Ngày 27-5-2024, một ngày
quá nặng nề, tôi nhận hai tin buồn. Buổi
sáng biết anh Nguyễn Ngọc Mân mất. Buồi chiều biết Trần Hoài Thư mất!
Ngày 27-4 Ngọc Yến ra đi
vĩnh viễn. Đúng một tháng sau là Hoài Thư. Theo sự tin tưởng tâm linh dân gian
thì … có thể Ngọc Yến về đưa Trần Hoài Thư đi, hoặc Hoài Thư theo Ngọc Yến đi.
Cả hai đã không xa cách nhau lâu, đã sớm gặp nhau nơi chín suối. Thế nhưng hai
cái tang liên tiếp khiến cho niềm thương tiếc của bằng hữu còn tại thế tăng lên
rất nhiều.
Nếu
tôi nhớ không lầm thì gặp Trần Hoài Thư lần đầu khoảng năm 1968 hay 1969. Ba
người từ Bà-Gi vào Tuy Hoà là Trần Doãn Dân, Trần Hoài Thư và Nguyễn Kim Phượng.
Dân và Thư sơ ngộ, còn Phượng (Nguyễn Phú Long) đã gặp trước đó, khi anh vào
Tuy Hoà chấm thi. Lần ấy, hình như chúng tôi chỉ đi chơi quanh quẩn trong thị
xã, cà phê thuốc lá thôi. Nhưng tình cảm giữa bốn người đã ươm mầm để nẩy nở về
sau. Gặp Lữ Quỳnh muộn hơn, mà có được tấm ảnh (Lữ Quỳnh và tôi trước nhà in Đồng
Nhân), còn Dân, Thư, Phượng không có tấm ảnh nào. Cũng may tôi còn giữ được bản
thảo truyện ngắn Lạnh Đêm Thâu, viết
tay, và một thư của Doãn Dân.
Về
sau. Là có mấy lần tôi ra Bà-Gi. Có lần với Mang Viên Long, có lần với Phan Việt
Thuỷ. Ghé lại chỗ Doãn Dân trước, đến câu lạc bộ, gặp Nguyễn Kim Phượng, rồi Trần
Hoài Thư. Có lần, năm người (Dân, Phượng, Thư, Long và tôi) trên chiếc jeep do
Doãn Dân lái chạy theo quốc lộ 1, ra hướng bắc, không biết tới đâu. Một chặp
ghé vào quán nước bên đường (ở Đập Đá?) hay bãi biển trò chuyện tứ tung. Thật
vui.
Có
lần Dân, Thư, Phượng vào Tuy Hoà, bốc tôi vô Nha Trang. Vợ Dương Kiền đang vào
Sài Gòn, thật tiện để chúng tôi nghỉ lại nhà Dương Kiền, tự do … như nhà không
có chủ. Chúng tôi gặp hai niên trưởng Võ Hồng, Duy Năng, ngồi ở Cà phê Trang
(đường Lê Thánh Tôn) có Tần Vy, Cà phê Kỳ Ngộ (đường Phước Hải) có Minh Nguyệt
– cô bé Bắc Kỳ nho nhỏ cháu Doãn Dân. Nhậu thì có Phạm Kim Khải, Lê Minh nữa.
Duy Năng thích ngồi vỉa hè, anh gọi đó là “Restaurant de La Hiên”. Hiên là hiên
nhà, bàn nhậu đặt ngoài hiên. Lại vui, thật vui…
Hay
là do cái thời ấy chúng tôi tuy không còn trẻ nhưng chưa già, tấm lòng vẫn đang
phơi phới? Thật sự thì chỉ có Trần Hoài Thư còn trẻ.
Hôm
ở “quán bên đường” Đập Đá (Bình Định) và ở Cà phê Trang, Cà phê Kỳ Ngộ (Nha
Trang) trong cái chung của bốn năm anh em (Niên trưởng Võ Hồng mô phạm đạo mạo,
Phó Niên trưởng Duy Năng cực kỳ lịch sự, Doãn Dân rất mực hào hoa phong nhã),
Thư và tôi còn có đôi điều riêng với nhau. Chuyện nhỏ, chuyện vụn vặt, chuyện
vu vơ… mà là những điều để nhớ mãi trong tình bằng hữu.
Từ ngày Thư vào Nam đến
nay chúng tôi chưa có dịp gặp lại.
Năm
ấy … Tình cờ cô em gái Võ thị Mỹ Dung – dân Marie Curie, quê Vĩnh Long, định cư
ở Mỹ - đang không biết tin tức của tôi, tình cờ đọc Thư Quán bản thảo, thấy địa chỉ Trần Hoài Thư, biết là Thư quen
tôi, điện thoại hỏi, Thư liên hệ về Việt Nam, gặp Nguyễn Lệ Uyên. Thế là tôi được
“gặp” lại cả Trần Hoài Thư và Mỹ Dung, dẫu “nghìn trùng xa cách!”
Tôi
được đọc một số tập Thư Quán bản thảo,
được Thư in lại Thuyền Giấy trong
chương trình bảo tồn di sản văn học Miền Nam. Mới đây, con gái Doãn Dân (Thúy Hạnh)
về có đem cho tôi bản đặc biệt Thư ký tặng.
Không
gặp nhau nhưng tôi vẫn theo dõi công việc của Thư, hoàn cảnh và sức khoẻ của
Thư và Yến. Thật cảm phục công lao của Thư bao nhiêu năm nay. Nhìn ảnh Trần
Hoài Thư lần họp mặt ở nhà con gái Doãn Dân, mái tóc bạc trắng, dáng đứng, dáng
ngồi vẫn còn phong độ. Từ 1968-1969… “Trấp tải hậu tang thương đa biến cuộc”,
hơn 2 lần, gần 3 lần trấp tải, còn nhìn thấy hình ảnh nhau, quý lắm.
Nhớ
những bằng hữu vui vẻ ở Bình Định hồi ấy … Doãn Dân ra đi quá sớm, Mang Viên Long cũng vội
vã, tôi có gặp lại Lữ Quỳnh ở Tuy Hoà, gặp lại Nguyễn Kim Phượng ở Sài Gòn,
chưa gặp lại Trần Hoài Thư. Vĩnh viễn không có được ngày này! Những lần vui vẻ ở
Nha Trang … quý Niên trưởng Võ Hồng, Duy Năng, thân hữu Dường Kiền đã ra đi. Nghe
nói Tần Vy ở Úc, Vầng Trăng Sáng (Minh Nguyệt) không biết soi rọi phương trời
nào!
Anh
Ngọc Mân dân Quảng Nam, hơn tôi 4 tuổi. Làm thơ rất tài tử. Coi thường chuyện
công danh, chức vụ. Sau 1975 anh học “Đại học Ma Thiên Lãnh” rồi được sang Hoa
Kỳ định cư, nhưng nhớ làng xóm, anh em bè bạn trở về sống ở Đà Nẵng. Mấy năm
trước, mỗi khi viết xong tác phẩm tôi nhờ anh đọc lại, sửa lỗi, gọi là “bắt
sâu”, anh đọc rất kỹ dù dài mấy trăm trang, bắt giùm không ít sâu. Chúng tôi có
lần gặp nhau ở Tam Kỳ, đủ mặt bằng hữu xứ Quảng: Xuân Tùng, Huỳnh Hoan, Sơn
Nhân, Trần Ngọc Khuyến, và Tô Trần Giám, ông thầy giáo dân Phú Yên làm rể xứ Quảng,
đều là văn nghệ sĩ tài tử. Giám có trí nhớ hạng “siêu đẳng”, làm phú thì chúng tôi coi là “tuyệt vời”. Nay
Giám, Hoan, Nhân, Khuyến theo nhau ra đi cả, đến lượt Ngọc Mân. Niên trưởng
Xuân Tùng quên quên nhớ nhớ…
Ngày
nào xưa đông đảo thật vui. Bây giờ buồn quá, thật buổn!