Sunday, August 25, 2024

3540. TRẦN HUIỀN ÂN Ve sầu và chuồn chuồn.

Ảnh: Trường Giang


Ông Song Thao là một người có tài viết. Bài nào của ông cũng hay. Nhân đọc bài nói về chuồn chuồn tôi liền nhớ lại những ngày thơ ấu.

Quê tôi, làng Vân Hòa, trên đỉnh cao nguyên của tỉnh Phú Yên.

Hồi đó, ở Vân Hòa mùa đông lạnh cóng, sáng dậy rửa mặt tê cả hai bàn tay. Đi ra ngoài run cầm cập, về nhà sà ngay vào bếp lửa dụm củi gộc luôn luôn đầy than hồng.

Mùa hè thì nắng dịu, gió nhẹ, mát mẻ vô cùng. Mờ mờ sáng tiếng chim tu hú gọi vang đánh thức. Giấc ngủ trưa chìm trong tiếng ve sầu dai dẳng… thật đã đời Vân Tiên.

Chúng tôi không bắt được ve sầu. Tụi nó ở đâu trên ngọn cây cao, có thể tưởng tượng tiếng ve sầu, và cả tiếng chim, là tiếng của lá vườn xanh biếc. Thỉnh thoảng chúng tôi có lượm được xác ve đã khô, cũng thích thú lắm. Hôm viếng di tích Lam Kinh (Thanh Hóa) nghe tiếng ve sầu lê thê não nuột buổi chiều, tôi nhớ… đã bao nhiêu năm mình không có buổi chiều ở làng quê. Trong một câu thơ ông Đinh Hùng gọi là “con ve hoài cổ”. Đúng vậy.

Chúng tôi cũng có những buổi chiều trời râm, chuồn chuồn cả bầy đông đảo, không biết cơ man bao nhiêu, bay lượn thấp cao, bay xuôi bay ngược. Tôi và người anh (lớn hơn hai tuổi) vui mừng reo ca theo lũ chuồn chuồn. Trong tập Huế, Đẹp và Thơ ông Nam Trân có bài tả cảnh chuồn chuồn bay lượn trên mặt hồ Tịnh Tâm.

Chúng tôi chỉ theo bắt những con chuồn chuồn đi lẻ. Lớn hơn hết là chuồn chuồn voi, thân hình màu xanh, có con đuôi đen. Đẹp hơn hết là chuồn chuồn mọi, thân đỏ đuôi đen. Nhỏ hơn là chuồn chuồn gạo màu xanh. Chuồn chuồn kim mỏng manh không được để ý đến.

Ngoài cách bắt chuồn chuồn phổ biến là rình phía sau, nhè nhẹ bước đến, dùng hai ngón tay nhíp vào đuôi chúng, có khi con chuồn chuồn voi co mình lại cắn, hơi đau đau… anh em tôi còn bắn chuồn chuồn và rập chuồn chuồn.

Bắn chuồn vào mùa cây bồ lới có trái. Súng là một đoạn ống tre trảy nhỏ, ngắn, đạn là trái bồ lời đang độ già. Nạp đạn vào lòng súng, dùng một cây chìa đẩy tới, đạn bay ra, phát một tiếng nổ nhỏ, có chút hơi nơi đầu súng, mùi thơm hăng hăng, coi đó là khói súng. Ngắm thật kỹ, đẩy mạnh một phát, súng nổ… nhưng khó mà ước lượng chính xác, mười lần bắn sẩy hơn chín, con chuồn chuồn bay lên, có khi đậu sang một chỗ gần. Bắn sẩy nhưng vẫn thích bắn hơn là rón rén thò tay bắt.

Rập chuồn chuồn bằng một cái vợt tự tạo. Mặt vợt hình tròn, bên trong là mạng nhện. “Rập”, là từ chúng tôi bắt chước việc rập chim rừng bằng lưới. Anh em tôi đi thơ thẩn ven hàng rào và nơi sân trồng hoa. Một đứa nhại tiếng chim cu gáy “gục cu cu … cu”, một đứa nói “tiếng chuồn chuồn … chuồn”. Thấy con chuồn chuồn chúng tôi giơ vợt phía trước, chờ nó bay lên, hoặc từ trên cao úp xuống, cho vướng vào mạng nhện. Dễ bắt chúng hơn là bắn, nhưng cũng không ít lần bị sẩy.

Bắt được chuồn chuồn chúng tôi dùng sợi chỉ dài buộc vào đuôi cho chúng bay lên, rồi kéo xuống, lại thả bay lên. Có khi chúng được “phóng thích” cho bay luôn, nhưng chắc khó sống vì đã bị hành hạ, thân thể bầm dập và vướng sợi chỉ sau đuôi. Con nào chết, chúng tôi đem chôn dưới gốc cây gấm, cây bông hường hoặc trong chậu trồng lá tranh tàu, hoa chi lan…

Anh tôi mất sớm, khi học hết lớp Nhì, còn một năm nữa thi Tiểu học. Tôi mất một người anh hết sức thương em và một người bạn hết sức thân tình. Cộng lại, mất một phần quan trọng của tuổi nhỏ hồn nhiên thơ mộng. Còn năm hôm nữa đến ngày tưởng niệm anh.

Cảm ơn ông Song Thao đã nhắc tôi nhớ lại quãng đời hơn 80 năm trước, trước năm 1945.

(25/8/2024)

TRẦN HUIỀN ÂN