Tuesday, July 16, 2024

3493. TRƯƠNG VŨ Sống chết cho tình yêu.

Trương Vũ (Đứng, thứ hai từ phải)
Trần Hoài Thư (Ngồi, thứ nhất từ phải)
Ảnh Julia, Virginia, 4.2022

Tôi quen với Trần Hoài Thư lâu lắm rồi, cũng hơn bốn mươi năm, từ những ngày anh mới bước chân đến nước Mỹ sau một chuyến vượt biển đầy gian nan, nguy hiểm. Tôi có nhiều ấn tượng về anh, nhất là, ở cách anh đương đầu với những khó khăn của đời sống tỵ nạn.  Vượt bao cam go để vươn mình lên. Không như một nhà văn mà như một chuyên viên kỹ thuật. Anh đi học trở lại, tốt nghiệp cử nhân về Điện Toán. Được nhận vào làm việc cho công ty AT&T rồi sau đó làm cho IBM. Tiếp tục học, lấy thạc sĩ về Toán Ứng Dụng. Sự thành công này của anh, đằng sau lưng luôn có bóng dáng chị Nguyễn Ngọc Yến, người bạn đời.

“... Rồi mấy tiếng cháng ngồi trong lớp
Nàng bên ngoài mắt liếc vào trong
Chồng chăm chỉ nghe lời thầy giảng
Hồn nàng bỗng hạnh phúc mênh mông”
(THT Đưa Chồng Đi Học)

Dù làm việc, dù sống như thế nào sau này, cái quá khứ của những năm tháng trong quân ngũ vẫn luôn sâu đậm trong anh. THT vẫn tiếp tục viết. Đọc văn THT, ta thấy rõ điều đó. Nó là sức mạnh tinh thần, là động lực để THT, ở tuổi bốn mươi, làm lại cuộc đời và vượt qua mọi trở lực. Anh yêu những tháng ngày cũ khi còn trên quê hương, khi là một sĩ quan thám kích, khi cái sống cái chết luôn cận kề. Anh yêu đồng đội. Anh yêu cái đời sống có hy sinh, có trách nhiệm về sinh mạng mình cũng như sinh mạng của con người, nói chung. Anh viết nhiều về nó khi đang là người lính. Anh đưa nó trở về trong nhiều sáng tác sau này. Có đau đớn, có nhân bản. Tình yêu đó rất đặc biệt. Đặc biệt đến độ, người đọc thỉnh thoảng phân vân không biết anh viết như một người lính có văn tài hay như một nhà văn đã từng là lính.

 “…Từ tuyến xuất phát, chúng tôi được lệnh cùng một đơn vị bạn, tiếp tục lục soát một chiều dài non hai chục cây số. Chúng tôi phải chiếm lần lượt những ngôi làng bỏ hoang, và có thể, di tản một số dân còn lại về vùng an ninh. Chúng tôi đã vô sự. Ðiều này, chắc làm mấy ông sĩ quan cao cấp không bằng lòng tí nào. Nhưng đối với chúng tôi, chúng tôi chỉ mong như thế. Vô sự, hai chữ ấy như một sức hấp dẫn mãnh liệt. Ðời chiến binh chỉ mong bao nhiêu. Nhưng mấy ai thoát được trên trăm ngàn cuộc ra quân.

…Tôi hỏi bà lão: “Chắc ngoại có thân nhân chết và bị chôn dập dưới hố phải không?” Bà lão ú ớ. Tôi nói tiếp: “Cháu không làm khó dễ gì ngoại đâu. Bởi mẹ cháu cũng thế, hầu hết những người mẹ có con chết trận đều như thế.” Bà lão tự nhiên òa khóc: “Ðêm nay rằm tôi không thể để nó lạnh lẽo dưới đất. Tôi mong nó lên hưởng chút hương đèn…” “Dạ, ngoại nói đúng. Khi chết rồi ai cũng như ai, không còn là ngụy cũng không còn là VC, không còn Bắc không còn Nam. Thưa ngoại, xin ngoại cho con một cây nhang, để con cùng cầu cho anh ấy, nghe ngoại.”...”

(THT - Đêm Chiêm Thành)

Có một tình yêu mãnh liệt hơn nữa. Đó là tình yêu dành cho văn học Miền Nam. Anh muốn truyền tình yêu này đến mọi người. Đó là gia sản của cả dân tộc và anh muốn mọi người đều có quyền, có cơ hội đọc. Để tiếp thu những giá trị đích thực của một nền văn học đang bị những gọng kìm của lịch sử cắn nát. Trong hoàn cảnh khó khăn ở hải ngoại, nỗ lực này gần như vô vọng nhưng THT đã làm được. Dù phương tiện nghèo nàn như thể nào, dù thể xác yếu đuối, mệt mỏiẤn  như thế nào, anh cũng đưa được tác phẩm đến người đọc. Các thư viện của đại học Cornell và Quốc Hội Hoa Kỳ là những nơi anh thường xuyên tìm đến. Sau khi nghỉ hưu vào năm 2004, anh cùng Phạm Văn Nhàn sáng lập tạp chí Thư Quán Bản Thảo và nhà xuất bản Thư Quán. Mua máy in cũ, tự học in ấn, và tự phát hành. Tủ sách DI SẢN VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM của nhà xuất bản Thư Quán đã sưu tầm và in lại hàng trăm tác phẩm giá trị, đáng kể nhất là bộ THƠ MIỀN NAM gồm 5 tập với tổng cộng khoảng 3500 trang và bộ VĂN MIỀN NAM 4 tập với tổng cộng khoảng 2400 trang. Tạp chí Thư Quán Bản Thảo đã phát hành tới số 105. Anh làm đều đặn những công trình này, không ngưng nghỉ, ngay cả khi thân thể bị hành hạ cùng cực bởi những cơn bệnh nan y. Phải gặp anh, nghe anh nói say sưa về văn chương Miền Nam, về cái cách anh đi tìm lại cho bằng được những tác phẩm cũ. Để chính mình in lại bằng những máy in tưởng chừng phải bỏ đi. Rồi tự mình gói từng cuốn gửi đến bạn đọc. Tôi thật sự xúc động. Thật sự xúc động khi đọc bài phản biện của THT về những nhận định bất công đối với nhà văn/dịch giả Phùng Thăng. Hay ngồi nghe chính THT kể lại chuyện đi tìm lại một truyện ngắn bị bỏ quên của nhà văn Doãn Dân. Mới thấy, THT trân quý tác phẩm của nhà văn chân chính như thế nào. Mới thấy, THT yêu văn chương như thế nào.

“…Vâng, hãy cho tôi trở về cùng những ngày tháng cũ. Chiếc bè đã đưa tôi vào dòng văn chương không phải đẹp và dịu dàng như một giấc mơ. Mà trái lại, văn chương bấy giờ là văn chương của lửa, lệ, và những gào thét, tra vấn, tử sinh. Văn chương bấy giờ là những ngày đêm trong lòng hỏa ngục, là những vết thương toé máu đớn đau…”

(THT - Những Trang Sách Cũ)

…Sáng nay xem như dứt điểm bài vở cho tạp chí Thư Quán Bản Thảo số chủ đề Hiện Tượng Nhà văn nữ miền Nam. Kỳ báo này số trang tăng lên khủng khiếp. Từ số 60 với 260 trang nay số trang đã vọt  lên 320 trang. Dĩ nhiên là cực, vất vả hơn bao giờ. Và cũng tốn tiền tốn sức hơn bao giờ. Nhưng mà, không sao. Nếu cứ nghĩ đến những trở ngại thì chẳng bao giờ xong việc. Bằng chứng là tạp chí TQBT đã bước vào năm thứ 14, và những số đầu chỉ 110-130 trang nay đã thành 320 trang. Bằng chứng là chỉ có một mình tôi – một lão giá tóc bạc phơ, hai năm tóc tai dài tận ót, vẫn một mình một cõi tung hoành. Vẫn chọn bài, vẫn sưu tầm bài vở, vẫn layout, vẫn đóng, dán, cắt, và tự tay bỏ vào phong bì dán tem gởi đi… Nếu mà nghĩ đến những trở ngại vơ vẩn thì chắc tôi cũng phải bỏ cuộc từ lâu...

(THT – Không Còn Là Giờ Giấc)

"... Tội cho tôi tội cho tôi
Già treò qua ải qua đồi ung thư
Qua khung cửa vạt năng chiều
Lé loi tàn rụng trên tường nhà quan
Chừ tôi còn lại vài trang
Chúng từ sức sống trong ngày chờ đi"
(THT - Những Ngày Làm Chemo)

Anh làm được những công trình to lớn này với sự hổ trợ hết lòng của người tình trăm năm, chị Nguyễn Ngọc Yến. Chị thật sự là một nửa của anh. Họ lấy nhau trong thời tao loạn ở Miền Nam khi anh là một chiến binh. Một hình ảnh khá giống trong bài Đồi Tím Hoa Sim của Hữu Loan. Sau 1975, anh đi học tập cải tạo bốn năm. Sau đó, cả hai cùng vượt biển. Thành công. Sang Mỹ, họ sống như đôi chim. Mỗi lần gặp anh tôi đều thấy chị bên cạnh. Khi ngồi trao đổi với anh về văn chương, về chính trị, chị ngồi im lăng lắng nghe. Thỉnh thoảng nhỏ nhẹ góp ý. Anh đi học xa, chị đi theo. Anh lên Cornell để lục lọi tìm sách cũ của văn học Miền Nam, chị thay phiên lái xe. Những cuốn sách do Thư Ấn Quán ấn loát và phát hành, luôn có bàn tay chị trong đó. Cho đến khi chị đột quị, cách đây 12 năm. Rồi, vài năm sau đó, chị được đưa vào nursing home. Rồi, chị không còn biết gì nữa.

"... Ngày hợp hôn của chúng ta được tổ chúc tại SG
Gần An Đông Ngã Bảy
Saigon giới nghiêm có cơn mưa nhỏ
không đèn hoa hôn lễ
Không chào bàn hai họ
Không rầm rang nhạc cưới tưng bừng
Anh trong bộ đồ lính rừng
Ngực áo thêu hình con diều hâu vồ mồi vuốt sắc
Em trong chiếc áo dài màu hồng thắm
Cặp môi hồng, và đôi mắt tô than
Gương mặt em sáng ngời như thấy cả vầng trăng"
(THT -  Hướng Cũ)
 
“Trưa nay tôi đến thăm mình
Mây trên trời bắt nhịp tình ngưu lang
Ngoài trời lạnh ,ấm lòng khoang
Quên đi thân thể dâp bầm tấn tra
Căn phòng em có người xa
Em còn lưu luyến nên chờ chẳng đi
Bỗng nghe trời dất từ bi
Mừng em vẫn sống để chờ đợi tôi”
(THT - Trời Đất Từ Bi)
“Em ạ đầu giờ em nhắm mắt
Cuối giờ em nhắm mắt,  bình yên
Nhăm có nghĩa là đã chét
Mà sao hơi thở động chăn mền
Tôi không gào đòi em phải thức
Thức làm gì, rồi chét, rồi xong
Tôi cần em, để ngày thứ sáu
Để nhìn phép lạ, chết, phục sinh”
(THT - Khi Nhìn Em Ngủ)

THT vẫn tiếp tục công việc trong cái nhà in ngộ nghĩnh, tại gia. Gõ computer, in ấn, phát hành sách, của mình, của người. Anh nhiều bệnh, mổ gan, ung thư… nhưng, vẫn làm việc. Làm những công việc như trước dây, khi còn khỏe mạnh. Cho văn học Miền Nam trước 75, và văn học hải ngoại sau 75. Những lần gặp anh mới đây, tôi thấy anh yêu lắm rồi. Dù đôi mắt vẫn tinh anh, giọng nói tiếng cười vẫn rổn rảng, tôi có cảm giác số ngày còn lại của anh không còn bao nhiêu.

Bạn bè đều biết anh vẫn thường xuyên vào nursing home thăm chị Yến. Thường yêu cầu những người điều dưỡng đẩy giường bệnh đưa chị ra ngoài cho anh gặp. Anh chỉ nhìn chị, và tỉ tê như chị vẫn nghe, vẫn biết. Cho đến ngày chị thở hơi cuối cùng. Ngày 27 tháng 4 năm 2024. Trùng với ngày má chị ra đi, bao nhiêu năm trước. Đúng một tháng sau, ngày 27 tháng 5 năm 2024, Trần Hoài Thư cũng ra đi

Tháng trước đây, khi nghe tin chị Yến mất tôi ngờ rằng sẽ không lâu đến lượt THT. Và, đúng vậy. Có vẻ như anh đã bằng một nghị lực phi thường, như luôn từng có, để kéo dài tàn lực chờ chị Yến. Nếu chị Yến đi trước một tháng, chắc THT cũng đã đi trước một tháng.

Trần Hoài Thư! Anh yêu đời lính và những ngày tháng cũ. Anh yêu văn chương Miền Nam và hải ngoại. Anh yêu người tình trăm năm. Anh đã sống đẹp và chết đẹp. Cho Tình Yêu.

Trương Vũ
Ngày 19 tháng 6, 2024