Friday, June 28, 2024

3466. Truyện ngắn Phạm Văn Nhàn HẮN

Ảnh minh họa - Google images

(Viết cho Sách)

Vừa dừng xe lại, tôi ngạc nhiên khi thấy  hắn đứng trước  nhà, chưa kịp nói gì với người bạn ngồi bên cạnh, người bạn đã hỏi:

- Ai vậy?

Sự ngạc nhiên như vẫn còn trong ý nghĩ của tôi, chưa kịp trả lời. Người bạn lại hỏi :

- Ai vậy?

Tôi nói: chính hắn.  Người bạn bước xuống xe. Tôi giới thiệu, hai người bắt tay. Cười.

Tôi chửi thề: mẹ kiếp. Sao cậu không cho tôi biết trước để đi đón?

Hắn lại cười. Bao đỗi ngạc nhiên vẫn còn trong tôi. Còn người bạn tôi thì cười vui. Vì đã lâu, nghe tên hắn, bây giờ mới gặp nhau. Vẫn nụ cười ấy của hắn. Vẫn cái dáng người ốm ốm cao cao ấy của hắn. Vẫn nụ cười như lúc nào cũng muốn “ héo ” trên môi. Và, một sợi râu dưới cằm đâu rồi? Lâu quá phải không Sách. Tôi muốn gọi cậu với cái tên thật. Cái tên mà đã một thời tụi mình gắn bó với nhau khi chiến trường còn là chỗ  dầu sôi lửa bõng. Khi mà tôi với cậu vẫn lang thang. Và, mỗi lần về ngủ lại ở “ hậu cứ - cứ gọi như thế đi ” trong căn nhà bẩn thỉu  ở khu 6 Qui nhơn. Căn nhà gồm những người lính bụi đời nhớ thành phố mà dù về. Căn nhà nhớ mãi đến ngày hôm nay, khi chiến tranh không còn là nỗi ám ảnh với bọn tụi mình nữa. Nhưng sao tôi vẫn nhớ đến ngôi nhà ấy một cách lạ lùng. Nhớ những người lính vì hoàn cảnh này hoàn cảnh nọ mà phải đào ngũ, bị bắt ra lao công đào binh. Có dịp về ngủ tá túc trong ngôi nhà khu 6, như cái trạm, để rồi lại tiếp tục quãng đường chẳng bao giờ thấy tương lai. Ngôi nhà mà mỗi sáng chủ nhật có Cầm đến như nỗi vui của tôi, mà thật sự lúc ấy chẳng ai dám nghĩ đến tình yêu. Ừ, thì có em đến làm cho ngôi nhà tươi mát thêm trong cái bề bộn, dơ dáy của những thằng lính như bọn mình.

Và, cũng như cậu, sau những bận hành quân dài, lại bất ngờ cũng nhảy xe về ngôi nhà ấy. ( bất ngờ như hôm nay ). Cứ thế mà đi đi về về. Cứ thế mà thổi lửa nấu cơm. Cứ thế mà lấy gầu vào thành giếng múc nước tắm. Cứ thế nằm lăn ra nền nhà mà ngủ... Tưởng chừng chưa có giấc ngủ nào ngon như những ngày bỏ rừng, bỏ núi, bỏ bờ ruộng về thành...Vâng, có chỗ nào để bọn mình dung thân khi dù về phố thị. Cũng như  nhớ đến căn nhà tôle ở trên con dốc ngắn Tháp Chàm, nóng như đổ lửa xuống hai tấm thân gầy còm, mà đêm nào cũng nghe tiếng “ tu huýt” của cảnh sát hay của quân cảnh đi lùng bắt những người lính “ thèm-một-chút-hơi-hướm-của-đàn-bà ” trong cái xóm nhà lá ấy. Thành phố không phải để cho những người lính chỉ toàn ăn gạo sấy, thịt hộp từ chiến trường về. Thành phố chỉ để cho  cậu ấm cô chiêu ngồi đó mà rung đùi hưởng lạc thú. Cho nên bọn mình cứ bị QC chiếu sao quả tạ hoài. Cái quân vụ thị trấn Quy nhơn như chỗ nghĩ chân của cậu khi họ thấy tụi mình lang thang. Thèm quá phải không cậu. Tôi đã nói, thành phố không phải của tụi mình mà. Kệ mẹ nó, tôi thèm một chỗ ngồi ở quán cà phê Dung. Cậu vẫn nói và vẫn hát nghêu ngao trên đường:... đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe...Và... đưa em vào quán rượu để anh tập làm thi sĩ... Thi sĩ cái con mẹ gì, khi QC đang đậu xe để hốt những thằng lính như bọn mình dù về thành phố. Có yên ổn đâu để tụi mình đưa em vào quán rượu để  tập làm thi sĩ...Ông cho tôi xem sự vụ lệnh. Làm gì có, thèm thành phố, dù về dăm ba tiếng đồng hồ vậy mà. Mời ông lên xe. Những gương mặt lạnh lùng trong Quân vụ thị trấn. Mẹ kiếp, thành phố này chắc chỉ để cho tụi mày? Rồi lại phải ký lệnh phạt nữa đây. Thây kệ, ta vẫn dù về, mặc QC , mặc tiếng còi, có ký bao nhiêu thì ký, lính trận thì trước sau gì cũng là lính trận.

Đọc tiếp...


Dù về thành phố, có lần tôi nói với cậu, vào Sư phạm đưa em đi nghe bản nhạc này. Tôi mới nghe trong radio của một người lính cùng đơn vị. Hay không? Có lẽ hợp với bọn mình, tôi hát khe khẽ, giọng ồ ề vì khói thuốc lá: mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ, dài tay em mấy thuở mắt xanh xao... Nghe bài hát này tôi nghĩ hợp với cậu vì  cái xứ Huế mưa buồn da diết ấy. Không! tôi không muốn đưa em đi nghe bản nhạc ấy, mà muốn đưa em vào quán rượu. Để làm gì, làm thi sĩ à?. Không. Chứ làm gì? Để tôi uống cho say rồi chỉ vào mặt nàng mà nói. Đừng có hỏi cái giọng ấy với mấy thằng lính này. Tôi nói: vì sao mà nặng nề quá vậy. Hắn lại cười mỉm. Nụ cười buồn trên gương mặt mất ngủ, và sợi râu dưới cằm như muốn dài ra. Bọn mình có được cái gì đâu khi khoác chiếc áo lính này. Tôi cũng tốt nghiệp đại học. Tôi cũng đã từng dạy toán cho lớp đệ nhị tại một trường trung học lớn của tỉnh. Tôi nói bớt giận,  em nói sao? Hắn nói, chán nản: em hỏi tôi đi Thủ Đức, làm thơ viết văn mà có bằng cấp gì rồi? Cậu nói sao? Tôi im. Tôi chửi thề: mẹ kiếp, sao dở vậy. Nói với nó tao có bằng  yếu lược lớp ba. Ừ! mà sao lúc ấy tôi không nói được. Thôi. Cứ để mưa vẫn bay trên từng tháp cổ để cho tôi vẫn nhớ mỗi lần về thăm nhà, và ngồi lại trên những bậc  cấp của chùa Thiên Mụ nhìn qua bên kia sông để nhớ một cái gì đó, vu vơ.

Và, Sách ơi, cái con nhỏ học Sư phạm đã hỏi cậu đó, tôi muốn đấm vào mặt, sau này tôi nghe nó lấy thằng bác sĩ quân y.

Vẫn nụ cười ấy. Ở Mỹ, mà sao tôi vẫn thấy héo hắt. Người bạn tôi mới gặp lần đầu. Tưởng hắn lúc nào cũng vui, cũng cười. Tôi biết, ngoài vui như thế đấy, mà trong lòng hắn là cả một biển xô sóng gào. Hắn có cuộc sống  “ nội tâm ” dữ dội. Tôi biết từ lúc  hai thằng tôi gặp nhau. Cái nón rừng cuộn tròn nhét vào cầu vai áo. Đi nghênh ngang ngoài đường. Ai nhìn thấy cũng tưởng rằng chúng tôi bất cần. Không phải vậy đâu. Đêm về, trong cái im ắng trong ngôi nhà khu 6, tôi biết tôi và hắn. Buồn lắm. Tôi hiểu. Này nhé, cậu còn nhớ không, Sach.? Nơi góc quán cà phê Dung, cô bé ngồi ở quầy sao trông đẹp thế nhỉ?  Tưởng tượng thôi nhé, mượn tạm cô bé ấy một chút: anh đưa em vào quán rượu, để anh tập làm thi sĩ ...Thơ thì đã viết lâu rồi, nhưng muốn hay hơn phải có em để anh tập làm thi sĩ: cô hàng có chiếc quần đen mượt, anh xum xuê muốn cởi áo hồng. Ở cái quán nơi thị trấn nhỏ Tuy Phước. Mẹ ơi, làm sao mà cởi được đây. Khi có nhiều quan ấm ngấp nghé. Mấy tháng sau, gặp cậu, cậu nói: con bé có cái áo hồng mà tôi làm thơ muốn cởi đã nhảy núi rồi. Buồn quá phải không.

Tôi nghe hắn nói mà cười như méo.

Vâng. Tôi hiểu hắn lâu lắm. Cuộc sống như nén lại lâu ngày. Như cơn sóng xô bờ ngày này qua ngày khác. Hết hành quân nơi này, mai lại hành quân nơi khác. Cứ thế vừa đi vừa viết. Viết nhật ký hành quân. Viết những truyện ngắn nói bộc toẹt cái khổ của lính, của dân giữa hai lằn đạn. Người ta chụp cho cái mũ phản chiến. Dù về phố thì bị QC hốt. Tôi hỏi: sao cậu không xin về hậu cứ . Đui nặng như thế mà sao thấy đường đi ban đêm. Câu tôi hỏi, cậu không nói, lại cũng cười. Trời đât, mấy mươi năm rồi, nay gặp lại, hắn vẫn còn giữ nụ cười như những lần tụi tôi sống bên nhau.

Bất ngờ vẫn là yếu tố của cậu sao. Ít ra bạn bè vẫn phải biết chứ? Ê! mà cậu này. Đừng có nhập tâm ba cái chuyện lính tráng ngày xưa nữa. Bất ngờ là của đám thám kích. Bây giờ là hết rồi. Nghĩ tới chán bỏ mẹ, phải không? Bất ngờ là cậu muôn để tôi vui. Nhưng làm như thế tôi buồn. Thôi có gì cho tôi ăn đi. Đói bỏ mẹ. Ừ! Thì ăn. Tối bọn mình đi đón anh em khác. Hắn ăn xong, nằm trên sô- pha, co người lại như con tôm, và con người như muốn xẹp xuống, ốm tong. Bỗng dưng tôi nhớ lại những ngày gian khổ của  hai thằng tôi đã sống, và đã trải qua trong căn nhà tôle ở Tháp Chàm. Hay những buổi trưa đứng bóng, vác súng lên giòng sông Dinh bắn cá. Trong căn nhà tôle  nóng như đổ lửa, hắn vẫn nằm co người lại ngủ. Mồ hôi mồ kê đổ ra ướt lưng. Cô bạn gái tôi làm sở mỹ trên phi trường ghé lại thăm. Kệ. Anh bây giờ hết làm thi sĩ rồi, vẫn nằm co người như con tôm đất. Cô bạn thấy vậy nói: trời nóng như thế mà anh Sách ngủ được sao? Có gì đâu, cứ vô tư đi cô em, quen rồi. Cô bạn gái hỏi tôi: anh không mua nổi cái quạt máy? Tiền! Tôi đưa tay ra như để mượn em một ít. Cô bạn nguýt tôi một cái. Trời đất, con mắt  có đuôi của cô em chạy đâu mất tiêu. Và rồ máy chiếc PC chạy xuống con dốc ngắn. Tưởng rằng hắn ngủ. Ai ngờ hắn thức mà vẫn nằm yên nghe  tôi nói chuyện. Hắn ngồi dậy, cười. Tiếng cười như cảm thông cho tôi và, cho hắn nữa.

Bây giờ, hắn lại bất ngờ đến thăm tôi. Không phải bất ngờ bỏ chiến trường về ngôi nhà trong khu 6 Qui Nhơn, hay trong căn phòng làm bằng tôle ở Tháp Chàm. Mà bất ngờ thăm tôi tại thành phố ở Mỹ này. Có cả những người bạn thân với vợ chồng tôi. Tôi vẫn thấy hắn như ngày nào bọn tôi còn độc thân, lang thang về phố thị, hay ngồi mãi trong quán cà phê nghe những tình khúc của Trinh Công Sơn: Ru mãi ngàn năm, từng ngón xuân nồng... Và, hôm nay, những tình khúc ấy vẫn mãi mãi trong cái tuổi về già của chúng tôi.

Nỗi vui bất ngờ gặp nhau. Và tiếp theo, tôi lại nghe thêm những gì cay đắng nơi người bạn tôi. Cay đắng còn hơn những năm tháng chúng tôi còn trong quân ngũ. Tôi ngồi im khi nghe hắn nói: người ta nói với tôi, ông có bằng cao học điện toán ở Mỹ, ông lại có kinh nghiệm trong nghề hơn 18 năm, ông về đi để tôi tìm cho ông một cái job nào thích hợp với cái bằng cấp và kinh nghiệm của ông nhé. Nghe bạn nói, tôi buồn. Và, bạn tôi nói thật lòng với tôi: chừng tuổi này, cậu còn giữ được cái job, tôi mừng.

Mừng hay vui đây hả cậu? Khi mà, trong chiến tranh, bọn mình cũng chẳng có chút sung sướng gì. Đến khi chiến tranh chấm dứt, tôi với cậu cũng đã trải qua bao nỗi khó khăn  chồng chất. Đến ngày hôm nay, cái khó khăn ấy vẫn còn đeo đuổi nơi con người của cậu: ông về đi để tôi tìm cho ông cái job nào thích hợp với mảnh bằng và kinh nghiệm của ông... Mẹ kiếp! chiến tranh nơi xứ sở của tôi cũng do mấy ông, những thằng măt xanh mũi lõ tạo nên, để rồi đẩy chúng tôi ra chiến trường. Và cuối cùng, cũng mấy ông, để tìm cho chúng tôi một cái job khác. Cái job khác đó là cả một thế hệ chúng tôi phải đổ máu, đổ mủ ra để dành lấy mạng sống. Cuối cùng được gì. Vào tù, và bị hất ra ngoài xã hội mới...Bây giờ, bảo phải chờ để tìm cho bạn tôi một cái job mới, trong khi hơn 18 năm phục vụ, hơn 18 năm làm lợi cho một tập đoàn tư bản đang đưa những cánh tay dài đi khắp thế giới để thâu lợi nhuận. 18 năm trong nghề, bây giờ là công cốc. Ở nhà nhờ vào vợ, vào con. An sinh xã hội, không. Bảo hiểm sức khoẻ, không: không, không, và không...gì cả.

Buổi tối hôm ấy, bạn bè gặp nhau. Vui. Nhưng trong lòng tôi lại thấy một nỗi buồn và một cái gì đó rất nhớ. Nhớ những ngày tháng đã qua mà không hiểu sao, mãi đến hôm nay tụi tôi vẫn chưa bao giờ quên được.

PHẠM VĂN NHÀN