Sunday, June 2, 2024

3421. TRẦN HOÀI THƯ Từ tờ napkin đến bao thuốc lá ân nhân

Trần Hoài Thư đang đọc một bài thơ bên cánh rừng Scibilia
Ảnh Phạm Cao Hoàng - Virginia, đêm 13.1.2016

Họa sĩ Đinh Cường, thường vẽ và làm thơ trên những tờ napkin, không phải vì ông lập dị, khác đời hoặc vì ông có thói quen, nhưng vì, napkin là một chiếc phao đến vào lúc ông cần để diễn dạt. Mà những ý thơ hay những  xúc động thường xãy đến khi ta gặp bạn bè, hay khi cô đơn bên ly cà phê trong một quáN ăn hay một tiệm cà phê chẳng hạn. Khi ấy, đâu có computer để đánh vào keyboard, đâu có giấy croquis để phác họa chân dung một người bạn. Chỉ có những tờ napkin có sẵn trên bàn. Nói nôm na là những tờ giấy lau chén, lau muổng, đủa, hay chùi miệng. Chúng mới là cưu tinh. Chúng xuất hiện đúng lúc, như một ân nhân, vì nếu không, ý thơ sẽ bay mất, hay nét vẽ kia cũng sẽ vô vọng, lúc người họa sĩ đã tìm thấy một nỗi xúc động trước người bạn của mình.

Kỳ báo TQBT này, bài thơ Đinh Cường mang tựa đề “Tháng chín, đoan ghi trên giấy napkin ở Starbucks Coffee” (1) đã chứng minh cho vai trò quan trọng của tờ napkin trong văn học. Không phải là “giấy bút tôi ai có cướp giựt đi tôi sẽ viết văn trên đá”  mà là ” giấy vở tôi nếu tôi không mang theo tôi sẽ làm thơ trên tờ napkin starbucks…”

Riêng phần tôi, thì hay dùng bao thuốc lá để thay vào napkin. Đó là thời thanh xuân, thời bụi, thời mà chẳng có bàn để viết, chẳng có giấy để ghi. Ghé vào một quán bên đường, ngồi nhìn cô hàng thấy cô hàng có chiếc quần đen như mượt, có bờ tay lông măng, tự nhiên thi hứng lại nổi lên. Mà quán thì nghèo làm gì có giấy napkin như các nhà hàng. Thôi thì đành lấy bao  thuốc lá ra để làm giấy ghi đở… NHư những câu như thế này:

Cô hàng cho xin ly cà phê nhỏ
Tôi uống cho đầy đôi mắt trong
Một mai tôi chết bên trời Bắc
Em làm sao được khóc bên sông?
 
Tôi mang gió núi miền Trung lại
Em sưởi cho tôi một mảnh tình
Đôi khi thấy áo bay đầy phố
Ngỡ hồn mình hiu hắt mùa thu…

Viết xong, tặng bạn. Bạn giữ gìn dùm. Để nếu nay mai nhảy vào mật khu địch mà chẳng may, bạn còn có tình  ta bên cạnh.

Trong ngày chia vui cuôn thơ Tuyển thơ Toàn tâp tại quán Madeleine, Houston, ngày 18-9 vừa rồi, Phạm văn Nhàn có nhắc lại thói quen ấy. Bạn tụm năm, tụm ba, đưa ly, còn ta thì xé bao thuốc, làm thơ tại chỗ. Làm xong, nhét vào túi, rồi ra trận. Hay hoặc dỡ chả cần bận tâm, chỉ biết nó như chiếc phao cưu rổi của một người linh mang tâm hồn thơ văn, là đủ.

Hôm nay, ta lại nhận được thư cho một người bạn lính. Anh viết một bài ký sự chiến trường, và cho biết có trích thơ ta.  Đọc thơ, cố gắng nhớ, mà không thể nhớ làm lúc nào, trong trường hợp nào. Bài thơ như thế này:

Đêm đi kích, ngày nhâm nhi rượu đế
Uống để say, quên hẳn tháng ngày
Bên bàn rượu, mỗi ngày một vắng
Thương bạn bè chưa uống đã say!
Khi vào lính nói năng nham nhở
Nói yêu ai cũng nghĩ đến cái giường, “
 
(Nguyễn Phán: AN LỘC MỘT LẦN TÔI  ĐÃ ĐẾN, MỘT ĐỜI ĐỂ NHỚ)

Xin được cám ơn bạn ta. Và cũng xin được cám ơn những bao thuốc lá ân nhân của ta.

___________________________

(1)

THÁNG CHÍN. ĐOẠN GHI TRÊN NAPKIN Ở STARBUCKS COFFEE
Đinh Cường
 
Sáng trời mây mù
người băng qua cánh rừng
lá vàng đầy dưới chân
mùa thu sao
ngọn gió mai cũng khác
se lạnh .
 
những chiếc áo ấm năm rồi
chưa giặt
mấy chiếc mũ, đôi găng tay
foulard cho mùa rét mướt
 
nhớ xưa Đà Lạt
quanh năm với chiếc jacket
màu xanh rêu nhà binh
rộng thùng thình
cùng chiếc pipe đẹp
anh Trần Lê Nguyễn cho
là đốm lửa ấm
trong đêm sương mù dày
 
đi bộ lên con dốc
qua nhà thờ Con Gà
rẽ mặt về phía đường Rose
có căn phòng thuê
có ngọn đèn vàng để cháy cả đêm
xác bao nhiêu là vỏ
bao thuốc Bastos xanh
Đỗ Long Vân chất đống
Trịnh Công Sơn từ B’lao lên
ở lại. uống rượu cùng
Nguyễn Xuân Thiệp
có Trịnh Xuân Tịnh em Sơn
lên buôn rau sớm gởi về Sài Gòn
Sơn hát ca khúc mới
tôi sống cùng mùi sơn dầu
thơm như những bó nhựa ngo
mua của  mấy người Thượng
cuối tuần từ trong rừng
đem ra ngồi bán hay đổi
thứ gì đó. lon muối chẳng hạn
bên lề đường khu chợ Hoà Bình
những cây lan rừng còn đọng sương
 
Đà Lạt. nơi Trần Hoài Thư sinh ra
Đà Lạt nơi tiếng hát tiếng đàn thùng
đắm say Lê Uyên Phương
Đà Lạt với Phạm Công Thiện
căn phòng hẹp dưới hầm đường Yagut
Đà Lạt thời Khánh Ly mới ra hát ở Night Club
và Đà Lạt một thời của Nguyễn Xuân Hoàng
của Hoàng Ngọc Biên. của Nguyễn Nhật Duật
của Nguyễn Thị Hoàng của Nguyễn Thị Thanh Sâm
còn có Phạm Cao Hoàng
đi dạy trường ở gần thác Gougah
Bùi Giáng được mời một lần lên đó đóng phim. mới lạ
bao nhiêu bạn bè ghé qua miền đồi núi
với mùa hoa quỳ vàng. mùa hoa mimosa vàng
và không quên ghé qua cà phê Tùng
còn cho đến nay. ông bà đều đã mất .
 
sáng nay đi bộ sớm ra Starbucks ngồi
trời mù. mây xám giăng đầy bầu trời
không có cánh chim nào bay
nhìn qua khung cửa kiếng. nhớ vẩn vơ .
lại ghi vẩn vơ. tuổi già hay nhớ về kỷ niệm ….
 
Virginia, September  9, 2014
Đinh Cường

_____________________________________
Nguồn: Blog Trần Hoài Thư