Tuesday, August 6, 2024

3516. Hoàng Kim Oanh GIẤC MƠ HOÀ BÌNH QUA CHÙM THƠ LUÂN HOÁN TRONG “THƠ MIỀN NAM TRONG THỜI CHIẾN” .


tôi đã đọc những bài thơ từ bên kia vĩ tuyến
những bài thơ của bè bạn bên này
những bài thơ từ hàng chục thế kỷ nay
không bay khỏi nỗi đau buồn u uất...

(Luân Hoán, Thi ca) 

Khổ thơ này là khổ đầu và cũng được lặp thành khổ cuối theo cấu trúc đầu cuối tương ứng của bài Thi ca, một trong những bài thơ được viết trước năm 1975 của thi sĩ Luân Hoán mà tình cờ tôi đọc được. Bài này không nằm trong chùm 6 bài thơ Luân Hoán được sưu tập trong Thơ miền Nam thời chiến mà tôi chọn làm ngữ liệu cho bài viết cuối năm 2022 này. Nhưng những dòng thơ rất giản dị tự nhiên kiểu diễn ngôn đời thường bỗng chạm vào vùng ký ức tưởng đã lãng quên. Câu chuyện bên này - bên kia vĩ tuyến những ngày bom rơi đạn nổ đã trở thành quá khứ lùi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng mấy ai từng đi qua lòng có thể dửng dưng? Cụm từ “bên kia vĩ tuyến” thoạt chỉ là một ký hiệu không gian địa lý song lại mở ra cả một cảm thức thời gian nhức nhối: những năm tháng đất nước cắt chia đôi bờ, những đau thương mất mát phần tư thế kỷ mà hôm nay nhìn lại vẫn là cơn ác mộng kinh hoàng của tuổi trẻ hai miền trên quê hương chúng ta. Và cũng những điệp khúc này đã thôi thúc tôi tìm lại những vần thơ Luân Hoán ngày ấy…

Góp mặt trong công trình giá trị có ý nghĩa đặc biệt gìn giữ di sản văn chương miền Nam Thơ miền Nam trong thời chiến (2 tập gồm 1610 trang với 407 tác giả) do Thư Ấn Quán, chủ trì là Trần Hoài Thư- Phạm Văn Nhàn sưu tập và xuất bản năm 2007 (tập 1), 2008 (tập 2), 6 bài thơ viết theo nhiều thể loại lục bát, thất ngôn, tự do… của nhà thơ Luân Hoán vừa mang đậm những nét chung của văn chương miền Nam 54-75: “tình tự, rất tự do, khai phóng, sáng tạo và nhân bản” (vừa ấn tượng bởi hiện thực thân phận chiến tranh, bi kịch tuổi trẻ, tình yêu… mà nhà thơ với tư cách một người trong cuộc đi qua đoạn đời mất mát đau thương bằng chính một phần thân thể gửi lại quê hương, hoà thành quê hương xứ sở …

Đó là:

(1) Nôi chiều (thơ lục bát)
         (2) Cuộc họp mặt đầu năm Kỷ Dậu (thơ tự do)
         (3) bàn giao cho bạn địa bàn/bàn giao cho bạn nghĩa trang vô tình (thơ thất ngôn)
         (4) Chuyến xe mùa xuân (thơ tự do)
         (5) Chiếc quan tài cho Trần Mỹ Lộc (thơ tự do)
         (6) Ghé thăm người tình cũ (tổng hợp 7,8,9… câu)

Sáu bài thơ này được sáng tác những năm nhà thơ còn rất trẻ, có lẽ là những năm hoa mộng đầu đời, bắt đầu khi chàng thư sinh vừa “xếp bút nghiên theo việc đao binh” (Chinh phụ ngâm). Chất lính ban đầu chưa thể hiện rõ mà đậm tâm hồn sầu mộng trong bài thơ 14 câu lục bát Nôi chiều, tác giả xếp vào loại Thơ tình. Thật ra, ngay trong bài gọi là thơ tình này tâm trạng nhà thơ “vẫn nặng tháng ngày đau thương” và bất lực. (Thơ miền Nam trong thời chiến, tr.326)

Trong tôi còn bấy nhiêu sầu

Nỡ nào vạch lá tìm sâu nữa người
Lời không nở nổi câu cười
Tôi làm sao hát ru người ngủ đây

            Song, có thể nhận diện cảm thức xót xa của diễn ngôn mất mát khá rõ nét trong thơ Luân Hoán ở các bài còn lại. Bắt đầu từ bài thứ (2) Cuộc họp mặt đầu năm Kỷ Dậu, 115 câu thơ tự do: ngắn đớn đau, thảng thốt, dài thống thiết ngậm ngùi cứ bật tuôn tràn bởi một tai hoạ chiến tranh ụp xuống: Luân Hoán - Lê Ngọc Châu “đã để lại cho quê hương chúng ta một ống chân trái vào ngày 25 tết vừa qua” (Kỷ Dậu). Trong đau đớn thể xác lẫn tinh thần, tiếng thơ Luân Hoán trào lên “những giọt lệ biếc”. Nhà thơ gọi tên từng người bạn trong bút nhóm Trước mặt-Quảng Ngãi: Khắc Minh, Trần Anh Lan, Vương Thanh, Hà Nguyên Thạch, Phan Nhự Thức… mà cùng khóc:

Hỡi toàn thể bạn bè
Những người tôi chưa hề biết tên quen mặt
Những người tôi từng bắt tay
Từng ôm nhau ngủ…
 

Ra khỏi bệnh viện trở về ngôi nhà có giàn hoa, có tổ chim se sẻ êm đềm, người lính ngang tàng trong anh chợt đắng lòng nhận ra sự thật phũ phàng bất lực:

Ôi những giọt nước mắt
Ta có khóc bao giờ đâu
Sao ta không nhìn được hai đứa mày
Sao ta cúi mặt
Hai bàn tay ta bận cầm nạng gỗ
Còn bàn tay nào để nắm tay nhau?
Còn bàn tay nào gạt trôi vết lệ?
 

Và đau đớn đến “không dám nhìn mái tóc bạc trên đầu mẹ già của Minh/đang run run mừng ta trở về”, đau đớn khi anh được bạn bè ân cần ái ngại. Trở lại nơi chốn thân thương, nghẹn ngào trước những tình thân bè bạn, chợt giọng thơ đột ngột thay đổi tức tối, căm giận như ý thức thân đời từ đây tàn phế:

ta muốn nói ta muốn tỏ tình ta muốn hét
ta muốn đi chỗ này
ta muốn lại chỗ kia 

thậm chí:

ta muốn ra chuồng heo
ta muốn ra giếng nước
ta muốn vào thăm cầu tiêu 

Những đại từ ‘ta” dõng dạc, những động từ “muốn” dồn dập, bức bách… Ôi, một ống chân quý giá mẹ tạo cha nâng giờ còn đâu? Còn đâu? Hiện thực quá phũ phàng nghiệt ngã, thậm chí những không gian tưởng vu vơ “chuồng heo, giếng nước, cầu tiêu”, cả nhu cầu sinh lý thường nhật nhỏ nhặt nhất ta cũng bất lực bó chân không sao tự đến được…, đời còn gì đáng sống? “Nhưng than ôi ta phải nằm đây/dĩa mứt cuối cùng để dành cho ta/những cái bánh cuối cùng để dành cho ta/ta đã nhai thật lâu thật nhỏ/mà nuốt vào vẫn nghẹn”. Bi quan, tủi hờn, mặc cảm, lẫn nghi ngờ bạn bè chung quanh “bố thí tình thương/hay chia nhau nỗi đau xót? Sau bao nhiêu nỗi niềm hoang mang đớn đau giằng xé, giận dữ…người lính đã kịp trấn tĩnh nhận thức thực trạng chính mình. Thương mình. Cảm động tình bạn quý giá. Những cung bậc tâm trạng rất thật được diễn đạt giản dị theo giọng kể làm bài thơ giàu tính tự sự như lời kể. Chàng khóc cho ống chân đã bị cối mìn huỷ hoại hay khóc cho thân phận tuổi trẻ mất mát đau thương trong lửa đạn quê hương tội tình. Ôi chiến tranh. Chàng còn trẻ. Rất trẻ. Quá trẻ. Mới là một sinh viên sĩ quan ra trường. Mới vừa nhận lon Thiếu uý. (trên được anh chuẩn uý trong đời binh nghiệp bị động viên dửng dưng cầm giấy gọi nhập ngũ song vẫn lên đường theo nghĩa vụ người trai thời chinh chiến.)

Diễm phúc duy nhất trên đời chàng vẫn còn có các bạn.

            Có những nỗi đau có thể khóc thành lời. Có những nỗi đau trở thành niềm ân hận. Bài thơ thứ 3 trong Thơ miền Nam trong thời chiến của Luân Hoán có nhan đề như hai câu lục bát Bàn giao cho bạn địa bàn. Bàn giao cho bạn nghĩa trang vô tình. Thơ Luân Hoàn không chút gì úp mở, cầu kỳ đánh đố người đọc mà dung dị như lời kể. 8 khổ thơ thất ngôn 32 dòng thơ là bố cục một câu chuyện buồn. Ba khổ đầu giới thiệu không gian đồn Đức Hải, thời gian 1 chuyến về phép bàn giao căn cứ cho bạn, và khổ 4 là tình huống dẫn đến sự hy sinh quá bất ngờ của bạn:

bạn mới ngả lưng lim dim mộng
cạc bin bảy chín lẫn A.K
trời xanh thăm thẳm hồn nhiên quá
phận số dành riêng mỗi chúng ta? 

Ngòi bút Luân Hoán tài tình ở chỗ lướt qua không dừng lại quá lâu miêu tả sự việc bi thảm. Chỉ liệt kê một loạt các loại súng. Không nghe tiếng nổ. Bạn ra đi khi vừa lim dim mộng. Chết mà không biết mình đã chết. Trời vẫn xanh thăm thẳm. Và bạn cũng ra đi hồn nhiên như đang say giấc mộng xuân… Người đi thật nhẹ nhàng. Tác giả không viết về cái chết nơi chiến trận mà viết về nỗi đau của sự ra đi ấy nơi Người ở lại. Tôi đọc đi đọc lại và rất thương khổ thơ dùng từ ngữ, hình ảnh đầy tính ẩn dụ này:

"ta trở lại đồn qua xóm cũ
rút colt bắn lẫy cái lu sành
nước tràn lu vỡ, trời, ta khóc
bóng bạn chập chờn đóm lệ xanh.

Bao nhiêu là dồn nén. Bao nhiêu là tự trách. Bắn “lẫy” là biết mình bắn vô cớ, cái lu sành hoàn toàn vô tội, nhưng giận quá, tức quá, thương quá, đau lòng quá không biết làm sao giải toả nỗi đau thương này. Trút giận xong, lu vỡ, nước tràn, trời, ta khóc. Chiếc lu, dòng nước mang tính ám dụ rất cao. Lu là vật chứa đựng, tích tụ. “Nước” trong Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới của Jean Chevalier và Jean Chevalier vừa là nguồn sống, cũng vừa là sự thanh tẩy, vừa là sự tái sinh. Tất cả giận thương ray rứt ùa theo dòng nước tràn, và cả dòng nước mắt tiếc thương vô hạn chứa “bóng bạn chập chờn đóm lệ xanh”. Tâm trạng cả đơn vị thật nặng nề. Tác giả cũng tự trách, tự phạt mình đến mơ hồ say tỉnh…

uống đi em út sao buồn vậy
hớp này đãi bạn hợp phạt ta
mực khô dai nhách? Ồ ngón út
máu rỉ hay là mắt ta hoa 

Khổ thơ cuối cùng là một diễn ngôn khắc khoải thể hiện tính thần phản kháng cái phi lý của chiến tranh bởi câu hỏi kết thúc bài thơ là cả một ẩn số tất yếu sẽ đến trong rủi may đời lính:

ngày mai nhổ trại lùng Đức Phụng
đến lượt ta hay đứa nào đây? 

Phi lý cứ phi lý. Chiến tranh là chiến tranh. chiếc quan tài cho Trần Mỹ Lộc cũng nằm trong đề tài những cái chết vội vàng của người đồng đội. Nếu ở bàn giao cho bạn địa bàn/bàn giao cho bạn nghĩa trang vô tình là nỗi dằn vặt tự trách số phận oái oăm vô tình để bạn ra đi, lẽ ra là định mệnh của mình, thì trong bài thứ 4, cảm xúc có phần gay gắt hơn khi cái phi lí được nhận thức cao hơn, đầy đủ hơn. Hãy nghe tiếng gọi bạn nức nở mà cũng thật chua chát:

Lộc, Lộc hỡi Lộc
mày chẳng còn biết
mày đã chết nơi nào trên quê hương
và viên đạn trên bàn tay nào đã bắn

(…)

mày chẳng còn biết gì
dù đã “anh dũng đền nợ nước”
tao gọi to và chưa kịp nghĩ ra
mày có nợ gì với Tổ quốc 

Người lính hy sinh cho Tổ quốc, bên này hay bên kia, bất kể, họ đều là những anh hùng. Như Sử thi Iliad của Homère, người chiến đấu vì quyền lợi cộng đồng dù thắng hay thua đều là anh hùng. Hector của thành Troy mặc dù thua sức mạnh Achille thần thánh và chết dưới ngọn giáo của Achille, nhưng dân thành Troy vẫn khóc thương và an táng Hector theo nghi lễ của một anh hùng. Ôi những người lính Việt Nam. Người ta tôn vinh. Người ta tán tụng. Ừ nhỉ, nhưng tình bạn trong Luân Hoán vẫn nức nở hồ nghi, uất ức “tao gọi to và chưa kịp nghĩ ra/mày có nợ gì với tổ quốc”. Ngày xưa, trong xã hội Nho giáo, người con trai khi sinh ra là đã mang “nợ tang bồng”, phải tận hiến tận trung để “đền ơn vua nợ nước”. Song, trong bi kịch đất nước mình, hôm nay, họ đã “chết thật tình cờ, không hẹn hò nằm chết như mơ” (TCS). Thật sự khắc khoải làm sao câu hỏi trong thơ Luân Hoán:

ôi Việt Nam
ôi cuộc chiến Việt Nam
chết thế nào là anh dũng? 

Cũng tâm cảm ấy, giữa phá Tam Giang lồng lộng, Tô Thuỳ Yên từng ví von:

Ta tự hỏi vì sao
(Còn ngươi, có bao giờ ngươi tự hỏi?)
Và ta tự trả lời
(Có bao giờ ngươi tự trả lời?)
Chúng ta khác nào cánh quạt phi cơ
Phải quạt, phải quạt
Chỉ vì nó phải quạt…

(Chiều trên Phá Tam Giang)[2] 

Trong lời Giới thiệu tập Thơ miền Nam trong thời chiến” (2007) nhà phê bình Đặng Tiến nhận định “khát vọng thiết thân của người lính chính là hoà bình”. Cho dù, cũng theo ông “Hòa bình là giấc mơ không tưởng, con người lúc ấy, như Nguyễn Bắc Sơn, chỉ dám mơ ngày ngưng chiến:

Mai kia trong những ngày ngưng chiến
ta chắc rằng không thể yêu ai
nhà thương điên nếu còn chỗ trống
xin chiếc giường cho xác tàn phai
(Thơ miền Nam trong thời chiến, tr.383)

Giấc-mơ-hoà-bình-không-tưởng ấy được Luân Hoán viết trong Chuyến xe mùa xuân bằng một giọng điệu khác. Như một tưởng tượng. Như một ước mơ. Chuyến xe đi tới hoà bình của ông đầy vội vàng, hớn hở, kiêu hãnh gọi tất cả bà con “ngồi thật gần nhau, thật sát vai nhau”. Niềm vui còn tràn cả trần xe, hai bên cửa xe và họ:

ngồi ngả ngồi nghiêng,
ngồi cười ngồi nói
ngồi thật đông ngồi cười tự do
không còn ai kiểm soát chúng ta 

        Cũng không còn ai “thu thẻ kiểm tra, lập danh sách”, không cần dậy sớm, về muộn không “lo quá giờ giới nghiêm” hay “cổng đường chưa mở” của cái thời ngột ngạt tự do bị o ép mọi lúc mọi nơi bởi lý do chiến tranh. Nghĩa là đất nước thanh bình. Nghĩa là nguời người tự do đến bên nhau, chiếc xe chở qua các ổ mìn cản ngăn đe dọa chết chóc rập rình. Những khát vọng nhỏ nhoi làm sao: được nhìn “cánh đồng có bóng người”, “thôn xóm có cơm thổi ấm áp”, “ăn suốt cả đêm không núp hầm”, “không tản cư lo sợ”…

Ôi bao giờ, bao giờ… Hoà bình ơi?

Diễn ngôn kháng cự cái chết, kháng cự những rào cản thép gai bom mìn chồng chất lên đầu cổ người dân được Luân Hoán thể hiện thật sảng khoái trong từng hình ảnh hiện thực đời sống.

chiếc xe là cuộc đời
hy vọng là cõi sống
tôi lăn tròn luôn luôn
lẽ nào không bắt gặp
một bóng cây hoà bình?

Hai câu cuối cùng của giấc mơ dài qua 79 câu thơ chợt bật lên lý do vì sao giọng thơ tràn trề lạc quan và khát khao hoà bình mạnh mẽ trào dâng như thế: Một sinh linh bé bỏng, một kết nối thế hệ tuyệt vời hay một vòng dây bi kịch oan trái tiếp tục mở ra cho đến đời đứa con trai sắp mở mắt chào đời:

ôi vợ tôi ở nhà
sắp sửa sinh con trai 

Hoà bình. Hoà bình. Tự do. Và sự sống tiếp nối. Bài thơ như một thanh âm rộn rã xoá tan đổ nát tang thương chết chóc bủa vậy…

Tôi cũng rất thú vị không thể không nhắc đến bài thơ thứ 5: Ghé thăm người tình cũ của Luân Hoán trong tập thơ này. Một bài thơ phá vỡ những thi pháp thể loại. Không phải thất ngôn, không phải ngũ ngôn cũng không thuộc lục bát, hay tự do. 9 khổ thơ với 36 dòng thơ câu 7 chữ, câu 8, câu 9 và có cả câu 10…lẫn lộn. Nhà thơ để mặc cho cảm xúc trào lên dẫn dắt ngòi bút theo kiểu thơ tự sự kể lại chuyện anh thương bình tình cờ trở về thăm người tình cũ. Chiến tranh sau khi làm tan nát đời anh thành thân tàn phế giờ lại chuyển hướng qua đổ những bất hạnh lên thân phận những người đàn bà. Một hiện thực khác ở hậu phương của người lính. Chồng em vừa mới hy sinh còn em trên hai tay hai đứa trẻ. Người tình cũ thương binh xót xa đời em, chỉ còn rót cho nhau chút lệ ấm tình người. Chất nhân văn đẫm trong từng câu chữ:

thôi đã trót đến đây rồi hãy rót
cho lòng nhau chút lệ ấm đi em
bàn chân trái ngày xưa em thường gối
giờ xin đời làm một quê hương 

Anh cô độc. Em cô đơn. Nhưng bất hạnh của định mệnh không quật ngã được họ. Khổ thơ cuối cùng đẹp kiêu hãnh làm sao và lồng lộng một trái tim nhân hậu, thuỷ chung đẹp đến xúc động:

hãy thắp sáng cho con em ngồi học
cho con tôi ngồi tập vẽ bản đồ
đừng có khóc tôi đi đây đừng có khóc
nạng gỗ sầu lóc cóc đường khuya.

Tôi nghe trong hồn âm vang tiếng nạng gỗ lóc cóc trên đường khuya Luân Hoán đã gõ vào niềm tin nơi tương lai của đất nước. Con em sẽ học thành người hữu dụng cho đất nước. Con tôi sẽ cùng chung tay vẽ lại sơn hà gấm vóc mai sau…

Đặng Tiến cho rằng: “thơ là một tâm thế, một cách ứng xử với đời, đa đoan và hạn hẹp, một lối quản lý thời gian, xử lý không gian, và phản ứng với nhân gian. Có lẽ ở đâu, thời nào, thơ đích thực cũng vậy thôi, nhưng tại Việt Nam, thời ấy nó là một bức bách của một thế hệ, nó vừa hiện hữu (existentiel), vừa thiết yếu (essentiel). (Lời giới thiệu, TMNTTC, tr, xv) 

Chiến tranh nào có gì vui. Gõ lại từng dòng thơ Luân Hoán trong tập này đúng là “như gõ vào chính tim mình những niềm đau buốt” (Trần Hoài Thư, dẫn theo Đặng Tiến). Nhưng tâm thế con người và giấc mơ hoà bình cho dẫu là không tưởng trong chiến tranh kinh hoàng của dân tộc ngày tháng ấy qua chùm thơ thấm đẫm nỗi đau và tình yêu dù đối mặt hiện thực binh lửa đau thương và những cái chết khốc liệt bao bạn bè đồng đội thân thiết của Luân Hoán trong Thơ miền Nam trong thời chiến đã cho chúng ta niềm tin ở con người và cái đẹp diệu kỳ của thiên lương.

 HOÀNG KIM OANH

Thị Nghè, 22.12.2022


[1] Trần Hoài Thư, 2007, Thơ miền Nam trong thời chiến, sưu tập, Thư ấn quán tái bản.

[2] Tô Thuỳ Yên, 2018, Tuyển tập thơ, tác giả giữ bản quyền, tr.97