Friday, May 31, 2024

3414. NGỌC BÚT Chút kỷ niệm với Thư Quán Bản Thảo và nhà văn Trần Hoài Thư.


Tôi đến với Thư Quán Bản Thảo rất muộn, đâu khoảng cuối 2014 đầu 2915 qua sự giới thiệu của nhà văn Mang Viên Long, bằng một bài tùy bút trên TQBT số 63. Kể từ đó, thỉnh thoảng tôi có tùy bút và thơ trên TQBT. Nhưng chuyện đó không quan trọng với tôi bằng việc tôi được góp một phần rất nhỏ vào công việc lớn lao anh THT đang làm là “khâu vá lại di sản văn chương miền Nam 1954-1975”

Thú thật, từ sau 1975 tôi không quan tâm tới văn chương nữa vì bận lo cơm áo gạo tiền và cũng không muốn đọc muốn viết gì nữa. Suốt gần 40 năm, văn chương trong nước tôi không quan tâm, văn chương hải ngoại tôi càng không biết gì. Cho đến khi gặp Quán Văn và Thư Quán Bản Thảo. Nhưng Quán Văn là một câu chuyện khác.

Một bữa trong lúc xếp soạn mớ sách báo cũ còn sót lại, tôi tình cờ tìm thấy truyện ngắn Những Vì Sao Vĩnh Biệt của  THT trên một tờ Bách Khoa cũ. Tôi đánh máy và gởi cho anh THT, và nghĩ một cách ngờ nghệch rằng chắc là ông ấy chưa có lại truyện này (sau này nghĩ lại mới thấy mình khù khờ, vì ông ấy đã từ lâu in lại tập truyện trong đó lấy tên truyện ngắn này làm tựa!)  THT vui vẻ cám ơn tôi. Và kể từ đó là những ngày đánh máy và sửa lỗi chính tả các tác phẩm cũ của văn chương miền Nam sẽ xuất hiện trên TQBT. Tôi hào hứng làm việc ấy vì rất cảm kích những gì nhà văn THT làm cho 20 năm văn chương miền Nam. Tôi muốn góp một chút công sức nhỏ nhoi của mình vào công việc giữ gìn di sản đáng quý mà anh đang làm. Trước tôi đã có Nguyệt Mai làm việc này, giờ tôi giúp thêm một tay thì tốt cho anh THT thôi. Có những khi anh THT hay ai đó đánh máy bài viết rồi, và tôi chỉ sửa lỗi chính tả. Có khi tôi đánh máy và tự sửa lỗi luôn, cùng một lúc nhiều bài (như loạt bài của nhà văn Nguyễn Kim Phượng, ký giả Lô Răng, nhà văn hóa Nguyễn Nam Châu, cụ Vương Hồng Sển, v.v..) hoặc nhiều chương của một truyện dài (như truyện Nuôi Sẹo của Triều Sơn, Hồn Hương của Nguyễn Mạnh Côn, v.v..). Anh thường chụp các tài liệu rồi attach vào email gởi tôi, tôi download, đánh máy thành bản word rồi gởi lại anh cũng bằng cách attach vào email. Phải nói là tôi cũng đươc “lợi lộc” khi làm công việc này, vì được dịp thưởng thức những áng văn thơ hay mà trước kia tôi không được đọc vì tôi còn bé xíu khi các tác phẩm này ra đời. Công việc với tôi rất thú vị, nhưng nhiều khi đóan hoài đoán mãi không ra ý tác giả ở một câu hay một cụm từ nào đó, vì bản chụp của bản in ngày xưa nhòe mực hoặc bị thiếu mất một góc trang hoặc thợ xếp chữ thời đó xếp lung tung! Có lúc tôi cũng đoán mò và đành tô màu vàng vào cụm từ đó rồi mở ngoặc nêu ý kiến hay ghi chú của mình bằng màu đỏ kế bên. Thơ Cung Trầm Tưởng thì còn đoán được dẫu có mờ hay lem luốc mực in, nhưng thơ Nh. Tay Ngàn thì thực sự là một thách thức. Nhưng cuối cùng thì cũng xong. Điều quan trọng và tuyệt vời nhất của tôi là được thưởng thức và thưởng thức...

Tôi đã làm công việc này một cách cẩn trọng và tỉ mỉ từ 2015 cho đến ngày Thư Quán Bản Thảo trở thành giai phẩm sau số 100, chỉ với một lý do duy nhất là mến mộ tấm lòng và việc làm của anh THT. Tôi thực sự yêu thích công việc này. Bây giờ đã già hơn chín năm trước, tôi nghĩ tôi vẫn còn có thể tiếp tục làm được những việc anh THT giao, nhưng anh đã đi theo chị Yến rồi...

Tôi chép lại đây đoạn cuối bài tùy bút tôi viết năm 2016 về tập thơ Xa Xứ của anh, như một lời chia tay, một lời tiễn biệt anh về miền xa thẳm.

Mai kia người sẽ trở về. Có thể người về với tay gậy chống. Có thể người về bằng tàn tro. Có thể người về chỉ bằng hương linh theo gió theo mây. Nhưng Hoài đoan chắc rằng người sẽ trở về. Bởi ngay khi chưa thực sự về đươc, người vẫn đêm đêm mơ thấy ngày về:

Em có hỏi tại sao ta chưa về cố xứ

Ta trả lời: Ta về chứ đêm qua

Ta vẫn về, rất thầm lặng thiết tha (THT)

Phải không, chắc chắn mai kia người sẽ trở về? Và xứ-xa nơi này sẽ đợi.

Saigon, 31.5.2024