Cách nay một tuần, tôi nhận được @ của bạn Phạm Văn Nhàn, người cùng Trần Hoài Thư chủ trương thực hiện Thư Quán Bản Thảo lâu nay, báo cho biết TQBT số 79 là số đặc biệt về thơ văn Trần Hoài Thư. @ có đoạn: ”Tôi có thêm ý kiến: các anh (bạn) viết cho tôi thêm tình bạn giữa các anh với THT. Tôi nghĩ ngoài văn chương của THT ra. Tình bạn là đẹp nhất. Gây ấn tượng nhất cho người đọc”.
Từ năm 1964, lần đầu tiên tôi được đọc một vài truyện ngắn viết về chiến tranh rất cảm động của THT đăng trên tạp chí Bách Khoa. Mãi đến năm 1969, khi tôi về Phan Rang và làm “lính cậu” tại BCH Tiểu khu Ninh Thuận, ở đây, số phận may mắn cho tôi được gặp Nguyên Minh và NM ngỏ ý muốn tôi cùng ở chung nhà của anh số 11 Nguyễn Thái Học – Phan Rang, và cùng làm tờ Ý Thức (dưới hình thức in ronéo). Không mong gì hơn đối với một người xa quê được bạn bè văn nghệ tận tình giúp đỡ, tôi nhận lời.
Giai đoạn này, nhóm YT đang bắt đầu chuẩn bị ra mắt số đầu tiên do nhà văn Ngy Hữu – tác giả truyện ngắn “Những mẫu chữ thêu” đăng trên tạp chí Đất Nước - chủ biên. Ngy Hữu là anh ruột của nhà văn Yên My Trần Hữu Lục, đang làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đô Vinh ở Tháp Chàm, và cũng là một Huynh trưởng Hướng Đạo, một đoàn thể mà tôi đã tham gia hoạt động khi còn ở quê nhà. Lại tứ hải giai huynh đệ!
Sẵn có nhà in ronéo Nguyễn của Nguyên Minh trong tay, nhóm Ý Thức không những làm báo mà còn ra sách nữa – dĩ nhiên là dưới hình thức “phổ biến hạn chế”, nói trắng ra là in lậu, không có giấy của chính quyền VNCH. Nguyên Minh đề nghị với tôi vẽ bìa cho tập truyện ngắn “Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang” - đây là tác phẩm đầu tay của Trần Hoài Thư được xuất bản ở một tỉnh lỵ nhỏ nhứt Miền Nam - Phan Rang.
Đã gần nửa thế kỷ, qua bao nhiêu dâu bể của cuộc đời, tôi không nhớ rõ mình đã vẽ gì cho cái bìa của nhà văn cùng thời mình yêu thích. Nhưng có đôi điều tôi nhớ chắc chắn là ở PR chỉ có nhà in duy nhất – nhà in Nghệ Thương ở đường Thống Nhất, máy móc thô sơ, không có chỗ làm cliché, nên Nguyên Minh phải gởi “chành” vô Sài Gòn làm bản kẽm ở Cliché Dầu đường Phát Diệm.
Khổ sách là 13cm x 19cm (giống như khổ sách thông thường). Để làm được bản kẽm hai màu, không kể màu trắng của giấy, tôi phải tách màu làm hai bản kẽm, in mỗi lần một màu bằng máy pê-đan, rồi in chồng lên cho khớp.
Nhưng công đoạn thực hiện giống như một quyển sách in typo phải kể đến công lao của chị Hồ Thị Kim Phương - người bạn thân của Nguyên Minh và cũng là người cộng tác với Nhà in Ronéo Nguyễn. Bản thảo tập truyện của THT từ Qui Nhơn gởi vô là bản viết tay, chữ viết của anh lại khó đọc, đôi khi chị Phương phải “nhờ quyền trợ giúp” của chúng tôi. Khi thực hiện trên giấy stencil, bắt buộc chị phải canh lề làm sao cho giống bát chữ in typo. Nghĩa là trước khi gần hết một dòng chữ, chị phải "ép chữ" để khi xuống dòng kế tiếp nó phải nằm gọn trong bát chữ. Mỗi trang sách đều như vậy. Kết quả là “Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang” và những xuất bản phẩm của giai đoạn Ý Thức bản thảo được độc giả Miền Nam đón nhận bằng sự ngạc nhiên và thích thú. Tác phẩm đầu tay của THT chúng tôi in đợt đầu 100 bản. In xong, tôi và Nguyên Minh chở ra Nha Trang, nơi anh THT đã trải qua thời ấu thơ sống cơ cực với mẹ ở rọc Rau Muống (gần cầu Hà Ra), gởi nhà sách Huy Hoàng nhờ phát hành. Nhắc tới anh Huy Hoàng, hầu hết anh em văn nghệ Miền Nam ai cũng biết. Trên “chuồng cu” nhà sách là “trạm dừng chân” đôi ba ngày hay cả tuần, thậm chí cả tháng của anh em văn nghệ khắp nơi. Anh có tấm lòng bao dung và hào hiệp, cưu mang tất cả.
Sau đó, tôi mới gặp Trần Hoài Thư bằng xương bằng thịt. Lần đầu tiên gặp anh, tôi chợt nghĩ ngay đến hình ảnh một người lính ốm yếu, mang đôi kính cận dày cộp, với vẻ mặt nôn nóng ngồi đợi người yêu ở phi trường, nhưng khi nàng xuất hiện thì “tay trong tay” với người khác. Tình cảnh thật phũ phàng! Chàng giận và trả thù bằng hành động đá con chó đang nằm ở gầm bàn dưới chân chàng!... Truyện ngắn của Trần Hoài Thư trong thời chiến có nhiều tình cảnh éo le trắc trở như vậy.
Ở Tháp Chàm khoảng hai tháng, anh viết xong truyện dài Của chiến tranh giao cho Nhà xuất bản Lá Bối, rồi quyết định về lại quân đội. Nhờ Phạm Văn Nhàn đèo xe honda ra trình diện tại Quân vụ Thị trấn Nha Trang. Ra tòa án Quân sự Mặt trận, anh bị giáng cấp từ trung úy xuống thiếu úy.
Lúc này, bạn bè văn nghệ hay tin anh đổi lên Buôn Ma Thuột. Thời điểm này, tôi may mắn được Tổng cục Chiến tranh Chính trị chọn đi học khóa bồi tiếng Anh tại Trường Sinh ngữ Quân đội. Thế là giã từ Phan Rang, giã từ căn nhà 11 NTH với bao kỷ niệm, tôi khăn gói lên đường vào Sài Gòn. Như là Nguyên Minh đã đi tiền trạm và “dọn sẵn” đường cho tôi. Khi vào SG, tôi đã có chỗ ở ổn định. Tôi sống chung phòng với Nguyên Minh ở 666 Phan Thanh Giản, nhà in Thanh Bình, mà chủ nhà in không ai khác là chị Mai – chị ruột của NM. Ngoài thời gian cắp sách đến trường, còn lại tôi tập trung thời gian phụ giúp NM trông coi việc “bếp núc” của nhà in và làm bán nguyệt san Ý Thức bất kể ngày đêm. (Lúc bấy giờ đã có giấy phép chính thức của Bộ Thông Tin và Chiêu hồi).
Tôi gặp lại THT ở tòa soạn Ý Thức. Anh vui vẻ cho chúng tôi biết anh có cuộc hẹn gặp chị Y. – một bạn đọc của tạp chí Bách Khoa và cũng người người “mê” văn anh. Hai người chưa hề biết mặt nhau. Anh nhờ nhà thơ Đỗ Nghê chở tới tòa soạn Bách Khoa cho cuộc gặp “văn chương thơ mộng” này…
Thời gian tiếp nối thời gian, bỗng một hôm, anh đột nhiên xuất hiện tại tòa soạn Ý Thức. Lần này, anh hí hửng nhờ bạn bè đại diện họ đàng trai và lo tổ chức đám cưới cho anh gấp. Cô dâu chẳng ai khác là chị Y. ở Cần Thơ.
Đám cưới thời chiến được tổ chức tốc hành và giản dị. Chị Mai, chị ruột của Nguyên Minh làm chủ hôn. Bạn bè tham gia họ đàng trai gồm: chị Mận, em kề chị Mai, thư ký kiêm nhà in Thanh Bình, dược sĩ Nguyễn Thị Yến (chủ nhiệm tạp chí Ý Thức), Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê), Nguyên Minh và tôi…. Họ đàng gái đưa cô dâu từ Cần Thơ lên Sài Gòn, hai họ gặp nhau tại một nhà hàng, tổ chức tiệc mừng cho “đôi trẻ”… Tan tiệc, chú rể theo cô dâu về Cần Thơ. Trước khi trở về đơn vị, anh có mời nhà văn Trần Phong Giao - thư ký tòa soạn nguyệt san Văn, Nguyên Minh và tôi một buổi tối cà phê tại nhà dược sĩ NTY.
Từ đó, tôi không có dịp gặp lại anh, tuy nhiên tôi vẫn gặp một Trần Hoài Thư trên những trang viết của anh, qua bạn bè hoặc qua email của anh gởi cho tôi. Tôi vẫn biết tin về anh qua những chặng đường anh phải vác thánh giá của cuộc đời!
Năm 2011, tôi mới bị “stroke” - tưởng đi đứt, thì hay tin bà chị vợ ở Seattle (Mỹ) bệnh nặng. Vợ tôi không an tâm khi đi một mình qua thăm chị, nên phải “đem” tôi theo. Tôi biết Trần Hoài Thư ở bang New Jersey, nơi tôi đã theo học khóa “Audio Specialist” tại Fort Monmouth trước 75, tôi đã từng sống qua một mùa đông khắc nghiệt ở đây.
Khi đặt chân đến Mỹ, tôi email thăm hỏi vợ chồng anh. Khoảng non một tuần ngày vợ chồng tôi về lại VN, anh báo cho tôi biết đã gởi phát nhanh về địa chỉ nhà người chị trọn bộ 2 quyển Thơ Miền Nam và 4 quyển Văn Miền Nam. Phải chăng anh dành cho tôi sự ngạc nhiên khi nhận món quà tinh thần quí giá này? Tôi biết anh đã bỏ biết bao công sức đến thư viện Cornell sưu tầm, một tuyển tập đồ sộ dày gần 5.000 trang in khổ 14cm x 20cm, hầu như có mặt đầy đủ những tác giả sống và viết ở Miền Nam trước kia. Anh đúng là “người mang tinh thần thám kích khám phá văn chương Miền Nam”. Anh tự nguyện làm công việc “ăn cơm nhà vác ngà voi” mà không vụ lợi.
Nhưng cũng phải kể đến công lao của chị Y. khi chưa đột quỵ lần thứ ba! Chị là cánh tay đắc lực đã giúp anh hoàn thành sứ mệnh văn chương.
Trong một email anh gởi chung cho những bạn bè văn nghệ thân tình mới đây, anh kêu gọi bạn bè đừng “tôi nghiệp” cho hoàn cảnh hiện thời của anh, (hàng ngày anh phải vô nursing home thăm và săn sóc chị Y.,) mà thay vào đó hãy gởi bài cho Thư quán Bản thảo.
Anh đã từng thốt lên:
Dường như tôi sắp quị rồi.
Nghe chăng tiếng thét vỡ
màng nhĩ tôi (*).
Nhưng rồi nhờ văn chương mà
anh đứng dậy:
Xây nhà phải có xà ngang
Xây đời phải có lan can vịn
đời
Bây giờ hết bấu víu rồi
Tôi xin lục bát vịn vào để
vui (**).
Nghe đến nẫu ruột, nhưng tôi
nghĩ, đúng là “chất Trần Hoài"
Sài Gòn, 1-2018
LÊ KÝ THƯƠNG
Nguồn: Quán Văn Số 84 -
Tháng 12 - 2021