Tuesday, July 2, 2024

3470. NGUYỄN THỊ THANH BÌNH Nhớ Mai Thảo

Nhà văn Mai Thảo (1927-1998)

Tôi ngờ rằng vì tháng 6 có ngày sinh của Mai Thảo, nên Thư Quán Bản Thảo chọn làm ấn bản trích lại đặc biệt về tuỳ bút  Mai Thảo. Chúng ta từng yêu tuỳ bút của Nguyễn Tuân, và sau này có lúc tôi cũng thích tuỳ bút của Võ Phiến và cả Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhưng yêu mê nhất có lẽ vẫn là thứ tuỳ bút đượm đầy chất thơ của Mai Thảo.


Với con người Thơ ấy, tôi còn học được rất nhiều điều thú vị. Ngoài tài nhớ thơ đọc thơ rất có hồn của ông, tôi còn học được ở ông lòng kính trọng chữ nghĩa vô bờ bến. Chúng ta có thể bắt gặp nhiều lần Mai Thảo có thể uống rượu với bạn bè xung quanh mà quên cả mồi nhắm hoặc quên ăn, hoặc không đụng đũa hoàn toàn. Và những lúc hơi ngà ngà men rượu như thế, Mai Thảo có thể hơi bù khú một vài câu chuyện trên chiếu rượu nhưng tuyệt nhiên với Mai Thảo, ông hoàn toàn không bao giờ lên giọng, nặng lời với bất kỳ một ai, hoặc một điều gì trong chữ viết, trong ‘cõi viết’ (chữ của ông).


Khi nói về điều này, ông thản nhiên cho rằng với những con người như thế… như thế, sẽ không bao giờ sắm nổi cho mình tấm vé bước vào ngưỡng cửa văn chương.
Với Mai Thảo, dường như văn chương thì phải đẹp, phải thiện phải mỹ, và những người làm văn học văn chương thì cũng phải trong sáng và đẹp như thế!
Còn nhớ trong những ngày phải dựng lại bàn-viết-lữ-thứ (chữ của Mai Thảo) ở quê người, mỗi lần có dịp gặp ông về chơi với họa sĩ Ngọc Dũng ở Miền Đông và thăm rừng thu diễm ảo ở đây, tôi vẫn hỏi ông có bao giờ ông còn muốn về thăm lại một Hà Nội xưa hay một Sài Gòn hoa lệ có Đêm Màu Hồng với tiếng hát vượt thời gian Thái Thanh (Mai Thảo dường như yêu Thái Thanh hơn ca sĩ Hà Thanh vì ông kể có lần ra Huế suýt… lỡ dại bị túm làm rể hụt), hoặc những đêm làm báo viết vội ‘feuilleton’ để kịp đi theo đám bạn uống rượu, vui chơi suốt sáng. Lúc ấy tôi thấy mặt ông vụt đăm chiêu lạ, nhưng  ông chỉ gằn mạnh đúng 3 chữ: ‘Không bao giờ’. Ôi buồn, cảm giác như khi tôi đọc lại Đêm Giã Từ Hà Nội của Mai Thảo và sững sờ như Thanh Tâm Tuyền với câu dẫn đầu: ‘Phượng nhìn xuống vực thẳm. Hà Nội dưới ấy…’


Dở lại sưu tập gồm 32 tuỳ bút này của Mai Thảo, bất ngờ lật sơ chúng ta cũng sẽ phải dừng lại rất lâu ở bài tuỳ bút Trong Một Tiệm Sách, và  thử cùng đọc một đoạn nhỏ:


‘Buổi sáng hôm nay rỗng. Thời gian sáng nay chậm. Tâm trí người sáng nay là một tâm trí dịu dàng buồn. Và tôi đã lạc tới đây trong một tiệm sách khuất nẻo, bước lững thững giữa những môi hồng trí tuệ. Tôi đã lật nhẹ một trang kia. Ngó hờ một chữ này. Và nhớ đến một hiện tượng dẫn dắt. Của một cánh tay lớn. Giữa chất xám cúa óc, chất hồng của tim, một số nhỏ trong cái khối lượng phần thư vĩ đại của những thế kỷ ngôn ngữ truyền kiếp đã dẫn tôi đi vào thế giới ở đó đã biểu hiện và cấu thành mọi thứ khả năng tưởng tượng, mơ mộng kỳ diệu và chìm đắm của loài người. Tuổi nhỏ tôi hồng. Sách hồng tôi đọc. Những trang sách xưa ôi những trang sách vàng.Hồn tôi mới. Sách rớt xuống từng bình ngây ngất. Thuyền tôi còn đậu bến. Chính là sách đã rút neo đẩy ra khơi thành những chuyến đi đầu. Sách đưa vào phiêu lưu. Chữ đầy thuyền thành sóng. Sách vừa là gió đầy. Sách vừa là triều dâng.Khả năng mơ mộng và tưởng tượng mà tôi cho là khả năng đáng có nhất của một đời, nơi tôi, đã nhờ sách mà có. Với sách , tôi đã mơ mộng. Bằng sách, tôi đã tưởng tượng…’


Tuỳ bút của Mai Thảo hay đã đành, nhưng thơ chừng như mới chính đích thực là tài hoa hiển lộng của ông thì phải.


Dù vậy, đến cuối đời Mai Thảo mới tìm đến với nàng Thơ mãnh liệt, toàn phần hơn và giao cho  Văn Khoa của GS Đỗ Đình Tuân in một cuốn duy nhất là Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền (oách chưa? Mai Thảo vẫn nói với tôi :kiêu hãnh nếu có cũng chỉ là kiêu hãnh trong âm thầm).


Cũng một đề tài về Sách, nhưng chừng như trong thơ chúng ta dễ dàng bắt gặp một Mai Thảo sâu lắng, giàu chiêm nghiệm và lung linh ảo diệu. Ví dụ bài tứ tuyệt sau đây:


Sách một dãy nằm trơ trên giá
Cạnh người thân thế cũng trơ trơ
Sách, người hai cõi cùng hư hoại
Nơi một ngàn chương thiếu một tờ


Bài thơ mang tựa đề Lẻ Một, và cái lẻ một đó phải chăng là một tờ của trang cuối mà tác giả và chúng ta đều đang tự hỏi là ở đâu và nơi nào. Để dẫu có tìm kiếm hay không thì trang đời  khép lại của chương cuối vẫn phải đến, để điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa của cái thân phận thiếu-một-tờ bất ngờ và nghĩ cho cùng cũng chẳng bất ngờ gì mấy, có phải?

Nguyễn Thị Thanh Bình