Đài CBS đưa tin vào ngày thứ bảy 27/7 vừa qua, tại bãi
biển Miaquamicut ở Westerley, tiểu bang
Rhode Island, chuồn chuồn đã tập kích những người tắm biển. Video ghi lại cho thấy nhiều người đã phải lấy khăn tắm trùm người lại
để tránh nạn chuồn chuồn. Một người phát biểu: “Tôi hơi sợ. Tận thế chăng?”.
Ông Mark Stickney nói với đài truyền hình WBZ: khi ông tới bãi biển vào lúc 11
giờ sáng thì chuồn chuồn đã bay khắp bốn phía. Tới 1 giờ trưa thì chuồn chuồn tụ
lại đông như hội. Ông nói: “Có lẽ có cả hàng trăm ngàn con chuồn chuồn. Rất kỳ
lạ!”. Mọi người ngồi chịu trận. Chuồn chuồn không làm phiền ai. Một chuyên viên
nghiên cứu về chuồn chuồn, bà Ginger Brown ở Rhode Island, khuyên mọi người đừng
sợ hãi vì chuồn chuồn nhìn rất rõ, không bay trúng vào người đâu.
Vậy là trong năm nay, hai bạn ngày nhỏ của tôi là ve sầu
và chuồn chuồn đã đại náo nước Mỹ. Gọi là bạn kể cũng hơi khiên cưỡng vì các bạn
này thường bị chúng tôi bắt nạt tận tình. Chuyện từ ngày nhỏ nhưng tới chừ, khi
không còn nhỏ nữa, chúng vẫn bám víu vào ký ức. Trong truyện ngắn “Tìm Về” ghi
lại ngày tôi trở về Hà Nội, nửa thế kỷ sau ngày vội vã bỏ đi, chuyện bắt nạt
này vẫn còn đậm trong trí óc tôi. “Tôi vẫn nhận ra cái ngã tư này. Hàng cây xanh trên đường Ngô Thời Nhiệm
vẫn đứng như vậy chờ tôi từ nửa thế kỷ trước. Từ con đường Trần Xuân Soạn chạy
ngang trước cửa nhà tôi quẹo trái là những bóng cây lực lưỡng hơn, nơi những
chú ve sầu họp nhau lại kêu ra rả suốt mùa hè. Bây giờ đang mùa đông, ve sầu vắng
bóng. Những con sâu tiền thân của ve chắc còn đang nằm im lìm dưới lòng đất chờ
tới đầu mùa hè sẽ nhích dần lên gốc cây để hóa thân. Những buổi tối chúng tôi tụ
tập thành từng nhóm, ánh đèn pin nhấp nhóa trên những thân cây xù xì, tranh
nhau chộp những thân sâu sắp biến hình thành ve, mang về cho bám trong mùng ngủ
để sáng dậy, cùng với ánh mặt trời chói chang, những chú ve sơ sinh đang chờ
khô cánh để cất vòng bay đầu đời. Những buổi tối đó, những Định, những Đường,
những Thuần, những Thanh, chúng tôi họp thành một nhóm sát ve, hồi hộp chụp từng
nạn nhân bỏ vào hộp”.
Chuyện
bắt ve sầu không chỉ xảy ra với những chú ve sắp lột xác mà chúng tôi còn dùng
nhựa dính cánh bắt những chú ve đang ca hát trên cây. Giờ nghĩ lại thấy tội cho
những anh bạn vô tội ngày nhỏ. Hình như chuyện ve sầu là chuyện nghịch ngợm của
con trai, con gái thích bắt bướm, bắt chuồn chuồn hơn.
Nói
vậy cũng không đúng. Nhà thơ Trần Mộng Tú, con gái chính gốc Hà Nội, cũng chơi
ve sầu như lũ con trai chúng tôi. Chị viết: “Ăn xong chúng tôi dắt nhau đi tìm ve sầu
ở những thân cây me trong bóng tối. Buổi tối ve sầu mùa hạ, chui ở
đất lên, bò lên các thân me, lột xác. Chúng tôi bắt những con chưa kịp
lột cho vào cái hộp (không) bánh bích quy đã mang theo sẵn, đó là những
con ve mới ngơ ngác bò lên khỏi mặt đất, mang về nhà. Thuở thơ dại
những trò chơi này là cả một thế giới thơ mộng và đầy hấp dẫn.
Chị em tôi mang hộp ve sầu vào giường ngủ, ban đêm những con ve này sẽ
chui ra bò lên màn, lột xác. Đêm chúng tôi đi vào giấc ngủ, thì ve
chui ra, lột xác xong bỏ lại những vệt dài nhựa thâm đen trên những
cánh màn tuyn trắng toát. Khi chúng tôi thức dậy nhìn thấy, chưa kịp
dụi mắt tìm mấy con ve, đã thấy mẹ đứng ở ngoài màn với cái chổi
phất trần trên tay. Chúng tôi chưa bị roi nào thì đã có bố đứng bên,
gỡ cái chổi ở tay mẹ mang đi, trong lúc những cái lông gà trên chổi
còn đang ngơ ngác”.
Tôi
có tuổi thơ sống tại một ngôi làng thuộc ngoại thành Hà Nội từ nhỏ tới năm 7 tuổi
khi bắt buộc phải tản cư. Khi trở về, gia đình tôi sống tại Hà Nội cho tới khi
di cư vào năm 1954. Ngày đó, tại quê nhà, gia đình tôi sống trong một cơ ngơi
có nhà trên nhà dưới, có vườn trồng rau trồng trái, và có một mảnh ao khá lớn để
nuôi cá. Chính tại bờ ao này chúng tôi làm bạn với chuồn chuồn.
Chuồn
chuồn đẻ trứng trên mặt nước hoặc trên cành, lá thủy sinh gần ao, hồ, các khu vực
ẩm ướt hoặc trong mô cácc ây mọc trên nước. Trứng nở thành tiền ấu trùng sống bằng
các chất dinh dưỡng có trong trứng. Sau đó tiền ấu trùng lột xác khoảng từ 9 tới 14 lần để biến thành
thiếu trùng sống bằng cách ăn thịt các loài sinh vật sống trong nước, kể cả những
chú cá con. Chúng hô hấp bằng mang. Thiếu trùng tiếp tục lột xác và biến thành
loài biết bay nhưng vẫn chưa có màu sắc. Những côn trùng này sau đó biến thành
các con chuồn chuồn trưởng thành có khả năng sinh sản. Con đực có một cơ quan nằm
gần phía sau của ngực, bên trong có chứa túi tinh. Chúng giao cấu bằng cách
dùng các móc nằm ở phía đuôi của thân bụng con đực để giữ con cái ở phía sau đầu.
Con cái uốn cong thân bụng về phía trước để đón cơ quan giao cấu của con đực và
nhận tinh.
Hồi
nhỏ chúng tôi dĩ nhiên không biết chuyện vòng đời của chuồn chuồn. Mà cũng chằng
biết làm chi, chỉ tò mò nhìn chúng cong đuôi nối vào nhau như một hoạt cảnh lý
thú của tuổi chưa biết chuyện…người lớn. Chúng tôi cũng chẳng biết chuồn chuồn
ăn chi để sống. Cứ nghĩ chúng cũng ăn chay như ve sầu, dế bạn thân của chúng
tôi hồi đó. Nhưng chuồn chuồn là loài sát sinh và ăn thịt sâu bọ, ruồi muỗi,
ong kiến và cả bướm. Vì vậy chúng là loài biết bay có ích cho việc trồng trọt. Chuồn
chuồn là thú chơi của con gái, con trai chúng tôi chê. Nếu có bắt chuồn chuồn
là để làm quà tặng cho vài bạn gái, loài mà chúng tôi thích nhưng chưa biết
công dụng. Con gái hay bắt chuồn chuồn và chúng tôi là những kẻ phá đám. Khi thấy
một cô nàng rình sau một con chuồn chuồn đang đậu trên nhánh cây, chúng tôi gây
tiếng động cho chuồn chuồn bay đi bằng cách gào to câu đồng dao: “Chuồn chuồn có cánh thì bay / Có thằng kẻ
trộm bắt mày đi tu”. Tiện miệng thì đọc vanh vách như thế, còn sao dọa chuồn
chuồn đi tu thì bù trất không hiểu. Giờ nghĩ lại mới thấy câu đồng dao này có
lý. Chuồn chuồn là một loài săn bắt mồi và ăn thịt, dọa bắt đi tu sợ là phải!
Bắt
chuồn chuồn không phải là việc dễ dàng. Chúng có đôi mắt bự thù lù che gần hết
cái đầu cũng rất bự so với thân hình. Theo quán tính chúng tôi thường nhẹ nhàng
tiến tới phía sau của chuồn chuồn để tóm cổ chúng. Cũng như muốn hù dọa một tên
bạn thì cứ phía sau tiến tới. Người ta đâu có mắt sau lưng để nhìn về phía sau
được. Cho tới bây giờ, đọc các tài liệu nghiên cứu mới thấy mắt chuồn chuồn
khác với mắt người. Cái đầu to bự của chuồn chuồn là tổng hợp của một hệ thống
mắt khổng lồ với 30 ngàn khía cạnh độc đáo, mỗi khía cạnh cho thông tin về môi
trường chung quanh. Chuồn chuồn có tầm nhìn 360 độ khiến chúng dễ dàng theo dõi
mồi và di chuyển linh hoạt. Nhưng nhìn quanh rõ ràng như vậy, chuồn chuồn vẫn
có một điểm mù phía sau chúng. Vậy thì việc len lén tới phía sau chuồn chuồn để
dùng hai ngón cái và ngón trỏ kẹp cánh của nó là đúng bài bản. Làm đúng nhưng ngày đó chúng
tôi có biết chi mô về mắt chuồn chuồn đâu.
Ngoài
cặp mắt đặc biệt, chuồn chuồn còn có cặp chân có thể bắt mồi dễ dàng trong khi
bay. Hệ gân cánh của chúng rất dày, nhiều gân gạch ngang chằng chịt, phức tạp,
tuy nhìn vào thấy trong suốt. Cuối bờ trước của cánh thường có mắt cánh là bộ
phận điều chỉnh triệt tiêu rung động cơ học, bảo đảm cho cánh vững chắc. Phần
thân bụng dài. Miệng kiểu nghiền, chân mảnh hướng về phía trước. Râu nhỏ, có
hai đốt và một lông nhỏ dài. Khả năng săn mồi và xé xác mồi của chuồn chuồn là
hết xảy. Phải nói là chuyên nghiệp. Chuồn chuồn dùng chân làm thành một cái túi
để nhốt chặt con mồi, dùng hàm răng để
xé toạc cánh con mồi ngăn chặn không cho con mồi bay thoát và nhậu mồi ngay
trên không. Chuồn chuồn còn lợi hại hơn trong việc săn con mồi bay trên không
gian nhờ khả năng đánh giá tốc độ và quỹ đạo của con mồi. Chúng có thể nhanh
chóng điều chỉnh hướng bay và thực hiện chiến thuật chặn đứng. Nhờ vậy mà tỷ lệ
thành công trong cuộc săn mồi của chuốn chuồn lên tới 95%.
Tại
Việt Nam có khoảng 500 loại chuồn chuồn. Nói vậy biết vậy, đối với chúng tôi chỉ
biết có chuồn chuồn ngô lớn nhất và chuồn chuồn kim nhỏ nhất. Ngoài ra có chuồn
chuồn ớt, toàn thân đỏ như trái ớt nhỏ. Chuồn chuồn ngô là thứ chúng tôi rình bắt
nhiều nhất vì nó bự con, bắt được thấy đã tay hơn. Chúng còn có công dụng đã trở
thành huyền thoại mà bất cứ đứa trẻ nào cũng đã trải qua. Nghĩ lại thấy cha nào
bày đặt ra chuyện này thiệt ác ôn. Miệng chuồn chuồn chuyên ăn thịt các loại
côn trùng khác, khi được dí vào rốn, nó thi hành nhiệm vụ liền. Tôi nhớ lần dí
cái miệng con chuồn chuồn vào rốn. Đau chết cha! Vậy mà trăm tên con nít chẳng có
tên nào thoát khỏi. Ngày xưa đã có hệ thống tuyên truyền tung fake news hữu hiệu như vậy chăng? Chẳng
vậy mà có câu đồng dao: “Chuồn chuồn cắn
rốn, bốn ngày biết bơi”.
Chuồn
chuồn với chúng tôi là thứ để chọc phá, hành hạ. Không biết thuở ấu thời các bạn
có giống tôi, bắt chuồn chuồn, lấy cây tăm nhét vào đuôi, thả cho bay là là
không cất cánh lên cao được. Như một chiếc máy bay hỏng động cơ. Bây giờ muốn tạ
lỗi với chuồn chuốn vì biết chuồn chuồn là loài có ích cho nghề nông. Ngoài
chuyện bắt sâu bọ tàn phá mùa màng, chuồn chuồn còn là đài thiên văn của nông
dân. “Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay
thì bão”. Hoặc: “Chuồn chuồn bay thấp
trời mưa / Bay cao trời nắng, bay vừa trời râm”.
Tuổi
thơ của những đứa trẻ sống trong vùng nông thôn thế nào cũng có chuồn chuồn
dính vào. Tôi tưởng chuyện bắt chuồn chuồn của tôi là cách duy nhất để tóm được
chúng. Nhưng có những cao nhân hơn tôi. Tác giả Nguyễn Quốc Vương cho biết: “Muốn bắt được chuồn chuồn phải rón rén đi
thật nhẹ, thò tay ra phía trước, dùng ngón trỏ và ngón cái làm kẹp túm lấy đuôi
chúng. Khi tóm được chúng giãy dụa vẫy cánh kêu xè xè nhưng không thể nào thoát
được. Có một cách nữa là dùng sợi chỉ hay sợi tóc dài buộc một con ruồi vào một
đầu để… câu. Bố thường dứt lấy một sợi tóc trên đầu bà nội để làm dây câu như
thế. Thấy chuồn chuồn đậu ở đâu thì cuốn một đầu sợi tóc vào tay, rồi rung cho
con ruồi ở đầu kia nhảy nhót trước mặt nó. Chuồn ta háu ăn lao tới ngoạm con ruồi
thế là dính bẫy. Câu chuồn chuồn thì không có lưỡi câu nhưng vì háu ăn nó cứ ngậm
chặt lấy con mồi không chịu nhả thế là bị tóm. Thường câu được nhất là chuồn
chuồn bà già, loại chuồn chuồn có màu xanh đen bay ở tầm cao vừa phải. Chuồn
chuồn ớt thì đẹp nhưng lành, ít khi săn mồi táo tợn. Muốn bắt nó phải dùng vợt
hay một que dài một đầu có cục nhựa mít đã nhào kĩ. Cục nhựa đó mà chạm vào
cánh thì có bay đằng trời! Khó bắt nhưng bắt được nó rất thích. Chỉ cần nhìn
chuồn chuồn chúa thôi đã thích vì nó đích thực là vua chúa hay ít nhất cũng là
dũng sĩ với cái đầu lớn, hai mắt sáng long lanh như gương, bộ ngực nở, cái đuôi
có bánh lái lớn. Bố không bao giờ bắt chuồn chuồn tương và chuồn chuồn ma. Bắt
chúng quá dễ nhưng chúng quá xấu và yếu. Chúng chỉ bay được quanh quẩn dưới mặt
đất”.
Cao
thủ võ lâm trong việc bắt nạt chuồn chuồn cỡ tác giả Nguyễn Quốc Vương tôi đã bái
phục nhưng tôi còn tìm ra một cao thủ khác. Đó là tác giả Hà Hải. Chúng ta hãy
nghe kể: “Loại chuồn chuồn ngô thường nhỉnh hơn các loại
chuồn chuồn khác. Có con to "đại tướng" bằng ngón tay cái bay lên bay
xuống chao liệng như máy bay, lâu rồi mới chịu hạ cánh đậu xuống đỉnh những cột
trụ ở đình, ở chùa, ở đỉnh tường hồi nhà xây trông có vẻ oai vệ, kiêu hãnh và
thách thức lũ trẻ đang ngước mắt nhìn lên. Ấy vậy mà nhiều khi lũ trẻ cũng
không chịu bó tay thất bại. Lũ trẻ tinh khôn tìm mọi cách trèo lên cao bằng
được rồi nối dài cánh tay bằng nhiều cách vươn tới con chuồn chuồn. Lũ trẻ
thường dùng nhựa mít bôi đầy vào đầu que có quấn dẻ rồi bất ngờ dính vào thân,
cánh con chuồn chuồn mà bắt. Mỗi lần bắt được những chú chuồn chuồn to như thế,
cả tốp năm sáu đứa trẻ túm tụm lại cùng reo vui, hoan hỉ. Chúng còn chơi trò
dùng sợi dây nhỏ buộc giấy màu vào một đầu còn đầu kia buộc vào đuôi con
chuồn chuồn rồi thả ra cho bay là là trên mặt sân trong tiếng hò reo cổ vũ của
nhiều đứa trẻ. Nếu chẳng may con chuồn chuồn kiệt sức mà chết, lũ trẻ tỏ vẻ vô
cùng thương tiếc, liền tổ chức ngay đám ma khá trịnh trọng để chôn cất cho chú
chuồn chuồn xấu số”.
Hành
hạ chuồn chuồn tới chết rồi làm đám ma cho chuồn chuồn, đó là chuyện con nít.
Cười đó, khóc đó. Nếu không vậy không phải là con nít!