HÀNH TRÌNH CỦA TẠP CHÍ BÁCH KHOA
Tạp chí Bách Khoa xuất bản tại Sài Gòn, ra số 1
- số đầu tiên - ngày 15 tháng 1 năm 1957, số cuối cùng là số 426 phát hành ngày
19 tháng 4 năm 1975, thời gian theo như ghi trên bìa 1 số 1 và trang 78, trang
cuối số cuối, là 18 năm 3 tháng 4 ngày.
Tên tạp chí –
Quan niệm của nhóm chủ trương
Tên chính từ
trước đến sau vẫn là BÁCH KHOA, nhưng qua từng chặng thăng trầm có ít nhiều chi
tiết “phụ đề” kèm theo.
Thay lời phi lộ, ở Bách Khoa số 1 có đoạn:
“… BÁCH
KHOA không có tham vọng vạch sẵn một đường lối, một chủ trương hoàn hảo,
nhưng có mục đích đóng góp một chút
công, một chút lòng thành cùng toàn thể trong công cuộc chấn hưng đất nước.
BÁCH KHOA hi vọng sẽ được sự giúp đỡ của mọi người về mọi ngành…” (BK-số 1/15-1-57/tr.1)
Trong “thay lời
phi lộ” ấy, Bách Khoa cho rằng kinh
nghiệm của người thợ cũng ích lợi như lý thuyết của một nhà khoa học, những nhận
xét mộc mạc và chính xác của người dân cày vẫn có giá trị cao quý; không cần phải cùng một tôn giáo, một
quan điểm chính trị, một tổ chức chặt chẽ… quan trọng là thiện chí, lòng thành
thật xây dựng và một ý niệm khiêm tốn. “Chủ
yếu là cùng một lòng “Nhân”, lòng thương người với đầy đủ ý nghĩa của nó…” (BK-số1/15-1-57/tr.2)
Do thời cuộc
thay đổi, do quyết định của các Bộ Thông tin và chính sách quản lý báo chí thời
ấy, Bách Khoa có các “phụ đề” như sau
đây.
Từ số 195
(15-12-1965) đổi thành BÁCH KHOA THỜI ĐẠI.
Hai chữ BACH
KHOA vẫn in lớn, hai chữ THỜI ĐẠI nhỏ, in bên dưới hay bên cạnh tên chính.
Tên phụ “Thời Đại”
chấm dứt ở số 312 (1-1-1970). Từ số 313-314 (15-1 và 1-2-1970) trở lại tên BACH
KHOA.
Do luật báo chí
mới, đến số 377 (15-9-1972) Bách Khoa không còn được hưởng quy chế tạp
chí xuất bản định kỳ.
Hai số 378
(1-10-1972) và 379 (15-10-1972) thành Đặc san BÁCH KHOA. Tên chính in như cũ,
hai chữ Đặc san in nhỏ.
Từ số 380
(1-11-1972) đến số cuối 426 (19-4-1972) là Giai phẩm BÁCH KHOA. Hai chữ Giai phẩm dù lớn hơn các chữ Thời Đại, Đặc san trước đây vẫn nhỏ hơn
nhiều so với hai chữ BACH KHOA.
Giai phẩm không
được ghi số, nên về sau Tòa soạn ghi các ký hiệu, bạn đọc nhìn đó hiểu được.
Mỗi số báo, sau trang Mục lục Trong
số này là trang giới thiệu Trong những
số tới.
Theo định kỳ bán nguyệt san, Bách Khoa xuất bản vào các ngày 1 và 15. Nhưng
không ít lần phải ra trễ hạn, nhất là về sau, do chờ đợi kiểm duyệt, ngày phát
hành có chênh lệch, nhưng tòa soạn và bạn đọc vẫn coi đó là số báo của ngày 1
và 15 hàng tháng.
Mỗi năm, đến kỳ “sinh nhật” (15 tháng 1) tạp chí Bách Khoa ra số đặc biệt kỉ niệm đệ … chu niên. Ngoài ra còn những
số đặc biệt khác, như số mùa Xuân, kỷ niệm
100 năm báo chí Việt Nam, đặc khảo về Đức Phật, về Nguyễn Du, về Phan
Chu Trinh…
Mỗi số báo thường khoảng 90 đến 100 trang. Tùy theo thời điểm có khi thấp
hơn hoặc vượt cao hơn.
Trong số kỉ niệm một năm, bài viết ở trang đầu Bách Khoa ghi nhận những ưu khuyết điểm về nội dung và hình thức do
bạn đọc nêu ra:
“… Những lời phê phán trên đây rất
xác đáng, Bách Khoa xin chân thành cảm ơn tất cả các bạn và ước mong số đặc biệt
ra mắt các bạn hôm nay sẽ chứng minh nỗ lực của Bách Khoa cải tiến về mọi mặt,
cũng như thiện chí của Bách Khoa tiếp nhận mọi ý kiến phê bình xây dựng, cố gắng
phát triển các ưu điểm, khắc phục lần lần các khuyết điểm, để đền đáp muôn một
thịnh tình của các bạn thân mến…” (BK-số 25+26/15-1-58/tr.2-3)
Trong số kỉ niệm
5 năm, Bách Khoa sơ kết số bài đã trình bày qua từng bộ môn, đề mục và xác nhận:
“…Tạp chí Bách Khoa là một diễn đàn rộng rãi,
sẵn sàng tiếp nhận mọi ý kiến xây dựng về chính trị, kinh tế, cũng như văn hóa,
xã hội…
Tạp chí Bách Khoa cũng chú trọng trình bầy những
vấn đề thời sự, phổ biến những kiến thức mới mẻ, giới thiệu những trào lưu tư
tưởng hiện đại, cung cấp những tài liệu có lợi ích mật thiết đến mọi tìm hiểu
cùng mọi khía cạnh đời sống hiện thời của bạn đọc, và cống hiến các bạn yêu văn
nghệ những sáng tác và dịch phẩm chọn lọc, cố gắng phản ảnh được nhiều xu hướng
nghệ thuật dị biệt ngày nay…” (BK-số
121/15-2-62/tr.1-2).
Trong số kỉ niệm
100 năm báo chí Việt Nam, Bách Khoa
“phác họa sơ lược những giai đoạn trưởng thành của báo chí nước nhà từ thời xuất
hiện đơn chiếc tờ Gia Định báo” và
nói về tâm sự người làm báo…
“… Qua
những bài về báo chí hôm qua, hôm nay, về kỷ niệm, tâm sự của người cầm bút, bạn
đọc cũng thấy được một vài phần những vui buồn, say mê, cam go của nghề làm
báo, của người ký giả xưa và nay. Có người bước vào làng báo để tìm tới công
danh sự nghiệp thì cũng có người quay lưng lại sự nghiệp công danh để tìm vào
đường ngôn luận, và hiện nay nếu có những người thiếu lương tâm đã làm ô danh
nghề nghiệp thì cũng có những người đã vì nghề nghiệp mà bị bắt bớ giam cầm, bị
gục ngã ngoài mặt trận, hoặc bị hạ sát chỉ vì không chịu khuất phục trước kẻ bạo
hành…” (BK-số 217/15-1-66/tr.3-4)
Trong số kỷ niệm
18 năm: “Bách Khoa đã bước sang năm thứ 19 bằng những bước thực là chật vật và
cực nhọc” vì giá giấy, chi phí ấn loát, mãi lực của bạn đọc giảm sút, và tất
nhiên do chiến cuộc.
“… Tuy nhiên vào ngày đầu năm dương lịch và cuối
năm âm lịch này, số Bách Khoa Xuân còn được xuất hiện để đến tay bạn đọc là do
sự ủng hộ nhiệt thành của quý bạn, dầu báo đã trở thành giai phẩm được 2 năm 4
tháng, xuất bản không kỳ hạn nhất định, và nhiều khi phải bỏ đi cả chục trang,
không chạy được. Nếu không có sự thông cảm và tin yêu bền bỉ của bạn đọc, nếu
không được sự giới thiệu và cổ động hồn nhiên của quý bạn thì chắc chắn Bách
Khoa không thể tồn tại đến hôm nay…” (BK-số
421-422/24-1-75/tr.9)
Trong số cuối
cùng, Bách Khoa nhắc đến tên từng tác
giả Miền Trung đã cộng tác nhiều năm, một cách thân tình.
Mỗi kỳ tạp chí
có thay đổi, thêm bớt vài tiểu mục, nhưng thường thường có ba phần chính với
các tiểu mục là:
-Biên khảo, nghị luận: Chính trị . Giáo dục
. Khoa học . Kinh tế tài chính . Văn hóa . Nghệ thuật . Ngôn ngữ . Sử địa . Tôn
giáo . Triết học . Tiểu sử danh nhân…
-Văn nghệ: Đàm thoại . Phỏng vấn. Tùy bút
. Hồi ký . Bút ký . Đoản văn . Truyện ngắn . Truyện dài . Thơ. Kịch. Điểm sách
. Giới thiệu sách…
-Sinh hoạt: Nếp sống nước ngoài . Thời sự
thế giới . Thời sự khoa học . Thời sự văn nghệ…
Quản nhiệm – Chủ
nhiệm – Chủ bút
Từ số 1
(15-1-1957) trang bìa 4 ghi:
Chủ nhiệm : HUỲNH VĂN LANG, hợp tác cùng các bạn
(kê đủ tên 28 người).
Đến số 195
(15-2-1965) ghi:
Chủ nhiệm: Sáng lập: Huỳnh Văn Lang
Quản nhiệm: Lê Ngộ Châu
Đến số 240
(1-1-1967) ghi: Chủ nhiệm: Lê Ngộ Châu.
Số 377
(14-9-1972) ghi:
Sáng lập: Huỳnh
Văn Lang – Hoàng Minh Tuynh
Chủ trương:
Lê Ngộ Châu
Từ số đặc san
378 (1-10-1972) đến số cuối cùng 426
(19-4-1975) ghi:
Chủ trương: Lê
Ngộ Châu.
Tên ông Lê Ngộ
Châu chính thức xuất hiện trên bìa báo và trang trong từ BÁCH KHOA THỜI ĐẠI số 195 (15-2-1965): Quản
nhiệm. Sau đó trải qua các vị trí: Chủ nhiệm, Chủ nhiệm + Chủ bút, Chủ trương.
Nhưng ông đã đóng vai trò trụ cột của tạp chí từ khi tòa soạn đặt tại 160 Phan
Đình Phùng.
Trong bài Gia đình Bách Khoa và một Lê Ngộ Châu khác
đăng trên Trang Văn học Nghệ thuật Phạm Cao Hoàng (tháng
7-2021), Bs nhà văn Ngô Thế Vinh viết:
“Từ năm 1958, ông Lê Ngộ Châu được giới thiệu với
Chủ nhiệm Huỳnh Văn Lang vào làm cho Bách Khoa như một Thư ký Tòa soạn. Trên thực
tế, từ đây Lê Ngộ Châu là người trực tiếp điều hành tờ Bách Khoa, cho dù Chủ
nhiệm Huỳnh Văn Lang vẫn đứng tên…”
Ngô Thế Vinh
còn cho biết nhiều người đồng thuận với nhận xét của ông:
“… Điều hành tờ Bách Khoa trong bấy nhiêu năm,
tuy anh Châu không có bài viết nào ký tên mình ngoài một bút danh chung “Bách
Khoa”, nhưng tất cả các bài vở gởi đến đều được anh Châu trân trọng đọc … Bài nào được chọn đăng đều có bút tích của
anh Lê Châu sửa lại cho hoàn chỉnh, anh không bao giờ nói ra điều đó với ai.
“…Với những tác giả mới, anh Lê Ngộ Châu có sự
nhạy bén phát hiện tài năng rồi cả gợi ý đề tài cho người viết. Anh Châu ẩn nhẫn
làm công việc tòa soạn bằng cái lòng chân thật yêu chữ nghĩa…”
Trong “Một chương hồi ký” (tác giả xuất bản năm
1999) ông Huỳnh Văn Lang viết:
“…Trong thời gian (làm Tổng Giám đốc Viện
Hối đoái 1955-63) tôi có dạy trường đại học
Sư phạm Sàigon, lập Hội Văn hóa Bình dân, mở trường Bách khoa Bình dân ở trường
Tôn-thọ-Tường, trước cửa rạp hát Đại-nam, và có chi nhánh nhiều nơi, như Chợ-lớn,
Gia-định, Mỹ-tho, Vĩnh-long, Bảo-lộc, Đà-lạt, Nha-trang và Huế, có lập và làm
chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Bách-khoa … Tôi có công khai sanh tạp chí Bách
khoa ra và nhứt là gìn giữ nó luôn luôn được đứng trong cương vị độc lập và tự
do tư tưởng, đang khi phần lớn báo chí khác đều nằm trong tay bồi bút của chế độ.
Nhưng công khó xây dựng Bách khoa cho trưởng thành là của anh Lê-ngộ-Châu.
Đương nhiên sự nghiệp văn hóa của anh phải lớn hơn tôi nhiều…” (tr. 61 và
361).
Tóm lại, người
sáng lập tạp chí Bách Khoa là ông Huỳnh
Văn Lang, người điều hành từ năm 1958 đến cuối cùng với danh nghĩa Quản nhiệm –
Chủ trương, làm cả công việc Chủ nhiệm, Chủ bút là ông Lê Ngộ Châu. Một số người,
trong đó có nhà văn từng cộng tác với Bách
Khoa, viết trên các trang mạng rằng ông Lê Ngộ Châu sáng lập tạp chí Bách Khoa là không đúng.
Ông HUỲNH VĂN
LANG sinh ngày 26-7-1922 (Nhâm Tuất). Quê quán: Trà Vinh. Gia đình địa chủ,
công giáo toàn tòng. Du học Pháp. Công chức thời đệ nhất Việt Nam Cộng hòa.
Giám đốc Viện Hối đoái. Qua đời ngày 12-3-2023 . Sách đã xuất bản được đọc nhiều:
Nhân chứng một chế độ - Chuyện đường rừng
(hồi ký).
Ông LÊ NGỘ CHÂU sinh ngày 30-12-1923 (Quý Hợi). Quê
quán: làng Phú Tài huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam. Nguyên Hiệu trưởng một Trung học
tư thục tại Hà Nội. Qua đời ngày 24-9-2006 (Bính Tuất) tại Sài Gòn. Những bài
ông viết trên Bách Khoa không ký tên, chỉ ghi: Bách Khoa.
Bài vở - Trình bày – Minh họa
Giai đoạn đầu không thấy tạp chí ghi tên những người phụ trách bài vở tại Tòa soạn, cho đến số 76 (1-3-1960) ở trang trong chỉ ghi địa chỉ tòa soạn vThư từ và bài vở xin gởi cho:
Tòa soạn Bách
Khoa
Hộp thư số 339
SaiGon.
Từ số 324
(1-7-1970) về sau ghi rõ hơn:
Thư ký Tòa soạn – Tòa soạn, hoặc Bài vở:
Tôn Thất Hàm
Tiền bạc: Nghiêm Ngọc Huân – Nguyễn Huy
Nhân
Như vậy, ngoài
bà Lê Ngộ Châu (Nghiêm Ngọc Huân) có 2 người trong Tòa soạn cùng lo việc thu nhận
bài vở và quản lý tiền bạc: Tôn Thất Hàm, Nguyễn Huy Nhân. Một người nữa là nhà
thơ Xuân Hiến trong thời gian đầu (khoảng 10 năm) phụ trách việc chọn thơ đăng.
Trình bày bìa:
Từ số đầu tiên đến số 381 (15-11-1972) hầu hết trang bìa đều trình bày đơn giản,
bên trên là hai chữ BACH KHOA (hoặc thêm THỜI ĐẠI, ĐẶC SAN), phần dưới là nền
màu mục lục tác giả và đề bài rồi số báo.
Chỉ những số đặc
biệt mới trình bày tranh vẽ và ghi tên họa sĩ.
Từ khi thành
giai phẩm thì mỗi kỳ đều có trình bày các tranh họa hay hình ảnh của các tác giả
nổi tiếng.
Các họa sĩ
trình bày và minh họa là: Phạm Tăng, Phạm Thăng, Văn Thanh, Diệp Đình, Lâm Triết,
Tạ Tỵ, Nghiêu Đề… với nhiều bức ảnh của Nguyễn Cao Đàm, Lại Hữu Đức, Võ An
Ninh, Nguyễn Khoa Lợi, Văn Kỉnh, Nguyễn Lưu…
Tòa soạn
Từ số 1
(15-1-1957): Tòa soạn đặt tại 55, Bà Huyện Thanh Quan, Phòng 42. Sài Gòn.
Từ số 6
(1-4-1957): Số 412-414 – đại lộ Trần Hưng Đạo, Sài Gòn.
Từ số 40
(1-9-1950) đến số cuối 426 (19-4-1975): Số 160, Phan Đình Phùng, Sài Gòn. (nay
là đường Nguyễn Đình Chiểu).
Khuôn khổ
Báo in khuôn khổ
16 x 24cm.
Đặc biệt có 3 số
vì không có giấy cỡ ấy, phải in khổ 14,5 x 21,5cm. Đó là 3 số: 231 (15-8-1966),
232 (1-9-1966) và 233 (15-9-1966).
Từ số 234 trở lại
khuôn khổ trước.
Nhà in
Từ số 1
(15-1-1957) in tại nhà in An Ninh (Maurice cũ), số 14 đường Nguyễn An Ninh, Sài
Gòn.
Từ số 16
(1-9-1957) nhà in Văn Hóa, số 412-414, đại lộ Trần Hưng Đạo, Sài Gòn. Trong đó,
số 25 + 26 (15-1-1958) nhà in Đông Nam Á, Sài Gòn.
Từ số 195
(15-2-1965) nhà in Tương Lai, số 133 đường Võ Tánh, Sài Gòn.
Từ số 332
(1-11-1970) đến số cuối cùng 426 (19-4-1975) nhà in Trí Đăng, số 21 đường Nguyễn
Thiện Thuật, Sài Gòn.
Nhuận bút – Báo
biếu
Mỗi bài đăng
trên tạp chí Bách Khoa đều được trả
nhuận bút kịp thời và có báo biếu (3 tháng). Các cộng tác viên thân tín, tức là
đã có bài đăng thường xuyên một thời gian, thì được nhận báo biếu thường xuyên,
riêng số tạp chí có bài đăng được tặng 2 bản. Về sau, nếu vì một lý do nào đó,
tác giả ấy không gởi bài đăng vẫn nhận được đầy đủ báo biếu.
Trong thời gian
này, ở Sài Gòn chỉ các nhật báo, tuần báo có thu nhập cao và một số tạp chí trả
nhuận bút sòng phẳng. Nhiều tạp chí, nhất là các tạp chí văn nghệ (và tạp chí
xuất bản tại các tỉnh) không được phân phối giấy in, số lượng phát hành ít, bị
lỗ, nợ nhà in, không có tiền trả nhuận bút, cộng tác viên gởi bài đăng vì tình
nghĩa, hoặc có một chút danh nho nhỏ, cho vui!
Giá báo – Số lượng
phát hành
Giá báo ban đầu,
từ số 1 (15-1-1957): mỗi số 8$
- công sở 10$ - mua dài hạn 6 tháng hay một năm được giảm xuống, thấp hơn. Theo
thời gian vật giá tăng nên giá báo cũng tăng: 10$, 12$, 15$, 20$, 25$, 30$,
40$, 50$, 70$, 80$, 100$, 120$, 150$, sau hết là 200$. Giá bán cho công sở vẫn
cao hơn.
Số lượng phát hành bình thường là 4.000 bản,
lúc thấp còn 3.000 bản, lúc cao nhất là 8.000 bản.
Việc kiểm duyệt
– Tịch thu
Giai đoạn đầu,
tạp chí Bách Khoa có những số không
ghi kiểm duyệt. Giai đoạn Bách Khoa Thời
Đại có ghi số ngày kiểm duyệt. Đến giai
phẩm Bách Khoa ghi số kiểm duyệt và ngày phát hành.
Những đoạn, những
bài bị kiểm duyệt bỏ không được in Tòa soạn phải làm như (một số trường hợp nêu
ra) sau đây.
Vì báo sắp chữ
nên những chỗ ấy thợ in rút các chữ chì lên rồi quay ngược lại. Phần bị kiểm
duyệt thành một mảng dài những hàng đen, trông không đẹp mắt chút nào. Như bài Luật lệ báo chí của Trần Thúc Linh trên Bách Khoa Thời Đại số 217 (15-1-1966) bị
kiểm duyệt 4 dòng đầu cột 2 trang 85, 9 dòng giữa cột 1 trang 86 và 6 dòng giữa
cột 2 trang 86.
Cũng trong số
báo này, bài Những đêm dài nhất ở Tòa soạn
của Vũ Dũng bị bỏ trọn, để trống 2 trang 139 – 140. Bài của Chu Tử, Thương Sinh
cũng bị bỏ mấy dòng.
Về sau, các nhật
báo phải cho vào chỗ ấy mấy chữ “Tự ý đục bỏ”. Các tạp chí thì thường đưa vào một
hình vẽ vô thưởng vô phạt “coi như minh họa” hoặc in khít lại, không được để trống.
Số 391
(11-5-1973) bài Bài học xứ Lào: Chiến
tranh và hòa bình của Phạm Việt Châu nhiều chỗ ở các trang 9, 10, 11, 12,
13 tránh không chừa trống phải đưa vào các tranh vẽ nho nhỏ “coi như minh họa”.
Số 402-403
(11-1-1974) bài thơ Tết đến Hòa Bình với
Đỗ Chu Thăng của Trần Huiền Ân trang 128 bị kiểm duyệt bỏ mấy khổ đầu, phần
bị bỏ chỉ được thay bằng một hàng dấu chấm.
Có khi bài bên
trong bị rút bỏ nhưng Tòa soạn vẫn giữ đầu đề ở mục lục ngoài bìa. Như số 393
(23-6-1973) bài của Phạm Lương Giang chỉ còn tên tác giả nơi mục lục, không có
đề bài, số 394 (14-7-1973) bài thơ Những
dãy hành lang buồn bã của Mang Viên Long thì có tên bài và tác giả, bên
trong không có.
Bách Khoa có một
lần bị tịch thu là số 359 (15-12-1971) đăng bài “Truyện Tàu thế kỉ 20: Tể tướng
Chu Ân Lai” của Như Phong. Trước khi có lệnh tịch thu Tòa soạn đã gởi biếu
các cộng tác viên nên số báo ấy vẫn được lưu hành, tuy có phần hạn chế - từ các
cộng tác viên phổ biến ra.
MỘT GÓC NHÌN
Tạp chí Bách
Khoa có một nội dung phong phú gồm các tiết mục như có nêu ở đoạn trên. Trong
đó, có một số bài biên khảo, nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian, phong tục, lễ
hội, các nghề trong đời sống dân chúng thôn quê và miền biển, các sắc tộc thiểu
số…
Số bài trong thể
loại này không được nhiều, tòa soạn không đặt ra một mục thường xuyên, hay một
lệ, vào những lúc nào thì phải đăng bài. Không được nhiều, nhưng không phải là
ít. Các tạp chí khác như Văn, Văn Học, Giữ
thơm quê mẹ… thì chuyên về sáng tác, phê bình, giới thiệu tác phẩm, tạp chí
Quê Hương chuyên về lãnh vực chính trị,
tạp chí Chỉ Đạo chỉ dành một số trang
có hạn cho sáng tác, hai tạp chí Phổ
Thông và Thời Nay cũng đa diện, Phổ Thông chú ý các vấn đề văn hóa, giáo
dục, Thời Nay chú ý các vấn đề khoa học
tân tiến, nhưng nói thật lòng thì cả hai chưa có tác động trong quần chúng độc
giả bằng Bách Khoa.
Trong một bài
phiếm luận Đầu năm xông đất trên giai
phẩm Văn Hóa Ngày Nay số Xuân năm
1960 tác giả Duy Lam gọi đùa tạp chí Bách
Khoa là Trăm Khoa, ngầm chê có phần
ôm đồm, trăm khoa mà không có một mục đích. Duy Lam đã “hư cấu” câu trả lời của
người chủ trương tạp chí Trăm Khoa vào
dịp đầu Xuân: “Báo chúng tôi chỉ là báo trăm
khoa, nghĩa là cái gì cũng có, cũng đả động tới, nhưng chúng tôi không có mục
đích”.
Thật ra, mục
đích của Bách Khoa đã nêu rõ trong Lời nói đầu và mỗi kỳ kỷ niệm chu niên.
Phần những trang trước của Bách Khoa
là bình luận các vấn đề chính trị, thế giới, nghiên cứu văn học, giáo dục, phần
những trang sau là sáng tác, sinh hoạt, có một giai đoạn theo sự bắt buộc phải
đăng “tin tức 15 ngày qua” nữa. Bách Khoa
là tạp chí có tuổi thọ lâu nhất ở Miền Nam (1957-1975).
Bằng sự điều
hành khéo léo ông Lê Ngộ Châu đã mời gọi được sự cộng tác của các bậc trí thức
lão thành, các học giả uyên bác, cũng như những cây bút trẻ năng nổ, linh hoạt,
để tạo ra một nội dung phong phú, được mọi giới bạn đọc yêu chuộng. Số bài
nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa, văn nghệ dân gian, so sánh theo tỷ lệ không phải
là ít.
Phần nghiên cứu
có tính cách tổng quát về văn nghệ dân gian Miền Nam, đã ghi nhận những nét
nhìn chân xác. Văn nghệ dân gian Miền Nam bắt đầu từ “ngã rẽ Nguyễn Hoàng”, khi
cõi Nam Hà được lập thành riêng núi riêng sông. Định lại giá trị văn học không
có nghĩa là trao cho nó một huy chương cổ điển để rồi nó chết lạnh ở đó. Cho đến
hôm nay, những người sưu tầm nghiên cứu văn nghệ dân gian Miền Nam vẫn đang tiếp
tục công việc với những điều kiện thuận lợi hơn trước rất nhiều. Văn nghệ dân
gian Miền Nam được phổ biến qua truyền khẩu: nói/đọc, và người thưởng thức, cảm nhận bắng cách nghe chứ không phải xem.
Do việc truyền
khẩu, các tác phẩm được đại chúng hóa, vượt qua giới hạn bản quyền cá nhân, ai
cũng có thể trình diễn (nói/hô/hò…) và có thể tự động thay đổi, thêm bớt năm ba
từ cho hợp với hoàn cảnh thực tế. Điều đó, một mặt thể hiện tình cảm phóng
khoáng của người dân Miền Nam, không chấp nhất, không câu nệ, vui sống cùng
nhau một cách thoải mái.
Một điểm quan
trọng trong văn nghệ dân gian Miền Nam là ý thức phản kháng, chống lại các thế
lực thực dân và tà quyền. Trong các sáng tác, cụ thể là các bổn thơ, một số là
phóng tác, hư cấu dựa theo truyện xưa tích cũ để nói, một số là chuyện thời sự
đương đại, việc thật, người thật. Những tác phẩm này đưa ra lời khen với các bậc
trung nghĩa, cả những tay anh chị thảo khấu hảo hớn, miễn là có gan chống đối
các thế lực thống trị, không kể nguyên nhân chống đối là vì cộng đồng hay cá
nhân, đồng thời chê những kẻ ham danh lợi, dua nịnh theo Tây để trục lợi giàu
sang.
Những bài về
dân ca, nhạc cụ… trong phạm vi một bài báo, các tác giả chỉ có những nhận định
khái quát, không thể đi sâu vào chuyên môn. Tuy nhiên các tác giả cũng đã có những
trao đổi về hát chèo, hát quan họ, hát trống quân, nguồn gốc câu vọng cổ… cùng
làm sáng tỏ thêm vấn đề đang được quan tâm, cũng như đề cao tính cộng đồng
trong việc biểu diễn và mong mỏi các hình thức dân ca được phổ biến rộng rãi để
đáp ứng đúng tính truyền thống của nó.
Những bài về Đất
Nước – Quê Hương do các tác giả sinh trưởng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, vì hoàn cảnh
phải cách xa nên gởi gắm vào những dòng chữ, những trang viết tình thương nhớ
làng xóm thân yêu thật sâu đậm. Đồng thời, giúp cho bạn đọc Miền Nam biết được
nhiều hội hè mùa Xuân Miền Bắc với các phong tục khác lạ mang đậm tính luyến ái
và tính chiến đấu.
Cũng trong phần
này, bạn đọc biết được những phiên chợ Tết đặc biệt trong cả nước, đôi nét về sự
thay đổi y phục theo thời gian, cũng như nguồn gốc một số địa danh thuộc Nam Bộ.
Bên cạnh đó, loạt bài về tục thờ cúng của ngư phủ Khánh Hòa gây ra nỗi bàng
hoàng xúc động dù sự việc tàn ác của một số chủ mành không còn nữa.
Một số tác giả
khai thác ca dao, hò vè nói về hội ngộ, giao kết và hôn nhân ở Miền Nam, cùng
các giai thoại vui vui trong giới bình dân. Một số bài viết đăng trong các kỳ
báo Xuân, chuyện các con giáp: con chuột, con trâu, con chó, con heo để bạn đọc
“thư giãn”, chuyện nuôi sâu độc từ râu cọp, chuyện chữa bệnh cho voi… cho thấy
hủ tục một thời, đặc biệt là qua đó biết phần nào tình hình Đông Dương đầu thập
niên 1940 và mánh lới đặc biệt của bọn buôn lậu xuyên quốc gia đã dùng voi
thông minh làm phương tiện vận chuyển, tránh mắt quan thuế.
Dấu ấn của văn
chương bình dân trong văn chương bác học được dẫn ra một cách cụ thể, so sánh một
số câu trong truyện Kiều, truyện Trinh Thử lấy văn liệu từ ca dao, tục ngữ. Câu
chuyện Thằng Bờm với cái quạt mo chưa bị lãng quên. Vấn đề ngôn ngữ địa phương,
cách phát âm theo Miền Nam, cách viết quốc ngữ bị cho là sai v.v… Tri thức dân
gian trong nghề nghiệp, như việc dùng trái mặc nưa nhuộm vải mỹ a tạo thành một
món hàng đặc sản giá trị… rất nhiều từ ngữ liên quan đến chài lưới, và tên các
loại hải sản từ Vũng Tàu ra Nam Trung Bộ … Các vấn đề này tuy rải rác cũng giúp
bạn đọc tăng thêm sự hiểu biết về tri thức dân gian, văn học dân gian, về văn
hóa phi vật thể và văn hóa vật chất tại vùng nông thôn và duyên hải.
Về văn hóa, văn
học các dân tộc thiểu số, tạp chí Bách
Khoa đã gióng lên tiếng nói kêu gọi sự quan tâm đến miền núi, sưu tầm, bảo
tồn các chuyện cổ, trường ca, nghệ thuật hát khan.
Loạt bài về dân
tộc Chăm đăng tải nhiều kỳ rất đầy đủ, từ danh xưng, lãnh thổ định cư, dân số,
các vị lãnh đạo tinh thần thôn ấp, ngôn ngữ, y phục, vòng đời con người, từ buổi
sơ sinh qua bước trưởng thành, hôn nhân, đến khi tử vong, chuyện mê tín dị
đoan… cả việc đặt tên họ tùy thời điểm nữa. Từ trước đến nay chưa có công trình
nghiên cứu nào đầy đủ hơn. Có một số công trình có giá trị, nhiều chi tiết, cập
nhật, nhưng mỗi công trình chỉ nghiên cứu về một mặt, nên có thể nói trong hiện
tình, loạt bài này vẫn có giá trị độc đáo, nhất là khi cần đối chiếu sự tiến bộ
qua bước thời gian hơn nửa thế kỷ.
Ngoài ra, rải
rác khắp nhiều bài các tác giả đã nêu ra những điều hữu ích trong nguồn tri thức
dân gian, giúp người đọc thêm hiểu rõ khi tiếp cận với địa phương ấy, nghề nghiệp
ấy hay trường hợp ứng xử, giao tế.
Điều đặc biệt dễ
dàng nhận thấy là tất cả các tác giả qua các bài viết, dù theo đề tài nào, thể
loại nào, đều nêu cao tinh thần Dân Tộc Độc Lập, Tự Chủ, Tự Quyết, chống lại mọi
áp đặt phi lý từ bên ngoài, chống lại các thế lực ngoại xâm của Phương Bắc và
Phương Tây.
Nói tóm lại, phần
nghiên cứu về văn hóa – văn nghệ dân gian trên tạp chí Bách Khoa đem tổng kết lại, có thể góp phần hữu ích cho giới nghiên
cứu nói riêng, và cộng đồng dân chúng nói chung, cho dẫu một số đáng kể trong cộng
đồng dân chúng chỉ tiếp nhận với mục đích giải trí, tìm đôi giây phút vui vui…
PHONG THÁI