Saturday, June 22, 2024

3454. Truyện ngắn TRẦN DOÃN NHO Bóng

Ảnh minh họa - Google images

Pulvis et umbra sumus.
(We are but dust and shadow
Con người chỉ là bụi và bóng)
Horace[1]

Sau nhiều chục năm ra nước ngoài, Toại rón rén trở về.

Đã bỏ tờ hai chục đô la vào sổ hộ chiếu, nhưng khi tới phiên qua cửa kiểm soát, chàng lấy ra, hồn nhiên nhét vào túi. Tay nhân viên hải quan trẻ, nhận sổ, mặt nghiêm, lạnh. Ở hàng bên kia, người cùng vào một lượt với Toại được trả hộ chiếu, bước qua cửa; rồi một người nữa cũng được qua. Ở hàng chàng, thời gian ứ lại. Khó mà đoán được những tiếng gõ lách tách vào máy bắn ra được những thông tin gì đã khiến anh ta cứ săm soi cuốn hộ chiếu gồm vốn chỉ vỏn vẹn có ba con chữ và mấy con số. Lý lịch đen ngòm chăng?  Rốt cuộc, sau một hồi lật qua lật về, anh ta đứng dậy:

 -   Mời chú theo tôi.

Chàng hơi sửng sốt, nhưng tự trấn tĩnh, bước theo. Anh ta dẫn chàng vào một căn phòng cách trạm kiểm soát không xa, giao hộ chiếu cho một người đàn ông trung niên mặc đồng phục xanh, cầu vai đỏ gắn sao, không rõ là công an hay bộ đội, đang ngồi trước máy vi tính. Sau vài câu chào hỏi xã giao không mấy thân thiện, viên cán bộ chỉ vào chiếc ghế đối diện:

-       Mời ông ngồi. Xin nói ngay, đây không phải là một cuộc hỏi cung mà chỉ là một thủ tục hải quan cần thiết theo quy định.


Chàng thản nhiên:

-       Ông cứ hỏi, tôi sẵn sàng.
-       Ông về Việt Nam lần này là lần thứ mấy?
-       Lần đầu, thưa ông.
-       Ở bên Mỹ ông có tham gia các tổ chức chống cộng không?
-       Không.
-       Trước đây ông có đi cải tạo, phải không?
-       Vâng.
-       Mấy năm?
-       Bảy.
-       Ông được tha năm nào?
-       1982.
-       Ông trốn đi nước ngoài năm nào?
-       1987
-       Ở bên Mỹ, ông làm gì?
-       Công nhân.
-       Ông có sinh hoạt với Việt Tân?
-       Không.
-       Đi cải tạo bảy năm mà sao không tham gia hội đoàn chống cộng?
-       Tôi chỉ biết đi làm nuôi gia đình.
-       Trước ông cấp bậc gì?
-       Đại úy.
-       Đơn vị ở đâu?
-       Ban Mê Thuột.
-       Tiểu đoàn trưởng phải không?
-       Không.
-       Ông đã từng chỉ huy cả tiểu đoàn mà.
-       Không.
-       Có đấy!
-       Khi được tha về, ông làm gì?
-       Làm việc nhà.
-       Ông đã từng đi buôn, đúng không?
-       Thưa không.
-       Tôi biết ông có đi buôn đấy! Ông vượt biên năm nào?
-       1987.
-       Ông có thân nhân theo cách mạng, đúng không?
-       Vâng.
-       Bà con thế nào?
-       Ông bác.
-       Còn ai nữa không?
-       Thưa không.
-     Có đấy. Ông về Việt Nam để làm gì?
-    Thăm gia đình.
-    Trước đây ông thường buôn bán hàng gì?
-     Không buôn bán gì hết.
-    Ông định đi những đâu?
-    Chỉ về quê thôi.
-    Ở bên Mỹ, ông làm nghề gì?
-    Công nhân.
-    Có tham gia hội đoàn nào không?
-    Không.

Cuộc vấn đáp diễn ra với những câu hỏi đơn giản, nhảy cóc từ chuyện này đến chuyện khác, nghiêm túc và vu vơ. Có vẻ như viên cán bộ cố tránh gây không khí căng thẳng, không vặn vẹo, truy vấn. Tuy vậy, thỉnh thoảng ông ta ngừng lại một cách đầy dụng ý, suy nghĩ, im lặng gõ lóc cóc trên máy một lát như để tìm thêm một chi tiết gay cấn nào đó, trước khi hỏi tiếp. Hoặc đột nhiên quay trở lại một số câu hỏi cũ nhưng thay đổi cách đặt câu. Để tránh bị gài bẫy, chàng trả lời ngắn, gọn, trước sau như một. không giải thích dông dài quanh co. Hỏi, đáp loanh quanh, lui tới tưởng chừng như không bao giờ hết chuyện. Nhưng rồi, trong lúc chàng sẵn sàng cho câu hỏi tiếp, thì ông ta đột nhiên mở hộ chiếu và visa ra, đóng dấu cạch cạch, thả ra nụ cười thân thiện đầu tiên, bảo:

- Cám ơn ông. Chúc ông đi chơi vui vẻ. Đến đâu, ông nhớ trình báo với tổ dân phố. Hành lý của ông vẫn giữ ở băng chuyền số 3.

- Vâng!

Ra khỏi phòng, Toại thở phào, nghe tê tê trong lồng ngực. Chàng chạm ngưỡng quê hương ngay ở chỗ sù sì, góc cạnh nhất, báo hiệu những ngày tháng trước mặt chẳng có gì êm ả. Chàng sẽ thăm thú, gặp gỡ, đi đứng, trò chuyện trên đất nước không như một người bình thường mà như một lý lịch. Ở xa, quê hương hiền hậu, nghèo nàn, gói gọn bằng bức tranh quê có bụi chuối đường làng con trâu dòng sông, thỉnh thoảng, kèm thêm bà mẹ già khuôn mặt nhăn nheo tưởng chẳng còn gì để nhăn nheo thêm. Một người bạn bảo Toại: cái điển hình thường làm hỏng sự thực. Hình ảnh mấy bà mẹ Việt Nam, qua nghề tạo hình, mẹ nào cũng quá già, quá nghèo, quá lam lũ, kể cả các bà mẹ được phong tặng danh hiệu “anh hùng”. Người ta có xu hướng sử dụng cái thật tiêu cực để tạo ấn tượng tích cực. Toại bảo: chẳng lẽ vẽ nhà lầu xe hơi và đại gia; cái giàu không gây cảm xúc, mẹ phải lam lũ mới là mẹ đẹp. Bạn chàng cười: chả lẽ hoa hậu phu nhân và mẹ facebook không phải là mẹ Việt Nam. Quê nghèo mới quê hương, vậy còn quê giàu là quê của ai? Chàng bảo: quê hương chỉ là…hư cấu. Quả là chàng phán bậy! Quê hương trước mặt chàng bây giờ trông cụ thể, trần trụi và xám xịt, chẳng trơn tru hư cấu chút nào. Chả là, cuộc vấn đáp, tuy chỉ với lượng thông tin chắp vá, chẳng phản ảnh được gì trong cuộc đời chàng, đã đột ngột kéo chàng trở về những ngày tháng tưởng chừng đã tan loãng trong ký ức. Mớ bòng bong quá khứ, không đụng tới thì chúng ngủ yên, y như chẳng hề hiện hữu. Kéo ra một sợi, chúng tự động trào lên. Qua Mỹ, làm ngày làm đêm, chàng từng nghĩ mình đã đầu thai vào kiếp khác. Theo tháng ngày tất bật kiếm sống, mọi thứ chìm dần trong lãng quên tiền kiếp. Trở về, chàng bỗng chạm phải chính mình, rất quen mà vô cùng lạ. Tiền kiếp và hiện kiếp chàng xoắn vào nhau bằng những gẫy khúc quanh co, những trầy trợt gập ghềnh, nứt nẻ. Càng lún sâu vào, chàng thấy mình càng lạ lẫm quê hương, mập mờ cõi trong cõi ngoài.

 Đã khuya. Phi trường vẫn rộn ràng, tấp nập. Hành khách cùng chuyến bay chàng có lẽ chẳng còn ai. Chàng tần ngần đọc mấy chữ thang cuốn, băng chuyển, khung giờ, sảnh đợi, nghe lạ tai như trẻ con mới học đánh vần, cố làm quen dần với không khí chung quanh. Khi đến băng chuyền số 3, chàng chẳng thấy hành lý đâu, nhìn quanh, bối rối, chưa kịp phản ứng gì một ai đó từ sau lưng chàng nói, đây rồi, đồng thời thấy hai chiếc va li cột giây đỏ làm dấu của chàng đã nằm gọn trên một chiếc xe đẩy. Ngạc nhiên, quay đầu lại, chàng thấy hắn đã đứng sát một bên. Chàng rùng mình, bững lững bơ lơ, nghẹn lời, rơi  tuột vào quá khứ. Chàng im lặng đi theo sau hắn, chăm chú nhìn vết bớt trắng nằm ngang sau cổ, lấp ló dưới chân tóc, cái bớt mẹ chàng nói khi mới lọt lòng là đã có, sẽ đi theo suốt cuộc đời chàng. Bất giác, chàng đưa tay sờ lên gáy, tự hỏi không biết là hàng chục năm trôi qua, nó có còn giống như vết bớt ở hắn không, hay đã bay mất rồi. Mẹ bảo, mi là con của ngài cho nên ngài đánh dấu cho dễ nhận. Hỏi ngài nào vậy, mẹ chỉ lên trời nói ngài ở trên đó. Trong lố nhố người chen chúc như rừng, hắn đến từ một không gian khác, mặt mày thất lạc, dáng nét xa mờ khói nhạt. Toại lặng lẽ bước theo, tin cậy, bóng chàng phủ choàng bóng hắn. Chàng cầm tay hắn, bàn tay mỏng, sần sùi và lạnh.

Chàng nói, không ngờ lại ốm, xanh, phờ phạc như thế!

Hắn nói, giọng đều đặn thì thầm như tiếng vọng, suốt cả tháng trời, chỉ có chạy và chạy và chạy như một con thú hoang, trôi sông lạc chợ. Cả trung đoàn rã đám, lính không ra lính, dân  chẳng ra dân. Về Sài Gòn, đi trình diện, người ta bảo còn gì nữa mà trình diện, hãy lo mà trình diện với chính cái thân mình. Cả một Ban Mê Thuột đang yên bình bỗng chốc tan nát. Nhớ mới hôm nào, giao đại đội cho thằng Bửu, lấy phép Trung Đoàn, cùng lũ bạn ở Tiểu khu, cả đám kéo nhau đi Hoàng Vinh ăn canh cải chua đầu cá, rồi ghé Chi Cao ăn kem, rồi ghé Tân Ka ăn thạch chè vui như hội. Ai mà ngờ mấy hôm sau, chỉ trong một ngày, tụi nó xơi tái cả thành phố. Cả đám bạn giờ chẳng biết thằng nào còn thằng nào mất. Chiếm xong thành phố là tụi nó bắt đầu đi lùng sục mọi ngõ ngách để tàn sát. Sẽ có thêm một Huế Mậu Thân.

Chàng bảo, rõ ràng là tụi Mỹ bắt tay với Việt Cộng. Bạn đồng minh chi cốt mà đi ngoéo tay với kẻ thù thì ta biết chạy đi đâu. Bây giờ tứ phía đều là lừa bịp. Địch lừa kiểu địch, bạn lừa kiểu bạn, trên lừa kiểu trên, dưới lừa kiểu dưới. Nói là cả trung đoàn, nhưng thiệt là chỉ có tiểu đoàn mình chịu trận, quần nhau suốt tuần lễ với tụi nó ở phi trường Phụng Dực, vừa đánh vừa đợi, đợi mãi đợi hoài, hóa ra là bị bịp, tiếp viện không có, đạn dược không còn, rốt cuộc, mạnh ai nấy chạy, nhục ơi là nhục. Cả hàng chục trận đánh nhau, có khi nào phải bỏ chạy. Lúc đó, nếu không có thằng tà-lọt nhanh như sóc ôm lựu đạn ra cản phá, thì cũng tiêu rồi. Tội thằng tà lọt, hắn chết thay “ông thầy”…

Hắn nhắc đến thằng Pha. Chàng bảo, ừ thằng Pha, tài chánh Trung Đoàn.

Hắn nói, cầu bị phá, hai thằng đi dọc theo bờ sông, kiếm ra chiếc đò đang bốc người, Pha đưa một cọc tiền cho chủ đò, bảo chạy qua sông ngay. Tội nghiệp Pha, lên đò, hắn cứ đứng lơ ngơ đầu mũi, ôm chặt cái ba lô, bị trúng đạn ai đó trên bờ bắn, ngã tại chỗ. Đúng là dân văn phòng, chẳng có chút kinh nghiệm chiến trường. May mà mình chen kịp vào giữa. Đợi đò ra xa, nhảy tới ôm Pha, tưởng hắn chỉ bị thương, ai ngờ, hắn tắt thở hồi nào, hai tay vẫn còn ôm chặt chiếc ba lô thấm máu. Vào đến bờ, lục túi Pha lấy hết giấy tờ, đưa cho chủ đò mấy cọc tiền còn dính máu, cùng nhau khiêng xác Pha lên nhờ chủ đò lo mai táng đâu đó rồi tính sau. Bỏ bạn mà đi thì tàn nhẫn quá, nhưng biết làm sao. Về đến Sài Gòn đã là 15/4…

Toại chặc lưỡi tiếc rẻ, chiều 25/4, theo thằng Thông hải quân đến bến Bạch Đằng, thèm thuồng nhìn cả gia đình hắn leo lên tàu đi ra nước ngoài, mà phân vân, bất quyết. Thằng Thông nói vứt chiếc Honda mà đi, đây là cơ hội, để lộ tẩy người ta biết, người ta ùa lên là không còn chỗ đâu. Mày ở lại là tụi Việt Cộng nó giết.

Hắn nói, anh Đần nhắn về với mẹ, nói đừng sợ, cứ ở lại, đừng đi đâu hết. Mẹ nói anh Đần làm to, Thượng tá sư 320 Ban Mê Thuột, nghe cha cũng làm to ở ngoài bắc đang trên đường vào. Có cả cha, cả anh mà không cứu được con thì cứu ai nữa…

Đi hay ở? Đi thì đi đâu mà ở thì ở đâu? Có nhiều khúc quanh trong cuộc đời, bị thẩy ra ngã ba đường, ta nứt thành hai, thành ba, thành bốn... Ta cải vã với chính ta. Ta nghịch lý ta. Toại nhìn hắn. Hắn nhìn Toại. Hắn sống chàng. Chàng sống hắn, bần thần kéo hai cái va li ra ngoài, nhìn quanh nhìn quất chưa biết phải đi theo lối nào trong một Sài Gòn đang hấp hối. Giọng ai đột ngột vang lên:

-       Toại, em, chị Duyên đây!

Chàng giật mình, kêu lên:

-       Chị.

-       Làm gì mà mặt mày ngơ ngác, thất thần vậy. Máy bay đáp cả hơn hai tếng rồi sao bây giờ mới ra.

Chàng nhìn hắn nhập nhòe tan biến, sực tỉnh:

-       Bận làm việc với hải quan.

                                                      *

          Chuyện lên tàu xuống tàu nhảy tàu đu tàu bám tàu không có gì xa lạ với Toại, ấy thế mà loay hoay một hồi với chiếc va li và mấy cái túi xách lỉnh kỉnh, chàng mới xếp đặt xong chỗ nằm của mình trong toa giường nằm. Chàng hỏi người khách ngồi ở giường đối diện:

-       Độ này tàu vắng khách nhỉ. Còn đến hai giường trống tầng trên.
-       Có lẽ dành cho khách ở Dĩ An, Long Khánh.

Tàu lăn bánh, rề rà băng ngang những giao lộ ứ đọng người, xe. Qua khung cửa kính còn nhờ nhờ hơi nước vì cơn mưa nhỏ bất chợt rơi trên sân ga Sài Gòn lúc sẫm tối, chàng tò mò nhìn những chuỗi nhà cao thấp góc cạnh lồi lõm, những khoảng tối, sáng so le, những chùm đèn lấp lóa khắp nơi đang từ từ lùi lại phía sau, lòng chợt bồi hồi. Mấy chục năm dài bỗng ngắn lại.

Đón thêm hai khách ở Dĩ An (đúng như tiên đoán của người khách chung toa), tàu tăng tốc, đẩy tất cả cái rộn ràng, hối hả của thành phố về thì quá khứ, hưng phấn đâm bổ vào khoảng không gian hào phóng phía trước với vô số hình thù mơ hồ chen nhau trong bóng tối. Tàu, nhất là tàu chợ, với Toại, là một thế giới ngổn ngang đầy ám ảnh, người ngợm gian ngay lẫn lộn, nơi chàng đã từng dẹp bỏ hết những ưu tư nhân thế, lao vào cuộc bon chen giành giựt cơm áo gạo tiền. Tàu, giờ khác hẳn, hiện đại và đỏm đáng. Gối chăn thẳng nếp tươm tất, quạt máy, đèn đọc sách được gia cố thêm lọ hoa tuy-líp tươi tắn chưng trên bàn ăn sát cửa, lại kèm theo chồng tách nhựa, giấy chùi miệng. Tàu chạy êm êm đánh thức những chuỗi ký ức vốn đã từng bị chôn vùi theo vô số lo toan vật vã khi lưu lạc xứ người. Những nhớ và nhớ. Nhớ gần nhớ xa. Lần nhảy bám theo tàu ở Bình Triệu, hụt tay, cả thân hình lăn lông lốc xuống bên đường ray tưởng đời tan nát, may mà có cái bao hàng của ai vô tình nằm ngay nơi con dốc nhỏ chận lại. Lần lên hàng ở bên ngoài ga Dĩ An, bị công an và thuế vụ rượt, phải chịu hy sinh thân thể hiến máu cho muỗi suốt hai đêm trong trại giam để đàn em ôm bao hàng mấy chục cây thuốc lá ngoại chạy thoát. Những cuộc tình qua đường vội vã, chóng vánh như uống cốc nước mát cho đã khát, chẳng để lại chút dư vị nào. Hỏi người thiếu phụ nhà giáo bỏ dạy đi buôn mới gặp lần đầu ấy, sao em mặn nồng một cách tỉnh bơ thế, nàng bảo, vật vã mưu sinh nuôi một thằng chồng (bị biến thành) vô tích sự và một bầy con chưa kịp lớn, đức hạnh chỉ còn là trò lừa bịp thôi anh. Ấy thế mà, gặp lại lần sau cũng trên cùng chuyến tàu, nàng lạ Toại như chưa hề.

Tàu chạy êm, ru giấc ngủ.

Toại choàng thức giấc khi từng mảng ánh sáng từ bên ngoài liên tục hắt vào cửa. Nhìn ra, chàng ngạc nhiên thấy những dãy đèn sáng lấp lóa gắn song song theo những hàng cây thấp, thẳng, đều suốt dọc theo quốc lộ, tưởng không bao giờ dứt. Chàng vội nhảy xuống giường, mở cửa toa, ra ngoài, đi dọc theo lối đi bên hông. Khuya vắng. Mọi toa tàu đều đóng cửa ngủ kỹ. Tới đầu nối toa, chàng dừng lại ở bậc cửa lên xuống, tiếp tục ngắm những dãy đèn hấp tấp chạy giật lùi trong màn đêm. Cảm thấy bàn tay ai đặt nhẹ lên vai, chàng quay lại, thấy hắn, sững sờ, rơi tuột vào cơn mơ. Hắn nói, vườn thanh long đấy! Đang qua vùng nào vậy? Bình Thuận. Hồi trước làm gì có thanh long, tàu đi qua đoạn này tối mù mù. Gần đến Sông Lũy rồi. Toại kêu thầm: Phận, Phận. Tên tay anh chị khét tiếng tàu chợ Quy Nhơn-Bình Triệu này cùng với tên những chiếc ga lẻ nhập nhoè cứa vào ký ức chàng những vết cắt rối rắm. Khỏi Sông Mao đến Vĩnh Hảo, khỏi Vĩnh Hảo đến Tháp Chàm, rồi Phước Nhơn, rồi thì là…Suối Cát, Ngả Ba, Hòa Tân.

Trong bóng tối nhờ nhờ, hắn trông mỏng mảnh, lạc loài và xưa cũ dưới cái mũ tai bèo có dây cột vòng quanh cổ và bộ áo quần lính cũ nhiều túi, chân mang đôi dép râu. Chàng nhớ đã nhịn ăn, bỏ tiền mua đôi dép nhật hai quai ở Chợ Lớn, nhưng bị mất, phải chạy vạy đi kiếm đôi dép bộ đội tiện dụng này. Hắn nhắc:

-       Dép mới bị tụi nó chôm ở ga Long Khánh. Mệt quá, thiếu cảnh giác, ngủ thiếp đi trên đống hàng, quên không nhét nó vào bụng. Công an dặn rồi, đất nước đang còn khó khăn, kẻ gian mọc như nấm, hễ mất cảnh giác là bị chôm chỉa tức khắc.

Khuya lạnh, chàng kéo cổ áo sát lên cổ, đứng nghiêng một bên, tránh gió thổi tới từ phía trước. Hắn lầm bầm:

-       Đâu có thể làm thế nào khác được. Cơ hội đến, phải quyết định thôi. Sắp đến cái hố sâu đó rồi.

Chàng bần thần không quyết. Cũng ở chỗ đầu nối hai toa, cũng ở đoạn Bình Thuận - Nha Trang. Cũng đêm và cũng vắng như thế này. Và Phận đứng đó. Nó, sau khi cấu kết cùng đám công an và thuế vụ trấn lột lô hàng mà chàng đã thuê kiểm soát viên giấu kỹ trên trần tàu, sai đám đàn em hung hăng dằn mặt chàng rồi ra đứng ở đây hút thuốc, canh điểm hẹn tuôn hàng xuống cho con buôn trước khi tàu vào Nha Trang. Không thể mất trắng được. Chàng đã ném sinh mệnh cả gia đình vào lô hàng trong một canh bạc mua bán tháu cáy. Phận đứng mấp mé bên ngoài cửa lên xuống, tay cầm điếu thuốc, tay hờ hững vịn vào thanh tay cầm. Đã rất khuya. Tàu lầm lũi trong đêm, qua rừng, qua cầu, chạy dọc theo bờ biển, leo dốc, xuống dốc. Cả tàu đang say ngủ. Chỉ cần một cái đẩy thật mạnh vào tay nó là xong.

Chàng ngột thở. Biết chàng phân vân, hắn đứng đó, khuôn mặt tối ám, lầm bầm nói, phải dứt khoát, hai đường chọn một, nó còn là mình chết. Tàu vừa qua ga lẻ. Chàng lắc đầu nói, lỡ hắn không chết thì sao. Hắn nói, sắp tới khu vực hố sâu rồi. Chàng đưa tay kéo hắn vào phía trong, nói khoan đã, khoan đã. Nhưng không kịp nữa rồi. Hắn dùng hết sức bình sinh phang mạnh thanh gỗ vào cánh tay thằng anh chị. Hớ hênh, lại bị một cú trời giáng, Phận bị hất ra khỏi tàu, rơi như bay xuống khoảng không gian trũng sâu dưới chân đồi. Tiếng kêu thảng thốt tuyệt vọng của nó tản mác trong bóng đêm. Tay chàng chấn động, nhói đau. Vứt thanh gỗ ra xa, chàng chạy vội về toa, chui đại vào đống hàng hóa ngũ cốc ngổn ngang của bạn hàng, nằm yên như say ngủ. Hình như tàu vừa chạy qua một chiếc cầu, qua một ga lẻ rồi một ga lẻ, rồi một ga lẻ nữa… 

Phận không chết. Toại chẳng lấy lại được hàng. Khánh kiệt và sợ hãi, chàng bỏ tàu, chuyển nghề.

Toại tỉnh ngủ hẳn, đứng mãi ở bậc cửa nhìn bóng dáng ngày tháng cũ chập chờn ẩn hiện trong bóng đêm. Tàu chạy chậm qua ga, chàng thoáng thấy bóng hắn nhảy xuống, bước nhanh như khói sương bay trong sân ga nhỏ, từ từ tan biến sau hàng rào thép gai phía bên kia đường.

                                                      *

Phải đi vòng vòng vèo vèo qua nhiều con đường khác nhau men theo chân các ngọn đồi mới tới được khu nghĩa trang, nơi tất cả các phần mộ riêng lẻ của nhiều thế hệ trong dòng họ được quy về một chỗ, nằm rất xa thành phố, nơi có lẽ đất đai không còn là đối tượng hữu ích của các chính sách giải tỏa. Gần cả chục người thân ra đi mà Toại không được trải qua những giờ phút bồn chồn thương xót và bận bịu khăn áo tiễn đưa. Chàng vốn không mấy ưa đi thăm mộ. Hồi còn nhỏ, chàng thường tìm cách trốn cái nghĩa vụ đi chạp mã họ. Nhiều mã quá. Lại không có gì vui. Hễ thắp nhang, vái lạy rồi nghe người lớn kể chuyện chết chóc, chàng nghe tâm tư mình khắc khoải. Đã thế, lại phải len lỏi băng qua hàng trăm ngôi mộ của những ai đó – sách vở gọi là bãi tha ma - nằm chen chúc trong một khu đất toàn cỏ dại, bụi rậm và vết chân trâu, chàng nản chí. Một thế giới rã rời và buồn thảm.

Khu mộ mới nằm một nơi riêng biệt, không u tối và hoang vắng như những nấm mồ ở vùng giải tỏa. Trong cảm giác nhẹ nhõm, Toại bỗng thấy dường như cái thiêng liêng, huyền bí giữa hai cõi tử sinh bị đánh mất. Nhưng khi khấn vái, đứng lặng im giữa cái im lặng của những người khuất bóng, chàng lại bỗng cảm thấy một ràng buộc vô hình với thế giới đất đá vô hồn đang ôm ấp những người mà chàng đã từng, cách này hoặc cách khác, gắn bó.

 

Lúc hấp hối, mẹ Toại hỏi Duyên, chị Toại:

-       Thằng Đực khi mô mới về?
-       Không nghe hắn nói chi hết. Chắc hắn sợ, không dám về.
-       Mạ biết hắn đi hắn chẳng sung sướng chi mô. Nói với hắn là mạ sẽ phù hộ cho hắn. Còn thằng anh hắn, thì thôi…Hai cha con hắn chừ chỉ nghe bàn chuyện toàn là bí thư với thủ trưởng…

Cha Toại trối:

-       Nói với thằng Đực là sau ni mà có về thì đừng có thắp nhang trên mộ tau. Tau chết cũng không nhắm mắt được vì cái thằng bất hiếu đó…Chỉ có thằng Đần mới là con tau.

Bác Du trối:

-       Bác không ưa chi thằng Đực, hắn máu “ngụy” quá nặng. Nhưng bác chẳng trách. Hắn là đứa con của thời cuộc. Đã từng là tiểu đoàn trưởng chiến trường chứ đâu phải lính kiểng. Nếu cha hắn mang hắn đi như mang theo thằng Đần thì đâu nên nỗi…

O Mão trối:

-       Nói o xin lỗi thằng Đực. Chắc hắn còn giận o lắm. Hồi đó, lúc ở ngoài Bắc mới vào, o chẳng biết chi trong Nam nên chưởi rủa hắn. Hắn trách o là phải…

Đực là Toại, Đần là anh Toại, tục danh.

Năm 1975, đại gia đình Toại đoàn tụ, vợ gặp lại chồng, cha gặp lại con, anh gặp lại em, cô chú gặp lại cháu. Sau chừng một buổi ôm nhau, tíu tít mừng rỡ, khóc cười trộn lẫn, thi hai mươi năm xa mặt cách lòng nhảy vào, thế là hai phe bắt đầu đụng độ. Nói quanh co khôn khéo kiểu nào cũng có chỗ éo le. Và so le. So le thói quen đã thành tập tính, so le tư tưởng, chữ nghĩa đã tiêm nhiễm tận đáy sâu tim óc. Thốt ra một chữ là kẻ thắng người thua, nhả ra hai chữ là phe mình phe họ. Nội chiến gia đình có thể nổ ra bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, bất cứ chuyện gì, từ ăn uống, học hành, giải trí cho đến thờ tự, chạp giỗ. Lắm khi từ những chỗ lắm khi hoàn toàn vu vơ như đi tiêu đi tiểu chẳng hạn. Mỗi người thân nội chiến diễn ra một kiểu. Anh Đần thì tuyệt đối trung thành với sự nghiệp riêng, thẳng thắn cắt đứt quan hệ với thằng em khác chiến tuyến. Cha chàng thì phiền chàng cứng đầu, làm gập ghềnh đường hoạn lộ của mình, nên chẳng mặn mà với đứa con út mà mấy chục năm trước ông đã từng muốn đem theo ra Bắc. Mẹ chàng lại thương đứa con ngã ngựa, không chia xẻ được vinh dự chiến thắng với chồng và con trai, sẵn sàng hứng chịu thiệt thòi của kẻ chiến bại. Lòng mẹ tang thương chẳng kém gì đất nước tang thương. Với cả hai đấng sinh thành, hóa ra, chàng đều bất hiếu. Không được hôm sớm phụng dưỡng đã đành, chàng lại còn trở thành con sông chia cắt, cha bên này mẹ bên kia, chới với.

Toại thả bộ đi băng qua khu mộ. Núi cao, rừng dày, sỏi đá trải khắp lối đi. Nhìn lên, trùng trùng cây lá, nhìn về, lãng đãng khói sương. Không gian thấm đẫm niềm im lặng của cõi khuất hòa tan trong tiếng thì thào vô cùng hồn nhiên của núi rừng lãng đãng. Sống, lao lung khổ nhọc, chết, lặng lẽ cỏ cây. Núi rừng gợi nhớ. Chàng leo lên ngọn đồi trọc nhỏ, nhìn quanh. Xa, khu trại cải tạo Bình Điền, nơi chàng chôn chặt bảy năm tù đày, căn cứ Bastogne, nơi từng diễn ra những trận chiến khốc liệt mùa hè đỏ lửa,  mờ mờ khí núi. Nghe có tiếng róc rách, đoán có con suối, gợi nhớ đến những ngày tháng lao lung, chàng lủi ngang qua đám cỏ tranh, vẹt cành lá, hướng về nơi có tiếng nước reo. Giữa rừng mênh mông giăng mắc, thì tiếng nước reo là dấu hiệu cứu sinh. Có nước là có đường sống. Chàng tìm thấy con suối nhỏ, rỉ rả chảy qua những khe đá nằm chênh vênh sát sườn đồi, đổ xuống phía bên kia con đường mòn nhỏ cạnh khu mộ. Nhảy qua khỏi con suối, chàng leo, băng, vượt một hồi, chợt nhìn thấy rừng cây mâm xôi chín đỏ, bất giác rùng mình, tưởng như đang sống lại những ngày tù tội gian khổ. Trên đường băng rừng vượt suối dạo nọ, đi tìm cho ra lồ ô chặt mang về theo chỉ thị của quản giáo, chàng đã từng gặp rừng mâm xôi như thế này. Mừng hết lớn, chàng và thằng bạn tù đã say sưa ăn mâm xôi đến cành bụng trước khi tìm ra một vạt rừng lồ ô hoa nở từng chùm tím, vàng tực rỡ dưới nắng.

Nghe tiếng động, chàng nhìn lui. Lại hắn. Hắn đứng đó,  khuôn mặt teo tóp nằm khuất dưới chiếc nón tự chế bằng lá rừng trong bộ áo quần tù bạc màu, tay cầm rựa, tay xách lon “gô”, vật bất ly thân của người tù.

Hắn nói:

-       Mới tình nguyện theo toán đi rừng để khỏi đi gỡ mìn ở căn cứ Bastogne. Tuần rồi, mìn nổ chết và bị thương cả chục mạng bên trại B, nghe lạnh gáy. Bastogne kia kìa, nhìn thì gần vậy chứ đi nửa ngày chưa chắc tới, phải vòng theo phía bên kia con đồi…

Chàng nói:

-       Tháng trước, ông già lên thăm…hỏi có muốn ông bảo lãnh chuyển về lao Thừa Phủ cho đỡ đi lao động…

Hắn nói:

-       Không, nhất định không, chẳng thà chịu cực khổ với anh em bạn bè. Ông bới mấy cái bánh tét, mấy hộp lương khô, nhất định không lấy. Cha con thì cha con nhưng ai có lập trường nấy. Bực mình cái  là hễ nói chuyện là ông gây, là ông mắng mỏ, nào là  ngụy quân ngụy quyền đế quốc thực dân bán nước liếm gót nào là học tập lao động, nào là chấp hành chính sách, nào là nào là…Cha con thì cha con nhưng nuốt không vô kiểu mắng mỏ của ông. Nói với ông là học cả mấy năm thấm tận tim gan phèo phổi rồi, không cần cha nhét thêm…

Chàng nói:

-       Ông bảo mi cứ ngoan cố thế này là tau hết đường thăng tiến. Nói nghe tức! Đảng cứ bu lu bù loa là ai làm nấy chịu, sao giờ con theo ngụy thì con ở tù, mắc mớ gì lại cột cha vào với con.

Hắn nói:

-       Dứt khoát như anh Đần thế mà hay. Không anh không em không thăm không viếng. Sợ mất chức đại tá…

Chàng nói:

-       Thà ở tù. Mình làm mình chịu, không nhờ ai hết…

Theo lối cũ đi về lại khu mộ, rừng mâm xôi biến mất. Như phép lạ. Chàng hoang mang nghe theo tiếng suối reo luồn, lách, chui xuyên qua cành lá chằng chịt một hồi mới ra khỏi khu rừng. Khu mộ vẫn còn nằm đó, vắng vẻ, tịch liêu dưới bầu trời chợt xám tối. Chàng đi quanh khu mộ, thắp thêm một tuần nhang, vái lạy từ biệt những người thân thuộc, lòng cảm khái. Họ hiện hữu, họ biến mất. Đã đến và đã đi. Như rừng mâm xôi của thằng tù. Thần linh và ma quỷ là nỗi khát khao chan chứa nhầm lẫn của con người đối với sự vật quanh mình. Ảo giác tạo nên thế giới.

Khi nổ máy xe chạy ra khỏi khu mộ, chàng chợt nhìn thấy hắn ở bìa rừng, thân hình nhỏ nhoi, xiêu vẹo, tả tơi, tan nát, đứng phân vân ở ngã ba đường, hai tay vẫy vẫy.

                                             *

 Nếu tính từ đường quốc lộ vào, thì ngôi từ đường dòng họ Toại xa hẳn con đường chính, muốn vào, phải đi vòng qua một con hói và vài đường xóm nhỏ. Con cháu tứ tán khắp nơi, kẻ theo bộ đội tập kết ra Bắc người đi lính đóng quân trong Nam, một số khác thì tha phương cầu thực tận miền cao nguyên, chẳng mấy ai nhớ đến một ngôi nhà đổ nát nằm ở bìa làng. Hồi thơ ấu, thỉnh thoảng theo mẹ về thăm, chàng rùng mình khi phải bước vào một căn nhà âm u, cũ kỹ, tường rêu mái thấp nằm trong một khu vườn hoang cây cỏ bừa bộn. Chăm sóc từ đường do một bà cô lỡ thì sống cô độc trong một gian nhà nhỏ quanh quanh đó, như một quá khứ dai dẳng bám riết vào hiện tại. Năm khi mười họa, chợt nhớ ra ngày giỗ một đấng nào đó, bà ghé vào chùi quét bàn thờ, thắp vài nén nhang, van vái chuộc tội cho cả đám con cháu vô tình. So với nhiều họ khác trong làng thì họ chàng xưa nay toàn là dân dã, chẳng có ai có danh phận gì, gia phả chỉ gồm những trang giấy ố vàng ghi những cái tên gọn lỏn, không chức tước sự nghiệp. Mãi cho đến sau 1975, khi bác chàng, cha chàng và anh chàng trở về, thì cả họ mới hay rằng dòng họ chàng cũng có người làm quan: bác là kỹ sư du học Liên Xô, cha chàng là tỉnh ủy viên, anh chàng là  Thượng tá. Thế là, dòng họ chàng hiển nhiên dư thừa danh giá và mọi người bỗng nghĩ đến chuyện trùng tu ngôi từ đường. Ước muốn bình thường này gặp ngay trở ngại: để nêu cao lập trường vô sản, cả ba cán bộ cách mạng đều động viên mọi người ký tên hiến khu đất cho nhà nước. Người ký kẻ không, dằng dai mãi. Đột nhiên, bác chàng và cha chàng thay đổi thái độ, tuyên bố nhà nước không xâm phạm đến đất đai tổ tiên để lại cho con cháu. Và hai vị chạy ngược chạy xuôi lo làm giấy tờ hợp pháp hóa chủ quyền đất đai. Cả họ mừng rơn, nhưng đến khi mọi chuyện vỡ lở ra, mới biết cả hai vị đều tìm cách giành đất nhà thờ làm tài sản riêng. Người trong họ hỏi nhau: đi làm cách mạng vô sản sao còn giành tài sản? Có người trả lời: để bù lỗ. Không ai thành công, vì giấy tờ sổ bộ đứng tên một người trong họ đã mất, nhưng chính xác nhất, là vì cả cha chàng và bác chàng đều là công thần, đảng không thể bênh bên này bỏ bên kia.

Không thành công, nhưng cả hai người thân của chàng trở thành nhân…tố thù nghịch âm ỉ hiện diện tại ngôi từ đường, khiến cho những ngày giỗ chạp thành lạnh lùng buốt giá. Nhưng éo le thay, nhờ thế, nó điềm nhiên khỏi phải dính dấp – hay đúng hơn, bị tụt hậu - trong phong trào thi đua tái thiết mồ mã và nhà thờ họ thời đất nước đu bay theo kinh tế thị trường. Con cháu bỏ xứ ra đi ngày nào bây giờ trở về thăm quê, chứng kiến một nét ngoạn mục trong sinh hoạt dân gian thời hậu 1975: nghĩa trang biến thành phố nhà lầu, nhà thờ họ chuyển thành biệt phủ. Không được nhà nước phát động, nhưng các biệt phủ họ L., họ H., họ B. vân vân đều thể hiện công cuộc thi đua nhau một cách nhiệt tình. Biệt phủ họ nào cũng hiện đại, cũng nâng cấp, cũng được thiết kế và tạo hình bởi những thầy phong thủy không chuyên, nhưng giỏi nghề thần thánh. Nói chung thì biệt phủ hao hao nhau. Cũng cửa tam quan rồng bay phượng lộn tiếp nối với bình phong án ngữ trấn áp ma quỷ, cũng phòng hội, cũng nhà thờ chính, nhà thờ phụ kèm thêm nhà khách, cũng cột kèo sơn son thếp vàng, cũng đủ bộ long lân quy phụng, cũng tranh thủy mặc trám kín tường trong tường ngoài. Từ đường nào có con cháu là người đương chức lại được gia vị thêm bằng lầu ngắm trăng (vọng nguyệt lâu) và khuôn viên đi dạo. Các buổi khánh thành nhà thờ họ là những sự kiện lớn, đầy đủ lễ nghi cổ truyền diêm dúa với sự tham dự ăn ké của nhiều tai mắt địa phương và lắm khi, quan chức trung ương. Cuộc cách mạng thủ tiêu thần thánh hao người tốn của đã lại mở toang đường cho thần thánh nườm nượp trở về. Vì danh dự dòng họ, người ta cũng quên luôn chuyện kẻ thắng người thua trong cuộc nội chiến. Nghe nói, tại lễ khánh thành nhà thờ họ B. ở huyện Q, một sĩ quan cấp tá phe cộng hòa, nguyên quận trưởng (đã vượt biên ra nước ngoài sau khi ở tù về) và bí thư huyện ủy đương chức đều được xướng danh đuề huề, nghe rất hòa hợp hòa giải. Người trong họ hãnh diện bảo, chả là, khi đi vào lịch sử, quan phe nào cũng là quan thôi, kẻ hậu sinh được chia chát thêm vinh dự, dại gì phân biệt đối xử với người đi trước.

Toại ghé từ đường, yên tâm và cảm thấy dễ chịu với cái khiêm tốn không hợp thời của nó. Nó mang lại cho chàng cái ấm áp họ hàng thời thơ ấu. Xưa, mỗi lần về thăm, chàng thường đứng lấp ló trước bàn thờ, chỉ đợi người lớn xong việc là dọt ra ngoài kiếm đồ cúng và chơi đùa với đám anh chị em bà con hiếm khi gặp. Đi quanh, chàng tìm thấy hóa ra, ngôi nhà khá rộng, tuy vẫn cũ kỹ nhưng được sửa sang, tu bổ đôi chút, được cơi nới ra hai bên để có thêm không gian cho con cháu đến trong ngày giỗ chạp, vườn tược thì được dọn dẹp phong quang hơn, có rào chắn quanh, nằm ngay bên cạnh là một con đường nối thẳng ra quốc lộ, nên khu đất hoang tồi tàn ngày xưa bây giờ nhìn vào là thấy toàn đô la và tiền tỷ.

Thắp nhang khấn vái xong, quay ra, Toại bỗng giật mình khi nghe tiếng người vang lên phía sau:

-       Ông!

Chàng quay lui, thấy một thằng bé từ góc nhà bước tới. Hắn ở đâu ra vậy? Chàng hỏi:

-       Tới đây hồi nào mà không thấy?
-       Dạ.
-       Ở gần đây?
-       Dạ.

Thằng bé, quần đùi xà lỏn, áo sơ mi nâu, nút hột gài hột không, tóc húi cua, điềm nhiên đến ngồi gọn trên chiếc ghế cũ kê sát tường, nhìn chàng, mắt đỏ hoe. Chàng hỏi:

-       Khóc à?
-       Dạ.
-       Vì sao?
-       Tức!
-       Cũng là người họ Phạm?
-       Dạ
-       Con của ai?
-       Con ông Thao.
-       Phạm Thao?
-       Dạ

Toại nghe nhói trong tim.

-       Tên gì?
-       Dạ, Đực.
-       Đực?
-       Dạ, Đực là tên gọi ở nhà.
-       Mấy tưổi?
-       Dạ, mười.

Chàng nín thở. Thằng bé im lặng. Nhà thờ họ im lặng. Thằng bé nói:

-       Mới ở trên rừng về chiều hôm qua.
-       Lên rừng làm gì?
-       Dạ, theo cha. Ở đó, bộ đội tập trung đi Bắc nhiều lắm.
-       Lên rồi sao lại về?

-       Ông nội lên bắt về. Cha giấu ông nội đem hai đứa đi, ông nội biết, ông nội lên rừng, bắt Đực về. Ông nói hai anh em, chỉ cho đi một đứa, một đứa phải ở lại với ông nội. Đần đòi về với ông nội, ông nội không chịu. Đực đòi đi với cha, ông nội không cho. Đần khóc, trốn đi ba lần, bị cha đi tìm bắt lại. Đực trốn đi bốn lần, lần nào ông nội cũng tìm ra. Tức quá, làm bộ theo ông nội về, nhưng đợi lúc ông nội không để ý, trốn ông nội, nhờ mấy chú du kích dẫn đi tìm cha. Nhưng khi đến nơi thì xe chở cha đi mất rồi. Tức ơi là tức. Nhất định ở lại với mấy chú bộ đội để đợi cha trở lại. Ông nội dỗ, nói cứ về rồi lần sau ông nội dẫn đi gặp cha…Ông nội nói láo…

-       Sao lại thích theo cha?
-       Dạ, bao nhiêu năm ở nhà với mẹ, tưởng không có cha. Chừ biết có cha, thích đi theo cha.
-       Còn Đần?
-       Đần có nhiều bạn học ở trường. Đi xa, nhớ bạn không chịu nỗi.
-       Đực có bạn không?
-       Có. Nhưng không thích ở với ông nội.
-       Vì sao?
-       Ông nội hay la. Chơi chi ông nội cũng không cho.

Toại bâng khuâng:

-       Vậy là đành chịu.

-       Không. Dọa ông nội là nếu ông nội không cho đi, sẽ bỏ trốn. Hiện đang đi trốn ở nhà dì…

Toại rùng mình, lưỡng lự:

-       Nếu cha vẫn không về, thì sao?

Thằng bé ôm đầu ngơ ngác:

-       Ừ, nếu cha không về thì làm sao đi, làm sao đi…

Toại lập lại:

-       Cha không về thì làm sao đi, làm sao đi…

Thằng bé quả quyết:

-       Cha không về, vẫn đợi.

-       Ừ!

Một lát, thằng bé hỏi:

-       Ông tên gì?
-       Đực.
-       Đực?
-       Ừ, tên gọi ở nhà.
-       Ông con ai?
-       Thao.
-       Phạm Thao?
-       Ừ.
-       Ông vào đây làm gì?
-       Tìm thằng Đực?

Thằng bé nín thở. Chàng im lặng. Nhà thờ im lặng. Rồi chàng nói:

-       Hồi đó, đợi cha về. Đợi mãi, đợi hoài cho đến khi ông nội mất, cha cũng không về…

Lau mồ hôi, chàng tiếp:

-       Mãi rồi, quên. Quên cha. Và quên luôn chuyện đi. Đực ở lại…miền Nam.

Thằng bé nói:

-       Đần ra Bắc theo cha.

                                                             *

Toại ngẩn ngơ.

         Đần?
         Đực?
         Thế giới chẳng làm gì có phép lạ.           

        TRẦN DOÃN NHO
         26/4/2024

[1] Quintus Horatius Flaccus, (65-27 trước Công Nguyên) nhà thơ La Mã. Tên đọc theo tiếng Anh là Horace.

https://poets.org/poet/horace