Nhận
được cuốn tiểu thuyết Đường về thủy phủ
của nhà văn Trinh Y Thư, nghiền ngẫm đọc mấy hôm và suy nghĩ viết đôi lời cảm
nhận cho tác phẩm của ông.
Tiểu thuyết Đường về thủy phủ gồm 3 chương gần như là 3 truyện vừa kết hợp theo
xu hướng mà tác giả nêu “trên mặt hình thức,
bước sang thời Hiện đại, tiểu thuyết không nhất thiết phải duy trì tính dài hơi
của một truyện dài. Cái thắt buộc cuốn tiểu thuyết ở đây không còn là cốt truyện
hay nhân vật mà là phạm trù ý niệm, hoặc thông điệp hoặc cả hai”.
Tiểu thuyết Đường về thủy phủ có bối cảnh là trước và sau chiến tranh Việt Nam.
Xuyên suốt tiểu thuyết của ông mà phần đầu là những gì khốc liệt trong chiến
tranh, phần 2 là hậu chấn với những dư âm gặm mòn bản chất con người và phần 3
vẫn không thoát khỏi “chiến tranh” len lỏi trong cuộc sống dù ở nơi đâu. Tuy vậy,
tác giả của tiểu thuyết khẳng định, ông không viết về lịch sử hay chiến tranh
mà viết cảm nhận của ông về chiến tranh, mượn nó làm phông nền cho những gì hư
cấu trong tiểu thuyết. Như nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera có nói: “Tiểu thuyết gia không phải là kẻ hầu hạ sử
gia”
Phần
I: Ký ức của loài bò sát
Loài
bò sát làm ta liên tưởng đến cá sấu, rắn rết… phải chăng là cách nói ẩn dụ về
tính “thú”của con người. Như câu nói của cô gái trong tiểu thuyết “…tại sao con người lại ác độc với con người như thế hả anh? Em
không hiểu được”. Câu hỏi này thật ra cũng không có gì lạ, nó nằm trong phạm
trù triết học mà từ xưa nay chưa có lời giải đáp chính xác và thỏa đáng nhất.
Nhà triết học người Pháp Blaise Pascal cũng đã từng nói: “Con người vừa là vinh quang vừa là cặn bã của vũ trụ” như một cách
đúc kết con người có thể vừa yêu thương vừa căm ghét, có thể vừa nhân ái vừa ác
độc. Trong tiểu thuyết thì nhân vật “Gã” trả lời cô gái là do ý thức hệ, đó là
câu trả lời một phần đúng trong những tội ác của chiến tranh chăng!? Và vì cái ý
thức hệ đó mà cảnh tàn khốc nhất, hung bạo nhất “thua cả loài cầm thú” (sự thật
có khi còn hơn) lại làm ta truy ngược vấn đề “Ký ức của loài bò sát” phải chăng
là còn hiền hơn so với con người bây giờ???
Nói
gì thì nói, mạch truyện vẫn là Đường về
thủy phủ. Ở cuối phần này, cô gái người dân tộc H’Mông cùng cả buôn bản bị
giết bên bờ suối khi cô đang mang thai. Hành trình trở về của cô cùng đứa con
là cuộc nói chuyện khi đang trôi dần về thủy phủ. Đi theo cô là cả buôn làng
cũng yên lặng lờ đờ trôi đi nơi sẽ gặp lại người thân trong tình yêu thương, “thủy phủ ở xa lắm, mãi ngoài biển, nhưng bố
dặn mẹ con mình cứ xuôi dòng nước này là đến.”[…] “là nơi không còn bom đạn hay
hận thù, nơi mẹ con mình sẽ gặp bố, bố sẽ yêu thương bảo bọc mẹ con mình. Thôi
con nhé, con hãy ngủ đi, khi nào mặt trời mọc là mình đến nơi”.
Phần
II: Dưới những gốc nho biển
Một
cái tiêu đề lãng mạn như muốn xoa dịu những thảm khốc của cuộc chiến ở Phần I, và
những thảm cảnh không kém đớn đau hơn ở Phần II mà kiếp người phải trải qua trong
thời hậu chiến. Nhân vật “Cô” trong câu chuyện mang tâm bệnh, “bị kẹt cứng trong bi kịch đời sống, bị đè bẹp
bởi tấn bi kịch lịch sử khốc liệt mà thế hệ cô gánh chịu”, trở nên bất lực
trước những giá trị cuộc đời dần mất đi khiến con người trở nên tàn phế đến mức
vô cảm mọi sự, miễn nhiễm với mọi nỗi đau, bình thản chấp nhận sống để chờ chết,
mặc nhiên sống có gì vui, chết có gì khổ rồi cuối cùng tìm đến “thủy phủ” như một
nơi chốn trở về.
Ở chương này, người phụ nữ trầm luân ấy đi
về phía biển, ngồi chờ vô định dưới những gốc nho biển… với một nỗi buồn vô tận
và cô quyết định bước lên chiếc thuyền không thể trở lui của định mệnh rồi biến
mất trong làn nước sâu thẳm để về thủy phủ, nơi cô tìm được sự an tĩnh, thoát
khỏi bị kịch đời sống. “Nó là tiếng gọi từ
cõi xa xăm huyền bí kêu réo cô hãy trở về thủy phủ".
Phần
III: Đường về thủy phủ
Là
tiêu đề chính của tiểu thuyết. Ở phần này tác phẩm có vẻ mang phong thái tự do
hơn. Những suy tưởng, những tâm niệm được diễn biến phức tạp và mâu thuẫn nhưng
lại vô cùng thoải mái thi triển. Hai nhân vật: Gã Nhà Văn, Tôi, có khi là Cô
lúc hòa nhập làm một, lúc lại tách ra khiến tác phẩm hư hư thực thực, rất hấp dẫn.
Đó cũng là tính mâu thuẫn nội tại trong mỗi con người thể hiện một thái độ khắc
khoải, một thái độ phản kháng, một thái độ an phận chấp nhận. “Và bởi tôi chỉ là ảo ảnh. Tôi chỉ hiện hữu
trong thần trí tưởng tượng của gã”. Ở phần III này tính triết lý rất cao, sự
dằn vặt nội tâm, truy cứu đến cùng sự cô đơn của con người “[…]tôi thốt nhiên hiểu ra cô đơn không phải sự trừng phạt, mà là một
trạng thái tự nguyện có thể dẫn đến sự giải thoát trong tâm hồn. Thế nhưng, nó
là một nghịch lý, bởi nỗi buồn sâu thẳm tự đáy lòng không thể nào tan biến đi
được”.
Một điểm thú vị khác là nhân vật nữ trong
Phần III chính là đứa con gái bị thất lạc năm 3 tuổi của nhân vật nữ trong Phần
II. Khi cô con gái từ bên kia đại dương trở về và quyết định ở lại quê hương
tìm lại nguồn gốc, tìm lại người mẹ đã khuất và đã thất lạc không còn nhớ mặt
như một thôi thúc tìm kiếm quá khứ của bản thân để chính bản thân được an yên. Bởi
bản thân cô là một người có trạng thái bất định về tâm thần, thường mơ những giấc
mơ kinh khiếp và có những hành động điên rồ mất kiểm soát. Nhiều đoạn viết về mối
liên hệ xuất thần giữa hai mẹ con: “Tôi
có cảm tưởng mẹ tôi lúc nào cũng ôm ấp, vuốt ve và an ủi tôi. Ôi, tình thương của
mẹ, chẳng có gì quý báu hơn. Nhờ tình thương đó, tôi không còn mơ những giấc mơ
hãi hùng nữa.”
Thủy phủ ở phần này chính là ngôi đền thờ
người mẹ mà tín ngưỡng của dân làng nơi ấy đã dựng lên, cũng là sự gắn kết tình
mẹ con, tình bố con (dù chỉ là bố dượng). “
Em sẽ về sống trong ngôi đền thờ mẹ em ở Cống Liệp… Em sẽ trông nom ngôi đền và
ngày đêm ở cạnh mẹ em. Em chỉ ước ao chừng ấy”. […] “Hai người, một già một trẻ,
từ bãi cát níu nhau đi vào trong đất bằng hướng về phía ngôi đền le lói ánh đèn
trên mỏm đất cao” . Ở đây có cả sự gắn kết cuối cùng mới nhận ra giữa cô
gái và “gã nhà văn khi ông ta chết sớm vì bạo bệnh”. Hai kẻ thất lạc trong cõi trần, đến lúc chia tay ra đi không trở lại.
Ở ý nghĩa nào đó, tôi cũng ra đi như gã”. Nghe như cô gái ấy đã về thủy phủ
nương tựa nơi người mẹ và cả ở nơi người đàn ông của đời cô.
***
Toàn
bộ tiểu thuyết Đường về thủy phủ có vẻ
hơi nặng nề với những nỗi thống khổ của con người về thể xác lẫn tinh thần, những
cảnh giết chóc ghê rợn, ám ảnh, những cảnh nhục dục nhu cầu, những dằn vặt bản
thân như câu hỏi muôn đời “ta là ai, ta từ
đâu đến, ta đi về đâu”. Nhưng xuyên suốt tác phẩm vẫn là sự nhân bản thể hiện
qua những đoạn văn dạt dào tình cảm miêu tả cảnh đẹp quê hương, những địa danh,
những xóm làng nơi tác giả đi qua dù là hòa bình hay trong chiến tranh, những
trò tinh nghịch thuở thiếu thời, tình yêu đầu đời, tình bạn bè, tình thân và cuối
cùng nhắm đến vẫn là CHÂN-THIÊN-MỸ cho dù đó chỉ là hy vọng, là đốm lửa yếu ớt
trong đêm đen mịt mù… Con người vẫn sẽ hạnh phúc khi không đánh mất đi sự cảm
nhận CÁI ĐẸP của tình người trong kiếp sống này. Đó chính là sự cân bằng trong
tác phẩm cũng như sự cân bằng đời sống của chính tác giả: “Tôi vừa đạp xe vừa cố nhìn lần chót những hình ảnh của Hà Nội mà chẳng
biết bao giờ mới có dịp về nhìn lại. Hồ Hoàn Kiếm vẫn xanh biếc với tháp Rùa, cầu
Thê Húc, đình Trấn Ba. Đường Hoàng Gai, nơi bán đèn Trung Thu mà hằng năm mẹ
tôi dắt chị em tôi ra mua đèn về chơi. Trường nữ học Đồng Khánh với những tà áo
bay. Rồi vườn trại Ngọc Hà với chợ hoa những ngày cận Tết, những con ngõ nhỏ
như ngõ Phất Lộc, ngõ Cấm Chỉ phố Hàng Bông gần nhà, nơi tôi hay ngồi ăn quà buổi
sáng… Rồi năm Cửa Ô, cửa nào cũng có vết chân tôi…”
Và trong thời gian lưu lạc thuở thiếu thời,
nhân vật “Tôi” có con ngựa nhỏ đặt tên là Tiểu Thố, người và vật quý mến nhau một
cách đặc biệt và con ngựa nhỏ đã đưa nhân vật “Tôi” đi khắp vùng đồi núi Yên
Bái, nhìn ngắm những cảnh đẹp, những địa danh như cánh đồng Mường Lò, hồ Thác
Bà, thác Pú Nhu, Mù Cang Chải… nơi có những cánh rừng thưa, những thửa ruộng bậc
thang và tất nhiên những người Tày, người H’Mông chất phác. “Tôi gặp những người dân hiền lành, có những
cô gái môi má đỏ au như thoa son, trên người mặc quần áo thổ cẩm, thường là màu
đen có những hoa văn lạ mắt, đầu chít khăn màu hoa rừng, lưng đeo gùi mà họ gọi
là “lù kở”, nối đuôi nhau đi thành đoàn sáu, bảy cô trên con đường đồi gập ghềnh
uốn lượn, xa xa là cánh đồng màu vàng mượt mà, óng ả.”
THỦY PHỦ, một địa danh tín ngưỡng dân gian (nơi
ở của thủy thần dưới đáy biển, đáy sông – theo từ điển Chữ Nôm). Tiểu thuyết Đường về thủy phủ mượn địa danh ảo này để
ngụ ý sự trở về của con người, rửa sạch mọi đau khổ, mọi dơ bẩn chốn trần gian.
Tại sao không phải là địa phủ như bình thường nơi có thể là núi non trùng điệp,
cánh rừng thâm u, cánh đồng vô tận... mà lại là thủy phủ. Có lẽ tác giả mượn chữ
THỦY, ý nói đến sự gột rửa. Ở đây ta có thể liên tưởng đến nghi thức rửa tội của
Cơ đốc giáo bằng cách dìm mình hoặc ngâm mình xuống nước để sám hối tội lỗi, để
được ân sủng, cứu độ từ Đấng Tối Cao. Nói như thế để hiểu Thủy phủ ở đây là sự
trở về một cách thanh sạch, trong lành, nó không mang ý nghĩa là thiên đàng, mà
đơn giản chỉ là chốn BÌNH AN, là nơi con người được TÁI SINH.
Đỗ
Anh Hoa
5/9/2024