Wednesday, May 29, 2024

3405. NGUYÊN MINH Nghiệp hành

Trần Hoài Thư (1942-2024) = Ảnh Đinh Cường, Virginia, 2012


Phạm Văn Nhàn từ Mỹ đánh Email hối thúc tôi viết bài về Trần Hoài Thư mà tôi đã hứa để Thư Quán Bản Thảo làm một số chủ đề về Người ấp ủ văn học miền Nam trước năm 1975. Làm sao tôi im tiếng được khi giữa Nguyên Minh và Trần Hoài Thư có một mối quan hệ về văn chương rất mật thiết suốt cả thời gian dài đằng đẳng. Cả hai cùng một “lò” Ý Thức trước năm 1975. Sau này, khoảng năm 2000, tại Sài Gòn tôi làm Ý Thức Bản Thảo, chỉ lưu hành nội bộ, được mười số. Cũng thời điểm ấy, bên Mỹ Trần Hoài Thư làm Thư Quán Bản Thảo. Từ Bản Thảo giữa hai tạp chí, nghĩa lại khác nhau. Trong nước “Bản thảo” lưu hành rất hạn chế. Ở Mỹ chữ “Bản thảo” sau chữ Thư Quán như một thương hiệu.

 Nhắc lại kỷ niệm xưa.

Sau Tết Mậu Thân năm 1968 chúng tôi làm tờ Ý Thức quay ronéo trên căn gác ngôi nhà số 11 đường Nguyễn Thái Học Phan Rang, qua lời giới thiệu của Lữ Quỳnh tù Qui Nhơn, Trần Hoài Thư đến với Ý Thức. Một anh chàng cao lêu nghêu, tóc bạc, mang đôi kính cận dầy cộm, mặc bộ đồ rằn rì lính trận gắn huy hiệu đơn vị thám báo. Trong lúc anh em chúng tôi hì hục quay roéo, Trần Hoài Thư chỉ đưa mắt nhìn đầy ngạc nhiên và thán phục. Anh chịu thua, chỉ tìm một chỗ ngồi khuất bóng, cậm cụi viết. Chữ của anh trên trang giấy, nhỏ xíu, khó đọc, nhưng những truyện ngắn đó có một sức hút hấp dẫn mang tính nhân văn của một người lính thời chiến đã làm tôi quyết định xuất bản tập truyện mang tên “Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang”. Anh mang theo một ít ra mặt trận.

Năm 1970, tôi làm Tạp chí Ý Thức hợp pháp ở Sài Gòn, Trần Hoài Thư có tên trong nhóm chủ trương. Mở đầu tác phẩm của Nhà xuất bản Ý Thức do tôi làm giám đốc lại là Trần Hoài Thư mang tên Những vì sao vĩnh biệt. Ngày ra mắt sách được tổ chức tại nhà cô Yến, người đứng tên chủ nhiệm tạp chí Ý Thức, có anh Trần Phong Giao, thư ký tạp chí Văn đến dự.

Ngày ra tác phẩm thứ hai này cũng là ngày Trần Hoài Thư cưới vợ tại Sài Gòn. Anh em Ý Thức làm đại diện nhà trai. Ông Lê Ngộ Châu, tạp chí Bách Khoa đại diện nhà gái. Nhà thơ Đỗ Nghê (Bs. Đỗ Hồng Ngọc) phải dẫn chàng rể đi nhuộm tóc, thay quần áo mới. Chị tôi và nhà văn Minh Quân lo sắm lễ vật trầu cau cho chàng rể.

Tác phẩm cuối cùng, trước năm 1975 là Ngọn cỏ ngậm ngùi, do Nhà xuất bản Tiếng Việt ấn hành với số lượng 10.000 bản.


Nguyên Minh - Trần Hoài Thư - New Jersey, 2012

Đọc tiếp...

Tan hàng, rã đám.

Như một cơn cuồng bão đi qua, cuốn theo, quật ngả mọi thứ, vùi dập tan nát. Lịch sử.

Các chị em tôi bỏ nước ra đi. Tôi và vợ con ở lại chịu trận. Bạn bè ly tán. Biết đâu mà tìm. Văn chương, chữ nghĩa đành vứt đi. Áo cơm bám chặt. Đầu óc rỗng tênh.

Thời bao cấp, tôi dắt vợ con tìm về một nơi thôn quê hẻo lánh, làm ruộng, nuôi heo, sống như một nông dân. Đến thời kinh tế thị trường, các bạn bè tôi ra khỏi các trại Tù cải tạo cũng như một số khác đã ổn định đời sống ở nước ngoài sau lần vượt biên, từ từ chúng tôi mới biết tin tức lẫn nhau.

Tình cờ trong một quán cà phê, tôi với Võ Tấn Khanh nghe được từ miệng những người khách lạ ở miền Tây đến Phan Rang, về một nhà văn xuất thân từ lính thám báo sau khi ra Trại tù mang thùng cà rem bán dạo trước trường học tại Cần Thơ. Tôi giật mình liên tưởng ngay đến Trần Hoai Thư, tôi vội đến hỏi thêm tin tức thì họ cho biết hình như ông ấy đã vượt biên rồi.

Tưởng chẳng bao giờ chúng tôi biết tin tức chính xác về nhau. Nào ngờ qua vài trang wes tôi mới biết được những sáng tác mới về văn về thơ của Trần Hoài Thư trên đất Mỹ. Chuyện hy hữu, trong lần gặp lại “người tình xưa” từ Mỹ trở về, sau gần cả 30 năm, tôi nhờ nàng tìm cách gặp lại Trần Hoài Thư. Vui biết mấy. Cả hai đều ở hai tiểu bang khác nhau, cách xa nhau cả gần 12 giờ ngồi trên máy bay. Thế mà họ đã liên lạc được với nhau. Và, từ đó sợi dây gắn bó giữa tôi và Trần Hoài Thư được nối lại. Thắm thiết.

Trên đất Mỹ.

Như đã hẹn nhau qua Email, tôi sẽ qua Mỹ. Trần Hoài Thư và chị Yến từ New Jersey bay qua San Jose. Tại nhà “người tình xưa” một buổi tiệc nhỏ mừng ngày hội ngộ giữa hai người bạn văn đã từng nung đúc trong một tạp chí văn học một thời Ý Thức. Giấc mộng đưa văn chương làm đẹp cuộc đời qua hai tạp chí của chúng tôi, tuy hai mà một, ra đời, mới hoàn thành. Trong nước, dưới hình thức liên kết với Nhà xuất bản Thanh Niên, tôi ra được Tập san Quán Văn. Ở Mỹ, Trần Hoài Thư tự do làm Tạp chí Thư Quán Bản Thảo. Ly rượu mừng được nâng lên. Tiếng cười vang lên rạng rỡ. Nhìn mặt nhau qua ánh mắt yêu thương. Của vợ chồng Lữ Quỳnh. Của vợ chồng Hồ Thanh Ngạn. Của vợ chồng Trần Hoài Thư. Và, nhất là của Nguyên Minh ngồi bên cạnh “người tình xưa”. Rộn ràng.

Theo vợ chồng Trần Hoài Thư, tôi bay về ngôi nhà Thư Ấn Quán. Khí hậu nơi đây khác hẳn San Jose. Trời lạnh ngắt. Những ngôi biệt thự xinh xắn trong một khu rừng đầy dảy cây cao tỏa rợp bóng mát. Chỉ có hai vợ chồng Trần Hoài Thư sống lạc loài nơi đây. Chung quanh toàn là nhà của gia đình người Mỹ. Trong ngôi nhà này như một thế giới riêng tư. Từ căn hầm kín mít, đầy ấp những kệ sách, những máy in nhỏ nhắn, máy cán bìa láng, máy dán gáy sách, những computeur, màn hình vi tính. Tạp chí Thư Quán Bản Thảo được in ra tại nơi này. Với một cơ sở ấn loát “không giống ai”. Ngày xưa. Còn là một người lính thám kích nhưng đôi mắt cận thị nặng Trần Hoài Thư chỉ biết nhìn, đầy thán phục và ngạc nhiên về cơ sở ấn loát của tôi. Thời đó, tôi chỉ cần một cái máy đánh chữ cá nhân, những tờ stencil, một bàn cắt giấy, vài tupe mực đen, thế mà cũng hoàn thành mấy trăm tập truyện ngắn NỖI BƠ VƠ CỦA BÀY NGỰA HOANG tác phẩm đầu tiên của Trần Hoài Thư. Suốt cả tuần lễ hai thằng bạn già, hì hục bên nhau, cạnh những chiếc máy in để hoàn thành vài chục cuốn Quán Văn từ số 1 đến số 4 và Thư Quán Bản Thảo để mang qua Virginia tặng bạn bè do Phạm Cao Hoàng tổ chức buổi họp mặt tại nhà riêng. Vợ chồng Trần Hoài Thư thi nhau cầm tay lái suốt chặn đường cả sáu giờ xe để tôi ở lại vùng đông nước Mỹ. nhìn dòng sông Potomac. Hai thằng bạn già cùng một đam mê làm báo văn học, ở cách xa nhau nửa vòng trái đất, gặp nhau sau bao nhiêu năm, giờ lại giã từ nhau. Bịn rịn. Giơ tay vẫy chào, hẹn ngày tái ngộ.

Người đồng hành.

Nói về sự nghiệp văn chương của Trần Hoài Thư mà không nói về chị Nguyễn Ngọc Yến là một thiếu sót lớn. Ngay từ cuộc hôn nhân của họ cũng lạ lùng. Chị Yến là độc giả của Tạp chí Bách Khoa, thích những truyện ngắn của Trần Hoài Thư, như duyên trời định, họ trở nên vợ chồng, và suốt cả khoảng thời gian dài đằng đẳng, vượt qua bao nhiêu cuộc đời đầy đắng cay. Chính chị là người cận kề, cánh tay phải hổ trợ, giúp đỡ cho Trần Hoài Thư thực hiện Thư Quán Bản Thảo. Lúc nào chị cũng vui vẻ, động viên cho chồng viết văn, làm thơ, kể cả in ấn và phát hành. Những ngày ngắn ngủi tôi sống và làm việc với Trần Hoài Thư, tôi nhận ra điều này. Cả hai vợ chồng thi nhau lái xe đưa tôi qua New Jork, đến khu phố người Tàu, chen chúc những khách bộ hành, bày la liệt những món hàng giả hiệu, tôi cứ tưởng mình lạc vào khu Chợ Lớn thời xa xưa. Cả hai vợ chồng, từ ngày đến nước Mỹ đã mấy mươi năm vẫn chưa trở về quê hương Việt Nam. Tôi gợi ý nhưng cả hai đều lắc đầu. Đến một vùng biển, trong một casino, chúng tôi ngồi ngoài sân, trời gió lạnh từ ngoài khơi thổi vào, lạnh tê cả người. Trần Hoài Thư chỉ tay về ngoài khơi biển cả. nói nhỏ: “Bên kia đại dương xa vời vợi là quê hương trong trí nhớ.” Còn chị Yến dứng dựa lưng vào vách tường nhìn cảnh những con bồ câu và chim hải âu đang cắn xé nhau dành mồi ăn trên dĩa thức ăn của chúng tôi. Tôi ngạc nhiên và chưa kịp phản ứng trước cảnh tượng này. Trần Hoài Thư đặt cái bánh pizza vừa mới mua ở quay bán thực phẩm bày ra trên chiếc bàn để chúng tôi ăn bữa trưa. Tôi đang nhìn những con chim bồ câu trắng hiền lành đang lửng thửng dưới chân tôi tìm ăn những thức ăn thừa. Bỗng từ ngoài khơi bay vào một bầy chim hải âu, đáp ngay xuống bàn chúng tôi, thi nhau mổ vào cái bánh. Bày chim bồ câu bay lên, cùng xáp vào hùng hổ vươn cánh đưa những chiếc mỏ mổ lia lịa vào đám hải âu. Chúng nó qua một trận quyết chiến. Cuối cùng bày hải âu bỏ vài sợi lông tơ thất trận bay ra biển. Tôi cũng tưởng bày bồ câu chiến thắng này sẽ thế chỗ bày hải âu kia tiếp tục mổ vào chiếc bánh. Những con chim bồ câu trở lại vẻ hiền lành bay xuống đất, lửng thửng những bước chân chim. Chị Yến đưa máy ảnh chụp được cảnh này, chị nói: “Chim và người có khác gì đâu. Ừ nhỉ. Chim bồ câu tượng trưng cho hòa bình. Loài hải âu như bọn hải tặc xâm lăng. Thế đó, anh Nguyên Minh ạ!”

Tôi về lại Việt Nam, chỉ một năm sau, tôi nghe tin chị bị cơn đột quỵ. Trần Hoài Thư, một thân một mình trong căn nhà đó, hằng ngày từng giờ giấc ấn định phải vào thăm chị trong viện dưỡng lão, và vẫn tiếp tục làm Thư Quán Bản Thảo, đáng lý ra anh đã bỏ cuộc chơi nếu không có chị Yến thều thào trên giường bệnh khuyên anh nên tiếp tục dù chỉ còn một mình anh.

Lần thứ hai, tôi qua Mỹ. Gặp anh trong hoàn cảnh này. Anh già hẳn lên. Nhưng gặp tôi cầm trên tay những tập san Quán Văn mang từ Việt Nam qua để tặng Trần Hoài Thư và ngược lại anh tặng tôi cuốn Những Vì Sao Vĩnh Biệt, bản in lại sau gần nửa thế kỷ. tác phẩm này tôi đã xuất bản cho anh đúng vào ngày cưới của anh.

Trần Hoài Thư ơi! Cũng như Nguyên Minh, làm sao bỏ cuộc chơi “văn chương”. Nó như một cái “nghiệp”. Và bây giờ, suốt vuộc đời này cả hai chúng tôi như bị “nghiệp hành”.    

NGUYÊN MINH