Hôm ra mắt Quán Văn số 41,
Đoàn Văn Khánh lôi tôi xuống cuối hội trường, chỉ vào một khuôn mặt quen quen
và hỏi ông nhớ ai không?
- Rất quen nhưng mà không nhớ.
- Phan Văn Quang, nhớ chưa?
Tôi ngượng ngùng nhìn cả hai
người và thú thật nhìn rất quen, nhưng nói là nhớ thì... chưa kịp nhớ ra.
- Ban Mê Thuột, chơi với Hứa
Hùng Quý...
- A... phải rồi, gần 50 năm
không gặp mà hỏi nhớ không thì... thách thức nhau quá. Nhưng thật sự là quen mặt
nhau thật nhiều.
Chính xác là 46 năm về trước,
năm 1970, chúng tôi đã gặp nhau trong rất nhiều buổi cà phê, tụ hội, sinh hoạt...
Khi đó tôi và Đoàn Văn Khánh cùng ở Ban Mê Thuột.
Quang vui vẻ trao tặng tập
thơ "Gửi Chiều Ra Phố". Thơ của Quang buồn, chất chứa nhiều u uẩn và
nhắc nhớ nhiều về vùng đất Tây Nguyên, nơi Quang sống suốt từ đó tới cách đây mấy
năm. Khi con cái lớn lên, vợ chồng Quang mới quyết định di chuyển về sinh sống ở
Sài Gòn.
Trước khi gặp Phan Văn
Quang, thì Đoàn Văn Khánh đã giới thiệu với tôi một người nữ rất mới mà rất cũ:
Chị Carol Kim người tựa gối kề vai với anh bây giờ chính là một cô bé ngày xưa
gặp gỡ và sinh hoạt thanh niên với chúng tôi thời ở Ban Mê Thuột. Khánh nhấn mạnh
hãy lưu ý, Kim bấy giờ là một cô bé, cô bé đi theo các chị để đến tham dự các
buổi sinh hoạt của chúng ta, và cô bé nhỏ xíu đó chẳng ai nhớ tới đâu. Chuyến về
Sài Gòn lần này gợi cho tôi quá nhiều kỷ niệm về một thành phố trên cao nguyên.
Cái thành phố mà nắng thì Bụi Mù Trời, mưa thì Buồn Muôn Thủa đã ghi trong lòng
tôi những kỷ niệm tuyệt vời của thời thanh niên rực rỡ.
Tôi đổi lên Ban Mê trước,
Ban Mê Thuột lúc đó là địa đầu, vùng của giao tranh và như một vùng đất đi đày.
Còn Khánh đang lội bùn đen ở Đồng Tháp Mười.
Nhớ một ngày đầu năm, Khánh gửi thư lên có kèm bài thơ:
Buổi chiều một mình trên
thành cầu
Ném xuống dòng sông tờ lịch
cuối
Có phải bây giờ trời đương
xuân
Quanh đây không một niềm rạo
rực
Trong ta gượng gạo tiếng reo
mừng
Và kể vừa qua một cơn trọng
bệnh, và rất cô đơn, thèm có bạn bè trò chuyện. Cái cô đơn của con người thiếu
kẻ tri âm.
Đọc tiếp...
Tôi nói với Khánh rằng tôi
không thể xin về Đồng Tháp, nhưng nếu Khánh xin đổi lên đây thì thú vị biết
bao. Và Khánh xin đổi lên Ban Mê Thuột thật.
Đó thực sự là một hạnh phúc mà hai người bạn đem đến cho nhau ở cái tuổi
hai mươi. Chúng tôi đã sống hết mình cho Thơ, cho Nhạc, cho đời thường, cho
sinh hoạt thanh niên, và cho cả những mối tình vụng về mới lớn. Những sinh hoạt
trong đó có Phan Ni Tấn, có Lâm Thượng Văn, có Nguyễn Quyết Thắng, có Phan Văn
Quang và cả tên người mà hồi nãy Quang nhắc tới: Huynh trưởng Hứa Hùng Quý.
Còn có một người nữa mà cả
tôi và Đoàn Văn Khánh đều tránh né không dám nhắc tới với nhau, bởi vì lúc đó,
còn hẹp hòi cho rằng cái tên đó như một vết thương lòng của tôi, mà Khánh không
muốn chạm đến. Nhưng bây giờ, chuyện đã quá xa, và bình tâm xem lại thì thấy
như một đoạn nghiệp duyên, cái mà lúc đó tưởng là tình yêu, thực ra cũng chỉ là
những cảm xúc nhất thời.
Hãy gọi tên cô ta là Hòa
Bình. Hòa Bình là một huynh trưởng trong sinh hoạt thanh niên mà tôi và Khánh
cùng tham gia. Hòa Bình có một người tình, đó là Vinh. Vinh là sinh viên trường
Cao Đẳng Sư Phạm Cao Nguyên. Bất ngờ hai đứa chia tay, Vinh nói với Hòa Bình
là, "Anh đã nghiệm lại và thấy rằng anh không yêu em, và anh cũng không muốn
tiếp tục nói dối là yêu em, thôi mình chia tay đi."
Hòa Bình rơi vào trạng thái
hoảng loạn và buông thả. Gần như cặp bồ tứ tung, nay ông này mai ông khác, và lại
cố tình phô trương chuyện cặp bồ đó để trả thù Vinh.
Thành phố nhỏ xíu, gần như
ai cũng biết nhau, nên những việc Hòa Bình làm ảnh hưởng tới tổ chức thanh niên
mà chúng tôi sinh hoạt. Một vài phụ huynh tỏ vẻ e ngại về đạo đức của huynh trưởng,
cho nên với danh nghĩa Liên Đoàn Trưởng, Hứa Hùng Quý triệu tập một buổi họp và
tìm biện pháp khắc phục.
Có ý kiến đuổi Hòa Bình ra
khỏi tổ chức, không thể chấp nhận một người có tư cách xấu như thế đứng chung
trong tập thể chúng ta. Có ý kiến ngược lại, chúng ta là một tổ chức giáo dục
thanh niên, chúng ta khao khát hướng dẫn thanh niên sống với đạo đức và đào tạo
nền móng cho cuộc sống lành mạnh, nếu cứ thanh niên nào hư chúng ta đuổi ra, chỉ
giữ lại thanh niên tốt thì chúng ta giáo dục ai?
Vậy biện pháp đưa ra là cử một
huynh trưởng đứng ra tạo cho Hòa Bình một chỗ dựa ổn định về tình cảm cho đến
khi Hòa Bình tìm được một tình yêu chân chính.
Biện pháp thì có rồi, nhưng
ai là người đứng ra thực hiện. Các huynh trưởng ngồi chung thì người đã có vợ,
người đang có bồ, và người chuẩn bị đám cưới, chỉ còn hai anh chàng độc thân
vui tính là tôi và Khánh.
Hòa Bình có đôi mắt to, sáng
và đôi mắt biết cười. Tôi tình nguyện làm người nói chuyện với Hòa Bình. Ngay
trưa hôm đó tôi đến nhà Hòa Bình và nói với em rằng tôi cần gặp và nói chuyện
riêng với em một chút. Hòa Bình gật đầu, chúng tôi đi dọc theo suối Đốc Học,
qua khỏi chùa Khải Đoan, tìm một quán cà phê ngồi lại.
Tôi hỏi em, hãy nói cho anh
biết, sau Vinh, những người đàn ông quen biết với em sau này, thực sự em đã yêu
ai chưa?
Hòa Bình hai tay chống cằm,
nhìn thẳng vào tôi im lặng một lúc khá lâu, rồi nói rất chậm: Em có để ý một
người.
- Ai vậy?
- Anh Khánh.
Tôi nhìn ra ngoài sân. Buổi
trưa nắng ở Ban Mê gay gắt lắm, gió thổi miệt mài cuốn từng luồng bụi đỏ mênh
mông trên đường nhựa, trôi tắp vào dãy vườn cà phê ngút mắt phía xa. Tôi gật đầu,
thôi được, anh chỉ muốn biết tới đó, em để ý tới Khánh thì Khánh cũng sẽ để ý tới
em.
Tôi nói lại cho Khánh nghe lời
Hòa Bình nói, và bỡn cợt như kiểu bàn giao: Nhiệm vụ của tôi đến đây là hết,
bàn giao đơn vị lại cho anh. Cả hai cùng cười thoải mái như một chuyện vui đùa.
Thế rồi bẵng đi cả vài tuần
lễ chúng tôi không gặp nhau. Gọi điện thoại cho Khánh, thì Khánh nói Khánh bận
trực, hoặc đi vắng. Cuối tuần tôi ngồi một mình ở Cà Phê Chi Cao, nhìn ra ngã
tư buồn hiu hắt. Bất ngờ nhìn thấy Khánh chạy xe ngang qua, sau lưng tình tứ
chính là cô gái mắt to tóc ngắn Hòa Bình.
Tôi vừa vụt muốn đứng lên để
gọi, vừa cảm thấy có cái gì không ổn trong lòng. Sao vậy ta, chuyện này... lẽ
đương nhiên là phải vậy. Cái việc Khánh đang làm là do chính tôi đưa Khánh mà?
Khánh đang thực hiện điều mà chính tôi yêu cầu mà?
Nhưng dường như cái tôi nghĩ
và cái tôi muốn nó không giống nhau... Tôi đi bộ về mà hoang mang, nghĩa là
sao, chính tôi cũng chẳng hiểu được mình.
Tôi có đặt một số câu hỏi
cho mình. Phải chăng tôi yêu Hòa Bình? Đặt câu hỏi rồi tôi bật cười, yêu cái gì
khi cảm giác rung động khi gặp nhau còn chưa có thì tìm đâu ra cái "run
run như thần tử thấy long nhan" đó.
Hay là... hay là... và không tìm được câu trả lời cho mình. Chỉ thấy
lòng rộn lên một cái gì rất khó chịu và bực bội vô cớ.
Tôi chịu đựng cảm giác đó mấy
ngày. Rồi không nhịn được, nửa đêm tôi gọi điện thoại cho Khánh, nói với Khánh
rằng tôi thấy Khánh đi chơi với Hòa Bình... Khánh ngắt lời:
- Thì ông muốn như vậy mà?
- Bây giờ khác!
- Nghĩa là sao?
Tôi cố tìm chữ giải thích
cho Khánh nghe cảm giác của mình, nỗi buồn và sự xao động khó chịu và kết luận:
thôi, anh chấm dứt vụ Hòa Bình đi.
Giọng Khánh hơi chùng xuống,
rồi khẳng định, “Đồng ý, chúng ta chơi với nhau đã bấy lâu nay, tôi hiểu ông,
ông hiểu tôi tới độ không cần nói ra cũng đã biết ý nhau. Đây là lần đầu tiên
ông phải giải thích mà tôi vẫn chưa hiểu. Nhưng không sao, coi như chuyện Hòa
Bình sẽ chấm dứt ngay hôm nay.”
Sau đó chúng tôi lại vui vẻ
hẹn nhau đi uống cà phê, hẹn ra Nguyễn Quyết Thắng nghe nhạc ca hát, hẹn nhau
đi sinh hoạt... nhưng thấp thoáng đâu đó trong tia mắt Khánh tôi bắt gặp một
cái gì lúng túng.
Hồi đó, phong trào quán cà
phê vườn vừa phát triển ở Ban Mê Thuột.
Tôi được biết có một quán mới mở nghe nói rất đẹp, nằm trong khuôn viên
một tòa biệt thự đầy ắp hoa cảnh, nhạc hay và cà phê chất lượng tuyệt hảo. Cuối
tuần, tôi gọi cho Khánh rủ nhau tối thứ Bảy ghé quán. Khánh từ chối vì đêm đó bận
trực, sau đó Khánh dặn dò, quán đó chắc đẹp và hay lắm, tôi cũng muốn đến,
nhưng đi chơi thì phải có bạn, nên hay nhất là ông cũng khoan tới đó. Chủ nhật
tôi rảnh, hai đứa cùng đi hay hơn chứ. Tôi đồng ý với Khánh.
Nhưng bất ngờ là khuya thứ Bảy
đó, đang nằm thiu thiu sắp ngủ, hai người bạn cùng đơn vị tốc mùng lên và rủ đi
uống cà phê. Uống ở đâu? Ra Thu Vàng đi, quán mới, chắc nhiều thú vị.
Trước cửa quán là cả dãy xe
Jeep, xe gắn máy đậu đầy nghẹt, trong quán tối om, những ngọn đèn nhỏ xíu trang
trí giữa các chậu hoa kiểng chỉ đủ ánh sáng mờ mờ lên từng cái bàn nhỏ nép vào
giữa lá cây và bóng đêm.
Ngồi uống cà phê cả ba im lặng
nghe nhạc, nhưng có một âm thanh khác lâu lâu vọng lại từ một cái bàn bên kia bụi
cây, nghe như tiếng khóc, tiếng thút thít những lời rì rầm nho nhỏ. Rồi tiếng gõ ly ra hiệu tính tiền, chút xíu
sau hai bóng người dìu nhau đứng lên rời khỏi quán... tay trong tay, vai sát
vai, tôi không nhìn thấy mặt, nhưng mái tóc ngắn, và vóc dáng người đàn ông thì
quen thuộc quá đỗi. Hỡi ơi... bạn tôi.
Mắt tôi hoa lên, và tay chân
run như bị trúng gió. Tôi cố kiềm chế bằng cách dựa ngửa người trên ghế, nhưng
lồng ngực đau điếng như bị một cú đấm và cố nén thế nào thì cũng hực lên một tiếng
xót xa. Hai người bạn hỏi dồn, chuyện gì vậy, mày sao rồi? Tôi nói nhanh, tao lạnh
quá, có vẻ như cảm gió, mình đi về thôi.
Cả tháng trường tôi từ chối
không nhận điện thoại từ Khánh, không liên lạc và nhất định không chịu gặp.
Nhưng cơ thể phản bội tôi, giữa lúc tôi cần sức khỏe để chịu đựng những tan nát
trong lòng mình thì cũng là lúc con vi trùng sốt rét hoành hành. Người tôi lúc
thì như lửa đốt, lúc thì như trong hầm nước đá, và tôi thiếp đi mê mệt vào một
lúc nào đó tôi không biết.
Khi tôi tỉnh dậy, đang nằm
trong bệnh viện, trên người còn những dây truyền nước biển, mắt mờ mờ nhìn
chung quanh thì hình dáng đầu tiên tôi thấy là Khánh. Khánh bước tới đưa tay sờ
vào trán tôi, rồi nắm lấy tay tôi.
Tôi nói thều thào, anh về
đi.
Khánh vẫn nắm chặt tay tôi
và nói nhỏ:
- Tôi về ngay bây giờ. Tôi tới
chỉ để nói với ông hai điều, và tôi nói ngay đây. Thứ nhất là sáng hôm qua, Hòa
Bình đã rời khỏi Ban Mê Thuột để đi Nha Trang, cô ta sẽ không về lại đây nữa.
Thứ hai là những gì ông nghĩ trong đầu là sai lầm và những điều ông nhìn thấy
tưởng như chính xác nhưng thực ra nó lại không phải như vậy. Bây giờ ông đang hồi phục và sẽ khỏe trong thời
gian ngắn cho nên tôi sẽ không tới đây và sẽ không bao giờ tự ý gọi điện thoại
cho ông nữa.
Khánh ngừng lại một chút, rồi
nói tiếp:
- Tôi luôn sẵn sàng chờ nghe
điện thoại ông gọi, bất cứ lúc nào. Hãy nhớ rõ là tôi chờ.
Khánh bỏ đi và tôi rơi vào
trạng thái mơ mơ màng màng. Thời đó là thời trai trẻ. Sức con trai nên sau khi
dứt sốt, tôi bình phục nhanh chóng. Đó là khoảng thời gian buồn nhất trong suốt
mấy năm tôi ở thành phố cao nguyên. Những ngày đìu hiu nhìn rừng cây cà phê
xanh ngắt, trời trong vắt và những con lộ đất đỏ mịt mùng:
Trời xanh như màu cỏ
Đất đỏ như máu mình
Một chiều đi tản bộ
Mới thấy đời mông mênh.
(thơ ĐVK)
Tôi không gọi điện thoại cho
Khánh, và Khánh cũng không gọi điện thoại cho tôi. Nhưng tôi và Khánh có khá
nhiều bạn chung ở đây, tôi lảng vảng đến nhà Hứa Hùng Quý, nhà Nguyễn Quyết Thắng,
nhà Nguyễn Mạnh Tấn, nhà Hoàng Văn Hiếu với những ao ước ngấm ngầm bất ngờ gặp
nhau. Và gặp nhau thật.
Cả hai vẫn làm như giữa hai
đứa chưa hề có chuyện gì, ngồi chơi chung một chút Khánh đứng dậy nói với tôi
mình đến nhà Thắng đi. Tôi gật đầu đi theo Khánh ra xe.
Tới quán cà phê Thu Vàng, gọi
cà phê và không giữ im lặng được nữa. Khánh nói:
- Tôi muốn nói chuyện với
ông, không phải để xin lỗi ông về chuyện vừa qua, vì tôi không có lỗi. Mà chỉ để
nói cho rõ một sự thật. Chuyện bắt đầu với Hòa Bình là do ông đề nghị, và chuyện
chấm dứt với Hòa Bình cũng là do ông yêu cầu. Nhưng chúng ta sống phải có lý lẽ,
chúng ta muốn giúp cô ta ổn định và từ đó tự đứng lên vững vàng bước đi, chúng
ta không thể lôi cô ta từ một vũng lầy này để rồi đường đột bỏ đi như Vinh để đẩy
cô ta vào một vũng lầy khác, có khi lại sâu nặng hơn. Cho nên tôi thỏa thuận với
ông là sẽ chấm dứt, nhưng ít nhất phải có thời gian để rút chứ. Thứ hai là tôi
không yêu cô ta, và tôi khẳng định ông cũng chưa yêu cô ta, cái phản ứng của
ông chỉ là cái phản ứng của lòng tự ái. Cái tự ái đó cộng thêm lòng kiêu ngạo
và thiếu sâu sắc khi suy xét của ông đã đẩy ông vào trạng thái tồi tệ. Tồi tệ
hơn nữa là ông đã đẩy những người yêu quý ông vào cảm giác phạm lỗi, mà họ
không hề có. Ông có lỗi.
Khánh kết luận một cách chắc
nịch như vậy.
Tôi nhìn Khánh, nhìn những
hàng chậu hoa cảnh rực rỡ hoa vàng, và nhìn ly cà phê tỏa hương thơm ngào ngạt
và nhẹ nhàng trả lời. Cà phê ở đây ngon thiệt.
Hòa Bình biến mất khỏi Ban
Mê Thuột, và biến mất trong tất cả những chuyện trò giữa tôi và Khánh. Lòng
riêng, tôi vẫn mong được gặp lại em một lần, gặp không phải để tôi hỏi em, mà gặp
để tôi có dịp hỏi lại lòng mình là từ đâu, tại sao và như thế nào để tôi gục
ngã như vậy. Thế thôi.
Hơn ba năm sau, ở bệnh viện
Pleiku, tôi gặp lại Hòa Bình. Đôi mắt to đen và lấp lánh tiếng cười đó bây giờ
sũng nước mắt. Hòa Bình lên xin giấy chứng
tử cho người chồng vừa tạ thế. Tôi đưa Hòa Bình đi ăn trưa rồi ghé lại một quán
vắng ngồi nói chuyện. Ngồi ôn lại chuyện xưa và tiếc nhớ một thời trẻ trung cũ.
Bất ngờ trong quán mở bản nhạc "Tưởng Như Còn Người Yêu" thơ của Lê Thị
Ý, nhạc của Phạm Duy:
- Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là
mình
Ngày mai đi nhận xác anh
Cuồng si thủa ấy hiển linh
bây giờ
Cao nguyên gió lạnh ơ hờ
Như môi góa phụ nhạt mờ nét
son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi để thấy như còn người
yêu....
Hòa Bình không khóc, đôi mắt
sũng nước chỉ cúi xuống mặt bàn, nhưng tôi thì khóc, tiếng khóc bật lên bất ngờ
tôi không kìm được và nước mắt ràn rụa, tôi thấy mình trôi... trôi và lênh đênh
giữa tầng mây đang soi bóng mình xuống mặt nước xanh biếc của Biển Hồ.
Giọng nói của Hòa Bình bây
giờ không còn dịu nhẹ ngoan ngoãn như ngày xưa, và cất lên như lời chỉ dạy của
người chị với đứa em:
- Đừng con nít nữa. Lâu rồi
không gặp, tôi nghĩ bạn phải người lớn hơn, trưởng thành hơn chứ. Bạn nghĩ thử
coi, có người con gái nào sỗ sàng để trả lời thẳng với câu hỏi mà ngày xưa bạn
đặt ra với tôi không? Cái tự cao cộng với thiếu tâm lý, đặt vấn đề không tế nhị
và suy xét ngu muội ấy chỉ có ở một đứa con nít. Tới bây giờ mà còn chưa lớn
lên, chưa hiểu được nữa sao?
Tôi cứng người trên ghế và
im câm suốt tới lúc chia tay. Vạt áo dài đen của Hòa Bình lất phất trong mưa bụi
Pleiku, khuất dần vào góc phố, nhưng chắc chẳng bao giờ quên được trong trái
tim tôi.
Đang nói về Sài Gòn, mà mạch
văn đưa chúng ta đi quá xa về vùng Cao Nguyên, về thời gian hơn 50 năm về trước,
nhưng có sao đâu:
Từng góc phố ngát thơm từng
ký ứcMỗi mặt người đăm đắm một
riêng tưTôi thả tôi về những lối tôi
xưa…Mang dấu vết của quá nhiều
xúc cảm
NGUYỄN MINH NỮU