Chiều Thứ Sáu 29 tháng 5, Hoàng Ngọc
Hoà, một người bạn trẻ, đón tôi với chị Hoàng Bắc từ phi trường West Palm
Beach, Florida về nhà anh Võ Đình. Một căn nhà nhỏ xinh xắn xung quanh là vườn
cây um tùm khá rộng. Khi theo chị Lai Hồng, người bạn đời của anh Đình, vào
phòng, thấy anh nằm yên, thở mạnh, mắt nhắm. Gọi, không trả lời. Mắt không mở.
Một chút cử động nơi môi. Khi nắm tay, anh bóp nhẹ. Chúng tôi nói vài lời với
anh, coi như anh vẫn nghe, vẫn biết. Và,
im lặng.
Anh được đưa về nhà hôm trước, Thứ Năm
ngày 28, sau thời gian nằm trong Trung tâm Phục hồi và Dưỡng lão ManorCare, từ
tháng 10 năm ngoái. Mỗi ngày, chị Lai Hồng vào từ chiều, ngủ lại đêm trong đó.
Chị chuyện trò, chăm sóc, kể chuyện, đọc emails, đọc sách cho anh nghe, giúp
bón anh ăn. Ban ngày, chị về nhà mấy tiếng đồng hồ rồi trở lại.
Tuần trước đây, anh viết xuống vài chữ
ngỏ ý muốn về nhà. Anh muốn hưởng những ngày cuối cùng trong nhà mình. Anh muốn
nghe Kinh Cầu an, và Bát Nhã Tâm Kinh. Về thăm anh, ngoài tôi với Hoàng Bắc còn
có Đinh Cường và Eddie Ramsburg, một học trò cũ của anh. Hai người con gái của anh là Phượng Nam và
Linh Giang, ngày mai Thứ Bảy đến. Phan Nhật Nam và vài bạn bè, bà con đến vào
những ngày tới.
Tôi không nhớ chính xác lần đầu tiên
tôi gặp anh Võ Đình là vào lúc nào, ở nơi nào. Nhưng tôi nhớ lúc đó anh đang
nói về những bức tranh anh vẽ trong thời gian anh ở với cháu Phượng Nam khi
cháu chỉ mới hai, ba tuổi. Buổi tối đó, anh ngâm Ngậm Ngùi của Huy Cận. Giọng
anh mạnh, ấm. Rất đặc biệt. Không giống một giọng ngâm nào tôi đã từng nghe.
Tôi cũng không nhớ là từ lúc nào anh trở thành một bạn vong niên của tôi, chắc
cũng gần 30 năm. Rồi, năm sáu năm sau, anh trở thành một người thân trong gia
đình. Mỗi lần anh đến, má tôi kho cho anh món cá rất đặc biệt của bà. Trong nhà
tôi, anh đã ngâm rất nhiều thơ. Tôi thích nhất khi anh ngâm Tống Biệt Hành của
Thâm Tâm.
Bao nhiêu biến đổi trong đời anh, đời
tôi, kể từ những ngày mới quen nhau. Bao nhiêu chuyện, truyện anh đã viết. Bao
nhiêu tranh anh đã vẽ. Bao nhiêu sách anh đã dịch, đã minh họa, đã xuất bản.
Bao cuộc tình đến, rồi đi. Bao sóng, gió. Bao thăng, trầm! Bao lặng lẽ... Có những
lúc, anh ngồi thuyết trình, nói mê man, sang sảng, vài trăm người chăm chú lắng
nghe. Rồi có lúc, nhìn quanh, ngoài những bạn rất thân vốn hài hòa với cuộc đời,
không biết có mấy ai gật đầu với anh.
Anh là một người khó tánh (có người gọi
đùa là “khó tiền sử”), hầu như ai cũng biết. Nhưng anh cũng là một người rất dễ
tính. Điều đó hầu như ai cũng biết. Chỉ khác là cái anh khó với cái anh dễ, thường
không giống với cái nên dễ, nên khó trong thường tình. Với tôi, những cái khó
tánh của anh đã gây nên không biết bao tranh cãi giữa anh với tôi, nhưng cũng
chính từ đó mà tôi gần anh hơn, thương và kính trọng hơn. Ít nhiều, chính cái
khó tánh đó đã tạo cho anh một thế giới riêng mà từ đó anh mang đến những cống
hiến lớn cho văn học, nghệ thuật và cho cuộc đời.
Anh là một tác giả thành tựu, trong cả
hai lãnh vực văn học và hội họa. Công trình của anh và giá trị văn học hay nghệ
thuật trong tác phẩm của anh được ghi nhận và phân tích nhiều trong giới phê
bình.
Võ Đình sinh năm 1933, tại Huế, rời quê
hương rất sớm, vào lúc 17 tuổi, và sống luôn ở Pháp, rồi ở Mỹ. Anh chỉ về thăm
Việt Nam vài lần, mỗi lần trong thời hạn rất ngắn. Rất giống hoàn cảnh của lớp
trẻ Việt Nam thuộc thế hệ một rưỡi hay thứ hai của cộng đồng Việt hiện nay.
Văn của Võ Đình không dễ đọc, tranh của
Võ Đình không dễ xem. Bởi luôn hàm chứa những phức tạp của đời sống, những độ
sâu trong suy tưởng, và những rung động trầm lắng của con người. Đọc văn anh,
xem tranh anh, hay ngồi nói chuyện với anh, chúng ta rất dễ thấy nơi con người
thoạt nhìn có vẻ bình dị, chịu ảnh hưởng sâu đậm của ba nền văn hoá Việt, Pháp,
Mỹ, và biểu lộ những ảnh hưởng đó một cách tự nhiên, không mặc cảm, khi khen
như khi chê. Anh thích nhìn con người hay xã hội trên khía cạnh văn hóa, và
nhìn sự vật, cây cỏ ở cái đẹp mà tạo hóa mang lại, dù đó chỉ là một con nhái
bén hay những thứ “rau cỏ hèn mọn”.
Anh đề cao tính sáng tạo, rất dị ứng với
những cách nhìn hời hợt, những cách nhìn theo thói quen, những cách lập đi lập
lại mà anh cho là phát sinh từ sự lười biếng trong suy nghĩ. Anh luôn đề cao sự
đam mê, hay cách sống hết lòng, cho một niềm tin, hay vì một mục tiêu nào đó,
cho dù mục tiêu đó chỉ là để...chơi. Tỉ như, khi anh viết về thú chơi xe lửa của
một hưu trí viên 65 tuổi. Chơi, nhưng chơi...thiệt.
Anh trân trọng công trình của người
khác, nếu đó là một công trình có chất lượng hay được thực hiện hết lòng. Anh
có thể nói say sưa, qua ngòi viết, hay qua những câu chuyện trao đổi với bạn
bè, về tranh của Cézanne, của Gauguin, Van Gogh, hay của Đỗ Quang Em; hay bài
phê bình của Nguyễn Hưng Quốc, truyện ngắn của Võ Phiến, của Trần Vũ, bài nhận
định văn học của Thụy Khuê... Nói, với tất cả sự trân trọng, như đã may mắn nhận
được những món quà thật quí giá. Vào những lúc như vậy, qua những nhắc nhở có vẻ
như vô tình đó, người đọc hay người đối thoại có thể chợt nhận ra sự may mắn của
mình vì đã có biết bao nhiêu món quà quí giá mà đời sống đã mang lại, mà chính
những người mang lại chưa chắc đã được chút gì may mắn cho họ, ngoài tài năng
và lòng đam mê. Van Gogh chẳng hạn, ông cống hiến cho chúng ta bao nhiêu tác phẩm
tuyệt vời, nhưng cho đến chết ông sống khổ cực, chỉ bán được một bức tranh, và
cuộc đời ông là một bi kịch lớn.
Khi viết về Võ Đình, có một yếu tố nổi
bật không thể không nói đến. Đó là yếu tố Việt Nam trong con người anh, biểu lộ
rõ nét trong tác phẩm hay trong đời sống hàng ngày. Anh viết tiếng Anh rất giỏi,
dĩ nhiên, vì anh lớn lên và sống gần như cả đời ở Mỹ. Và tiếng Pháp cũng giỏi
vì anh đã học ở Pháp. Nhưng tiếng Việt của anh, khi anh viết hay khi anh nói, nếu
không biết không ai dám nghĩ rằng kể từ năm 17 tuổi cho đến quá tuổi tri thiên
mệnh, cho đến những ngày cuối cùng, anh chỉ sống ở Việt Nam tổng cộng có vài
tháng. Không phải chỉ hay thôi, nó đạt đến phần vi tế nhất của ngôn ngữ mà những
nhà văn tài hoa và khó tánh nổi tiếng về cách dùng tiếng Việt cũng phải khâm phục.
Anh mê và hiểu biết sâu sắc ca dao Việt
Nam. Khi sống hay khi viết, anh thường nghĩ đến từng câu, nhập vào thật đúng
lúc của nó. Chẵng hạn, sống ở Florida, nước Mỹ, nhưng khi nhìn thấy một con
nhái nằm thù lu trong mấy cái lá, anh nhớ đến một câu ca dao thật rầu: Chiều
chiều bắt nhái cắm câu/ Nhái kêu cái ẹo, thảm sầu nhái ơi.
Anh hiểu biết rất rõ lịch sử Việt Nam,
nhưng không chỉ dừng lại ở hiểu biết, anh sống với những thăng trầm của lịch sử.
Anh cảm nhận sâu sắc về cuộc Nam tiến, nhưng không chỉ dừng lại ở nét hùng
tráng về công trình mở mang bờ cõi, mà anh cảm thông thật sự tâm trạng, đời sống
những con người bình thường, cô đơn, vật lộn hàng ngày với thiên nhiên, khi được
đẩy vào những vùng đất xa xôi ở miền Nam đang còn rất hoang dại. Vì thế, anh đã
viết với tất cả sự ngưỡng mộ chân tình truyện ngắn Rừng Mắm của Bình Nguyên Lộc
mà anh cho là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của văn học Việt Nam. Về
lịch sử Nam tiến, anh ngưỡng mộ những chiến thắng, nhưng bên cạnh đó, anh đưa
ra những trách móc tế nhị, trách móc về cách đối xử không đẹp của vua chúa Việt
với những người Chiêm thất trận, như đã giết vua người, lại còn rắp tâm chiếm vợ
vua người, để đến nỗi vương phi Mị Ê của Chiêm Thành, quấn chiên, lăn xuống
sông tự tử.
Trong đời sống hàng ngày và trong tác
phẩm, Võ Đình thường để tự mình hụp lặn vào những tháng ngày đen tối nhất của lịch
sử Việt Nam hiện đại. Cách đây 36 năm, tức hai năm trước khi cuộc chiến chấm dứt,
vào thời kỳ sôi động nhất, anh trở về thăm quê hương lần đầu. Trong một bài viết
sau đó, anh cho biết, anh gặp một vũng nước mà anh có cảm giác như chính đó là
vũng nước khi còn bé anh thường đến và đùa nghịch trên đó. Anh cũng cho biết,
khi đi lại trên những con đường ở Huế mà anh từng đi lại vào những ngày thơ ấu,
anh có những cảm giác rất mạnh, rất thật, như chính anh đã đụng vào những hồn
ma đang đi, đang chạy xung quanh, hồn ma của những con người vô tội dìu dắt
nhau chạy tán loạn vào những ngày kinh thành thất thủ gần một trăm năm trước.
Thời gian đó, ở Mỹ, anh sống trong một
căn nhà cũ, trên một vùng núi ở Maryland, gọi tên là Stonevale, Thạch Lũng.
Xung quanh nhà có một hàng rào dài làm bằng những miếng đá dẹp chồng chất lên
nhau, do những người nô lệ làm nên từ hơn hai trăm năm trước. Tôi có đến thăm
anh ở đó, vài năm sau chuyến thăm quê hương của anh. Chị Helen, người vợ Mỹ thứ
nhì của anh, có kể lại, khi đón anh trở về, chị có linh cảm lạ lùng là dường
như có một vài bóng ma đã theo anh từ Việt Nam trở về và đang cùng anh bước vào
nhà.
Võ Đình thích sống gần thiên nhiên.
Ngoài mê say vẽ, viết và đọc sách, anh thích làm lụng và nhìn ngắm cỏ cây, sống
điều độ và ăn uống thanh đạm. Anh rất khỏe mạnh, hơn nhiều người cùng tuổi. Tuy
nhiên, cách đây khoảng hơn hai năm, anh bỗng yếu đi hẵn. Đi không vững, rất dễ
té, và mắt thường bị chói ánh sáng. Anh đi bác sĩ thuờng xuyên, có khi phải vào
nằm lại trongTrung tâm Phục hồi, ban đầu ngắn hạn rồi ở dài hạn, nhưng bác sĩ
không tìm ra đúng bệnh. Chỉ mới đây, giữa tháng hai, bác sĩ chuyên khoa não cho
biết anh bị chứng PSP (Progressive Supranuclear Palsy), một loại suy thoái não
chưa có thuốc chữa. Anh phải vào ở hẳn trong khu dài hạn. Ngày càng yếu đi.
Có nhiều người đàn bà đã đi qua đời
anh, nhưng tôi nghĩ, cuộc nhân duyên sau cùng, với chị Lai Hồng, chính thức khởi
đầu từ 16 năm trước đây và có thể đã bắt nguồn từ tuổi học trò, là mối nhân
duyên đem lại sự bình an nhất trong đời anh. Trong cuộc nhân duyên này, anh tìm
được sự chia xẻ về nguồn cội, về chữ nghĩa, về nghệ thuật, về tương kính. Và, rất
khó để không nhận thấy là anh đã nhận được một chăm sóc tận tình, một sự thông
cảm và kiên nhẫn gần như vượt quá khả năng của con người. Nỗi lo sợ lớn nhất của
người thân, bạn bè, và cả nhân viên Trung tâm ManorCare, là chị có thể quỵ xuống
trước.
Trưa Thứ Bảy, 30 tháng 5, chúng tôi dự
lễ Cầu an tại nhà anh do hai ni cô Chùa Lộc Uyển chủ trì cùng với anh chị Nguyễn
Trà/Thanh Trúc của Hội Phật giáo Nam Florida và một số đạo hữu. Cả gia đình Hòa
đều có mặt. Sau đó, Đinh Cường và anh Diệp Bảo Chương, bạn của Cường và anh chị
Võ Đình, đến. Phượng Nam và Linh Giang từ Maryland cũng đến ngay sau đó. Phượng
Nam và Linh Giang là con gái của anh Đình với hai người vợ Mỹ. Cũng đã hơn 15
năm tôi mới gặp lại Linh Giang và hơn 25 năm gặp lại Phượng Nam. Các cháu không
nói được tiếng Việt, và với những ai không biết, khi gặp đều nghĩ đây là những
người Mỹ hoàn toàn.
Phượng Nam nổi tiếng do một bức tranh
anh vẽ năm cháu khoảng bốn tuổi, trong chiếc áo dài Việt Nam màu vàng, tay cầm
một chong chóng nhỏ. Bức tranh được tổ chức UNICEF chọn làm postcard chính thức
phát hành nhân Ngày Trẻ Em Thế Giới. Tôi rất mừng thấy Phượng Nam đến. Phượng
Nam hay xung khắc với papa và chắc cũng lâu lắm rồi không gặp papa. Mọi người đều
nói có lẽ tính khí của Phượng Nam quá giống anh.
Linh Giang hơi khác chị, rất dịu dàng.
Khi mới lên đại học, cháu có học toán với tôi, được một buổi rồi thôi. Khi gặp
lại, cháu không nhắc lại bài học toán mà nhắc lại những bài học đầu tiên về
guitare mỗi lần lên chơi Thạch Lũng tôi có dạy cho cháu. Hiện thời cháu dạy
guitare ở một trung tâm âm nhạc vùng Maryland. Tôi nói với cháu thật ra guitare
là môn tôi dốt nhất, và có thể trong tương lai nếu sức khỏe cho phép tôi sẽ đến
học guitare với cháu.
Hôm Thứ Bảy đó, anh đã yếu lắm. Khi nói
chuyện và nắm tay anh, không thấy anh bóp nhẹ như hôm qua. Tuy nhiên, chị Lai Hồng
cho biết, sáng Thứ Bảy đó, bỗng nhiên anh mở mắt lớn nhìn chị, thều thào được mấy
tiếng “Hồng ơi! Hồng ơi! Hồng ơi! …” rồi nở nhẹ nụ cười thật hiền, tay
nắm chặt tay chị đưa lên đưa xuống. Chị linh cảm... Buổi chiều, khi hai cháu
Phượng Nam và Linh Giang đến, cúi xuống ôm anh, “Papa, this is Phượng Nam.
Papa, this is Linh Giang!”, tôi thấy môi anh hơi mấp máy. Hai cháu cầm tay anh. Bất động. Nhưng mấy giọt
nước mắt chảy dài trên phía trái…
Chiều hôm sau, chúa nhật 31 tháng 5,
2009, chúng tôi trở lại. Vài phút sau đó, anh chị Nguyễn Trà/ Thanh Trúc cũng đến,
trong những chiếc áo lam truyền thống. Tôi cầm tay anh Đình, không thấy chút phản
ứng. Sau đó, khi đang ngồi nói chuyện trong phòng khách, có người ra cho biết
cô y tá báo động. Chúng tôi bước vào phòng. Chị Lai Hồng, anh chị Trà, Phượng
Nam, Linh Giang và cô y tá Mỹ đã có mặt ở đó. Chúng tôi đứng quanh giường anh.
Cháu Linh Giang ngồi dưới đất, ngoài cánh cửa gương lớn ngăn cách phòng anh với
vườn sau. Cháu ngồi im, mắt nhắm, trong tư thế tọa thiền, tay chắp lại. Hơi thở
anh yếu dần. Chị Lai Hồng đứng yên, im lặng một cách lạnh người. Anh chị Trà bắt
đầu tụng kinh Thủy Sám. Rồi, đọc kinh Bát Nhã.
“...Xá Lợi Tử nghe đây: Thể mọi pháp đều
không. Không sanh cũng không diệt. Không nhơ cũng không sạch. Không thêm cũng
không bớt. Cho nên trong tánh không,
không có sắc, thọ, tưởng. Cũng không có hành thức. Không có nhãn, nhĩ, tỷ,
thiệt, thân ý. Không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Không có mười tám giới.
Từ nhãn đến ý thức không hề có vô minh. Không có hết vô minh. Cho đến không lão
tử. Cũng không hết lão tử. Không khổ, tập, diệt, đạo. Không trí cũng không đắc...”
Hơi thở anh yếu dần. Anh chị Trà, chuyển
sang tụng kinh A Di Đà, nguyện cầu ngài Tiếp Dẫn Đại Sư đưa một linh hồn về nơi
Tịnh Độ. Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô A Di Đà Phật,... Tiếng
tụng nhỏ, đều đều, như âm vang từ một cõi xa xôi nào vọng lại.
Hơi thở anh yếu dần. Yếu dần. Rồi ngưng
hẵn. Ngọn đèn trên bàn cô y tá, cạnh chị Lai Hồng, vụt chớp rồi tắt. Đúng 6 giờ
20 chiều. Chúng tôi vội bước đến gần anh. Cháu Phượng Nam đến ôm mặt anh,
“Papa, this is Phượng Nam!” Cháu Linh Giang ngồi yên trong tư thế tọa thiền. Chị
Lai Hồng đứng yên cuối giường, im lặng. Dù đã dặn trước không được tỏ xúc động,
Hoàng Bắc vẫn khóc.
Chúng tôi lần lượt nói lời vĩnh biệt.
Khoảng 10 giờ tối, tất cả ra về, chỉ còn lại chị Lai Hồng với các cháu...và
anh.
Tôi nhớ lại rất rõ, nét mặt anh, điệu bộ anh, giọng sang sảng của anh, khi ngâm Tống Biệt Hành của Thâm Tâm. “Đưa người ta không đưa qua sông...”