Thursday, June 27, 2024

3465. THÂN TRỌNG SƠN Học lại điển cố để đọc hiểu Truyện Kiều.

Google images

    Người lớn tuổi thích đọc lại những tác phẩm đã học từ thuở nhỏ, nhất là những tác phẩm văn học. Điều dễ nhận thấy là tác giả thời xưa, ngay cả khi viết bằng chữ nôm, cũng đưa điển cố Hán học vào tác phẩm. Thời còn đi học, thầy cô giải thích cho ta hiểu, hoặc tham khảo những chú thích trong sách. Nay mở các tác phẩm này  ra đọc lại, không người giảng giải, chi bằng tự tìm hiểu, học hỏi để mong hiểu được thấu đáo. Văn học cổ có quá nhiều tác phẩm, kể cả những cuốn khuyết danh, không làm sao đọc hết. Nay lấy cuốn Truyện Kiều, ai cũng biết, để vừa học vừa đọc, may ra tự tìm thấy lời giải.

   1.  Ngay những câu đầu tiên đã thấy cần tìm hiểu ngay:

      Đầu lòng hai tố nga,

      Thuý Kiều là chị, em là Thuý Vân.

Tố nga còn gọi là Thường Nga. Lời chú bài Nguyệt phú của Tạ Trang dẫn trong Văn uyển: “ Thường Nga thiết dược bôn nguyệt, nguyệt sắc bạch, cố vân tố nga “. ( Thường Nga lấy trộm thuốc, thoát lên cung trăng, mặt trăng sắc trắng nên gọi là tố nga ). Tố nga chỉ người con gái đẹp. Lâm tuyền kỳ ngộ có câu:

       Từ về qua tới chốn thạch tuyền,

       Xẩy gặp Hằng Nga mới kết duyên.

Hằng Nga cũng chỉ người con gái đẹp.

   2. Trải bao thỏ lặn ác tà,

       Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm.

Theo Ngũ kinh thông nghĩa, tục truyền trên mặt trời, có con kim ô, tức ác vàng hay quạ vàng) ba chân. Do đó kim ô, hay nói tắt là ô, ác, đều chỉ mặt trời.

   3. Tháng tròn như gửi cung mây,

       Trần trần một phận ấp cây đã liều.

Ấp cây là ôm cây cột cầu chờ đợi. Theo Trang Tử, Vi Sinh hẹn với một người con gái đến dưới cầu, người đó không đến. Vi Sinh, vì giữ lời hẹn, cứ ôm chặt cây cột cầu mà đợi, đến nỗi nước dâng lên cũng không chịu rời tay nên cuối cùng bị chết ngập. Ý nói quyết tâm chờ đợi đến cùng.

 Bích Câu kỳ ngộ cũng có câu:

      Trông mong đã trót một giờ

      Ấp cây mãi thế mà chờ cùng quê.

     4.  Dạy rằng cứ phép gia hình,

Ba cây chập lại một cành mẫu đơn.

 Ba cây do tiếng Hán tam mộc. Theo Hán thư, tam mộc chỉ ba thứ hình cụ bằng gỗ thời xưa, gồm cái gông cổ, cái kẹp tay và cái cùm chân.

     5. Thừa cơ lẻn bước ra đi,

         Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn.

Theo Binh pháp Tôn Tử, trong Tam thập lục kế, tẩu vi thượng ( kế thứ 36 ) nghĩa là ba mươi sáu kế, chạy trốn là hay hơn cả.

Quan Âm Thị Kính cũng có câu:

     Bàn thầm mọi lẽ thấp cao,

     Ba mươi sáu chước, chước đào là hơn.


       6. Sầu đong càng lắc càng đầy,

           Ba thu dọn lại một ngày dài ghê.

Tháng chín, tháng thứ ba của mùa thu.

Bạch Đằng Giang phú của Trương Hán Siêu có câu:” Thuỷ thiên nhất sắc, phong cảnh tam thu “ . ( Nước trời một sắc, phong cảnh ba thu. ), tức là cảnh tháng chín.

Lại có giải thích ba thu là ba mùa. Kinh Thi :” Nhất nhật bất kiến như tam thu hề “. ( Một ngày không gặp mặt thấy dài như ba thu ). Sách Thi sở giải thích: mỗi mùa thu ba tháng, ba thu là chín tháng.

Theo phép hoán dụ, lấy bộ phận chỉ toàn thể, lấy mùa để chỉ năm, ba mùa là ba năm.

   Lâm Tuyền kỳ ngộ có câu:

   Thành sầu muôn dặm chồng xây ngất,

    Bể thẳm ba thu chứa chất đầy.

    7. Nữa khi muôn một thế nào,

        Bán hùm buôn sói chắc vào lưng đâu.

Do tiếng Hán : mại lang mãi hổ.

Sách Kỳ quan: “ Mại lang mãi hổ, tả quyển vô bằng “, bán sói mua hùm, viết văn tự không có bằng chứng.

Chỉ sự việc vu vơ, không có gì bảo đảm.

     8. Trải qua một cuộc bể dâu,

          Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

         Tiếng Hán thương hải tang điền ( biển xanh, nương dâu ).

         Theo Thần tiên truyện, tiên nữ Ma Cô nói với Vương Phương Bình rằng:” Từ khi được hầu tiếp ông đền nay đã từng thấy biển xanh ba lần biến thành nương dâu.”

Các từ ngữ “ tang thương, tang hải, bãi bể nương dâu, bể dâu…” chỉ sự biến đổi, thăng trầm của cuộc đời.

    Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,

    Ai bày trò bãi bể nương dâu.

               Nguyễn Gia Thiều.

       9. Bình Khang nấn ná bấy lâu,

           Yêu hoa, yêu được một mùa điểm trang.

Bình Khang tên một phường ở kinh đô Trường An, đời Đường. Theo Khai thiên di sự, Bình Khang là nơi ở của gái làng chơi ở Trường An, về sau dùng để chỉ nơi ở của gái làng chơi nói chung.

    10. Tin nhà ngày một vắng tin,

          Mặn tình cát luỹ, lại tình tào khang.

Cát luỹ là loài dây leo phải bám vào những cây to khác. Được dùng trong văn học cổ để chỉ người vợ lẽ.

Còn có nhiều tên gọi khác.

         Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân,

         Tuyết sương che chở cho thân cát đằng.

Cũng cần biết thêm :

          Thừa gia chẳng biết nàng Vân,

          Một cây cù mộc, một sân quế hoè.

Cù mộc cây to, gốc cong queo, cành lá rũ xuống.

Kinh Thi: “ Nam hữu cù mộc, cát luỹ luy chi “ ( Phía nam có cây to, gốc cong queo, giống dây sắn, dây bìm leo quanh thân ).

Trong văn học cổ, cù mộc dùng để chỉ người vợ cả, còn cát luỹ, cát đằng dùng để chỉ người vợ lẽ.

Đó là chưa kể dây cát:

          Nàng rằng chút phận ngây thơ,

          Cũng may dây cát mong nhờ bóng thông.

Rồi đằng la nữa:

          Thế trong dù lớn hơn ngoài,

          Trước hàm sư tử gửi người đằng la.

Và lại còn sắn bìm:

          Sắn bìm chút phận con con,

          Khuôn thiêng biết có vuông tròn cho chăng?

     11.  Hài văn lần bước dặm xanh,

            Một vùng như thể cây quỳnh cành dao.

 Do tiếng Hán quỳnh thụ giao chi ( cây ngọc quỳnh, cành ngọc dao ). Quỳnh và dao là hai thứ ngọc quý.

      12. Duyên hội ngộ, đức cù lao,

            Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn.

Cũng dùng như chín chữ:

         Nhớ ơn chín chữ cao sâu,

         Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.

Chỉ công lao khó nhọc của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái.

Do chữ Kinh Thi: “ Cửu tự cù lao “ ( Chín chữ khó nhọc về việc nuôi con ). Chín chữ đó là : sinh ( đẻ ), cúc ( đùm bọc ), phủ ( vỗ về ), súc ( nuôi nấng, cho bú mớm ), trưởng ( bồi bổ cho khôn lớn  ), dục ( dạy bảo lời khôn lẽ phải ), cố ( theo dõi, săn sóc ), phục ( khuyên răn dựa theo tính ), phúc ( che chở, giữ gìn ).

13.  Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,

        Tin sương luống những rày trông mai chờ.

  Chén đồng là chén rượu cùng nhau thề nguyền suốt đời sống chung thuỷ.

14.  Ông tơ gàn quải chi nhau,

       Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi.

Còn gọi là Nguyệt lão tức Nguyệt hạ lão nhân ( Ông già dưới trăng ).

Theo Tục u quái lục, Vi Cố, người đời Đường, nhân qua chơi Tống Thành, gặp một ông già ngồi dưới bóng trăng đang kiếm sổ sách và thấy trong chiếc túi của ông mang theo có cuộn dây đỏ. Vi Cô hỏi thì ông già đáp: “ Đây là cuốn sổ hôn nhân và cuộn dây đỏ dùng để buộc chân nam nữ. Dẫu cho gia đình hai bên có thù hằn nhau hoặc dầu ở xa nhau, đã lấy dây buộc chân đôi nam nữ lại với nhau thì tất sẽ thành vợ thành chồng “.

Do điển này mà những từ ngữ xích thằng, tơ hồng, tơ đỏ, chỉ hồng, chỉ thắm…  đều chỉ việc kết duyên vợ chồng, và Nguyệt lão, trăng già, ông tơ…đều chỉ người làm mai mối trong việc hôn nhân. Tục xưa, khi cưới vợ thường làm lễ tơ hồng, tức là lễ tế ông Nguyệt lão xe dây đỏ đó.

Lại có cách gọi khác là chỉ hồng:

       Dù khi lá thắm chỉ hồng,

       Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.

15. Ngàn mây nội cỏ rầu rầu,

      Nào đâu điếu tế, nào đâu chưng thường.

Chưng thường là tên hai lễ tế đời xưa. Chưng là lễ tế về mùa đông, thường là lễ tế về mùa thu.

16.  Sông Tần một dải xanh xanh,

    Loi thoi bờ Liễu mấy cành Dương Quan.

Dương Quan là một cửa ải ở tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc.

Thơ Vương Duy đời Đường:

Vị Thành triêu vũ ấp thanh trần,
                             
Khách xá thanh thanh liễu sắc tân,
                             
Khuyến quân cảnh tận nhất bôi tửu,
                             
( Đất Vị Thành mưa sớm làm ẩm bụi trong,

Tây xuất Dương Quan vô cố nhân.”

  chốn quán trọ xanh xanh màu cây liễu thẩm,

  khuyên ngươi hãy uống chén rượu này,

  đi về phía tây ra khỏi Dương Quan sẽ không còn ai là bạn cũ )

     Văn học cổ hay nhắc đến Dương Quan để chỉ cảnh ly biệt.

17. Đã lòng quân tử đa mang,

      Một lời vàng tác đá vàng thuỷ chung.

Do tiếng Hán kim thạch. Kim là kim khí dùng để đúc chuông, đỉnh, thạch là đá dùng để tạc bia.                     

Ngày trước, những sự kiện lịch sử, những lời khuyến cáo của vua chúa, hoặc công đức của một nhân vật, thường được người ta khắc vào chuông, vào đỉnh đồng, hoặc vào bia đá để lưu truyền mãi về sau.

Chỉ sự bền vững không thay đổi.

18.  Gió quang mây tạnh thảnh thơi,

      Có người đàn việt lên chơi cửa già.

Đàn là bố thí, việt vượt qua. Tiếng nhà Phật.

Đem của bố thí để cứu vớt người khác khỏi bể bần cùng.

19. Quả mai ba bảy đương vừa,

Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì.

Do tiếng Hán Đào yêu, tên một bài thơ của Kinh Thi. Bài thơ này gồm ba chương, nói việc con gái đến tuổi lấy chồng, trong đó có đoạn: “ Đào chi yêu yêu, kỳ diệp trân trân, chi tử vu quy, nghi kỳ gia nhân. “ ( Cây đào mơn mởn, cành lá rườm rà, gái về nhà chồng, hoà thuận trong nhà.)

Văn học cổ thường dùng những từ đào non, đào tơ, đào yêu, yêu đào, thơ đào, đào thơ … để chỉ người con gái đến tuổi lấy chồng.

     Những từ sen ngó đào tơ,

    Mười lăm năm, mới bây giờ là đây .

20.   Thanh minh trong tiết tháng ba,

        Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.

Đạp lên bãi cỏ xanh.

Theo tục cố Trung Quốc, đến ngày lễ thanh minh vào khoảng giữa tháng ba âm lịch, người ta rủ nhau đi chơi trên các bãi cỏ xanh.

21.  Bình bồng còn chút xa xôi,

Đỉnh chung sao nỡ ăn người cho an.

Đỉnh chung là vạc và chuông.

Đời xưa, nhà vua ghi công cho bề tôi vào vạc và chuông. Tam quốc chí:“ Công danh trữ ư đỉnh chung. Danh xưng thuỳ ư trúc bạch.” ( Công danh sáng tỏ ở vạc và chuông, tên tuổi ghi mặt trên tre lụa )

Cũng có cách giải thích: những người giàu có nấu cơm và đồ ăn trên vạc đồng lớn và rung chuông gọi gia nhân vào ăn.

Chỉ sự phú quý.

22. Ví đem vào tập đoạn trường

Thì treo giải nhất chỉ nhường cho ai.

Đứt ruột.

Theo Sưu thần ký, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần nhà, trông thấy kêu thảm thiết. Ít lâu sau, vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt ra từng đoạn.

Từ đấy, văn học cổ dùng từ đoạn trường để chỉ sự đau đớn quá trong cuộc đời.

Bà huyện Thanh Quan có câu:

     Ngàn năm gương cũ soi kim cổ,

     Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

23. Thời trân thức thức sẵn bày,

      Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái trường.

Gót chân đẹp như hoa sen.

Theo Nam sử, thời Nam Bắc triều ở Trung Quốc, Đông Hôn Hậu, người nước Tề, có người vợ yêu là Phan Phi đi trên hoa. Hậu khen : Bộ bộ sinh liên hoa.( Mỗi bước nở ra một bông hoa sen ).

Văn học cổ thường dùng để chỉ gót chân người phụ nữ đẹp.

Cũng ý này còn dùng sen vàng.

      Sương in mặt, tuyết pha thân,

      Sen vàng lãng đãng như gần như xa.

Sen vàng do tiếng Hán kim liên.

24. Nàng rằng : Gia thất duyên hài

      Chút lòng ân ái ai ai cũng lòng.

Gia là nhà, chỗ ở, gia cũng là tiếng vợ gọi chồng. Mạnh Tử:  Nữ tử sinh nhí nguyệt, vi chi hữu gia.” ( Con gái sinh ra, cha mẹ mong cho con gái có chồng).

Thất là là nơi chứa đầy tài vật sung túc, cũng là tiếng chồng gọi vợ. Kinh Lễ:

 Tam thập viết tráng hữu thất “ ( Ba mươi tuổi gọi là tráng niên, có vợ ).

Gia thất có nghĩa là vợ chồng.

25. Tiếng sen sẽ động giấc hoè,

       Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần.

Giấc mộng dưới gốc cây hoè. Theo Di văn lục, Thuần Vu Phần nằm ngủ dưới gốc cây hoè, mộng thấy mình bay lên không trung, vào một nơi có đề chữ “ Đại Hoè An Quốc “ được quốc vương nơi ấy cho làm chức quận thủ đất Nam Kha. Tỉnh mộng, thấy mình nằm ở gốc cây hoè, dưới cành phía nam, bên cạnh chỗ nằm chỉ có một con kiến chúa. Lúc ấy mới hiểu Hoè An quốc là cây hoè ở đất Nam Kha, là cành cây phía nam, quốc vương là con kiến chúa.

Vì vậy, giấc hoè còn gọi là giấc Nam Kha. Chỉ giấc ngủ, giấc mộng. Người xưa bi quan cho cuộc đời là hư ảo như giấc hoè.

Nguyễn Gia Thiều viết:

      Giấc Nam Kha khéo bất bình

      Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.

26. Trước sau nào thấy bóng người,

      Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.

Gió đông là gió mùa Xuân thổi từ phương Đông. Hoa đào năm này vẫn tươi đẹp hớn hở tươi cười với gió xuân.

Thôi Hộ có bài thơ:

      Khứ niên kim nhật thử môn trung,

      Nhân diện đào hoa tương ánh hồng,

      Nhân diện bất tri hà xứ khứ,

      Đào hoa y cựu tiếu đông phong .

    ( Năm ngoái hôm nay trong cổng này,

      Mặt người và hoa đào màu hồng ánh lẫn nhau,

      Nay mặt người không biết đã đi đâu

      Chỉ còn hoa đào vẫn cười với gió đông như cũ ).

27. Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn,

      Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay ?

Cái khuôn xanh của tạo hoá, của đất trời.

28. Hồn còn mang nặng lời thề,

      Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.

Bồ liễu còn gọi là bồ, tức là cây thuỳ dương. Đến mùa lạnh cây bồ liễu rụng lá sớm nhất, cho nên cây bồ liễu dùng để nói thân phận yếu đuối của người phụ nữ theo quan niệm xưa.

Còn có thể dùng liễu bồ:

       Hãy xin hết kiếp liễu bồ,

       Sông Tiền đường, sẽ hẹn hò kiếp sau.

29. Khi về hỏi liễu Chương đài,

Cành dương đã bẻ cho người chuyền tay.

Người yêu cũ rơi vào tay kẻ khác.

Theo Toàn Đường thi thoại, Hàn Hoành, người đất Nam Dương đời Đường, giỏi thơ, kết duyên với Liễu thị ở phố Chương Đài trong thành Trường An. Năm sau, họ Hàn về quê thăm nhà, để Liễu thị ở lại Trường An. Không may, kinh đô có biến. Liễu thị bị tướng giặc cướp mất. Khi loạn được dẹp yên, họ Hàn cho người đem vàng bạc và bài thơ Chương đài liễu để hỏi thăm Liễu thị. “ Chương Đài liễu, Chương đài liễu,

        Tích nhật thanh thanh kim tại phủ?

        Tùng sử trường điều tự Cựu thuỷ,

        Giả ưng, phan chiết tha nhân thủ.”

( Cây liễu ở Chương Đài, Cây liễu ở Chương Đài,

 Ngày trước xanh xanh, nay có còn không?

 Cho dù cành dài còn buông rũ như cũ ,

 thì có lẽ cổng đã vin bẻ vào tay người khác mất rồi! )

Người của Hàn Hoành dò được nơi và trao thư cho Liễu thị.

30. Mái tây để lạnh hương nguyền,

      Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng.

Mái tây là chái nhà phía tây chùa Phổ Cửu, nơi Trương Quân Thuỵ và Thôi Oanh Oanh tự tình. Hai người gần gũi nhau rồi yêu nhau tha thiết nhưng cuối cùng phải xa nhau không bao giờ gặp lại.

Chỉ nơi trai gái hẹn hò gặp gỡ nhau.

Dùng Thôi Trương cũng ý đó.

       Gẫm duyên kỳ ngộ xưa nay,

       Lứa đôi ai lại dẹp tày Thôi, Trương.

31. Trông lên mặt sắt đen sì,

       Lập nghiêm trước đã ra uy nặng lời.

     Do tiếng Hán thiết diện, mặt lạnh như sắt. Ý nói nghiêm nghị, cương  quyết .

        Theo các sách Tần thư, Nam sử, Tống sử, vị quan ngự sử nào nghiêm nghị, chí công vô tư thường được gọi là thiết diện ngự sử.

32. Một lời đã biết đến ta,

      Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau.

Muôn chung thóc và ngàn cỗ xe tứ. Chung là đơn vị đo lường, tứ là thứ xe có bốn ngựa kéo, thường được gọi là xe tứ mã. ( Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy )  Ngày xưa chỉ các nhà công hầu hay các nhà phú quý mới có tới muôn chung thóc và ngàn cỗ xe tứ mã.

Chỉ cảnh giàu sang, vinh hiển.

33.  Sắm sanh nếp tử xe châu,

       Vùi nông một nắm, mặc dầu cỏ hoa.

Nếp áo quan bằng gỗ tử. Tử là một thứ gỗ quý, dùng để đóng áo quan của những kẻ giàu sang.

34. Cung thương làu bậc ngũ âm,

      Nghề riêng ăn đứt, hồ cầm một chương.

Ngũ âm là năm thanh âm chính trong âm nhạc cổ: cung, thương, giốc, chuỷ, vũ.

35. Trước thấy sau tớ lao xao,

      Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang.

Nhà băng là người đứng trên băng.

Theo Tần thư, Linh Hồ Sách nằm mộng thấy mình đứng ở trên băng cùng nói chuyện với người dưới băng. Hồ Sách đem hỏi Tác Đảm, một người có tài đoán mộng. Đảm đáp :” Trên băng là dương, dưới băng là âm. Đó là việc âm dương. Đứng ở trên băng nói chuyện với người ở dưới băng, đó là ví dương nói với âm, tức là làm mối cho trai gái lấy nhau. Ông nên đứng ra làm mối, xây dựng cho họ vào tháng băng tan ( tháng xuân ) thì việc sẽ thành.

Chỉ người mai mối.

Còn gọi băng nhân.

     Ngỏ lời nói với băng nhân,

     Tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn.

36. Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng,

      Tại ai há dám phụ lòng cố nhân.

 Sao Sâm và sao Thương. Sâm và Thương là hai chùm sao khác nhau. Sâm gồm bảy ngôi ở về phía tây. Thương gồm ba ngôi ở về phía đông. Hai chùm sao này ở vào vị trí đối lập nhau cho nên không bao giờ xuất hiện cùng một lúc trên bầu trời.

Chỉ sự cách biệt, không bao giờ gặp gỡ.

37. Mụ nghe nàng nói hay tình,

      Bây giờ mới nổi tam bành mụ lên.

Tam bành là ba ác thần canh giữ con người, hay xúi giục người ta giận dữ, làm bậy, đó là Bành Cư, Bành Chất, Bành Kiện.

Theo Chư chân nguyên ảo, ba vị thần đó chia nhau ở trong đầu óc, trong tim và trong bụng con người, rình mò các điều lầm lỗi của người ta. Tương truyền cứ đến ngày Canh thân thì Tam Bành lại lén lút lên tâu với Thượng Đế, kể tội người đời để người ta mau chết, khỏi phải canh giữ nữa.

38. Tẩy trần vui chén thong dong,

    Nỗi lòng ai ở trong lòng mà ra.

Tắm gội cho sạch bụi bặm.

Ở Trung Quốc ngày trước, đối với người ở xa đến hoặc đi xa về, người ta có tục đặt tiệc rượu hoặc tặng vật gì đó để đón tiếp, và gọi đó là tẩy trần, tức là lễ rửa sạch bụi bặm khi đi đường.

39. Đoái thương muôn dặm tử phần

      Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa.

 

Tử phần chỉ quê hương, quê cha đất tổ. Phần là Phần Du, quê hương của Hán Cao Tổ, về sau dùng để chỉ quê hương nói chung. Tử là cây tử, một thứ cây thường trồng ở nhà cha mẹ.

Kinh Thi: “ Duy tang dữ tử, tất cung kính chi “ ( Nơi có cây dâu và cây tử, tất phải cung kính ), ý nói nơi cha mẹ ở, con cái phải tỏ lòng cung kính. Còn dùng phần tử:

Bóng phần tử xa chừng hương khúc,

Bãi tha ma kẻ dọc người ngang.

40. Ra tuồng trên Bộc trong dâu,

      Thì con người ấy ai cầu làm chi.

Bãi dâu trên sông Bộc.

Theo Hán thư, ở đất nước Vệ có bãi dâu trên sông Bộc, trai gái thường lui tới đó tụ tập hát gợi chuyện dâm ô.

Chỉ quan hệ bất chính giữa trai gái.

Truyện Trinh thử:

      Ví đem tang Bộc thói thường,

       Xưa nay dạ sắt gan vàng như không,

  Trên đây là một số điển cố giúp hiểu thêm phần nào. Có câu có thể đoán nghĩa nhưng hiểu thêm điển cố thì rõ ràng hơn. Tất nhiên vẫn còn nhiều chỗ, bài này chưa đề cập đủ.

THÂN TRỌNG SƠN
( tháng 6 / 2024 ).