TRANG CHỦ

Saturday, September 28, 2024

3585. NGUYỄN VY KHANH Trương Vũ Và Văn Học Hải Ngoại

Nhà văn/Họa sĩ Trương Vũ - Ảnh Phạm Cao Hoàng

Với 50 năm văn học hải ngoại, Trương Vũ (tên thật Trương Hồng Sơn) là một tên tuổi thành phần nhưng không hẳn thường trực một cách liên tục. Đang biên soạn về Văn học Hải ngoại, chúng tôi rất thích thú khi được đọc những bài viết trong Đuổi Bóng Hoàng Hôn được ông thân tình gởi tặng.

Trương Vũ phân tích văn chương, trong khi chúng tôi ghi nhận lịch sử định hình và sinh hoạt. Chúng tôi từng theo dõi sinh hoạt văn học hải ngoại, biết Trương Vũ qua các tạp chí Hợp Lưu, Văn Học có thời ông làm cố vấn hoặc chủ biên, Đối Thoại (chủ bút, 1993-1994) và để ý tới ông khi theo dõi tạp-chí The Vietnam Review (1996–1997) - ông là đồng chủ biên với Huỳnh Sanh Thông và Hoàng Ngọc Hiến cũng như đồng chủ biên với Wayne Karlin, Lê Minh Khuê thực hiện tuyển tập truyện ngắn The Other Side of Heaven: Post-War Fiction by Vietnamese and American Writers (Curbstone Press, 1995) gộp thơ văn về chiến tranh của 3 phía Hoa-Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa và Cộng sản Hà-Nội. Tôi cũng như ông từng tham gia diễn đàn Talawas và cộng tác với Hợp Lưu, Văn Học, Văn, Trăm Con, v.v. (và cũng dạy học, lập gia đình và sinh sống ở Nha Trang một thời gian rất ngắn so với người “bản xứ” Trương Vũ).

Đuổi Bóng Hoàng Hôn (Nhân Ảnh, 2019) gồm những tiểu luận đánh dấu những giai đoạn sinh hoạt báo chí và đóng góp cho văn học hải ngoại bên cạnh những tùy bút về quê nhà, các Thầy Cô, học trò cũ và bạn hữu. Như tựa sách chung, gần như trong tất cả 20 bài viết Trương Vũ đều ít nhiều hoài vọng và tham chiếu cố hương và thời xưa, trước. Ông muốn đuổi được bóng hoàng hôn nhưng thú nhận là khó: “Rất nhiều kỷ niệm đã giúp tôi trưởng thành. Không phải trưởng thành trong cái nghĩa chồng chất thêm tuổi tác, mà trong cái nghĩa hài hòa với cuộc đời” (tr. 14); “Mỗi người trong chúng ta đều có một Sorrento, để về lại trong hồi tưởng. Dù có lẫn lộn với bao cảm xúc trái nghịch nhau, khi về lại, ít nhiều chúng ta cũng tìm được ở đó một gốc để nghỉ ngơi” (tr. 204) đồng thời ông cũng tình thực “sống ở Mỹ hơn nửa đời người. Rất khó để nói rằng nước Mỹ không là một quê hương mới” (tr. 19).

Trên cái nền “bóng hoàng hôn” là những chân dung và sinh hoạt văn học, từ nhóm Sáng Tạo của miền Nam đến các phong trào đối kháng ở miền Bắc và phản kháng theo “Đổi mới” sau 1987, từ tiền bối Cung Giũ Nguyên đến Mai Thảo, Võ Phiến và các nhà văn ở hải ngoại như Võ Đình, Cao Xuân Huy, Phạm Cao Hoàng, Phùng Nguyễn, Đinh Cường, Nguyễn Minh Nữu, v.v… Trong bài này, chúng tôi ghi nhận những phân tích, lý giải liên quan đến văn học hải ngoại.

- Chiến Tranh Việt Nam, Văn Học Việt Nam Hải ngoại và Phía Bên Kia Thiên Đường

Bài viết về ba đề tài, tựu trung là văn học trong liên hệ trong-ngoài, người và ta, bảo thủ và khai phóng.

Trương Vũ đánh giá tạp chí Văn Học: “có nhiều ảnh hưởng nhất trong việc nuôi dưỡng và phát triển văn học và cả văn hóa Việt Nam nói chung. Trong suốt hơn một thập niên, Văn Học là nơi gặp gỡ của rất nhiều nhà văn và học giả để nuôi dưỡng lòng đam mê của họ cho văn chương và nghệ thuật mà ở đó liên hệ khá phức tạp giữa những người Việt có khuynh hướng hay quá khứ chính trị khác nhau khả dĩ tìm được một hòa hợp. Văn Học cũng đã tạo được cảm hứng cho giới trẻ Việt lớn lên trong các quốc gia Tây phương phát triển năng khiếu của họ để trở thành nhà văn , nghệ sĩ, hay học giả của thế giới Việt ngữ hay văn hóa Việt…” (tr. 83). Ngoài ra, trên tạp-chí Văn Học đã khởi/gây một số tranh luận văn-học và văn học-chính trị như về văn-chương ghetto, văn học hải ngoại, thơ Con cóc,... Và sau các số 49 và 50 (tháng 3, 4-1990) về “văn chương phản kháng” ở trong nước, Văn Học đã trở nên mục tiêu đánh phá của những tờ báo coi hiện tượng này chỉ là phản kháng giả, hay là một đòn đánh phủ đầu của Nhà nước Việt-Nam đối với giới cầm bút cả trong cũng như ngoài nước – với sự ra mắt tiếp theo của tuyển tập Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê-Hương (phụ đề “Cao trào văn-nghệ phản kháng tại Việt-Nam 1986-1989”; Lê Trần, 9-1990). Trương Vũ bàn về hiện tượng này và ghi nhận rằng “Dầu sao, càng ngày càng có nhiều người ở hải ngoại tin vào khả năng hàn gắn của văn chương. Đối với họ, văn chương là nơi ẩn náu đẹp nhất cho những người có quá khứ khác nhau nhưng cũng muốn nhìn tới trước có thể hòa hợp với nhau...”” (tr. 85).

Ông cũng nói đến “một nỗ lực đáng kể khác, rất cấp tiến và có ảnh hưởng lâu dài hơn, là sự ra đời cùa tạp chí Hợp Lưu ở California… ”.

Nhìn lại những biến cố chính trị và hiện tượng văn học vừa kể, Trương Vũ tin rằng “... giấc mơ thật sự của một nhà văn phải là sáng tạo từ chất liệu của đời sống, bao gồm cả những thảm kịch, một cái gì mới và đẹp cho đời sống” (tr. 85).

- Nhìn lại phong trào văn nghệ phản kháng tại Việt Nam từ 1986 đến 1989

Trương Vũ nhìn nhận các phong trào văn học hầu hết đều là sự phản kháng của Ngòi Bút chống Bạo Lực. Theo Trương Vũ, Ngòi Bút và Bạo Lực là hai thứ không thể cùng sống chung với nhau mà không làm biến thái hoặc triệt tiêu nhau: “Ngòi Bút thật mạnh thì Bạo Lực triệt tiêu, Ngòi Bút mạnh vừa phải thì Bạo Lực chỉ biến thái và ngược lại …” (tr. 29). Ông nhận xét về phong trào phản kháng thời Đổi Mới: “Ngoài Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài, không có nhiều nỗ lực lớn để làm mới văn học nghệ thuật trên căn bản nghệ thuật thuần túy. Và, cái điểm đáng chê trách nhất đối với phong trào này, là với con số gần 80 người làm nghệ thuật có tài năng, họ vẫn còn giới hạn cái nhìn của họ về một đất nước như thể vẫn còn bị chia đôi như trước 1975” (tr. 28).

Từ đó, ông đặt vấn đề “Ngòi Bút và Bạo Lực” cho người làm văn học ở hải ngoại: “ Nếu Ngòi Bút đủ mạnh để làm thăng hoa cuộc đời thì Bạo Lực tự nó sẽ đi ra khỏi cuộc đời. “Mạnh” ở đây không phải với cái nghĩa “trong thơ có thép”  mà với cái nghĩa có nghệ thuật, có sáng tạo, có sức thu hút, có thuyết phục, có tình người... Sức mạnh của ngòi bút chúng ta ở hải ngoại như thế nào? Về lượng chắc nhiều lắm. Về phẩm, văn chương của chúng ta có mới không? Nội dung của nó có chứa đựng được những bức xúc, những trăn trở, những khúc mắc, những suy tư thời đại của chúng ta, có khai mở cái thẩm mỹ, cái tầm nhìn về tương lai của chính chúng ta và những thế hệ sau này? (…). Khi nghĩ đến Văn học nghệ thuật chúng ta buộc phải nghĩ đến những giá trị lớn (…) Trước khi dứt lời, tôi xin nói đôi điều liên quan đến người đọc. Ở hải ngoại sống hết lòng với văn chương khó lắm.”...

“Khi nói về Ngòi Bút và Bạo Quyền, hay Bạo Lực, điều mà tôi nghĩ đến và mong rằng chúng ta sẽ không để cho xẩy ra ở hải ngoại (…) Ðó là: một thái độ thờ ơ, mệt mỏi trước sách vở. Tôi muốn nói: sách vở của văn học nghệ thuật Việt Nam. Thái độ đó, thưa quý vị, có khả năng bẻ  gãy Ngòi Bút còn mạnh hơn cả Bạo Lực” (tr. 31, 32).

- Người Đọc Sách Với Cái Thật, cái Giả trong Văn

Những năm 1989-1980 ở hải ngoại nổi lên những tranh luận có hay không có một phong trào văn chương phản kháng ở trong nước. Trong bài này, Trương Vũ “quy tụ quanh cái liên hệ giữa những sáng tác văn học với những người đọc sách cùng với vị trí và khả năng của họ trong việc nhận diện cái thật, giả trong văn”. Ông muốn phá “luận cứ khá phổ biến cho rằng phong trào Nhân Văn Giai Phẩm vào năm l956 mới đích thực là một phong trào phản kháng vì có tính cách tự phát, trong khi đó phong trào ‘văn chương phản kháng’ được bàn đến ở thời điểm này chỉ là một phong trào văn nghệ cởi trói do Nguyễn Văn Linh khởi động, sách của họ được phép xuất bản, họ vẫn được tiếp tục ăn lương, và chưa có ai ở tù”, ông muốn chứng minh “cái luận cứ cho rằng phong trào Nhân Văn Giai Phẩm có tính tự phát để dựa vào đó phủ nhận tính phản kháng của phong trào văn chương hiện tại là một luận cứ không phản ảnh sự thật”. (tr. 51, 54)

Ông nói đến dư luận phủ nhận “văn học Đổi mới” ở trong nước : “Cái khó khăn là sự can đảm nhận diện những sự việc như vậy trong khi nó đang xảy ra. Ðó là điều mà chúng ta đang làm ở đây khi cố gắng nhận diện những gì đang thực sự xảy ra trên quê hương. Và đặc biệt, trong trường hợp này, cố gắng nhận diện và đánh giá một dòng văn chương tại quốc nội. Nhận diện và đánh giá một cách nghiêm chỉnh và can đảm”. Theo ông, “để đánh giá cái dòng văn chương đó, để nhận diện những gian dối đó trong văn, anh phải trực tiếp nhìn vào tác phẩm của họ. Và, phải chính anh, người đọc sách, bằng khối óc của anh, bằng con tim của anh, anh đánh giá được cái thông minh hay ngu xuẩn của người viết và cảm nhận được cái xúc động chân thành hay giả dối của họ” (tr. 56, 59)

Để nâng cao dân trí, ông cho rằng phương cách tốt nhất vẩn là “đọc sách và tự do lựa sách để đọc”, “người đọc sách phải trực diện với chính tác phẩm”, và ông kết luận: “Ðối với người Việt Nam đang sống đời lưu vong ở hải ngoại, trong một hoàn cảnh mà những nghi kỵ đối với tất cả những gì xuất phát từ quê hương vẫn còn quá lớn, thì những sáng tác văn chương phải nằm trong số những sản phẩm tinh thần được dụng đến trước tiên. Bởi vì, cái gian dối ở đâu tôi không dám nói, cái gian dối trong văn rất khó đánh lừa được ai” (tr. 60)

Các vận động chính-trị qua bốn thập niên đầu từ tích cực đến tiêu cực, từ chính thống đến tà đạo, cũng đã ảnh-hưởng đến sinh hoạt văn-học: có ảnh-hưởng tích cực cũng như xấu đến sức sáng-tác, đến nội-dung - thực tế và không tưởng.

Văn-chương phản kháng từ trong nước từ thời chính sách Đổi Mới, đã tốn rất nhiều bút giấy của nhiều nhà văn và báo-chí hải-ngoại – đã có sự phủ nhận phong trào văn chương phản kháng (phản kháng “quốc doanh”) ở trong nước và rồi “Đổi Mới” đã trở thành “hiện tượng”, có bước tới nhưng dậm chân khiến sáng-tác xuống dốc thê thảm dù nhờ đó đã có vài tác phẩm chứng tỏ có “thực chất” đổi mới về nội dung và văn chương. Hải ngoại cũng vì ở trong “đổi mới” mà người ủng hộ hoặc chào đón, bị phỉ báng đủ điều, trong số bị đích danh.

Hải ngoại đang “dầu sôi lửa lỏng” thì tạp-chí Hợp Lưu với chủ biên Khánh Trường ra mắt, tiêu biểu cho khuynh-hướng không phân biệt nguồn gốc, nhân thân qua con đường văn-chương – thường bị gán nhãn “hòa hợp hòa giải”. Trong số ra mắt tạp-chí này vào tháng 10-1991, Khánh Trường cho biết: “Chúng tôi quan niệm rằng, tác phẩm, dù rằng đứng trên quan điểm nào, nếu thực sự giá trị, thực sự đáp ứng được lòng mong muốn của đa số độc giả thầm lặng, thì dứt khoát đó phải là tiếng nói nhân bản, tiếng nói của lòng lương thiện. Văn học nghệ thuật không chỉ đáp ứng cho hiện tại, nó sống mãi với thời gian. Chế độ chính trị nào rồi cũng qua đi, cái còn lại sẽ vẫn là cái cận nhân tình, cái đẹp, cái tốt,...”. Rõ, đây cổ võ cho một văn nghệ tự do, trong nội dung cũng như kỹ thuật có thể so sánh với phần lớn tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng Anh – đối nghịch với thứ “văn chương” thù hằn, cuồng chống đến cùng hoặc “đổi mới” theo chỉ thị.

- Lời Bạt Cho Chủ Đề Yêu Của Hợp Lưu

Trương Vũ đã phân tích 27 truyện ngắn viết về chủ đề “Yêu” trên Hợp Lưu số 68 và 69 (2003), và nhìn chung ông thấy có “nỗ lực sáng tạo của các tác giả. Văn phong có mới, không khí có mới, nội dung có mới …”. Tác giả có trong và ngoài nước nhưng đa số là phái nữ, và nam cũng như nữ đều đã tốt nghiệp cấp đại học. Trương Vũ nhìn ra viết về Tình yêu nhưng “ở đây đa số là thảm kịch, hay là thân phận. … không thấy một ‘happy ending’ cho tình yêu, hay cả cho tình dục”, phần lớn các truyện nói đến cái buồn hoặc bi đát của thân phận người nữ trong tình yêu hoặc đời sống gia đình, nghề nghiệp. Cuối bài, ông cho rằng trong khung cảnh ngày càng ít người đọc ở ngoài nước, nỗ lực của 26 tác giả này “không bình thường” vì theo ông “văn chương chỉ được đánh giá bằng chất lượng. Nỗ lực này có chất lượng”(tr. 155, 156, 169).

Một phần Đuổi Bóng Hoàng Hôn viết về các tác giả, có chấm phá và cả phân tích.

- Vài Suy Nghĩ Tuyển Tập Mây Chó của Võ Đình

Trương Vũ đọc Mây Chó như để “bắt gặp lại những nét đặc sắc” của Võ Đình: “tôi luôn nhận thấy ba điểm nổi bật trong văn chương của ông. Thứ nhất, ông viết bằng tất cả những rung động, hiểu biết, suy tư, kinh nghiệm của một con người toàn diện với tài năng và vốn sống rất đặc thù của ông. Ông đem tất cả vào tác phẩm một cách tự nhiên, đúng lúc, đúng chỗ, không thừa không thiếu. Qua văn ông, người đọc thấy rõ một cá tính rất mạnh, mạnh trong cả ba tính Việt, Pháp, Mỹ – phát sinh từ hoàn cảnh sống đặc biệt của ông – về cả bề dày của văn hóa cùng những thói quen trong ứng xử. Thứ hai, ông tỏ ra có một ham thích đặc biệt và đã rất thành công khi dựng chuyện hay truyện từ những sự việc hay nhân vật rất bình thường hay tầm thường trong đời sống. …

Sau cùng, dù viết truyện hay chuyện, không khí nghệ thuật, đặc biệt không khí hội họa luôn luôn bao trùm văn chương của Võ Ðình (tr. 136).

- Phùng là Phùng Nguyễn và cái chết đột ngột của nhà văn, từng là Chủ bút của Hợp Lưu một thời gian ngắn - thời có số về chủ đề “Yêu”. Trương Vũ đã đặc biệt chú ý đến truyện Ca Bin: “Ca bin của Phùng Nguyễn được viết với một cấu trúc rất lạ, một phối hợp của tân hình thức và hậu hiện đại. Một bài thơ tiếng Anh với lời chuyển ngữ cố ý làm khác và cả một màn hình điện toán đã được sử dụng thật thành công cho cấu trúc này. Truyện ngắn của Phùng Nguyễn có khả năng mở đầu cho một phong trào viết truyện mới. Ở đây không có thảm kịch. Nó lẫn lộn cuộc đời thực với cuộc đời trong mơ, đuổi bắt lẫn nhau, và người đọc khó phân biệt được cái mơ và cái thực. Đó là cái đẹp tuyệt vời của một tình yêu tự nhiên và rộng mở, không ràng buộc, không tự nhốt mình lại như trong một ca bin” (tr. 177).

- Huy viết về Cao Xuân Huy và những gặp gỡ đầu ở miền Thượng Pleiku trước 1975 và lần cuối tiễn biệt nhà văn vể chốn vĩnh hằng.

- Lá Mùa Thu viết về họa sĩ và nhà thơ Đinh Cường - trong 3 năm sau cùng đã đăng 875 bài thơ trên blog của Phạm Cao Hoàng : “Họa sĩ Đinh Cường đã cống hiến cho hội họa Việt Nam một tài sản lớn. Nhà thơ Đinh Cường đã làm thơ rất nhiều, như một cách thể hiện cái vi tế và phong phú của đời sống, rất đặc thù”. Trương Vũ cũng là họa sĩ, ông tỏ ra đồng cảm và đồng tình với các họa sĩ-nhà văn thơ như Đinh Cường, Võ Đình,… Ông hiểu Đinh Cường khi viết: “Người vẽ tranh, người làm thơ Đinh Cường chắc chắn có được một niềm hạnh phúc lớn khi bằng nổi đam mê, tài năng, trí thông minh, và sức làm việc kiên trì để tạo nên những tác phẩm để đời, ưng ý. Niềm hạnh phúc đó không mấy ai khác có được. Tuy nhiên, khi tập tểnh bước vào cái thế giới của nghệ thuật, tôi cũng bắt đầu hiểu ra rằng mọi thứ không hẵn đơn giản như thế. Không hẵn chỉ có cái hạnh phúc đó. Nó còn có đau đớn, dằn vặt. … Đam mê càng lớn, ước vọng càng cao, càng dễ thấy cái giới hạn của sức lực mình. Ráng tạo một tác phẩm như ý rất thường khi không khác như lao đầu vào một cuộc chiến của nội tâm. Dù xung quanh có bao người thân yêu, có bao bạn bè tốt, cuối cùng cũng chi có một mình mình thôi phải đương đầu với nó. Nỗi cô đơn rất khó tả” (tr. 183).

Đọc “Thơm Mãi Mùi Hương” của Phạm Cao Hoàng, Trương Vũ đã nghĩ “Thơ, văn, âm nhạc, nghệ thuật, cùng với những đóng góp và cách đóng góp như nói trên, đã giúp làm cho mảnh đất mà chúng ta đang sống ở đây luôn còn thơm mãi mùi hương. Không có nó, đất cằn cỗi và trơ trẽn” ” (tr. 190). Cũng như đã dùng con mắt nhà họa để “đọc” PCH: “Khi đọc những dòng thơ PCH viết cho cha mẹ, cho chị, cho người thân, tôi có thể tưởng tượng ra hình ảnh của những con người này. Hoàng không vẽ chân dung, nhưng qua vài dòng cảm xúc, tôi hình dung ra được ánh mắt của họ, nhận ra được cái bên ngoài mộc mạc đó chất chứa bao tình thương nào, bao hy sinh, bao khắc khoải nào” (tr. 186)

Trong bài viết về Cung Giũ Nguyên Trương Vũ cho rằng tác phẩm Le Boujoum dù đã viết từ năm 1980 ở trong nước cũng “xứng đáng để trở thành một đề tài tranh luận nghiêm túc về văn chương hậu hiện đại của những nhà văn Việt Nam, dùng bất cứ ngôn ngữ nào để hoàn thành tác phẩm” (tr. 149). Thiển nghĩ Boujoum mang những suy tư triết lý mang tính tổng hợp/synchrétisme cũng như tính độc đáo Cung Giũ Nguyên. Cung Giũ Nguyên cho rằng “mỗi người có một cách đọc riêng, mỗi người tìm trong một văn bản điều gì người ấy muốn gặp (…)”, có thể Thái Huyền “chỉ là một sự nhại lại, một sự bắt chước vụng về và phạm thánh sách của Moise” và cũng có thể “Thái Huyền nói đến ngôn ngữ, lưu ý đến sự bất cập tự tại của ngôn ngữ và sự cần thiết của ngôn ngữ…” (Đại Nam, 1994, tr. VIII, X). Tóm, không gian và nội dung, sứ điệp truyền tải của Thái Huyền không dễ đọc / tiếp nhận và khá lựa chọn độc giả!

- Vị trí của Sáng Tạo trong sự phát triển văn học miền Nam sau 1954

Cách xuất hiện của Sáng Tạo được Trương Vũ xem là “điểm đổi hướng” trong sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam. “Trong suốt 31 số liên tiếp, Sáng Tạo đã không ngừng cổ võ cho những thí nghiệm và khám phá trong nghệ thuật”. để đặt câu hỏi cho hôm nay: “Ðất nước chúng ta ngày nay đã thống nhất và trải qua gần bốn mươi năm thanh bình, theo cái nghĩa không có bắn giết nhau bằng súng đạn. Qua cái thời gian dài đó, văn học chúng ta, ở trong hay ngoài nước, đã vượt đi những chặng đường nào?”. Tuy vậy, TV đã tinh tế khi nhận định “Một khía cạnh tiêu cực của nhóm Sáng Tạo là sự thiếu vắng những cây viết nữ nòng cốt, khác với trường hợp của VHNN [Văn Hóa Ngày Nay], cũng như của các tạp chí văn học khác xuất bản về sau này. Bên cạnh đó, mặc dầu cổ võ cho những trào lưu tiến bộ, những sáng tác văn học ở Sáng Tạo vẫn chưa bao gồm được những sắc thái liên hệ đến người nữ ở những khía cạnh có tính thời đại, xã hội và trí thức, như thấy rõ trong văn học Nhật Bản từ thế kỷ 19” (tr. 131).

Trở lên là một số quan điểm và nhận xét của Trương Vũ về văn học và văn học hải ngoại. Phần chúng tôi có nhận xét là văn-học hải-ngoại có một đặc điểm có tính bao trùm là “tính chính-trị" vừa là động cơ, là lý do tồn tại, hiện hữu, vừa là mục-đích. Nếu không tranh đấu tiêu diệt chủ nghĩa cộng-sản và những thế lực làm kiệt quệ đất nước, làm dân tộc mất quyền tự chủ thì là tranh đấu, vận động cho tự do dân chủ và quyền làm người. Mà nhân quyền và quyền dân sự thì phải đấu tranh mới có. Lưu vong vì đất bằng nổi sóng, vì xã-hội nhiểu nhương, khủng hoảng mà bản thân không được quyền hay không thể ra tay; lưu vong do đó là để sống còn đồng thời để thực hiện những mục-đích và công tác này dưới nhiều hình-thức mà văn-chương là một.  Di tản, tị nạn, lưu vong, … qua nhiều giai đoạn, người miền Nam rồi cả nước và rồi cả những người từng theo chủ nghĩa cộng-sản. Tất cả đã xây dựng, góp phần làm nên nền văn-học hải-ngoại. Từ đó là chính nghĩa, có chính nghĩa khiến công tác văn-học trở thành bổn phận, có lý do tồn tại, có nội-dung, để đi tới trước, khiến văn-học hải-ngoại khác và đối nghịch với thứ gọi là “văn-học chính thống” nhưng thật ra chỉ là “minh họa” và một giọng điệu “lưỡi gỗ” của trong nước.

Nhà văn Việt thường viết vì nhu cầu... viết hoặc vì một mục đích nhưng ít thấy vì sứ mạng thực sự văn nghệ. Văn-chương chết vì ngoài những ám ảnh, vũng lầy còn là vì văn hóa chết, tinh thần chết, nhường chỗ cho vật chất và tính toán, tham vọng của con người. Mà văn-chương chết sẽ đưa đến kiệt quệ tinh thần! Vậy thì văn-chương có còn là thứ cần thiết không và cần thiết cho ai? Văn-chương có giá trị hay có thể hiện hữu tự tại không?

Nói chung, chủ đề tư tưởng của văn học hải ngoại lưu vong tỵ nạn không phải là khía cạnh đi tìm sự giải phóng cho chính bản thân mình mà là giải phóng cho tập thể! Có lưu vong vĩnh viễn, tự nguyện, có lưu lạc sống tạm xứ người, có di dân kinh tế,… nhất là ở những địa phương đông đảo người Việt khiến có thể sống và viết bằng tiếng Việt không cần hội nhập, nhưng cối lõi nhân sự và tâm thức của cộng đồng người Việt hải-ngoại có tính chính-trị, là chính-trị, theo nghĩa đối kháng với chế độ và chủ nghĩa cộng-sản ở trong nước, hoặc tranh đấu cho những lý tưởng chính-trị muôn đời như tự do, dân-chủ và nhân bản, và đặc biệt luôn nhắm đến quê nhà và nước Việt – có nghĩa hải-ngoại là không gian duy nhất còn lại đối với người Việt để viết và nói lên những điều này, kể cả những người rời nước công khai và chính thức về sau.

Chúng tôi chào đón Đuổi Bóng Hoàng Hôn của Trương Vũ là một tác phẩm hiếm hoi mang tính văn học góp phần tích cực cho việc nhận định và phê phán những sinh hoạt và biến động qua năm thập niên văn học hải ngoại luôn thực sự hiện diện.

NGUYỄN VY KHANH
Tháng 9.2024