Nhà văn tên thật Trần Quí Sách,
sinh ngày 16 tháng 12 năm 1942 tại Đà Lạt. Năm 1966,
nhập ngũ khóa 24 SQTB Thủ Đức. 1979, vượt biển, định cư tại Hoa Kỳ. Tại
hải ngoại có bài trên nhiều tạp chí văn học nghệ thuật và chủ trương tập san Thư Quán Bản Thảo và cơ sở Thư Ấn Quán xuất và tái bản
cùng giới thiệu tác phẩm của mình và của nhiều văn hữu, kể cả những người sống
trong nước.
Văn học Việt Nam từ nửa thế kỷ nay có
thể nói là một văn học chủ yếu chiến
tranh: chiến tranh chống thực dân 1945-54, chống cộng trong Nam và chống
"Mỹ ngụy" ngoài Bắc 1954-1975, chống chủ nghĩa ngoại nhập, chống độc
tài tranh đấu cho dân chủ, tự do từ ngày 30-4-1975, ở trong cũng như ngoài
nước.
Ở hải ngoại,
một nền văn học lưu vong được hình
thành. Đây sẽ là một văn học Miền Nam nối dài về nhân sự và ý-hướng, với những
đặc điểm của hoàn cảnh mới của dân tộc. Chiến tranh 1954-75 tàn cuộc vì cờ gian
bạc lận. Miền Nam bị các thế lực ngoại bang cấu kết bức tử, bị lương tâm nhân
loại mù quáng vì tuyên truyền, bỏ rơi. Người lính Cộng hòa bị bức tử nhưng chưa
chết, được người bỏ xứ phục hồi dưới nhiều hình thức. Một dòng văn chương hoài
niệm được bắt đầu và kéo dài tới cả hôm nay, dài về thời gian hơn cả những hoài
niệm của cuộc di cư 1954. Các truyện thơ về người lính, của người lính, lần
lượt xuất hiện ngay từ những năm đầu lưu vong và đều đặn hơn từ những đợt vượt
biển, đoàn tụ gia đình (ODP) và gần nhất là H.O. cựu tù cải tạo. Nhưng phải đợi
đến đầu thập niên 1980, các nhà văn thơ từng khoác quân phục Cộng hòa góp mặt
càng đông đảo và đáng kể. Hình thức thứ hai là các hồi ký lao tù từ những năm đầu thập niên
1980. Người lính thua trận bị thù hằn trả đũa. Những đấu trí vô vọng, những đầu
óc một chiều ngoan cố dù đã thắng trận cờ. Những cảnh đời khốn cùng, những con
người hèn hạ!
Đọc tiếp...
Hình ảnh người lính đã theo chừng ấy giai đoạn
trôi nổi với cuộc chiến, lúc nào cũng hào hùng, vĩ đại, nhưng cũng có những người
lính rất tầm thường, đáng thương vì là nạn nhân của những thư hùng bạo lực, của
những mưu đồ tranh chấp. Những người lính tầm thường hơn nhưng tâm tư phức tạp:
có người vì lý tưởng, nhưng một cách thực tế họ đã chiến đấu vì tình đồng đội,
vì nghĩa "thầy trò", vì màu cờ sắc áo của binh chủng.
Những người lính của Trần Hoài Thư đặc biệt có tất
cả các đặc tính vừa kể. Anh đã viết về những người lính có thật, những cái sống thực thường nhật, những cái anh
đã sống; đã lăn lộn với bom đạn; anh đã sống cái tang thương của bom đạn, và
anh đã đưa kinh nghiệm đó vào văn chương. Trong bài này chúng tôi giới hạn ở
các truyện ngắn (anh còn là một nhà thơ) anh đã viết ở hải ngoại từ 1980 tức từ
khi anh vượt biển đến Hoa-Kỳ, đã được xuất bản trong tập Ra Biển Gọi Thầm (1) hoặc đã xuất hiện trên các tạp chí
văn học và cộng đồng ở Bắc Mỹ. Tác phẩm của anh xuất hiện đều đặn trên nhiều
báo chí ở khắp Bắc Mỹ kể cả mạng lưới thông tin internet.
Ra Biển Gọi Thầm gồm 20 truyện ngắn, ngoại trừ bốn truyện đã đăng báo
trước 1975 và được viết lại, phần lớn được viết vào những năm gần đây, có bốn
truyện duy nhất có ghi chú ngày viết thì đều là 1995. Các tác phẩm Trần Hoài
Thư viết về người lính nhìn chung, như một tiếng nói của lương tâm, một nhức nhối
của tiềm thức, một hoài niệm về một quá khứ gần đó mà đã xa, về chính tuổi trẻ
bị đánh mất, về những bạn bè, những mối tình đổ vỡ, đau khổ và những cảnh đời
trái ngang.
Điểm trội bật trong các truyện là cái nhìn của
anh như một người lính về cuộc chiến, một cái nhìn không lạc quan về một chiến
trường bi thảm, ngoài lề tiếng nói của chính quyền, ... Trước 1975, anh đã
nghĩ:
"Tôi đang viết về một thảm kịch, cho con
cháu chúng ta trong tương lai, để sau này khi lớn lên chúng sẽ hiểu về cuộc chiến
này. Đêm qua, cả làng bên sông, nơi mà bọn tôi đã đến và gìn giữ, sau đó bàn
giao lại cho nghĩa quân và xây dựng nông thôn, đã bị pháo dập. Địch kéo về cả đại
đội chọc thẳng vào làng. Từ lâu những người bên kia đã coi cái làng như một cái
gai cần phải nhổ bằng bất cứ giá nào. Những người ngồi ở Sài-Gòn hay Hoa Thịnh
Đốn thì muốn coi ngôi làng như một thành công trong chính sách bình định phát
triển. Nhưng đó chỉ là lý thuyết. Họ đã ngu xuẩn để hiểu về kế hoạch bảo vệ dân
làng về lâu về dài. Một trung đội nghĩa quân làm sao đủ sức che chở cả ngôi
làng. (...) Tôi đã đến cùng với bãi hoang tàn để hiểu rõ hơn về sự thật của cuộc
chiến. Cuối cùng cũng vẫn là dân vô tội. Rõ ràng chúng ta đã bị thua. Chúng ta
đã đến với họ, mang lại niềm tin cho họ, nhưng chúng ta không thể bảo vệ họ...
" (Nhật Ký Hành Quân, RBGT, tr.
129).
Cuộc chiến đã khiến con người đánh mất phẩm giá,
trở thành biện minh dễ dãi cho mọi hành động: "Chiến tranh, tôi phải cảm
ơn nó, để tôi có thể dẹp bỏ hết những sự ghê tởm, khinh bỉ cái quá khứ rục mửa
của tôi. Chiến tranh đã giúp cho tôi thấy rõ rằng mọi sự là vô nghĩa, là hư vô.
Đừng bận tâm và thắc mắc. Đừng tự ái và ghê tởm. (...) Xã hội này thối nát này
phải cảm ơn chiến tranh..." (Cuộc Sống Tôi, Những Vì Sao Vĩnh Biệt, tr. 105).
20 năm sau, trong Thư Về Người Đồng Đội Cũ Sau 25
Năm Thất Lạc, Trần Hoài Thư có dịp nhìn lại cuộc chiến:
"Tôi viết đến đây, bằng tất cả sự bình an
của chính mình, sau hơn hai mươi năm, về một cuộc chiến kỳ lạ, vô ích, phi
nghĩa phi nhân. Lúc này, chúng ta có quyền thẩm định về giá trị của chiến tranh
và lịch sử. Nhưng tôi không thể bình an khi cái cuồng điên kia đã trở thành thú
tính. Họ rõ ràng hơn chúng ta. Bởi vì họ có cả một khối thép thành trì bên
ngoài và khối thép căm thù bên trong đầu óc, và con tim họ. Còn chúng ta thì cô
đơn. (...) Chúng ta đã chiến đấu trong nỗi cô đơn và quả cảm. Và chết cũng quả
cảm và cô đơn. Như bao nhiêu đứa con của một đại đội bộ binh. Như bao nhiêu người
trẻ tuổi không may sinh vào một nơi đầy bao nhiêu tai ương lớn lao nhất của quả
địa cầu." (Ra Biển Gọi Thầm, tr. 74).
Người lính Trần Hoài Thư đáng tội, chỉ vì anh có
suy nghĩ, biết nhìn thấy những bất nhân và bất công, những tâm địa và tư cách của
những kẻ cùng chiến tuyến:
"Tôi đã vùng vẫy. Tôi đã thét gào. Tôi mang kính cận dày, cột dây thun sau gáy để nhảy trực thăng, nhảy diều hâu trong khi con cái những kẻ quyền lực trốn lính hay ở hậu cứ. Xin các ngài đừng lên mặt dạy đời trong khi các ngài chưa biết thế nào là máu thấm vào áo trận. Cũng xin các người bên kia đừng chửi tôi là lính đánh thuê, đánh giặc mướn trong khi tôi mời các người từng điếu Pall Mall. Tôi là tôi. Tôi làm chủ lấy tôi. Tôi quyết định lấy đời tôi." (Nha Trang, Ra Biển Gọi Thầm, tr. 174-175).
Phẫn nộ, cô đơn, sau một trận đánh hình như tất cả
đội ngũ đều chết, người lính đó quyết định bỏ ngũ. Anh lý luận: "Kẻ đào
ngũ trái lại phải là một tay lính chiến đấu cô độc nhất, bởi vì nó chẳng có đội
ngũ. Cứ xem tôi là kẻ hèn, nhưng có biết bao kẻ hèn hơn tôi. Mượn áo lính để tiến
thân. Chưa bao giờ ra mặt trận một ngày mà hùng hổ la gào. Nghe tiếng súng nổ
thì són đái. Thách có tay nào mang kính 8 độ đi thám báo..." (Thư Về
Người Đồng Đội..., tr. 77). Trong Kẻ Đào Ngũ (2), Trần Hoài Thư đã tả
hoàn cảnh và tâm trạng của người bỏ ngũ. Sống sót sau một trận giao chiến địch
tràn ngập, anh thiếu úy trung đội trưởng thám kích bộ binh bị thương nặng ở vai
và ngực, xuất viện ra, chán chường phẫn uất, đã lựa chọn sống nhờ sống chui
không ra trình diện lại đơn vị. Áp lực người cha, người con không muốn mang tiếng
bất hiếu năm tháng sau phải ra trình diện, bị giáng cấp và ra đơn vị tuyến đầu
khác.
Một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, trớ trêu, khó
hiểu. Hai người yêu nhau cùng lớn lên ở cùng một địa phương mà rồi mỗi người phải
một chiến tuyến, người yêu theo cộng sản như Hồng cô gái quán cà phê mê thơ văn
chàng trong Vết Thương Không Rời, như Quỳnh người nữ quyết tử viên sau trở
thành cô giáo quận lỵ Tuy Phước trong Tháng Bảy Mưa Ngâu, v.v... Hoặc như hai
cha con theo cường điệu của cuộc chiến, ngày kia phải đối đầu nhau trên cùng
bãi chiến, trong Người Anh Hàng Xóm. Một cuộc chiến tranh tàn bạo, bắn lầm là
chuyện thường tình giữa hai lằn đạn, nhưng tại sao nạn nhân lại là một đứa trẻ
12 tuổi (tr. 128), v.v... Người lính có suy nghĩ, có con tim nhiều khi đã phải
thả thanh niên trốn quân dịch đang trốn về nhà làm ruộng, nhưng biết đâu lại là
VC nằm vùng, sẽ đi đắp đê, gài mìn, ...!
Vết Thương Không Rời kể chuyện trung đội thám
kích xuống đồi đột kích một đêm mưa gió như đến "từ bốn cõi âm binh",
mà lại là vùng quê ngoại của thiếu úy Tân. Toán quân anh đi giải cứu quê cũ của
anh nhưng địch không lẽ lại là cả ngôi làng. Khi mục tiêu đã đạt, địch đã bị giết
thì hóa ra là những cán bộ gái thường ngày ở quận lỵ vẫn liếc mắt đưa tình với
mọi sĩ quan. Càng đi sâu vào cuộc chiến, người lính đó biết lịch sử có những bước
đi khắc nghiệt, có những khoảng cách của định mệnh xa mà gần, gần rồi xa như nhịp
cầu Ô Thước mà anh đã phải chấp nhận. Tháng Bảy Mưa Ngâu đưa hai người yêu nhau
đến gần nhưng rồi mãi mãi xa, vì dây oan nghiệt ý thức hệ đối nghịch và nay người
quê nhà người lưu xứ xa xôi!
Người lính Trần Hoài Thư không lý thuyết cao
siêu, không siêu tưởng. Trong cái tương đối của đời lính, anh chỉ đi tìm hạnh
phúc cho cuộc đời, đi tìm và khi tưởng có được, anh dựng xây một tình yêu, muốn
dừng lại, "sẽ không còn phóng đãng, bụi đời". Sau những ngày chạm
trán với kẻ thù, với tử thần, bị dồn nén, dĩ nhiên người lính có những phóng
đãng, hoang đàng. Trong Sỏi Đá Ngậm Ngùi (3), ứng chiến ở một vùng đồi
Bình Định nơi đó có tháp Chàm, nơi đó chàng "tơi tả trong những khu rừng
khổ sai", người sĩ quan độc thân đưa người yêu đi thăm căn cứ. Sau đó mỗi
lần đi phục kích, chàng "không quên giả vờ vào nhà em, xin gáo nước lạnh"
bên kia sông Tuy Phước. Mẹ cô gái đã từ gọi "thiếu úy" đến "cậu"
rồi "cháu", ba chàng đánh điện tín hứa sẽ vào đi hỏi, tưởng hạnh phúc
sắp đến gần, nhưng định mệnh cả dân tộc ập đến với sự sụp đổ tức tưởi của miền
Nam Cộng-hòa, nói chi đến chuyện cá nhân. Hãy nghe tiếng buồn của người lính Cộng
hòa:
"Em, người sắp làm vợ của anh cũng mất. Anh bị
bắt làm tù binh, để sau đó bị giải từ trại tù này qua trại tù khác, để không có
thì giờ mà nhớ lại một người thân yêu cũ, đến buổi cuối cùng, thấy bóng em nhỏ
nhoi côi cút ở bên kia sông. Tạm biệt hay là vĩnh biệt. Không bao giờ anh dám
nghĩ đến dưới đôi giày trận, những hạt cát vô tình lọt vào trong giày, mà đau
nhức suốt đời. Sỏi cát ngậm ngùi. Tiếng hát cất lên từ một người cô phụ hay tiếng
u uất thống thiết từ những người yêu nhau muốn gần nhau mà phải vĩnh biệt chia
xa."
Một cuộc
chiến buồn thảm, đó có thể là lý do tại sao các chuyện tình của người lính
Trần Hoài Thư không bao giờ có đoạn cuối vui và... bình thường. Không chết giữa
hai lằn đạn thì cũng chết vì hải tặc, lấy chồng Mỹ, bặt tin, v.v... Trước những
giây phút đẹp của những cặp tình nhân dù họ là kẻ thù, người lính phải trực diện
với kẻ thù đó vẫn hơn một lần chứng tỏ còn có tình người, có tâm hồn. Trong Viễn
Thám, trung đội thám kích đang săn tin về một đơn vị Bắc quân mới xâm nhập vùng
Trường sơn, đã không ngờ gặp một cặp bộ đội đang hát bên bờ suối. Quân thù đó
nhưng người lính đã không bắn. "Tôi không thể chơi cái trò dã man như vậy.
Tôi muốn người thanh niên kia, ít ra, có một giờ phút vĩnh cửu (...) Tiếng hát
như nói lên những điều câm nín từ những con tim của tuổi trẻ Việt Nam... Tiếng
hát như dậy khỏi mồ, bạt cả gió, khiến rừng như thể im phăng phắc lá như thể
thôi lay động trên cành. Và ít ra, tôi vẫn còn hiểu rằng, mỗi người đều có trái
tim. Và trái tim thì lúc nào cũng sống vĩnh cửu." (4)
Trong các truyện của Trần Hoài Thư, người đọc thường
gặp lại một số hình ảnh, địa danh và nhân vật quen thuộc vì thường là chuyện đời
lính của chính tác giả. Những Quy Nhơn, Huế, Tuy Phước, Đà Nẵng và Cần Thơ (ít
hơn). Những đồng đội Nha, Minh, Năm Râu, những người lính Thượng Lương Văn Tướng,
Y Đao, Nay Lát, v.v... Còn nhân vật xưng tôi thường là Ba Cận Thị hoặc thiếu úy
Tân. Những người đồng đội "huynh đệ chi binh" như anh tà lọt: "Ông
thầy, ở đây có lá giang, ông thầy nghỉ để em nấu canh lá giang với thịt hộp cho
ông thầy ăn" (4). Ngoài những người đồng đội, Trần Hoài Thư
còn viết về những cấp chỉ huy. Dĩ nhiên anh có nhắc đến những "Mặt Trời"
thường chỉ tới thị sát khi mặt trận đã xong, gắn huy chương, vỗ về, cả những nhắn
nhủ, đòi hỏi trước mỗi chiến dịch, công tác. Anh cũng viết về những nhũng lạm của
các cấp chỉ huy, những hại việc nước và chính nghĩa chung! Nhưng đặc biệt khi
viết về hai tướng Lê Văn Hưng, Nguyễn Khoa Nam (Khi về Nữu Ước) và "đại
bàng" Hạnh (Nha Trang), ngòi bút của anh trở nên thiết tha, cảm động, đầy
tình người! Hãy nghe những lời của tướng Hưng - trong truyện là hồn ma quanh quất
ở công viên Nữu Ước: "Ta rất thương đứa con gái đầu lòng của ta. Vì ta
mà nó khổ. Bây giờ nó cận thị nặng hơn cả chú em nữa. Nhà nó bây giờ chỉ có mỗi
bề 4 mét, mưa thì nước ngập quá đầu gối, không có cả nhà vệ sinh. Nhưng căn nhà
lại nằm trong kế hoạch giải tỏa. Tương lai nó không biết ở đâu nữa".
(...) "... nhờ chú em nhắn lại những người còn mến ta. Cái nấm đất chôn
ta đã bị san bằng rồi. Cả cây trụ đèn dùng để làm dấu mộ ta cũng bị đào nhổ rồi.
Ta lạnh lắm. Từ lâu ta không có hương lửa..." (tr. 99-100).
Đó là cái bẽ bàng u uất của những kẻ đầu đàn có
lương tri, họ đã thành nhân dù đã không thành công. Và còn nhiều cái bẽ bàng
khác với người lính của Trần Hoài Thư. Bẽ bàng của những ngày cuối của chiến
tranh. Trong hai truyện khác, Thị Trấn Lửa (5), Ngày Cuối Tại Một Thị
Trấn (6), anh tả tình cảnh bi đát của hồi kết thúc cuộc chiến, những
người lính bị rơi vào bẫy, bị bỏ rơi với định mệnh của cả dân tộc. Trong Thị Trấn
Lửa, đám tàn quân cản đường tiến của Bắc quân trong khi cấp chỉ huy bỏ chạy.
"Tội này ai gây nên. Lịch sử này ai gánh chịu. Những người lính của
tôi, họ ít học, người gốc nông dân, người gốc Thượng, gốc Nùng, người bị bắt đi
quân dịch, họ đâu có tội gì để gánh cái khối đá tảng của lịch sử. Những người
có trách nhiệm bây giờ ở đâu, sao máy thì bặt tăm không một lời thăm hỏi. Hay họ
đã chạy trốn rồi (Mà quả vậy, sau này tôi được biết ông trung đoàn trưởng và
toàn ban tham mưu của ông đã đào tẩu hồi nửa đêm)". Tiếp viện chờ
không thấy, đám tàn quân bất ngờ bị phá o kích, họ trở thành "những con mồi
tội nghiệp. Làm sao chúng tôi biết là thị xã TĐ đã mất từ lâu, và tên sĩ quan
trong trung tâm hành quân mà chúng tôi liên lạc để báo cáo, để hy vọng, để đặt
hết bao nhiêu nương cậy, chính là tên địch nằm vùng đã ra lệnh pháo dập xuống đầu
chúng tôi".
Ban Mê Thuột, Ngày Đầu Ngày Cuối (7)
là anh hùng ca về một đại đội trinh sát. Từ ngày 10 đến 17 tháng 3-1975, diễn
ra trận đánh anh dũng nhưng cô đơn, một trận đánh cuối cùng của đại đội trinh
sát tăng phái cho trung đoàn 53 bộ binh. Những người lính dũng cảm làm tròn nhiệm
vụ bảo vệ phi trường Phụng Dực và bản doanh trung đoàn khi tình hình chiến sự
đang nghiêng về thua hơn là thắng. Đại đội cầm cự được bảy ngày đối đầu với
quân cộng sản Bắc Việt chính quy đông gấp nhiều lần về số quân và tiếp vận.
Trong khi họ chiến đấu cô đơn thì ban tham mưu và trung đoàn trưởng bỏ chạy,
cũng như những sĩ quan khác quân xa đã nhắm hướng phi trường. Nhưng tất cả đã
muộn màng...! Sự dũng cảm của 70 người lính không cứu được Ban Mê Thuột đã bị
tràn ngập. Phần còn lại cho những người lính là con đường rút, tưởng may có thể
trú thân ở chi khu Lạc Thiện nhưng bị "địch giả bạn để cài đơn vị vào cái
bẫy oan nghiệt", đành rút vô rừng và lạc vào mật khu Khuê Ngọc Điền của Việt
cộng! Đã vậy những người lính cô đơn sống sót còn bị đồng bào vùng tạm chiếm
nhìn như... tội phạm chiến tranh!
Tàn cuộc chiến, bị bỏ rơi, người lính không lâu
sau còn bị kẻ chiến thắng gian trá bắt tù đày, biệt xứ và bị trả thù. Đi lính
là để trả nợ non sông, nhưng tháng tư 1975, người lính còn phải trả nợ cho những
sai lầm của lãnh đạo, chỉ huy. Người Và Quỉ là cảnh thiên đường học tập, người
thì điên, người chịu đựng, người căm phẫn. Trong tuyệt vọng, lương tâm người
lính có dịp được thử thách.
Học tập ra, người lính thua cuộc sống lây lất
ngay trong quê hương đất nước anh đã bị thương đổ máu, mất cả tuổi trẻ để bảo vệ.
Anh lính Cộng hòa trở thành Người Bán Cà Rem Dạo vẫn giữ được cái kiêu hãnh của
con người trước xảo trá: anh từ chối vào Hội nhà văn thành phố, dù sẽ được chế
độ mới cho một số quyền lợi. Anh lính sẽ trốn đi, chấp nhận xa quê hương.
Đời sống lưu đày nơi xứ người khó khăn,
cô đơn. Tuổi trung niên, người lính di dân phải làm lại cuộc đời, học tiếng
nói, học nghề. Để cho con cháu, cho mai sau! Người lính bị ép bỏ cuộc chơi,
"tủi như người không có quê hương", có lúc phải chạm trán với những
người bản xứ thiên tả, kỳ thị. Rồi những người thân quen, bạn bè và đồng đội cũ
sẽ tái hồi với người lính. Những mất mát và hạnh phúc còn lại. Nỗi đời cô đơn
xa xứ ấy được Trần Hoài Thư ghi lại qua các truyện Thư Về Người Đồng Đội Cũ Sau
25 Năm Thất Lạc, Người Về Trăm Năm, Ở Một Nơi Nào Rất Xa, Cho Con Mùa Tựu
Trường, Bên Này Dòng Hudson, Đất Khách, Người Bị Thua Cuộc, v.v... Người lính
phải xa xứ nhưng vẫn có cái nhìn rộng lượng như đối với một nữ sinh viên
Việt-Nam du học con cán bộ cao cấp, trong Một Nơi Nào Rất Xa. Có lẽ anh mong
một ngày kia khi bụi mờ quá khứ lắng bớt, sự thật về sinh mạng dân tộc, về một
giai đoạn lịch sử sẽ được những thế hệ đi sau không phải nhìn với những lăng
kính, sẽ hiểu rõ hơn.
*
Trần Hoài Thư có những tác phẩm về người lính rất
thành công và cảm động như Bãi Chiến, Khi Về Nữu Ước, Tháng Bảy Mưa Ngâu, ...
Trong toàn bộ, truyện về người lính của anh là những hoài niệm, ưu tư, khắc khoải,
những cay đắng hoài nghi, nhưng cũng là những chân dung những người lính thật,
có lửa có lòng, có tốt có xấu, nhưng vượt trên tất cả là thân phận của những
con người bị đày đọa, hy sinh, lừa dối. Khác với những hồi ký của các lãnh tụ,
tướng lãnh, tác phẩm của Trần Hoài Thư là những đau khổ anh hùng của những người
lính vô danh, những tâm tư của một thế hệ trẻ bị nướng vào chiến tranh.
Các truyện của Trần Hoài Thư về người lính cũng
là truyện của chính anh, từ những mối tình, đời lính - anh là trung đội trưởng Thám
kích Bộ Binh vùng hai (đại đội 405 Thám kích sư đoàn 22 BB), những lần bị
thương, rồi đào ngũ trốn ở Nha Trang và Phan Rang viết hàng loạt truyện và thơ
đăng trên Bách Khoa, Văn Học, ... đến
chuyện phải tái trình diện, bị giáng lon chuyển sang sư đoàn 23 ở Ban Mê Thuột
rồi thuyên chuyển về quân đoàn 4 làm phóng viên chiến trường.
Trước
1975, thiển nghĩ Trần Hoài Thư đã viết như nhân chứng, như kẻ nhập cuộc, có
mặt. Có thể lúc bấy giờ anh chưa có mục-đích rõ rệt như sau này ở hải-ngoại,
nhưng chân dung người lính của anh sẽ góp phần giúp các thế hệ trẻ hơn hiểu hơn
về một cuộc chiến, về một thế hệ, những nạn nhân. Người đọc có cảm tưởng anh
còn muốn những người hôm qua là địch đối đầu ở trận chiến có cái nhìn trung
thực hơn về người lính Cộng hòa. Anh đã tự hứa viết giùm những người không thể
viết, không thể nói, những người mang áo lính Cộng hòa bị bỏ quên. Dù anh thú
nhận không thể viết hết những gì chiến tranh đã gây nên nhưng chúng ta hy vọng
anh đã lay động được lương tâm con người; biết đâu những tên đồ tể của chiến
tranh sẽ cải tà quy chính (!), về với con người, lòng người, xây dựng những
cuộc sống an bình và hạnh phúc! Hơi thừa nếu cho rằng nhà văn Trần Hoài Thư có
cái can đảm của người lính thám kích. Thật vậy, anh đã dám nói lên những sự
thật đau lòng của chiến tranh, của những người cùng chiến tuyến, dám nói khác
những tiếng nói chính thức mà nhiều người đã nhàm nghe! Như anh đã thổ lộ đâu
đó anh tự hào là người đã nghe trái phá nổ, do đó anh hiểu mãnh lực của trái
phá như thế nào!
Truyện
Trần Hoài Thư đã được đón nhận nồng nhiệt bởi người đọc liên hệ xa gần đến
người lính Cộng Hòa, đáp ứng nhu cầu tự nhiên tìm về quá khứ của người lính đã
hy sinh đời mình cho lý tưởng, nhất là những người lính cô đơn chiến đấu và cô
đơn chống trả những oái oăm của định mệnh sau đó. Tác-phẩm về chiến-tranh này
còn là những chứng tích không thể xóa bỏ, để lịch-sử và các thế hệ sau này tìm
về, để hiểu, để biết về những khúc mắc, những mảng kín như những vết sẹo tưởng
đã liền da với thời gian nhưng vẫn còn đó... Đó là những truyện nói chung tiêu
biểu vì chứng minh văn nghệ vị nhân sinh, thỏa đáng những đòi hỏi của nhân
sinh, đáp ứng những đối đầu không lựa chọn, để sống còn, để được hít thở tự do,
... ở một tình huống rất hiện sinh của hôm nay!
Thơ
ca
Trần Hoài Thư, với văn học miền Nam thời chiến-tranh cũng
như văn học hải ngoại, là một nhà văn nhập cuộc qua các truyện ngắn; tuy nhiên
anh cũng làm thơ từ thuở nhập làng văn (đăng chủ yếu trên Bách Khoa từ
1962) cho đến nay. Anh đã có hơn chục thi tuyển xuất bản ở Hoa-Kỳ, mở đầu với Thơ
Trần Hoài Thư (1998) và mới nhất là Thơ Tuyển Toàn Tập (8). Trần Hoài Thư có thể xem là tiêu biểu cho một thế hệ nhà
văn đã nhập cuộc chiến-tranh trước năm 1975 và sau đó chịu nhiều bi lụy của
người dân Việt (học tập, vượt biển, tị nạn, hội nhập, ...) cũng như hạnh-phúc
sáng-tác và làm xuất-bản ở hải-ngoại.
Thơ Tuyển Toàn Tập tuyển toàn bộ những bài thơ từ đầu nghiệp văn cho đến 2021, từ thời Dưới Trời
Khói Lửa qua thời Tình Si, trại “học tập”, vượt biển, ở đảo, tái định cư và làm
lại cuộc đời, cho đến sau ngày chị Yến, vợ anh, bị tai biến nặng và thời đại dịch,
anh cũng bị tai biến và sức khỏe yếu hơn tuy bút lực của anh thì vẫn gây bất ngờ
và thán phục.
Nếu các truyện của Trần Hoài Thư là cả một thế-giới chiến-tranh
từ những năm 1965 đến 1975, như anh từng ghi lại trong bài thơ Thế Hệ Chiến Tranh, thì thơ cũng hòa nhịp văn
chương để kể cho người đọc chuyện đất nước thời loạn ly cùng thơ lòng và tự sự
về một quá khứ nhiều buồn và mất mát nhưng không thiếu những hân hoan đoàn
viên. Thơ anh không cao tay thiện nghệ của nhà nghề thi-pháp mà chân thành đến
dễ đồng cảm. Thơ Trần Hoài Thư là của riêng, mà người đồng thời, chiến hữu cũng tìm được nét chung, chung một
đời và chung thân phận làm người Việt.
Toàn
bộ thơ của Trần Hoài Thư đều xuất phát từ hiện thực, từ
cuộc sống, những hồi tưởng về
những địa danh, những chiến trường ngày trước (Mang Giang, Kỳ Sơn, Phước Lý, Nho Lâm, An Khê, Quy Nhơn, Kontum, ...),
những thành phố nơi đã chứng kiến những lần vui chơi khi được về phép, nơi
chứng kiến những mối tình và duyên tình với chị Yến, vợ anh. Ở họ Trần, ký-ức,
kỷ-niệm hiện diện trong hầu hết các sáng-tác cũng như bút ký, bài báo. Chốn cũ ở Trần Hoài Thư đậm
nét tâm thức, đã chìm sâu trong não ký-ức vì anh không hề trở lại những chốn ấy
để tìm lại những cảm xúc chất chứa trong tâm hồn người sống xa xứ và xa
quá-khứ; do đó trong sáng-tác của anh, những
day dứt, nhung nhớ đó không hề vơi bớt, cũng không cần được soi qua lăng kính phân
tích và chú-giải. Cái “hôm nay” của anh và người thân cũng được ghi nhận, kể cả
những vết thương, bệnh tật. Cuộc đời chuyên nghiệp làm lại nơi xứ người, hạnh
phúc gia đình bên vợ hiền, rồi con và cháu nội, kể cả bạn hữu và đồng ngũ xưa,
đều được anh ghi lại với những con chữ tự nhiên mà truyền cảm, đơn sơ mà thấm
thía. Ngôn-ngữ thi-ca như cứu-cánh tự tại, thiển nghĩ đã giúp nhà thơ sống thật
cái “hôm nay”, ngoài đời thường cũng như trong sáng-tác!
Nhà thơ sử-dụng trong tập nhiều thể loại thi-ca và đã có
những đắc địa và thành công. Thời chiến tranh, anh luôn đã nói đến cả một Thế Hệ Chiến Tranh:
"Thế hệ chúng tôi đã mang đầy vết sẹoVết sẹo ngoài thân
và vết sẹo trong hồnKhông phạm tội mà
ra tòa chung thẩmNhận án tử hình ở
tuổi thanh xuân
Thế hệ chúng tôi loài
ngựa thồ bị xíchHai mắt buồn che bởi tấm da trâuQuá khứ tương lai, chuỗi ngày vô vọngChúng tôi xõa bờm, không biết về đâu
Thế hệ chúng tôi già như
quả đấtTrán hằn lên những câu hỏi hoang mangNgoài phẫn nộ, trong chán chường ẩn khuấtNhư những nỗi buồn thế hệ chiến tranh" (tr. 119)
Không khí chiến tranh khói lửa tàn bạo nhưng cũng tình người khi cần trong nhiều bài khác như Ta Lính Miền Nam, Tháng
Ba Đi Hành Quân, Tháng Bảy Hành Quân Xa, Kỳ Sơn, Diều Hâu Bỏ Núi, v.v...
“Tháng ba đi hành quân / Trưa qua đèo Mang GiangDưới đồi hoa cúc dại / Nhớ em tôi tan trườngMang
Giang rừng tiếp rừng / Sương mù không thấy đỉnhÁo nhà binh chưa khô / Mong dài thêm cái nắngNơi này cây cỏ khổ / Huống chi ta con ngườiMay còn dưới chân đèo / Màu hoa xưa kỷ niệm“(Tháng Ba Đi Hành Quân, tr. 137-8).
Kỳ Sơn chỉ là một địa danh nhưng với nhiều người lính, đó
đã là tiếng kêu hãi hùng mà trầm thống:
“Kỳ Sơn đồi trọc chim không đậuĐại đội đi, một nửa không vềLớp lớp người nhào lên, ngã gụcĐạn sủi bờ sủi đá, u mê
Kỳ Sơn cao độ hai trăm thướcĐêm hoảng kinh, đỏ huyết vầng trăngNhững xác hôm qua, vàng rám mỡNhững anh hùng, ngụy tặc, nằm chung
Đây là thi bản khác với bài thơ về cùng đề tài - Về Trời
đã đăng Bách Khoa (số 276, 1968, tr. 58):
Thơ tình không thiếu trong thơ Trần Hoài Thư. Những
lời tình đẹp như trong bài Qua Sông Mùa Mận Chín:
Và bài Hiên Tình bốn câu trải
thành sáu câu tỏ tình bất ngờ thơ:
“Hồn tôi trăm ngả bàn cờCám ơn em mái hiên nhờ đụt mưaBây giờ hạt nặng hạt thưaTôi mang nỗi nhớ đụt nhờ ai đây?” (tr. 193).
Nguyễn Vy Khanh
Chú-thích:
1- Trần Hoài Thư. Ra Biển Gọi Thầm. Plainfield, NJ: Tác giả
xb, 1995. 222 tr.
2- KĐN. Tạp chí
liên mạng Văn Học Nghệ Thuật, 242, 28-10-1996.
3- SĐNN. Tạp chí
VHNT, 238, 16-10-1996.
4- "Viễn Thám". Dân Chủ Mới, 55, 8-1996, tr. 59-61.
5- Viết 17-9-1996, đăng Dân Chủ Mới, 58, 11-1996, tr. 58-61.
6- Viết 26-8-1996, đăng trên VHNT số
223 (4-9-1996).
7- Sau in trong tập truyện Ban Mê Thuột Ngày Đầu Ngày Cuối (Plainfield,
NJ: Tác giả xb, 1997. 241 tr.). Cùng trường hợp với các truyện khác đã nói đến
trong bài viết, như Sỏi Đá Ngậm Ngùi, Thám Báo (tức Viễn Thám khi đăng
báo).
8- Thơ Tuyển Toàn Tập (Plainfield, NJ: Thư Ấn Quán, 2021, 646 tr.)
_________________________________________
Nguồn: Tạp chí Ngôn Ngữ số 24 - 1 tháng 3.2023.