Tuesday, July 9, 2024

3483. NGƯỜI YÊU CỦA NÀNG Truyện ngắn MAXIM GORKI (Nhà văn Nga , 1868-1936) THÂN TRỌNG SƠN dịch và giới thiệu

Nhà văn Maxim Gorki (1868-1936)

Nơi lạnh nhất không phải Bắc cực mà là nơi không có tình thương.”

Tên thật là Aleksey Maksimovich Peshkov ( Алексей Максимович Пешков ), nhà văn lỗi lạc, người đặt nền móng cho trường phái hiện thực xã hội chủ nghĩa trong văn chương, cũng là nhà hoạt động chính trị, Maxim Gorki đã trải qua tuổi thơ u ám. Gia đình lao động, bố làm thợ mộc, ông mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới 10 tuổi, được bà ngoại nuôi dưỡng. Bà là người yêu văn chương, đã đọc và kể cho ông nghe nhiều chuyện lý thú, từ đó ông cũng yêu chữ nghĩa ngay từ nhỏ. Tuy nhiên bà cũng vội từ trần, để lại cho ông niềm tiếc thương vô hạn. Cái chết của người bà đã ảnh hưởng đến cuộc sống của Maxim Gorki, có lần ông đã tìm cách tự vẫn vào năm 1887 nhưng được cứu sống. Sau đó, trong 5 năm liền ông đã đi bộ xuyên qua Đế chế Nga, làm nhiều việc khác nhau để kiếm sống, đồng thời tích luỹ vốn sống, làm tư liệu cho các tác phẩm ông viết sau này. Là người ham học nên ngay khi bước vào đời ông đã có vốn kiến thức đa dạng ( triết học, kinh tế chính trị, lịch sử, đặc biệt là văn chương.)

     Ông tìm được việc ở một tờ báo địa phương bằng cách viết bài và lấy bút danh là Maxim Gorki từ năm 1892 ( Gorki nghĩa là cay đắng ), cái tên nói lên sự bất mãn của ông về đời sống trong xã hội Nga bấy giờ. Văn chương của ông thường mô tả cuộc sống của những người nghèo khổ bị đối xử tàn bạo, rồi dần dần nghiêng về phản kháng. Ông công khai phản đối chế độ Sa hoàng và bị bắt giữ nhiều lần. Năm 1902, Maxim Gorki được bầu làm thành viên danh dự của Viện Hàn lâm Văn học nhưng vua Nicolas II ra lệnh hủy quyết định này.

    Từ năm 1904, ông chuyển sang hoạt động trong giới kịch nghệ, thành lập nhà hát riêng của mình, viết nhiều vở kịch chính trị nổi tiếng. Và cũng từ đây ông tham gia nhiều hoạt động trong phong trào Mac xit xã hội chủ nghĩa, ủng hộ phái bôn sê vik, một thời gian gắn bó với lãnh tụ Lênin. Ông được phái sang Mỹ vay tiền cho cách mạng Nga. Tuy nhiên tại đây ông bị buộc phải rời khỏi khách sạn ông đang trọ vì những hoạt động cách mạng, và cũng vì ông đi với người tình, không phải với vợ.

       Maxim Gorki là khuôn mặt lớn trên văn đàn thế giới. Tác phẩm ông để lại  ( đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ ) thuộc rất nhiều thể loại khác nhau: tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện thần tiên, kịch, thơ, chính luận, châm biếm, hồi ký, thư ngỏ. Nổi tiếng nhất là:

-     Truyện ngắn: những truyện ông vi từ những năm 1890.

-     Những vở kịch.

-     Một bài thơ.

-     Bộ ba tự truyện ( Thời niên thiếu  /  Kiếm sống /  Các trường đại học của tôi ).

-     Một tiểu thuyết: cuốn Người mẹ ( 1906 ), điển hình cho tiểu thuyết cách mạng xã hội chủ nghĩa, có giá trị như một công trình nghiên cứu xuất sắc về phong trào công nhân, về đời sống công nhân ở các nhà máy lớn, về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư sản. Paven tiêu biểu cho những chiến sĩ cách mạng, bà mẹ là hiện thân cu quá trình giác ngộ cách mạng trong nhân dân.

      Ông đã 5 lần được đề cử giải thưởng Nobel văn chương.

      Sau khi Ông qua đời, cả đất nước đều vinh danh ông:

            Nhiều quảng trường, đường phố, công viên, trường đại học mang tên ông.

    Tượng đài của ông được dựng tại Nga, Belarus, Ukraina, Azerbaijan, Kazakhstan, Georgia, Moldavia, và ngay cả ở Ý và Ấn độ.



    Một người bạn của tôi đã kể tôi nghe câu chuyện này.

   Khi còn là sinh viên ở Moscow, tôi ở trọ cạnh nhà của một trong những người phụ nữ có hành tung đáng ngờ. Cô người Ba lan, mọi người gọi tên là Teresa. Cô cao lớn, mạnh khoẻ, nước da ngăm ngăm, lông mày rậm, khuôn mặt thô kệch tuồng như được đẽo gọt bằng rìu - cặp mắt trông có vẻ buồn bã, giọng nói trầm đục, dáng đi như kiểu dân lái xe taxi, thân hình lực lưỡng, cuồn cuộn bắp thịt trông như ngư phủ, tôi nhìn thấy đã khiếp sợ. Tôi ở tầng trên cùng của nhà trọ và phòng chúng tôi ở đối diện nhau. Tôi không bao giờ để cửa mở khi biết cô đang ở nhà. Đôi khi tôi tình cờ gặp cô ở cầu thang hay dưới sân, cô ấy mỉm cười với tôi một cách gượng gạo. Thỉnh thoảng tôi thấy cô ấy say khướt, đôi mắt đỏ hoe, đầu tóc rối bù, nụ cười nhăn nhở. Những dịp như vậy, cô mở lời với tôi:  “ Chào anh sinh viên! Anh khoẻ không ? “ giọng cười của cô càng làm tôi kinh hãi hơn. Tôi muốn đổi phòng để tránh những lần gặp gỡ chào hỏi như thế này, tuy nhiên, căn phòng nhỏ của tôi rất đẹp, có tầm nhìn rộng từ cửa sổ và rất yên tĩnh với đường phố bên dưới - vậy nên tôi đành ở lại.

     Một buổi sáng, khi đang nằm ưỡn ra trên giường, cố tìm cớ để khỏi đi học, thì cửa xịch mở, và cái giọng trầm đục của Teresa cất lên:

 “ Chào anh sinh viên, chúc anh khoẻ. “

 “ Cô muốn gì? “ tôi nói. Tôi thấy mặt cô lộ vẻ bối rối, sợ sệt… tôi chưa từng thấy mặt cô như vậy.

 “ Thưa anh sinh viên !  Tôi muốn anh ban cho tôi một đặc ân. Anh chấp nhận chứ! “

Tôi làm thinh và nói thầm:

Ơn trời, can đảm lên chứ!

Cô nói:  “ Tôi muốn viết một bức thư về nhà, chỉ vậy thôi. “ Giọng cô tỏ vẻ cầu xin, nhỏ nhẹ, rụt rè.

“ Quỷ quái thật “, tôi thoáng nghĩ, rồi tôi nhảy chồm dậy, ngồi vào bàn, lấy một tờ giấy và nói:

 “ Cô ngồi xuống đây và đọc đi! “

Cô rón rén ngồi xuống ghế, nhìn tôi với ánh mắt tội lỗi.

 “ Được rồi, cô muốn viết cho ai nào? “

 “ Cho Boleslav Kashput, ở thành phố  Svieptziana, đường Warsaw. “

 “ Rồi, đọc đi! “

Anh Boles thân yêu, người tình của em, người yêu của em. Xin Chúa phù hộ cho anh ! Sao lâu rồi anh không viết thư cho con chim bồ câu bé nhỏ sầu muộn của anh là Teresa.

Tôi suýt bật cười:” Con chim bồ câu bé nhỏ sầu muộn,” cao hơn 1,5 mét, thân hình vạm vỡ, bàn tay rắn chắc như đá, gương mặt đen như bồ hóng, chừng như con chim bồ câu đó đã sống trong ống khói lò sưởi và chưa bao giờ tắm rửa.

Cố kìm nén, tôi hỏi:

 “ Anh chàng Boles đó là ai?”

 “ Boles, thưa anh sinh viên “, cô nói tuồng như bị xúc phạm vì tôi không biết cái tên đó,  “ anh ấy là Boles, người yêu của tôi.”

 “ Người yêu à?”

 ‘Sao anh lại ngạc nhiên. Một cô gái như tôi không thể có người yêu sao? “

Ôi trời! Một cô gái!

 “ Vâng, sao lại không chứ! “, tôi nói,  “ Mọi thứ đều có thể được, thế anh chàng đó là người yêu của cô từ bao lâu? “

 ‘ Sáu năm.”

Ô, tôi nghĩ. Thôi viết thư đã.

   Tôi thực lòng muốn nói với các bạn là tôi muốn đổi chỗ cho anh chàng Boles đó nếu người viết thư cho anh là ai khác chứ không phải Teresa.

 “ Tôi thành thật cám ơn anh đã giúp tôi nhiệt tình “, Teresa lịch sự nói. “ Tôi có thể làm gì giúp anh không? “

 “ Thôi, không có gì đâu. Cám ơn cô.”

 “ Tôi có thể vá quần áo cho anh! “

Tôi cảm thấy tức giận vì điều đó, tôi nói ngắn gọn là tôi không cần cô giúp gì cả.

Cô bỏ đi.

    Một, hai tuần trôi qua. Lúc đó vào buổi tối. Tôi ngồi huýt sáo nơi cửa sổ suy nghĩ xem có cách gì giải khuây không. Tôi mỏi mệt, thời tiết thật khủng khiếp, tôi không thích ra khỏi nhà và thoát khỏi cảnh buồn chán tột cùng này tôi chỉ còn cách trầm tư nghĩ ngợi. Chẳng lý thú gì nhưng không còn cách nào khác. Ngay lúc này cửa mở. Có người bước vào.

 “ Ồ, chào anh sinh viên, mong rằng anh không có việc gì gấp cả chứ? “

Đó là Teresa.

 Không, có việc gì vậy ?

 Thưa anh, tôi muốn nhờ anh viết một bức thư khác. “

 “ Được rồi! Viết cho Boles nữa à? “

 “ Không, lần này là thư phúc đáp của anh ấy! “

 “ Cái gì? “ Tôi kêu lên.

 “ Xin lỗi anh, tôi ngu dốt quá. Không phải phúc đáp cho tôi mà cho một người tôi quen, một bạn trai. Anh ấy có người yêu cũng như tôi Teresa vậy. Chuyện là vậy đó. Anh có thể viết một bức thư cho cô Teresa đó? “

Tôi nhìn cô -  cô tỏ vẻ bối rối, tay luống cuống. Ban đầu tôi hơi bối rối rồi tôi đoán được mọi việc.

 “ Hãy nghe đây, cô gái “ , tôi nói.  “ Không có Boles hay Teresa nào cả, và cô đến nói với tôi những điều dối trá. Thôi đừng tới đây quấy rầy tôi nữa. Tôi không muốn tiếp xúc với cô nữa. Cô hiểu chứ? “

Tôi thấy cô có vẻ sợ hãi và quẫn trí, cô đưa qua đưa lại hai chân mà không di chuyển, rồi lắp bắp như muốn nói điều gì nhưng không nói được. Tôi chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra và tôi chợt nhận ra hình như mình đã làm sai vì đã nghi ngờ cô là đã kéo tôi xa khỏi sự trung thực. Đó là chuyện khác hẳn.

 “ Thưa anh sinh viên “, cô bắt đầu nói, và thật bất ngờ, cô vẫy tay, quay về phía cửa và bước ra. Tôi ngồi đó với cảm giác khó chịu trong lòng. Tôi lắng nghe. Cánh cửa đóng sập dữ dội. Tôi nghĩ mọi chuyện đã qua và quyết định mời cô trở lại và sẽ viết bất cứ gì theo ý cô.

Tôi qua phòng cô, nhìn quanh. Cô đang ngồi ở bàn, hai tay bưng lấy mặt.

Tôi nói:  “ Cô nghe tôi nói đây. “

Lúc này, cứ mỗi khi tôi đến đoạn này của câu chuyện, tôi luôn luôn cảm thấy vụng về, bối rối. Thôi, thôi.

“ Cô nghe đây “, tôi nói.

Cô vụt đứng lên, đi về phía tôi và choàng tay qua vai tôi, rồi bắt đầu thổn thức, đúng hơn là thầm thì bằng cái giọng khàn đục của mình.

“ Thưa anh. Chuyện như thế này. Không có Boles nào cả, và cũng không có Teresa , anh làm sao vậy ? Khó khăn lắm khi anh đặt bút viết trên giấy ? À, cả anh nữa.Chẳng khác một cậu bé tội nghiệp! Không có ai cả, không có Boles, không có Teresa, chỉ có tôi. Vậy mà anh đã viết, anh đã giúp.”

“ Xin lỗi! “ tôi nói, ngỡ ngàng khi nghe như vậy. “ Thế là thế nào? Cô nói là không có anh Boles à ?

“ Vâng, đúng vậy.”

“ Và cũng không có Teresa ? “

“ Không có Teresa. Chính tôi là Teresa. “

Tôi không thể nào hiểu được. Tôi nhìn cô chằm chằm, và cố nghĩ xem ai trong hai chúng tôi đang mất trí đây.,Nhưng rồi cô lại đến bên bàn cố tìm cái gì đó, rồi trở lại gần tôi nói với giọng khó chịu:

“ Nếu anh thấy khó khăn khi viết những bức thư cho Boles thì đây, thư của anh đây, cầm lấy đi. Người khác sẽ viết cho tôi.”

Tôi nhìn. Trong tay cô là bức thư tôi viết cho Boles. Ôi.

“ Nghe đây, Teresa! Chuyện này nghĩa là sao ? Tại sao cô phải nhờ người khác trong khi tôi đã viết cho cô rồi và cô khôn gởi đi? “

“ Gởi đi đâu? “

“ Sao ? Gởi cho Boles ? “

“ Không có người như vậy. “

Tôi hoàn toàn không hiểu gì hết. Tôi chỉ còn nước càm ràm rồi bỏ đi. Rồi cô giải thích.

“ Chuyện thế nào à ?” cô nói, vẫn còn tức giận.

“ Không có người như thế, tôi đã nói với anh rồi.”, cô lại giang tay ra như thể chính cô cũng không hiểu tại sao lại không có người như thế…  Liệu tôi có thể không phải là người như họ được không? Vâng, vâng, tôi biết, tôi biết, dĩ nhiên rồi. Tuy nhiên chẳng ai thiệt hại gì bởi điều tôi viết cho anh ta mà tôi nhìn thấy được… “

“ Xin lỗi, cho ai? “

“ Tất nhiên là cho Boles.”

“ Nhưng anh ta không hiện hữu. “

“ Than ôi, than ôi! Nhưng nếu có anh ta thì sao? Anh ta không hiện hữu nhưng anh ta có thể! Tôi viết cho anh ấy và làm như là có anh ấy. Và Teresa - là tôi, anh ấy phúc đáp cho tôi, và tôi lại viết cho anh ấy nữa… “

Cuối cùng tôi cũng hiểu được. Và tôi cảm thấy đau khổ, buồn rầu, xấu hổ, đại loại như vậy. Cạnh tôi đây, không xa cách lắm, có một con người không có ai trên đời này để đối đãi tử tế với mình, yêu thương mình, và con người đó đã tưởng tượng ra một người bạn cho mình!

“ Vậy đó, anh viết cho tôi một bức thư gởi Boles, tôi đưa cho người khác đọc giùm tôi, và khi họ đọc, tôi lắng nghe và tưởng tượng rằng có Boles ở đó. Rồi tôi lại nhờ anh viết thư của Boles gởi cho Teresa - tức là cho tôi. Khi họ viết thư như vậy và đọc nó, tôi hoàn toàn tin rằng có Boles ở đó. Và như thế cuộc sống đối với tôi dễ chịu hơn. “

“ Chúa coi cô như kẻ ngu đần! “

tôi nhủ thầm như thế khi nghe chuyện.

Và kể từ đó, rất đều đặn, mỗi tuần hai lần tôi viết một bức thư cho Boles, rồi thư phúc đáp của Boles gởi cho Teresa. Tôi viết hết những thư đó. Còn cô ấy, tất nhiên cứ lắng nghe rồi khóc, rồi thầm thì bằng cái giọng khàn đục của mình. Đổi lại những giọt nước mắt của cô là những bức thư thật của tôi gởi chàng Boles tưởng tượng. Cô bắt đầu vá giúp tôi những lỗ thủng trong bít tất, áo và các thứ trang phục khác..

Ba tháng sau khi câu chuyện này xảy ra, cô bị bắt vì lý do nào đó. Hẳn là giờ này cô đã chết.

Anh bạn tôi gạt tàn thuốc lá, bâng quơ nhìn lên trời và kết luận:

Thế đó, con người càng nếm mùi cay đắng bao nhiêu thì càng khao khát điều ngọt ngào trên đời bấy nhiêu.

Và chúng ta đây, bó mình trong vỏ bọc của đức hạnh, bằng lòng  nhìn người khác qua lớp sương mù của chính mình, cứ tin ở những điều hoàn hảo, không thể nào hiểu được điều này.

Và mọi việc cứ quay tròn một cách ngu xuẩn và độc ác. Chúng ta cứ nói, những tầng lớp bỏ đi. Nhưng họ là ai, liệu ta có biết được? Trước hết họ cũng là những người có xương thịt, có da, có máu, có não như chúng ta thôi. Ngày này qua ngày khác chúng ta nghe chuyện này. Và chúng ta có thể nghe, chỉ có ác quỷ  mới hiểu chuyện này xấu xa thế nào. Hoặc là chúng ta hoàn toàn bị đánh bật bởi lời nguyền của chủ nghĩa nhân văn. Thực tế, chúng ta cũng là những người hư hỏng, và theo tôi thấy, ta rơi vào hố của sự tự mãn và tự tôn. Nhưng bằng lòng như thế. Điều đó xưa như trái đất, xưa đến nổi nói ra cũng xấu hổ. Xưa lắm, đúng vậy thôi, không khác được!

THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu
( tháng 7 / 2024 )
 
Nguồn :
https://short-stories.co/@maximgorky/her-lover-q0nlyo1mnv6m