Tôi
quen với Trần Hoài Thư từ trước năm 1975. Trước hết, đọc nhau qua tờ Văn, Bách
Khoa. Sau, gặp nhau ở Huế đôi lần, khi anh về phép. Cà phê, cà pháo, đấu láo
chuyện nước chuyện nhà, chuyện văn nghệ văn gừng linh tinh. Rồi anh ra đi, trở
lại chiến trường máu lửa. Còn tôi vẫn ở thành phố học hành, rong chơi. Văn
chương của anh là văn chương của chiến trận, của con người nằm giữa cái chết và
cái sống. Văn chương tôi là văn chương thành phố, văn chương của một người suy
gẫm…chuyện đời.
Hai
mươi mấy năm sau, chúng tôi gặp nhau lại tại Mỹ. Nhiều lần, qua các sinh hoạt
văn chương. Thỉnh thoảng, anh ghé nhà tôi chơi. Tôi cũng đôi lần ghé thăm anh,
ở một nơi khá yên tĩnh của thành phố Plainfield, tiểu bang New Jersey. Nhà chỉ
có hai vợ chồng. Hiện nay, cả hai anh chị đều đã về hưu. Ngoài những sinh hoạt
bình thường hàng ngày và chăm sóc hai đứa cháu nội, anh, với sự tiếp tay vô
cùng nhiệt tình của chị, đều dành hết thì giờ để lo chuyện văn chương.
Khác
với nhiều người khác, ngoài chuyện góp mặt bằng những sáng tác mới, anh dành
hết thời gian, cặm cụi làm một công việc mà không ít người cho là …vô ích và
lỗi thời: lục tìm, in lại những tác phẩm đã xuất hiện ở miền Nam trước năm
1975. Bất chấp những lời đàm tiếu, anh vẫn …đường ta ta cứ đi. Kết quả là cho
đến nay, anh đã xuất bản được:
–
Bộ Văn miền Nam (4 tập, tổng cộng 2200 trang)
–
Bộ Thơ miền Nam (5 tập, tổng cộng khoảng 3000 trang) gồm: Thơ miền Nam thời
chiến (tập I &II), Thơ tình miền Nam, Lục bát miền Nam, Thơ tự do miền Nam.
–
Chiến tranh Việt Nam & Tôi (thơ Nguyễn Bắc Sơn)
–
Thơ Vũ Hữu Định toàn tập
–
Kỷ vật cho em (thơ Linh Phương)
–
Túy ca (thơ Hoàng Hương Trang)
–
Bốn tập thơ của Hoài Khanh
–
Những tháng năm cuồng nộ (truyện dài cùa Khuất Đẩu)
–
Tuyển truyện Sáng Tạo
–
Văn các số 121, 132, và số chủ đề Thanh Tâm Tuyền.
–
Tuyển truyện Một Thời Ý Thức
–
Cúi mặt (truyện dài của Bùi Đăng, do Thái Phương xuất bản năm 1969)
–
Đốt tuổi (thơ Phan Nhự Thức)
–
Điệp khúc tình yêu & trái phá (thơ Kiệt Tấn)
–
Tuyển truyện Y Uyên
–
Lẽo đẽo một phương quì (thơ Từ Thế Mộng)
–
Đan tâm (thơ Phạm Ngọc Lư)
–
Vũ trụ thơ I & II (tiểu luận của Đặng Tiến)
và:
–
Tạp chí Thư Quán Bản Thảo. Tạp chí ra 2 tháng ra một số, hiện nay đã vào năm
thứ 10. Số mới nhất là 41 phát hành tháng 2-2010, có chủ đề liên quan đến di
sản văn chương miền Nam.
Theo
tôi, đó là một công trình lớn, nếu không nói là lớn nhất, ở hải ngoại về mặt
bảo tồn một nền văn học đã bị bức tử.
Đọc
tiếp...
Nhân một buổi gặp gỡ bạn bè đầu năm Canh Dần, hai chúng tôi trò chuyện với nhau về công việc làm đầy ý nghĩa của anh trong thời gian qua. Xin ghi lại để chia xẻ cùng bạn đọc.
Trần
Doãn Nho (TDN): Ta hãy bắt đầu bằng cái tên. Theo tôi biết, hiện có hai cái
tên, một là Thư Quán Bản Thảo (TQBT) và một là Thư Ấn Quán (TAQ). Đó là hai
cách gọi của cùng một công việc hay là để chỉ hai việc khác nhau?
Trần
Hoài Thư (THT): Hai tên để chỉ hai công việc khác nhau, anh à. Chúng tôi có hai
cơ sở. Một là Thư Quán Bản Thảo, tạp chí văn học nghệ thuật. Và một là Thư Ấn
Quán, cơ sở xuất bản. Thư Quán Bản Thảo là một tạp chí. Số 1 được thực hiện
xong vào tháng 10-2000, dày khoảng 100 trang. Ban chủ trương gồm 4 người, mà ba
người đều tuổi ngựa (sinh năm 1942). Khi báo chuẩn bị gửi thì biến cố 9/11 xảy
ra. Tôi phải tháo bìa làm lại, thêm trang phụ bản về hai tòa nhà “TWIN TOWERS”
đang ngùn ngụt trong lửa khói. Thư Quán Bản Thảo số ra mắt, như thế, mang một
dấu ấn lịch sử rất đặc biệt. Từ 100 trang cho số 1,2, tăng lên 200 trang cho số
3, và số mới nhất (41): 255 trang!
TDN:
Anh là một trong bốn người. Vậy ba người kia là ai, thưa anh?
THT:
Phạm văn Nhàn, Trần Bang Thạch và Cao Vị Khanh.
TDN:
Tại sao lại là Thư Quán/Bản Thảo?
THT:
Bây giờ, không giấu gì anh. “Bản thảo” tôi lấy từ Ý Thức Bản Thảo, tên một tạp
chí bất định kỳ trong nước ra một năm một số, mục đích là phổ biến văn chương
nghệ thuật rất hạn chế trong vòng anh em thân hữu từng cộng tác với tạp chí Ý
Thức trước 1975. Nó nói lên một điều: những người cầm bút trẻ thời trước 1975,
vẫn tiếp tục viết, vẫn còn say mê với chữ nghĩa. Tôi đã tìm qua hai chữ Bản
Thảo một ý nghĩa bi tráng hơn: văn chương bộ lạc. Và tôi đã dùng tiếng “bản
thảo” này như một sự cảm thông, chia xẻ với anh em cầm bút trong nước. Còn Thư
Quán thì anh chắc hiểu rồi. Thư là tên tôi. Vậy thôi.
TDN:
Văn chương bộ lạc! Nghe ngồ ngộ. Anh nói rõ hơn ý nghĩa của cụm từ này được
không?
THT:
Anh hãy nghĩ đến một nhóm người mất hết buôn bản, dắt dìu nhau giữa một thế
giới không thuộc về của họ. Ở Mỹ chúng ta vẫn hằng nghe về bộ lạc da đỏ. Họ tụ
tập với nhau, nhảy múa và hát những bài hát cổ truyền quanh lửa trại. Ở đây,
không phải nhảy múa mà là sáng tác, văn chương…
TDN:
Thì ra thế. Vậy ta có thể nói, anh thành lập Thư Quán Bản Thảo và Thư Ấn Quán
là để cho cái bộ lạc thời đại này khỏi bị tiêu diệt, đúng không? Bằng cách in
lại những tác phẩm cũ trước 1975, mà anh gọi là “Tủ Sách Di Sản Văn Chương Miền
Nam.”
THT:
Đúng mà không đúng, anh à. Tạp chí Thư Quán Bản Thảo không nhất thiết chủ
trương sưu tập để đăng lại những tác phẩm của các tác giả cũ. Với khoảng 230
trang, chúng tôi thường dành 100 trang cho một chủ đề nào đó. Ví dụ chủ đề
Nguyễn Bắc Sơn (số 20), Nguyễn Nho Sa Mạc (số 26), Hoài Khanh (24), Phan Nhự
Thức (số 27), Từ Thế Mộng (số 29), Lê văn Trung (số 34) hay Vũ Hữu Định, Trần
Dzạ Lữ, “Thơ văn khói lửa” hay Y Uyên v v… Phần còn lại dành cho những bài vở
mới sáng tác do thân hữu gởi về đóng góp. Tạp chí dự trù ba tháng ra một số,
nhưng vì sự đón nhận cũng như lòng thương mến của người đọc quá nồng nhiệt nên
đổi thành hai tháng. Sau gần hai năm, vì điều kiện sức khỏe không cho phép, nên
đổi thành tạp chí bất định kỳ. Chỉ một mình tôi lo từ A-Z nên cho dù muốn duy
trì liên tục, cũng không được anh à. Ngoài phần chủ đề, tạp chí cũng có những
ấn bản đặc biệt gồm những tác phẩm sưu tầm nhằm giúp người đọc có cái nhìn toàn
bộ về sự nghiệp của tác giả. Ví dụ chủ đề Hoài Khanh, tôi in thêm 3 tập thơ của
ông truớc 75 làm phụ bản: 1) Thân phận 2) Lục bát 3) Gió bấc, trẻ nhỏ, đóa hồng
và dế để tặng độc giả khi có yêu cầu.
Riêng
cơ sở Thư Ấn Quán không nhất thiết xuất bản sách trong Tủ Sách Di Sản Văn
Chương Miền Nam. Chúng tôi còn xuất bản những tác phẩm mới của bạn bè ở trong
nước, những người không có điều kiện để xuất bản. Chúng tôi thay mặt họ tặng
biếu độc giả Thư Quán Bản Thảo và thân hữu của tác giả. Ngoài ra chúng tôi tìm
cách chuyển về họ chừng 5, 10 tập để làm quà.
TDN:
Như thế thì, Thư Quán Bản Thảo theo đúng chủ trương “chỉ biếu, không bán”, theo
như lời giới thiệu? Mà nếu không bán, thì anh có nguồn tài trợ nào không?
THT:
Mọi việc đều miễn phí. (Cười) Cứ hy sinh đừng đi du lịch bằng cruise sẽ có đủ
tiền in hai tác phẩm cho bạn bè. Dễ lắm mà! Nói đùa với anh cho vui.
Đúng
như anh nói, tạp chí Thư Quán Bản Thảo và hầu hết các tác phẩm do Thư Ấn Quán
xuất bản đều được rao: “Chỉ tặng khi có yêu cầu”. Có nghĩa là chúng tôi chỉ gửi
đến quí vị nào muốn đọc, chứ không tặng bừa bãi. Đổi lại, họ cho chúng tôi tấm
lòng ưu ái ân cần. Chính cái tình giữa người đọc và tác giả mới quan trọng. Có
những người đọc ở Mỹ về nước, tìm đến tác giả mà thăm hỏi. Khi bão lụt, những
người đọc hỏi thăm qua chúng tôi về tình trạng người viết trong nước ra sao. Họ
giúp người cầm bút cũ miền Nam trong nước hiểu được là họ không bị bỏ rơi, sáng
tác của họ vẫn được đón nhận ở hải ngoại.
Tôi
kể ra đây một trường hợp để nói lên cái tình sâu đậm này. Một người cựu sĩ quan
nhảy dù gởi thư đến chúng tôi cần tìm tác giả bài “Biên cương hành” là nhà thơ
Phạm Ngọc Lư để tỏ lòng cám ơn, vì năm 1972, khi anh bị thương trên đồi Thường
Đức ở Quảng Nam, trong lúc chờ trực thăng tới bốc, anh đã đọc bài thơ này trên
Văn, và có ý nghĩ viết thư tỏ lòng cám ơn sau khi về hậu cứ vì bài thơ đã diễn
tả đúng với tâm trạng anh lúc ấy. Giờ đây, được đọc lại trên TQBT, anh muốn nhờ
chúng tôi tạo nhịp cầu.
Và
mới đây, hôm 11 tháng 3/2010, thêm một người đọc nữa hỏi thăm về nhà thơ Lê văn
Trung. Anh ấy kể đã thuộc những câu thơ của Lê Văn Trung trong tù và mang trong
tâm trí đến bây giờ. Nói tóm lại, TQBT ít ra cũng là một mái nhà còn lại cho
anh em cầm bút cũ tìm đến, nương tựa, gìn giữ nhau.
Riêng
câu hỏi: Nguồn tài trợ ở đâu? Xin trả lời: người đọc. Họ tiếp trợ tạp chí qua
tem thư hay những món quà lì xì vô điều kiện. Và nhất là chúng tôi có thể in số
lượng tùy theo nhu cầu của người đọc từ phương pháp “Print-On-Demand” (In theo
yêu cầu), cộng thêm cái nhà in mà tôi tự lập, từ những program mà tôi tự viết,
với những sáng kiến mà tôi tự nghĩ hầu in ấn được mau chóng, tự động hóa. Đó là
lối đánh giặc nhà nghèo anh à.
Nói
thì nói thế, chúng tôi cũng có bán. Các sách bán là các bộ sách dày, in ấn rất
tốn kém, lại đòi hỏi công sức rất nhiều như bộ Văn Miền Nam, bộ Thơ Miền Nam. À
quên nữa, có một cuốn rao bán là “Tuyển truyện Y Uyên”, mục đích để lấy tiền
làm quỹ cho việc tu bổ tượng đồng nhà văn Y Uyên. Khi số tiến ấn định đã đạt,
chúng tôi ngưng bán ngay.
TDN:
Anh cho biết qua cách làm việc của anh trong việc in ấn và phát hành.
THT:
Sau mười năm kinh nghiệm, tôi đã thu thập hiểu biết khá nhiều trong lãnh vực in
ấn. Về keo, về giấy, về bìa, về cách dàn trang (layout), về nhu liệu (software)
nào nên dùng hay không nên dùng, về những cơ phận của máy in… Tất cả đều tự học
qua biết bao nhiêu lần thất bại. May mắn tôi có ít nhiều kinh nghiệm về điện
toán nên áp dụng nó tối đa trong việc in ấn. Giờ đây, nếu anh đưa tôi một CD
hay gởi tôi một hồ sơ (file), thì bảo đảm chỉ hai giờ sau là anh có tối thiểu
bốn tập đàng hoàng (từ khi bắt đầu dàn trang, trình bày bìa, in trang ruột,
đóng và cắt). Tất cả đều có khuôn mẫu (template) sẵn. Sau đó, tôi gởi sách
tặng, hay rao trên trang mạng Thư Quán Bản Thảo. Vì không đặt nặng lợi nhuận
nên không bận tâm mấy đến việc phát hành. Ai thích, hỏi, thì tôi in. Có sẵn
trong máy. Chỉ việc bấm nút rồi cần 10 phút là xong ngay. Vậy thôi. Bà xã tôi
hay đùa với bạn: Anh Thư nhà tôi “lấy công làm lỗ”!
TDN:
Không lỗ đâu, mà còn lời nữa. Lời tình bạn, lời văn chương.
Bây
giờ hãy trở lại chuyện in ấn. Như vậy, để tự làm, anh phải sắm một cái máy in,
đúng không? Anh dùng loại máy in gì? Nếu là “bí mật nghề nghiệp” thì…
THT:
Chẳng có bí mật nghề nghiệp gì ở đây hết. Hiện tại tôi có 4 máy in loại HP 5SI
để in trang ruột. Loại máy in này là loại máy in dùng trong văn phòng khác với
loại máy in trong xưởng. Nó rất phổ thông cách đây chừng 10 năm, vận tốc 24
trang/ một phút. Có thể in duplex (hai mặt). Bây giờ nó đã lỗi thời. Kỹ thuật
đã chế các loại máy có thể in trên 100 trang /một phút. Vì lỗi thời nên nó được
bán rất rẻ. Trên trang mạng Ebay, tôi mua khoảng 100 đô la một máy, cộng thêm
cước phí chuyên chở khoảng 100 đô la nữa. Sau đó tháo ra, tha từng cơ phận
xuống dưới tầng hầm rồi lắp lại. Anh nghĩ xem, mỗi cái máy nặng hơn trăm
pounds, tức là cả 50 ki-lô, làm sao mà khiêng, trong khi tôi một thân một bóng,
chẳng có ai tiếp trợ và nhất là với cái thân hình “kinh tế mới” của tôi! Phải
dùng trí óc anh à.
Riêng
máy in màu để làm bìa, tôi đã thử rất nhiều loại máy, và tốn tiền khá nhiều cho
mực màu laser. Cuối cùng tôi chọn máy HP CP1215. Rẻ lắm. Nhưng mực bột rất mắc.
Chính vì thế, tôi mới mua những “chip” made in china, khoảng 2 đô la để dùng
lại (refill). Đúng là Cộng Sản chơi tư bản. Công ty Mỹ muốn ăn tiền ở việc bán
mực bột laser, nên làm “tiêu nhanh”, “tiêu lẹ” mực, còn Cộng Sản Tàu thì chế
loại chip mới thế vào chip cũ, ta cứ tha hồ mặc sức in!
Ngoài
máy in ra, còn những kỹ thuật khác cũng rất quan trọng không kém. Ví dụ: nhu
liệu (software) chạy máy in loại HP thì khác với máy in loại Dell. Ví dụ: vì
không dùng dây nối (wireless), đôi khi các dữ liệu (data) bị nghẽn, ngừng một
lúc rồi in lại, do đó trang in cũng bị hỏng. Nhất là tôi có sáng kiến dùng loại
giấy dán tường (wallpaper) để thế bookcloth (vải bọc dán bìa cứng) vì giấy dán
tường là loại giấy không thấm nước. Hơn nữa nó đã là một tác phẩm nghệ thuật để
ta khỏi mất công nhờ họa sĩ vẽ tranh bìa. Có điều, làm sao để in khổ lớn (khổ
tabloid, 11×17) bằng một loại máy in nhỏ hơn (khổ 8.5×11) trong khi một mặt là
keo khi chạy qua máy in rất dễ bị cuốn vào trục? Tôi đã nghĩ đến nát óc mới tìm
ra cách. Tôi cũng mua nhiều sách về bookbinding (đóng sách) để học hỏi. Nhưng
thú thật sách chỉ giúp về phương diện tiêu khiển thì giờ chứ không phải cho một
mạng lưới (network) nhiều máy in, không dây nối (wireless), phải kiểm soát chặt
chẽ dữ liệu (data) vì có khi chúng bị tắt nghẽn trên đường đến máy in đặt ở xa.
Với hệ thống 4 máy in này, tôi có thể in được chừng 50 tập (mỗi tập 200 trang)
mỗi ngày. Tuy nhiên cái quan trọng nhất là đóng, dán, cắt. Tôi phải tự làm từng
tập. Hơi keo bốc nồng nặc, thêm cái máy cắt cổ lỗ sĩ. Rồi bìa phải xếp
(folding) trước khi dán vào gáy sách. Riêng Bộ Thơ Miền Nam thì vất vả bội
phần. Anh có tin là trong những chuyến đi xa, nhà tôi làm tài xế và tôi ngồi ở
băng sau, khâu những tập dày gần cả ngàn trang không? Nhiều khi tôi ao ước được
trúng số để có tiền in bên Hồng Kông. Nhưng vì không thể đợi trúng số, nên đành
phải gắng làm. Vì nếu mình không làm thì ai làm. Nghĩ lại, tôi không hiểu tại
sao mình có thể chịu đựng được…
TDN:
Chỉ trong vòng có mấy năm mà thực hiện hai bộ Thơ và Văn hàng ngàn trang, từ
sưu tầm đến đánh máy, dò đọc chính tả, dàn trang, làm bìa, rồi in, đóng, dán,
cắt… và mang ra bưu điện! Khiếp thật!
THT:
Hai năm và tổng cộng gần 5000 trang, anh à.
TDN:
Đó là chuyện in ấn. Còn chuyện sưu tầm, tìm kiếm lại tác phẩm của những tác giả
trước 1975, và một số tác phẩm sau này của các tác giả còn ở trong nước, anh
phải làm sao?
THT:
Những tác phẩm trong tủ sách Di Sản Văn Chương Miền Nam phần lớn là chúng tôi
sưu tầm, và tác giả không còn giữ. Trước khi in, chúng tôi cố gắng liên lạc với
tác giả hoặc thân nhân tác giả. Có người đồng ý, có người không. Ví dụ chúng
tôi đã có dự án sưu tầm thơ Nguyễn Tất Nhiên sau khi hoàn tất dự án sưu tầm thơ
Vũ Hữu Định nhưng cuối cùng không thể thực hiện được, mặc dù tôi có sưu tập
thêm một số bài thơ thất lạc của ông. Cũng như muốn tái bản tập thơ Mắt cỏ của
Hoài Lữ, nhà thơ đã tử trận ở Bình Chánh vào năm 20 tuổi, nhưng niềm mong ước
cũng không thành.
Tưởng
cũng cần nói với anh là những tác phẩm in lại này chúng tôi đều không bán, in
để tặng, hoặc cố tìm cách chuyển về nước để người nhà có dịp để trên bàn thờ
trong ngày giỗ kỵ, ví dụ thi phẩm Vàng lạnh của Nguyễn Nho Sa Mạc hay tác phẩm
Tuyển truyện thời chiến của Y Uyên.
Còn
những sách sau 1975, đối với anh em trong nước, không có phương tiện, tôi in
giúp, thay mặt họ tặng thân hữu ở hải ngoại. Tính đến nay, tôi đã in 20 tác
phẩm như vậy.
Riêng
đối với Bộ Văn/Thơ Miền Nam, chúng tôi bán vì quá tốn công, tốn sức. Sách nào
cũng gần 800 trang. Tôi chỉ chú trọng vào sáng tác đăng trên các tạp chí thay
vì tác phẩm của tác giả. Tôi muốn đưa người đọc có cái nhìn thực tế hơn về vai
trò của các tạp chí văn học miền Nam trong việc bồi dựng nền văn chương thời
chiến. Tôi nghĩ vai trò của tạp chí cũng quan trọng lắm chứ.
TDN:
Như thế là anh khác với Talawas. Talawas đã đưa lên mạng khác nhiều tác phẩm
của văn chương miền Nam trước 1975, tất cả đều là sách.
THT:
Đúng thế. Anh hẳn biết, thời chúng ta, những người mang bộ đồng phục lính như
tôi, phải viết văn làm thơ trong những điều kiện khó khăn nghiệt ngã, luôn luôn
ở ngoài tiền tuyến. Khi nào được về một thị trấn quận lỵ mà nhìn cô hàng quán
là hạnh phúc rồi, huống chi là được về ngồi ở quán Kim Sơn, La Pagode của Sài
Gòn. Tiền đâu, phương tiện đâu, ai quen biết để thay mặt mình mà xuất bản sách?
Trường hợp bản thân tôi, tập truyện đầu tay “Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang” do Ý
Thức xuất bản, tôi phải lấy địa chỉ ở hậu cứ của đại đội 405 thám kích sư đoàn
22 Bộ binh!
Hơn
nữa, không phải nhìn vào số lượng tác phẩm hay bài vở đăng báo mà đánh giá. Có
tác giả chỉ xuất hiện một hay hai bài, nhưng để đời. Đó là trường hợp của Chinh
Ba với truyện ngắn “Bài thơ trên chiếc xương cụt” đã đi trên Da Màu cách đây
vài tháng. Có tác giả gởi bài thơ khóc bạn mình tử trận ở Pleime chưa kịp thấy
bài thơ đăng trên báo, thì đã theo bạn về bên kia thế giới! Đó là nhà thơ Phan
Huy Mộng với bài “Người chết ở Pleime” trên tạp chí Văn. Làm việc này chúng tôi
muốn trả lại danh dự cho họ, không thể để họ bị chìm trong quên lãng trong khi
tên họ xứng đáng được để ở ngoài bìa tạp chí!
TDN:
Anh sưu tầm và chọn lựa bài vở và tác giả theo tiêu chuẩn nào? Làm sao tìm và
tìm ở đâu?
THT:
Đây không phải là cuộc tuyển chọn theo đúng ý nghĩa của nó. Đây chỉ là sưu tập
những sáng tác có nguy cơ bị mai một trên các tạp chí văn học miền Nam, như chủ
trương của chúng tôi: phục hồi nền di sản văn chương miền Nam. Còn việc tuyển
chọn, thì ít ra, các sáng tác trên cũng hơn một lần được sàng lọc từ những ban
tuyển đọc, hay các vị chủ bút đầy kinh nghiệm. Chúng tôi chỉ đọc lại thêm một
lần nữa.
Còn
câu hỏi làm sao mà tìm được? Xin thưa trước khi thực hiện dự án, tôi gửi điện
thư đến nhiều bạn hữu, nhờ họ giúp đóng góp tài liệu, và nếu có thể cho chúng
tôi biết những tác giả xứng đáng. Một “bồ” thư viện sống là nhà thơ Thành Tôn.
Anh đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc đề nghị, giới thiệu, và đóng góp bài
vở. Ít khi thấy một người lại có một tầm hiểu biết về văn học miền Nam như thế.
Ngoài ra còn có một vài bạn ở trong nước nữa. Họ giới thiệu giùm chúng tôi qua
những tạp chí mà họ lưu giữ. Hoặc đề nghị những tên tuổi mà họ đã mang dấu ấn
trong tâm trí để chúng tôi sưu tầm. Cuối cùng là nguồn thư viện.
Hễ
rảnh là tôi lái xe đến thư viện. Mưa, nắng tuyết giá gì cũng đi. Thư viện đây
là thư viện đại học Cornell ở vùng thượng tiểu bang NewYork (Upper New York)
cách chỗ tôi ở khoảng 5 giờ lái xe. Thư viện có hai tòa nhà riêng biệt lưu trữ
sách báo Á Châu nói chung và Việt Nam nói riêng. Đó là thư viện Krock, nằm phía
sau thư viện chánh Olin, giờ mở cửa tùy theo chu kỳ học của sinh viên. Gần đến
kỳ thi giữa khóa hay thi cuối khóa, thư viện mở cửa 24/24. Trong số sách báo
miền Nam được lưu trữ ở đây, tạp chí Bách Khoa là đủ bộ nhất. Còn đa số các tạp
chí, báo hằng ngày thì được lưu trữ ở thư viện Annex, tọa lạc ngoài vòng đai
của trường. Giờ mở cửa từ 9AM – 4PM. Ở thư viện này, không thể vào trong để lục
sách, khác với thư viện Krock, có thể tự do vào.
Vào
đây mới hiểu thế nào là sự trân quí của dân tộc bản xứ đối với văn hóa nhân
loại. Không thể tưởng tượng nổi ở đây lại lưu trữ những nội san, giai phẩm như
Trưng Vương, Gia Long, Chu văn An, Quốc Gia Nghĩa Tử. Ngay cả tờ truyền đơn
chiêu hồi dạo nào, vẫn được lưu trữ! Thật không thể tưởng tượng được, phải
không anh. Cám ơn đất nước này, vì ít ra, nó giữ giùm văn học miền Nam mình sau
đại nạn 30-4-1975. Cũng cần nói thêm, thư viện không chỉ lưu trữ sách báo miền
Nam, mà của cả miền Bắc trước 1975 nữa. Sách vở nằm bên nhau, tác giả nằm bên
nhau, không phân biệt, kỳ thị.
Ngoài
Cornell ra, tôi còn tìm đến đại học Yale ở tiểu bang Connecticut cách nhà
khoảng ba tiếng lái xe. Ở đây dù không dồi dào như Cornell nhưng Bách Khoa,
Văn, Vấn Đề, Văn Học, Trình Bày, Tiểu thuyết thứ Tư xem như đầy đủ. Khác
Cornell, muốn vào thư viện phải đóng tiền (26 đô la/tháng). Thư viện là một
ngôi lầu rất cao. Có lần tôi đang ở tầng cao nhất thì chuông cứu hỏa báo động.
Thang máy ngừng chạy. Chỉ một mình tôi chạy bộ xuống lầu. Và khi xuất hiện, bà
xã tôi đứng đợi ở đó, khóc vì quá mừng!
Thường
tôi rời nhà đi Cornell vào lúc 4 giờ sáng. Vì đường phần lớn là đường núi, mùa
tuyết có khi cách một, hai feet cũng không thấy mặt nhau, lại thêm sương mù dày
đặc nữa. Đèn pha thì bất lực. Đã thế lại thêm chứng buồn ngủ khi lái xe. Tuy
nhiên, (cười), mình nguyên là lính thám kích mà. Đêm còn lội nước lụt cả mấy
cây số để xâm nhập mật khu, và quà chiến thắng là nồi cơm nấu lở dở của lính
Bắc: Cơm nóng thầy trò ăn đỡ đói/ Ha hả cười cơm của nhân dân…thì cái chuyện
này chỉ là chuyện lẻ tẻ (cười). Khi buồn ngủ quá, ghé quán bên đường, nhìn cô
bán hàng Mỹ mặc áo hở ngực mà “mần” thơ: (rung đùi đọc)
Tôi mang châu thổ về gieo giống
Trồng lấy trường sơn ở khắp nhà
Lập chiếc am thờ nơi đất mới
Cho những người đã chết hôm qua
Cô hàng đừng cúi. Tôi đâm dục
Nơi này ta phải biết phòng thân
How much, nhìn lên phần vú ngực
Cà phê này tính cả tà dâm…
Còn
nữa, như khi trở lại nhà, bên mình là hành trang gồm những bài văn, bài thơ của
bạn bè mà mình tìm lại thì lòng vui lắm. Anh hãy tưởng tượng, trở về trong đêm,
qua những thị trấn vào mùa Lễ, đèn đuốc được trang hoàng, có lẽ bếp sưởi đang
cháy đỏ, tôi không hiểu trong nhà, và ngoài xe, ai ấm cúng hơn ai?
TDN:
Nghe anh nói khiến tôi đâm ra thèm làm Thư Quán Bản Thảo và Thư Ấn Quán với
anh. Nhất là cái phần How much, nhìn lên phần vú ngực của anh.
THT:
À, anh có hỏi tôi về cách sưu tầm. Tôi dùng scanner và laptop. Scanner tuy chậm
nhưng đỡ tốn tiền copy. Đọc. Scan. Rồi đọc. Rồi scan…. Còn cái màn tìm người
xứng đáng để bỏ vào sách thì cũng mất rất nhiều thời giờ. Ví dụ, khi nghe một
người nữ độc giả bảo ngày xưa chị có đọc một bài rất hay, đến nỗi bây giờ chị
vẫn còn nhớ, là tôi ghi nhận, cố tìm mọi cách sưu tầm cho bằng được. Đó là nhà
văn Đào Trường Phúc với bài Tạ từ trên Bách Khoa! Và khi tìm được tôi mới hiểu
tác giả sáng tác bài văn tuyệt vời này khi ông mới 19 tuổi! Một trường hợp khác
là nhà thơ Hoài Lữ với tác phẩm Mắc cỡ. Ông tử trận vào năm 20 tuổi tại Bình
Chánh, Gia Định. Nhà phê bình Đặng Tiến đã nhắc giùm và tôi đã tốn biết bao thì
giờ để tìm tòi cho bằng được.
Sau
đó, đến màn đánh máy thì còn gay go gấp bội. May mà có các bạn bè độc giả của
Thư Quán Bản Thảo. Họ giúp đỡ chúng tôi tối đa. Anh thử tưởng tượng, với bộ Văn
Miền Nam bốn tập trên 2200 trang, nếu một mình tôi mà đánh máy chắc sẽ còn
khuya mới xong, vậy mà rốt cuộc, chỉ bốn tháng là hoàn tất nhờ bạn đọc nghe lời
kêu gọi của tôi mà tiếp sức. Có sáu người đánh máy, bốn người ở hải ngoại, hai
người trong nước!
Riêng
về thơ, tôi và anh Phạm văn Nhàn chia nhau đánh máy. Tưởng tượng hai ông lão
đều sinh năm 1942, phải ngồi lọc cọc gõ trên 2000 trang cũng phải khủng khiếp
lắm chứ !!!
TDN:
Đúng là khủng khiếp! Tôi thì lâu lâu mới tự đánh bài viết của mình, mà cũng
muốn khùng luôn, huống chi anh. Nếu không có một tấm lòng đối với văn chương,
với bạn bè thì quả không làm nổi.
Bây
giờ, ta thử quay sang một đề tài khác. Anh vốn là một người lính, đa phần sáng
tác của anh đều dính dáng đến đời lính và người lính. Mặt khác, anh cũng giành
cho những đồng đội cũ rất nhiều ưu ái. Phải chăng, với anh, chỉ có người lính
và đời lính mới đáng cho anh quan tâm trong sinh hoạt văn chương?
THT:
Tôi viết về lính, thứ nhất, vì thời chúng tôi – thế hệ chiến tranh- lính là
nhân vật chính. Thứ hai, người lính miền Nam bị guồng máy của chế độ Cộng Sản
bắt bớ, giam cầm, cho đến đám nhà văn tự hào là ngòi viết trung thực cũng tìm
cách bôi nhọ đến độ ghê tởm. Thứ ba, tôi là người lính đánh giặc thật sự, nên
cố gắng phơi bày những kinh nghiệm có thật để những người không có dịp tiếp cận
chiến trường,thật sự biết thế nào là nỗi lòng của người lính. Sự thật dù là sự
thật, nhưng nếu không có ai nói lên sự thật ấy, thì sự thật cũng khó thành sự
thật. Trong thời chiến tranh, tiếng nói của người lính chúng tôi đã bị át bởi
kỷ luật, lệnh lạc, bởi tiếng nổ, lửa khói, còn trong thời hòa bình, thì bị dập
tắt, nếu không nói là bị đè ra, khóa miệng bởi sự trả thù, bôi nhọ một cách hèn
hạ. Tôi là nhà văn ở trong cuộc được may mắn, nên dù muốn dù không, phải dùng
ngòi bút mình để viết lên tiếng nói ấy.
TDN:
Có nghĩa là, đối với anh, chỉ có văn chương trước 1975 của miền Nam Việt Nam,
đặc biệt là văn chương về chiến tranh và đời lính, mới đáng được nghiên cứu?
Anh đã từng phát biểu ở trang mạng Talawas rằng “Thảm kịch về chiến tranh ở
trên quả đất này chỉ bằng một góc của thảm kịch Việt Nam.”
THT:
Thưa anh, đáng nghiên cứu lắm chứ. Bởi vì sau 1975, văn chương về người lính
miền Nam đã bị tận diệt. Sách vở tạp chí bị đốt hủy thì lấy chứng cớ đâu để nói
lên tính cách nhân bản của nền văn học thời chiến. Đáng nghiên cứu, vì bộ máy
nhà nước cũng như mấy ông nhà văn nhà thơ trong hàng ngũ thắng trận luôn luôn
trắng trợn vu cáo văn chương chúng tôi là văn chương thực dân kiểu mới, là văn
chương đồi trụy, nọc độc văn hóa, vân vân để những khối óc ngây thơ luôn luôn
bị tiêm nhiễm. Tôi biết có người sẽ bảo chuyện cũ mấy mươi năm rồi vẫn còn nhắc
lại, mất thì giờ. Nhưng sự thật ai trả lại cho chúng tôi đây, hở? Ai biện hộ
giùm cho những lời vu cáo người lính thám báo được viết trong Nỗi buồn chiến
tranh của Bảo Ninh hay trong Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái? Ai?
Chẳng
hạn đoạn sau đây của Hồ Anh Thái trong truyện ngắn vừa nói:
“Cuối
cùng, điều Hoa không ngờ đã tới. Cô chỉ nghĩ rằng bọn thám báo sẽ lôi Hùng đi
làm tù binh để tiếp tục lấy khẩu cung. Nhưng thằng cầm con dao găm của anh đã
cúi xuống rạch một đường thành thạo trên bụng Hùng. Anh quằn quại hét lên một
tiếng rùng rợn. Ở trên cao, Hoa nghiến chặt răng gần như ngất đi. Hai thằng kia
đè chặt chân tay Hùng cho thằng mổ bụng moi tim gan ra. Chúng nổi lửa nướng tim
gan ăn ngay tại chỗ. Hai hột tinh hoàn thì được phân chia cho hai thằng chắc là
cấp cao hơn.”
Vai
trò thám báo là tuyệt đối giữ bí mật để làm nhiệm vụ săn tin hay chỉ điểm máy
bay oanh tạc đơn vị địch. Họ bị đẩy vào những chỗ mà có lẽ mỗi lần ra đi là ít
khi có ngày về. Bởi không ai có thể bảo vệ họ được trừ họ. Vậy mà ở đây, cảnh
năm tên thám báo bắt một tù binh loại chính qui, nhởn nhơ với một bữa yến tiệc
ăn tim gan và tinh hoàn người, giữa thanh thiên bạch nhật, đầy ổ kiến lửa
(chúng tôi hay dùng cụm từ này để chỉ một mục tiêu khó nuốt, thường ám chỉ nơi
có sự xuất hiện đơn vị chính qui Bắc Việt). Lại tỉnh bơ nổi lửa đốt cho khói
bốc lên để “lạy ông tôi ở bụi này”! Biết viết văn là bịa, nhưng bịa vừa vừa
thôi chứ, ông Hồ Anh Thái ơi. Và thiên chức nhà văn ở đâu? Bịa trắng trợn như
thế ai mà tin được!
Tôi
bỗng liên tưởng đến những giọt nước mắt chảy trên má của người tù binh nào đó
của chiến trường Bình Định vào những năm cuối của thập niên 60, như qua bài thơ
của Trang Châu sau đây:
Nước mắt kẻ thù
nó bị thương
bị bắt sống
mọi người đòi giết nó:
nó núp trong hầm
với một khẩu tiểu liên
cầm chân cả trung đội:
nó bắn ngã chúng tôi một người
bắn bị thương hai người khác
tôi đọc nét căm hờn
trên những khuôn mặt đồng đội
mọi người đòi giết nó
tên du kích vùng khốn nạn
gài lụu đạn lùm cây bờ ruộng
giết những người bắt cá mò tôm
nó nằm đó
mình bết bùn
máu cánh tay nhầy nhụa
tránh những tia nhìn nổ lửa
những báng súng gờm gờm
nó nằm chờ
một phát súng vào đầu
một lưỡi dao rạch bụng
một cái đạp xuống hố sâu
nó nằm chờ nằm chờ
tử thần
nhưng
chỉ có bàn tay vuốt dịu căm hờn
bàn tay băng bó vết thương
bàn tay vỗ về an ủi
nó nằm chờ tử thần
sững sờ bắt gặp tình thương
đồng loại
đôi mắt sát nhân vụt bỗng hiền từ
nhen hai dòng lệ nhỏ
trong cuộc chiến hôm nay
cho tôi xin chiến đấu không hận thù
xin những vết thương bình đẳng
cho tôi đổi một trăm chiến thắng
lấy một giọt nước mắt kẻ thù
Trang Châu (Bên bờ Kinh Sáng 17-2-67)
(trong Dấu vết chiến tranh)
Ôi
cho tôi đổi một trăm chiến thắng lấy một giọt nước mắt kẻ thù! Còn gì là nhân
bản hơn, còn gì tình người hơn. Không phải lời ước ao trên phát xuất từ một y
sĩ tiền tuyến là Trang Châu, nhưng nó phát xuất trái tim của miền Nam. Đó là
bản chất của con người. Đó là cõi lòng thấm đầy Chúa và Phật. Không phải như từ
trái tim đen từ những kẻ sống chỉ biết căm thù! Và căm thù mãi mãi!
TDN:
Đọc một số bài viết ngắn của anh (trên Talawas), tôi có cảm tưởng là anh không
có mấy thiện cảm đối với việc phê bình. Lý do chính, theo anh, là người phê
bình có khi không hề biết đến hiện thực mà tác giả mô tả. Anh viết: “Phê bình,
trước hết anh phải đặt mình vào không gian và thời gian của tác phẩm. Và thứ
hai anh phải có ít nhiều kinh nghiệm.” Ở một bài khác, anh viết: “Như vậy, kinh
nghiệm là một yếu tố rất cần trong việc phê bình, hay đánh giá một tác phẩm. Có
lẽ, nếu nhà phê bình đã từng lội qua những con suối đen và lạnh buốt của Trường
Sơn, đã nếm vi trùng sốt rét, buổi xế trưa…”.
Rất
dễ dàng đồng ý với nhận xét đó của anh. Tuy nhiên, nếu vậy, liệu ta có thể phê
bình một tác phẩm ra đời rất lâu trong quá khứ? Liệu có thể phê bình một tác
phẩm mà tác giả ở một xứ khác, một thời điểm khác? Và liệu một người trẻ lớn
lên sau chiến tranh có thể viết phê bình về các tác phẩm của chính Trần Hoài
Thư? Vì làm gì họ có kinh nghiệm về những gì anh đã kinh qua.
THT:
Khi tôi nêu ý kiến này là tôi chỉ đề cập đến các tác phẩm viết về chiến tranh
VN. Có một vị phê bình, cho Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là tác phẩm hay
nhất viết về chiến tranh Việt Nam. Tôi nghĩ nếu vị ấy biết rõ về vai trò thám
báo của quân đội VNCH, chắc sẽ không bao giờ cho vào danh sách “hay nhất” ấy.
Vì
không có kinh nghiệm, mới cho là hay nhất, mới dịch ra tiếng Tây, tiếng Mỹ, mới
được dựng thành phim, mới là sách gối đầu giường cho những nhà biên khảo. Tôi
nhớ đến một lần, tôi bị một thanh niên Mỹ trẻ cùng làm việc chung, hỏi rất ngây
thơ: “Tại sao lính miền Nam lại tàn bạo như vậy?”. Tôi hỏi: “Tại sao mày biết?”
“Tôi đọc trong Nỗi buồn chiến tranh (Sorrow of war),” anh ta trả lời.
Với
anh ta, tôi còn giải thích vai trò thám báo để anh ta hiểu. Còn biết bao nhiêu
người khác cũng mang câu hỏi như anh ta sau khi đọc Sorrow of war? Còn con cháu
tôi? Liệu chúng có cúi đầu mặc cảm là con cháu của những kẻ sát nhân táng tận
lương tâm như đã mô tả trong tác phẩm của Bảo Ninh hay Hồ Anh Thái?
Ông
bà chúng ta có câu, nghĩ rất có lý: Không biết thì dựa cột mà nghe. Phải không,
thưa anh.
TDN:
Tôi đồng ý với nhận xét đó, nhưng dù sao, cũng cần có những nhà phê bình chuyên
nghiệp, những người không biết gì ngoài sách vở và chữ nghĩa chứ!
THT:
Theo tôi, người phê bình là nhịp cầu mang độc giả đến tác phẩm, hơn nữa là
người thay mặt độc giả. Người phê bình là cần thiết, như anh thấy rồi. Chính vì
cái lỗ hổng to lớn về tác phẩm nhận định phê bình, mà sau chiến tranh, người
đọc cũng như người tha thiết muốn tìm hiểu về nền văn học thời chiến trước 1975
rất khó khăn trong việc tham khảo, để cho những Lữ Phương, Thạch Phương, Vũ
Hạnh, Trần Trọng Đăng Đàn hay những bài viết về nhận định, phê bình trên Văn
Học Hà Nội làm mưa làm gió… Hễ mở sách ra là “giòng văn học yêu nước cách
mạng”, là “nọc độc văn hóa”, “văn chương thực dân kiểu mới”… Đìều này không
phải là không có lý vì sách báo tạp chí miền Nam trở thành tro bụi thì lấy gì
mà tham khảo! Bởi vậy, khi tìm được bài điểm sách của Trần Hữu Thục viết về tập
truyện của Văn Lệ Thiên (Lê văn Thiện) trên tạp chí Tân Văn trước 1975, tôi
mừng lắm anh ơi. Mừng là ít ra cũng có một người còn viết về một tác giả trẻ
ngoài vòng đai, nhưng buồn là nó rơi vào trong cõi mênh mông quên lãng. Anh
biết không, Lê văn Thiện bây giờ là nông dân 100% ở Việt Nam, và anh ấy vẫn còn
viết. Mặc dù sau này, ở hải ngoại, có những người cố gắng tìm đến nền văn học
thời chiến như Đặng Tiến với những bài nhận định về Nguyễn Bắc Sơn, Vũ Hữu
Định, Nguyễn Xuân Thiệp, Từ Thế Mộng, Thơ Miền Nam trong thời chiến v.v.. hay
Trần văn Nam, Nguyễn Vy Khanh với những nhận định về nền văn học chiến tranh …
và ở trong nuớc có Nguyễn Lệ Uyên với những bài viết về Linh Phương, Phạm Ngọc
Lư, Y Uyên, Vũ Hữu Định v.v… Tuy nhiên, họ phải viết trong nỗi khó khăn vì tài
liệu, bài vở, báo chí để tham khảo rất hạn chế. Có điều, qua các bài, hay tác
phẩm nhận định ấy, nếu người đọc muốn biết về văn chương và tác giả trước 1975,
thì sách báo đâu mà đọc? Lấy gì để chứng minh trong khi sách báo bị tận diệt?
Đó
cũng là lý do chúng tôi cố gắng sưu tập những bộ Văn và Thơ Miền Nam. Dù muộn
nhưng mà có còn hơn không.
TDN:
Trng một bài viết trên Talawas, anh cho rằng “Sự thành công của tác phẩm không
phải chỉ tùy thuộc vào năng khiếu ngôn ngữ. Còn có những yếu tố khác tạo thành.
(…) trong đống chất liệu bề bộn, người viết văn phải biết cách tuyển lựa những
chất liệu thích hợp nhất, giá trị nhất, và phổ quát nhất (…). Sau đó mới nghĩ
đến chuyện sử dụng bút pháp.” Tôi hoàn toàn đồng ý với anh. Tuy nhiên, anh lại
nói thêm : “Như vậy, chữ nghĩa chỉ là phụ. Cái chánh là viết thật, viết đúng,
viết bằng hơi thở của mình.” Làm sao ta có thể viết đúng, viết thật khi mà ta
không biết cách viết? Nghĩa là câu kéo lủng củng, chữ dùng không chính xác,
viết sai chính tả… hay không biết cách diễn đạt.
THT
: Như vậy anh “chê” các ông Lê Ngộ Châu (Bách Khoa), Trẩn Phong Giao (Văn) chọn
bài à?
Đây
là ví dụ cho “bút-pháp-hơi-thở” chẳng văn phạm gì ráo của tôi viết khi đang
hành quân:
Xin
tha lỗi cho tôi, các bạn. Tôi không còn đủ sáng suốt để sáng tạo câu văn ý lạ.
Tôi đang nằm trong quân y viện đây. Đêm buồn lắm. Đêm buồn lắm. Lính của tôi
nằm nhiều trong đó. Hai thằng nằm tại nhà vĩnh biệt. Hai thằng mất tích. Và
những thằng bị thương đang nằm ở đây. Đêm buồn lắm. Đêm buồn lắm. Ngày hôm đó,
ngày 9 tháng 5 thì phải. Mặt trời thì hừng hực lửa. Chỉ có mặt trời mới thấy
bọn tôi. Tôi nằm trong bụi, mặt dầm dề máu và đùi găm đầy miểng lựu đạn, cả
mông tôi cũng vậy. Tôi nhìn lên cao cầu khẩn Tổ Tiên Ông Bà, Nam Mô Quan Thế Âm
Lạy Trời Lạy Chúa. Nhìn mặt trời, cho con sống. Sống. Tôi vùng dậy chạy. Đạn
rít dưới chân. Đạn xẹt trên đầu. Tôi lộn nhào. Lê lết. Bò trườn. Tôi nhào xuống
bờ suối. Đạn đuổi theo. Nó canh kỹ. Ló đầu ra. Tắc bùm. Thụt đầu vào. Chạy.
Lăn.Tội nghiệp thân thể mày chưa, Thư. Gầy ốm thế kia. Cha mẹ nưng niu bồng ẵm
nuôi con bây giờ ầm ầm, tạch đùng, bập bập bập, bò, hai cùi tay vấy máu, bò
ngửa, bò sấp, bò hai chân, bò hai tay. Bụi gai vừa xê dịch. Tắc bùm. Đ.M, quân
chó đẻ. Mày giết tao mày hả dạ lắm sao. Tao để dành viên đạn cuối cùng. Tự sát.
(Trích
Nhật Ký Hành Quân, Trần Hoài Thư, Văn số 114, tháng 9 năm 1968)
TDN:
Một đoạn văn như thế không thể bảo chữ nghĩa là phụ được. Nếu chỉ có kinh
nghiệm sống không thôi mà không có kinh nghiệm đầy mình về chữ nghĩa, không thể
diễn tả chiến trường một cách sống động như vậy. Tôi đã đọc bài viết này của
anh hồi đó, trên Văn. Đối với một người được may mắn ở thành phố như tôi, những
trang văn nóng hổi như thế của anh, hay của Y Uyên, Phan Nhật Nam, Lê Bá Lăng…
viết từ chiến trường quả là một món ăn tinh thần quý giá. Chúng giúp bọn sinh
viên chúng tôi biết thế nào là chiến tranh thật sự, là sự gian khổ thật sự của
những người chiến đấu, nhờ đó, mà chúng tôi có thể học hành và …đấu láo chuyện
trên trời dưới đất.
THT:
Cám ơn anh.
TDN:
Chiến tranh Việt Nam chấm dứt đã 35 năm. Tất cả đều thay đổi: đất nước, con
người, hoàn cảnh. Thế hệ của chúng ta già đi và một thế hệ trẻ, mới toanh lớn
lên. Bao nhiêu nước chảy qua cầu. Có những người vẫn viết, vẫn suy nghĩ như cũ.
Có những người thay đổi cách viết theo thời gian, theo sự vật và sự việc. Anh
suy nghĩ gì về sự đổi mới trong văn chương: cách viết, cách tiếp nhận, cách suy
nghĩ…?
THT:
Sáng tạo là một việc làm rất cần thiết cho nhà văn/thơ của mọi thời. Dù là ý
tưởng hay dù là hình thức. Những bài thơ của Thành Tôn, Cung Trầm Tưởng, Du Tử
Lê, Tô Thùy Yên, Viên Linh cách đây 40, 50 năm đã nói lên sự không ngừng làm
mới thể thơ lục bát. Và bây giờ, nhờ vào word, unicode, hay photoshop, hình
thức cũng uyển chuyển và linh động bội phần. Tuy nhiên, nếu nói rằng cái chủ
đích của tác phẩm là truyền đạt ý nghĩ, tư tưởng mà tác giả cố gắng gởi gắm đến
với người đọc, thì theo tôi, trước hết, đừng nên buộc người đọc phải lao tâm
khổ trí mà tìm hiểu. Tôi lấy ví dụ qua một bài tản mạn của tác giả Nguyễn Anh
Khiêm về những từ tân… văn hóa:
Sao
người ta say mê từ “là” quá trớn trong khi từ này cấm kỵ trong tiếng Việt ngày
trước, nhất là không được đặt trước tính từ làm vị ngữ, bổ ngữ vì nó thừa thãi,
dở tệ. Cũng không thiếu hài hước khi nghe các từ ngữ phát sinh theo nhu cầu bẻ
quẹo tin tức như “nới rộng biên độ giá xăng” tức “xăng tăng giá”, “điều chỉnh
chỉ số giá tiêu dùng” tức “tăng vật giá, “khiếu kiện đông người” là “biểu
tình”, “ngưng việc tập thể” là “đình công”, “nông dân có khó khăn” là “nông dân
điêu đứng”, “chi tiền chưa đúng đối tượng” là “ăn chặn tiền tết của người
nghèo…”
Tôi
không hiểu những từ này thuộc loại tân từ hay tân hình thức không, sao mà tôi
thỉnh thoảng lại gặp trong những bài thơ mới bây giờ. Cố hiểu nhưng thật khó
làm sao !!!
TDN:
Thế hệ mới lớn hoàn toàn khác chúng ta trong suy nghĩ, trong đời sống lẫn trong
cách viết. Chúng ta có nên để lại cho lớp trẻ gánh nặng quá khứ hay để cho họ
sống và viết với hoàn cảnh và thời đại và tâm tình của họ hiện nay y như chúng
ta đã từng sống và viết với thời đại và tâm tình của chúng ta trước đây?
THT:
Đối với những người viết trẻ, đặc biệt những người viết ở hải ngoại, tôi rất
ngưỡng phục. Không ngưỡng phục sao được, khi mỗi ngày 8 tiếng đồng hồ môi miệng
họ phải dành cho tiếng Anh, tiếng Mỹ. Họ là những người mang sức sống cho chữ
nghĩa, qua kiến thức mà họ du nhập, và qua tấm lòng thiết tha với tiếng mẹ mà
họ có lẽ rất khó khăn để gìn giữ. Thơ văn của họ bấy giờ là sự chia xẻ kiến
thức, và niềm vui, lẫn học hỏi như môi trường mà họ có mặt, không tháp ngà,
không chiếu trên, chiếu dưới… Với lớp già như tôi có vẻ chịu thua, lép vế trước
sự không ngừng sáng tạo, đổi mới trên hành trình văn chương chữ nghĩa của họ.
Có
điều, đôi khi kinh nghiệm cũng cần thiết lắm chứ. Nếu không cần thiết thì tại
sao các công ty kiếm người cần tìm những nguời có kinh nghiệm hay trong các
resume, kinh nghiệm được tô vẽ hàng đầu!
Tâm
sự quá nhiều. Anh đã đặt cho tôi những câu khỏi quá gai góc, mà trả lời có khi
bị hiểu lầm. Nhưng mà tôi chỉ biết bấy nhiêu, trả lời trong tầm hiểu biết giới
hạn của mình. Xin anh và bạn đọc có gì đừng chấp trách là tôi dạy khôn. Xin
thành thật cám ơn trước.
TDN:
Chưa xong đâu, anh Thư. Tôi còn một câu hỏi cuối cùng: dự tính của anh trong
những tháng ngày sắp tới?
THT:
Sẽ cố tiếp tục sưu tầm và xuất bản các tác phẩm và tác giả sống và viết ngoài
vòng đai. Và dĩ nhiên, vẫn viết văn, làm thơ, vẫn in sách của bằng hữu, và của
mình, vẫn xúc tiến tạp chí Thư Quán Bản Thảo mặc dù không còn thường xuyên như
trước. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe nữa. Mấy tháng nay tôi
bị “gout”, khi bớt, khi phát làm ngăn trở không ít những điều mình mong ước.…
TRẦN DOÃN NHO
(Thực hiện tháng 3/2010)