Cuốn sách “NHỮNG BÀI CA ĐI QUA MIỀN KÝ ỨC” vừa mới được cấp phép xuất bản,
mặc dù có 4 bài bị kiểm duyệt (mà là những bài hay). Hú hồn!!! Thôi thì, cuốn
sách có hơn 100 bài, mà bỏ đi hết 4 bài thì “chẳng nhằm nhò gì ba cái thứ lẻ tẻ!”,
cũng chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới! Hi hi hi…
Đây là cuốc sách thứ 7 của tôi.
NHỮNG BÀI CA ĐI QUA MIỀN KÝ ỨC cũng giống
như TỘI NGHIỆP BOLÉRO, hai cuốn sách này nó bị bầm dập từ nhà Xuất bản này đi
qua nhà Xuất bản khác, tôi kêu trời không thấu!
TỘI NGHIỆP BOLÉRO đi qua nhiều NXB, nhưng nó
không được cấp phép, vì người ta không biết cái THẰNG BOLÉRO là thằng nào mà tội
nghiệp nó? (hì hì hì) Và cuối cùng nó được NXB Văn Nghệ biết thằng Boléro là thằng
nào nên đã cấp phép (2005, hi hi hi)
Còn NHỮNG BÀI CA BÀI CA ĐI QUA MIỀN KÝ ỨC,
được một NXB sau khi đọc đã phán: Sách chính trị, phản động, có yếu tố nước
ngoài và được bọn phản động nước ngoài tài trợ! (Ôi, đất nước ta có những con
người ngộ quá, không phân biệt được thế nào là chính trị, thế nào là phản động?
Tôi đem chuyện này kể với với mấy người bạn làm báo và xuất bản, có người cười
té… ghế!)
Ôi, sau khi nghe phán một câu trên, tôi cười
như hít phải bong bóng cười!
Tôi biết, cái gì mà có yếu tố nước ngoài thì
phải xem lại thật kỹ, điều này cũng bình thường thôi! Nhưng bất thường là trình
độ hiểu biết âm nhạc!
NHỮNG BÀI CA ĐI QUA MIỀN KÝ ỨC là một cuốn
sách cảm nhận âm nhạc cũng giống như 6 cuốn sách đã được xuất bản: TỘI NGHIỆP
BOLÉRO, ÔNG GIÀ HỪNG ĐÔNG, NHỮNG BÀI CA ĐI QUA CHIẾN TRANH, TRỜI CAO ĐẤT THẤP
CHÚNG TA THÌ..., ỦA, SAO KỲ LẠ VẬY?, KẸO KÉO CHUÔNG VÀ LÚA. Nhưng tại sao nó có
số phận nghiệt ngã?
Nếu biết trước tình trạng này, tôi sẽ đổi tựa
quyển sách thành tên:
-SỐ PHẬN NHỮNG BÀI CA ĐI QUA MIỀN KÝ ỨC. (Tựa
này nghe hấp dẫn và đúng số phận của nó)
Kính mời bạn đọc, đọc bài dưới đây để thấy “yếu
tố nước ngoài” và “bọn phản động tài trợ” nhé.
TRẦN HỮU NGƯ
Đây là bài mở đầu trong cuốn sách
NHỮNG BÀI CA ĐI QUA VÙNG KÝ ỨC:
NHỮNG BÀI CA
ĐI QUA MIỀN KÝ ỨC
CỦA TRẦN HỮU NGƯ
Khi viết những dòng chữ này, thì tôi vẫn
chưa có dịp gặp gỡ Trần Hữu Ngư ngoài đời, tất cả chỉ bắt đầu từ sự yêu thích
và quý trọng những bài viết của ông về âm nhạc.
Những bài viết không dài, nhưng liên tục nhau mỗi ngày trên trang
Facebook cá nhân của ông. Những Tùy bút viết về các nhạc sĩ, những bài bài ca,
những kỷ niệm, những cảm xúc rất thật từ những lời nhạc tạo cảm hứng lan tỏa
cho người đọc nhiều điều mới lạ khi nghe lại những ca khúc ngày xưa.
Giọng văn bình dị của ông già Miền Nam làm
chúng tôi liên cảm tới lối trò chuyện của Vương Hồng Sển, của Hồ Trường An, của
Sơn Nam, của Bình Nguyên Lộc. Tôi bị hấp dẫn ngay từ lần đầu đọc ông, cảm tưởng
như đang ngồi cạnh bên nhau bên tách cà phê buổi sáng, ở một quán cóc bên đường
thảnh thơi nghe kể những mẫu chuyện ngắn ngày xưa từ ký ức một người dành suốt
một đời mình yêu thích một thứ duy nhất là âm nhạc, những bài ca trải dài hơn
sáu mươi năm được cảm nhận sâu sắc, rất bác học và cũng rất bình dân. Như chính
ông tự thuật:
“… Trước 1975 sống ở Bình Tuy, làm thơ, viết
báo với bút hiệu PHAN TRẦN. Viết cho các nhật báo Điện Tín, Hòa Bình, Sóng Thần…
(Có thẻ nhà báo) - Sau 1975 sống tại Saigon có những bài báo trên Thanh Niên,
Tuổi Trẻ, Phụ Nữ, Saigon, Người Lao Động với tên thật TRẦN HỮU NGƯ. (không có
thẻ nhà báo)…”. Bốn mươi năm đó viết báo
với một đề tài duy nhất là âm nhạc, những hiểu biết của ông về các nhạc sĩ, về
các lời ca đúc kết từ những lần gặp gỡ, phỏng vấn, từ những sưu tầm tìm kiếm và
từ những đắm say thưởng thức cảm nhận,
đã cung ứng cho những người đọc ông, cả một kho tàng vô giá về âm nhạc Miền
Nam.
Đề tài trong các Tùy bút của ông thường chỉ
là gợi hứng ban đầu để lan man kể qua các chuyện liên quan, mà từ đó mới là điều
hấp dẫn của bài viết. Thí dụ viết về mùa Thu, ông đã dẫn người đọc tới hàng chục
ca khúc khác nhau của nhiều tác giả, không chỉ
ghi tên bản nhạc mà ông trích dẫn từng lời ca, nêu lên cái đặc sắc của từng
tác giả để đưa người đọc vào một thế giới Thu trong nhạc Việt.
Tùy bút đầu tiên tôi đọc của Trần Hữu Ngư là
bài “Nhạc Thanh Bình trong Chiến Tranh” ông viết:
“…
Trước 1975, tôi nghe nhạc, những bài hát “Tiền chiến” nghe sao Thanh
bình quá, nhẹ nhàng như cơn gió thoảng, êm đềm như ánh trăng, ngọt như dòng suối,
tươi như hoa sớm mai.
Và sau 75, tôi vẫn không bỏ thói quen này,
và càng ngày càng nghe nhiều hơn những bài hát được gọi là nhạc “Tiền chiến”,
nhạc phản chiến, nhạc vàng, nhạc “yểu điệu”, nhạc “tương tư”… Âm nhạc là gì nhỉ?
Người ta đã định nghĩa nhiều rồi. Riêng tôi, nghe nhạc “không phải để giải trí”
mà nghe nhạc để hòa mình vào tâm tư, tình cảm, nghe để thấy, để nhớ, nghe để
giãi bày một nỗi niềm. Nghe một bài hát hay, cảm thấy tâm hồn phấn chấn, một nỗi
đau dịu dàng, những cuộc tình đa phương, đơn phương, có khi là những dày vò, những
tình người bi thương, những phản bội âm thầm, những đa đoan , nghiệt ngã.
Nhạc miền Nam viết trong Chiến tranh, là những
bài hát Thanh bình. Những đau thương được nén xuống, cho niềm vui trổi dậy, cho
trái ngọt đầy cành, yêu thương tràn khắp, “hận thù đi chỗ khác chơi”. Bài hát
nào cũng bàng bạc tình yêu, và chỉ có tình yêu mới làm cho con người ta hy vọng,
hóa giải những bi kịch trong đời. Nhạc Thanh bình trong Chiến tranh nhiều quá.
Làm sao nhớ hết, nói hết, phải một đề tài “cấp nhà nước” tràng giang đại hải, một
sớm một chiều không thể đủ giấy để giải bày! Tôi xin chọn một số bài hát tượng
trưng “nhạc Thanh bình trong Chiến tranh”, mà tôi không cần tìm kiếm đâu xa, nó
theo đôi như hình với bóng…”.
Tôi yêu quý và kính phục quá, những nhận xét
đơn giản và chính xác như thế mà tôi yêu thích nhạc Việt bấy lâu nay mà sao
không nghĩ ra được. Chỉ cảm thấy yêu thích mà không tìm ra lý do tại sao mình
yêu thích. Từ điều đó, tôi liên lạc với ông qua tin nhắn, tôi hỏi ông những bài
viết như thế này ông có ý định ra sách để phổ biến rộng rãi hơn, hay chỉ phổ biến
trên Facebook? Lúc đó tôi biết, từ năm 2005 qua, ông đã lần lượt xuất bản 6 cuốn
sách về mạn đàm âm nhạc như: TỘI NGHIỆP BOLÉRO (nxb Văn nghệ năm 2005) - ÔNG
GIÀ HỪNG ĐÔNG (nxb Văn nghệ 2006) - NHỮNG BÀI CA ĐI QUA TÔI TRONG CHIẾN TRANH
(nxb Văn Nghệ 2008) - TRỜI CAO ĐẤT THẤP CHÚNG TA THÌ…(nxb Mỹ Thuật 2015) - ỦA
SAO KỲ LẠ VẬY? (nxb Mỹ Thuật 2016) - KẸO KÉO CHUÔNG VÀ LÚA (nxb Tổng Hợp 2022).
Và hiện tại ông còn hàng trăm bài viết nữa chưa có điều kiện để xuất bản trình
làng.
Cơ duyên chính là lúc này, khi ông nói bản
thảo cuốn: NHỮNG BÀI CA ĐI QUA MIỀN KÝ ỨC đang có và mong được ấn hành nhưng
không có điều kiện. Và ông gửi cho tôi 102 bài viết đó để xem.
Thú thật là tôi bị cuốn vào văn phong bình dị pha chút bỡn cợt của ông, tôi ngạc nhiên trước
những khám phá mới lạ nguồn gốc các bài hát rất quen thuộc từ lâu, tôi trân quý
những tư liệu về các nhạc sĩ sáng tác, và đặc biệt kính trọng người đã dành cả
đời mình cho kho tàng âm nhạc Việt Nam. Khi kể lại những điều này với một số
tri âm ở miền Đông Hoa Kỳ, tôi nhận được sự đồng tình và cổ vũ của các anh Phạm
Cao Hoàng, Đặng Đình Khiết và Lê Vũ, nên đã mạnh dạn nói với Trần Hữu Ngư là
chúng tôi sẽ tài trợ để anh in tập sách này để phổ biến đến các người bạn thân
thiết đang theo dõi các bài viết của anh trên Facebook.
Trần Hữu Ngư
là tên thật, ông sinh ra ở Bình Tuy - một vùng đất nghèo cuối Trung đầu
Nam - giàu nắng gió và cát biển. Ông có biệt hiệu là ÔNG GIÀ HỪNG ĐÔNG, bởi vì
suốt bao nhiêu năm qua, mỗi sớm mai hừng đông là khởi đầu một ngày sống bằng một
Tùy bút ngắn về âm nhạc, gửi bài đăng báo, hoặc tự phổ biến trên trang Facebook
của mình. Ở lứa tuổi trên 80, ông vẫn lao động kiếm sống và vẫn tiếp tục nhả tơ
cho niềm đam mê âm nhạc mà ông chắt chiu cả đời. Gần nhất, trong Tùy bút “Từng
bước từng bước thầm” đăng trên Facebook ngày 20 tháng 12 năm 2023, Trần Hữu Ngư
viết:
“… Suốt một tuần lễ, tôi sống trong tâm trạng
của một người mang bản án treo.
Nếu có ai đó nói “không sợ chết” là nói xạo!
Ai mà không sợ chết? Tôi cũng sợ chết, nhưng nếu chết vì
già, điều đó cũng là hợp với quy luật trời đất thì tôi không sợ. Nhưng nếu vì
ung thư mà chết, thì đó là điều vô cùng khủng khiếp đối với tôi. Và nếu chẳng
may tôi bị ung thư, thì tôi quyết… không chữa, vì chữa tốn tiền… cũng chết!
Trên đường đi từ nhà tôi đến nhà
thương Gia Định chừng 2 cây số, nhưng tôi quyết đi bộ, từng bước… từng bước… thầm…
Tôi nghĩ, biết đâu, đây là lần cuối cùng tôi đi trên con đường thân quen
này?...”
Xuất bản cuốn sách
này cho tác giả Trần Hữu Ngư, xin coi như một món quà. Trước nhất là món quà
cho những người yêu thích âm nhạc khắp nơi có được một niềm vui khi đọc được những
lời đồng điệu từ một người có quá nhiều ký ức đáng nhớ. Thứ hai như một món quà
gởi tặng anh Trần Hữu Ngư, người mà qua bài viết đã cho tôi sự kính trọng về
tài năng và thương yêu về kiến thức phong phú của một người dành trọn đời cho cảm
thụ âm nhạc.
NGUYỄN MINH NỮU
Miền Đông Hoa Kỳ, ngày 01 tháng 01 năm 2024
*Ghi chú: Ngày mai thứ ba 28, các bạn sẽ biết sách bán ở đâu.