Bạn bè lứa tuổi
tôi tới nay đều đã vượt qua mức tám chịch. Những Cung Tích Biền, Phạm Phú Minh,
Thành Tôn ở Cali. Những Trang Châu, Luân Hoán, Hoàng Xuân Sơn, Võ Kỳ Điền ở sát
cạnh tôi. Vậy mà bảo là già nhất định không chịu. Chắc phải nói sống dai.
Ngay từ năm
1797, Bác sĩ người Đức Huseland đã cho công bố bản phúc trình “The Art of Prolonging Life” (Nghệ Thuật
Kéo Dài Tuổi Thọ), trong đó ông kết luận: “Tuổi thọ con người có thể được kéo
dài gấp đôi so với giới hạn hiện nay mà không khiến các hoạt động hay sự hữu ích
của chúng ta bị ảnh hưởng”. Bác sĩ James Vaupel của Viện Nghiên Cứu Dân Số Max
Planck (Max Planck Institute for
Demographic Research) ở Rostok, Đức, đã viết trong một bài nghiên cứu: “Tuổi
thọ của con người tăng thêm 2 năm rưỡi mỗi thập niên. Nghĩa là 25 tuổi cho mỗi
thế kỷ”. Ông tiên đoán số người trăm tuổi trở lên trên thế giới sẽ tăng 10 lần trong
thời gian từ 2010 đến 2050.
Chúng ta đang ở
giữa thời kỳ này, liệu các ông bạn đồng tuế của tôi có âm mưu ngấp nghé một xuất
bách niên giai lão chăng? Hỏi mấy ông chỉ nhận được cái cười mím chi. Coi bộ
mong muốn một cách khiêm nhường. Ít nhất chúng tôi có các bậc tiền bối đã từng
mở đường. Cụ Nguyễn Công Trứ sanh năm 1778, thời của ông Bác sĩ Huseland, mất
năm 1859, thọ 81 tuổi. Nếu so tuổi thọ trung bình của thời đó, cụ đã phá kỷ lục.
Cụ Nguyễn Khuyến sanh năm 1835, mất năm 1909, sơ sơ thọ 74 tuổi. Thọ đủ để khóc
cụ Dương Khuê, sanh năm 1839, mất năm 1902, thọ 63 tuổi: “Bác Dương thôi đã thôi rồi / Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta”.
Các cụ là những bậc sống dai trong thời của các cụ. Thời nay con người sống dai
hơn nhiều. Chuyện trăm năm coi bộ không hiếm. Nhà văn Doãn Quốc Sỹ, người đồng
thời với chúng tôi, sanh năm 1923, năm nay 101 tuổi, đã đạt mức trăm tuổi còn
chầu thêm một tuổi nữa trên con đường vẫn chưa hết lối đi. Thiệt là một tấm
gương sáng vằng vặc!
Con người có thể
sống tới bao nhiêu tuổi? Kỷ lục hiện nay là 122 tuổi. Đó là tuổi của bà Jeanne
Calment, người Pháp, được coi là người giữ kỷ lục sống dai số một thế giới. Bà
sanh năm 1875, mất năm 1997. Thời của bà, tuổi thọ của phụ nữ Pháp là 45 tuổi.
Vậy là bà chơi thêm 77 năm so với chúng bạn. Gia đình bà có một cửa tiệm mà
Vincent van Gogh thường tới mua vải bố để vẽ. Bà có gặp ông họa sĩ tài danh
này. “Ổng xấu hoắc. Xấu như một con rận!”. Bà về làm vợ ông Fernand Calment vào
năm 1896 khi bà 21 tuổi. Ông này là công tử nhà giầu nên bà chẳng phải động tay
động chân vào việc gì trong nhà. Cuộc sống hôn nhân của bà chỉ có chơi thể
thao: đánh kiếm, đi săn, leo núi, bơi lội, chơi quần vợt và đạp xe đạp thể
thao. Xe đạp là môn bà thích nhất, tới trăm tuổi bà vẫn…đạp.
Năm 22 tuổi bà
sanh cô con gái độc nhất tên Yvonne Marie Nicolle Calment. Cô này về sau cũng
chỉ sanh được một cậu con trai độc nhất tên Frédéric. Cả hai đều chết trẻ.
Yvonne bị bệnh phổi, mất năm 36 tuổi. Cậu con Frédéric mất năm 37 tuổi vì tai nạn
giao thông. Ông chồng Fernand Calment cũng quy tiên vào năm 1942 và ông con rể
Đại tá Joseph Billot cũng bỏ bà ra đi vào năm 1963. Vậy là bà Jeanne sống dai
cô quạnh trên cõi đời. Năm bà trăm tuổi ông Thị Trưởng vùng Arles, sanh quán của
bà, đề nghị làm lễ mừng thượng thọ thiệt lớn cho bà nhưng bà từ chối vì ông này
là “un rouge”, một tên đỏ, ám chỉ ông
là cộng sản. Bà không chơi với mấy anh cộng này!
Năm 1965, khi mới
90 tuổi, bà Jeanne bán nhà nhưng bán theo kiểu
Pháp. Người mua là luật sư André-Francois Raffray. Thay vì bán lấy hết tiền và
giao nhà, ông luật sư trả mỗi tháng 2.500 francs
và chỉ được nhận nhà khi bà Jeanne qua đời. Khi đó ông luật sư mới 47 tuổi, tưởng
ngon cơm nhưng đâu ngờ ông đụng phải một bà
già gân nên thua. Ông mất vào năm 1995, thọ 77 tuổi. Trong ba chục năm tháng
tháng đóng hụi cho bà Jeanne, ông đã chi ra 200 ngàn francs, gấp đôi trị giá căn nhà. Ông Raffrey chết nhưng chưa hết
chuyện. Gia đình tiếc số tiền ông luật sư đã bỏ ra nên đóng hụi tiếp. Bà Jeanne
tiền vẫn bỏ túi nhưng bà đâu còn ở căn nhà này, bà vào nhà già từ năm 1985 khi
được 110 tuổi, đúng chục năm trước khi ông Raffrey hui nhị tỳ. Vào nhà già
nhưng bà chưa chết, nhà vẫn thuộc quyền sở hữu của bà. Khi phóng viên báo Paris Match tới phỏng
vấn bà tại nhà già Maison du Lac, bà khoe là đôi gò bồng đảo của bà còn săn chắc
“như hai trái táo”! Nói cho mấy ông bạn tới nay còn phì phèo điếu thuốc mừng:
bà Jeanne chỉ bỏ hút từ năm 117 tuổi.
Bà già gân này coi bệnh tật như pha. Năm
111 tuổi bà phải vào nhà thương vì bệnh tim nhưng được cứu sống. Sau đó bà bị
phong thấp nặng nhưng cũng được chữa khỏi. Năm 114 tuổi bà đóng phim “Vincent
et Moi”, nói về cuộc đời của Vincent van Gogh. Bà chiếm danh hiệu là minh tinh
màn bạc già nhất thế giới!
Trong nhà già bà sống tự lập, dậy sớm,
tối ngủ vào lúc 10 giờ, dự buổi cầu nguyện mỗi thứ sáu và dự lễ mỗi Chủ Nhật.
Trước sinh nhật thứ 115, bà bị té bể xương hông nhưng được mổ chữa lành. Khi gần
chết mắt bà mới yếu gần như mù, tai điếc và phải ngồi xe lăn nhưng sức khỏe vẫn
tốt. Bà Jeanne mất vào ngày 4/8/1997, thọ 122 năm 164 ngày. Bà đã sống qua 20 đời
Tổng thống Pháp.
Thế giới đều công nhận cụ bà Jeanne
Calment 122 tuổi là người sống dai nhất thế giới. Tuổi tác của cụ đã được minh
xác bởi ba người: bác sĩ riêng của cụ là Bác sĩ Victor Lèbre, nhà lão học
Michel Allard và nhà nhân khẩu học Jean-Marie Robine. Nhưng trên mạng tôi thấy
xuất hiện bài viết “Cụ Già 256 Tuổi Tiết Lộ Bí Quyết Trường Sinh” của tác giả
Trung Hòa. Vậy là thế nào?
Bài viết rất chi tiết về cụ Lý Khánh Viễn,
sanh năm 1677 tại Vân Nam, mất năm 1933, là nhà y dược học đông y nổi tiếng tại
Trung Hoa cuối đời nhà Thanh, đầu thời Dân Quốc, thọ tới 256 tuổi. Năm 100 tuổi
cụ được chính quyền trao tặng giải thưởng đặc biệt về những thành tựu xuất sắc.
Năm 200 tuổi cụ thường đến giảng dạy tại Đại Học. Hai báo New York Time và Time
đã có bài về cụ. Cụ đã sống qua 9 đời Hoàng đế nhà Thanh và thời Dân Quốc. Cụ
có 24 vợ, 180 con. Bí quyết trường thọ của cụ là “giữ một tâm thái bình lặng,
ngồi như rùa, đi như chim sẻ, ngủ như chó cún”. Cụ rất tâm đầu ý hợp với câu
nói của Lục lũng Kỳ, một học giả đời nhà Thanh: “Đủ củi đủ gạo, không lo không
nghĩ, sớm nộp thóc quan, không kinh không nhục, không thiếu nợ người ta để có lợi,
không vào cửa hiệu cầm đồ, chỉ dùng trà nhạt cơm nhạt là có thể trường thọ”. Cụ
Lý Khánh Viễn cũng rất tán thưởng lời của Lão tử: “Chớ làm thân thể mệt nhọc
quá, chớ làm tinh thần dao động, chớ suy nghĩ liên miên. Ít suy tư để dưỡng thần,
ít ham dục để dưỡng tinh, ít nói năng để dưỡng khí”. Cụ giữ một nếp sinh hoạt
điều độ, “ăn không được quá no, ăn no quá thì ruột và dạ dày bị tổn thương. Ngủ
không được quá lâu, ngủ lâu quá thì tính khí hao tán. Cuộc đời ta hơn 200 năm
chưa từng ăn một bữa quá lượng, cũng chưa từng ngủ một giấc quá dài”. Cuối cùng
cụ có lời khuyên cho những người muốn trường thọ: “Những chuyện nhỏ mọn,
mọi người thường dễ nóng vội, như thế ắt sẽ tổn thương thân thể. Nóng
lạnh bất cẩn, đi bộ quá nhanh, tửu sắc dâm lạc, đều tổn thương thân thể, cực kỳ
tổn hại, có thể mất mạng. Do đó chiểu theo thuật dưỡng sinh của tiền nhân, đi
không gấp, mắt không nhìn lâu, tai không nghe âm cực độ, cực đoan, ngồi không
để đến khi mệt mỏi, ngủ không để đến khi đẫy mắt. Cần mặc áo ấm trước khi lạnh,
cần giải nhiệt trước khi nóng, cần ăn trước khi đói, cần uống trước khi khát,
cần ăn nhiều bữa mà ít, chớ ăn một bữa thật nhiều. Phải không có hỉ nộ ai lạc
vương vấn trong tâm, không động niệm phú quý vinh nhục. Đó chính là Đạo trường
thọ”.
Tôi thắc mắc sao thế giới không để mắt
tới cụ Lý Khánh Viễn sống tới 256 tuổi này khi hai tờ báo Mỹ The New York Time
và Time được kể ra là có bài về cụ. Cụ mất vào năm 1933, đâu có xa thời chúng
ta mấy, sao thế giới không ghi nhận kỷ lục sống dai của cụ mà lại suy tôn cụ bà
Jeanne Calment làm bá chủ hoàn cầu về sống dai. Chẳng lẽ vì cụ được “made in China”?
Sống dai là ước muốn của nhiều người, nếu
không muốn nói là tất cả mọi người. Nhiều người cho rằng cõi đời chúng ta đang
sống là cõi tạm, nhưng chúng ta dừng chân ở cõi tạm này quá lâu nên đã coi cuộc
sống hiện có không phải là tạm bợ mà là cuộc sống thiệt. Đang yên vui với gia
đình, con cháu ríu rít, bạn bè hủ hỉ, xóm làng an lành, tự nhiên nhắm mắt xuôi
tay bỏ lại hết để tới một nơi chúng ta chưa từng trải qua, chẳng hiểu nó tròn
méo ra sao, thiệt đứt ruột! Nhiều người có niềm tin tôn giáo về sự hiện hữu của
đời sau coi như có một cái lưới đỡ cho cú nhắm mắt nhảy bừa này. Dù muốn hay
không, chẳng chóng thì chầy, một ngày nào đó chúng ta sẽ phải ra đi. Nhưng nán
thêm được ngày nào hay ngày đó, ai trong chúng ta cũng muốn sống dai. Chúng ta
tìm đủ cách để hoãn ngày trình diện lên chuyến bay định mệnh. Tôi có ông bạn uống
đủ mọi thứ sâm nhung, nấm này nấm kia, tỏi đen tỏi trắng hầu mong sống dai. Sống
dai là sống tới bao lâu, ông cười khì, càng lâu càng tốt.
Sống dai, ai chẳng khoái. Các thày bà bào
chế thuốc nọ thuốc kia biết tỏng như vậy. Họ chế đủ ra mọi thứ thuốc bổ, ngừa tật
này chứng nọ để moi tiền. Mở coi các kênh truyền hình Việt tại hải ngoại, các
quảng cáo đa phần là của các nhà sản xuất ra các loại thuốc giúp kéo dài cuộc sống
của con người. Có ông bào chế ra nhiều loại thuốc, sợ thiên hạ quên nên đánh số
chai thuốc, mỗi chai bổ một thứ, mỗi chai ngăn ngừa một loại bệnh, bệnh chi
cũng ngăn được hết, nghe như cõi đời này giống xa lộ trơn tru, cứ tọng thuốc của
họ vào là...an toàn trên xa lộ.
Tôi nghĩ chỉ khi có bệnh mới cần thuốc.
Không bệnh tật, muốn sống dai chỉ cần có một cuộc sống giản dị, chẳng tốn một
xu teng nào cả. Các nhà khoa học khuyên chúng ta muốn sống dai, ngoài việc giữ
cho tâm trí thảnh thơi, chỉ cần bốn thứ
chẳng tốn tiền chi: nước, ngủ, đi bộ và ăn vừa đủ.
Nước là yếu tố đầu tiên của tuổi thọ.
Không uống đủ nước sẽ gây ra nhiều bệnh. Tuổi càng chồng chất, các chức năng của
các cơ quan trong người càng suy giảm cùng tuổi tác. Càng cộng thêm tuổi càng cần
nước. Cần nước không có nghĩa là khát nước. Cơ thể của lão niên thiếu nước
nhưng họ không cảm thấy khát nước. Vậy cần phải cung cấp nước thường xuyên cho
cơ thể dù khát hay không. Tôi thấy có nhiều người chứa nước trong một chai cần
uống cho một ngày. Cuối ngày chai phải rỗng tuếch. Thói quen này khiến cơ thể không
bị khô da, bài tiết kém hoặc táo bón. Có nhiều người có thói quen rất tốt khi cặp
kè chai nước mỗi khi ra đường. Người cao tuổi thiếu nước dễ bị đột quỵ và vướng
vào các bệnh về tim mạch và máu não. Ngoài nước, nước trái cây hoặc súp, canh
trong bữa ăn cũng cung cấp cho cơ thể thêm lượng nước.
Ngủ là liều thuốc bổ số dách để duy trì
sức khỏe. Một giấc ngủ ngon sẽ khiến cơ thể tránh được mệt mỏi, giúp các dây thần
kinh não tỉnh táo hoạt động, giúp sự chuyển hóa vật chất và giúp các hoạt động
trong hệ thống tim mạch, hô hấp và tiêu hóa. Ngủ là tạo sự nghỉ ngơi cho cơ thể,
giúp cho sự tăng trưởng các mô, nâng cao chức năng miễn dịch, giúp phục hồi sức
khỏe, tạo sức đề kháng chống lại bệnh tật.
Ngủ không chỉ là ngủ đêm. Ngủ trưa cũng là thói quen tốt giúp cơ thể nghỉ ngơi
giữa ngày.
Đi bộ đã được Tổ Chức Y Tế Thế Giới
công nhận là “môn thể thao tốt nhất thế giới”. Các chuyên gia về tim mạch đều
công nhận ích lợi của việc cuốc bộ. Đây là một môn thể thao giản dị, thực hiện
khi nào cũng được. Montreal chúng tôi có một mùa đông dài và rất lạnh nên chuyện
đi bộ vào mùa cắt da này là điều không dễ thực hiện. Dân chúng trọng tuổi nảy
ra sáng kiến đi bộ trong các mall. Vừa
ấm áp vừa vui mắt. Chỉ cần giữ kỹ cái túi tiền không bị các cửa hàng cám dỗ là
được. Nếu ngại choàng áo trong áo ngoài, mũ mãng kín mít tới các mall thì chịu khó chi ít tiền ra mua cái
máy đi bộ treadmill đặt tại nhà. Đó
là chọn lựa của một tên lười biếng như tôi. Ngon hơn thì đặt cái ti-vi trước
máy, vừa đi vừa thưởng thức văn nghệ cho cuộc khổ hình chóng qua. Cuối cùng là
chỉ ăn vừa đủ, nghĩa là khoảng 80% thôi. Đừng ních chặt bụng khó tiêu. Tránh đi
ăn buffet, nơi chúng ta thường ham hố
ăn cho đáng đồng tiền bát gạo.
Thực hiện được bốn điều ít hoặc không tốn
tiền này để giữ sức khỏe, bảo đảm cánh già chúng ta sẽ sống dai. Dai nhách.
Nhưng dù dai thế nào đi chăng nữa cũng không thể trường sinh bất tử. Chuyện này
ngài Tần Thủy Hoàng đã mơ từ khuya nhưng vẫn mồ yên mả đẹp. Với đà tiến của khoa
học, trong tương lai chuyện bất tử sẽ nằm trong tầm tay loài người. Ới các ông
Trang Châu, Luân Hoán, Hoàng Xuân Sơn, Võ Kỳ Điền, ráng lột da sống để chờ tới
ngày trong mơ đó!
SONG THAO
Tháng 4/2024
Ba cụ bát tuần có lẻ: Hoàng Xuân Sơn – Song Thao- Trang Châu
Hai cụ Song Thao và Luân Hoán.