Wednesday, June 5, 2024

3432. TRẦN DOÃN NHO Tưởng nhớ Trần Hoài Thư

Trần Hoài Thư - Chân Phương - Nguyễn Trọng Khôi - Trần Doãn Nho
New Jersey, 2012

Ngày 27/4/2024, chị Nguyễn Ngọc Yến ra đi. Sáng 28/4, tôi gọi điện thoại cho Trần Hoài Thư để chia buồn. Anh bắt phôn ngay. Tưởng là sẽ nghe một giọng nói buồn bã tuyệt vọng, hóa ra không. Giọng anh vẫn thế, vui vẻ chào hỏi bình thường. Tôi chia buồn. Anh bảo: “Nói thật với bạn, tôi vui là vì Yến đã được giải thoát. Bao năm nay, Yến sống đó mà cũng như Yến đã đi tự hồi nào.” Anh cho biết, sau khi bị đột quỵ lần thứ 4 vào đầu năm 2021, Yến gần như mất hoàn toàn trí nhớ, không tự mình ăn uống được, phải dùng ống dẫn thức ăn, mất cả tiếng nói, chỉ thỉnh thoảng biểu tỏ đôi điều qua cử chỉ. Hỏi về tang lễ, anh cho biết là “Nursing Home Ashbrook”, nơi chị Yến cư ngụ từ ngày bị tai biến, sẽ đảm trách từ A đến Z. Anh hứa là khi lo cho Yến xong, sẽ đi Houston thăm bạn bè. Nhưng rồi, đúng một tháng sau, ngày 27/5/2024, Trần Hoài Thư theo chân Nguyễn Ngọc Yến rời bỏ trần gian, đi vào cõi vĩnh hằng. Trong nỗi ngậm ngùi tiếc thương một người bạn, tôi đồng thời cũng mừng anh đã được giải thoát. Khổ nạn trần gian 12 năm của đôi uyên ương bây giờ đã tan biến vào hư không!

Tôi quen với Trần Hoài Thư từ trước năm 1975 qua con đường văn chương. Trước hết, đọc nhau qua các tạp chí Văn, Bách Khoa. Sau, gặp nhau ở Huế đôi lần, khi anh về phép, cùng ngồi cà phê, cà pháo, đấu láo chuyện nước chuyện nhà, chuyện văn nghệ văn gừng linh tinh. Rồi anh ra đi, trở lại chiến trường máu lửa, vừa đánh trận vừa viết văn. Văn chương của anh là văn chương chiến trận, của con người nằm giữa cái chết và cái sống để bảo vệ sự yên bình cho những người thành phố như tôi, được tiếp tục học hành và viết lách. Không có những người lính như anh, làm gì có thành phố và văn chương thành phố!

Đọc tiếp...


Hai mươi mấy năm sau, năm 1996, ba năm sau khi tôi sang Mỹ định cư, chúng tôi gặp lại nhau tại thành phố Boston, Hoa Kỳ, trong buổi ra mắt tập “Thơ Tuyển” của Tô Thùy Yên. Anh chị Trần Hoài Thư -  Nguyễn Ngọc Yến đến từ New Jersey, cách Boston gần 5 tiếng lái xe; còn tôi, gần hơn, từ thành phố Worcester, cách một tiếng lái xe. Tình bạn và tình văn từ đó gắn liền chúng tôi cho đến ngày anh từ giã cõi đời. Hồi đó, tuy số lượng người Việt cũng như số lượng báo chí và văn nghệ sĩ ở vùng này không nhiều bằng các nơi khác như ở Quận Cam hay ở Washington DC, nhưng với nhiệt tình văn nghệ, Boston là một thành phố diễn ra nhiều sinh hoạt văn chương và văn nghệ, đón tiếp khá nhiều văn nghệ sĩ đủ loại từ các nơi đến thăm viếng và giới thiệu tác phẩm của mình. Tuy ở xa, nhưng Trần Hoài Thư xem Boston là nơi sinh hoạt của anh. Và anh chị em văn nghệ sĩ Boston cũng xem anh là nhà văn của Boston. Do đó mà hầu hết các sinh hoạt đều hiếm khi vắng mặt anh, đúng hơn, hiếm khi vắng mặt hai vợ chồng Trần Hoài Thư - Nguyễn Ngọc Yến. Hễ có sinh hoạt văn nghệ là đôi uyên ương Thư-Yến có mặt. Còn nhớ, trong hai lần ra mắt sách của tôi, anh chị đều lái xe từ New Jersey đến tham dự, phát biểu và ở lại sinh hoạt cùng bạn bè cho đến cuối rồi mới lái xe về lại nhà.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất là cuộc thuyết trình của ba cây bút họ Trần chúng tôi - Trần Hoài Thư, Trần Doãn Nho và Trần Trung Đạo - tại khóa hội thảo văn học mùa hè do “William Joiner Center for the Study of War and Social Consequences” tổ chức ở trường đại học Massachusetts vào ngày 1/7/1998.  Trước đó trung tâm này chỉ mời các văn nghệ sĩ trong nước tham gia hội thảo. Đây là lần đầu tiên, họ mời văn nghệ sĩ VNCH. Và cũng là lần đầu tiên, những nhà văn và nhà nghiên cứu văn học quốc tế biết đến văn học VNCH và văn học hải ngoại, một nền văn học hoàn toàn khác với nền văn học phản chiến của người Mỹ và nền văn học cộng sản ở trong nước. Nhờ những đóng góp tích cực, dứt khoát nhưng ôn hòa của chúng tôi, năm sau William Joiner Center lại mời lần nữa. Lần này, ngoài anh em chúng tôi, Tổ Chức Cộng Đồng Việt Nam Massachusetts còn mời thêm nhà văn Hoàng Ngọc Liên và nhà thơ Hà Thúc Sinh đến tham dự. 


Tác phẩm cuối cùng của Trần Hoài Thư: Thi phẩm "Phao" (4/2024)
Bìa Trước và bìa sau (Hình TDN)

Năm 2001, Trần Hoài Thư cùng với Phạm Văn Nhàn, Trần Bang Thạch, và Cao Vị Khanh thành lập nhà xuất bản “Thư Ấn Quán”. Bằng một đam mê cháy bỏng và bằng một sự bền bỉ vô bờ, trong suốt 23 năm liên tục, nhà xuất bản này đã xuất bản hàng chục tác phẩm mới của những nhà văn và nhà thơ bằng hữu trong nước, những người không có điều kiện để xuất bản; đồng thời, tái bản hàng chục tác phẩm khác của các tác giả miền Nam trong Tủ Sách Di Sản Văn Chương Miền Nam. Ngoài ra, Thư Ấn Quán còn in lại một số giai phẩm, mà mới nhất là “Hương Tình Khổ Nạn” của Trần Hoài Thư (6/2023) và “Hạt Vàng Đã Mất” của Mai Thảo (12/2023). Đi song song với “Thư Ấn Quán”, con chim đầu đàn Trần Hoài Thư còn chủ trương tạp chí văn học nghệ thuật “Thư Quán Bản Thảo” (TQBT). Đây là một tạp chí đa dạng, vừa đăng lại những tác phẩm cũ của các tác giả văn học miền Nam sưu tập được, lại vừa đăng những bài vở mới sáng tác do thân hữu gởi về đóng góp. Đặc biệt nhất, TQBT còn thực hiện những số đặc biệt, giới thiệu các tạp chí văn học đã từng xuất hiện ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 như Khởi Hành, Văn Nghệ, Hiện Đại, Bách Khoa, Trình Bầy, Mai, Văn Học, Vấn Đề, Văn, Ý Thức, Trước Mặt, Sáng Tạo, v.v…; đồng thời giới thiệu và in lại các tác phẩm của nhiều nhà văn miền Nam, trong đó, có nhiều người đã qua đời hay vẫn còn ở trong nước như: Linh Phương, Vũ Hữu Định, Hoài Khanh, Trần Dzạ Lữ, Nguyễn Bắc Sơn, Lê Văn Trung, Từ Thế Mộng, Doãn Dân, Khoa Hữu, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đức Sơn, Phùng Thăng, Lâm Vỵ Thủy, Võ Hồng, Khuất Đẩu, Phạm Ngọc Lư, Hoàng Hương Trang… TQBT cũng đứng ra xuất bản tác phẩm của những nhà văn đã định cư ở hải ngoại như Lữ Quỳnh, Kinh Dương Vương, Luân Hoán, Mai Thảo, Thảo Trường…Tán thành nỗ lực của anh và các bạn trong nhóm chủ trương, tôi cũng nhiều dịp cung cấp tài liệu và viết bài đóng góp cho TQBT. Cá nhân tôi cũng xin ghi nhận sự ưu ái của anh và nhà văn Phạm Văn Nhàn khi Thư Ấn Quán đã tái bản truyện dài “Dặm Trường”, tập bút ký “Loanh Quanh Những Nẻo Đường”, in tập thơ “Thơ Trần Doãn Nho” và dành TQBT số 82 phát hành năm 2018, giới thiệu các tác phẩm của Trần Doãn Nho.

 Để cho những người yêu văn chương hiểu rõ công việc của Trần Hoài Thư, tôi đã thực hiện một cuộc phỏng vấn khá dài với anh về Thư Ấn Quán và TQBT vào năm 2010, đi trên tạp chí mạng Da Màu:

https://damau.org/11834/tro-chuyen-cung-tran-hoai-thu-ve-thu-an-quan-thu-quan-ban-thao

Anh chị em văn nghệ sĩ Boston chúng tôi – có khi là một “phái đoàn” gần cả chục người - nhiều lần ghé thăm anh chị ở thành phố Plainfield, bang New Jersey, cùng nhau đấu láo chuyện văn chương và hát hò văn nghệ suốt đêm. Tháng 12/2012, khi nghe tin chị Nguyễn Ngọc Yến bị đột quỵ, chúng tôi gồm Chân Phương, Nguyễn Trọng Khôi và Nguyễn Ngọc Phong ghé thăm chị tại bệnh viện “JFK University Medical Center” (trước đây là JFK Hospital) thành phố Edison, New Jersey. Vào tháng 6/2019, vợ chồng tôi cũng đã lái xe về thăm anh tại nhà và thăm chị Yến tại “Nursing Home Ashbrook”. Hồi đó, anh Thư còn khá khỏe mạnh và chị Yến còn rất tỉnh táo. Gặp bà xã tôi, chị Yến nhớ ra ngay. Và hai bà nói chuyện với nhau suốt hai tiếng đồng hồ một cách thân tình, vui vẻ. Chả là, chị Yến và bà xã tôi rất muốn kết làm thông gia với nhau, nhưng rồi chuyện không thành, vì con trai duy nhất của chị và con gái đầu của tôi, cháu nào lúc đó cũng đã có người yêu rồi.


Thư Quán Bản Thảo số cuối cùng (Không ghi số)
Giai phẩm "Hạt Vàng Đã Mất" của Mai Thảo (Hình TDN)

Nếu đời là bể khổ, thì mười hai năm cuối cuộc đời của đôi uyên ương Thư-Yến có lẽ còn khổ nhiều hơn cả bể khổ. Chị Yến thì một mình nằm ở “nursing home” với bốn lần đột quỵ, anh Thư thì một mình ở nhà với đủ thứ bệnh, kể cả ung thư. Ấy thế mà, càng khổ nạn, anh lại càng hăng hái làm văn chương, càng nỗ lực biến khổ nạn thành văn chương. Sự nghiệp văn chương của Trần Hoài Thư lớn và đa dạng, cả về sáng tác lẫn phục hồi, đáng được ghi một dấu mốc đặc biệt trong lịch sử văn học Việt Nam. Chỉ riêng về tạp chí Thư Quán Bản Thảo, anh đã phát hành tất cả 110 số, kể cả các Giai Phẩm. Từ tháng 9/2001 đến tháng 7/2022, có 99 số. Trong gần hai năm cuối cuộc đời, tính từ tháng 9/2022 cho đến tháng 4/2024, anh thực hiện thêm 11 số nữa, xin ghi lại như sau:

-  TQBT 100 (9/2022): Giai phẩm đặc biệt kỷ niệm tạp chí TQBT đạt con số 100.

-  TQBT 101 (không đánh số) (10/2022): Những Nhà Văn Nhà Thơ Sống và Viết ở Phan Thiết, Bình Thuận.

- TQBT 102 (11/2022): Hành trình của dòng sông – mừng sinh nhật thứ 100 của nhà văn Doãn Quốc Sỹ.

- TQBT 103 (1/2023): Thơ văn nữ giới & tưởng nhớ nhà văn Kinh Dương Vương.

- TQBT 104 (3/2023):  Giới thiệu nhà văn Vương Hồng Sển & Tạp Chí Phổ Thông

- TQBT 105 (4/2023):  Chơn Hạnh - Trần Xuân Kiêm: Phần phê bình Trần Thiện Đạo & Thụy Khuê về dịch phẩm Những Ruồi của Phùng Thăng.

-  TQBT 106 (5/2023): Giới thiệu thơ Cung Trầm Tưởng trước 1975.

 - Giai phẩm TQBT "Hương Tình Khổ Nạn" (6/2023) của Trần Hoài Thư.

-  TQBT 106 (10/2023): Giới thiệu nhà nghiên cứu văn học Thanh Lãng. (xin lưu ý: Trần Hoài Thư đề lộn số, nên có tới hai số 106, một phát hành tháng 5/2023 và một phát hành tháng 10/2023).

-  TQBT 107 (11/2023): Giới thiệu “Dấu Yêu”, thi văn hợp tuyển của Trần Hoài Thư.

-   Giai phẩm TQBT "Hạt Vàng Đã Mất" của Mai Thảo (12/2023).

Nếu điều chỉnh cho đúng, dựa theo con số những ấn bản đã phát hành, thì đây là TQBT số 110.

Ngoài ra, vào đầu tháng 4/2024, Trần Hoài Thư xuất bản thi phẩm “Phao”, tác phẩm cuối cùng của anh. Đây là bài thơ cuối cùng (bài 91) trích từ “Phao”:

         Tặng ta ánh nắng hoàng hôn lụa
         Tràn ngập vào xe ấm chỗ ngồi
         Tặng ta cái bóng thời si dại
         Bờ vai gầy, đôi mắt sáng, bờ môi.

Đọc bốn câu thơ chan chứa niềm vui như thế này, mấy ai dám nghĩ rằng, chỉ chưa tới hai tháng sau đó, nhà văn, nhà thơ, nhà xuất bản, chủ bút kiêm chủ nhiêm một tạp chí văn chương sống lâu nhất ở hải ngoại và là người khâu di sản văn chương miền Nam Trần Hoài Thư vĩnh viễn từ giã chúng ta!

Trần Hoài Thư tên thật Trần Quí Sách, sinh ngày 16/12/1942 tại Đà Lạt. Theo học trường Quốc Học Huế, rồi Đại học Khoa Học Sài Gòn. Từ năm 1964-1966, giáo sư Toán đệ nhị cấp trường trung học Trần Cao Vân, Tam Kỳ. Năm 1967, nhập ngũ khóa 24 SQTB Thủ Đức, phục vụ tại đại đội 405 Thám Kích sư đoàn 22 Bộ Binh. Sau chuyển về làm phóng viên chiến trường ở vùng IV cho tới ngày 30/4/1975. Sau tháng 4/1975, đi cải tạo 4 năm. Năm 1980, vượt biên, định cư tại Mỹ, tốt nghiệp Kỹ Sư Điện Toán và Cao Học Toán Ứng Dụng, làm việc cho công ty điện toán IBM.

Khởi sự viết văn từ năm 1964, cộng tác với các tạp chí văn học Sài Gòn: Bách Khoa, Văn, Thời Tập, Vấn Đề, Ý Thức, Khởi Hành…Cùng với một số bạn văn, sáng lập nhà xuất bản Thư Ấn Quán và tạp chí Thư Quán Bản Thảo từ năm 2001, hoạt động liên tục cho đến tháng 4/2024. Đã xuất bản hơn 30 tác phẩm văn và thơ, trong đó có: Nỗi Bơ Vơ Của Bầy Ngựa Hoang; Những Vì Sao Vĩnh Biệt; Ra Biển Gọi Thầm, Ban Mê Thuột Ngày Đầu Ngày Cuối, Về Hướng Mặt Trời Lặn,  Mặc Niệm Chiến Tranh, Đánh Giặc Ở Bình Định, Tản Mạn Văn Chương, Giấc Mơ Giáng Sinh, Cảm Tạ Văn Chương, Thơ Trần Hoài Thư; Ngày Vàng; Ô Cửa; Vịn Vào Lục Bát, Phao…

Trần Hoài Thư qua đời tại New Jersey vào ngày 27/5/2024, thọ 82 tuổi.

TDN

(1/6/2024)