩm không thật nhiều nhưng tôi
đã nhận ra chúng song hành với con đường của văn học Việt trong tình cảnh phân
ly Nam-Bắc và trong-ngoài. Hai truyện ngắn của một thời chiến tranh - Một Thoáng Mây Phiêu Bạc và Dòng Nước Mắt Xanh, ghi nhận
những tâm tình khá nhân bản của người trẻ làm lính trận, cũng là người con của
gia đình đáng ra phải xum vầy, hạnh phúc, và của người thanh niên với tình yêu
đầu đời (tôi từng có tập Hát Ngợi Ca Tình Nhân thơ NMN và ĐVK, nhạc Nguyễn Quyết Thắng, cũng
do CSVN Con Người in năm 1973).
Cũng phải hơn hai thập niên sau, ngòi
bút văn chương của Nguyễn Minh Nữu mới có dịp trở lại – với người đọc như tôi?
Trở lại nhưng chín mùi và sâu sắc hơn.
Trước hết,
bút ký Thương Quá Sài Gòn Ngày Trở Lại với tôi là một bất ngờ thích thú và đặc sắc, về một
Sài-Gòn hôm nay lồng trong những mảnh vỡ của ký ức, của tình bạn và thế giới
văn chương trước sau năm 1975, đã là những nhìn thấy tận mắt, những thấu tâm
can qua quan sát và ký ức của người viết. Nguyễn Minh Nữu sử-dụng thể-loại
bút-ký, ở đây đồng thời cũng là tự truyện khi tác-giả viết về mình cũng như bạn
hữu và các sinh hoạt văn-nghệ. Tâm sự của anh tức tâm tình, nhung nhớ, lại vừa
mang tính sử ký về một thời và những con người thật có tên, có chân dung, từng
ở đó, đang còn ở đó hoặc đã rời bỏ cũng như đã mất với những nét đơn sơ mà cụ
thể, hữu hình, trung thực, những nét rất riêng, và là gốc gác, xuất xứ những
văn bản thơ, văn và nhạc, kèm theo văn bản, cả “tình sử” làm nền, bạn văn,...
Thành công làm sống lại được như vậy, anh phải thân thiết lắm, phải
sống-chết-với lắm, dĩ nhiên với tài quan sát, với tình thân thương chân thật,
với một trung thành vô vị lợi,... Anh cảm tình thắm thiết với Nguyên Minh người
chủ biên tập san Quán Văn cùng những văn hữu biên tập, cộng tác. Trong
hoàn cảnh không dễ, họ kiên trì và gây sống cho đặc san như thế nào, sinh hoạt
và chia xẻ kinh nghiệm làm văn-chương và làm báo, làm sống lại không khí sinh
hoạt văn nghệ một thời trong hy vọng chuyển lửa cho người trẻ hơn. Thiển nghĩ Thương
Quá Sài Gòn Ngày Trở Lại đã như
một “tổng quan” về văn học miền Nam của thế hệ trẻ những năm 1970 và sau đó,
một “biên khảo” nhẹ nhàng và lôi cuốn người đọc. Khi viết về văn chương lưu đày, chúng
tôi đã từng ghi nhận
rằng quê nhà đã trở nên điểm tựa, cho những tham khảo đã mất!
Nhưng với thời gian, nỗi nhớ cũng trở nên khô cằn, già cỗi, một cách bi thảm,
khó khăn. Nỗi nhớ trong cô đơn, giữa những thê thảm của cảnh vật xa lạ,
"của người" thường trực chung quanh,... đã là những yếu tố làm suy
bại kẻ lưu đày! Quá khứ quấy rầy đến làm hỏng cuộc sống hiện tại; đã dứt bỏ quá
khứ nhưng không dễ, lắm khi bị thương tổn. Thương Quá Sài Gòn
Ngày Trở Lại đã thoát ra khỏi phạm trù đó, vì ở đây cái bất hạnh nếu có
cũng chỉ do bất lực bình thường, của con người, của cuộc đời, của hoàn cảnh; ảo
tưởng do đó không có chỗ trong hiện tại và cả tương lai!
Ngoài bút ký, Nguyễn Minh Nữu làm thơ
và viết truyện. Một số truyện ngắn có thể xem là tiêu biểu của anh, tiêu biểu
về thể-loại và một nội-dung thường huyền-hoặc, tuy giả tưởng nhưng mang những
nét thật, thật như từng xảy ra, thật như không thể khác (biết đâu!), có-không,
không-có, như cõi đời vô thường mà chất đầy biến cố, sự việc,… Hiện thực nhưng
không hẳn thực hữu, cũng có thể được hư cấu, vì sự hiện hữu hoặc cái hiện tại
đó từng hoặc phải có tố chất của văn hóa, có liên quan đến lịch sử, thiên
nhiên. Cái “tôi” khi có đó khi khác lại không, có khi là những tin tưởng của
tác giả.
Thuồng
Luồng Mắt Biếc xảy ra ở trên phần đất ở ngoài nước mà căn rễ dây dưa với
quá-khứ và tín ngưỡng của phương Đông huyền bí. Chuyện khởi từ một thời có thể
xa xưa để kết thúc ở duyên số của Lân và Kim: “Kim
nhắm mắt lại, gật đầu và ngả hẳn đầu mình vào vai Lân. Cặp mắt màu xanh biếc của
nước biển khép nhẹ trên vai chàng trai mang dấu ấn ký thác của Thuồng Luồng.
Lân gọi Kim là "Thuồng Luồng Mắt Biếc của riêng anh"” (TLMB, tr. 113).
Con Trai Của Thủy Thần và Hảo Hán Cuối
Cùng như những chân dung của con người và không gian từng hiện hữu mà tác-giả
như tiếc nuối và thấy hãy còn sống động hoặc muốn như vậy.
Hảo Hán Cuối Cùng gợi không khí những anh hùng Lương Sơn
Bạc, với hai anh em kết nghĩa Lê
Tùng, Phạm Tuấn cả đời tung hoành cho lý tưởng nhưng cuối cùng đi đến thực tế
nhận chân cái khả thi của việc “giương
cao ngọn cờ chính nghĩa vì dân trừ bạo không phải là việc một người, một nhóm
người, hay một thời, một đời bất ngờ sáng tạo rồi làm nên được” mà “nó âm ỉ khai sinh từ nhiều con người, từ nhiều
thế hệ, nó được thêm bớt bằng máu xương nhiều đời để thích nghi và đáp thỏa yêu
cầu chính đáng của tất cả. Lúc đó, mọi thế lực dù hung bạo và gian ác cỡ nào
nhưng đi ngược với lòng dân thì cũng tự diệt”. Sáng tác các truyện ngắn này, tác-giả như để đề cao những
nét nhân-bản và tình nghĩa á-đông đáng trân trọng, duy trì,... (TLMB, tr. 90).
Sư Ông Chùa Núi
“ở khu vực núi đồi, giáp ranh giữa
ba tiểu bang Virginia, Maryland và West Virginia là nơi đầu nguồn của dòng sông
Potomac, là vách núi dựng đứng, soi mình xuống dòng nước cạn lô nhô đá núi chảy
miên man về phía đông tìm đường ra biển...” với Chơn Nhã nghiệm ra sau những cuộc
đổi đời và phiêu bạc: “Thần thông là có
thật, Nhân quả là có thật, Duyên nghiệp là có thật”. Buồn, mất hướng vì
chuyện cách ly thời Covid-19, nhân vật Thành gặp Chơn Nhã và nghiệm ra “những
điều khai thị giữa mùa dịch bệnh” được
an tâm hơn, “Chấp nhận nghịch cảnh, dưỡng
tâm an lạc và quán Thân bất tịnh, quán Thọ thị khổ, quán Tâm vô thường, quán
Pháp vô ngã” (TLMB, tr. 25, 38).
Có thể nói quá khứ
luôn theo đuổi bước đường đời của Nguyễn Minh Nữu. Hà Nội Thứ Tư về một Hà Nội tiềm tàng
vì đã thành nề nếp, kinh lịch của một thời xa vắng mà ta có thể tìm thấy, như
một tấm lòng. Cuối Năm Nhớ Mẹ giải bày hiếu đạo với người mẹ luôn theo dõi đời
con:
“Nâng tách chè thơm buổi sớm mai
Dáng người như một vệt sương phai
Lẫn vào hương thoảng trầm hương cũ
Lẫn cả hương đêm lúc rạng ngày.
Là lúc thời gian đọng giữa chừng
Không gian dường cũng rất
mông lung
Mẹ nối bây giờ cùng quá khứ
Và gửi tương lai một tấc
lòng (…)
Đời con rồi ghé vào hưng phế
Đã biết bao nhiêu cuộc đổi dời
Tĩnh tâm chỉ có khi ngồi lại
Sớm mai nhớ Mẹ, tách chè thôi.
Sớm mai bên Mẹ tách chè thôi
Tâm nhẹ nhàng theo dáng mẹ ngồi” (TLMB, tr. 169, 170).
Văng Vẳng Bên Trời Tiếng Hạc Qua là ký ức về Phó Bảng Nguyễn
Can Mộng, thân sinh của nhà văn, từ trần khi anh mới 4 tuổi: “Bảng Mộng là lớp nhà nho cuối cùng của truyền
thống Hán Học ở Việt Nam, sinh ra trong một gia đình chống Pháp, cha và chú bị
giặc bắt và hành hình. Nhưng từ ngàn năm lịch sử, con đường tiến thân duy nhất
của khách nam nhi là học hành, thi đỗ để làm quan, con đường đó phù hợp với chí
khí kẻ làm trai, lại vừa là những khát vọng bình thường của xã hội. Nhưng lúc
đó lại là cuối con đường, triều đình vua quan không còn là nơi nương tựa, chữ
nghĩa thánh hiền không phải là cái tự tin.
Phải sống thế nào và phải làm gì để không ngược lại với cả một quá trình
gian khổ tập luyện đã thành một nề nếp một đời, vừa đem được cái kiến thức thực
học ra giúp đời sau”. Thời bình-sinh làm quan, dạy học và làm văn nay được anh “Ghi lại những ký ức của gia đình như một ký dấu cho con cháu đời sau,
mà lòng hoài niệm vẫn mang mang: “Văng vẳng bên trời tiếng hạc qua”” (TLMB, tr. 175, 187).
Thi Thánh: Sinh
được Thi Thánh truyền cho cảm nhận về tinh túy thâm sâu mà đa dạng của thi ca,
đã vứt bỏ những bài thơ định sẽ gửi đăng báo như là những “Bài Thơ Cuối Cùng cho một thời ảo vọng, viết xuống không
bằng cảm xúc mà viết như một kỹ năng, viết xuống không phải bằng niềm khao khát
thiết tha nào mà chỉ là ham muốn đập cái tên của mình vào mắt mọi người, những
cái trưng bày gần như trơ trẽn” (TLMB, tr. 43).
*
Đọc những nhà văn lớn, đã nổi tiếng,
hình như độc giả không thiết yếu phải hồi hộp, cứ thả mình nhẹ nhàng đi vào nội
dung. Chính khi đến với các tác giả mới, người đọc sẽ có những bất ngờ có thể
ít nhiều mong tìm hoặc không chờ đợi. Với tôi, văn xuôi của Nguyễn Minh Nữu ở
vào trường hợp sau này. Truyện và bút ký cùa anh mang ký vãng và người xưa trở
về như tất yếu, như nền móng của cuộc đời nắng mưa của con người Việt Nam ở hậu
bán thế kỷ XX nhiều đa đoan, chìm nổi. Con chữ ở đây không để than mây khóc gió
hoặc tham vọng để lưu dấu văn chương cho đời. Nguyễn Minh Nữu nếu có buồn, than
là vì cuộc đời nhiều đày đọa đắng cay, vì phần số không thoát được kiếp làm
người ở đất Việt thời nhiễu nhương tàn bạo. Ở Nguyễn Minh Nữu không có nhiều
dấu vết “lưu vong” và “hội nhập” như những tác giả ở ngoài sau năm 1975, nhưng
nhiều hoài niệm mang âm hưởng tâm linh và huyền hoặc. Thiển nghĩ chính những
nội dung vừa kể và cách nghĩ và viết mang tính hậu hiện đại đã làm nên văn
chương Nguyễn Minh Nữu, độc đáo khác người giữa nền văn học hải ngoại.
NGUYỄN VY KHANH