Thursday, May 30, 2024

3408. NGUYỄN ĐÌNH HIẾU Giấc mơ với Trần Hoài Thư

Trần Hoài Thư và Nguyễn Đình Hiếu
Ảnh Phạm Cao Hoàng - Virginia, 4.2022

Ba ngày trước khi biết tin Trần Hoài Thư qua đời, tôi có gọi điện thoại cho nhà văn Ngô Thế Vinh và nhà văn Phạm Văn Nhàn để nói về ý tưởng của (riêng) tôi là sẽ chọn những sáng tác văn, thơ của Trần Hoài Thư (đã đăng trên Tạp chí Thư Quán Bản Thảo [TQBT] từ tập 1 năm 2001 cho đến những tập giai phẩm đã phát hành vào cuối đời của ông) làm thành một cuốn sách. Hai nhà văn này không phản đối mà tôi còn nhận được tin nhắn: “Nguyệt Mai có thể giúp Hiếu một tay trong công trình này. aVinh nghĩ vậy.”

Vì không có bản gốc của bộ TQBT, nên công việc “sưu tập” của tôi khá nặng nề. Đó là những việc làm gồm nhiều bước cần phải kiên nhẫn và cẩn thận:

- Vào blog tranhoaithu42.com

- Kiếm trang blog ghi ngày 21 tháng 4, 2020 thông báo toàn bộ tạp chí TQBT được đưa lên online

- Click vô “Số … – Tuyển Tập Thơ Văn”

- “Screen-shot” trang bìa và từng hai trang một của số tạp chí được làm thành cuốn sách lật điện tử (digital flipbook)

- Dùng Photoshop của Adobe hay Paint của Windows để chia ra từng trang chẵn, lẻ

- Dùng Google Focus để copy text trong file hình có chữ, sau đó paste text vô file Word

- Copy text trong file Word để dàn trang thành sách bằng Indesign của Adobe.

- Đọc kỹ lại từng câu, từng đoạn vì Google Focus đôi khi đoán lầm chữ hoặc làm sai thứ tự các đoạn văn, thơ

- Sửa các lỗi đánh máy, lỗi chính tả, lỗi kỹ thuật, v.v…

 Và cho đến buổi tối thứ ba kể từ khi bắt đầu công việc này thì tôi chỉ mới dàn dựng được 174 trang (đã edit text đàng hoàng) của 10 tập TQBT đầu tiên.


Trần Hoài Thư và Nguyễn Đình Hiếu
Ảnh Phạm Cao Hoàng, Virginia, 4.2022

Đọc tiếp...

Lạ lùng (hay không lạ lùng lắm!) là khi tôi tập trung trí lực để làm một project sách báo nào đó, tôi thường bị ám ảnh bởi những câu chuyện, những bài thơ của tác giả mà tôi đang đọc, hay đang sửa lỗi cho từng dòng, từng đoạn, từng bài. Nỗi ám ảnh đó (vô tình hay cố ý?) đã len lỏi vào những giấc mơ ngắn hay dài, có thật hay không tưởng của tôi khi tôi ngủ (mơ). Và trong đêm thứ ba làm sách về “Trần Hoài Thư trên Thư Quán Bản Thảo” (tựa đề sách tạm đặt), tôi nằm mơ thấy Trần Hoài Thư và tôi, hai người thảo luận với nhau về cái bìa của cuốn sách. Bìa sẽ có hình đủ cả trăm cuốn TQBT? Hình chân dung của Trần Hoài Thư nhìn thẳng hay nhìn nghiêng? Hình chụp hay tranh vẽ? Hình tác giả sẽ nằm ẩn khuất dưới chồng sách hay lộ hẳn ở phía trên?…  Dĩ nhiên giấc mơ đó của tôi với Trần Hoài Thư phải dang dở và kết thúc khi tôi … thức giấc! Đã thức dậy rồi thì phải làm vệ sinh cá nhân, dọn dẹp giường gối, tự pha ly cà phê sữa nóng, mặc thêm chiếc áo khoác, ra sân sau để vừa phì phèp điếu thuốc, vừa nhâm nhi cà phê, đồng thời mở cellphone để đọc email, message hoặc tin tức thời sự trên những trang online của AP, Reuters, Politico,…

Và một trong những email và message mà tôi đọc được vào đầu buổi sáng hôm đó (27 tháng 5) ngay sau khi nằm mơ thấy Trần Hoài Thư trong đêm là một tin rất buồn: “Trần Hoài Thư vừa mất lúc 6:35am ngày 27 tháng 5, 2024.”

Cho đến khi gõ phím những dòng chữ này (một ngày sau khi Trần Hoài Thư mất) thì tôi cũng vừa làm xong mẩu Phân Ưu của nhóm “Tuyển Tập Doãn Dân” để đăng trên nhật báo Người Việt vào cuối tuần này; và cũng mới “dàn” thêm được tổng cộng 216 trang từ 13 tập Thư Quán Bản Thảo đàu tiên. Do thôi thúc bởi email của anh Phạm Cao Hoàng từ Virginia “khích lệ” (hay nhắc nhở) những người quen biết với Trần Hoài Thư kể lại những kỷ niệm với người vừa quá vãng, tôi đành phải tạm đóng software Indesign (dùng để layout sách báo) để tự nhắc nhớ lại với chính mình về những kỷ niệm với Trần Hoài Thư.

***

Trước 1975, khi còn là một đứa học trò biết làm báo (ronéo) và thích đọc sách, thỉnh thoảng cũng có dăm ba bài văn thơ “tuổi mới lớn” đăng trên Tuần báo Tuổi Ngọc của Duyên Anh, chắc chắn là tôi có đọc đâu đó trên các tạp chí Văn, Văn Học hay Khởi Hành hoặc Bách Khoa một số sáng tác của Trần Hoài Thư. Cho đến lúc đó, tôi chỉ biết ông là một người khá đặc biệt: vừa cầm súng và vừa cầm bút.

Sau 1975, khi còn ở lại quê nhà, tôi hầu đánh mất thú tiêu khiển là làm báo và đọc sách, nên tôi tưởng như mình đã quên bẵng cái tên Trần Hoài Thư trong ký ức.

Mãi cho tới khi chính thức định cư ở Hoa Kỳ, lần mò đọc sách tiếng Việt in ở hải ngoại, tôi đã tìm lại được niềm vui khi mua sách và đọc sách. Và khi “bán chính thức” bước vô nghề “layout” (trình bày) sách báo, vì công việc phải làm, tôi đã phải sưu tập sách báo (mua, được tặng,…) và tài liệu văn học trên Internet. Công việc này giúp tôi được đọc sáng tác của những tác giả từng có “thương hiệu” (nhà văn hay nhà thơ) trước 75, còn ở trong nước hay đang sống ở hải ngoại, còn sống hay đã chết,… và dĩ nhiên cũng được đọc thêm tác phẩm của những tác giả chỉ bắt đầu sáng tác khi sống cuộc đời tị nạn, tha hương sau biến cố 75.

Qua đây, gặp lại bạn cũ và quen thêm bạn mới. Anh Bùi Đường, một người bạn mới là kỹ sư đang làm cho hãng máy bay Boeing, đã cho tôi mượn hai cuốn sách dày cộm (mỗi tập dày hơn 800 trang) tựa đề “Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến” tập I và tập II do Thư Ấn Quán xuất bản. Nhưng chỉ một, hai năm sau, anh “đòi lại” sách cho mượn, dĩ nhiên tôi phải “trả lại” hai tập sách ấy trong khi tôi vẫn cần có chúng để làm tài liệu. Thế là tôi phải mày mò hỏi người này, người kia. Có ai đó nói với tôi rằng: “Tìm cách liên lạc với Trần Hoài Thư là ‘ra’ sách, vì ổng là người sáng lập ra Tạp chí Thư Quán Bản Thảo và Thư Ấn Quán.” Tôi hỏi thăm nhà thơ Thành Tôn (vì ở gần nhà), nhà thơ cho tôi biết số điện thoại của Trần Hoài Thư, nhưng gọi hoài mà không kết nối được (về sau mới biết là tôi đã ghi sai số điện thoại đó). Cho đến khi liên lạc với nhà thơ nữ Như Thương – tên thật của Phạm Kim Hương, là đồng môn Trung Học Tổng Hợp Banmêthuột với tôi – mới hay cô nàng có mối quên biết thân tình với Trần Hoài Thư vì gọi ông là “anh Cả”. Nhờ vậy, tôi đã gọi được điện thoại cho Trần Hoài Thư để xin mua hai tập thơ tôi cần. Cẩm Liên, vợ tôi, trả tiền trước cho ông bằng PayPal (lúc đó chưa có dịch vụ Zelle), và khoảng một tuần sau tôi nhận được hai cuốn sách được gửi bằng đường Bưu Điện từ một thành phố thuộc tiểu bang New Jersey xa lắc. Từ đó, tôi mới “hân hạnh” quen biết Trần Hoài Thư, nhưng chỉ ở mức độ “cầm hơi”: khi nào có chuyện cần thì mới gọi điện thoại hỏi han. Tôi quen miệng xưng “em”với Trần Hoài Thư, còn ông thì thoải mái xưng “anh” với tôi. Rõ là “tình bạn” không có giới hạn tuổi tác!

Mãi cho đến tháng 7 mùa hè năm 2021, nhóm thực hiện project “Tuyển Tập Doãn Dân” chúng tôi lần đầu tiên tụ họp tại Virginia để thảo luận về project nói trên. Và chúng tôi đã có một chuyến đi rất thú vị, nhiều kỷ niệm, đầy ắp tiếng cười sảng khoái với Trần Hoài Thư trong ba ngày và hai đêm lưu trú lại New Jersey. Ngoại trừ Như Thương đã quen biết với ông từ trước, chín người còn lại chúng tôi lần đầu tiên mới “giáp mặt” với Trần Hoài Thư sau 1975 (riêng gia đình nhà văn Doãn Dân đã quen biết với Trần Hoài Thư tại Qui Nhơn từ những năm trước 1972).

Khi “phái đoàn Doãn Dân” tái ngộ với Trần Hoài Thư, tôi thường đóng vai của một “kỹ thuật viên”: chụp hình, thâu âm, quay phim. Buổi tối đầu tiên ở New Jersey, sau bữa cơm chiều, chúng tôi ngồi quây quần với nhau ở patio ngoài trời của khách sạn. Trong lúc mọi người cười nói, tôi lặng lẽ ký họa thật nhanh chân dung Trần Hoài Thư trong ánh lửa lập lòe của cây đèn sưởi.

Ngày thứ nhì ở New Jersey, tôi “được phép” ở lại một mình tại căn nhà của Trần Hoài Thư trong lúc mọi người về khách sạn nghỉ trưa. Tôi hỏi Trần Hoài Thư có đồng ý cho chúng tôi thực hiện một số báo chủ đề về ông không? Ông đồng ý. Tôi xin phép ông cho tôi được chụp lại những bức hình và tranh đang treo trên tường. Trần Hoài Thư chẳng những không từ chối mà còn lôi ra một chồng album của gia đình ông để tôi chụp lại những tấm mà thôi thấy cần thiết phải có để làm tài liệu.

Trong một lúc nào đó, tôi hỏi Trần Hoài Thư:

- Mơ ước cuối đời của anh là gì?

Ông trả lời:

- Anh muốn làm cuốn “Thơ Tuyển Toàn Tập” với bìa cứng, dày cỡ 800 trang, nhưng anh không còn đủ sức để làm.

Như người bắt được của rơi, tôi liền gợi ý:

- Vậy anh hãy để em làm cho anh cuốn đó cho anh. Anh chỉ việc gom sáng tác của anh lại, làm Mục Lục, rồi gửi file Word đến email của em. Em nghĩ, chỉ một tháng là em sẽ làm xong cuốn sách này cho anh.

Chẳng những khoái chí mà Trần Hoài Thư còn hứng khởi móc bóp đưa tôi một số tiền (tượng trưng) và nói muốn in 50 cuốn để tặng bạn bè. Tôi cũng “vui vẻ” cất tiền ông đưa vì mình đâu có giàu có gì để có thể đặt in một lúc 50 cuốn sách dày 800 trang với bìa cứng!

Buổi trưa hè ở New Jersey rất nóng, nhà Trần Hoài Thư có mở máy lạnh nhưng hình như máy lạnh nhà ông không ở tình trạng “good” lắm, hay hết gas không chừng, nên nhà vẫn nóng hầm hập. Không chịu nổi cái nóng, Trần Hoài Thư cởi trần, tôi bèn bắt chước cũng cởi trần theo. Thế là trong nhà Trần Hoài Thư có hai người đàn ông cởi trần: một “già” một “ít già hơn”, một cao một thấp, nhưng cả hai đều ốm nhom ốm nhách. Tôi nói với Trần Hoài Thư là tôi muốn chụp hình ông đang cởi trần. Ông không ngại ngần mà còn vui vẻ đứng cạnh bức tranh treo tường có gắn thêm một giải lụa mầu đậm. Khi tôi chụp, ông vừa nhìn bức tranh vừa hát “Em như một giải lụa đào…” (Về sau, một trong những tấm hình tôi chụp Trần Hoài Thư tóc bạc trắng mới được hớt gọn đang cởi trần được tôi chọn làm hình bìa trước cho cuốn “Trần Hoài Thư – Thơ Tuyển Toàn Tập”.) Tôi còn hí hửng móc gói thuốc ra mời Trần Hoài Thư hút, ông cũng không ngần ngại cầm điếu thuốc và định châm thuốc trong nhà. Tôi không chịu, nói “Không được hút thuốc trong nhà,” và rủ ông mở cửa đi ra sân phía sau nhà… Đang phà khói thuốc thì trời bỗng đổ một trận mưa rào khá lớn, hai anh em phải bước vào bên nhà trong, Trời trở nên dịu mát. Một lát sau mọi người quay trở lại để cùng đi ăn tối.

***

Chưa tới một tháng sau đó, sau khi: nhận files, dàn trang, sửa lỗi typo (Trần Hoài Thư làm thơ viết văn thì hay, nhưng sai nhiều lỗi chính tả), trình bày bìa,… mà không hề cho tác giả xem trước bản layout, tôi đặt in tại lulu.com cuốn sách mẫu (proof-reading) gửi cho hai người nhận ở hai địa chỉ khác nhau: Trần Hoài Thư ở New Jersey và tôi ở California. Dĩ nhiên là tôi hoàn toàn không báo trước cho ông biết là sách đã làm xong, đang được in và sẽ được giao tận cửa nhà ông… Và đúng hai tuần sau, Trần Hoài Thư gọi cho tôi và la hét chí chóe trên điện thoại là vừa nhận được cuốn “Thơ Tuyển Toàn Tập” mà không phải ông là người trình bày tác phẩm này của ông. Dĩ nhiên niềm vui (hơi “to tiếng”) của ông cũng là niềm vui của những người làm sách như tôi khi thấy tác giả hài lòng.

Sau đó, Trần Hoài Thư sửa chữa đôi chút từ cuốn sách in mẫu: thêm bài này bớt bài kia, đưa bài này xuống, đưa bài kia lên,… Dĩ nhiên tôi đã “thi hành lệnh” của  tác giả mà không một chút thắc mắc. Cuối cùng ông yêu cầu đặt in và gửi về nhà ông: 50 cuốn đóng bìa cứng, 01 cuốn đặc biệt in premium, đóng bìa loại “dust jacket” (bìa hai lớp: bìa trong bọc vải, bìa ngoài in màu có cánh gấp). Nhưng thật ra chưa phải là cuối cùng, vì sau đó Trần Hoài Thư còn nhờ tôi đặt in thêm để gửi cho bằng hữu của ông ở Mỹ, Canada, Pháp, Đức,… và Việt Nam. Ngoài ra tôi còn layout thêm cái bookmark cho quyển sách rồi đặt in 100 cái để gửi đến ông.

Một hôm Trần Hoài Thư gợi ý với tôi chỉ cách cho ông tự upload và đặt in trên lulu.com để ông có thể đặt in và gửi sách cho thân hữu và độc giả mà không “làm phiền” tôi nữa. Với khả năng tiếng Anh của một người đã tốt nghiệp Master ngành IT, từng đi làm nhiều năm cho hãng Mỹ, cộng với trình độ kỹ thuật cao, Trần Hoài Thư đã dễ dàng tự đặt in sách của mình, của TQBT và Thư Ấn Quán,… để gửi đi, đặc biệt là gửi sách ra ngoài nước Mỹ qua lulu.com thì chi phí rẻ hơn rất nhiều so với gửi sách bằng đường Bưu Điện.

Cho đến giờ thật tình tôi không biết Trần Hoài Thư đã đặt in những tác phẩm gì, bao nhiêu cuốn, gửi cho ai,… qua lulu.com, vì tôi không bao giờ hỏi chuyện đó; nhưng tôi có biết thêm là thay vì đặt in sách bìa cứng mắc tiền, ông đã nghĩ ra đóng bìa cứng cho sách bằng phương pháp và phương tiện … của ông. Vừa có việc làm cho vui, và vừa tiết kiệm được khối tiền.

Đến cuối năm 2021, Nguyệt san KBC đã phát hành số báo tháng 12 với chủ đề “Trần Hoài Thư – Người Lính Cầm Bút”. Báo có 4 bìa màu, dày 96 trang, trong đó có 78 trang trong viết về Trần Hoài Thư cũng như đăng một số sáng tác tiêu biểu của ông.

***

Tháng 4 năm 2022 chúng tôi lại gặp nhau để ra mắt tác phẩm “Tuyển Tập Doãn Dân” tại Virginia nhân 50 năm ngày giỗ nhà văn Doãn Dân (1938 – 1972). Trần Hoài Thư đã có mặt ở đó trước tôi. Đêm đầu tiên ở căn tầng hầm nhà của Quỳnh Như & Ân (con gái út ông bà Doãn Dân), Trần Hoài Thư và tôi được sắp xếp ngủ chung một phòng rộng có một cái giường to đùng. Với tôi thì không có trở ngại gì, nhưng với Trần Hoài Thư thì khác vì buổi tối hôm sau ông xách gối mền ra nằm ở bộ sofa trong phòng khách cũng ở tầng hầm, ông viện lý do “Anh hay đi tiểu đêm, nên ra … ngủ riêng để khỏi làm phiền người khác!” nhưng tôi không biết một đêm ông phải ra vô rest-room mấy lần!

Gia đình Doãn Dân đã tiếp đãi chúng tôi rất, rất nồng hậu. Buổi chiều trong ngày giỗ (vào buổi sáng), chúng tôi được cho đi thuyền chạy trên dòng sông Potonac, vừa ngắm cảnh Virginia và Washington D.C. và vừa ăn hải đặc sản dọc đường sông. Ngồi cùng bàn với Trần Hoài Thư, tôi mới thấy: cho dù “bộ răng” không còn đủ, nhưng ông vẫn còn ăn rất khỏe như một người không hề mang mầm mống bệnh tật nào trong người. Tôi “tự đánh giá sức ăn uống” của tôi thua Trần Hoài Thư vài “level”

Hai ngày hôm sau chúng tôi lại có buổi giới thiệu “Tuyển Tập Doãn Dân” tại studio của anh chị họa sĩ-nhà văn Trương Vũ. Hôm đó có rất đông khách mời trong giới văn học miền Đông; nhưng cuối buổi, khi mọi người ra về chỉ còn lại Trần Hoài Thư và tôi cùng lên Uber với anh chị Cúc Hoa – Phạm Cao Hoàng để đi về nhà anh chị. Nhà thơ và phu nhân tiếp đãi khách rất ân cần là điều khỏi phải bàn, nhưng tối hôm đó chúng tôi (hai người) lại được xếp ngủ chung một giường! Đúng là “chạy trời không khỏi nắng”!

Buổi sáng hôm sau, khi thức dậy đi ra ngoài, tôi đã thấy hai anh Trần Hoài Thư và Phạm Cao Hoàng đã ngồi sẵn ở bàn. Trong khi chị Cúc Hoa chuẩn bị bữa ăn sáng thì ba chúng tôi ra ngồi ở patio sân sau để uống cà phê (chủ nhà “tạo điều kiện” cho tôi ra ngoài nhà hút thuốc). Sau đó chúng tôi vô nhà để ăn sáng và chụp hình kỷ niệm: Trần Hoài Thư và Phạm Cao Hoàng, Trần Hoài Thư và tôi.

Khoảng giữa buổi sáng, thì Ân (con rể ông bà Doãn Dân) lái xe đến, đưa Trần Hoài Thư và tôi đi New Jersey để đưa Trần Hoài Thư về “cố quận” sau mấy ngày căn nhà vắng “độc chủ” (một người). Trước khi chia tay, chị Cúc Hoa còn tặng cho Trần Hoài Thư món bún bò Huế do chị nấu được vô mấy cái hộp nhựa để ông dùng dần khi trở lại New Jersey.

 Đó là lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng tôi gặp Trần Hoài Thư bằng xương bằng thịt. Sau đó thỉnh thoảng tôi cũng gọi điện thoại hỏi thăm ông và ngược lại. Nhưng tính tôi vốn không “nói nhiều”, mà người không những vừa có “nhiều chuyện” để nói và có “năng khiếu nói nhiều” là Cẩm Liên: bà xã của tôi. Cẩm Liên dần dà trở thành “bạn văn” của Trần Hoài Thư vì ông hay gợi ý để Cẩm Liên viết và gửi bài cho mục “Sống và Viết” trên những số giai phẩm TQBT chuyên đề. Trần Hoài Thư thường nói chuyện với Cẩm Liên về đề tài văn chương, hỏi thăm sức khỏe, tình trạng ăn uống, v.v… Còn tôi thường là người “nghe ké” mỗi khi Trần Hoài Thư trò chuyện qua điện thoại với Cẩm Liên hay được Cẩm Liên kể lại câu chuyện trong bữa cơm…

***

Tôi, đương nhiên không cần làm công việc “phê bình văn học” về “văn chương chữ nghĩa của Trần Hoài Thư. Nếu có muốn nói thêm thì … nếu Trần Hoài Thư còn khỏe mạnh, tôi có thể xin phép để “chỉ” cho ông một số “chiêu” khi trình bày sách báo, nhất là sách báo làm theo tiêu chuẩn của Mỹ. Bất cứ lãnh vực nào thì ”trình độ” của Trần Hoài Thư cũng cao hơn tôi mấy bậc, nhưng trong lãnh vực trình bày sách báo thì tôi nghĩ rằng tôi có thể giúp để ông có thể trình bày sách có bìa có ruột … được đẹp hơn và đúng kỹ thuật hơn.

Nhưng thật lòng mả nói, tôi muôn đời khâm phục tài năng, sức sáng tác và sự sáng tạo của Trần Hoài Thư. Trên đời này, tôi nghĩ, không có mấy người như Trần Hoài Thư. Do đó, sưu tập gom góp những bài viết của Trần Hoài Thư từ TQBT số 1: khi làm việc đó, tôi luôn thấy ông như đang ngồi bên cạnh, hay đứng trước màn hình để đọc từng truyện, từng bài thơ của ông cho tôi nghe qua những con chữ mà ông đã viết mà tôi đang gom chúng lại thành cuốn sách mà tôi đang thực hiện.

Và tôi cũng biết chắc là ông vẫn sẽ (không cần xin phép) để tiếp tục len lỏi vào trong những giấc mơ của tôi để “khích lệ” tôi làm cho xong tác phẩm mà tôi muốn làm và đang làm. Cho dù con đường kết thúc, đối với tôi, còn xa vời vợi với gần 100 số báo còn lại mà không có file gốc, nên không biết công việc này sẽ chiếm mất bao nhiêu giờ, bao nhiêu ngày hay tháng sắp tới của tôi. Tôi nghĩ, “Cứ làm, cứ đi, riết rồi lối cỏ cũng sẽ thành đường mòn…”


Ba tháng trước đây, nhóm “Tuyển Tập Doãn Dân” chúng tôi hẹn gặp nhau tại Virginia vào tuần lễ cuối tháng 6 để cùng đi New Jersey thăm Trần Hoài Thư. Vì đã đặt vé bay đến Virginia vào ngày 19 tháng 6, nên chúng tôi không thể có mặt đầy đủ để dự Lễ Tang của chị Yến, chỉ mong sao Trần Hoài Thư còn đủ sức khỏe để chúng tôi gặp lại ông sau đó như dự tính. Nhưng rồi … ông đã “bay theo cánh chim Yến” sớm, nên chúng tôi cũng phải chuyển ngày đến Virginia sớm hơn để còn kịp chào Vĩnh Biệt Trần Hoài Thư vào ngày 8 tháng 6 năm 2024 sắp tới tại New Jersey.

Nguyễn Đình Hiếu
     California, 29.5.2024