Thursday, May 30, 2024

3411. NGUYỄN ÂU HỒNG Bóng anh xiêu đổ bên bóng tháp.

Trần Hoài Thư (1942-2024) - Tranh Nguyễn Trọng Khôi (2013)

Bạn bè thăm nhau thường là đến nhà hoặc hẹn gặp ở quán cà phê, nhà hàng hoặc một địa điểm nào đó thuận tiện cho cả hai bên. Anh em văn nghệ ở Nha Trang có thể hẹn nhau đến nhà sách Huy Hoàng, quán cà phê Chiều Tím; ở  Qui Nhơn là căn nhà khu Sáu hoặc nhà  “kỳ nhân” Đặng Hòa. (Có dịp tôi sẽ viết về nhân vật đặc biệt này). Tôi đi thăm Trần Hoài Thư, đến tận “hang ổ” đơn vị, dù đó là đơn vị tác chiến. Bạn đọc đã biết Trần Hoài Thư là sĩ quan QLVNCH, là lính thám kích. Thám kích không phải là một binh chủng như biệt kích mũ nồi xanh. Thám kích thuộc bộ binh nhưng là bô binh “thứ dữ” được chọn lựa, tái huấn luyện nên đặc biệt tinh nhuệ. Sư đoàn 22 Bộ binh có bốn đại đội thám kích, Trung úy Trần Quí Sách (Trần Hoài Thư) là trung đội trưởng của đại đội thám kích 405, có hậu cứ tại đồi Bánh Ít, huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định.

Muốn đến đồi Bánh Ít (cũng gọi là tháp Bánh Ít hoặc Tháp Bạc), có thể đi xe đò, xuống xe tại ngã ba Bà Gi rồi đi bộ một đoạn không xa lắm. Ra trạm gác đón tôi, anh nói: “Nghe ông tướng báo có người nhà đến thăm, mình không tin. Con bà Phước làm gì có ai đến thăm”. (Sau này anh viết: “Gặp nhau mà ngạc nhiên đến ngỡ ngàng”). Tôi nói: “Nhân đi công tác các chi khu phía bắc tiểu khu Bình Định, tiện thể ghé thăm anh”.”Lính gác nói ông từ bên compound cố vấn đi qua?” “Đúng vậy. Trực thăng đáp bên đó.”

Chỗ ở và làm việc của trung úy Trần Quí Sách chỉ là một căn hầm lợp tôn gần đỉnh đồi, cách chân tháp một đoạn đường đất. Tôi lấy làm lạ về sự sơ sài, tạm bợ của căn hầm. Nó không được bố phòng đủ để tránh pháo kích và đánh trả nếu bị tấn công. Những đà gỗ gác ngang thưa thớt không chịu nổi một lớp bao cát-mà đúng ra ít nhất phải bốn lớp, các vách xung quanh cũng không có bao cát. Còn may là đáy hầm được đào sâu đủ để tránh đạn bắn thẳng khi nằm ngủ. Những căn hầm khác cũng vậy, đào các hố chữ nhật bên cạnh con đường đất chạy quanh các ngôi tháp cổ, rồi dựng cột, lợp tôn. Các tháp cổ hoàn toàn hoang phế, trong lòng tháp trống trơn. Dù vô tình hay cố ý, đại đội thám kích 405 đã dùng các tháp này như những công sự đỡ đạn pháo kích của VC. Tôi thường làm việc với các đơn vị diện địa- giành dân, đóng đồn giữ đất- lần đầu tiên đến hậu cứ của một đơn vị cơ động nên thấy lạ và không yên tâm cho ông bạn mình. Nhưng trung úy Sách nói: “Bọn này chuyên đi ăn đêm, chỉ về hậu cứ vào ban ngày.”

Anh mượn đâu đó một chiếc Honda chở tôi xuống núi, đến ngã ba Phú Tài, vào một quán cà phê có cô hàng xinh đẹp. Kể cũng lạ, lính tác chiến thứ dữ mà lại thích nghe Khanh Ly hát nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn. Rõ ràng là, bên này “Hãy sống dùm tôi, hãy nói dùm tôi, hãy thở dùm tôi/ Thịt da này dành cho thù hận/ Cho bạo cường cho tham vọng của một lũ điên” khó mà thắng được bên kia “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao/ Dù đạn bom man rợ thét gào”. Quả thật là “có người lính nào bi tráng như người lính miền Nam?”

Anh ốm nhom và cao lênh nghênh. Khi tiễn tôi qua bãi trực thăng bên ban cố vấn, tôi thấy bóng anh

 xiêu đổ bên bóng tháp.

Mấy tháng sau tôi được chuyển về Bộ tư lệnh (BTL) tiền phương Quân khu 2 và lại được gặp anh thường xuyên hơn. Kể chuyện này nghe chơi, khi chọn đơn vị, thấy chữ “tiền phương” ai cũng ngán, tôi lên sau, chọn đại, chẳng dè gặp may. Ai đời bản doanh BTL tiền phương mà lại là Đại khách sạn - Grand Hotel, nằm ngay mặt tiền bờ biển Nha Trang. Hỏi ra mới biết, vì BTL chính nằm ở Pleiku nên bản doanh ở Nha Trang được gọi là “tiền phương”. Quân đoàn chuyên lo quân chính quy, quân khu lo diện địa gồm địa phương quân-nghĩa quân và bình định, xây dựng nông thôn. Tôi về BTL tiền phương Quân khu 2, đi làm như công chức, sướng đến mức mọc lông lưng. Vừa lúc tôi về BTL tiền phương, trung úy Trần Quý Sách “vô kỷ luật”, cũng bỏ đơn vị về Nha Trang vui chơi với anh em văn nghệ. Anh Huy Hoàng có căn nhà bỏ không ở Rọc Rau Muống cho tôi ở coi nhà, tôi rủ Sách cùng về ở cho vui. Nhưng anh chỉ ngủ ở đó một đêm rồi bỏ đi lang thang, khi thì theo Nguyễn Sa Mạc ngủ trên căn gác sau nhà sách Huy Hoàng, khi thì theo Nguyễn Cao Thâm ngủ ở nhà thờ Tin Lành, khi thì theo Lê Minh ngủ ở khu chuồng ngựa Viện Pasteur. Về sau anh nói, Rọc Rau Muống-Nha Trang gắn liền với những kỷ niệm ám ảnh đến quay quắt của tuổi thơ côi cút khiến anh không dám ngủ đêm ở đó. Cũng ở Rọc Rau Muống cái đêm hôm đó, tôi gọi bà bán bánh ú dạo vào mua mấy cặp hai anh em cùng ăn. Tôi thấy anh vừa ăn vừa lau nước mắt. “Mẹ tôi cũng bán bánh ú-vịt lộn”. Từ đó tôi hiểu vì sao anh lại rất nhạy cảm với tiếng rao hàng của những người đàn bà bán hàng dạo ban đêm.

Sáng nào tôi cũng rủ Sách và Nguyễn Sa Mạc, Nguyễn Cao Thâm đi ăn bánh căn. Một đôi lần có cả Đỗ Nghê. Cuối tuần Phạm Văn Nhàn từ quân trường Dục Mỹ về nhập bọn, có thêm Lê Minh, được anh Huy Hoàng đãi bò bảy món hoặc mỳ vịt tiềm. Vui chơi chừng được hơn một tháng, Sách vào Phan Rang ở mấy tuần với Nguyên Minh và nhóm Ý Thức rồi ra lại Nha Trang đi trình diện Trung tâm 2 Tuyển mộ và Nhập ngũ. Anh bị giáng chức và chuyển đến một đơn vị bộ binh thuộc sư đoàn 23 ở tận Dakto, Tây Nguyên. Đúng là tranh vỏ dừa gặp vỏ dưa. Hôm tiễn anh ra bến xe Nguyễn Hoàng- Nha Trang để đi Ban Mê Thuột nhận đơn vị mới, có Phạm Văn Nhàn, Nguyễn Sa Mạc. Anh Huy Hoàng trước đó cũng đã đi nhận đơn vị mới nên chỉ gởi tặng anh ít tiền lận túi. Đường ra trận buồn hiu, không có em gái hậu phương nào bịn rịn, cũng chẳng hẹn ngày về. “Có người lính nào bi tráng như người lính miền Nam”. Lúc uống cà phê chờ lên xe, tôi nói: “Khi tiễn tôi trên đồi Bánh Ít, thấy bóng anh xiêu đổ bên bóng tháp, tôi cam chắc anh được Bà che chở, dù anh có đi đến nơi hung hiểm nào cũng vẫn cứ bình an. Tuy vậy, anh nên bảo trọng”.

Quả như dự đoán, không đầy một năm sau, anh được thuyên chuyển về Bộ tư lệnh Quân đoàn 4, tà tà làm Sĩ quan báo chí. Thiệt là, chỉ thua con cò có hai cái cánh!

NGUYỄN ÂU HỒNG
Vancouver, Feb 10. 2018
Nguồn: Quán Văn Số 84 - Tháng 12 - 2021