Khi lần đầu tiên gặp một họa sĩ, tôi thường có khuynh hướng tìm vài nét tương đồng
để liên tưởng đến một họa sĩ nổi tiếng nào đó thuộc những thế hệ trước. Với
Nguyễn Trọng Khôi, tôi cũng làm như vậy nhưng trừ vài nét chung chung như được
đào tạo ở trường lớp hay năng khiếu, tôi không tìm được gì đậc biệt. Nguyễn Trọng
Khôi (NTK) không giống một họa sĩ nào khác.
Từ ngày quen biết NTK, khoảng giữa thập niên 80, đến nay,
tôi luôn có cảm giác là với anh, không có một ngày nào không có hội họa. Rất
đam mê, nhưng trong cái đam mê đó cái ý thức tự do rất lớn. Anh không tự ràng
buộc vào một cách nhìn, một cách thấy, một quan điểm nghệ thuật nào nhất định.
Anh vẽ tranh ấn tượng, trừu tượng, biểu hiện, chân dung, hình họa, v.v. Và, sử
dụng tài tình nhiều chất liệu khác nhau như chì than, màu nước, sơn dầu,
acrylic, hỗn hợp.
Thời gian đầu, NTK vẽ nhiều tranh nặng nét hiện thực với
khuynh hướng ấn tượng, Loạt tranh này được giới thưởng thức, sưu tầm ở hải ngoại
ưa chuộng. Tuy nhiên, càng về sau, tranh của NTK khác đi nhiều, rất mới trong
phong cách và quan niệm nghệ thuật. Mặc dầu vậy, cái đặc biệt nơi NTK là dù sau
một thời gian lao vào trừu tượng với họa pháp tự do anh vẫn có thể trở lại vẽ
tranh cổ điển với khả năng tự chế cao độ.
NTK nổi tiếng với tranh tĩnh vật. Tranh tĩnh vật dễ vẽ nhưng rất khó thành công, nghĩa là rất khó tạo nên một tác phẩm nghệ thuật cao. Đối tượng vẽ là những vật vô tri vô giác. Chúng đứng im, không động đậy, nhưng người vẽ phải tạo nên sự chuyển động, tạo nên sức sống, cái đẹp, và cả cái thông diệp nghệ thuật. Tranh vẽ những bình đất của NTK là một “signature” của anh. Khó có họa sĩ Việt Nam nào vượt qua. Vẽ bằng sơn dầu. Bố cục, ánh sáng, màu sắc phối trí rất điêu luyện. Tranh thường dùng nhiều màu đất (earth tones) nhưng thỉnh thoảng, trong một số bức, chêm vào những vàng, đỏ, xanh làm nổi bật lên rất tài tình dù nền màu nóng hay lạnh.
NTK vẽ chân dung bằng nhiều chất liệu khác nhau nhưng đa số bằng chì than và sơn dầu. Có vẻ như anh chịu nhiều ảnh hưỡng của Rembrandt trong bút pháp lẫn màu sắc. Dù có chịu ảnh hưởng hay không, NTK đạt một độ cao trong nghệ thuật vẽ chân dung. Rất có hồn, rất giống, biểu hiện cá tính của người mẫu. Và, tranh đẹp. Theo tôi, cái quan trọng nhất khi vẽ chân dung là sư chân thật. Không ít họa sĩ khi vẽ chân dung cố tạo nên một con người đẹp hơn, đài các hơn, phong sương hơn, hay với đàn ông thì có cá tính mạnh hơn. Người trong tranh trông rất hợp với một hình ảnh nào đó trong thi ca. Có thể gọi đây là tranh sáng tác nhưng không phải là tranh chân dung. Tranh chân dung phải giống người mẫu, cả vóc dáng, tâm hồn, lẫn cá tính. Giống theo bất cứ quan điểm nghệ thuật và cách nhìn nào của người vẽ, nhưng phải giống người mẫu. Không thể gán bức chân dung của người này cho người khác. Và tranh chân dung cũng không phải là caricature, phác họa chỉ dựa trên vài nét đặc biệt, Tôi cho rằng NTK là một họa sĩ vẽ chân dung đích thực và có tài. Thỉnh thoảng, anh phóng túng hơn trong cả màu sắc lẫn bút pháp, như trong chân dung Văn Cao, nhưng vẫn theo đúng những nguyên tắc căn bản cho tranh chân dung.
Hình họa của NTK có bố cục vững và hình ảnh nhân vật
trong tranh nặng tính chân dung, khác với tranh hình họa của nhiều người trong
nhóm họa sĩ trẻ Miền Nam trước 1975. Và cũng không có dáng dấp những phong cách
thời thượng của hình họa trong tranh Picasso, Gauguin, hay Modigliani, cái cổ
được kéo dài ra. Mỗi khuôn mặt trong tranh NTK chỉ hiện diện trong một bức
tranh, khó thấy được sao chép lại cho một bức tranh khác. Và, càng không có
chuyện người mẫu sống mãi mà không già từ thập niên này qua thập niên khác
Tôi thích nhất tranh Trừu Tượng và Biểu Hiện của NTK.
Trong lãnh vực này, khả năng sáng tạo và làm mới của anh biểu lộ rõ. Chất liệu
acrylic thường được sử dụng trong loại tranh này. Tuy có vẻ như NTK vẫn có
khuynh hướng dùng nhiều màu đất, nhưng ở đây, anh dùng màu sắc phóng túng hơn.
Tôi thích nhất bức The Last Autumn, màu sắc rực rỡ nhưng vẫn rất hài hòa và ấm
áp, tương phản trong một không gian màu lạnh.
Tranh Biểu Hiện của NTK trang trải thông điệp của họa sĩ một cách nghệ thuật, tài tình, tự nhiên, không gượng ép. Thông điệp thường nhắm vào sự hiu quạnh và nổi xót xa, cô đơn của con người. Kể cả, khi diễn đạt tình yêu và hạnh phúc. Nhưng quan trọng nhất, đây là những bức tranh đẹp, bất kể mang thông điệp nào. Tôi thích nhất bức Bà Mẹ Trẻ. Bức này được anh xếp vào cả hai loại tranh, Trừu Tượng và Biểu Hiện.
Những Mảnh Vụn Trong Trật Tự Mới gồm một loạt những sáng tác thuộc nhóm Biểu Hiện, được cấu trúc dựa trên ý nghĩa của tên gọi. Những bức tranh này biểu hiện một cách nhìn mới về đời sống, về con người, liên kết những mảnh nhỏ khác nhau, tương đồng hay tương phản, để vẽ nên một bức tranh toàn diện. Cái câu nói “trong họa có thơ” có thể áp dụng trong tranh Biểu Hiện của NTK.
Bên cạnh hội họa, NTK là một nghệ sĩ có nhiều tài năng và
đam mê khác. Hát hay, đàn hay, cả sáng tác nhạc. Anh giao tiếp rộng và là bạn tốt
của rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức. Tôi tham dự khá nhiều gặp gỡ bạn bè chung
với NTK. Lần gặp gỡ nào cũng để lại trong tôi ấn tượng tốt, khó quên. Tôi có cảm
giác như cái đời sống ngoài hội họa nhưng khá năng động này của NTK đã ảnh hưởng
nhiều đến những sáng tác hội họa của anh. Những sáng tác đã tạo nên nhiều xúc cảm
sâu đậm và gần với đời sống thực của con người.
Nguyễn Trọng Khôi tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn
năm 1973. Trường lớp giúp anh vững vàng trong kỹ thuật và không phạm những lỗi
lầm căn bản. Nhìn tranh NTK ta thấy điều đó. Nhưng chỉ có thế. Rời trường lớp,
anh luôn tạo cho mình một lối đi riêng. Anh có một khả năng sáng tạo phong phú,
luôn tìm tòi và luôn làm nên cái mới. Trong nghệ thuật, tham vọng là một đức
tính. Tôi cho rằng NTK là một họa sĩ nhiều tham vọng.
Với tài năng, sự đam mê và tham vọng nghệ thuật, sự cống
hiến cái mới của Nguyễn Trọng Khôi cho hội họa sẽ khó ngừng lại ở một thời điểm
nào.
Với Nguyễn Trọng Khôi, chúng ta luôn chờ đợi và đón nhận.