Nhà văn Carolyn Steele Agosta
Bà người tiểu
bang North Carolina, chuyên viết truyện ngắn, đăng trên các tạp chí ở Mỹ và
Anh, và một số nước châu Âu. Truyện của bà cũng được in trong các tuyển tập,
sách giáo khoa, nhiều cuốn đoạt giải thưởng, có cuốn được chuyển thể thành kịch
phát thanh ( có truyện phát trên đài BBC ) và phim ngắn.
Có thể tìm đọc truyện của bà trong cuốn “ After
the Wink and Other Stories “ . Bà cũng đã in hai cuốn tiểu thuyết
( Every Little Step She Takes , truyện tình ái lăng nhăng, và The Pleasure of
Your Company, chuyện về ba cô gái sinh ra trong giai đoạn bùng nổ dân số ( Baby
Boomer ). Cuốn mới
nhất của bà là Two Weeks Every Summer, Stories from Camp Meeting, là tuyển tập 20 truyện ngắn.
Truyện của Agosta thường xoay quanh những biến động trong các mối quan hệ gia đình. Bà tin rằng dù chuyện có phức tạp đến mấy, cũng không có nơi nào bằng được Mái Ấm.
Bà từng tâm sự:
Tôi là đứa trẻ sinh ra trong thuộc thế
hệ bùng nổ trẻ sơ sinh ( baby - boomer ) ( 1 )
lớn lên ở Michigan rồi chuyển về sống ở North Carolina năm 1975. Tôi hy vọng là chẳng
bao lâu nữa tôi sẽ là dân miền Nam chính hiệu. Sinh ra trong một gia đình đông
con, hiện nay gia đình riêng của tôi cũng thế ( bốn con ), và rất thú vị bởi những
mối quan hệ gia đình và hậu quả của thứ tự sinh ra. Tôi chưa hề cầm bút cho đến
khi đã qua tứ tuần, tuy là con mọt sách, tôi phát hiện ra mình rất yêu điều đó.
Tôi hy vong các bạn sẽ thích những gì tôi viết. Tôi rất thích thú khi viết.
( 1 ) Thế hệ này thường được định nghĩa là những cá nhân sinh từ năm 1946 đến 1964, tức là sinh ra sau Thế chiến thứ II. Sự bùng nổ của trẻ sơ sinh được mô tả theo cách như là “ sóng xung kích “.
Thuật ngữ “ baby
- boomer « lần đầu tiên được ghi lại trong một bài báo trên tờ Daily
Press, mô tả một sự gia tăng rất lớn của tuyển sinh đại học khi những người lớn
tuổi nhất trong giai đoạn bùng nổ sắp đến tuổi nhập học . ( theo Wikipedia)
Thoạt đầu thật vô hại. Tôi không có ý định rõ rệt gì hết, chỉ là lúc tôi tính khí thất thường thôi. Ý tôi là khi bạn ở tuổi 42, có ba con, một chồng cùng các trách nhiệm thì liệu có còn tính chuyện tìm cảm giác phấn khích không. Không tính đến cảm giác mạnh tệ hại như khi phải đạp cú thắng xe chí tử, tất cả mạch máu trong người vụt rú lên.
Đúng vậy, thời gian gần đây tôi đâm ra hay chú ý đến đàn ông. Đặc biệt là đôi tay của họ. Đừng hỏi tôi tại sao, nhưng bỗng nhiên tôi chết mê chết mệt với tay đàn ông. Cẳng tay phơn phớt lông tơ, gân guốc và cơ dưới khuỷu tay căng nở, phụ nữ không thấy có. Và những bàn tay đàn ông, vuông vức, mạnh mẽ. Tôi nhìn ngắm chúng khắp nơi. Trong tiệm ăn, trạm đổ xăng, lạy Chúa, ngay cả trên lối đi của siêu thị K- Mart. Thật ngượng khi nhận ra mình đang hứng tình giữa gian hàng Lawn & Garden bán đồ nghề làm vườn.
Nói với bạn là không chỉ với trai tráng. Tôi còn để ý tới cánh đàn ông lớn tuổi hơn. Đàn ông tứ tuần, ngũ tuần, đàn ông ở lứa tuổi có lẽ nghĩ là chẳng còn đàn bà nào nhìn họ như kiểu tôi nữa. Thường thì tôi thích những ông có mái tóc rậm và gương mặt dễ coi, trông có vẻ còn làm nên chuyện. Ở đàn ông đứng tuổi, tóc cột kiểu đuôi ngựa cũng hấp dẫn tôi. Và tôi đoán đây là một chàng còn trẻ trung trong cách nghĩ. Có thể tôi lầm vẻ bề ngoài. Biết đâu đây là một gã ghét đi cắt tóc?
Dù sao, tôi đang ngồi ở đấy, trong quán cà phê, đọc một cuốn sách của Robin Hemley, và nó làm tôi bật cười. Tôi nhìn quanh xem có ai để ý không, và chao ôi, một người đàn ông đang mỉm cười với tôi. Anh ta trông cũng bảnh, đang ngồi đọc một cuốn tạp chí, không phải thứ tạp chí tầm phào nào đó về mô tô, máy tính hay về người mẫu, mà là tờ New Yorker. Một tay có học hẳn hoi, Chúa ạ.
Tôi đáp lễ bằng một nụ cười rồi đọc tiếp.
Tôi chuyển thế ngôi, vắt chéo hai chân, thẳng lưng hơn một chút, và như cô tôi
vẫn bảo, hãy ưỡn ngực lên. Tôi chống tay dưới cằm, để cổ cong chút xíu, tạo vẻ
thư thái. Đó là ngôn ngữ cơ thể thay cho “ tôi quan tâm đấy “. Đại loại như vậy.
Một khách hàng phía trước vào bỗng gây cảnh náo loạn khi làm đổ ly cà phê, và
cái khay rơi xuống sàn kêu loảng xoảng. Tôi liếc sang nhìn Quý Ông Quyến Rũ và
chàng nhìn lại tôi. Tôi mỉm cười. Và, Chúa ơi , tôi nháy mắt.
Lúc ấy , đó chỉ là nháy mắt chút xíu, chỉ để ghi nhận rằng anh ta đang ở đó, và tôi cũng đang ở đó, và hai chúng tôi đã cùng chứng kiến cái cảnh lộn xộn buồn cười, và có thể , bằng cách nào đó, hai chúng tôi cùng nhìn nhận sự việc sâu hơn một chút so với bàng quan thiên hạ xung quanh và đã có một chút giao cảm, nhưng tất cả chỉ có vậy. Tôi thề đó. Nhưng vậy cũng đủ rồi.
Bởi vì chuyện tiếp theo tôi biết, anh chàng mang cà phê và tờ New Yorker đi về phía tôi, chân mày hơi nhướng lên ý hỏi liệu có thể ngồi chung bàn và tôi gật đầu, gật đầu trong khi tôi không mấy tin tưởng. Anh ta hỏi tôi về cuốn sách của tôi và tôi hỏi anh về cuốn tạp chí của anh, và tôi khiêm nhường cho biết tôi là nhà văn, và anh ta khiêm nhường cho biết anh là nhạc sĩ, và dù thực ra, hai chúng tôi kẻ là nhân viên kế toán và người là kỹ sư máy tính , và chúng tôi đều biết rằng giá trị của chúng tôi đâu phải do nghề nghiệp. Tôi cho anh biết tên, anh cũng làm vậy và đó là một trong những cái tên tôi ngưỡng mộ. Anh có mái tóc muối tiêu, hơi xoăn, phủ cả lên cổ áo sơ mi. Khoé mắt anh có nếp nhăn và cánh tay gập cong khi anh chống khuỷu tay, ngả người về phía trước nói chuyện với tôi. Tôi mỉm cười để lộ má lúm đồng tiền và mong rằng hơi thở tôi không có mùi cà phê và chúng tôi tiếp tục nói chuyện. Nói về sách vở, âm nhạc, kịch nghệ. Nói chuyện bây giờ kiếm chỗ đậu xe quá khó và chuyện giao thông bây giờ phức tạp quá. Anh nói mình ở gần South Park và tôi nói tôi ở gần trường đại học và tôi nhắc rằng cà phê chúng tôi uống đã nguội và gần như đã trễ mất một tiếng rồi.
Thực sự đã đến lúc tôi phải về, anh ta đưa tôi ra tận xe, may sao xe vẫn sạch, không có các hộp đồ ăn của Bữa Ăn McDonald’s Ngon Lành trên ghế trước. Anh cho biết thứ sáu tới đây anh sẽ đi dự buổi bình thơ vì bạn anh sẽ thổi sáo cho nhà thơ nào đó và tôi nói tôi chưa bao giờ dự một buổi bình thơ và anh nói tôi nên đi dự. Tôi nói có thể tôi sẽ đến rồi tôi lái xe về với đôi bàn tay đẫm mồ hôi trên tay lái.
Tôi không có gì phàn nàn về chồng. Anh ấy biết yêu thương, sâu sắc , hấp dẫn, sạch sẽ nhặt từng chiếc vớ bỏ vào phòng tắm. Nhưng rồi tối thứ sáu tôi vẫn đi tới buổi bình thơ chết tiệt đó, cố tỏ ra là tôi thích nó nhưng tôi cứ đưa mắt tìm Quý Ông Đẹp Trai, tôi không thấy anh ta và muốn nổi điên chực bỏ về ( tôi dặn lòng chỉ năm phút nữa thôi ) và anh ta đi vào. Và anh ta nháy mắt với tôi.
Nơi này đông đúc, ồn ào quá, mọi người chuyện vãn, chẳng để ý gì đến người phụ nữ áo tím tóc tím đang gào bài thơ về món mì sợi, và khi anh ta nắm lấy khuỷu tay tôi dẫn tôi đi đến một nơi yên tĩnh hơn, một cơn gió lạnh chạy suốt cánh tay tôi. Anh hỏi tôi có muốn ra khỏi đây không và tôi gật đầu và bỗng nhiên đầu gối tôi như muốn long ra. Tôi sợ nếu tôi bước đi chúng sẽ gập lui sau, xấu xí lắm, chẳng hấp dẫn chút nào.
Tôi cố gắng thẳng người lên và chúng tôi bước vào xe, tôi theo anh ta đến một quán rượu, yên tĩnh, đèn mờ, có một ban nhạc đang chơi những bản nhạc xưa. Chúng tôi nói chuyện và khiêu vũ và tay anh ta vòng quanh eo tôi, nơi thường chỉ dùng để đeo dây buộc trẻ con và dành cho tay chồng. Tay chồng cũng có nhiều lông, sạm đen, bắp thịt cuồn cuộn. Là đôi tay tôi cố không nghĩ tới, cũng như cố không nghĩ tới chuyện Quý Ông Tuyệt Vời và tôi đều đang đeo nhẫn cưới. Bởi chúng tôi như thế, chúng tôi không tự lừa dối mình rằng đây chẳng là gì hết mà chỉ là một bài tập về sự nhìn thấy thôi.
Bạn biết đó, tôi cảm thấy rằng sau tuổi 40, bạn trở nên vô hình. Tất nhiên , bạn vẫn ở đó và mọi người nhìn thấy bạn nhưng họ không thật sự THẤY bạn. Họ nhìn thấy con người có mẹ của một cô gái giờ đã lớn, là con của một bà mẹ giờ đã như trẻ con, và đang được cho là đang nắm bắt mọi chuyện. Một con người có lẽ không thể có khao khát và nghi hoặc và ước muốn không đạt. Một con người trầm tĩnh, không nghi ngại, có thể là không nhận biết, một con người. Tôi nhìn kỹ Quý Ông Vẫn Còn Sức Sống và tôi có thể thấy rằng anh ta vẫn còn thích nhạc rock’n’roll và vẫn còn đẹp chán khi ngôi sau tay lái chiếc Corvette và vẫn còn băn khoăn không biết một phụ nữ trẻ hơn sẽ nghĩ sao về mình. Tôi là gì, với anh ta. Bởi thế tôi mỉm cười và liếc mắt đưa tình với anh ta và anh nháy mắt lại, điều đó có vẻ tốt đẹp. Chúng tôi khiêu vũ và tôi nghĩ thật lạ lùng nếu tôi nằm trong vòng tay một người đàn ông nào đó, người đàn ông khác, một người cao hơn, lớn hơn chồng tôi, có giọng nói khác, đôi môi khác, cặp mắt khác. Thật kỳ lạ, và rồi kỳ lạ hơn khi anh ta hôn tôi, điều anh làm ngay tại đây giữa sàn nhảy. Từ hơn 20 năm nay tôi chưa hề hôn môi ai, và giờ đây môi anh ta gắn chặt vào môi tôi, điều đó khác hẳn, một sự đụng chạm khác, một hương vị khác, một kiểu cách khác. Hơn thế nữa, điều đó có thật, tôi thật sự đang ở đây và tôi đang làm chuyện này. Tôi bắt đầu run lên, bắt đầu rung lắc như một thanh âm thoa, cho đến lúc có lẽ anh ta nghĩ mình là người hôn lão luyện đến nỗi làm cho tôi mê mẩn, thực ra với tôi bây giờ thì việc ấy còn lâu. Thực ra tôi chỉ run lên vì sợ bởi vì tôi nhận ra rằng tôi đang nghĩ tới điều ngoài việc hôn và điều đó làm tôi sợ.
Anh ta cười nhẹ lộ vẻ hài lòng và tôi ngượng chín cả người . Chúng tôi quay trở lại bàn. Anh ta nhìn tôi và tôi nghĩ, đúng vậy, anh ta nhìn tôi. Tôi chưa sẵn sàng để già đi, để quẳng hết mọi niềm vui thú. Tôi muốn nhún nhảy khi khiêu vũ và muốn đung đưa khi đi bộ. Tôi muốn có người đàn ông liếc nhìn rạo rực và khẽ kêu lên “ ái chà! “
Rồi tôi bắt đầu nghĩ có lẽ đây là nguyên nhân trước hết khiến mọi người lừa dối ngay lần đầu tiên để có được cái cảm giác ấm áp từ đôi mắt của người khác. Để nhớ rằng mình là ai, không phải là người mà ai khác nghĩ là mình và cũng không phải là người mà ai khác biết là mình.
Tôi cũng ngắm anh ta. Tôi thấy một người đàn ông đang lo sợ giống tôi sợ biến thành vô hình, sợ rằng sức trai tráng hay tuổi xuân đã lùi về quá khứ, đã vẫy tay chào, sợ mình đã quá trưởng thành. Vì vậy tôi đi qua bên kia bàn, nắm tay anh ta ( bàn tay to, ngón dài, chai và ấm, bàn tay của một người thạo việc, có thể sửa mọi thứ .) Tôi vuốt ve cổ tay anh ngầm nói với anh rằng anh vẫn còn đẹp trai hấp dẫn khiến tôi mong ước. Tôi nghĩ về những điều tôi chưa từng làm và tất cả những điều tôi sẽ không còn cơ hội, rồi tự hỏi liệu có phải quá muộn không.
Sự gấp gáp hối hả dâng trào trong cơ thể, bắt đầu với đôi môi của tôi, làm cho chúng căng nở và nóng bỏng, và tôi nghĩ, chết tiệt, cái giờ khắc kỳ lạ gì đâu với tia nhìn đầu tiên của tôi. Nhưng không phải, nó là tia sáng loè của nhận thức rõ ràng rằng tôi sẽ không làm gì cả. Bởi vì trong số những điều tôi muốn làm trong đời, điều này không có trong danh mục.
Tôi trao cho Ông Lẽ Ra Là một nụ hôn vội trên má. Rồi có lúc tôi sẽ mơ tưởng đến anh một thời gian, đùa bỡn với ý nghĩ anh ta suýt làm tôi phải xưng tội, và tôi cũng sẽ giữ kỷ niệm về nụ hôn ngày ấy, dành cho lúc tôi không còn làm gì được với những khát khao thầm kín. Tôi lái xe về nhà và ngồi một lúc trong xe, nhìn lên cửa sổ phòng ngủ còn sáng đèn.
Bạn biết đấy, đôi khi một cái nháy mắt thực sự chỉ là một tật giật cơ do căng thẳng bất ngờ bởi một tế bào thần kinh, một bất thường của các khớp thần kinh dẫn đến sai lệch. Các cơ tiếp tục co giật như vậy cho đến khi qua trạng thái kích thích thì dịu xuống giống như cái máy hát chạy bằng kim vượt thoát được rãnh lỗi trên dĩa ghi âm 45 vòng, rồi tất cả mọi thứ sẽ trở lại bình thường, trở lại đều trên đường dẫn vốn có. Tôi cho rằng phải vậy, cái cách mà âm nhạc thế hiện tốt nhất.