Monday, June 10, 2024

3435. PHẠM CAO HOÀNG Nhớ căn nhà Khu Sáu Qui Nhơn.



Căn nhà chúng tôi thuê nằm ở cuối đường Nguyễn Thái Học, gần Ghềnh Ráng, thuộc khu 6, Qui Nhơn. Đây là nơi gặp gỡ của   nhóm bạn Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, Phạm Cao Hoàng, Lê Văn Trung, Hoàng Ngọc Châu, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Phương Loan trong những năm 1968 và 1969.

Lê Văn Trung và tôi học ở trường Sư Phạm. Hoàng Ngọc Châu làm ở tiệm vàng. Các bạn còn lại đều ở trong quân đội.

Các anh Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Phương Loan  ở ngoài mặt trận, lâu lâu mới về. Hoàng Ngọc Châu có nhà ở dưới phố. Lê Văn Trung ở với anh chị dưới khu 2. Còn tôi là người thường xuyên cư ngụ trong căn nhà này.

Nói là một căn nhà nhưng thật ra chỉ là một căn phòng không lớn lắm, đủ chỗ ở cho dăm ba người; tuy nhiên khi cần thiết thì năm bảy người cũng không sao.  

Mỗi khi gặp nhau chúng tôi thường kéo nhau ra quán cà phê và nơi chúng tôi thường đến là Cà phê Dung. Phương   tiện   đi   lại   bấy  giờ  cũng không dễ dàng. Cần đi đâu chúng  tôi  phải  đón  xe lam. Vòng quanh thành phố Qui Nhơn có một beltway, nếu ngồi suốt trên xe lam thì khoảng 30 phút sau sẽ về chốn cũ.

Mỗi người một tính. Anh Nguyễn Huy Hoàng ân cần, chu đáo. Phạm Văn Nhàn vui vẻ cởi mở. Trần Hoài Thư khinh bạc, bất cần đời. Hoàng Ngọc Châu sôi nổi. Lê Văn Trung thâm trầm, ít nói, Nguyễn Phương Loan sống chí tình.

Cửa của căn phòng không bao giờ khóa vì chúng tôi chẳng có gì để mất. Bên trong chỉ có vài ba ký gạo và một ít quần áo. Bạn nào về trước cứ bước vào, có gì ăn nấy, nghỉ ngơi và viết lách. Nơi đây, Lê Văn Trung đã viết bài thơ NGÀY XA, một trong những bài thơ hay nhất của Trung. Lê Văn Trung đã trích 2 câu trong bài thơ đó và ghi lên vách tường: 

Tình không, không cửa không nhà.
Lòng như mây trắng bay qua biển chiều. 

Trong mấy anh em chúng tôi, người viết khỏe nhất là Trần Hoài Thư. Anh viết rất dễ dàng, viết bất kỳ ở đâu, kể cả khi chúng tôi đang trò chuyện ồn ào.

Chiến tranh và chết chóc là nỗi ám ảnh và sợ hãi thường trực đối với chúng tôi. Mô tả cảnh sống của chúng tôi hồi ấy, Trần Hoài Thư có làm mấy câu thơ vui:

Anh no ngày nào em không biết
Anh đói ngày nào em không hay
Hôm nay đi về mưa bay bay

Chúng tôi quí mến nhau vô cùng. Gặp nhau  lúc nào là vui lúc ấy, và năm mươi lăm năm qua chưa bao giờ chúng tôi có điều gì xích mích. Năm 1968, chiến tranh trở nên khốc liệt hơn. May mà tất cả đều bình yên trở về, trừ Nguyễn Phương Loan vĩnh viễn nằm lại với núi rừng Pleime.

Cuối năm 1969 chúng tôi mỗi người một ngả. Tôi vào Phan Thiết.  Lê Văn Trung ra  Quảng Ngãi.  Hoàng Ngọc Châu lên Bảo Lộc. Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Văn Nhàn, Trần Hoài Thư trôi giạt hết chiến trường này đến chiến trường nọ. Hồi đó không có điện thoại như bây giờ nên có một thời gian dài chúng tôi thất lạc nhau. Sau 1975,  anh Nguyễn Huy Hoàng bệnh nặng và qua đời. Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn ở tù rồi sang Mỹ. Hoàng Ngọc Châu vẫn tiếp tục trụ lại  ở Bảo Lộc. Lê Văn Trung làm công nhân xây dựng. Còn tôi tiếp tục với nghề dạy học.

Năm 1999, trước khi đi Mỹ định cư, tôi về Qui Nhơn thăm người chị;  nhân dịp đó tôi tìm đến căn nhà văn nghệ năm xưa. Người chủ nhà không còn nữa. Tất cả đã đổi thay. 

“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo.
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”(*)

Lưu lạc mỗi người một phương rồi cuối cùng chúng tôi cũng liên lạc được với nhau vào năm 2000. Cuộc mưu sinh ở vùng đất mới không dễ dàng chút nào. Khi tôi tìm được việc làm đầu tiên ở Mỹ thì cũng vừa lúc Trần Hoài Thư nghỉ hưu sớm, dành hết thời gian cho việc thực hiện Tạp chí Thư Quán Bản Thảo và Nhà xuất bản Thư Ấn Quan. Mới chân ướt chân ráo nơi đất lạ quê người, tôi phải làm việc cật lục để có tiền trang trải cho cuộc sống nên chưa sắp xếp để gặp lại lại bạn bè được. Mãi đến năm 2012 tôi mới gặp Trần Hoài Thư khi anh sang Virginia và năm 2017 tôi mới gặp lại Phạm Văn Nhàn. Đó là ngày 7 tháng 5 năm 2017. Phạm Văn Nhàn từ Texas và tôi từ Virginia bay sang New Jersey ở lại nhà Trần Hoài Thư. Lần đầu tiên từ khi sang Mỹ ba chúng tôi mới có dịp nâng ly chúc mừng cuộc hội ngộ ở vùng đất xa xôi này.Tiếc là thiếu Lê Văn Trung vì Trung còn ở lại quê nhà. Hôm ấy, tôi đã viết bài thơ Ở NEW JERSEY GẶP LẠI PHẠM VĂN NHÀN. Trong bài thơ này, tôi có nhắc đến căn nhà Khu Sáu, có nhắc đến một người bạn mấy lần bị thương ở Bình Định Qui Nhơn. Người đó chính là Trần Hoài Thư.

Ở NEW JERSEY GẶP LẠI PHẠM VĂN NHÀN

sau chiến tranh chúng ta là những người sống sót
còn gặp lại nhau là đủ vui rồi
đêm ở New Jersey
nhắc với nhau về những ngày tháng xa xôi
về người bạn đề thơ trên vách tường năm ấy 
về người bạn lên Pleime rồi chẳng bao giờ trở lại 
về người bạn mấy lần bị thương ở Bình Định Qui Nhơn 
về cà phê quán sớm bên đường
về căn nhà cửa không bao giờ khóa
từ chiến trường
bạn trở về nơi đó
lặng lẽ ngồi nơi chiếc bàn bên cửa sổ
viết truyện thời chiến tranh
viết thật nhanh - mai còn đi hành quân
viết cho kịp - biết đâu không còn gặp lại bạn bè Khu Sáu
và bạn tôi như thuyền không bến đậu
ngày ở cao nguyên đêm xuống đồng bằng
ôi một thời đi giữa chiến tranh
sống và chết chỉ cách nhau trong tích tắc
sau chiến tranh chúng ta là những người sống sót
còn gặp lại nhau là đủ vui rồi
cụng ly nào! -  mai mình lại chia tay...

Riêng Trần Hoài Thư đã có 12 bài thơ viết về căn nhà này. Trong bài thứ ba, viết ngày 9 tháng 4 năm 2016, có 2 câu: 

Bỗng dưng nhắc Phạm Cao Hoàng.
Trưa nằm lửa đốt hoãng hồn cứu tôi. 

Khi đọc, tôi không hiểu hai câu thơ này. Sau này Phạm Văn Nhàn giải thích: Hôm ấy, trong căn nhà Khu Sáu, Phạm Cao Hoàng đang nghỉ trưa. Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn muốn đánh thức Phạm Cao Hoàng dậy Xuống phố uống cà phê, bèn nghịch ngợm quấn một tờ giấy kẹp giữa hai ngón chân Phạm Cao Hoàng rồi châm lửa đốt. Nóng quá, Phạm Cao Hoàng hoảng hốt lăn xuống đất. Chuyện lâu rồi, bây giờ nhắc lại thấy nhớ và thương bạn mình hơn.

Bài thơ có tựa đề NHỚ MỘT THỜI KHU SÁU. Nguyên văn bài thơ như sau:

Bây giờ nội ngoại lên lon
Bây giờ con cháu cháu con yên phần
Nói gì, thì cũng nỗi buồn
Trong hiu quạnh bốn bức tường chung thân
Nói gì vợ bệnh trầm luân
Nói gì: thì cũng đất gần trời xa

May đời còn có Qui Nhơn
Còn khu Sáu, quán  âm hồn lưu thân
Bỗng dưng nhắc  Phạm Cao Hoàng
Trưa nằm lửa đốt hoảng hồn cứu tôi

Năm mươi lăm năm đã trôi qua nhưng những ngày xưa thân ái nơi căn nhà ấy lúc nào cũng còn âm áp trong lòng chúng tôi. Nhóm bạn Khu Sáu ngày xưa bây giờ chỉ còn ba người ở ba phương trời thăm thẳm. Anh Trần Hoài Thư ơi, những ngày này chúng tôi nhớ anh nhiều lắm. Mong anh và chị Yến bình yên nơi cõi vĩnh hằng.

PHẠM CAO HOÀNG
Virginia, June 8, 2024
(*)Thơ Bà Huyện Thanh Quan