Thursday, May 30, 2024

3409. LÊ THỊ HOÀI NIỆM Nhớ về Văn/Thi sĩ Trần Hoài Thư.

 

Trần Hoài Thư trong phòng in ấn các tác phẩm của Thư Ấn Quán
và Tạp chí Thư Quán Bản Thảo- Đứng bên cạnh là Tô Thẩm Huy.
Ảnh Phạm Cao Hoàng - New Jersey, 7 tháng 6.2017

“Anh Trần Hoài Thư đã mất hồi sáu giờ ba mươi phút sáng nay rồi nhen em!”

Giọng buồn buồn của anh Phạm Văn Nhàn khi cho tin, tôi sững người và lặng yên,… cầu nguyện.

May mắn cho chúng tôi là được anh Phạm Văn Nhàn thường xuyên liên lạc và cho tin về bệnh trạng của anh Thư.

Nhớ hôm anh Nhàn sang nhà tôi, anh em đang ngồi nói chuyện thì có phone của anh Trần Hoài Thư gọi cho anh Nhàn: “Yến đi rồi ông ơi!...” rồi anh khóc huhuhu…, chúng tôi cũng khóc theo mà không thành tiếng, nhưng rồi giọng anh lại ráo hoảnh: “ thôi như vậy cũng khỏe cho bà ấy, nằm một chỗ đã mười hai năm rồi…”. Vừa buồn cho anh mất đi người thân, nhưng thật lòng…an ủi anh Thư vì chị Yến đã được giải thoát, chị đi cho nhẹ thân xác chị và cho anh Thư còn có thì giờ chữa bệnh cho anh, hy vọng anh khỏe và sẽ có cơ hội đi thăm viếng bạn bè nhiều hơn, Nhưng…hết rồi!

Và tôi với anh Nhàn lại nhắc về anh Trần Hoài Thư, anh kể về những ngày còn ở khu 6 Qui Nhơn, nơi có căn nhà anh thuê để những khi có phép các anh về trú ngụ, nơi đó có hai người Giáo Sinh Sư phạm Qui Nhơn khóa 6, là hai nhà thơ nổi tiếng: Lê Văn Trung và Phạm Cao Hoàng, và tôi là “đàn em” của họ vì học khóa 8 nên biết nhiều về những người…muôn năm cũ của trường SPQN…

Và anh cũng nhắc về những ngày quí anh ở Nha Trang, nơi có nhà sách Huy Hoàng, có “trung tâm nuôi dạy trẻ bụi đời” do anh Huy Hoàng đảm trách, có “căn gác xép” để mỗi khi về Nhatrang, anh Trần Hoài Thư và quí anh đến trú ngụ ở đó. Và chính tôi, lại là người tình nguyện phụ trách dạy chữ cho các em bụi đời ba buổi trong tuần.. Căn gác xép của mấy ông lính trận lại lần nữa có duyên tôi biết đến, nhưng chuyện…quen biết với mấy ông thì lại…vô duyên. 



Trần Hoài Thư và bằng hữu ở Houston, Texas hôm 3 tháng 9. 2022
Hàng trước: 
Lê Thị Hoài Niệm (Thứ ba, từ trái)
Trần Hoài Thư (Thứ hai, từ phải

Đọc tiếp...

Rồi anh hỏi về lý do làm sao tôi “biết” nhà văn Trần Hoài Thư?

Từ ngày rời xa Nha Trang, quê hương và nỗi nhớ luôn gắn chặt bên lòng, để rồi những người Nhatrang xưa quây quần lại với nhau thành lập hội, nhắc lại kỷ niệm xưa và đến với nhau qua Đặc san Khánh Hòa-Nha Trang. Cũng lại là tôi, được …giao nhiệm vụ phụ trách đặc san đó. Biết nhà văn Trần Hoài Thư, người có một thời sống ở Nha Trang, nên tôi đã mời anh góp bài, và anh đã đến với những bài tùy bút khắc ghi kỷ niệm khi còn ở “Rộc Rau muống Nha Trang”, để người Nha Trang cảm khái và đồng cảm với nỗi khó của nhà văn và niềm hãnh diện vì nơi đó đã góp phần “vun bồi” nên một nhân tài văn chương cho đất nước, chẳng hạn “Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang” cũng được viết từ những ngày sống ở thành phố Nhatrang yêu dấu đó..

Để rồi một chiều mưa, mưa Houston không lê thê và rả rích như xứ Huế quê nhà, mưa Houston đổ ào ào như cơn giận của ông Trời mang nước đổ xuống, chỉ cần một giờ mưa là những con đường thấp biến thành …dòng sông cạn. Nhưng chúng tôi, những người đọc âm thầm đã có mặt trong buổi Ra Mắt Sách của nhà văn Trần Hoài Thư ở dưới phố, do những người Cần Thơ, quê hương của chị Yến tổ chức. Đến để nhận sách từ tay tác giả ký tặng, đến để nghe những lời tâm sự chân tình của người suốt đời sống vì chữ nghĩa, sách báo. Anh Trần Quý Sách. Lần đầu tiên tôi trực diện với nhà văn. Đến khi tờ Thư quán Bản Thảo ra đời, thì tôi cũng nhận được tập sách đầu tiên, và nhiều sách báo nữa cũng được anh gửi tặng. Tôi cũng có cơ hội trao đổi với anh về chuyện những “lao công đào binh” ngày trước, khi tôi giữ một tiết mục hằng kỳ trên tờ báo “Con Ong” tại Houston.

Đã mấy lần anh chị về Houston, chúng tôi đều có gặp nhau chào hỏi. Nhưng mãi đến khi anh Phạm Văn Nhàn về định cư tại Houston, thì cơ hội chúng tôi gặp gỡ anh Trần Hoài Thư nhiều hơn trước.

Mỗi lần anh về, các anh chị qui tụ lại với nhau để đưa anh đi đến những nhà hàng Việt nam,  để anh còn tìm lại được bữa cơm gia đình với canh chua cá kho tộ mà anh thích, vì nơi anh ở thật khó tìm. Để khi anh sắp về lại nhà,  chúng tôi lại đi mua những thực phẩm khô dự trữ để anh mang về…nấu ăn cho chị Yến. Thương quí tấm lòng của một “người chồng” ngày ngày săn sóc lo từng bữa cơm nuôi vợ bị bệnh nằm một chỗ. Tình nghĩa của vợ chồng nhà văn Trần Hoài Thư được anh nhắc đến từng trang trên tờ Thư Quán, khiến người đọc như chúng tôi không cầm được nước mắt mỗi lúc nghĩ về.

Nhưng bây giờ và mãi mãi không còn cơ hội gặp lại anh nữa rồi, “Tiên ông đạo cốt” anh rất thích mỗi lần nghe cô em gọi ông anh, đã chỉ còn là dĩ vãng.

Anh đi, Bạn bè của anh mất Trần Hoài Thư, người đọc sách mất Trần Quý Sách.

Cháu Thoại mất cả bố mẹ chỉ trong thời gian ngắn ngủỉ ba tuần lễ, nỗi mất mát lớn quá, mong cháu có nhiều nghị lực để vượt qua.

Một nén nhang từ xa gửi về nơi anh ở. Nguyện cầu Linh hồn anh sớm về  chốn vĩnh hằng gặp lại Chị Yến. Từ nay không còn vướng lụy chuyện phiền não chốn buị trần.

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật!

Lê Thị Hoài Niệm
Houston, 27/5/2024