Tôi hân hạnh có cơ duyên
đứng nơi đây để nói về một tuyển tập gần 400 trang, có tên là “Chân Dung Ngày
Đó Bây Giờ” của hai nhà văn Việt Dương và Trần Thị Nguyệt Mai. Có thể tóm gọn
cơ duyên về sách này như thế nào? Nếu nói ngắn chỉ một câu, thì cuốn sách này
là một niềm vui thật to lớn, không bút nào tả được, theo lời Trần Thị Nguyệt
Mai.
Trong phần “Thay Lời Tựa:
Duyên Khởi,” Trần Thị Nguyệt Mai kể về cơ duyên hình thành sách này: “Nơi
đây xin chân thành cảm ơn anh Việt Dương đã cho Nguyệt Mai được góp mặt, cũng
là lần đầu tiên trở thành đồng tác giả một cuốn sách. Niềm vui ấy thật to lớn,
không bút nào tả được. Hy vọng qua tập sách Chân dung Ngày Đó Bây Giờ bạn đọc sẽ
tìm ra, biết được thêm về những khía cạnh thú vị trong cuộc đời của những chân
dung mà bạn đã từng yêu mến, ngưỡng mộ.”
Những chân dung nào mà bạn đã từng yêu mến và ngưỡng mộ? Đúng vậy. Tôi đã yêu mến và ngưỡng mộ gần như tất cả các nhân vật được viết trong tuyển tập này. Trong đó có những người là bậc thầy vô cùng cao tột của tôi: Thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát, và Thầy Tuệ Sỹ. Những vị khác về nhiều mặt cũng là những bậc thầy của tôi, nghĩa là tôi nhận thấy có phương diện nào đó để học từ họ, nhờ cơ duyên thân cận hoặc nhờ gặp trong làng văn chương. Thí dụ, Giáo sư Trần Huy Bích là đỉnh cao về Hán học, về nghiên cứu thơ và cổ văn, với những nghiên cứu về nhà thơ Vũ Hoàng Chương cực kỳ thơ mộng và thâm sâu. Nơi này xin kể một chuyện: thời tôi học Lớp 12 B tại Trung Học Chu Văn An, nhà thơ Vũ Hoàng Chương dạy ở Lớp 12 C. Với lòng ngưỡng mộ tột cùng, một hôm tôi liều mạng chen vào học một giờ ở lớp Thầy Vũ Hoàng Chương. Hình ảnh thầy Chương đẹp, thơ mộng, nhưng cách dạy của Thầy không có gì như thơ của Thầy. Đó là một kỷ niệm đẹp, và bây giờ, GS Trần Huy Bích đã có những công trình rất độc đáo về nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Cuốn sách này viết về GS Trần Huy Bích phải nói là tuyệt vời.
Một ngọn núi khác, trong
tuyển tập “Chân Dung Ngày Đó Bây Giờ” cũng là nhà nghiên cứu Ngô Nhân Dụng, người
tôi may mắn có giao tình để gọi là “anh Đỗ Quý Toàn” người đã soạn ra bộ sách
“Đứng Vững Ngàn Năm” – một nghiên cứu mà ngay khi ấn hành đã trở thành kinh điển,
đáp ứng nhu cầu cần thiết phải đưa vào dạy trong các đại học Việt Nam để hiểu
vì sao chúng ta bị người phương Bắc cai trị cả ngàn năm mà chưa bị đồng hóa.
Hay là nhà văn Ngô Thế Vinh với cuộc đời rất mực sóng gió của một y sĩ quân đội
và rồi cuối đời trở thành một nhà nghiên cứu thâm sâu về Sông Mekong và tác động
tới đời sống của hàng chục triệu đồng bào Miền Tây. Hình ảnh nhà văn Ngô Thế
Vinh làm tôi tự thấy xấu hổ, vì bản thân mình không quan tâm, không nghĩ xa cho
đồng bào mình như anh. Tất cả chúng ta hãy hình dung rằng, một y sĩ quân đội,
anh Ngô Thế Vinh, sau nhiều năm tù cải tạo, cặm cụi đọc sách về môi trường, về
tác dụng của sông, của núi, của các đập thủy điện, và rồi về lại quê nhà để đi
dọc theo Sông Mekong (trời ạ, có mấy ai chịu đi như thế, mà đi để nhìn xem vận
mệnh các ruộng lúa Miền Tây). Để rồi suy đoán về các âm mưu của đại cường
phương Bắc, anh Ngô Thế Vinh đã về lại Hoa Kỳ, ngồi viết, kêu gọi cứu sông, cứu
ruộng, cứu đồng bào Miền Tây. Hy hữu là như thế.
Hay là nhà thơ Đỗ Nghê Đỗ
Hồng Ngọc là một người cầm bút đa tài, là một bác sĩ nhạy cảm và là một nhà thơ
lớn, một người sống và viết như một tượng đài Phật học. Hay là cuộc đời của nhà
văn Trần Hoài Thư và công trình Thư Quán Bản Thảo, một kho tàng văn học trước
1975 của Miền Nam được anh chị Trần Hoài Thư miệt mài sưu tầm, đánh máy lại, chụp
hình lại để bây giờ chúng ta được đọc lại những tác phẩm lẽ ra là mất tích theo
bụi thời gian. Hãy hình dung rằng, mới hai thập niên trước, chúng ta chưa có
Internet, chưa có máy laptop, và tôi nhớ thời đó máy đánh chữ thì xong rồi, mà
là một kiểu máy có ổ dấu chữ khổng lồ. Vậy mà, nhà thơ Trần Hoài Thư đã ghi lại
được phần rất lớn của kho tàng văn học Miền Nam 1954-1975. Nếu không có công
trình đó, ký ức văn học của chúng ta hẳn là đã bị xóa trắng rất nhiều.
Trong tuyền tập cũng viết
về họa sĩ Đinh Cường, nhà thơ Thành Tôn, bình luận gia Lý Đại Nguyên, họa sĩ Vị
Ý, họa sĩ Khánh Trường, Đào Mộng Nam và Phạm Xuân Hy, Nguyên Minh, họa sĩ
Trương Vũ, BS Đinh Xuân Dũng, nhà thơ Phan Lạc Giang Đông, nhà thơ Phạm Thiên
Thư.
Tôi đã học rất nhiều từ
sách này của Việt Dương và Trần Thị Nguyệt Mai. Tuyển tập sách này đã đưa tôi
đi từ kinh ngạc này tới kinh ngạc khác. Bản thân tôi là nhà báo khoảng ba mươi
năm nay, hàng ngày đọc nhiều, công việc phải giao tiếp nhiều, nhưng có những điều
tôi khám phá rằng mình phải học từ các nhân vật trong sách này. Thí dụ, như tấm
gương kiên trì học ngày đêm của Đào Mộng Nam và Phạm Xuân Hy, hay tấm lòng muốn
vượt qua những ngăn trở bi thảm của đất nước như Khánh Trường, hay phải tập suy
nghĩ cho sắc bén như Ngô Nhân Dụng để hiểu được vì sao ông bà mình ngày xưa
không bị người Trung Hoa đồng hóa trong khi bị cai trị cả ngàn năm.
Chính trong tuyển tập
này, tôi đã học được tấm lòng yêu nước thiết tha của Ngô Thế Vinh, người y sĩ
tình nguyện gánh vác những gian nan chiến trường khi đất nước phân hóa, và khi
hòa bình tới, cũng chính Ngô Thế Vinh đã đi nhiều tỉnh Miền Tây và đi dọc theo
Sông Mekong để xem có cách nào ngăn được nạn đói và tai họa môi trường tương
lai của Miền Tây. Cũng trong sách này tôi đã ngậm ngùi với một cái chết rực rỡ
của họa sĩ Vị Ý, khi anh dựng một giá vẽ cao cho họa phẩm về giá trị của tự do
và đã té ngã, và rồi chết đi trong niềm vui của một người sáng tạo nghệ thuật
muốn vẽ lại cảm xúc được sống và sáng tác không bị bất kỳ chủ nghĩa nào ràng buộc.
Đọc tới cái chết của họa sĩ Vị Ý, tôi nhớ tới cái chết của thi sĩ Đông Hồ, khi nhà
thơ chết nơi giảng đường đại học Văn Khoa. Nhưng nhà thơ Đông Hồ đã làm được những
gì muốn làm, còn họa sĩ Vị Ý chưa vẽ xong giấc mơ ngợi ca tự do.
Trong tuyển tập này tôi
cũng được đọc những dòng chữ thơ mộng của Việt Dương khi kể lại lòng say mê học
chữ Hán của Đào Mộng Nam và Phạm Xuân Hy. Nơi đó, ước mơ của Đào Mộng Nam được ghi
lại, trích: “Trong khi chiến tranh tiếp diễn ngày một dữ dội trên khắp miền
Nam, tôi hình dung Nam với bộ bà ba trắng, chân đi guốc mộc, đang nỗ lực thực
hiện một cuộc vận động văn hóa về nguồn bằng chữ Nho, xây dựng thế chân vạc
Nho-Nôm- Quốc ngữ ABC thành một nguồn văn tự dân tộc Việt mà không quốc gia nào
có. Nhưng tôi sợ chiến tranh sẽ phá hủy, cắt đứt dòng vận động của họ Đào…”
Đau đớn là, chiến tranh không phá hủy được dòng vận động của Đào Mộng Nam, mà
chính nền hòa bình thống nhất đã cắt đứt những công trình thơ một như thế.
Tôi cũng kinh ngạc khi đọc
về Lý Đại Nguyên, khi họ Lý chưa tới 20 đã đi vào kháng chiến chống Pháp nhưng
vốn đọc sách về tư tưởng Đông phương và Tây phương, triết học, chính trị… để tổng
hợp thành một tác phẩm cà ngàn trang in roneo từ năm 1964. Hãy nhớ rằng, thời
đó chưa có máy tính, chưa có Internet.
Trong tuyển tập này,
trang nào cũng hay, cũng chứa đựng nhiều thông tin về các nhà văn, nhà thơ, nhà
nghiên cứu lớn. Có những trang, khi đọc tới, lòng tôi bùi ngùi, có lúc như ứa
nước mắt, khi đọc bài nhan đề “Từ bức ảnh của thầy Lê Mạnh Thát trong lễ tang
thầy Tuệ Sỹ” của Việt Dương. Tác giả Việt Dương có cơ duyên là bạn học với Thầy
Lê Mạnh Thát từ thơ ấu, “Tôi giao du với thầy Thát khi thầy còn là chú tiểu
tu ở chùa Linh Sơn Đà Lạt từ năm 1964, gọi là chú Thát...” Thế rồi, khi tác
giả Việt Dương bị bệnh ghẻ nguy kịch ở vùng kinh tế mới (đó là một thời cái gì
cũng thiếu, đặc biệt là thiếu thuốc), thì chợt nhớ rằng nhà sư Trí Siêu Lê Mạnh
Thát tốt nghiệp Bác sĩ y khoa ở Hoa Kỳ, nên mới vào Sài Gòn để xin chữa bệnh ghẻ.
Trong thời gian tạm trú trong căn phòng trống của Thầy Tuệ Sỹ, một hôm tác giả
Việt Dương gặp Thầy Tuệ Sỹ khi Thầy về thăm Thầy Thát. Và hôm đó, trong một thời
mà cả nước mình, ai cũng đói khốc liệt, thì Thầy Thát nấu mì gói, chia ra làm
ba tô mì cho ba người ngồi ăn: Thầy Lê Mạnh Thát, Thầy Tuệ Sỹ và tác giả Việt
Dương. Tôi nghĩ rằng, gặp một người đã là hy hữu rồi, huống gì là gặp cả hai
nhà sư thiên tài này. Lại có cơ duyên được Thầy Thát chữa bệnh, cho tạm trú, rồi
một hôm Thầy Thát nấu mì gói, chia làm ba tô mì cho ngồi chung bàn ăn với hai nhà
sư thiên tài kỳ vĩ. Cơ duyênc ủa tác giả Việt Dương rất mực hy hữu. Có ai trên
đời này khi bệnh ghẻ cùng mình lại được đích thân nhà sư Lê Mạnh Thát chữa bệnh,
rồi cũng có ai trên đời này trong khi chữa bệnh được Thầy Thát cho vào phòng của
Thầy Tuệ Sỹ năm dưỡng bệnh một thời gian, rồi vài hôm sau, khi Thầy Tuệ Sỹ từ
Già Lam tới thăm Thầy Thát, thử hỏi có ai trên đời này được Thầy Thát đích thân
nấu mì và chia làm 3 tô mì để mời Việt Dương ngồi chung bàn với hai nhà sư
thiên tài này.
Tôi xin phép ghi lại mấy
đoạn này của tác giả Việt Dương nơi đây:
“Đầu năm 1981, tôi được
thả từ trại tù cải tạo Suối Máu, Biên Hòa, về khu kinh tế mới Gia Ray, Long
Khánh. Làm rẫy được nửa mùa, khi bắp bắt đầu kết trái thì tôi bị bệnh ghẻ lở
toàn thân. ..
...Sau khi coi mấy con ghẻ
trên chân tay tôi, thầy bảo: Bệnh ghẻ này dễ chữa, thuốc cũng dễ chế tạo, nhưng
y tế của họ đã không làm gì, cứ để dân khốn quẫn vì mấy thứ ghẻ. Loại ghẻ này
là do một thứ nấm ở những vùng mới khai hoang. Nó vật mình vì mình thiếu dinh
dưỡng. Thầy bảo tôi đi tắm, rồi lấy một chai thuốc dầu (tên đầu là Benzen còn
chữ sau tôi không nhớ) bôi khắp thân, từ cổ đến chân. Thầy bảo tôi không đụng
vào nước trong 48 giờ. Đêm ấy tôi có cảm tưởng là mình đã gặp thuốc tiên. Thân
hết ngứa, hết đau và ngủ một giấc ngon lành tới sáng. Ngày hôm sau cho thầy biết
kết quả, thầy bảo là đã mua được chai thuốc của một bà bán đồ linh tinh trên hè
phố và đã chữa cho nhiều người, nay chỉ còn chừng 1/4. Sự hiệu
nghiệm của thuốc thật kỳ diệu. Chỉ 2, 3 ngày thì những con ghẻ khô đầu và một
tuần sau tróc vẩy, chỉ để lại trên thân tôi những vết tròn nâu thẫm.
Sau khi hết bệnh, thầy bảo
tôi ở lại Sài Gòn, chớ về kinh tế mới sẽ vướng lại và thầy dẫn tôi xuống một
căn phòng rộng, tầng dưới của một ngôi nhà hai tầng trong sân phía bên trái Viện
Phật Học.Thầy bảo đây là phòng của thầy Tuệ Sỹ, nhưng bây giờ thầy ở chùa Già
Lam, nên tôi có thể ở tạm.
Cái tên Tuệ Sỹ tôi đã biết
từ những năm đầu thập niên 1970, vì đọc sách của ông, đọc tạp chí Tư Tưởng, cơ
quan ngôn luận của Đại Học Vạn Hạnh do ông làm chủ bút. Một buổi tối khoảng 9,
10 giờ, thầy Thát xuống gọi tôi lên thư viện. Bước qua cửa thư viện, tôi thấy một
nhà sư gầy trong tấm áo nâu bạc màu. Thầy Thát chỉ nhà sư nói: Thầy Tuệ Sỹ. Tôi
cúi chào. Thầy Tuệ Sỹ đưa tay kéo tôi ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh. Thấy thầy
Thát đi tới cái xoong trên bếp điện, múc ra 3 tô mì, tôi đứng dậy tới bưng 2 tô
đem tới bàn. Trong khi ăn mì, tôi nói với thầy Tuệ Sỹ là đã đọc thầy, nay nhờ
thầy Thát mới có duyên gặp thầy. Nghe tôi nói, thầy chỉ cười, nét cười tươi, đượm
tình thân như đã quen biết từ lâu. Thầy hỏi tôi vài điều về đời sống trong tù cải
tạo. Tôi đáp: Ở trong tù thì đói và bị hạ nhục. Ra khỏi nhà tù về kinh tế mới
thì mỗi tuần phải lên trình diện công an xã. Lên Sài Gòn chữa bệnh cũng phải tới
xin họ. Các thầy tôi không biết sao, chớ những người tù cải tạo như chúng tôi
thì biết là đã bị họ đẩy ra ngoài lề xã hội.
Thầy nói: Chúng tôi cũng
thế thôi. Cả nước đã trở thành một nhà tù thì số phận mỗi người do cai tù định
đoạt. Thấy thầy trầm ngâm yên lặng, tôi đứng dậy cầm 3 cái tô và cái xoong ra
sân rửa, rồi đi về phòng.
Hai nhà sư trẻ có những
nét dáng khác nhau. Thầy Trí Siêu có dáng một thư sinh nho nhã, da trắng môi đỏ
tươi, trán rộng với khuôn mặt sáng hiền. Còn thầy Tuệ Sỹ, nhìn ông tôi chỉ thấy
đôi mắt sáng sâu thẳm và cái đầu với những nét lạ khó nói, gây nhiều ấn tượng.
Thoạt nhìn ông tôi liên tưởng đến bộ mặt của Đạt Ma Sư Tổ. Qua thầy Trí Siêu,
tôi biết thầy Tuệ Sỹ đã được Hòa Thượng Trí Thủ bảo lãnh ra khỏi tù về Già Lam
để cùng thầy Trí Siêu biên soạn bộ Đại Tự Điển Bách Khoa Phật Giáo Việt Nam. Và
đêm đêm hai thầy đã miệt mài biên soạn tự điển ở thư viện Vạn Hạnh. Đêm nay tôi
được chia một phần mì gói ăn đêm của hai thầy.” (“Chân Dung
Ngày Đó Bây Giờ.” Trang 105-107)
Tôi ưa thích những hình ảnh
đó đặc biệt. Tôi luôn luôn nghĩ rằng, may mắn cho dân tộc đã có hai nhà sư Trí
Siêu Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ. Và khi đọc xong tuyển tập “Chân Dung Ngày Đó Bây
Giờ” và hiểu thêm từng người một, tôi đã nghĩ rằng, may mắn cho dân tộc đã có
những người trong sách này. Tất cả họ đều là những mảng của hồn thiêng sông
núi. Và bây giờ, hai nhà văn Việt Dương và Trần Thị Nguyệt Mai đã viết về cuộc
đời và tác phẩm của họ. Cuốn sách này cần có trong mọi gia đình người Việt, để
chúng ta hiểu thêm về nền văn hóa Việt. Xin trân trọng cảm ơn hai tác giả.