LẦN HỘI NGỘ CUỐI CÙNG
Thời tiết ở Virginia đầu tháng Năm
thật u ám với những cơn mưa lâm râm, rả rích. Ngày 9 tháng 5, tôi từ San
Antonio bay về lần này không dự tính trước. Đây cũng là chuyến đi Virginia ngắn
hạn nhất của tôi từ trước đến nay. Nghe tin Cô Ngọc Yến, vợ Chú Trần Hoài Thư
đã từ trần ngày 27 tháng Tư, và Tang Lễ sẽ cử hành sáng hôm nay, ngày 10 tháng Năm,
năm 2024 Em Ân và Quỳnh Như chở tôi đến nhà
Chú Phạm Cao Hoàng để đón Cô Hoa, vợ Chú, và Cô Nguyệt Mai khoảng hơn 5 giờ sáng. Tất cả chúng tôi gồm năm người bắt đầu khởi
hành đi New Jersey. Con lộ liên bang 95 khá kẹt xe. Bên ngoài, mây xám giăng đầy
trời, nhưng trong xe thì không khí thật vui vẻ và thân mật. Lần đầu tiên tôi được
gặp Cô Hoa là ở nhà Chú Trường Vũ mấy năm trước đây, nhưng lúc bấy giờ tôi chưa
có dịp tiếp chuyện cùng Cô. Với dáng người nhỏ nhắn, phong cách nhẹ nhàng, cô
thật chu đáo với một giỏ đầy thức ăn, nước uống chuẩn bị cho chuyến đi. Cái mà
tôi thích nhất là mấy quả quýt, không biết cô mua ở đâu mà nó ngọt lịm như đường
làm tôi ăn không biết ngượng. Cô Nguyệt Mai kể cho chúng tôi nghe về mối quan hệ
thân thiết giữa Cô và Chú Trần Hoài Thư và Cô Ngọc Yến. Cô đã từng là biên tập
viên cho Chú Trần Hoài Thư trong việc ấn loát sách báo mấy năm về trước và nghe
Chú nói Cô đã giúp đỡ Chú rất nhiều.
Đường xa đi mãi rồi cũng tới. Tang lễ
cử hành vào lúc 10 giờ sáng thì chúng tôi đã đến sớm hơn khoảng nửa giờ. Chúng tôi ngồi đợi trong xe vì bãi đậu xe vẫn
còn khá trống trải, Ân và Như chưa thấy xe của Thoại, con của Chú THT ở đây, vả
lại trời bên ngoài vẫn lất phất mưa và cũng còn hơi lạnh. Một lúc sau thì xe của
Thoại cũng đã đến và đậu gần xe của Ân. Chúng tôi bắt đầu ra khỏi xe và tiến
vào Nhà Quàn. Tôi dõi mắt tìm Chú THT, Chú đang đứng bên trong chào đón mọi người.
Dáng Chú dong dỏng cao, gầy guộc thấy rõ. Tôi giật mình nhìn thấy sắc thái trên
gương mặt Chú. Da Chú sậm hơn bình thường và dáng đi nghiêng ngả làm tôi vừa lo
sợ, vừa xót xa… Đã bao nhiêu lần rồi,
tôi đã nhìn thấy sắc thái này trên những gương mặt bệnh nhân của tôi. Tôi đã từng
biết rằng sự sống của họ được tính bằng ngày, hoặc giờ. Tôi chợt nhận thấy rằng
quyết định đi New Jersey của mình lần này thật là chính đáng.
Khi nhìn thấy chúng tôi, Chú THT bước
đến chào hỏi Cô Hoa, Cô Nguyệt Mai, và chị em tôi. May làm sao em Ân đã ghi lại
được khoảnh khắc này, một đoạn phim chỉ kéo dài hơn ba phút. Trong đó, Chú còn
nói rằng khi nào mọi việc xong xuôi Chú sẽ tìm thêm truyện của Bố tôi để đưa vào
ấn bản mới TUYỂN TẬP DOÃN DÂN. Ấn bản mới sẽ có một số truyện vừa tìm được sau
này. Chú nói là nếu Chú không đi tìm được có nghĩa là Chú đã "khụy” rồi! Có
lẽ Chú cũng đã biết trước sức lực của mình!
Họ hàng, và bạn bè của gia đình tang quyến cũng đã đến đông đủ khoảng trên ba mươi người. Chú ngồi đó với một túi dựng đầy sách với tựa đề “Hạnh Phúc và Khổ Nạn” TQBT số 93 tháng 6, 2021 với nét phác họa chân dung của Cô Ngọc Yến ngoài bìa. Những cuốn Thơ của Chú THT cũng được để trên bàn cho mọi người tùy tiện lấy như món quà tặng, có tựa đề “Phao”. Tôi liếc qua những dòng thơ mà lòng không khỏi bùi ngùi:
“Một con chim yến lạc trầnMột con chim yến nợ nần với tôiBây giờ chim đã ra khơiTôi làm sao giữ cõi trời yến bay…” (Phao -THT)
Thật thương cảm khi nhìn thấy bóng
dáng Chú cúi xuống gần quan tài cô Ngọc Yến, thì thầm lời vĩnh biệt với dòng lệ
lã chã trên đôi mắt có lẽ đã gần cạn nước mắt. Với dáng mỏi mệt, Chú ngồi xuống
chắp tay nghe lời kinh tụng, tiễn đưa hương linh của người vợ hiền về cõi Vĩnh
Hằng. Dáng dấp đó, sẽ không bao giờ tôi quên được. Tôi thắp một nén hương cho Cô Ngọc Yến. Tôi
đã nghe nhiều về Cô, quí mến Cô qua những câu chuyện Chú kể về Cô, một người
đàn bà tuyệt vời, một người vợ bình dị, can đảm. Cô đã ủng hộ sự nghiệp của chồng và niềm đam mê
văn chương của Ông trong một thời gian thật dài. Qua lời của Thoại, vì mắt Chú
đã kém nên đôi mắt Cô, và bàn tay của Cô đã đóng góp rất nhiều trong những lần
Cô lái xe đưa Chú đi tìm, sao chép, và khôi phục lại nhiều tác phẩm Văn Học miền
Nam Việt Nam 1954-1975. Hôm nay, tôi đã được
gặp Cô lần đầu, và cũng là lần cuối!
TIN BUỒN LẠI ĐẾN
Nhóm TTDD của chúng tôi gồm có Chú Trần Hoài Thư, Chú Lê
Văn Trạch, anh Nguyễn Đình Hiếu, chị Doãn Cẩm Liên, chị Phạm Kim Hương, năm chị
em gái chúng tôi và chồng cô em út, Đỗ Hoàng Ân. Riêng mẹ tôi, sau khi bị ngã
hai lần, việc đi đứng của Bà hơi khó khăn nên mặc dù nhóm đã dự tính sẽ đi thăm
Chú Trần Hoài Thư vào tháng Sáu này, tôi nghĩ mẹ tôi không thể đi được như lần
trước. Bàn tính với nhau là như vậy, nhưng mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên.
Qua bao nhiêu cơn bệnh hiểm nghèo, Chú THT đã nhiều lần vượt qua nanh vuốt của
tử thần. Nhóm chúng tôi nhất định với nhau là sẽ cùng đi New Jersey thăm Chú
ngày 21 tháng Sáu này.
Mười hai ngày sau Tang Lễ của Cô Ngọc Yến, thì Thứ Tư,
ngày 22 tháng Năm, chúng tôi nhận được tin Chú THT đã vào nhà thương do bị viêm
phổi và viêm túi mật. Hai ngày sau, sáng Thứ Sáu, ngày 24 tháng Năm, lúc 10:15
sáng, tin báo cho biết là Chú đang bị hôn mê sâu, và đang hấp hối. Lúc 1:15 chièu
cùng ngày, Thoại báo tin là Chú đang trong tình trạng nghiêm trọng vì bị chảy
máu não, không phản hồi và cũng không mở mắt được. Tuy nhiên, qua đêm thứ Sáu,
qua lời em Thoại thì bỗng nhiên Chú tỉnh lại. Em Ân, Như và Uyên vội vã lái xe
đến thăm Chú ở bệnh viện HMH JFK University Medical Center vào khoảng 14:00
ngày thứ Bảy, 25 tháng Năm. Khi đến nơi, các em tường thuật lại là Chú hoàn
toàn nhận diện được mọi người, tuy quá yếu không nói được, nhưng Chú thều thào
cố gắng gọi tên em Quỳnh Như.
Vào chiều ngày Chủ Nhật, 26 tháng Năm, chúng tôi nhận được
tin Chú THT đã được đưa vào Hospice vì bệnh viện đã không còn giải pháp nào để cứu
chữa. Thoại muốn nhìn thấy ba mình được ra đi một cách nhẹ nhàng, thanh thản.
Sáng sớm Thứ Hai, vào lúc 06:35 ngày 27 tháng Năm, năm
2024, chúng tôi nhận được tin Chú Trần Hoài Thư đã lìa trần trong sự bình an.
LÒNG KÍNH TRỌNG VÀ NIỀM THƯƠNG TIẾC
Sự ra đi của Chú Trần Hoài Thư đã ảnh hưởng nhiều đến
tinh thần của chị em chúng tôi. Tôi tự hỏi, tại sao, lý do gì đã làm cho chúng
tôi buồn như vậy? Dù chúng tôi chỉ thực sự liên lạc được với Chú mới mấy năm nay.
Hình như có một sợi dây vô hình nào đó đã trói buộc tình cảm của chị em chúng
tôi vào với Chú như tình ruột thịt. Có phải là do tình thân hữu của Bố tôi với
Chú từ năm 1968, khi chúng tôi còn bé, nghe tiếng cười vang xóm của Chú và Bố
tôi trong Khu Gia Binh ở Bình Định, Qui Nhơn? Có phải là từ những hình ảnh Bố tôi
vẫn ngồi uống trà, cà-phê với Chú, nói chuyện chính trị, văn chương, về những
quyển truyện, những tập thơ mới mua từ hiệu sách trên thành phố? Tôi còn nhớ rất
rõ những kỷ niệm ấy, nhớ mái tóc đen bồng bềnh nghệ sĩ của Chú, nhớ nụ cười rạng
rỡ khi nói về văn thơ… Lúc nào Chú đến nhà tôi cũng mặc mỗi bộ quân phục màu
xanh của lính. Nhìn thấy Chú, chúng tôi nhớ đến Bố và những kỷ niệm xa xưa chỉ
còn lưu lại trong ký ức.
Những năm sau này, sau khi hiểu được cuộc đời gian khổ,
sóng gió của Chú từ những năm thơ ấu, và những gian khổ đó lớn dẩn theo thời gian
và trong từng hoàn cảnh từ những năm sau 75 cho đến khi vượt biên sang Mỹ để bắt
đầu một cuộc sống mới. Khi hiểu được những tâm tư, tình cảm của Chú, được gói
ghém trong những cuốn văn thơ, ôi, sao mà phong phú quá! Sao mà buồn thảm quá! Thương quá cái tình cảm mộc mạc nhưng thật
sâu sắc, thủy chung! Cái tình yêu thơ văn của chính mình và của cả thế hệ của
mình. Tình yêu đó quá mãnh liệt để Chú sẵn sàng hy sinh thời gian, tiền bạc, và
sức khỏe của mình để khôi phục lại hàng loạt những sách báo quí giá cho những
tác giả mà tưởng như họ không bao giờ tìm lại được, trong đó có cả những truyện
ngắn của Bố tôi!
Chú ơi, vậy là tụi cháu mất Chú thật rồi sao? Cháu không
muốn nói lời Vĩnh Biệt bởi vì một ngày nào đó rồi Chú cháu mình cũng sẽ gặp lại
nhau ở một thế giới khác. Một thế giới
không còn bệnh tật, lo âu và đau khổ. Giờ thì Chú đang cùng Cô ở một nơi thật
bình yên, thật viên mãn.
Tạm biệt Chú nhé, Chú Trần Hoài Thư! Người mà chúng cháu vẫn
hằng quí mến và kính trọng.