Trần Quí Sách
hay Trần Hoài Thư, tên nào cũng đổ nợ. Tên cúng cơm hay bút hiệu đều truân
chuyên như nhau. Trần Hoài Thư cùng chị Ngọc Yến qua Montreal này ba lần. Lần
nào cũng như cóc bỏ dĩa nhưng lần nào anh cũng gặp anh em cầm bút bên này. Anh
quý bạn văn, đường từ New
Jersey tới Montreal kể cũng xa, 9 giờ lái xe. Vậy mà khi chúng tôi động thớt động
đĩa văn chương bằng những cuộc ra mắt sách anh chị cố gắng có mặt. Lần
anh Luân Hoán tổ chức cưới cho con gái anh chị cũng qua chung
vui. Chẳng gì Trần Hoài Thư và Luân Hoán cũng là bạn đồng ngũ tại trường Sĩ
Quan Thủ Đức. Tình anh với bạn văn đầy đặn nhưng vất vả như vậy. Huống chi tình
anh với thứ anh mang nợ là sách.
Khi anh qua
Montreal với chúng tôi, sách vở chưa vướng chân anh nhiều. Kể từ khi anh lập nhà in và xuất bản Thư Ấn Quán cùng tạp chí bất định
kỳ Thư Quán Bản Thảo anh mới hùng hục trả nợ sách. Bên cạnh Thư Quán Bản Thảo
là những trang sách của miền Nam xưa bị anh lục tung, vực chúng sống dậy bằng
những tuyển tập in lại
những sáng tác của nhiều tác giả miền Nam Việt Nam trước 1975. Đình đám nhất là
tủ sách “Di Sản văn Chương Miền Nam” với
hai tuyển tập “Thơ Miền Nam” gồm 5 tập dày 3500 trang và “Văn Miền Nam” gồm 4 tập
dày khoảng 2400 trang là những công trình khó ai có đủ sự trì chí và tài năng để
làm nổi., Trần Hoài thư bộc bạch với đài VOA: “Tôi đăng truyện
ngắn rất là nhiều trước năm 1975, hàng trăm truyện ngắn như vậy, nếu không tìm
ra lại được thì uổng đi. Mình cũng biết rằng Cornell có nhiều sách vở báo chí.
Từ đó mình nảy ra ý niệm rằng nếu như mình không làm cái này đưa ra cho anh em
bạn bè cũng như mình thì uổng đi. Lúc đó thì cực lắm vì từ nhà đi Cornell năm
tiếng đồng hồ một lần đi và thêm năm tiếng lần về. Mình khởi hành 4 giờ sáng,
trời tuyết giá, đường đèo đường núi, có khi tai nạn. Cám ơn bà xã, khuyến khích
mình, ngồi bên cạnh và lái giúp mình.”
Đọc tiếp...
Đường trường xa là nhờ tay lái của
chị Ngọc Yến. Không biết bao nhiêu quãng đường anh chị đã khổ cực vượt qua. Cho
tới khi bệnh tật ụp tới chụp xuống cả hai anh chị. Không biết có phải vì làm
việc quá độ đã ảnh hưởng tới sức khỏe của anh chị không. Nếu đúng thì anh thần
bệnh quá vô tâm. Thư viện Cornell không vô tâm như vậy. Biết sức khỏe của anh
không dược tốt sau cơn đột quị, thư viện Cornell đã gửi các tài liệu anh cần
tới tận nhà. Anh khỏi phải tới thư viện như trước.
Đó là Trần Hoải Thư về sau. Khi anh
chị qua Canada, không biết các anh Luân Hoán, Hoàng Xuân Sơn hay Trang Châu có
biết quãng đời luôn chống đỡ với nghịch cảnh của anh trước đó không. Tôi hoàn
toàn không biết cuộc sống ngoan cường của anh. Trông anh không có vẻ chì. Trái
lại, còn có vẻ liễu yếu đào tơ! Sanh năm 1942 tại Đà Lạt, thất lạc cha, cùng mẹ
sống khổ cực tại Nha Trang. Trần Hoài Thư đã phải vất vả bán hàng rong ở bến xe
và đi bộ mỗi ngày khoảng 20 cây số tới trường . Có một thời gian anh đã phải
vào ở trong cô nhi viện Bethlehem. Khi đoàn tụ với cha di cư từ bắc vào, anh
mới được đi học đều tại trường Quốc Học Huế và Đại học Khoa Học Sài Gòn. Ra
trường anh dạy học tại trung học Trần Cao Vân, Quảng Nam. Nhập quân trường Thủ
Đức năm 1967, khóa 24 SQTB. Tốt nghiệp anh phục vụ tại Đại Đội Thám Kích 405
thuộc Sư đoàn 22 bộ binh, bị thương ba lần. Sau 1975, anh đi “cải tạo” hơn 4
năm. Trở về, anh làm đủ nghề trong đó có thời bán cà rem dạo. Không biết ông
giáo Thư có lắc chuông trước cửa trường cũ không.
Năm 1980 anh vượt biển, cắp sách tới
trường lại, tốt nghiệp Cử Nhân Điện Toán và Cao Học Toán Ứng Dụng. Anh làm việc
cho AT&T rồi IBM. Cứ suy ra đám bạn chúng tôi, trừ một số bạn theo ngành Y
khoa, chuyện cắp sách tới trường lại khi tuổi đã cứng, trí óc đã mòn sau bao
biến thiên của cuộc đời, thêm cơm áo cho gia đình thúc phọc sau lưng, là chuyện
thiên nan vạn nan.
Trường
cách xa nhà hơn mười dặm
Đường
đi Nữu Ước xe như rừng
Chàng
đến trường sau giờ tan việc
Học
trò già đến trường nàng ơi
Có
khi lòng nặng như đá tảng
Ham làm gì cái bằng master
Con người của
toán học và kỹ thuật nhưng tâm hồn lại dành cho văn chương. Chính văn chương đã
nâng anh dậy thành một nhà văn xứng với cái tên Trần Quí Sách tiền định. Từ năm
1964, anh đã có truyện và thơ trên Bách Khoa,
Văn, Văn Học, Đời, Thời Tập, Vấn Đề, Khởi Hành và Ý Thức. Năm 2004, anh về hưu
và dành tất cả thời gian cho văn học Việt Nam với Thư Ấn Quán và Thư Quán Bản
Thảo. Anh đã biến căn nhà ở Plainfield, New Jersey, thành nhà in
gồm toàn máy móc cũ mua rẻ trên e-Bay để “chế tạo” những cuốn
sách từ A đến Z. Như một sắp đặt tình cờ, nghề kỹ thuật đã giúp cho đam mê văn
chương của anh. Sách in ra để tặng. Mỗi lần có người xin sách là hai vợ chồng
hí ha hí hửng như gặp quới nhân. Số
máy cũ anh bỏ tiền ra mua về cải sửa, có cái dùng
được, có cái không. Máy thì kềnh càng, người thì liêu xiêu, hai bên đánh vật
với nhau, phần thua về ai chắc mọi người đều đoán được.
Ham chi cái máy dán keo
Ham chi làm đẹp hardcover bìa ngoài
Lên Ebay, 500 đồng
Order từ tận bên Tầu xa xăm
Ba năm rồi, máy nằm im
Keo thì phết, nhưng bìa thì thảm thê
Thôi đành ta phải return
Nhưng ai cũng hoảng khi đóng thùng gởi đi
Nặng hơn một cái đầu xe
Còn ta thì một lão già liêu xiêu
Thôi thì bỏ đó ba năm
Để rút kinh nghiệm mà chừa lần sau
Không ngờ ta có cái đầu
Chỉ 15 phút là khỏi cần máy glue
Thấy mình vui quá là vui
Hỏi ông Steinbeck "Của chuột và người "
ai hơn.
Cái
máy dán keo anh mua 444 đô nhưng không xài được vì đây là máy chỉ dùng trong kỹ
nghệ. Máy phải dùng nhiều keo, khi dán keo tràn ra hai bên, rớt xuống dưới.
Đành bỏ xó. Có thể trả lại được nhưng máy rất nặng, cần hai người khiêng và
đóng thùng ván. Khi đó thân xác anh đau nhức nhưng đầu óc anh vẫn quay quắt với
cái máy. Cuối cùng anh nghĩ ra được cách trị: lấy hai miếng tôn mỏng làm hai
vách hai bên. Keo hết tràn lan ra hai bên! Cái
đầu kỹ thuật đã giúp ông già thắng 1-0.
Cô đơn trong căn nhà thiếu bàn tay của chị
Yến nằm tại nursing home, anh chỉ lo
cho cái basement nhà in. Còn bỏ phứa
hết. Ung thư, đột quị đánh những đòn chí tử vào thân xác nhưng không đánh gục
được ý chí sắt thép của ông. Ông coi mỗi lần hóa trị như một cuộc hành quân năm
xưa.
Một
chiếc võng, một chỗ nằm
Tôi
ru tôi qua những đầm lẫn truông
Bốn
mùa hoan lạc tai ương
Ung
thư đột quị tạp pì lù mỏi mê
Chừ
tôi chuẩn bị đi về
Không
có võng lấy gì à ơi.
Chị Ngọc Yến ra đi ngày 27/4/2024 sau
nhiều tháng nằm không còn quá khứ, đơn sơ như con trẻ. Nhà chính luận Trần
Trung Đạo đã tới với anh tại căn nhà vắng chị này. “Căn nhà vẫn còn đó nhưng không có bàn
tay chị Yến chăm sóc nữa. Chị bệnh nặng. Chậu hoa sứ nằm nghiêng bên bậc tam
cấp vào nhà, anh cũng không buồn dựng lên. Chất sống duy nhất còn chảy trong
anh là tình yêu không màu dành cho chị. Mọi hình thức khác đều vô nghĩa. Tôi
linh tính mùa mưa bão sắp thổi qua đây nên đề nghị anh ra vườn để bốn anh em
chụp vài tấm hình kỷ niệm. Anh vui vẻ gật đầu. Khu vườn cỏ mọc đầy. Anh làm
dáng, miệng cười hồn nhiên như trẻ thơ. Sinh hoạt văn nghệ Boston có một thời
hưng thịnh và sầm uất. Chúng tôi có quá nhiều kỷ niệm, có thể viết thành một
cuốn sách khá dày. Hôm qua anh em còn lại ở Boston ngồi ôn chuyện cũ. Nhớ và
nhắc nhiều nhất vẫn là anh chị Trần Hoài Thư. Không chỉ vì anh chị vừa ra đi
nhưng anh chị là biểu tượng sống động của tình yêu vợ chồng, tình yêu quê hương
đất nước và lý tưởng của một đời người. Mỗi người chúng ta đến đây để làm một
số việc và đến một thời điểm nào đó sẽ ra đi. Công việc có thể làm chưa xong
nhưng không sao các thế hệ Việt Nam khác sẽ lớn lên và làm tiếp”.
Đúng một tháng sau khi chị Yến mất,
Trần Hoài Thư cũng đi theo chị vào ngày 27/5/2024. Hai vợ chồng đã cùng nhau
sống một cuộc sống với sách vở chữ nghĩa. Vắng chị, anh vẫn cặm cụi với sách
vở. Nhưng thân xác còn đây, hồn anh đã vọng về chốn xa xăm, nơi có chị. Cho tới
khi anh cất bước đi tìm chị.
Không
đi mà bảo rằng đi
không
về cứ bảo rằng về cõi tiên
xe
tình chừ đã ngủ yên
còn
chăng mùi tóc đen tuyền
tỏa
hương
Tôi chưa từng đặt chân tới căn nhà đong đầy tình anh nghĩa chị, đậm đặc hơi hướm sách vở của một thời xa xưa mà anh và chị đã vá víu giữ lại trong nhiều năm qua. Đây là một nhà in độc đáo nhất trên đất nước tạm dung của chúng ta. Không có cái thứ hai. Anh chị đã để lại một thánh địa của chữ nghĩa miền Nam Việt Nam trong dáng hình tuệch toạc vá víu. Nó xứng đáng được giữ lại nguyên trạng như một bảo tàng cho mọi con dân nước Việt tới chiêm ngưỡng. Mong thay!