Monday, August 12, 2024

3521. ĐÀO NHƯ Giấc mơ hồi hương

Ảnh minh họa - Nguồn: Freepik
                                     

Anh Phúc và gia đình qua Mỹ năm 1990 thuộc diện bảo lãnh. Anh và gia đình, vợ và ba con, được tái định cư ở tiểu bang New Mexico, tiểu bang thứ 49, tương đối đất mới, người thưa, rất tốt cho những người Mỹ trẻ đến đó để lâp nghiệp. Nhưng với anh Phúc lúc đó đã ngoài năm mươi. Ý nghĩ đầu tiên của anh là tạm sống ở đây một thời gian sau khi có thẻ thường trú, rồi sẽ tìm cách qua Cali sống có bạn bè và cộng đồng người Việt.

Anh đâu có ngờ, chỉ trong một thoáng mà tiểu bang New Mexico cầm chân gia đình ở đấy gần 3 năm. Sau 18 tháng đầu, gia đình anh bị cắt welfare. Vợ anh mắc bịnh ung thư. Rốt cuộc anh và các con đã phải bỏ học tiếng Anh và chuyên môn, bung ra làm assembler để có bảo hiểm y tế cho gia đình. Nhưng rồi chị cũng qua đời, anh mất hết ý nghĩa của cuộc sống. Là một giáo sư dạy Triết ở trong nước, bây giờ nhìn lại thân phận tị nạn bèo bọt của mình và phần số hẩm hiu của vợ, anh thấy cuộc đời này thật ngắn ngủi và vô định

 Cuối năm 1994, bốn cha con, cùng lọ tro cốt của chị, chạy qua Cali kiếm sống và tìm sự giúp đỡ ít ra là tinh thần của cộng đồng Người Việt và bạn bè, những người bạn đã từng khắng khít với anh trong thời chiến, trong lao tù cải tạo. Nhưng sự đời không diễn ra như anh tưởng. Sau gần 20 năm xa cách, biết bao nước chảy qua cầu, bạn bè thân thích trước 1975, đôi khi gặp nhau trên đất lạ xứ người lại không nhìn ra nhau. May mà anh còn có nhóm học trò cũ trước 75, chẳng những nhìn ra anh, họ còn nhớ công ơn dạy dỗ của anh; có một số đến thăm anh và chía sẻ giúp đỡ cha con anh tìm job hay đăng ký bảo hiểm sức khỏe, tem phiếu thực phẩm trong khi chờ đợi có job. Điều này làm cho anh thấy được niềm an ủi. Một số hoc trò của anh, còn nhớ anh đã từng dạy dạy Piano, và anh đã đào tạo một số nhac sỹ Piano thành danh sau này. Họ đến tìm anh và yêu cầu anh day piano cho các con của họ. Anh được trả lương hậu hỉ và bằng cash. Nhờ thế anh có những năm tháng sống thoải mái với nghề gia sư về Piano, nhất là sau năm 2002, khi đó anh đã đuọc 65 tuổi, anh đã có quốc tich Mỹ anh lãnh tiền già và được cắp thẻ Medicaid.

Dòng đời của anh không vì thế mà yên bình trôi chảy mãi. Đến năm 1999, người con trai lớn của anh trong cơn khủng hoảng với vợ, anh chàng bỏ gia đinh vào chùa tu. Người con trai thứ của anh đi lấy vợ. Gia đình của nó là gia đình hạt nhân kiểu Mỹ. Người con gái út có chồng là kỹ sư điện toán, cũng là học trò cũ của anh. Họ đã có có hai mặt con. Thỉnh thoảng hai vợ chồng người con gái út đến thăm anh. Đó là niềm an ủi còn sót lại trong cuộc sống lưu vong của anh.

Sống trong tuổi già với bao nhiêu kỷ niệm đau thương chồng chất, anh hứng chịu  tất cả bịnh chứng của tuổi già: cao áp huyết, tiểu đường, phì đại tuyến tiền liệt... và cuối cùng anh bị stroke, liệt nửa người bên trái, vào năm 2008 khi tuổi đời vừa đúng 70. Thế giới của anh bây giờ chỉ còn lại chiếc xe lăn, laptop, IPhone.  Phòng anh ở theo chế độ housing, chinh phủ chi trả 90% tiền thuê phòng.  Anh từ bỏ nghề gia sư về piano. Anh rơi vào tình trạng trầm cảm, anh tìm đến các bác sĩ tâm thần để tư vấn và điều trị những hội chứng anxiety, panic disorders. Nguyên là giáo sư triết và tâm lý học anh biết tự kiềm chế mình trong những cơn khủng hoảng...

Ở tuổi 75, anh cam chịu sống trong Viện Dưỡng Lão dành cho người già tàn phế. Anh ở chung phòng với một người Mỹ gốc Mễ. Ông này có triệu chứng liệt vì stroke và thất ngữ, không nói được. Tuy trong phòng có 2 người nhiều lúc anh cảm thấy mình sống chỉ có một mình trong một thế giới câm nín. Từ phòng anh, nhìn xuống phía dưới lầu là một con sông rộng trải dài đến tận ngút ngàn. Bên kia trời là những đỉnh cao của dãy Rocky Mountains. Những khi chiều xuống, nhìn khói sóng trên sông anh nhớ nhà chi lạ, anh ngâm ngùi nhớ câu cổ thi Trung Quốc: "Nhật mộ hương quan hà xứ thị/Yên ba giang thượng sử nhân sầu..."(*)

Bây giờ anh bắt đầu sống với quá khứ, với những hoài niệm buồn vui lẫn lộn. Với cái LapTop qua Internet, email. facebook, anh tìm lại bạn bè thất lạc trong thời chiến tranh khốc liệt, thời hậu chiến đầy gian khổ. Anh đươc an ủi rất nhiều khi nhân đươc từ Facebook các bạn bè nhắc lại câu chuyện và hình ảnh thân yêu xưa cũ. Anh nhớ lại những lần được vợ thăm nuôi trong lao tù cải tạo, những lúc đó anh nhìn lọ tro cốt của chị anh rưng rưng nước mắt.

Anh vốn dĩ là Phật tử, măc đầu anh không qui y, không pháp danh, không ăn chay, toàn ăn mặn. Anh thường đọc kinh Cứu Khổ vào buổi sáng kể từ khi anh trở về từ lao tù hoc tập cải tạo. Anh nhớ lại tại một buổi thuyết trình tại Đai Học Văn Khoa Saigòn vào khoảng năm 1962, một giáo sư người Pháp, Michel Piclin, cho rằng đạo Phật là một triết hoc dạy ta sống với lòng vị tha. Đạo phật để sống chứ không phải để cầu, đạo Phật hướng dẫn chúng ta đi chứ không hứa đưa chúng ta tới đích. Khác với tôn giáo khác, đạo Phật không thừa nhận có Thượng Đế hay một đấng Siêu Quyền Lực như đấng Allah, có toàn năng chi phối đời sống của con người cũng như ban phát khen thưởng trừng phạt con người. GS Piclin thuyết giản: Không có Đức Phật tự sinh. Tất cả phải thông qua một quá trình tu tập rèn luyện đầy nghị lực với tất cả Bi-Trí-Dũng. Đức phật đã từng nói:"Ta là Phật đã thành-Chúng sinh là Phật sắp thành". Và GS. Michel Piclin đi đến kết luận gây sốc mọi kháng thính giả: "Đạo Phật Vô thần". Dù sao buổi thuyết trinh hôm ấy của GS. Michel Piclin đã để lại anh nhiều ấn tượng sâu sắc về Phật học.

    Trung tuần tháng 5 năm 2020, giữa mùa đại dich Covid-19, anh nhận được email của người em gái tên Hạnh từ Viêt Nam. Người em gái báo cho anh biết, các con của chị ấy đã nên gia thất, và ra ở riêng. Bây giờ chỉ còn có hai vợ chồng già ở trong một cái nhà khá rộng. Cô em gái của anh rất mong ngày hồi hương của anh. Nếu cần cô áy sẽ thuê một người chuyên chăm sóc người già tại tư gia để chăm sóc cho anh. Vợ chồng cô ấy chịu chi phí tất cho cuộc sống của anh tại quê nhà không có gì là gánh nặng tài chánh cho cho họ cả. Và cô ấy bảo anh tranh thủ trở về càng sớm càng tốt.

     Sự thật, đầu năm 2020, anh có nói chuyện với vợ chồng người con gái út của anh là anh muốn hồi hương. Người con gái của anh cũng cho anh hay viêc hồi hương của anh từ Viện  Dưỡng Lão về Viêt Nam trong thời đại dịch Covid-19 phải qua nhiều thủ tục khá rắc rối. Nhưng vợ chồng con sẽ cố gắng, trước hết là phải hỏi ý kiến của Cô Hạnh bên nhà. Nếu cô đồng ý tự nguyện chăm sóc ba ở tuổi già, sau đó con sẽ lo tiến hành thủ tục cho ba  hồi hương. Hy vọng khi đại dịch Covid-19 lắng xuống, ba có thể trở về nhà. Nói tới đây mặt người con gái út ràn rụa nước mắt. Anh nhìn lọ tro cốt của chị, anh nói, viêc đầu tiên khi ba về bên nhà là ba phải lo xây mộ phần cho mẹ con, sau đó khi nào ba chết các con nên nhớ đăt mộ phần của ba bên cạnh mộ phần mẹ con...

   Cuối tháng 7 vừa rồi, người con trai cả của anh, đến thăm anh tại Viện Dưỡng Lão. Khi găp anh người con trai trong bộ áo cà sa màu nâu sậm, chấp tay vái chào anh. Anh thật ngỡ ngàng khi gặp lại người con trai của mình sau hai mươi năm xa cách. Anh kéo con anh cúi xuống gần anh hơn. Anh không tin mình đang ôm vào lòng một vị chân tu. Người con ngồi bên cạnh chiếc xe lăn của cha, anh cầm tay cha, tỏ bày, con đến hầu thăm Ba khi được biết ba sẽ hồi hương trong nay mai. Con chúc ba bình an và được an lac nơi quê nhà. Các con ở Mỹ sẽ không bao giờ dám quên đươc công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ. Anh nhìn thẳng vào mắt con, anh bảo, ba thành khẩn cầu chúc những buổi lễ con ban sẽ có nhiều tín chúng đến tham dự lắng nghe con. Ba cũng không thể nào quên được nước Mỹ đã từng nuôi dưỡng gia đinh mình và bây giờ nước Mỹ vẫn tiếp tục cưu mang các con. Ba mong rằng các con hãy thương yêu và phụng sự nước Mỹ như tổ quốc của các con...

Ngoài kia nắng chiều vừa xuống. Trước khi nói lời từ giã với cha mình, vị chân tu đưa bằng hai tay cho cha chuỗi tràng hạt, và vị chân tu nghẹn ngào: thưa ba giử lấy chuỗi tràng hạt này, để khi nào ba có băn khoăn điều gì, một cơ duyên gì, xin ba cứ lần tràng hạt tinh thần ba có đủ tĩnh thức, và tâm hồn ba sẽ bình an. Anh đưa tay nhận chuỗi tràng hạt, cả hai cha con nhìn nhau trong suốt chiều sâu của tâm thức...

Từ chiếc xe lăn, anh nhìn theo bóng con khuất dần sau những vạt nắng, tay anh vô tình lần tràng hạt, anh băn khoăn sự tu tập của con sẽ đi tới đâu? Anh nghiêng tâm nghe lòng mình rung động trong nắng hoàng hôn.

 Đào Như

(*) Trích từ bai thơ Hoang Hạc Lâu của Thôi Hiệu - Nhà thơ Trung Quốc đời Đường

 Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buòn lòng ai...Tản Đà dịch